Đề bài: Phân tích mối quan hệ kế thừa – phát triển giữa con người “kẻ sĩ hiện đại” <br />
với con người Nho sĩ truyền thống<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
Lịch sử dân tộc là một dòng chảy liên tục giữa các thế hệ, các giai đoạn theo quy luật kế <br />
thừa – phát triển. Từ hình thái nhà nước phong kiến đến hình thái nhà nước xã hội chủ <br />
nghĩa là quá trình vận động phát triển không ngừng và luôn luôn thay đổi về chất. Tuy <br />
nhiên, có nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được trân trọng giữ gìn. Không biết tự <br />
bao giờ, vai trò của kẻ sĩ đã luôn được đề cao và tôn vinh, dù lịch sử luôn đổi thay với <br />
nhiều biến cố, thăng trầm. Điểu này có nghĩa kẻ sĩ – trí thức là thành phần quan trọng của <br />
xã hội, góp phần làm nên giá trị văn hóa, văn minh cho cộng đồng, quốc gia. Vì thế xem <br />
xét vai trò, đặc điểm của mối quan hệ kế thừa – phát triển giữa con người “kẻ sĩ hiện <br />
đại” với con người Nho sĩ truyền thống là một việc làm cần thiết, giúp các – “kẻ sĩ hiện <br />
đại” – có một cái nhìn khách quan hơn về giá trị của mình.<br />
<br />
“Nho sĩ truyền thống” và “kẻ sĩ hiện đại” được dùng để chỉ đối tượng trí thức trong xã <br />
hội ở những thời đại lịch sử khác nhau. “Nho sĩ” là cách gọi tầng lớp trí thức sống trong <br />
chế độ phong kiến, chịu sự chi phối bởi hệ tư tưởng phong kiến. Mọi giá trị làm nên bản <br />
sắc của Nho sĩ được gói trọn trong ba khái niệm: tu thân, xử thế và chữ nhân. “Kẻ sĩ hiện <br />
đại” là tầng lớp trí thức của xã hội Việt Nam thời hiện đại.<br />
<br />
Như chúng ta đã biết, nhà nước phong kiến sở dĩ duy trì được lâu dài trong lịch sử là vì <br />
các triều đình đã tạo dựng uy quyền trên nền tảng của hai yếu tố: đó là kỉ cương nghiêm <br />
ngặt và sự trọng dụng hiền tài. Trong nhiều thế kỉ, hệ thống tư tưởng, luân lý phong kiến <br />
dựa trên cơ sở tư tưởng của Nho giáo đã thấm nhuần rất sâu vào đời sống tinh thần <br />
người Việt.<br />
<br />
Trong chế độ phong kiến ngày xưa, tầng lớp Nho sĩ được coi là tinh hoa của xã hội, là <br />
nguyên khí quốc gia. Đối với họ thì các tố chất như kỉ cương và tài đức là vô cùng quan <br />
trọng. Nho sĩ là người quân tử trên thờ trời đất, thờ vua ; dưới thờ cha mẹ ; trong thương <br />
yêu anh em, vợ con; ngoài tín nghĩa với bạn bè, làng xóm.<br />
<br />
Nhà Nho tôn thờ Trời nên làm bất cứ việc gì họ cũng phải cân nhắc có hợp đạo Trời hay <br />
không. Đạo Trời ở đây là những quy luật khách quan của vũ trụ mà con người cần tuân <br />
thủ. Nhà Nho đặt lòng trung thành với vua lên hàng đầu vì theo quan niệm Nho giáo thì <br />
vua là Thiên tử (con Trời), thay Trời hành đạo.<br />
<br />
Trung quân ái quốc là lí tưởng cao quý của tầng lớp Nho sĩ, dù là trong bất cứ tình huống <br />
nào, lúc thuận cũng như lúc nghịch, lúc hưng cũng như lúc phố. Thậm chí vua bắt chết là <br />
phải chết, không được phép chống lệnh: Quân xử thần tử thần bất tử bất trung (Vua bắt <br />
bề tôi chết mà bề tôi không chết là không trung thành). Trung quân theo quan niệm của <br />
Nho giáo là trung thành với bậc Thiên tử đứng đầu bách tính, cai trị thiên hạ. Lí tưởng <br />
trung quân thôi thúc kẻ sĩ sẵn sàng xả thân vì vua, vì nước. Trung quân gắn liền với ái <br />
quốc. Gương sáng của lòng trung quân ái quốc có thể kể đến Tô Hiến Thành, Trần Thủ <br />
Độ, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi… Hay như Lê <br />
Lai đã liều mình cứu chúa để Lê Lợi thoát khỏi tình thế hiểm nguy nơi trận mạc<br />
<br />
Các nhà Nho ngày xưa đề cao đạo hiếu. Trên thì trung với vua, dưới thì hiếu với cha mẹ. <br />
Nguyễn Đình Chiểu ra kinh ứng thí, trước ngày thi thì nhận được tin mẹ mất, đã bỏ thì <br />
