CHỨC NĂNG BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI CỦA CÂU QUA MỘT NHÓM<br />
ĐỘNG TỪ CHỈ HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC TRONG TIẾNG VIỆT<br />
NGUYỄN THỊ THU HÀ<br />
Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế<br />
Tóm tắt: Sự khác nhau giữa động từ biểu thị hoạt động tinh thần và động từ<br />
biểu thị hoạt động vật lí không chỉ ở chỗ: một bên biểu thị những trạng thái<br />
tinh thần (biết, hiểu…), những hành động tinh thần trừu tượng (nghi, tin…),<br />
những quá trình tinh thần (nhận ra, nhận thấy, v.v…) và một bên biểu thị<br />
những trạng thái vật lí (ngủ, đau…), những hành động vật lí (đánh, chạy…),<br />
những quá trình vật lí (ngã, nhỏ (giọt)…) mà còn ở chỗ, trong một số trường<br />
hợp, động từ chỉ hoạt động tinh thần có khả năng làm nên bộ phận tình thái<br />
của câu. Lúc này nó được gọi là động từ thái độ mệnh đề (intentional<br />
verbs). Bài viết này sẽ miêu tả và phân tích một nhóm động từ thái độ mệnh<br />
đề trong tiếng Việt vốn bắt nguồn từ những động từ nhận thức như là Tôi<br />
nghĩ (là/rằng), Tôi tin (là/rằng), Tôi cho là/rằng, Ai biết...<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
Vấn đề này đã được J.O. Urmson nghiên cứu. Năm 1970, ông khảo sát một số nhóm<br />
động từ tiếng Anh có đặc trưng tương tự như know (biết rằng), believe (tin rằng), regret<br />
(tiếc rằng)... và ông gọi chúng là parenthetical verb (chúng tôi tạm dịch là “động từ<br />
chêm xen” hoặc “động từ trong ngoặc” (theo cách dịch của Hoàng Phê)).<br />
Ở Việt Nam, Hoàng Phê, được xem là người đầu tiên nghiên cứu những đơn vị này,<br />
đồng thời ông khẳng định thêm: “Thật ra, cấu trúc có chứa “động từ trong ngoặc” chính<br />
là một toán tử logic - tình thái. Với tư cách một toán tử, nó là một thể hoàn chỉnh, hoạt<br />
động như là một khối có sẵn... Nghĩ, trong toán tử logic - tình thái Tôi nghĩ rằng không<br />
còn cái nghĩa từ vựng bình thường của nó... Nó là một loại đơn vị đặc biệt của ngôn<br />
ngữ” [2, tr. 141].<br />
Trong công trình Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp chức năng (1991), GS Cao Xuân Hạo<br />
cũng đã khai thác vấn đề này trong cấu trúc cú pháp của câu và xem chúng là phần đề<br />
tình thái.<br />
Nguyễn Ngọc Trâm (2002) khảo sát một nhóm các động từ tâm lí - tình cảm bị hư hóa<br />
có khả năng biểu thị ý nghĩa tình thái và gọi những đơn vị này là “động từ thái độ mệnh<br />
đề” [3, tr. 118].<br />
Trong số những động từ hư hóa có khả năng biểu thị tình thái cho câu, chúng tôi nhận<br />
thấy ngoài các động từ tâm lí - tình cảm, còn có sự tham gia của các động từ nhận thức.<br />
Động từ chỉ hoạt động nhận thức là những từ ngữ không biểu thị hoạt động vật chất<br />
của thế giới cụ thể - hữu hình như xây, rơi, đóng, mở, kéo... ngược lại, là những từ ngữ<br />
biểu thị hoạt động tinh thần của con người trong thế giới trừu tượng - vô hình, song<br />
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế<br />
ISSN 1859-1612, Số 03(23)/2012, tr. 81-87<br />
<br />
82<br />
<br />
NGUYỄN THỊ THU HÀ<br />
<br />
cũng không phải là thế giới của hoạt động tâm lí - tình cảm - ý chí như yêu, ghét, nhớ,<br />
mong, muốn, toan, định... mà là những từ ngữ gọi tên các hành động, các quá trình, các<br />
trạng thái tinh thần diễn ra trong bộ óc con người khi con người nghĩ về thế giới và hiểu<br />
biết như thế nào đó về thế giới.<br />
Không phải tất cả động từ nhận thức đều có khả năng hư hóa để biểu thị tình thái cho<br />
câu, chỉ một số không lớn trong đó, nhưng lại có tần số sử dụng cao, đóng vai trò vô<br />
