YOMEDIA
ADSENSE
Hồi ký: Những kỷ niệm nghề châm cứu thuốc Nam
69
lượt xem 14
download
lượt xem 14
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Chữa bệnh mắt vàng, chữa bệnh sốt rét sưng lá lách, chữa bệnh nhiệt nhập tâm bào, người bệnh sốt cao, thấy hình ảnh lạ đe dọa, chữa bệnh viêm đường bạch mạch và bệnh giun chỉ,... là những nội dung chính trong hồi ký "Những kỷ niệm nghề châm cứu thuốc Nam". Mời các bạn cùng tham khảo để nắm bắt nội dung chi tiết.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Hồi ký: Những kỷ niệm nghề châm cứu thuốc Nam
- Hồi ký - Những kỷ niệm nghề châm cứu thuốc nam Thư ngỏ Gửi những người, những miền đất tôi đã một thời chung sống. Tập hồi ký “ Những kỷ niệm nghề châm cứu, thuốc nam . là kỷ niệm của riêng tư, là lòng yêu mến, kính trọng những người, những miền đất tôi đã có một thời chung sống. Đến ngày nay ai còn, ai đã mất, tôi đều không được biết tin. Miền đất nào còn hoang sơ, nguyên vẹn, hay tất cả đã đổi thịt, thay da, tôi cũng chưa có dịp ghé qua, thăm lại. Thấm thoát đã gần 40 năm xa cách, cuộc đời tôi nhiều vật lộn, thăng trầm. Nhưng từ mùa thu năm 2002, có những lúc nỗi niềm trỗi dậy, thúc giục tôi nhớ đến truyện những ngày xưa. Nỗi nhớ, niềm thương cứ xen vào công việc, nên gần 4 năm trôi đi, tôi mới ghi được ngần này. Chừng một vài tên ai đó tôi không còn nhớ ra được, mong kẻ còn, người đã mất, thấu cảnh, thương tình mà đại xá cho tôi. Cúi xin thành tâm kính cáo. Hà Nội, ngày xuân 2006. Khiên Ngưu Tử - Lê Văn Sửu. Lời tựa Tập truyện ngắn “ Những kỷ niệm nghề thuốc nam, châm cứu” này là hồi ký của một người vốn làm nghề Mỹ thuật. Nghề Mỹ thuật của tôi được đào tạo bài bản, chính quy trong một nhà trường danh tiếng đất ngàn năm văn hiến : Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam ( tức trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội ngày nay ). Thủa còn nhỏ, tôi rất ham mê tập vẽ. Từ khi có hoạ sỹ thương binh Ngô Thúc Dung về làng nghỉ dưỡng, ông dạy chữ và dạy vẽ cho chúng tôi, lòng ham mê học vẽ trong tôi càng được nhân lên gấp bội. Năm 1953, khi vừa đủ tuổi đầu quân, tôi nhập ngũ tại Phòng Quân y Sư đoàn 320, định mệnh nghề Y đã bắt đầu dành cho tôi từ đó. Nhưng thật trớ trêu, tôi đâu sớm nhận ra điều ấy. Sau khi hòa bình lập lại, tôi vẫn còn ham muốn nghề vẽ trong lòng. Giải ngũ về quê được chừng một năm rưỡi (1960), tôi đã khăn gói quả mướp lên Hà Nội, thi đậu vào trường Mỹ Thuật Việt Nam. Định mệnh nghề y cứ lặng lẽ bám theo tôi, nó xuất hiện dần dần, từ việc bản thân tôi mắc bệnh vặt, tôi đã tự chữa cho tôi, rồi đến mọi người nhờ tôi chữa bệnh vặt cho họ. Tôi vừa học nghề Mỹ thuật, vừa đọc sách Đông y, và tôi chữa bệnh theo những gì học được trong sách. Tôi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật, cũng là khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đã đến hồi ác liệt (1966), tôi tình nguyện vào công tác ở Miền Nam. Hơn 6 tháng trời tôi đi trên đường Trường Sơn, tiếp theo là gần tròn 6 năm ở vùng
- Cực Nam Trung Bộ. Thấy có mặt tôi ở đâu, lập tức cán bộ quân y, dân y đều vui vẻ với tôi. Chúng tôi, khi thì cùng nhau xử lý một bệnh khó, nhưng không có thuốc đặc hiệu để chữa, khi thì họ giảng giải bệnh học theo sách Tây y cho tôi nghe. Tình nghĩa với nhau cứ như tôi đã là đồng nghiệp của họ từ xa xưa rồi, chẳng còn gì là cách biệt nữa. Năm 1972, tôi được lệnh trở ra miền Bắc an dưỡng. Tới đầu năm 1974, sức khoẻ tôi đã tạm phục hồi, tôi về lại nghành Mỹ thuật làm công tác là lẽ đương nhiên, cơ quan tổ chức nghành và tôi đều dễ dàng đồng ý. Cơ quan tôi mới về làm việc là Cục Mỹ thuật, chức danh của tôi là cán sự. Sau đó ít lâu (1978), tôi được điều động sang Trường Cao đẳng Mỹ Thuật, làm giảng viên trong khoa Điêu Khắc, nơi trước đó 12 năm, tôi từ đấy ra đi. Cho tới năm 1981, tôi chủ động xin nghỉ hưu, đề nghị của tôi lập tức được Giám đốc trường chấp thuận. Có ai biết được rằng, từ khi trở về nghành cũ làm công tác, tôi vẫn không bỏ nghề chữa bệnh hàng ngày. Có người chỉ coi đó là nghề tay trái của tôi. Một sự đột biến mới của đời tôi đã sảy ra vào năm 1983. Đó là việc Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc Phòng tìm đến tôi. Họ mời tôi tham gia đề tài cấp nhà nước số 48070203, do khoa Sinh lý Lao động Quân sự của Học viện phụ trách. Họ trao cho tôi làm cố vấn lý luận Phương Đông trong Y học, Võ thuật và Dưỡng sinh học cổ truyền. Từ đây, thần định mệnh nghề Y đã kéo tôi tuột khỏi bàn tay vị thần cai quản nghệ thuật, nhấn sâu đời tôi vào mọi công việc nghề y. Thế rồi những việc đọc sách, làm thực nghiệm theo yêu cầu của đề tài, dạy lý luận, chữa bệnh, truyền kinh nghiệm thực hành chữa bệnh, tôi đều phải làm xen kẽ nhau, làm liên tục không ngừng. Khi ảnh hưởng của công việc tôi làm ngày càng rộng mở, một yêu cầu mới đã đặt ra cho tôi cần phải tiến hành ngay. Đó là những kiến giải riêng trong nghiên cứu, những bài giảng lý luận, những phương huyệt chữa bệnh hiệu quả, tôi gom chúng thành từng chuyên đề, in thành sách, cho phát hành rộng rãi. Nhận thấy, ở trong phần “ những phương huyệt kinh nghiệm ” lấy từ các bộ sách quý, tôi đều ghi chép vào cẩn thận, khá nhiều. Khi hướng dẫn tìm huyệt ở trên người thật, tôi luôn nhắc về tác dụng phối hợp giữa huyệt này cùng với một, hoặc nhiều huyệt nào đó, sẽ có thêm nhiều tác dụng khác nhau. Nhưng học viên dễ nhớ nhất vẫn là những câu truyện chữa bệnh cụ thể. Vì thế, tôi nảy ra ý định viết lại những kinh nghiệm của tôi tiến hành chữa bệnh ở đâu đó, trong thời gian hơn 40 năm qua. Chữa bệnh đã là nghề tay trái của tôi, viết lách về nghề chữa bệnh lại là bên trái của tay trái tôi. Nhưng tôi vẫn cứ viết. Bởi vì mỗi lần tôi chữa cho một người bệnh ở một vùng khác nhau, hoàn cảnh sống của họ khác nhau, thời gian khác nhau, nhưng tất cả đều là kỷ niệm sống động, khó quên của riêng tôi. Tôi viết lại những kỷ niệm này vừa là cho riêng tôi, lại còn là những ví dụ cụ thể cho người tập chữa bệnh bằng phép châm cứu. Cho nên ở mỗi bệnh, từ chứng biểu hiện, diễn biến của chứng trạng, đến chẩn đoán bệnh danh, chọn phương huyệt, dùng thủ pháp bổ hay tả, kết quả chữa ra sao, tất thảy tôi đều ghi lại rất rõ ràng. Phải đánh vật với chữ nghĩa, nên văn tôi viết không tránh khỏi lỗi vần, sai luật. Nhưng những gì về kinh nghiệm chữa bệnh, tôi thật lòng không dám dấu nghề mà mô tả đơn sai. Đôi lời tâm huyết, mong người đọc sách mở lòng. Tác giả