quay về chịu tang. Dọc đường, do thương khóc mẹ quá nhiều nên bị mù cả hai mắt. Nhà <br />
Nho cũng rất có trách nhiệm với gia đình, thương yêu, lo lắng cho vợ con. Khi không làm <br />
gì giúp ích được cho vợ con thì buồn bực, day dứt và tự trách mình: Cha mẹ thói đời ăn ở <br />
bạc, Có chồng hờ hững cũng như không… (Thương vợ – Tú xương). Nhà Nho coi trọng <br />
tình bạn gắn bó, tri âm tri kỉ. Giai thoại về chàng Dương Lễ để vợ đi nuôi bạn là Lưu <br />
Bình, tạo điều kiện cho bạn mình học hành, đỗ đạt còn lưu truyền đến tận ngày nay. Bài <br />
thơ Khóc Dương Khuê của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến thể hiện tình bạn sâu <br />
sắc và cảm động:<br />
<br />
Bác Dương thôi đã thôi rồi,<br />
<br />
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta!<br />
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,<br />
<br />
Bác với tôi, tôi bác cùng nhau…<br />
<br />
Bạn thân giờ đã mất, để lại một khoảng trống rất lớn trong tâm hồn Nguyễn Khuyến, <br />
không gì bù đắp được:<br />
<br />
Rượu ngon không có bạn hiền,<br />
<br />
Không mua không phải không tiền không mua.<br />
<br />
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,<br />
<br />
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;<br />
<br />
Giường kia treo cũng hững hờ,<br />
<br />
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn…<br />
<br />
Tuy nhiên, do sống trong thời đại phong kiến, chịu sự chi phối của hệ tư tưởng văn hóa <br />
phong kiến nên nho sĩ truyền thống có những đặc điểm riêng tạo thành nét đẹp văn hóa <br />
truyền thống. Đó là lối sống khép mình vào lễ nghĩa, là sự tu dưỡng công phu, trở thành <br />
mẫu mực trong mọi quan hệ xã hội, rèn khả năng kiềm chế, nghiêm khắc với mình (tu <br />
thân). Trong xử thế, “Nho sĩ truyền thống” chú trọng đề cao lối sống theo đạo lí và bằng <br />
cách đó khẳng định nhân cách của mình. Người “Nho sĩ truyền thống” coi trọng ý thức <br />
trách nhiệm, bổn phận với gia đình, cộng đồng và cao hơn tất thảy là Tổ quốc. Kết quả <br />
của ý thức trách nhiệm đó là Nho sĩ được đảm bảo và tôn vinh về danh dự. Khi nói tới <br />
con người “Nho sĩ truyền thống”, còn một điểm nữa không thể không nhắc đến, đó là <br />
mục đích của việc học. Nho sĩ truyền thống coi việc học hành, thi cử và đỗ đạt phải gắn <br />
liền với con đường hoạn lộ, tức là làm quan. Học để giúp vua, giúp nước. Học để có địa <br />
vị, chức tước, uy thế trong xã hội.<br />
<br />
Các nhà Nho xưa ngày đêm quan tâm lo lắng tới việc dân việc nước. Trong thời loạn, họ <br />
sẵn sàng xả thân phò vua đánh giặc. Trong thời bình, họ giúp vua xây dựng giang sơn gấm <br />
vóc với tinh thần: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước thiên <br />
hạ, vui sau thiên hạ). Nguyễn Trãi phò chủ tướng Lê Lợi suốt mười năm kháng chiến <br />
đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Sau khi đất nước hòa bình, ông tiếp tục làm <br />
quân sư cho vua Lê xây dựng nghiệp lớn, mặc dù cuộc đời riêng phải chịu nhiều oan trái. <br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm, quan Trạng nguyên dẫu tuổi đã ngoại chín mươi vẫn ngày đêm lo <br />
lắng cho sự an nguy của xã tắc. Nhà Nho Nguyễn Công Trứ một đời ngang dọc để thực <br />
hiện trọn vẹn nghĩa vụ của một trang nam nhi với vua, với nước, bởi ông quan niệm <br />
rằng: Vũ trụ nội mạc phi phận sự (Trong vũ trụ, không có việc gì mà không phải là việc <br />
của ta), ông cùng với dân mở rộng làng mạc, khai khẩn đất hoang, đào kênh trị thuỷ. Sau <br />
khi qua đời, Nguyễn Công Trứ được dân chúng nhiều nơi lập đền thờ, tôn là “phúc thần”.<br />
<br />