cùng quan trọng trong việc biểu đạt ý nghĩa tình thái của câu. Thường gặp nhất là các<br />
động từ: biết, nghĩ, tin, ngờ, lầm/nhầm.<br />
Tiếp thu tinh thần của Nguyễn Ngọc Trâm, chúng tôi cho rằng, động từ nhận thức hư<br />
hóa thành động từ thái độ mệnh đề có những đặc trưng sau:<br />
- Là động từ thứ nhất trong câu có ít nhất hai động từ, với chủ ngữ ngôi thứ nhất số ít,<br />
thời hiện tại "bất định". Có thể gặp những trường hợp chủ ngữ ẩn, hay phiếm chỉ nhưng<br />
nói chung đều có khả năng khôi phục thành chủ ngữ ngôi thứ nhất (Nếu không lầm<br />
thì...! Nếu tôi không lầm thì...; có ai hay biết gì đâu! tôi có hay biết gì đâu)<br />
- Vốn là động từ biểu thị hoạt động nhận thức nhưng không mô tả hoạt động nhận thức<br />
mà nghĩa đã hư hóa<br />
- Biểu thị thái độ của người nói đối với mệnh đề P trong câu/phát ngôn (thái độ khẳng<br />
định dè dặt, khẳng định dứt khoát, phủ định – bác bỏ...)<br />
2. CHỨC NĂNG BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI CỦA MỘT SỐ ĐỘNG TỪ<br />
NHẬN THỨC<br />
Nguyễn Đức Dân cho rằng: “Nếu các nhà logic học quan tâm xây dựng các khái niệm<br />
tình thái như là cái tất yếu, cái có thể... để cố gắng thoát khỏi các thuật ngữ ngôn ngữ<br />
học thì trái lại, ngôn ngữ học lại nhìn nhận các kí hiệu tình thái đã được từ vựng hóa<br />
trong ngôn ngữ tự nhiên.” [1, tr. 94]<br />
Có thể kể ra những đơn vị có chức năng biểu thị ý nghĩa tình thái của một số động từ<br />
nhận thức đã được từ vựng hóa trong tiếng Việt như: biết đâu, biết đâu đấy, không lầm<br />
thì/nếu không lầm thì / nếu tôi không lầm thì, thiết nghĩ(là), trộm nghĩ (là), tin (là), ngờ<br />
là, đã biết mà, biết ngay mà, có sai đâu, biết thừa ra đấy, biết gì, có biết gì đâu, ai ngờ,<br />
nào ngờ, ai có ngờ, ai biết, có trời mới biết, như mọi người đều biết...<br />
Phát ngôn chứa những đơn vị này, “có một thái độ được biểu thị chứ không phải một<br />
hoạt động được miêu tả. Đưa thêm Tôi cho là, Tôi nghĩ là vào trong lời nói, tôi muốn<br />
cho thấy rằng tôi có thái độ như thế nào đối với điều được nói tiếp liền sau đó” (E.<br />
Benveniste, dẫn theo Hoàng Phê).<br />
Trong 39 đơn vị được khảo sát, các động từ nhận thức khi được dùng như động từ thái<br />
độ mệnh đề, về cơ bản sẽ tạo nên 4 kiểu tình thái sau:<br />
<br />
CHỨC NĂNG BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI CỦA CÂU...<br />
<br />
83<br />
<br />
2.1. Tình thái khẳng định hạn chế (khẳng định dè dặt)<br />
Tình thái khẳng định hạn chế có mặt ở những phát ngôn khẳng định P nhưng lại thể<br />
hiện rõ sự khẳng định đó là hạn chế, là của cá nhân người nói mà thôi. Thuộc vào tình<br />
thái này là những đơn vị: biết đâu, biết đâu chừng, biết đâu đấy (tôi biết đâu đấy),<br />
không lầm thì/nếu không lầm thì (nếu tôi không lầm thì), thiết nghĩ (là), thiển nghĩ (là),<br />
trộm nghĩ (là), nghĩ (rằng, là), cho rằng / là, tin (là), ngờ là...<br />
Có thể phân chia ý nghĩa của chúng thành những loại nhỏ như sau:<br />
2.1.1. Ý nghĩa tình thái xác suất<br />
* Ý nghĩa tình thái chỉ xác suất với ngôi thứ nhất số ít (tôi) xuất hiện cùng các đơn<br />
vị: nghĩ (rằng, là), cho là, ngờ là... Với một câu tách rời khỏi tình huống phát ngôn như<br />
Tôi nghĩ anh ấy thật lòng, thật khó để nói rằng, nghĩ ở đây thuộc vào động từ nhận thức<br />
hay động từ thái độ mệnh đề. Nhưng nếu cấp cho nó một tình huống cụ thể thì bản chất<br />
của nghĩ với những ý nghĩa nhất định sẽ xuất hiện.<br />
Với tình huống: Chị có nghĩ anh ấy thật lòng không?<br />
