Hòa giải ở cơ sở
lượt xem 13
download
Quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở thông qua một số tình huống là những nội dung chính trong tài liệu "Hòa giải ở cơ sở". Hy vọng nội dung tài liệu phục vụ hữu ích nhu cầu học tập và nghiên cứu.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Hòa giải ở cơ sở
- HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ I. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ 1. Nội dung quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hòa giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Hòa giải từ chỗ là một hoạt động mang tính chất tự phát trong nội bộ nhân dân đã trở thành hoạt động của một tổ chức quần chúng được Nhà nước thừa nhận. Để phát huy tốt nhất hiệu quả của hoạt động hòa giải đối với đời sống xã hội, Nhà nước thực hiện sự quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển. Quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở được hiểu là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo ra các điều kiện để công nhận, xác lập, duy trì, ổn định và phát triển tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo Điều 6 Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998, Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 160/1999/NĐCP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 (Nghị định số 160/1999/NĐCP) thì nội dung quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở bao gồm: Ban hành văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới tổ hoà giải và đội ngũ những người làm công tác hoà giải; Tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải; Biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở; Quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác hoà giải ở cơ sở; Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở; Sơ kết, tổng kết, đánh giá, thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải ở cơ sở. 2. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở
- Theo quy định tại Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Nghị định số 160/1999/NĐCP, Nghị định số 93/2008/NĐCP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLTBTPBNV ngày 28 tháng 4 năm 2009 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Uỷ ban nhân dân cấp xã thì các cơ quan quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở bao gồm: 2.1. Chính phủ Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác hòa giải trong phạm vi cả nước. 2.2. Bộ Tư pháp Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở và chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở địa phương, cụ thể: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động hoà giải trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải trong phạm vi cả nước; Tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn các Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải; Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở trong phạm vi cả nước; Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải của tổ hoà giải trong phạm vi cả nước. 2.3. Uỷ ban nhân dân các cấp Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Căn cứ tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương. 2.4. Sở Tư pháp Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở địa phương, cụ thể: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác hòa giải trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
- Theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của cấp trên về tổ chức và hoạt động hòa giải trong phạm vi địa phương; Tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn Phòng Tư pháp tổ chức bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho người làm công tác hòa giải; Sơ kết, tổng kết và báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về công tác hòa giải của tổ hòa giải ở địa phương; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương. 2.5. Phòng Tư pháp Phòng Tư pháp có trách nhiệm: Theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, hướng dẫn cán bộ tư pháp cấp xã triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải ở địa phương; đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp huyện biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương; Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; Sơ kết, tổng kết công tác hòa giải của tổ hòa giải ở địa phương và báo cáo về công tác hòa giải với Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cơ quan tư pháp cấp trên; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải của tổ hòa giải ở địa phương. 2.6. Công chức tư pháp hộ tịch cấp xã Công chức tư pháp hộ tịch cấp xã có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Thực hiện bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ viên tổ hòa giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; Sơ kết, tổng kết công tác hòa giải của tổ hòa giải ở địa phương, báo cáo công tác hòa giải với Uỷ ban nhân dân cấp xã và cơ quan tư pháp cấp trên; trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm tổ viên tổ hòa giải; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương. 3. Hướng dẫn quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở 3.1. Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở 3.1.1. Củng cố, kiện toàn tổ chức các tổ hòa giải ở cơ sở hiện có Rà soát tổ chức tổ hòa giải ở cơ sở: Để kiện toàn các tổ hòa giải hiện có, cán bộ tư pháp cấp xã phối hợp với Ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố định kỳ hàng năm tiến hành rà soát số lượng tổ hòa giải hiện có trong phạm vi xã, phường, thị trấn; rà soát lại tổ viên tổ hòa giải về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng đáp ứng yêu cầu công tác, số người cần được bổ sung, các
- trường hợp thôi không làm tổ viên tổ hòa giải (nếu có); trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã các biện pháp củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải. Bầu bổ sung tổ viên tổ hòa giải: Việc bầu bổ sung tổ viên tổ hòa giải được tiến hành trong trường hợp số lượng tổ viên tổ hòa giải thiếu theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu thực tế của công việc, cần bổ sung. Trong trường hợp này, cán bộ tư pháp cấp xã chủ động báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thông báo cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã chuẩn bị công tác lựa chọn, giới thiệu người để nhân dân thôn, tổ dân phố bầu tổ viên tổ hòa giải. Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức và chủ trì các cuộc họp nhân dân, họp chủ hộ hoặc tổ chức việc phát phiếu lấy ý kiến chủ hộ để bầu tổ viên tổ hoà giải. Biên bản bầu bổ sung tổ viên tổ hòa giải được gửi đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét để công nhận. Trên cơ sở kết quả bầu tổ viên tổ hòa giải, cán bộ tư pháp cấp xã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận tổ viên tổ hòa giải. Miễn nhiệm đối với tổ viên tổ hòa giải: Việc miễn nhiệm tổ viên tổ hòa giải được thực hiện trong các trường hợp: có hành vi vi phạm pháp luật; có hành vi trái đạo đức xã hội; thiếu nhiệt tình trong hoạt động hoà giải; theo nguyện vọng cá nhân xin rút khỏi tổ hoà giải. Căn cứ biên bản họp nhân dân, họp chủ hộ hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ về việc miễn nhiệm tổ viên tổ hoà giải do trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, cán bộ tư pháp cấp xã đề nghị bằng văn bản để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận việc miễn nhiệm. Sau khi có quyết định miễn nhiệm, công chức tư pháp hộ tịch cần nhanh chóng đề nghị người được miễn nhiệm bàn giao các công việc của tổ hoà giải cho Tổ trưởng tổ hoà giải. 3.1.2. Thành lập tổ hòa giải mới Theo quy định hiện hành, căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của cụm dân cư, kết quả cuộc họp thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, kết quả cuộc họp các chủ hộ hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến các chủ hộ, cán bộ tư pháp cấp xã cần tham mưu, giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định việc thành lập tổ hoà giải ở địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cán bộ tư pháp cấp xã phải thường xuyên phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư... rà soát, đánh giá nhu cầu thành lập mới tổ hoà giải tại địa bàn dân cư. Trong trường hợp cần thành lập thêm tổ hoà giải ở cơ sở thì đề nghị Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, khu dân cư lấy ý kiến nhân dân qua cuộc họp thôn, tổ dân phố, cuộc họp chủ hộ hoặc qua phiếu lấy ý kiến chủ hộ. Căn cứ vào kết quả nói trên, cán bộ tư pháp cấp xã tổng hợp, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định. Trên cơ sở quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc thành lập mới tổ hòa giải ở địa phương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu người để nhân dân bầu tổ viên tổ hòa giải.