- Lời đề dẫn Sau khi tập hồi ký “Những kỷ niệm nghề châm cứu, thuốc Nam” của tôi hoàn thành được phần đầu, nhân ngày 20 tháng 11 năm 2005, tôi đã cho anh chị em môn sinh các khoá sao chép. Tôi cũng sao chép một số bản, đem tặng bạn bè. Những ý kiến phản hồi cho biết, 30 câu truyện là 30 bài kinh nghiệm chữa bệnh rất cụ thể, rất có ích cho người trong nghề. Đầu năm 2006, Hội người cao tuổi Việt Nam, gửi giấy mừng thọ 70 tuổi cho tôi. Tôi chợt thấy thời gian còn lại ở đời của mình rất đáng quý. Tôi phải ghi lại những gì trước khi tuổi già có thể làm tôi quên đi. Mong muốn những kỷ niệm của cá nhân tôi sẽ đem lại một đôi điều có ích cho mọi người, nên tôi đã ghi lại được thêm 34 mẩu truyện nữa, đó cũng là 34 bài kinh nghiệm chữa bệnh. Với 30 truyện ở tập trước, có thêm 34 truyện ở tập này, gộp lại thành 64 truyện. Trong đó, có nội dung của nhiều mặt bệnh và phép chữa bệnh ở đủ các khoa: Nam, phụ, lão, ấu, ngoại cảm, nội thương ... Có bạn hỏi tôi : “Đã qua hơn 40 năm, chắc hẳn, số người được ông chữa cho khỏi bệnh, không phải chỉ có 64. Nhưng vì sao những chuyện ông viết lại, ông đã dừng ở con số đó?” Tôi trả lời người bạn của tôi rằng : Kinh Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ gồm 2 quái, quái thượng và quái hạ. Mỗi quái lại có 3 hào, vị chi mỗi quẻ dịch có 6 hào. Do vị trí của hào dương, hào âm ở trong mỗi quái khác nhau, biến hoá âm dưong đó làm cho kinh Dịch đủ sức diễn tả mọi biến hoá của vạn sự, vạn vật trong vũ trụ. Người làm tướng, nhờ có tài biến hoá âm dương của quân cơ, quân ngũ ở 8 cửa trận, nên đã vây hãm được quân địch. Chúng ở trong trận đồ bát quái trùng trùng, điệp điệp mà không tìm thấy lối ra. Cuối cùng, chúng dành chịu bó giáo quy hàng. 64 câu truyện tôi viết lại, tuyệt nhiên không có ý định làm ra y án.Vì đã là y án, tất phải có dương án, âm án. 64 phương huyệt trong truyện được tôi ngụ ý như 64 quẻ Dịch. Mỗi huyệt trong một phương được coi như một hào trong quẻ dịch. Một huyệt trong mỗi phương khác nhau, lại dùng đến tác dụng chủ trị khác nhau của nó, như sử dụng tính chất âm dương khác nhau của mỗi hào, trong mỗi quái của quẻ Dịch. Nhưng về truyện, lại là những kỷ niệm rất riêng tư, đáng nhớ, ở nhiều thời gian và hoàn cảnh sống khác nhau của đời tôi. Trong các truyện kể trên, còn một điều tôi tâm đắc là: “Muốn chữa bệnh bằng châm cứu đạt kết quả, phải chẩn đoán đúng, lấy huyệt đúng, và làm thủ pháp châm kim đúng. Về phía người bệnh, cần phải đặt lòng tin vào thầy thuốc và tuân theo những điều thầy thuốc hướng dẫn kiêng khem trong ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi...” Những kinh nghiệm tôi đã viết ra đó, tuy có nói đến các thủ pháp, nhưng chưa nói cụ thể thao tác khác nhau của từng thủ pháp khác nhau. Cho nên ở cuối tập này, tôi trích thêm phần “Thủ pháp bổ, tả của châm kim” trong sách “Cẩm nang chẩn trị Đông y – Dùng thuốc và châm cứu” đưa vào cho trọn vẹn mong muốn của tôi. Bạn bè và đồng nghiệp đọc tập hồi ký này, xin cho tôi đôi lời chỉ giáo. Tôi thật lòng cảm tạ. Phần thứ nhất 1 - Chữa bệnh mắt vàng
- Một buổi chiều mùa thu năm1965, thủa tôi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, theo trường sơ tán về thôn Hữu Định, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Hà Bắc cũ (phần đất Bắc Giang ngày nay). Trong lúc tôi đang làm việc, bỗng có ông Tô Duy là bạn học cùng khóa, bên khoa hội hoạ đến tìm tôi, nhờ tôi sang chữa bệnh cho con gái chủ nhà, nơi ông ở nhờ. Khi tôi tới, ông Tô Duy gọi cô gái chừng 13-14 từ trong buồng bước ra. Tôi hơi sửng sốt, khi nhìn thấy mắt cô ta rất lạ. Lòng trắng mắt cô như một tàu lá vàng ươm. Lòng đen mắt cũng đã bắt đầu chớm vàng. Thần của mắt cũng hơi đờ đẫn. Tôi hỏi ông Tô duy xem ông đã phát hiện ra chứng này ở cô bé từ bao lâu. Ông Tô nói : “Có lẽ chưa đầy một giờ đồng hồ, bởi vì mới xế trưa nay tôi còn thấy mắt cô bé rất bình thường.” Tôi chợt tính rằng ở đây cách bệnh viện huyện trên phố Thắng dài hơn tám cây số đường đồi, trời lại sắp tối, cần gặp ông chủ nhà để bàn cách đưa đưa cô bé đi bệnh viện ngay. Vừa lúc đó thì ông chủ về, tôi liền nói với ông như quyết định : “Ông đi mượn ngay một cái võng, hai cái xe đạp, chuẩn bị một cây tre buộc võng, để đưa cô bé đi bệnh viện cho kịp thời.” Trong khi ông chủ nhà đi mượn võng và xe đạp, tôi mở quyển sách Châm cứu tư sinh kinh, tra đến mục “Mục hoàng.” Sách viết rằng : “Não hộ, Chí dương, Đảm du, ý xá, trị mục hoàng.” Tôi vội lấy kim, sát trùng rồi châm các huyệt kể trên, lưu kim, vê kim kích thích tả pháp, lần lượt theo đúng thứ tự trước sau. Qua chừng mươi phút, ông chủ nhà và bà con dắt về hai xe đạp đã buộc sẵn võng, dựa ở tường hoa trước sân. Cũng lúc ấy, ông Tô Duy reo lên kinh ngạc : “ồ mắt đã trắng trở lại rồi.” Chả là khi tôi châm kim, ông Tô Duy và vài người nữa ngồi phía trước mặt cô gái, họ chăm chú theo dõi đôi mắt của cô. Nghe tiếng reo ấy, tôi cũng ngừng tay vê kim, đứng dậy đi vòng sang phía trước cô gái để quan sát. Quả nhiên thấy đúng như thế. Lúc này ông chủ và bà con từ ngoài sân ùa cả vào nhà.Tôi nói với ông chủ một cách nửa tin tưởng, nửa dè chừng rằng : “Có lẽ chưa nên đưa em đi bệnh viện ngay lúc này, cũng không nên trả xe đạp và võng. Hãy đợi tối nay tôi sang châm cho em một lần nữa, nếu sáng mai bệnh không trở lại thì ta có thể yên tâm chữa ở nhà. Nếu thấy bệnh trở lại, ta đưa em