a. Tôi nghĩ anh ấy thật lòng! Nghĩ có tư cách là động từ chỉ hành động nhận thức<br />
Nhưng với tình huống: Liệu anh ấy có thật lòng không?<br />
b. Tôi nghĩ anh ấy thật lòng.<br />
Nghĩ có tư cách của một động từ thái độ mệnh đề, biểu thị thái độ chủ quan của người<br />
nói đối với khả năng của mệnh đề P (anh ấy thật lòng)<br />
Vì trọng tâm thông báo khác nhau nên, phủ định của hai kiểu câu cũng khác nhau. Phủ<br />
định của a là phủ định động từ nhận thức: Không, tôi không nghĩ anh ấy thật lòng. Phủ<br />
định của b là phủ định mệnh đề P: Không, tôi nghĩ anh ấy không thật lòng.<br />
Nghĩ là, cho là... có chức năng như có lẽ, có thể, có khả năng. Ví dụ:<br />
- Liệu anh ta có thật lòng không? - Tôi nghĩ (có thể, có khả năng) anh ta thật lòng.<br />
Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có những khác biệt nhất định, thể hiện sự tinh tế và uyển<br />
chuyển của ngôn ngữ. Khi nói Có thể anh ta thật lòng thì việc anh ta thật lòng là có<br />
khả năng, là chưa chắc chắc và không kèm theo sự khẳng định của người nói về tính có<br />
căn cứ của thông tin. Nhưng khi nói Tôi nghĩ anh ta thật lòng thì người nói chịu trách<br />
nhiệm về những gì mình nói - tính có căn cứ của mệnh đề, dù người nói tỏ ra ít nhiều vô<br />
can với P. Khẳng định anh ta thật lòng là “theo ý kiến chủ quan của bản thân tôi”.<br />
* Ý nghĩa tình thái chỉ xác suất với yếu tố phiếm chỉ: biết đâu, biết đâu chừng, biết<br />
đâu đấy...<br />
- Nó không đi khỏi công ty này đâu!<br />
- Biết đâu đấy! (= có khi nó đi = có thể nó đi, không chừng nó đi, anh đừng nên nghĩ<br />
dứt khoát là nó không đi)<br />
<br />
84<br />
<br />
NGUYỄN THỊ THU HÀ<br />
<br />
- Cứ hỏi nó xem, biết đâu nó rõ mọi chuyện. (khẳng định dè dặt: có khi nó biết cũng<br />
không biết chừng, chúng ta đừng nghĩ dứt khoát là nó không biết)<br />
- Anh đừng lo. Tôi thề là tôi không nói dối.<br />
- Biết đâu đấy! (anh nói là nói thế thôi chứ làm sao tôi biết được, tôi không hoàn toàn<br />
tin lời anh đâu, ngay cả khi anh thề thốt)<br />
2.1.2. Ý khẳng định hạn chế với thái độ khiêm nhường: thiết nghĩ (là), thiển nghĩ (là),<br />
trộm nghĩ (là), thiết tưởng là, nếu tôi không nhầm / lầm thì<br />
Thiết nghĩ là vấn đề này chúng ta không nên kết luận vội.<br />
Nếu tôi không nhầm thì vấn đề này chưa ai nói tới.<br />
Những đơn vị trên biểu đạt sắc thái khiêm nhường, diễn tả điều sắp nói ra ở mệnh đề P<br />
chỉ là một ý kiến trao đổi với người đối thoại, chưa phải là điều khẳng định hay phủ<br />
định hoàn toàn. Nó làm cho người nghe dễ tiếp nhận, tiếp thu ý kiến của mình, tránh<br />
được tình trạng thái quá hay bất cập của chủ thể giao tiếp trong những hoàn cảnh giao<br />
tiếp rộng như trao đổi, bàn bạc, hay tranh cãi giữa các ý kiến. Đồng thời chúng cũng là<br />
những quán ngữ có tính chất đưa đẩy, thường xuất hiện trong phong cách sách vở nên<br />
không nhất thiết phải xuất hiện các hoàn cảnh có sự đối thoại với tính chất bàn luận hay<br />
tranh cãi trực tiếp.<br />
2.2. Tình thái khẳng định tất yếu( khẳng định dứt khoát)<br />
Đối lập với khẳng định hạn chế là khẳng định tất yếu. Tình thái khẳng định tất yếu có<br />
mặt ở những phát ngôn thông báo về P, một sự việc mang tính tất yếu, khó tránh khỏi.<br />
Thuộc nhóm này là: biết mà (tôi biết mà), đã biết mà (tôi đã biết mà), biết ngay mà (tôi<br />
biết ngay mà), có sai đâu, biết thừa ra đấy (tôi biết thừa ra đấy), biết trước là thế mà<br />
(tôi biết trước là thế mà), biết trước là thể nào (tôi biết trước là thể nào). Ví dụ:<br />
- Đã biết mà, nó chỉ hứa thế thôi. ( = tôi đã biết trước nó chỉ hứa suông thế thôi, bây giờ<br />