- Công chức tư pháp hộ tịch hướng dẫn các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Ban Công tác Mặt trận tổ chức thành lập tổ hoà giải, bầu tổ trưởng, tổ viên tổ hoà giải theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết quả bầu tổ trưởng, tổ viên tổ hòa giải, công chức tư pháp hộ tịch tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận việc thành lập tổ hòa giải và thành phần tổ hòa giải. 3.2. Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở Theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên, công chức tư pháp hộ tịch cần thường xuyên theo dõi, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của tổ hòa giải theo các quy định của pháp luật. Việc hướng dẫn trực tiếp được thực hiện thông qua các hình thức như: họp trao đổi, rút kinh nghiệm; hướng dẫn bằng văn bản. 3.3. Bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho tổ viên tổ hòa giải; cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ hòa giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên Định kỳ, công chức tư pháp hộ tịch theo dõi, nắm trình độ, năng lực thực tiễn, nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của đội ngũ tổ viên tổ hòa giải. Xây dựng trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cụ thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Cung cấp tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật (như sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật, sách hỏi đáp về pháp luật, tờ gấp về pháp luật...) cần thiết cho những người làm công tác hòa giải ở cơ sở (như tổ viên tổ hòa giải, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Mặt trận, đoàn thể trực tiếp tham gia hòa giải...). Định kỳ tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. Cụ thể như sau: (i) Về nội dung bồi dưỡng, tập huấn + Đường lối, chính sách của Đảng; + Pháp luật của Nhà nước, nhất là những kiến thức pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của người dân ở cơ sở, thường được vận dụng trong hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân; + Kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Bên cạnh việc bồi dưỡng những nội dung trên, cần chú ý đến việc động viên, khuyến khích các tổ viên tổ hòa giải tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm để thực sự trở thành những tấm gương trong việc thực hiện pháp luật góp phần xây dựng và phát triển hoạt động hoà giải ở cơ sở.
- Ngoài ra, cần chú ý hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phối hợp, điều hành công việc dành cho các Tổ trưởng tổ hoà giải nhằm giúp họ thực hiện tốt việc phối hợp, điều hành các thành viên của tổ hòa giải có hiệu quả hơn. (ii) Về hình thức bồi dưỡng, tập huấn Việc bồi dưỡng cho các tổ viên tổ hòa giải được thực hiện thông qua các hình thức như: mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, tổ chức thi hòa giải viên giỏi, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao nghiệp vụ và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Việc chuẩn bị một lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho người làm công tác hòa giải bao gồm các bước sau: Bước 1: Xác định cụ thể đối tượng của các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm tìm hiểu các thông tin về đối tượng được bồi dưỡng, tập huấn (gọi tắt là học viên) như: số lượng; đặc điểm về giới tính, dân tộc, độ tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời gian tham gia công tác hòa giải; mức độ hiểu biết về pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải như thế nào... Việc xác định rõ đối tượng học viên tạo điều kiện cho người thực hiện việc tập huấn (gọi tắt là tập huấn viên) chuẩn bị các tài liệu, phương pháp làm việc thích hợp. Bước 2: Đánh giá nhu cầu của học viên Để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn hiệu quả, cần tìm hiểu xem học viên cần gì từ khóa bồi dưỡng, tập huấn. Việc đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của các học viên cho phép xác định được mục tiêu của khóa bồi dưỡng, tập huấn nhờ vào việc xác định khoảng cách giữa kiến thức, kinh nghiệm các học viên đang có với những gì học viên cần có. Bước 3: Xác định mục tiêu, yêu cầu của từng lớp bồi dưỡng Mục tiêu chung của các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho những người làm công tác hòa giải là quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, mỗi một lớp bồi dưỡng, tập huấn lại có những mục tiêu cụ thể khác nhau. Các mục tiêu của lớp bồi dưỡng, tập huấn được xác định trên cơ sở đặc điểm của đối tượng được bồi dưỡng, tập huấn, kết quả khảo sát nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của các học viên. Việc xác định rõ mục tiêu của lớp bồi dưỡng, tập huấn sẽ tạo cơ sở để: + Hướng tập huấn viên và học viên hoàn thành các kết quả dự kiến của lớp bồi dưỡng, tập huấn; + Lựa chọn tài liệu và phương pháp bồi dưỡng, tập huấn hợp lý; + Đánh giá mức độ thành công của lớp bồi dưỡng, tập huấn. Yêu cầu đặt ra đối với từng lớp bồi dưỡng, tập huấn là: nội dung ngắn gọn, thiết thực, đơn giản, dễ hiểu, thời lượng hợp lý, sát với đối tượng người nghe, phương