đi bệnh viện cũng còn kịp, vì hiện giờ này thấy bệnh của em đã đỡ nhiều.” Sáng hôm sau tôi sang thăm bệnh cho cô gái, thấy mắt cô trắng và thần thì trong sáng như chưa có bệnh. Tuy vậy tôi vẫn châm cho cô gái một lần nữa, từ đó bệnh khỏi hẳn. Cuối năm 1973, sau khi từ chiến trường Miền Nam ra, tôi trở lại thăm thôn Hữu Định, thăm chủ nhà tôi ở nhờ, và thăm bà con trong thôn, những người đã giúp đỡ tôi thời gian sơ tán ấy. Trong lúc tôi đang vui chuyện cũ, mới với mọi người, chợt thấy một ông tóc đã muối tiêu nhảy vọt qua bức tường hoa, từ sân nhà bên ông đi tắt sang cho nhanh. Ông nhìn tôi và hỏi tôi : “Anh Sửu còn nhớ tôi không?.”Rồi không đợi tôi trả lời, ông đã nói tiếp : “Tôi là bố con bé bị bệnh mắt vàng mà anh đã chữa cho ngày ấy. Cháu đã lấy chồng, có con rồi . Anh Sửu à, suốt từ đấy đến bây giờ mắt của cháu không bị vàng lại nữa.” Ngày nay, với học viên, mỗi khi dậy đến bệnh gan, mật, tôi thường kể lại chuyện này để nhắc cho học viên biết quý bộ sách Tư sinh kinh. Nhiều phương kinh nghiệm của cổ nhân ghi trong sách đó, tôi dùng chữa cho bệnh nhân đều có hiệu quả mãn ý. . Tôi cũng không quên nhắc lại một nguyên tắc
- : Muốn khai thác giá trị của phương kinh nghiệm, trước hết, phải khai thác từ mỗi du huyệt trong phương đó. Theo phần Du huyệt học trong sách này, cũng như ở các bộ sách dạy châm cứu khác nói chung, tác dụng chủ trị của huyệt đều được ghi đầy đủ. Các tác dụng đó được quy vào mấy mặt sau đây : 1- Tác dụng vào bệnh tạng phủ bên trong tương ứng với vị trí của huyệt (nếu huyệt nằm ở vùng lưng trên, lưng dưới, ngực, bụng). 2- Tác dụng vào bệnh tại chỗ, lân cận và những nơi đường kinh đó đi qua. Đồng thời tác dụng đến tạng phủ sở thuộc của đường kinh đó. 3- Tác dụng đặc hiệu đến nơi có bệnh ở rất xa (gọi là tác dụng viễn đạo), hoặc bệnh ở những đường kinh khác, không có quan hệ tạng phủ, kinh lạc biểu lý nhau với đường kinh sở thuộc. 4- Có những huyệt không nằm trên đường kinh nào, nhưng lại có tác dụng đặc hiệu lạ lùng, gọi là Kinh ngoại kỳ huyệt. 5- Nhiều sách xuất bản gần đây, sau những chủ trị của huyệt, còn ghi thêm tác dụng phối hợp của huyệt, thực chất là những phương kinh nghiệm. Trong đó, có phần tác dụng của bản huyệt góp vào cùng tác dụng của các huyệt khác trong phương. Về trị liệu, ta thấy : Một huyệt có tác dụng chủ trị nhiều loại bệnh; một bệnh có thể dùng nhiều huyệt để trị. Do vậy, một phương trị hiệu quả bệnh nào đó, thường là một tập họp giá trị đặc hiệu của số huyệt trong phương với bệnh đó. Từ đây cho tới hết tập truyện, mỗi phương kinh nghiệm, ta đều cùng nhau phân tích theo cách nêu trên. Bắt đầu từ phương huyệt chữa bệnh mắt vàng này. - Huyệt Não hộ - Cấm châm đứng kim, cấm cứu. Cứu làm cho người ta câm. Châm đứng kim vào não là chết ngay. Phải châm kim luồn dưới da, mũi kim chếch từ dưới lên. Chủ trị :... mặt đỏ mắt vàng; ,,, - Huyệt Chí dương. Chủ trị : viêm gan, viêm túi mật, giun chui ống mật...vàng da - Huyệt Đảm du - Chủ trị : Viêm gan, viêm túi mật, giun chui ống mật, mát vàng, hoàng đản - Huyệt ý xá - Chủ trị : bệnh gan, viêm gan, viêm túi mật, mình nóng mắt vàng. Tổng hợp tác dụng chủ trị của 4 huyệt trong phương, đã cho hiệu qủa chữa chứng mắt vàng rất tốt. Cũng qua đây, ta lại thấy được, các cụ xưa nhận thức đúng như khoa học ngày nay : Chứng mắt vàng là do bệnh ở gan, mật. 2 - Chữa bệnh sốt rét sưng lá lách Mùa thu năm 1966, đoàn cán bộ mang ký hiệu K.19 của tôi đi B6, hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, đến địa phận binh trạm 4. Theo thường lệ, hàng ngày, khi tới bãi khách, chúng tôi lo nấu cơm ăn, căng tăng võng nghỉ ngơi. Tối hôm đó, ông Hiếu, dược sỹ cao cấp, công tác ở trường Đại học Y Khoa Hà Nội, đi cùng đoàn (bấy giờ chúng tôi thường gọi nhau bằng đồng chí, hoặc anh, đến nay ông cũng trạc tuổi tôi rồi, nên tôi gọi bằng ông cho phải) tới nói với tôi :“ Đồng chí Sửu à, tôi vừa gặp một ông chính uỷ binh trạm 4. Ông là người đồng hương Hà Tĩnh của tôi. Ông ấy bị sốt rét, lá lách sưng độ bốn, người yếu lắm. Ông đang có cơn sốt mà vẫn phải vào binh trạm 5 để họp. Từ hôm nay, ông ấy đi cùng cung đường với đoàn ta. Khi gặp tôi ( tức ông Hiếu ), biết tôi là dược sỹ cao cấp chính hiệu, lại là đồng hương, ra đi từ Hà Nội, ông ấy hỏi tôi
- xem có thuốc gì hiệu quả hơn những thuốc thường dùng hiện nay hay không? Tôi nói với ông ấy rằng, số thuốc tôi mang theo cũng chỉ là thuốc phòng và chữa sốt rét, mọi người đều được cấp phát như nhau. Nhìn thấy ông ấy mang bệnh nặng, mình là dược sỹ mà không có loại thuốc gì giúp được, trong lòng tôi buồn lắm. Đồng chí thử dùng phép châm cứu để chữa giúp ông ấy, cũng là giúp tôi mà.” Nể lòng ông Hiếu, vì ông vốn rất quý tôi. Hàng ngày, khi đi qua những nơi có cây thuốc, ông thường hái lấy rồi chỉ bảo cho tôi. Ông như một ông giáo dạy nghề tận tuỵ, vô tư, nên tôi đã nhận lời đề nghị của ông. Ông Hiếu liền đi làm công tác tư tưởng cho vị chính uỷ nọ, để ông này chấp nhận cách chữa của tôi. Hồi đó, châm cứu chữa bệnh chưa được phổ cập như ngày nay, không phải ai cũng biết và tin tưởng. Từ đấy mỗi ngày hành quân tới b•i khách mới, tôi nhờ đoàn viên cùng tổ ba người với tôi, giúp việc thổi cơm, nấu nước, thay cả phần việc khác của tôi, để tôi đi chữa bệnh. Theo sách Châm cứu học tôi mang theo, trong phần trị liệu học, bệnh này phải cứu bằng mồi ngải ở ba huyệt :Tỳ du, Bĩ căn, Chương môn. Nhưng trong thực tế của hoàn cảnh hành quân mang nặng, trèo đèo, lội suối cả ngày. Tới nơi để tạm nghỉ qua đêm thì đã quá mệt, nên tôi thay phép cứu bằng ôn châm cho đỡ tốn thời gian, ở mỗi cán kim, tôi đốt 2 mồi ngải nhỏ. Đồng thời, để tăng hiệu quả trong một số ngắn ngày, tôi đã thêm huyệt Công tôn vào trong phương này. Điều kỳ diệu đã đến với ông chính uỷ là, sau đêm ôn châm đầu tiên, sang ngày hôm sau, mặc dù chưa phải là đã khỏi được như người bình thường, nhưng ông tự thấy tỉnh táo