thực tế đã cho thấy quả là vậy)<br />
- Biết mà, nhà nó ai cũng cư xử hồ đồ như thế cả.<br />
- Biết ngay mà, hắn chỉ giỏi leo lẻo cái mồm.<br />
- Biết trước là thế nào nó cũng từ chối.<br />
Ý khẳng định tất yếu có mặt trong những phát ngôn mà ở đó các sự kiện được nêu ra<br />
trong phát ngôn đã xảy ra, được thực tế chứng minh. Trong một ngữ cảnh rộng, tình thái<br />
chủ quan này không chỉ là thái độ của người nói mà còn có sự nhìn nhận từ phía người<br />
nghe, tác động đến người nghe. Chẳng hạn:<br />
Đã biết mà, thằng đó chỉ hứa thế thôi (mày thì cứ tin sái cổ con ạ!)<br />
Biết mà, đã biết mà, biết ngay mà có chủ ngữ phiếm chỉ nhưng ngầm ẩn là tôi, nên có<br />
thể khôi phục thành tôi biết mà, tôi biết ngay mà, tôi đã biết mà và có thể xem đây là<br />
<br />
CHỨC NĂNG BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI CỦA CÂU...<br />
<br />
85<br />
<br />
những đơn vị này đồng nghĩa với nhau, dù rằng hình thức của chúng có vài nét khác<br />
biệt .<br />
2.3. Tình thái phủ định – bác bỏ<br />
Nếu như hình thức phủ định thông thường đối với một câu đơn giản là phủ định nội<br />
dung của câu đó bằng cách sử dụng hình thức phủ định không, thì tình thái phủ định bác bỏ lại có thể do nhiều phương tiện ngôn ngữ khác nhau đảm nhiệm và không đơn<br />
giản là phủ định nội dung của câu đó mà đặc biệt còn thể hiện thái độ của người nói đối<br />
với những thông tin của câu nói, với người nói ra câu nói đó. Nói cách khác, người ta<br />
phủ định- bác bỏ một câu vì câu đó sai sự thật (nên phải phủ định) và vì người ta không<br />
chấp nhận với quan điểm của người nói ra câu đó (nên phải bác bỏ).<br />
Thuộc tình thái phủ định – bác bỏ là: biết gì, có biết gì đâu, ai ngờ, không ngờ (tôi<br />
không ngờ), nào ngờ, ai có ngờ, ai biết, có ai hay biết gì đâu, có trời mới biết… Chẳng<br />
hạn:<br />
(Anh có biết việc đó không?) Tôi không biết.<br />
Đây là câu phủ định, biết có tư cách động từ nhận thức; yếu tố phủ định tác động đến<br />
động từ biết.<br />
(Anh biết mọi việc mà lại im lặng là sao?) Tôi có biết gì đâu!<br />
Đây là câu phủ định - bác bỏ với tình thái phủ định - bác bỏ có biết gì đâu, câu này<br />
được hiểu là: tôi không biết (phủ định) + chứ không phải như anh nói đâu (bác bỏ); yếu<br />
tố phủ định - bác bỏ tác động đến cả câu.<br />
(Nó biết nhiều thứ lắm!)<br />
Nó có biết gì đâu! (= thứ gì nó cũng không biết, không phải như anh nói)<br />
- (Mấy đứa bạn của Thảo ham chơi lắm, nó thì ngoan, đi đến nơi về đến chốn, chẳng<br />
bao giờ la cà hay chơi bời cả.)<br />
- (Những lúc chị không để ý) Nó làm gì, có trời mới biết! (= Nó làm gì, tôi chịu, mọi<br />
người cũng chịu, tóm lại là không ai biết được, chắc gì nó đã ngoan ngoãn như lời chị<br />
nói).<br />
Cấu tạo của nhóm tình thái phủ định - bác bỏ khá phong phú, thường gồm một động từ<br />
nhận thức kết hợp với phụ tố nào..., ... gì, có... đâu, (những phụ tố này được Nguyễn<br />
Đức Dân gọi là những từ phiếm định, chúng chuyên thực hiện chức năng bác bỏ trong<br />
câu bác bỏ.)<br />
2.4. Tình thái đưa đẩy, hướng người nghe vào việc khẳng định P, từ đó tạo lập ở<br />
người nghe tâm thế ủng hộ những điều tiếp theo<br />
Như mọi người đều biết P..., báo trước sự xuất hiện một mệnh đề đi ngay sau nó, mệnh<br />
đề này là hiển nhiên, dễ hiểu, được thừa nhận, không cần phải chứng minh, chỉ đưa ra<br />
để thêm phần thuyết phục. Theo logic lập luận, người nói không dừng lại ở đây, thực<br />
chất người nói đưa ra Như mọi người đều biết P..., là để chuẩn bị tâm thế cho người<br />
<br />