- pháp truyền đạt hấp dẫn, sinh động, có sự thu hút, lôi cuốn, phát huy sáng tạo của người nghe. Tránh tình trạng lý thuyết hoá các vấn đề làm cho người nghe khó tiếp nhận hoặc tiếp nhận không đầy đủ. Bước 4: Xác định nội dung, chương trình bồi dưỡng trên cơ sở nhu cầu của học viên và hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên, chuẩn bị tài liệu bồi dưỡng Việc xác định nội dung, chương trình từng lớp bồi dưỡng cần bám sát mục tiêu, nhu cầu của đối tượng được bồi dưỡng, tập huấn. Trên cơ sở chương trình khung hoặc sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên, cần cụ thể hoá từng nội dung cho phù hợp đối tượng cụ thể và điều kiện thực tế của địa phương mình. Đối với bài tập tình huống, cần lựa chọn những bài tập liên quan nhiều đến công việc hòa giải ở cơ sở. Chuẩn bị tài liệu cho lớp bồi dưỡng là một trong những nội dung cơ bản, quyết định đến chất lượng của lớp bồi dưỡng. Cán bộ tư pháp cấp xã chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ tài liệu để cung cấp cho những người được bồi dưỡng, tập huấn; để họ có thể kết hợp vừa nghe giới thiệu trực tiếp với nghiên cứu tài liệu, chủ động tham gia thảo luận, chia sẻ sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình. Bước 5: Lựa chọn tập huấn viên Các lớp bồi dưỡng, tập huấn nên được thực hiện bởi một nhóm tập huấn viên là các chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác hòa giải ở địa phương, có khả năng sư phạm, diễn đạt truyền cảm, súc tích, dễ hiểu. Sự có mặt của từ hai chuyên gia trở lên sẽ làm cho lớp bồi dưỡng sinh động, hiệu quả hơn. Bước 6: Xây dựng chương trình làm việc của khóa bồi dưỡng, tập huấn Chương trình bồi dưỡng, tập huấn bao gồm chương trình làm việc của tập huấn viên và chương trình làm việc của học viên và các hoạt động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của lớp bồi dưỡng, tập huấn. Các chương trình làm việc này phải rất cụ thể. Chương trình làm việc của học viên cần xác định rõ thời gian, nội dung tập huấn, người thực hiện. Ví dụ: Chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho tổ viên tổ hòa giải xã B, huyện X, tỉnh H Chương trình làm việc của tập huấn viên cần xác định rõ thời gian, nội dung, phương pháp, mục đích. Ví dụ: Chương trình làm việc của tập huấn viên Bước 7: Quản lý lớp bồi dưỡng Việc theo dõi, quản lý lớp bồi dưỡng được tiến hành kể từ khi có quyết định mở lớp. Công việc đầu tiên của việc quản lý lớp đó là việc mời các đối tượng tham gia. Việc gửi giấy mời cần nêu rõ đối tượng, nội dung, thời gian tổ chức và các nội dung cụ thể khác để các tổ hoà giải cử người tham dự cho phù hợp. Giấy mời cần được gửi trước một thời gian nhất định để các học viên sắp xếp công việc và chuẩn bị tham gia, tránh các trường hợp gửi giấy quá gấp về thời gian, không cụ thể về nội dung, chương trình.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: hội trường (bao gồm makét, thiết bị âm thanh, ánh sáng, nước uống...), tài liệu, chế độ ăn, nghỉ, đi lại của các học viên tham dự lớp bồi dưỡng... Theo dõi, nắm tình hình diễn biến của lớp bồi dưỡng, bảo đảm để lớp bồi dưỡng thực hiện đúng các mục tiêu, nội dung, chương trình đặt ra, xử lý các trường hợp phát sinh trong quá trình tổ chức lớp… Lấy ý kiến các tập huấn viên, học viên đánh giá kết quả bồi dưỡng, tập huấn và tổng kết, rút kinh nghiệm cho việc tổ chức các lớp bồi dưỡng sau được hiệu quả hơn. Cuối khóa bồi dưỡng, tập huấn, Ban tổ chức có thể trao cho các học viên Giấy chứng nhận đã tham dự khóa bồi dưỡng, tập huấn. 4. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở Công chức tư pháp hộ tịch cần tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của tổ hòa giải, tổ viên và tổ trưởng tổ hòa giải để nắm tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các tổ hoà giải và hoà giải viên; đề xuất với cơ quan tư pháp cấp trên các biện pháp giải quyết. Nội dung kiểm tra: Kiểm tra tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Việc kiểm tra thường xuyên giúp cho cán bộ tư pháp cấp xã nắm được tình hình, kết quả tổ chức, hoạt động của các tổ hoà giải và tổ viên tổ hòa giải, kịp thời động viên, khuyến khích tổ chức, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, bất cập trong thực tiễn hoạt động hoà giải ở cơ sở. Trong quá trình kiểm tra, công chức tư pháp hộ tịch cần khơi gợi, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các tổ viên tổ hòa giải và nhân dân ở địa phương về công tác hoà giải ở cơ sở, từ đó rút kinh nghiệm, bảo đảm cho sự chỉ đạo, hướng dẫn công tác được sát hợp. Hình thức kiểm tra: Việc kiểm tra có thể tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, như: kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra thông qua chế độ báo cáo, thống kê của các Tổ hoà giải. 5. Thống kê về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở Việc thống kê về tổ chức và hoạt động của Tổ hoà giải ở cơ sở được thực hiện theo Biểu mẫu thống nhất ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐBTP ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Các Biểu mẫu thống kê công tác hoà giải gồm: Biểu mẫu Thống kê về tổ chức của tổ hoà giải ở cơ sở, Biểu mẫu Thống kê về kết quả hoà giải của Tổ hoà giải ở cơ sở, Mẫu Sổ theo dõi kết quả hoà giải của tổ hoà giải ở cơ sở. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức in và phát hành các loại biểu mẫu thống kê công tác hòa giải theo đúng nội dung và hình thức quy định tại các Biểu mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 06 nêu trên.