hơn, bước chân leo đồi, vượt dốc của ông cũng đã nhẹ nhàng hơn. Sau lần ôn châm thứ hai, đến sáng ngày hôm sau, ông đã đòi người cần vụ đưa chiếc ba lô của ông để ông đeo cho dễ đi. Cái ba lô của ông tuy chẳng nặng nề là bao, nhưng trước đó, nó đã phải để người cần vụ đặt lên trên cái ba lô vốn qúa nặng nề và cồng kềnh của anh. Ngày thứ ba, đoàn chúng tôi và ông đi đến một trạm mà từ đó ông rẽ đường về nơi ông họp.Trạm này vốn không phải là nơi chúng tôi được nghỉ lại cách ngày. Nhưng vì nhu cầu chữa bệnh cho ông, ông đã hội ý để ban chỉ huy trạm bố trí bãi khách, mời đoàn chúng tôi nghỉ lại. Đồng thời, kết hợp chữa cho ông lần thứ ba, thứ tư vào tối hôm đó và cả tối hôm sau nữa. Trong ngày nghỉ lại ở trạm, ông chính uỷ đã nhờ chiến sỹ giao liên của trạm đưa hàng hoá vào buôn đồng bào gần đó, đổi lấy gà và gạo nếp. Ông giao cho trạm nấu cơm, làm gà, mời ban chỉ huy đoàn K.19, tôi và ông Hiếu vào liên hoan với ông. Ông còn bàn với trạm cung cấp thêm cho cả đoàn một số lương khô, mắm ruốc, v.v.... Điều này là một cử chỉ đặc biệt, ngoại lệ thông thường của binh trạm. Trong cuộc chuyện trò, ông chính uỷ không thể dấu được nỗi vui mừng, tin tưởng, khi ông kể về cảm giác sức khoẻ của mình. Ông thấy đã có nhiều thay đổi tốt lên. Để chứng nghiệm việc này, bác sỹ trưởng đoàn tên là Minh, nguyên giữ chức phó bệnh viện trưởng bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, ông đã hăng hái sờ nắn, kiểm tra lâm sàng vùng gan, lách ông chính uỷ. Sau đó, ông đã có lời nhận xét rằng : “ Thật là hiệu quả. Gan và lách của chính uỷ đã nhỏ đi rất nhiều.” Đêm đó, tôi nói truyện với bác sỹ Chính trong đoàn về câu truyện trong trạm giao liên. Tiếp theo, tôi phân tích phương huyệt theo du huyệt học, muốn để ông hiểu thêm về tác dụng của mỗi huyệt trong phương, như :
- Huyệt Tỳ du - Chủ trị : gan, lách sưng to, cổ trướng ; tích tụ bĩ khối, sốt rét lâu ngày... Huyệt Bĩ căn (loại huyệt lạ ngoài kinh) – Chủ trị : Gan, lá lách sưng to, Huyệt Chương môn – Chủ trị : Lá lách sưng to... Huyệt Công tôn (loại lạc huyệt của kinh tỳ, chuyên trị bệnh mạn tính của tạng phủ sở thuộc) – Chủ trị :…sốt rét; sốt thể lạnh... Tổng hợp tác dụng của 4 huyệt trên, chữa hiệu qủa nhanh chứng bệnh sốt rét sưng lá lách của ông chính ủy, mọi người đều đã chứng nghiệm hôm nay. Thưa các bạn, kinh nghiệm lần đầu đó, sau này đã giúp tôi chữa được nhiều ca bệnh của đồng đội sốt rét, gan lách sưng to như thế. Trong suốt hơn năm năm trời ở nơi rừng sâu, nước độc của miền Cực nam Trung Bộ, kinh nghiệm này đã là chất keo gắn bó tôi với đồng đội. Cho đến sau này, khi trở về miền Bắc, con gái tôi và học viên của tôi cũng theo phương đó, chữa cho nhiều anh em đi bộ đội nghĩa vụ phục viên, những thanh niên đi đào vàng, đào đá quý trở về, nếu bị mắc bệnh sốt rét rừng, có gan lách sưng to, họ đều được chữa khỏi sau từ bảy đến mười ngày. Bệnh sốt rét rừng, có sưng gan lách hiện nay đang còn nhiều, tôi ghi lại chuyện này, cũng là ghi lại một phương đã có nhiều kiểm chứng để đồng nghiệp tham khảo thử dùng 3 - Chữa bệnh nhiệt nhập tâm bào, người bệnh sốt cao, thấy hình ảnh lạ đe doạ Khoảng giữa mùa xuân năm 1970, toàn cơ quan chúng tôi có chuyến đi vận chuyển lương thực, từ một vùng căn cứ của tỉnh Bình Thuận, về căn cứ của tỉnh Tuyên Đức, nằm ở phía nam huyện Đơn Dương (thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay). Trên tuyến đường rừng này, có một đoạn phải đi qua trảng tranh (rừng tranh bằng phẳng, không có cây lớn) mất tám gìờ đồng hồ. Khi qua đây, tất cả mọi cuộc hành quân đều phải đi vào ban đêm, bởi vì ban ngày máy bay đầm già (máy bay do thám) và tầu gáo (một loại trực thăng lùng sục, có thể bay thấp len lỏi vào các khe suối, bãi trống nhỏ) thường xuyên bay lượn quan sát, nếu thấy có gì khả nghi là chúng bắn rốc két, có bóng người là chúng đổ trực thăng vây bắt cho bằng được. Đêm ấy chúng tôi đi qua trảng tranh, chỉ huy không dám cho giải lao giữa chừng. Chỉ được phép tạm dừng khi có nhu cầu vệ sinh cá nhân hàng loạt. Vì thế khi chưa đi hết trảng tranh chúng tôi đã quá mệt. Nhưng ở nơi hết trảng tranh lại tiếp nối một đoạn dốc cao và dài. Chỉ huy yêu cầu chúng tôi phải vượt lên đỉnh dốc, vào sâu trong rừng già mới được nghỉ chân, tìm nơi có nước nấu ăn để còn đi tiếp. Ai đã từng hành quân mang nặng, leo dốc mới thấy được tư thế đi hợp lý nhất là thân hơi cúi xuống, đầu đưa cằm ra, mũi thở đều, mắt nhìn vào lưng người đi trước. Và tất nhiên là từng bước chân phải được đặt vững vàng rồi mới rướn người đưa chân lên phía trước. Cảnh tượng im lặng, thận trọng của đoàn người ngoằn nghoèo, di chuyển chậm chạp lên dốc, vừa có vẻ nặng nề, mệt mỏi, lại vừa có vẻ cảnh giác đề phòng mọị bất trắc. Đúng lúc cả đoàn quân lên tới lưng chừng chừng dốc, tổ xích hầu (tổ vũ trang sẵn sàng chiến đấu) đi trước, chỉ còn cách bìa rừng đầu trên của dốc chừng dăm chục mét, bỗng dưng có một tiếng hô lớn : “biệt kích.” Tiếng hô ngắn gọn, dứt khoát. Chúng tôi như một
- phản xạ thành thạo, tất cả đều đồng loạt nằm xuống ngay tại chỗ, tai thì lắng nghe mọi tiếng động khác lạ, mắt thì hướng về phía bất kỳ, do tư thế mỗi người đã tự nằm xuống để quan sát, thăm dò. Chừng dăm bảy phút sau chúng tôi được lệnh đứng dậy đi tiếp. Vừa đi, chúng tôi vừa nghe thông tin từ đầu đoàn quân truyền xuống rằng, có một chú vệ binh trẻ đi đầu hàng quân bị sốt cao, tâm thần hoảng hốt. Khi chú hô xong tiếng “ biệt kích ” liền tự động nằm xuống, và mọi việc đã xảy ra như vừa kể ở trên. Thật là gặp một phen hú vía. Tối hôm đó, khi về đến căn cứ, anh Nghị là y sỹ cơ quan đến cho tôi biết, chú lính đó bị sốt cao mê sảng, vẫn luôn tay chỉ về mọi phía mà nói : “biệt kích kia kìa, nó đang cầm dao định chém cháu”. Khoảng gần trưa hôm sau, y sỹ Nghị lại đến gặp tôi nói rằng, anh đã cho cháu uống thuốc hạ sốt, thuốc cắt cơn sốt rét, nhưng bệnh tình vẫn chưa giảm. Anh tỏ vẻ lo lắng gi•i bày rằng : “Cháu Thanh này tuổi còn rất nhỏ, nhà ở ấp Thanh Bình, ngoại thành Đà Lạt, tham gia cách mạng từ đợt hai tổng tấn công Mậu Thân, cùng với mấy chục thanh niên trong ấp. Nếu không chữa cho cháu khỏi bệnh thì sẽ ảnh hưởng tới tinh thần của cả lứa đó. Đã có cháu xì xào với nhau, cho rằng, ma rừng ếm chú linh đó rồi đấy.” Dừng lời một giây lát, y sỹ Nghị dè dặt nói với tôi : “Anh Sửu xem sách thử, nếu có cách gì thì chữa giúp tui.” Thường ngày, tôi tuy có biết châm cứu và có sách châm cứu mang theo, nhưng tôi không bao giờ tỏ vẻ lấn sân công việc của y tế cơ quan. Chỉ tham gia khi có yêu cầu của các cán bộ chuyên môn. Lần này cũng thế khi anh Nghị yêu cầu, tôi liền mở sách và tìm được nhóm huyệt chữa chứng nhiệt nhập tâm bào, sốt cao mê sảng, sinh ra ảo thính, ảo thị, là các huyệt Tâm du, Thần đạo, Thiên tỉnh. Sau khi anh Nghị dẫn cháu Thanh tới, liền giúp tôi sát trùng kim và huyệt vị. Tôi châm cả năm cây kim theo thứ tự : Thần đạo rồi đến Tâm du cả hai bên, sau cùng là Thiên tỉnh cả hai bên. Cứ năm phút tôi lại vê kim kích thích tả pháp một lần. Lâu lâu, khi thấy cháu nhìn không ngơ ngác nữa, tôi hỏi cháu : “Cháu còn thấy biệt kích nữa không ?.” Cháu tỉnh táo nói : “Không thấy nữa ạ.” Tôi nói với anh Nghị kẹp nhiệt kế vào nách xem đã hạ sốt chưa. Anh Nghị lấy nhiệt kế ra, kẹp cẩn thận xong chúng tôi cùng ngồi trao đổi về cơ chế bệnh này theo lý luận Đông y. Theo thói quen nghề nghiệp, anh Nghị đợi đủ thời gian kỹ thuật quy định mới lấy nhiệt kế ra xem. Anh nói : Giảm sốt rồi, chỉ còn 37,6 độ C. Tôi hỏi để so sánh : Khi chưa châm kim, nhiệt độ sốt của cháu bao nhiêu. Anh Nghị nói : “Lúc cao nhất là 39,8 độ C.” Trong khi tôi rút kim thì anh Nghị giúp tôi thu dọn đồ nghề, sách vở và nói : “May quá !. Thiệt là tài tình !.” Thấy y sỹ Nghị còn lạ lẫm với phép châm cứu, tôi đã phân tích tác dụng của số huyệt trong phương, theo du huyệt học cho anh Nghị nghe. Tôi nói : “Huyệt Tâm du – Chủ trị : Tim bồn chồn, tim đập mạnh, bệnh tim do phong thấp, tim động quá nhanh bệnh thần kinh chức năng tâm khí hoảng hốt; tâm trúng phong, tâm ngực bứt rứt. Huyệt Thần đạo – Chủ trị : bệnh nhiệt; bệnh tâm tạng, thương hàn phát nhiệt, Huyệt Thiên tỉnh – Chủ trị : sốt rét, điên tật; tim ngực đau nóng rét rầu rầu; Không vui hồi hộp. Tổng hợp lại, phương huyệt đã làm lên tác dụng thần kỳ như anh Nghị đã thấy đấy. Anh nói với tôi : “Hết chiến tranh, tôi nhất định sẽ xin đi học châm cứu anh à.” Tôi động viên anh Nghị : “ Hoà bình rồi, chúng ta còn có thể học được nhiều thứ, chẳng riêng gì một môn châm cứu.”
- Cho tới gần trưa ngày hôm sau, đón chừng trước cơn sốt có thể sảy ra, tôi và anh Nghị lại châm cho cháu Thanh, cũng lưu kim kích thích như ngày hôm trước. Thế rồi cơn sốt và ảo thị, ảo thính đã không sảy đến ở cháu ấy nữa . - Từ đó tới nay phương huyệt này đã được tôi sử dụng chữa cho nhiều bệnh nhân sốt cao mê sảng, có ảo thính, ảo thị. tất cả đều thu được hiệu quả giống nhau. 4 - Chữa bệnh viêm đường bạch mạch và bệnh giun chỉ Lần này không phải y sỹ Nghị, mà là y sỹ Giang bên cơ quan tỉnh đội, người Nam Bộ, có nước da trắng trẻo, bộ mặt luôn tươi cười, với chiếc răng bịt vàng nép trong khoé mép. Anh nhanh nhẹn nhảy qua mấy hòn đá lớn, cúi đầu chui vào gộp đá, nơi tôi đang làm việc. Giang vừa nói, vừa gãi gãi tai : “ Anh Sửu à, Giang đưa cậu T. lên (tôi đã quên mất tên nên tạm đặt thế) nhờ anh chữa giùm Giang nhé. Cậu này bị viêm đường bạch mạch.” Tôi chưa gặp bệnh này lần nào nên đã vui vẻ nhận lời. Giang chỉ đợi có thế, liền chui ra khỏi gộp đá (khe rỗng giữa những hòn đá to chồng lên nhau, không phải là hang đá như ở núi đá vôi), thoăn thoắt nhảy qua các hòn đá mà biến đi nhanh chóng. Lát sau Giang trở lại, nhưng đi chầm chậm, thận trọng, đỡ bên người một chú linh cảnh vệ to cao. Chú này chống gậy, lò cò từng bước bằng chân phải, chân trái thì đùi giơ lên, đầu gối co lại, bàn chân thõng xuống . Tôi ra khỏi gộp đá, chỉ cho Giang và chú linh ngồi xuống một hòn đá to, nơi có mặt bằng khá lớn. ở đó có mảng nắng sáng, lọt từ khe hai ngọn cây chiếu xuống, tiện xem bệnh cho rõ. Tôi ngồi bên cạnh hai người nghe Giang giảng giải : “Anh xem này.” Giang vừa nói vừa chỉ vào một đường đỏ hồng, rộng chừng dăm bảy ly mét, kéo dài từ mắt cá trong chân trái, ven theo cạnh trong xương chày, lên tới khớp gối, đầu trong nếp gấp khoeo chân, rồi lên thêm một đoạn nữa ở cạnh trong đùi. Tiếp đó Giang cầm bàn tay tôi đặt vào háng chú linh và nói : “Hạch bạch huyết ở háng cũng đã sưng to rồi, anh sờ cho thấy rõ đi.” Giang lại nói tiếp: “Bệnh này trước hết là sưng hạch ở háng và khoeo chân, làm cho đau đớn, không đi lại được. Nếu viêm nặng thành mủ, sẽ làm hỏng động mạch, và phải cắt bỏ chân. Muốn chữa, ta phải dùng kháng sinh diện rộng, liều cao giảm dần. Mà như anh Sửu đã biết, túi thuốc cơ quan, nếu dốc ra chữa bệnh này, sẽ không còn để sẵn sàng chiến đấu, cấp cứu chiến thương.” Nghe Giang nói xong, tôi liền mở sách ra xem. Vâng, lại sách. Sách vừa là thầy của tôi, cũng là ông thánh đã ban cho tôi được thấy nhiều phép lạ của ông. Sách đã cùng tôi vượt hàng rào điện tử bờ Nam sông Bến Hải, vào tới đất Cực nam Trung Bộ này và luôn ở bên tôi. Sách lại dạy tôi rằng : “Huyệt Khí xung, Huyết hải, chữa viêm đường bạch mạch và hạch bạch huyết ở chi dưới.” Vui mừng quá đỗi, tôi vội nói với Giang chuẩn bị cùng tôi châm ngay. Rồi cũng ngay tại hòn đá ấy, chỗ chòm sáng mặt trời lọt xuống ấy, chúng tôi vừa vê kim, vừa nói chuyện với nhau. Gần tối hôm đó, Giang tới chỗ tôi, cho tôi biết, bệnh nhân đã giảm sốt, vết đỏ đã bớt đậm màu, chân có thể cử động hơn được chút ít .Tôi nói với Giang rằng : “Người xưa nói, bệnh cấp và nặng, thì ngày phải châm nhiều lần.” Chúng tôi lại đi châm cho bệnh nhân lần nữa. Ngày hôm sau, tuy bệnh đã đỡ nhiều, chúng tôi vẫn châm cho bệnh nhân ba lần, thế là bệnh khỏi hẳn.