Các nhà Nho xưa coi những câu tục ngữ như: Tốt danh hơn lành ảo, Chết trong hơn sống <br />
đục, Chết vinh hơn sống nhục làm phương châm sống vì ý nghĩa của nó giống với đạo lí <br />
mà họ tiếp thu được từ chốn cửa Khổng sân Trình, từ sách vở của thánh hiền, Vì vậy, <br />
những ai được coi là “kẻ sĩ” đều có phẩm chất, tiết tháo của người quân tử: Phú quý bất <br />
năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (Giàu sang không thể mua chuộc, <br />
nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục). Những ẩn dụ nghệ thuật <br />
tượng trưng cho khí tiết trung thực, thanh cao của người quân tử là hình ảnh cây trúc: <br />
Trúc dẫu cháy tiết ngay vẫn để, hoặc cây thông:<br />
<br />
Một mình lạt thủa ba đông,<br />
<br />
Lâm tuyền ai rặng già làm khách,<br />
<br />
Tài đống lương cao ắt cả dùng<br />
<br />
(Nguyễn Trãi)…<br />
<br />
Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ viết từ thế kỉ XVI đã đề cao tinh <br />
thần khẳng khái, trung thực, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, trừ hại cho dân của <br />
một kẻ sĩ tên là Ngô Tử Văn; đồng thời thể hiện niềm tin vào công lí chính nghĩa nhất <br />
định sẽ thắng gian tà. Ngô Tử Văn đã châm lửa đốt ngôi đền mà hồn ma tên tướng giặc <br />
phương Bắc họ Thôi chiếm giữ để trừ hại cho dân lành trong vùng. Hồn ma tên tướng <br />
giặc kiện chàng dưới Minh ti (Âm phủ). Trước Diêm vương, chàng vẫn không hề sợ hãi, <br />
tìm mọi cách vạch trần bộ mặt giả dối và bản chất thâm hiểm của kẻ bất lương. Cuối <br />
truyện, tác giả bình luận: Than ôi! Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo <br />
không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại sợ gãy mà chịu đổi cứng <br />
ra mềm?<br />
<br />
Ngô Tử Văn là một chàng áo vải. Vì cứng cỏi mà dám đốt cháy đền tà, chống lại yêu ma, <br />
làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và được giữ chức vụ ở Minh <br />
ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.<br />
<br />
Nguyễn Dữ đã mượn lời bình để một lần nữa khẳng định khí tiết cương trực, bất khuất <br />
đáng ca ngợi của người quân tử.<br />
<br />
Trong chế độ phong kiến, việc chiêu hiền đãi sĩ được quan tâm hàng đầu. Trong Bài kí đề <br />
danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba do tác giả Thân Nhân Trung biên <br />
soạn theo lệnh của vua Lê Thánh Tông có câu: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, <br />
nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi <br />
xuống thấp. Trong Chiếu cầu hiền mà Ngô Thì Nhậm thay mặt Quang Trung Nguyễn <br />
Huệ soạn ra sau khi đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, lập nên triều đình nhà Nguyễn có <br />
đoạn mang nội dung khẳng định những kẻ sĩ chân chính, những bậc hiền tài phải mang tài <br />
đức ra phò vua giúp nước, góp phần xây dựng đất nước thái bình thịnh trị: Từng nghe nói <br />
rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao.<br />
<br />
Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tù. Nếu như che <br />
mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì không phải là ý trời sinh <br />
ra người hiền vậy… Trong khoảng trời đất, hiền tài còn ẩn náu, trước đây thì nên như <br />
thế. Nay trời trong sáng, đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây, những ai <br />
có tài đức hãy cùng cố gắng lên, ghi tên tại triều đình, cùng nhau cung kính, cùng nhau <br />
hưởng phúc lành tôn vinh.<br />
<br />
Lí tưởng chung của kẻ sĩ là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Kẻ sĩ coi trọng năm <br />
đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (Nhân để thành người tốt. Nghĩa để thu phục lòng người, Lễ <br />
để luyện tâm chính. Trí để được thành danh. Tín để gặt thành công) và coi đó là quy tắc <br />
sống bất di bất dịch. Dù là đệ tử thánh hiền nhưng sống không đúng với chuẩn mực đạo <br />
đức trên thì cũng không xứng danh là kẻ sĩ chân chính.<br />
<br />
“Kẻ sĩ hiện đại” đã kế thừa và phát huy phẩm chất cao đẹp của Nho sĩ ngày xưa. Họ <br />
chính là tầng lớp trí thức được giáo dục và đào tạo theo đường lối xã hội chủ nghĩa và lý <br />
tưởng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ. Họ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực xã hội. <br />
Với trình độ hiểu biết và nắm vững khoa học kĩ thuật, các trí thức đã đem hết nhiệt tình, <br />
khả năng để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, văn <br />
minh, hiện đại. Họ mạnh dạn xóa bỏ cái cũ lạc hậu, xây dựng cái mới tiến bộ. Muốn <br />
cuộc sống trở nên thực sự có ý nghĩa, những “kẻ sĩ hiện đại” cũng đã xác định cho mình <br />
một lý tưởng và mục đích sống đúng đắn, cao đẹp. Lòng trung quân, ái quốc của các nhà <br />
Nho xưa giờ đây chuyển thành trung với nước, hiếu với dân. Bên cạnh đó, phần lớn “kẻ <br />
sĩ hiện đại” cũng vẫn giữ được truyền thống đạo đức của các nhà Nho xưa trong hoàn <br />
cảnh mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ, Đảng viên phải: cần, kiệm, liêm, chính, <br />
chí công, vô tư và cố gắng rèn luyện cho mình quan điểm sống: Mình vì mọi người, mọi <br />
người vì mình.<br />
<br />
Bên cạnh đó, “kẻ sĩ hiện đại” không ngừng phát huy cái dũng của kẻ sĩ đó là tinh thần <br />
dám nghĩ dám làm và thái độ thắng không kiêu, bại không nản trong học tập, trong làm <br />
việc. Câu nói: Khoa học đi đôi với dũng khí rất chính xác bởi dũng khí là tố chất cơ bản <br />
của người làm công tác nghiên cứu khoa học. Nó giúp cho họ giữ vững lập trường, quyết <br />
tâm thực hiện đến cùng lý tưởng mà mình theo đuổi.<br />
<br />
Ngày xưa, các nhà Nho “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, thì ngày nay, tầng lớp trí <br />
thức tiếp cận được khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới như công nghệ <br />
sinh học, công nghệ hóa chất, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tin học v.v… Ngày <br />
xưa, ông cha chúng ta lên trời, xuống biển bằng thần thoại, cổ tích ; còn ngày nay, thế hệ <br />
trẻ bay vào khoảng không vũ trụ, lặn xuống đáy đại dương, thám hiểm lòng đất… bằng <br />
khoa học kĩ thuật. Trí thức ngày nay có những hoài bão, ước mơ lớn lao và khả năng thực <br />
hiện mà tầng lớp Nho sĩ xưa không có được. Đây là cái khác cơ bản của “kẻ sĩ hiện đại” <br />
với Nho sĩ truyền thống.<br />
<br />
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta mở cửa giao lưu và hội nhập với thế giới, nền kinh <br />
tế thị trường toàn cầu tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của xã hội Việt Nam. Dân tộc ta <br />
bước vào vận hội mới với bao khó khăn, thách thức. Muốn ngẩng cao đầu tự tin vững <br />
bước, tầng lớp “kẻ sĩ hiện đại” cần phải nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách <br />
nghiêm túc để thấy rõ mặt yếu cần khắc phục, mặt mạnh cần phát huy. Cố gắng vươn <br />
lên học tập cái hay, cái tốt của thế giới với thái độ khiêm tốn, cầu tiến, tự chủ và sáng <br />
tạo. Điều quan trọng là vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của “kẻ sĩ Việt <br />
Nam” chân chính. Nho sĩ ngày xưa, “kẻ sĩ hiện đại” hôm nay, tuy tên gọi khác nhau nhưng <br />
cái gốc của tài đức vẫn giống nhau. Phẩm chất cao đẹp của nhà Nho xưa thật đáng trân <br />
trọng. Ngày nay, chúng ta phải cố gắng học tập, làm việc noi gương các bậc tiền bối để <br />
cống hiến thật nhiều cho quê hương, đất nước.<br />
<br />
<br />