- Công chức tư pháp hộ tịch có trách nhiệm trực tiếp thống kê về tổ chức và hoạt động hòa giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên, hướng dẫn các tổ hòa giải thống kê công tác hòa giải theo biểu mẫu sẽ giúp cho việc theo dõi, thu thập, tổng hợp, thống kê số liệu được thống nhất, thuận lợi trong phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở. 6. Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải Việc sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước định kỳ nắm được tình hình, kết quả của công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn, thấy rõ được ưu điểm, nhược điểm trong công tác hòa giải, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, để từ đó có biện pháp khắc phục thích hợp. Đặc biệt, sơ kết, tổng kết còn là dịp để trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ giữa các tổ viên tổ hòa giải. Việc sơ kết, tổng kết cần đi vào thực chất, tránh hình thức, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm. Việc tổ chức sơ kết, tổng kết được tiến hành định kỳ, tuỳ theo tình hình cụ thể của địa phương và có thể tiến hành theo hình thức hội nghị, giao ban chuyên đề hoặc tổ chức lồng ghép trong sơ kết, tổng kết công tác tư pháp ở địa phương. Để việc sơ kết, tổng kết đạt được kết quả thiết thực, công chức tư pháp hộ tịch cần tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận chuẩn bị kỹ nội dung và kinh phí phục vụ cho hoạt động sơ kết, tổng kết. 7. Tổ chức thi đua, khen thưởng trong công tác hòa giải ở cơ sở Thực hiện khen thưởng trong công tác hoà giải ở cơ sở là hình thức động viên, khuyến khích các tổ hoà giải và tổ viên tổ hòa giải tham gia tích cực vào công tác hoà giải. Vì đối tượng tham gia hoà giải ở cơ sở là những người tự nguyện, không vì lợi ích kinh tế, họ thường là những người đang công tác ở cơ sở hoặc những người đã cao tuổi, về nghỉ hưu; giá trị tinh thần đối với họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do đó, công tác thi đua, khen thưởng cần lưu ý đặc biệt đến điểm này. Việc phát động phong trào thi đua có thể gắn với từng chủ đề hoặc gắn với hội thi hoà giải viên giỏi. Việc khen thưởng cần phải công bằng, kịp thời, đúng đối tượng. Kết hợp hài hoà giữa việc thưởng về vật chất, khen về tinh thần để khuyến khích người được khen thưởng và người chưa được khen thưởng. Cần tránh việc khen thưởng hình thức qua loa, hình thức, không công bằng, không đúng đối tượng,… làm mất đi ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng. Để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, công chức tư pháp hộ tịch phải bám sát thực tế, theo dõi, nắm rõ tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải và các tổ viên tổ hòa giải để có hình thức khen thưởng thích hợp (khen thưởng định kỳ, khen thưởng đột xuất); đồng thời, trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên, cần cụ thể hoá những điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở địa phương. Công chức tư pháp hộ tịch có trách nhiệm phối hợp với Ban công tác Mặt trận lập danh sách người được khen thưởng trên cơ sở bình xét trong các tổ hòa giải, giới
- thiệu các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở để đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã khen thưởng hoặc trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên khen thưởng. 8. Lập dự toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hoà giải ở cơ sở Kinh phí chi cho các hoạt động hoà giải ở cơ sở hiện được quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLTBTCBTP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách ở địa phương, cán bộ tư pháp cấp xã có trách nhiệm lập dự toán kinh phí dành cho công tác hoà giải ở cơ sở, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cùng với dự toán chi thường xuyên của đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao dự toán ngân sách hàng năm cho đơn vị. Các nội dung chi cho công tác hòa giải ở cơ sở được quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLTBTCBTP bao gồm: Chi thù lao hoà giải viên; Chi sơ kết, tổng kết các hoạt động hoà giải; Chi thi đua, khen thưởng; Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ cho hoà giải viên, chi in ấn các biểu mẫu, sổ sách, báo cáo. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư số 59/2003/TTBTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐCP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước. Thực tế cho thấy, do ngân sách còn hạn chế hoặc do chưa nhận thức được ý nghĩa, vai trò của công tác hoà giải ở cơ sở, nên mặc dù Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLTBTCBTP được ban hành, hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó có kinh phí chi cho công tác hoà giải ở cơ sở) nhưng nhiều địa phương vẫn chưa bố trí được kinh phí phục vụ công tác hoà giải. Để có kinh phí dành cho công tác hoà giải ở cơ sở đòi hỏi công chức tư pháp hộ tịch phải chủ động trong việc lập dự toán và tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cơ quan có thẩm quyền. II. NGHIỆP VỤ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ 1. Khái niệm hoà giải ở cơ sở Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, nhận thức, lối sống, tính cách… nên khó tránh khỏi những va chạm, xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, trong họ tộc hoặc giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không giải quyết kịp
- thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp thuần tuý dân sự có thể trở thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Những mâu thuẫn, tranh chấp này có thể giải quyết bằng nhiều cách (các bên tự thỏa thuận, giải quyết tại Tòa án nhân dân, thông qua hòa giải ở cơ sở…). Thực tế cho thấy, hòa giải ở cơ sở là một trong những hình thức quan trọng có hiệu quả để giải quyết vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Điều 127 Hiến pháp năm 1992 ghi nhận: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và những tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”. Cụ thể hóa Hiến pháp, Điều 1 Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải năm 1998 và Điều 2 Nghị định số 160/1999/NĐCP quy định: Hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Hòa giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư (như hòa giải trong họ tộc, hòa giải của các tổ chức đoàn thể xã hội…) phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân. 2. Ý nghĩa, vai trò của công tác hoà giải ở cơ sở Với hiệu quả thiết thực của mình, công tác hoà giải ở cơ sở thực sự có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng ở cơ sở. Thứ nhất, việc hòa giải những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở đã góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thứ hai, hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở, nếu được hoà giải, giải quyết kịp thời sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước như chính quyền địa phương, toà án. Thứ ba, hoạt động hoà giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Bằng việc vận dụng những quy định của pháp luật để giải thích, phân tích, thuyết phục các bên tranh chấp, tổ viên tổ hoà giải góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và quan trọng hơn là cảm hoá, giáo dục ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho các bên. 3. Tổ chức hòa giải ở cơ sở 3.1. Tổ hòa giải ở cơ sở
- Điều 7 Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở quy định: “Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hoà giải những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”. Như vậy, về bản chất tổ hòa giải là một tổ chức tự quản của nhân dân. Tính chất tự quản của tổ hoà giải thể hiện ở chỗ các tổ viên tổ hoà giải là những người được nhân dân bầu và họ tự điều hành, quản lý công việc của mình. Tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do Uỷ ban nhân dân cùng cấp công nhận. Số lượng tổ viên tổ hoà giải không ấn định cụ thể. Tuy nhiên, mỗi tổ hoà giải phải có ít nhất 3 tổ viên trở lên. Tổ hoà giải có thể được thành lập ở từng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và cũng có thể được thành lập ở những cụm dân cư khác như các chợ cố định, tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí. 3.2. Tổ viên tổ hòa giải Tổ viên tổ hòa giải do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận đề cử hoặc tự mình ứng cử vào danh sách bầu tổ viên tổ hòa giải để nhân dân bầu và được Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận. Tổ viên tổ hòa giải là công dân từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, nghĩa là có khả năng bằng chính hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và có các tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân; Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; Tự nguyện tham gia tổ chức hòa giải, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hòa giải. Tổ viên tổ hòa giải có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Hoà giải các vụ việc theo quy định của pháp luật. Không phải bất kỳ một tranh chấp, vụ việc vi phạm pháp luật nào xảy ra tại địa bàn là hoà giải viên cũng có quyền hoà giải. Pháp luật quy định cụ thể nhóm vụ việc được hoà giải và những việc không được hoà giải ở cơ sở (được trình bày trong phần “Phạm vi hoà giải”). Tổ viên Tổ hoà giải phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định này. Mục tiêu hướng tới của hoà giải là giúp người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật xảy ra. Đối với hoà giải viên, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với trực tiếp thực hiện hoà giải là thông qua hoạt động hoà giải, tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
- Để làm được điều này, đòi hỏi hoà giải viên phải có kiến thức pháp luật không chỉ liên quan đến vụ việc mình hoà giải mà còn cần có hiểu biết pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là những lĩnh vực gắn với cuộc sống ở địa phương và luôn có ý thức kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trong quá trình hoà giải. Đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hoà giải có thể ảnh hưởng đến trật tự, an ninh ở địa phương, thì tổ viên Tổ hoà giải phải báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã để xem xét và có biện pháp giải quyết. 3.3. Tổ trưởng tổ hoà giải Tổ trưởng tổ hòa giải do các tổ viên tổ hòa giải bầu. Tổ trưởng tổ hòa giải phụ trách Tổ hòa giải, đồng thời, tham gia hoạt động hòa giải với tư cách tổ viên tổ hòa giải. Tổ trưởng tổ hòa giải có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Phân công, điều hoà, phối hợp hoạt động của tổ viên Tổ hoà giải; Phối hợp với các tổ hoà giải trong việc nâng cao nghiệp vụ và trong hoạt động hoà giải tranh chấp liên quan đến địa bàn hoạt động của các tổ hoà giải đó; Tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất để rút kinh nghiệm về công tác hoà giải và đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp xã các biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác hoà giải, cung cấp tài liệu và các thông tin nâng cao nghiệp vụ hoà giải; Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác hoà giải cho Uỷ ban nhân dân cấp xã và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; Đại diện cho Tổ hoà giải trong quan hệ với Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, Tổ trưởng tổ dân phố, cụm dân cư và với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. 4. Phạm vi hoà giải Phạm vi hoà giải được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐCP. 4.1. Những việc được hoà giải Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ. Như vậy, không phải tất cả mọi vụ việc xảy ra ở địa bàn thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư đều có thể được tiến hành hoà giải. Theo quy định của pháp luật chỉ những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ mới được hoà giải ở cơ sở. Phạm vi “nhỏ” của tranh chấp không phải là về giá trị vật chất của tranh chấp. Các tranh chấp và vi phạm pháp luật được hoà giải ở cơ sở không yêu cầu phải được giải quyết theo các trình tự, thủ tục tố tụng bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng. Mặc dù các vi phạm, tranh chấp không gây hậu quả nghiêm trọng