- Năm 1993 bác sỹ Thịnh, làm việc tại khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Quân y 103, đến gặp tôi, ông kể rằng : “Khoa ông có một bệnh nhân bị bệnh giun chỉ . Từ đùi đến đầu gối và cổ chân to đều và thẳng như một cây chuối (dân gian gọi là bệnh chân voi, Đông y gọi là bệnh đại cước phong). Ông đang muốn chữa bằng Đông y mà chưa biết chọn cách nào cho hay nhất.” Tôi nói : “Ông hãy cho tôi biết cơ chế của bệnh này xem nó ra sao?.” Ông Thịnh giải thích rất rõ ràng : “Thưa thầy, giun chỉ thấm qua da, theo đường bạch mạch, đi dần vào trong cơ thể. Độc tố của giun chỉ gây ra sưng đường bạch mạch, chân có dạng phù căng toàn bộ.” Nhớ lại kinh nghiệm năm xưa ở chiến trường Cực nam Trung Bộ, tôi nói với ông Thịnh : “Ông hãy về châm cho họ hai huyệt Khí xung và Huyết hải, nhớ lưu kim, làm vê kim kích thích tả pháp. Hãy theo dõi kỹ và báo lại cho tôi biết kết quả.” Sau đó gặp lại nhau, ông Thịnh kể tỷ mỷ : “Em châm hai huyệt đó theo đúng phép tả, lưu kim kích thích từng đợt, chừng 30 phút sau, thấy chân có vẻ hơi nhỏ đi, em đo lại vòng đùi trên đầu gối, rồi đem so với số đo trước lúc châm, thật là quá bất ngờ, khi thấy số đo đã rút đi được 3 cm. Em châm thêm hai lần nữa trong ngày. Hai hôm sau, em đều châm mỗi ngày 3 lần. Thế là chân rút hết chỗ sưng, trở lại như cũ. Bệnh nhân ra viện nhưng có vẻ còn lo lắng. Do nhà bệnh nhân ở ngay thị xã Hà Đông, nên em nói để bệnh nhân yên tâm rằng, nếu thấy bệnh trở lại, cứ vào đây để tôi chữa tiếp. Nhưng cho đến hôm nay (lúc gặp lại nhau này) em chưa thấy bệnh nhân trở lại khám.” Ông Thịnh học Tây y ở Đông Đức, về nước ông lại nảy ra ham muốn học Đông y. Trong quá trình học, tôi đã nói về bài châm chữa chứng viêm đường bạch mạch và hạch bạch huyết ở chi dưới,. Nhưng lần này, do ông Thịnh đã áp dụng thành công, nên ông muốn nắm chắc cơ chế của huyệt châm, ông mong được tôi phân tích rõ hơn. Tôi đã dựa vào du huyệt học, phân tích tác dụng của hai huyệt đó như sau : - Huyệt Khí Xung- Chủ trị : bệnh ở bộ máy sinh dục…bụng có khí nghịch lên tim… -Huyệt Huyết hải – Chủ trị :…nổi mề đay ngứa; thấp chẩn; viêm da thần kinh…các bệnh cấp tính về huyết… Theo đó ta thấy, huyệt Huyết hải có sức chống dị ứng mạnh. Huyệt vị lại nằm ngay trên đường đi của bạch mạch. Huyệt khí Xung cũng nằm trên vùng hạch bạch huyết vùng khớp háng. Hai huyệt hỗ trợ nhau chống viêm đường bạch mạch tốt, còn nhờ ở sự phối hợp chặt chẽ của khí (Khí xung) và huyết (Huyết hải), nên đã có sức mạnh thần kỳ như ông đã chứng nghiệm vừa qua.. Ông Thịnh ngồi lặng đi suy nghĩ. Tính cách ông vẫn thế mà. Thưa các bạn, thế là ứng dụng của phương huyệt chữa viêm đường bạch mạch, lại có thể dùng vào chữa bệnh chân voi, bởi vì chúng cùng một cơ chế . 5 - Chữa cơn đau quặn gan Sau mỗi bữa cơm trưa hàng ngày, chúng tôi thường nghe đài, hoặc đọc sách. Đôi lúc lại đem quần áo ra vá những chỗ mới rách, do cành cây ngáng đường, hoặc mắc phải gai. Rất ít khi chúng tôi dám ngủ ngày. Vì kinh nghiệm của những người đã ở rừng nhiều năm cho biết, ai quen ngủ ngày thì người đó dễ mắc bệnh sốt rét. Phần nữa, vì bọn biệt kích Phun rô thường đi cắt (đi tắt) ngang rừng, chúng đi từng tốp nhỏ, bất ngờ tập kích vào các cơ quan hậu cứ của ta. Chúng gây thiệt hại chớp nhoáng, rồi rút trốn vào rừng. Cho nên ở hậu cứ cũng đầy ắp không khí mặt trận. Hôm ấy ở cơ quan tỉnh ủy có cuộc họp về y tế. Bác sỹ Nguyễn Quang Đạm, trưởng ban dân y tỉnh, và hai y sỹ vừa ở mặt trận tiền phương cùng về họp. Họp xong, họ được mời đến gặp các anh trong ban thường vụ tỉnh uỷ. Thật là không may cho các anh, khi cuộc gặp mặt đang được tiến hành, thì em Hoàn nhỏ (chả là cơ quan chỉ có em là nữ nhỏ tuổi nhất nên mọi người gọi thế cho thêm thân thương) đột nhiên lên cơn đau bụng
- quằn quại. Lập tức hai y sỹ ở trong cơ quan cùng với bác sỹ, hai y sỹ là khách, dưới sự điều khiển của bác sỹ Đạm, trưởng ban dân y tỉnh, cùng nhau hợp sức lại để chẩn trị . Chẳng biết các vị đã chẩn là bệnh gì và cách chữa ra sao, nhưng đến 13 giờ vẫn chưa cắt được cơn đau cho người bệnh.. Thấy không đành lòng, tôi liền chủ động đến gặp bác sỹ Đạm, xin phép tham gia chữa cho em Hoàn. Khi đến chỗ lán em Hoàn ở, tôi thấy bác sỹ thì đang đi lại đăm chiêu ngoài cửa lán, người bệnh thì nằm còng queo trên tấm sạp ken bằng cành cây nhỏ, có lót lá tranh cho êm. Tôi lên tiếng chào ông và thưa ngay ý định của tôi. Ông bắt tay tôi và hỏi một cách ngắn gọn : “Anh định chữa bằng biện pháp gì?”. Tôi trả lời ông rằng : “Tôi sẽ châm cứu.” Ông cười nhưng cũng không hẳn là cười, rồi nói tiếp một cách rất là tự nhiên như tự đáy lòng ông vốn nghĩ thế : “Được đấy, châm cứu vô thưởng, vô phạt mà.” Tôi nghe ông nói thế, trong lòng rất lấy làm khó chịu. Nhưng khi nghĩ đến ông vốn là người lịch lãm, thận trọng, nên ý tứ trong câu của ông vừa nói, có lẽ là do ông nhận thức rằng, châm cứu không có tác dụng phụ. Không như những bài thuốc dân gian chưa qua kiểm định, đã gây bao phiền toái. Ngành y tế đã từng phải xử lý hậu quả do những lang băm vô trách nhiệm gây ra, nên ông đã nói như thế. Để tránh sự sơ hở trước ông bác sỹ về việc tự mình xin đến chữa bệnh, và cũng để tỏ vẻ cầu thị, tôi đã xin ông cho biết chẩn đoán của ông về chứng bệnh này. Ông cũng nói với tôi rất kín kẽ và rõ ràng : “Chúng tôi nghi đây là cơn đau quặn gan. Nhưng do trong tay chúng tôi không có thuốc đặc hiệu, tôi đã cho dùng tới bốn loại thuốc giảm đau khác nhau, tới giờ vẫn chưa cắt được cơn.” Liền đó, khi nhìn thấy trong tay tôi cầm quyển sách chữ Hán cổ, ông lại nói với tôi : “Anh thử xem trong sách đó có thấy nói về cách chữa đau bụng do gan hay không?.” Tôi cũng nói ngay : “Có ạ.” Tiếp theo là : “Tôi sẽ chữa theo chẩn đoán của các anh.” Tôi bắt đầu châm, bệnh nhân trong tình trạng thần chí mơ màng của cơn choáng, do đã đau đớn kéo dài. Cùng lúc đó ông bác sỹ đưa ngón tay vào bắt mạch, tay kia ông giơ đồng hồ ra xem. Ba huyệt tôi châm là : Khí hải, Thái xung, Nội đình. Châm xong tôi lưu kim, kích thích tả pháp, lần lượt và liên tục. Chừng khoảng gần hai chục phút sau, khi thấy bệnh nhân không còn cơn quặn đau nữa, hơi thở đã đều đều, tôi quay sang ông bác sỹ, có ý chờ lời đánh giá của ông về hiện trạng người bệnh. Ông đang chăm chú bắt lại mạch và nhìn đồng hồ. Lát sau việc bắt mạch đã xong, ông ngẩng lên nói với tôi : “Tốt lắm rồi, khi bắt đầu châm, mạch đập 120 lần / phút, bây giờ còn 90 lần / phút, như thế là cơn đau đã giảm nhiều rôì đó.” Khi đã rút kim ra xong, tôi và ông bác sỹ ngồi lại, chúng tôi vừa chuyện trò, vừa để theo dõi thêm bệnh nhân . Lúc này, nhìn lại bệnh nhân, tôi thấy cứ khoảng chừng năm phút bệnh nhân trở mình một lần, hơi thở cũng mạnh hơn lên một chút, rất điển hình chứng đau bụng do gan. Tôi chợt nhớ lại, theo sách Bệnh học Nội khoa mô tả chứng trạng cơn đau đau quặn gan. Cơn đau quặn gan, thực chất là đau do sỏi bùn trong ống dẫn mật gây ra. Nơi đau từ hạ sườn phải, co rút theo cơ thẳng bụng, xuống đến dưới mé bên phải hố chậu, chân phải duỗi thẳng thấy khó khăn (Đông y gọi chứng đau này thuộc về “đau sán khí”). Cách 5 phút làm cơn một lần. Tôi tự phán đoán thầm trong ý rằng, cơn đau tuy đã dứt, nhưng do đau đớn kéo dài, tập quán nhu động ruột vẫn còn. Tôi lấy kim châm thêm hai huyệt Thiên khu và Túc tam lý, nhằm nhanh chóng ổn định nhu động ruột. Quả nhiên từ đó bệnh nhân nằm yên, thở đều, chìm sâu vào giấc ngủ bù sau cơn đau đớn kéo dài vừa dứt.
- Tôi đứng lên chào ông bác sỹ ra về, trong lòng mừng vui vì sự thành công của cuộc trình diễn châm kim chữa bệnh, có sự chứng kiến của bác sỹ trưởng ban dân y tỉnh (tương đương chức Giám đốc Sở y tế hiện nay), và còn mừng vui vì câu nói của ông lúc chia tay tôi. Ông nói : “Thấy anh làm việc châm cứu là tôi tin tưởng ngay, vì anh có sách chữ Hán cổ của các cụ.” Thưa các bạn, để có được câu nói của ông bác sỹ lúc chia tay tôi hôm ấy, chính là nhờ kết qủa việc tôi dùng kim châm, cắt được cơn đau quặn gan cho bệnh nhân, mà trước đó ông bác sỹ và đồng nghiệp của ông dùng thuốc đã không làm được. Như lúc vừa thấy tôi đến, ông đã thanh minh với tôi, ý tứ hàm chứa trong đó, chỉ là vì hoàn cảnh khó khăn của chiến trường, mọi thứ thuốc men đều thiếu thốn. Nhưng giả thử, cuộc tham gia điều trị của tôi không thành công, hẳn lúc đó, ông sẽ coi những cuốn sách chữ Hán cổ tôi mang theo ấy, ông sẽ coi nó chẳng có ích gì. May mắn thay, cuộc châm chữa đã tốt. Từ đó, tôi lại suy nghĩ về công phu đọc sách của mình. Không những sách đã giúp tôi khi chữa bệnh, tôi lại còn được đánh giá bằng sự tin tưởng của ông. Tôi vẫn thường nghĩ, chẳng riêng gì việc làm của tôi, mà bất cứ ai, làm bất cứ việc gì ở đời, nếu có công học hành cẩn thận, chăm chỉ một cách bài bản, hệ thống, chắc chắn cũng sẽ được người đời tin tưởng, cũng sẽ thu được kết quả có ích. Nay nói về kinh nghiệm chữa cơn đau quặn gan này, tôi xin nói thêm cơ chế phương huyệt, điều mà ngày gặp ông bác sỹ Đạm ấy, tôi đã không có điều kiện nói với ông. Cơ chế đó là, do tác dụng hợp thành từ mỗi huyệt vị trong phương như sau : Huyệt Khí hải – Chủ trị : sán khí ở bụng dưới; các loại bệnh khí lâu ngày không khỏi; bẩy thứ sán khí ở tiểu trường, bàng quang, thận, âm chứng co dịch hoàn; Huyệt Thái xung – Chủ trị : hai dịch hoàn co lên; tiểu trường sán khí; Huyệt Nội đình – Chủ trị : đau bụng; dau sa ruột; Huyệt Thiên khu – Chủ trị : Đau bụng; trướng bụng; sôi ruột, ỉa chảy, lỵ, táo bón, liệt ruột; bí đại tiện; trường sán; Huyệt Túc tam lý – Chủ trị :Bệnh đường ruột; đau bụng, lỵ, tiêu hoá kém; ỉa chảy; táo bón; Tổng hợp tác dụng của số huyệt kể trên, có thể cắt cơn đau quặn gan nhanh chóng. Thật đúng như ông bác sỹ đã nói với tôi : “ vì anh (tức là tôi) có sách chữ Hán cổ của các cụ.” 6. Chữa bệnh đau liên sườn cấp tính Mùa hè năm 1966, đoàn sinh viên thực tập của chúng tôi nhận nhiệm vụ làm giúp làng Nam Ngạn, phía bờ nam cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá một tượng đài “Nam Ngạn chiến thắng”, để cổ vũ tinh thần chiến đấu chống Mỹ của quân và dân địa phương. Tối hôm đó, như mọi buổi tối khác, thanh niên dân quân Nam Ngạn thường tập trung sinh hoạt tinh thần ở sân chùa làng, gần nơi đang xây bệ tượng đài. Tập trung như thế, cũng là để sẵn sàng nhận lệnh đi tu sửa các trận địa, dọn dẹp hậu quả bom đạn, sau một ngày chiến đấu ác liệt với máy bay địch. Chúng tôi cũng có mặt đầy đủ để giao lưu văn hoá giữa sinh viên với thanh niên địa phương, và nghe tin tức mới nhất trong vùng. Khi hồi còi báo yên của một cuộc tập kích bằng máy bay Mỹ vừa dứt, mọi người từ nơi trú ẩn lần lượt trở lại. Tôi thấy bà Huê, bí thư chi bộ làng Nam Ngạn đi tới, bà lên tiếng hỏi một cô dân quân : “Huệ ơi, o có thấy o Tuyển ở đó không ?.” O Huệ đáp : “Thưa chị, chị Tuyển vừa dẫn hai tiểu đội vào thị xã làm nhiệm vụ rồi.” Lúc này bà Huê đã nhìn thấy tôi cũng ở gần đó, bà quay sang nói với tôi: “Gay quá ann Sửu à, anh Đ (tôi không còn nhớ rõ tên anh, nên xin cứ để tên anh là Đ trong câu chuyện này) là xã đội trưởng dân quân đã tái ngũ, hiện làm cán bộ trên tỉnh đội. Chiều nay anh tranh thủ về qua nhà, để ngày mai ăn tết mồng năm tháng năm với vợ con. Chẳng may, anh lại vừa bị bệnh gì đó nặng lắm. Tôi ra đây tìm o Tuyển, nói với hắn bố trí người, đưa anh Đ đi bệnh viện ngay. Nhưng tình hình thế
- này thì bí bách quá.” Bà ngập ngừng một lát rồi nói với tôi : “Hay là anh sang xem giùm bệnh của anh Đ, rồi góp ý cho tôi cách giải quyết.” Khi tôi và bà Huê vừa leo qua bậc thềm, bước lên hiên, trước cửa gian giữa nhà, tôi đã nhận ra tư thế người bệnh là đau thần kinh liên sườn cấp. Anh nằm dựa lưng lên một đống chăn màn mà cứ như tư thế đang ngồi. Thấy chúng tôi vào, anh có vẻ muốn ngồi dậy để chào hỏi, nhưng không thể nào dậy được. Mặt mày anh nhăn nhó, gượng gạo. Tôi ngồi xuống ghế đã đặt sẵn, đối mặt với anh, định hỏi thêm anh đôi điều cho chắc chắn. Nhưng anh vội vàng nói ngay, nói từng tiếng một như muốn đứt hơi : “Khổ lắm anh ạ, tôi đau cả sườn và ngực, nói to cũng đau, ho càng đau hơn, cựa mình cũng đau. Bệnh đến nhanh quá chừng. Miệng thì đắng, nước bọt như dẻo lại.” Tôi và bà Huê sang chỗ anh nằm, cùng đỡ anh từ từ ngồi xoay lưng lại phía tôi. Tôi kéo áo may ô ba lỗ lên, ấn vào huyệt Chí dương để thử phản ứng. Anh vội kêu lên : “ái chà.” Kiểm tra như thế đã đủ, tôi lấy kim ra, sát trùng kim và các huyệt. Tôi bắt đầu châm theo thứ tự : Chí dương, Can du, Đảm du ở sau lưng . Các huyệt tiếp theo là : Thực đậu, Đại bao, tôi phải di chuyển về hai bên cạnh anh để châm. Kế đó, tôi châm các huyệt : Chiên trung, Kỳ môn, Nhật nguyệt, rồi đến Chi câu, Dương lăng tuyền. Tôi châm huyệt nào thì làm thủ pháp tả ngay, rút kim ra luôn để châm sang huyệt khác, không lưu kim. Thời chiến mà, ai dám cắm hàng loạt kim trên thân người bệnh, lại găm nguyên ở đó. Nếu có báo động, làm sao kịp rút hết số kim, kịp cho bệnh nhân chạy xuống hầm tránh bom đạn. Công việc tôi làm vừa xong, vợ anh Đ đã bê ra thau nước, kèm theo bánh xà phòng thơm. Chiếc khăn mặt thì gấp gọn gẽ, để ngay ngắn vào lòng một cái đĩa sắt tráng men. Tất cả được bầy ở ngoài hiên. Chị mời tôi ra rửa tay để vào uống nước dừa, chị vừa chặt dừa từ cây nhà, pha thêm chút đường và bày sẵn trên bàn. Tôi ngồi vào uống nước và nhìn về phía anh, thấy anh đang thử xoay người, thử giơ tay lên, đưa tay ra phía trước, phía sau. Anh nói với tôi : “Đỡ rồi anh ạ, tôi thở được sâu hơn, xoay người tuy còn khó, nhưng không đau dữ dội nữa.” Để kịp thời phục vụ chiến đấu và công tác, tôi hẹn với anh sáng mai sẽ sang sớm, châm thêm cho anh. Sớm hôm sau, tôi sang nhà anh lúc trời vừa hửng sáng, con lớn của anh ra cổng đón tôi. Tôi vào tới sân đã thấy anh rón rén, gương nhẹ đi lại ở ngoài hiên. Anh nói năng cũng mạnh dạn hơn và đã có thể ngồi xoay các phía cho tôi châm. Trưa ngày hôm ấy, khi tôi vừa ngừng việc, hai bàn tay còn bám đầy thạch cao trộn đã bị khô lại, tôi đang định về ao chùa để rửa tay chân, chợt nghe tiếng đứa con nhỏ của anh tới gọi to : “Chú ơi, mẹ cháu sai cháu sang mời chú đến ngay, xem cho bố cháu. Bố cháu đau lại như chiều qua rồi, mẹ cháu sợ lắm!.” Tôi vội v• cứ để nguyên tay chân chưa kịp rửa, chộp lấy hộp kim, theo cháu đi thật nhanh sang nhà anh Đ. Nào ngờ, tôi tới nơi đã thấy anh ngồi trên trường kỷ ở gian giữa, trên mặt bàn dài là cái mâm đậy lồng bàn kín mít. Anh tươi cười nói với tôi như xin lỗi : “Mong anh thông cảm, tôi phải dặn cháu sang nói dối với anh như thế, anh mới đến ngay. Xin mời anh theo cháu ra bể nước rửa tay, rồi vào ăn tết mồng năm với gia đình tôi. Chẳng có gì là bầy vẽ đâu mà anh ngại, chỉ có thịt vịt và bánh cuốn thôi, lệ ở làng này như thế anh ạ.” Chuyện là như thế, nhưng đáng nhớ lắm, tôi làm sao có thể quên đi được. Lại càng không thể quên tác dụng của từng huyệt theo du huyệt học, khi tôi phải phân tích phương huyệt trong các bài giảng sau này. Nội dung phân tích như sau : Huyệt Chí dương – Chủ trị : viêm gan; viêm túi mật; đau liên sườn; Huyệt Can du – Chủ trị : các bệnh ở tạng can; viêm gan cấp, mạn; viêm túi mật; đau thần kinh liên sườn; Huyệt Đảm du – Chủ trị : Viêm gan;...đau sườn ngực; viêm túi mật; Huyệt Thực đậu – Chủ trị :
- Sườn ngực trướng đau; Huyệt Đại bao – Chủ trị : Đau liên sườn; toàn thân đau đớn; Huyệt Chiên trung – Chủ trị : đau ngực; dau thần kinh liên sườn; cách khí; trong ngực như tắc; Huyệt Kỳ môn – Chủ trị : dau thần kinh liên sườn; viêm gan; gan sưng to; viêm mạc lồng ngực ( lá thành màng phổi ); viêm túi mật; sườn trướng; Huyệt Nhật nguyệt – Chủ trị : Đau liên sườn; viêm gan cấp, mạn tính; viêm túi mật; co thắt cơ hoành; Huyệt Chi câu – Chủ trị : Đau sườn ngực; viêm mạc lồng ngực; sườn, nách cấp đau; Huyệt Dương lăng tuyền – Chủ trị : đau sườn; viêm gan; viêm túi mật; đau thần kinh liên sườn;. Tổng hợp lực của đội ngũ đông đảo huyệt vị trong phương, đúng như khẩu hiệu “ Tất cả cho tiền tuyến” ở thời chiến chống Mỹ lúc đó. Cũng nhờ có thế mà bệnh nhân đã ráng chịu nỗi đau đớn, khi bị châm ngần ấy mũi kim vào cơ thể của mình. