Đề bài: Nêu suy nghĩ về ý kiến sau: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa <br />
về lời nói và hành động của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người <br />
tốt” (Martin Luther).<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
Mới đây, cư dân mạng truyền tay nhau một đoạn clip ghi lại hình ảnh cô gái xinh đẹp đi <br />
xe gắn máy bị một nam thanh niên cướp giữa thanh thiên bạch nhật. Bị cướp bất ngờ, cô <br />
gái mất lái, ngã sõng soài ra đường và nằm bất động. Đáng nói ở đây là có nhiều người đi <br />
đường đi qua chỉ ngó rồi lại đi tiếp, không ai quan tâm đến nạn nhân nằm bất tỉnh giữa <br />
đường ra sao. Thậm chí, còn có người đứng từ xa ngó nhìn rồi móc trong túi chiếc điện <br />
thoại để quay lại sự việc đăng lên mạng cho “nóng”. Họ thật sự chẳng hề mải may gì <br />
đến cô gái tội nghiệp đằng kia. Câu chuyện này để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, suy nghĩ <br />
về cách sống và thái độ ứng xử của con người trong xã hội ngày nay. Cũng bàn về vấn đề <br />
này, M.L.King cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành <br />
động của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người tốt”.<br />
<br />
Con người từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên luôn đối diện với nhiều cung bậc cảm xúc, <br />
nhiều trạng thái khác nhau trong cuộc sống. Vui có, buồn có, hào hứng có, tuyệt vọng <br />
có… và “xót xa”, “im lặng” cũng là những cảm xúc, trạng thái không thể thiếu. “Xót xa” <br />
là một cảm giác đau đớn, nuối tiếc vô cùng sâu sắc. Còn “im lặng” là một trạng thái tĩnh <br />
của con người, là sự không hành động, không phản ứng, thờ ơ hoặc hèn nhát, quay lưng <br />
lại với mọi việc diễn ra xung quanh. Và cuộc sống chúng ta đang sống thì muôn hình vạn <br />
trạng, luôn có những mảng màu đối lập. Con người cũng thế, luôn luôn tồn tại hai loại <br />
người “người tốt” và “kẻ xấu”. “Kẻ xấu” là những kẻ độc ác, tàn nhẫn, là những kẻ ích <br />
kỷ và có những lời nói, hành động làm tổn hại đến những người xung quanh. Ngược lại, <br />
“người tốt” là những con người nhân hậu, bao dung, những con người có tấm lòng độ <br />
lượng, nhân từ, không làm hại đến mọi người. Như vậy, chúng ta cảm thấy “xót xa” với <br />
lời nói và hành động của “kẻ xấu” là đều tất nhiên, rất đỗi bình thường. Bởi lẽ khi nhìn <br />
thấy những cảnh tượng lừa đảo, cướp giật trên đường, những hành vi vi phạm pháp luật: <br />
buôn bán ma túy, mại dâm, giao cấu với trẻ em,..ai mà không khỏi căm phẫn, bất bình. <br />
Nhưng tại sao chúng ta lại “xót xa” hơn trước sự “im lặng” đến đáng sợ của “người tốt”? <br />
Sự “im lặng” ở đây là sự ngầm thỏa hiệp, mặc kệ cho cái xấu, cái ác lộng hành. Đó cũng <br />
là biểu hiện của sự thờ ơ, bàng quan, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của những người <br />
vốn có bản tính tốt đẹp. Điều đó là cách để dung túng cho kẻ xấu làm tổn hại đến mọi <br />
người trong xã hội. Thông qua câu nói của mình, M.L.King đã gửi gắm tới người đọc một <br />
thông điệp hết sức sâu sắc: “Nỗi đau đớn, nuối tiếc do những lời nói, hành động của kẻ <br />
xấu không xót xa bằng việc người tốt không có thái độ, hành động hay bất cứ phản ứng <br />
gì trước việc làm sai trái ấy”.<br />
<br />
Trong tư tưởng một số người, họ nghĩ: “Sự im lặng của riêng họ trước những việc làm <br />
xấu, trái với chuẩn mực đạo đức và luân thường đạo lí là chuyện bình thường, không ảnh <br />
hưởng gì đến cộng đồng, xã hội”. Nhưng họ không biết rằng những ý nghĩ đó là vô cùng <br />
sai lầm. Nếu trong xã hội này mà ai ai cũng có những suy nghĩ lệch lạc như thế thì thử <br />
hỏi cái xấu, cái ác sẽ tiếp tục vẫy vùng, thoải mái lộng hành ra sao nữa? Khi cái ác lộng <br />
hành trong xã hội mà chẳng có sự cản ngăn, lên tiếng bảo vệ lẽ phải thì cái tốt, cái thiện <br />
sẽ mất đi niềm tin vào cuộc đời. Những người yếu đuối, bất hạnh sẽ không được bênh <br />
vực, không được bảo vệ, chở che. Và rồi cái “chân lý” vốn có trong xã hội dần dần bị suy <br />
đồi và mất dần khi không được khẳng định, không được bảo vệ. Hàng ngày, biết bao <br />
những vụ án, những tội ác khủng khiếp xảy ra được đưa tin trên các phương tiện thông <br />
tin đại chúng. Nhưng đáng sợ không kém còn là chính sự tiếp tay, thỏa hiệp âm thầm của <br />
những người tốt bởi sự “im lặng” hèn nhát. Như vụ việc của em N.T.Nhi (12 tuổi), được <br />
báo đăng tin cách đây không lâu. Em bị chính người cha ruột của mình “làm hại”, bị giao <br />
cấu suốt nhiều năm. Những người trong gia đình em (mẹ, anh trai) đều biết nhưng vẫn <br />
giữ “im lặng” vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình. Đến khi em đã biết suy nghĩ, cảm <br />
thấy bản thân mình bị tổn hại nặng nề về mặt thể xác lẫn tinh thần thì em mới báo công <br />
an về hành vi đồi bại của cha mình. Qua sự việc đó, nhiều người đã không khỏi bàng <br />
hoàng và vô cùng bất bình trước hành vi của người cha. Nhưng cũng không khỏi bức xúc <br />
trước sự “im lặng” hèn nhát, đáng sợ của người thân trong gia đình em. Không chỉ riêng <br />
em N.T.Nhi mà trên thực tế còn nhiều trẻ em bị lạm dụng như thế. Và đây cũng chỉ là <br />
một khía cạnh rất nhỏ của tội ác, trên thực tế vẫn còn nhiều điều xấu xa trong xã hội <br />
hiện nay. Sự nhân rộng cái ác như thế một phần cũng là do sự “im lặng” của nhiều người <br />
trong xã hội.<br />
<br />
Đau đớn, xót xa, bất bình trước những việc làm sai trái của “kẻ xấu” là thế. Biết được <br />
hậu quả khôn tưởng của sự “im lặng” hèn nhát, đáng khinh là thế. Nhưng tại sao đến <br />
cuối cùng có một số người vẫn không dám lên tiếng? Sự im lặng xuất phát từ nhiều <br />
nguyên nhân khác nhau. Họ im lặng bởi họ bất lực khi thấy phản ứng của mình trước kẻ <br />
xấu không hề có tác dụng gì hay không nhận được sự đồng tình của số đông. Họ sợ khi <br />
lên tiếng bênh vực người bị hại, họ sẽ bị liên lụy, “rước họa vào thân”. Trên thực tế, <br />
chúng ta không thể phủ nhận rằng cũng có số ít người “lên tiếng” bảo vệ lẽ phải nhưng <br />
lại nhận lãnh những hậu quả đáng tiếc, đáng buồn. Nhưng tôi tin dù có ra sao thì kết cục <br />
cuối cùng vẫn sẽ mang lại sự công bằng, tốt đẹp cho xã hội.<br />
<br />
Ý kiến của M.L.King là một lời cảnh báo nghiêm khắc để cảnh tỉnh con người hãy thôi <br />
đừng “im lặng” nữa. Hãy thôi đừng sống thờ ơ, vô cảm với mọi thứ diễn ra xung quanh <br />
nữa. Và để làm được điều đó, tất cả những gì chúng ta cần làm ngay bây giờ là hãy sống <br />
dũng cảm, có đủ quyết tâm không đồng tình và không bị cái xấu, cái ác lôi kéo. Hơn hết, <br />
nếu chỉ có vài cá nhân chịu đứng lên, dám lên tiếng chống cái xấu thì vẫn không đủ sức <br />
mạnh để thay đổi được nó. Vì thế, mỗi một người trong chúng ta phải đoàn kết lại và <br />
phải cùng chung một tư tưởng là bảo vệ cái tốt, cái thiện, bảo vệ những con người yếu <br />
đuối, bất hạnh. Hãy góp chung tiếng nói của cộng đồng lại để ngăn chặn, triệt tiêu những <br />
“kẻ xấu” đang lộng hành, đang vẫy vùng trong xã hội.<br />
<br />
Khi người tốt “im lặng” là khi xã hội đang đứng trên bờ vực của sự phá sản những giá trị <br />
tinh thần. Bởi “im lặng” là lùi bước cho cái xấu và đó cũng là một tội ác. Hãy coi câu nói <br />
của M.L.King là một bài học. Hãy xoắn tay áo lên và hành động ngay hôm nay, bắt đầu từ <br />
những việc nhỏ bé nhất đến những việc lớn hơn để xã hội ngày càng đẹp hơn, mà ở đó <br />
con người được sống trong yên vui hạnh phúc.<br />