- ngay tức thì nhưng nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ dẫn đến mất ổn định trật tự trong nội bộ nhân dân. Với sự giúp đỡ của hoà giải viên, các bên tranh chấp có thể thoả thuận, giải quyết mâu thuẫn dựa trên cơ sở tình cảm (gia đình, làng xóm), các quy tắc đạo đức, luân lý, tập quán, phong tục tốt đẹp ở địa phương, nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Hoà giải được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư giữa các thành viên trong một hộ gia đình, các hộ gia đình với nhau hoặc các cá nhân với nhau. Cụ thể: Mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau: Trong cuộc sống hàng ngày, có thể nảy sinh mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình như cha mẹ và con cái, ông bà với các cháu, giữa anh, chị, em do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung...; Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp phát sinh từ các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất (thực hiện nghĩa vụ khi vay, mượn tài sản, tranh chấp đối với gia súc, gia cầm bị thất lạc, tranh chấp giữa những người được hưởng thừa kế…). Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng. Hoà giải viên chỉ có quyền thuyết phục, giải thích để các bên có tranh chấp tự nguyện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt…; nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, nghĩa vụ và quyền giáo dục giữa cha mẹ và con cái, nghĩa vụ và quyền của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, nghĩa vụ và quyền của anh, chị, em, nghĩa vụ và quyền của bố dượng, mẹ kế và con riêng, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi… Đối với việc ly hôn, hoà giải viên thực hiện việc hoà giải, giúp đôi vợ, chồng tự hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hoà giải viên không được phép giải quyết, phân xử việc ly hôn: cho vợ, chồng ly hôn hay ép buộc họ không được ly hôn. Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính. Hoà giải viên thực hiện hoà giải những việc như trộm cắp vặt (rau, quả trong vườn, một số đồ dùng sinh hoạt có giá trị không lớn), đánh, chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ. Tuy nhiên, nếu các bên tranh chấp thường xuyên để xảy ra xô xát, đánh, chửi nhau gây mất trật tự trong cộng đồng dân cư thì tổ hoà giải phải báo với chính quyền để có biện pháp xử lý kịp thời. 4.2. Những việc không được tiến hành hoà giải
- Có những vụ việc tổ hoà giải không được phép tiến hành hoà giải. Những trường hợp này đều phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc phải được xử lý theo các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, cụ thể: a) Các tội phạm hình sự Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Các tội phạm được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 1999 từ Chương XI đến Chương XXIV (Phần các tội phạm). Riêng đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà người bị hại đã không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát hoặc Toà án không tiếp tục tiến hành việc tố tụng và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi như: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì có thể hoà giải; b) Hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính Hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính; Hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính như: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính. c) Các vi phạm pháp luật và tranh chấp mà theo quy định của pháp luật không được hoà giải, bao gồm: Kết hôn trái pháp luật: theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm các điều kiện kết hôn, cụ thể: nam, nữ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn (nam dưới 20 tuổi, nữ dưới 18 tuổi); việc kết hôn do một hoặc cả hai bên bị ép buộc, lừa dối, cưỡng ép hoặc bị cản trở; việc kết hôn thuộc một trong những trường hợp cấm kết hôn khi nam, nữ là người đang có vợ hoặc có chồng, người mất năng lực hành vi dân sự, giữa những người có dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng, giữa những người cùng giới tính.
- Các vi phạm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước: người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước). Tranh chấp phát sinh từ giao dịch trái pháp luật: giao dịch dân sự trái pháp luật là giao dịch không đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch theo quy định của pháp luật, cụ thể: + Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự (người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự); + Mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; + Người tham gia giao dịch bị lừa dối, ép buộc; + Không đảm bảo hình thức giao dịch khi pháp luật có quy định về hình thức đối với loại giao dịch đó. Tranh chấp về lao động: tranh chấp về lao động bao gồm tranh chấp giữa cá nhân người lao động hoặc tập thể người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước tập thể và trong quá trình học nghề. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động gồm: + Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện nơi không có Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, Toà án nhân dân; + Đối với tranh chấp lao động tập thể: Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện đối với những nơi không có Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, Toà án nhân dân. 5. Nguyên tắc hoà giải Nguyên tắc hòa giải là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà khi thực hiện hoạt động hòa giải, người tiến hành hòa giải phải tuân thủ một cách đầy đủ, toàn diện và nghiêm túc. Các nguyên tắc này được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. 5.1. Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, hoà giải viên phải luôn dựa vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải quyết tranh chấp giữa các bên, coi đó là cơ sở suốt quá trình hoà giải, không được giải thích tuỳ tiện, theo ý chủ quan. Để có thể vận dụng một cách linh hoạt các quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể đòi hỏi người hoà giải phải nắm vững các quy định về quyền và nghĩa vụ
- của công dân trong một số lĩnh vực như: hôn nhân và gia đình (chủ trương về xây dựng gia đình văn hoá, những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, các quy định về điều kiện kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con, quan hệ giữa anh, chị, em và các thành viên trong gia đình…), dân sự (năng lực hành vi dân sự của cá nhân, các quyền nhân thân, giao dịch dân sự, quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…), đất đai, bảo vệ môi trường, hình sự… Việc hòa giải phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về phạm vi hòa giải (không “vượt quá phạm vi hòa giải”). Một thực tế đã xảy ra ở một số nơi (nhất là ở nông thôn), người tiến hành hòa giải ở cơ sở đã vận dụng hòa giải một cách tuỳ tiện, tiến hành thực hiện hòa giải những vụ việc mà theo quy định của pháp luật không được hòa giải như hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý về mặt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hoà giải không phải là việc phân xử, phán xét nên nếu chỉ đưa ra những quy định của pháp luật thì chưa thể “gỡ rối” sự việc. Người Việt Nam vốn sống trọng tình, nặng nghĩa. Vì vậy, cho dù các mâu thuẫn có gay gắt đến đâu thì giữa các bên tranh chấp vẫn còn một sợi dây gắn bó, đó là cái nghĩa giữa các thành viên trong gia đình, là cái tình xóm giềng “tối lửa, tắt đèn”. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của hoà giải là việc hoà giải viên dựa vào các chuẩn mực đạo đức, các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương để động viên, khuyên nhủ các bên dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp. Việc vận dụng các câu ca dao, tục ngữ, phong tục, tập quán phải có sự chọn lọc cho phù hợp, phải là phong tục tập quán tốt đẹp, phù hợp với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, tránh các giáo lý, hủ tục lạc hậu. 5.2. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hoà giải Nhiệm vụ của hoà giải viên là thuyết phục, giúp các bên tranh chấp tìm được tiếng nói chung để tự dàn xếp mâu thuẫn một cách ổn thỏa. Vì lẽ đó, trước hết hoà giải viên phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, tôn trọng ý chí của họ. Hòa giải viên chỉ đóng vai trò là người trung gian hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải chứ không áp đặt, bắt buộc các bên phải tiến hành hòa giải. Nếu các bên không chấp nhận việc hoà giải thì hoà giải viên không thể dùng ý chí chủ quan của mình mà bắt buộc họ phải tiến hành hoà giải. Lúc này tổ hoà giải có trách nhiệm báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Kể cả trường hợp hoà giải thành, nếu việc thực hiện thoả thuận giữa các bên có khó khăn thì hoà giải viên động viên, thuyết phục các bên thực hiện thoả thuận và có thể đề nghị Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố hoặc kiến nghị với Uỷ ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện để các bên tự nguyện thực hiện thoả thuận đã đạt được mà không áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành những thoả thuận của họ, bởi họ vẫn có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của họ. Vì vậy, mọi
- tác động đến sự tự do ý chí của các bên như cưỡng ép, làm cho một trong hai bên bị lừa dối hay nhầm lẫn đều không thể hiện đầy đủ tính tự nguyện của các bên. 5.3. Khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng Khi thực hiện hoà giải, hoà giải viên phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công minh nhằm bảo đảm giải quyết tranh chấp một cách công bằng, bình đẳng, quan tâm đến lợi ích của các bên tranh chấp. Là người trung gian, hoà giải viên không được thiên vị, không định kiến hay nể nang bên nào, không “dĩ hòa vi quý” cho xong việc. Sự khách quan, công minh, vô tư của người hòa giải mới tạo được lòng tin của các bên để họ lắng nghe, tiếp thu ý kiến khuyên giải của hoà giải viên, trên cơ sở đó tự thỏa thuận, giải quyết với nhau những mâu thuẫn, tranh chấp. Hoạt động hoà giải ở cơ sở đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc có lý, có tình, nghĩa là hoà giải phải dựa trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội. Trước hết cần đề cao yếu tố tình cảm, dựa vào đạo đức xã hội để phân tích, khuyên nhủ các bên ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức: như con cái phải có hiếu với cha mẹ; anh chị em phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau “như thể tay chân”, “chị ngã, em nâng”, “máu chảy ruột mềm”, “môi hở răng lạnh”; vợ chồng sống với nhau phải có tình, có nghĩa, “đạo vợ, nghĩa chồng”, “gái có công, chồng chẳng phụ”, tất cả vì con cái; xóm giềng thì “tối lửa tắt đèn có nhau”, “vắng anh em xa có láng giềng gần” và “thương người như thể thương thân”… Cùng với việc giải thích, thuyết phục các bên ứng xử phù hợp với các quy tắc đạo đức xã hội, hoà giải viên phải dựa vào pháp luật để phân tích, tư vấn pháp luật, đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Để thực hiện hoà giải thành, hoà giải viên phải tìm hiểu rõ ngọn ngành của vụ việc: nguyên nhân phát sinh, diễn biến của vụ việc, thái độ của các bên…. Trong số các thông tin cần thiết đó, đôi khi có những thông tin liên quan đến bí mật đời tư của các bên tranh chấp. Khi được các bên tranh chấp tin tưởng và thổ lộ thông tin thầm kín về đời tư của mình cho hòa giải viên, thì hoà giải viên cần tôn trọng và không được phép tiết lộ những thông tin này. ở đây, cũng cần phân biệt giữa bí mật thông tin đời tư cá nhân và những thông tin mà các bên tranh chấp che giấu về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Ví dụ: Thời gian gần đây, chị B nhận thấy những biểu hiện khác thường ở anh A, chồng chị. ở nhà, anh trở nên lạnh nhạt, ít nói hơn và anh hay cáu gắt với vợ con hơn trước. Chị B sinh nghi chồng mình có quan hệ với người phụ nữ khác, hai vợ chồng thường to tiếng với nhau. Chị B ôm con về nhà mẹ đẻ. Giả thiết xảy ra hai trường hợp sau:
- Trường hợp thứ nhất: Sau khi gặp gỡ anh A, hoà giải viên biết được nguyên nhân sự thay đổi tính tình, thái độ với vợ con của anh A. Do một lần tụ tập với bạn bè, không làm chủ được bản thân anh đã có quan hệ với một tiếp viên ở nhà hàng. Khi biết tin cô gái này bị HIV, anh A vô cùng lo lắng là mình cũng đã bị lây nhiễm. Anh vừa lo sợ cho bản thân, vừa thấy ân hận với vợ con nhưng không biết phải làm thế nào. Trong trường hợp này hoà giải viên nên khuyên anh A đi xét nghiệm và không được phép tiết lộ thông tin anh A có thể bị lây nhiễm HIV vì thông tin này có thể làm ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của bản thân anh A cũng như gia đình anh. Trường hợp thứ hai: Sau khi tìm hiểu sự việc, hoà giải viên biết được việc anh A đang có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác, thưòng xuyên qua lại nhà người phụ nữ đó. Đây chính là nguyên nhân mà anh có thái độ lạnh nhạt với vợ con. Trong trường hợp này hành vi của anh A là vi phạm quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, việc hòa giải phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng, nghĩa là việc hoà giải không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp, bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích của các bên mà còn phải bảo đảm lợi ích chung của xã hội, của Nhà nước và của người khác. Trong mọi trường hợp, hoà giải viên không chỉ giúp các bên giải quyết tranh chấp mà còn góp phần giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật của công dân. Khi hướng dẫn các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp không được trái với quy định của pháp luật và không làm thiệt hại đến lợi ích của người thứ ba, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Đối với hoà giải ở cơ sở, các tranh chấp, xích mích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày liên quan đến sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, đổ rác thải làm mất vệ sinh môi trường,... trong cộng đồng dân cư thường liên quan đến nhiều người khác ngoài các bên tranh chấp. Hoà giải viên không thể vì mục đích đạt được hoà giải thành của các bên tranh chấp mà làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bất kỳ người nào khác. Mặt khác, đối với các trường hợp xích mích, tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của người khác như thường thấy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, cần phải vận dụng đến đạo lý, tình cảm để khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái nhằm cảm hoá, thuyết phục các bên tranh chấp hoà giải đạt được kết quả. 5.4. Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có thể xảy ra những va chạm, xích mích, tranh chấp nhỏ giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc, hàng xóm… với nhau mà nếu không được giải quyết kịp thời, có lý, có tình thì có thể từ những va chạm, xích mích, mâu thuẫu nhỏ sẽ dễ trở thành những mâu thuẫn lớn. Từ những tranh chấp, mâu thuẫn trong quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình có thể chuyển thành vụ án hình sự…. Vì vậy, hòa giải viên cần chủ động, kịp thời tiến hành hòa giải, ngăn chặn hậu quả xấu, phòng
- ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự có thể xảy ra, giữ gìn tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng. Khác với các loại hình hoà giải khác, pháp luật không quy định thời hạn tiến hành việc hoà giải một tranh chấp do Tổ hoà giải thực hiện. Việc hoà giải chỉ kết thúc khi các bên đã đạt được thoả thuận và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó. Thực tiễn hoạt động hoà giải cho thấy có nhiều việc tranh chấp trong cộng đồng dân cư diễn ra trong một thời gian dài, đòi hỏi hoà giải viên phải kiên trì, dành thời gian, công sức tìm hiểu kỹ sự việc, theo dõi sát diễn biến sự việc để có những biện pháp tiếp cận được với các bên tranh chấp, tìm được phương thức hoà giải phù hợp nhất. Hòa giải viên có thể đến gặp gỡ từng bên để lắng nghe, thuyết phục. Sau khi tìm hiểu đầy đủ sự việc, lắng nghe ý kiến của các bên, người hòa giải phải bằng tất cả sự cảm thông, khéo léo phân tích, thuyết phục các bên đạt tới thỏa thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, việc hoà giải có thể phải kéo dài trong nhiều tháng hoặc lâu hơn cho đến khi các bên đạt được thoả thuận và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. 6. Trình tự tiến hành hoà giải Từ thực tiễn hoạt động hòa giải có thể tổng kết các bước tiến hành hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân như sau: 6.1. Bước 1: Trước khi hoà giải Khi có vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra, tuỳ thuộc đối tượng, tính chất vụ việc, quan hệ gia đình, xã hội… của các bên tranh chấp mà tổ hòa giải nghiên cứu, lựa chọn, cử người tham gia hòa giải cho phù hợp. Việc hòa giải có thể do một hoặc một số hòa giải viên tiến hành. Tổ hòa giải có thể tự quyết định số hòa giải viên tham gia hòa giải đối với từng vụ việc cụ thể. Ví dụ, hoà giải tranh chấp về hôn nhân gia đình nên cử hoà giải viên là nữ giới tác động với bên vợ và cử hoà giải viên nam giới tác động với bên chồng sẽ mang lại kết quả cao hơn. Đối với những việc tranh chấp tương đối phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên tương đối gay gắt, sự có mặt của một số hoà giải viên sẽ tác động nhiều hơn đến tâm lý của các bên tranh chấp, hoặc mỗi hoà giải viên sẽ đứng ra giải thích, thuyết phục, cảm hoá từng bên. Trong trường hợp cần thiết, Tổ hoà giải có thể mời người ngoài tổ hoà giải thực hiện việc hòa giải hoặc cùng tham gia hoà giải. Người được mời có thể là người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội, có kinh nghiệm và có uy tín đối với một bên hoặc các bên tranh chấp. Trong từng trường hợp cụ thể, người được mời có thể là người thân thích, bạn bè, người hàng xóm, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, người biết rõ nguyên nhân tranh chấp.... Trước khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên cần chủ động, kịp thời tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, để tìm biện pháp khắc phục, không để việc đơn giản thành việc phức tạp. Trong trường hợp cần thiết, có thể hội ý trong tổ hòa giải
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nước ta trong giai đoạn hiện nay
3 p | 139 | 16
-
Xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở trong bối cảnh kinh tế thị trường
4 p | 85 | 13
-
Năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ ở cơ sở
5 p | 234 | 13
-
Những kiến thức cơ bản về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố: Phần 1
84 p | 43 | 10
-
Thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam trong kỷ nguyên số
5 p | 61 | 8
-
Vai trò của thiết chế văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay
7 p | 27 | 6
-
Thực trạng công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ ở các trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ góc độ các nhà quản lý cấp cơ sở
7 p | 89 | 6
-
Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới (Dành cho hòa giải viên)
60 p | 7 | 6
-
Cơ sở pháp lý của UNESCO và Việt Nam về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay
6 p | 24 | 6
-
Tổ chức thực hiện công tác hòa giải tại cơ sở
29 p | 71 | 6
-
Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới (Dành cho tập huấn viên)
48 p | 10 | 5
-
Đầu tư nhiều hơn cho giáo dục văn hóa truyền thống ở cơ sở đào tạo báo chí
5 p | 97 | 4
-
Thực trạng và giải pháp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh Thái Bình hiện nay
8 p | 15 | 3
-
Cơ sở dữ liệu về văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam: Tiếp cận từ góc độ bảo tàng học
9 p | 59 | 3
-
Giải pháp phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông trong quản lý văn hóa ở cơ sở
5 p | 4 | 2
-
Cơ sở lí luận và thực tiễn của công tác nghiên cứu, tổ chức sưu tầm và xuất bản sách về văn hóa, văn học các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam
6 p | 93 | 2
-
Thực trạng và giải pháp dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở hiện nay
8 p | 66 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn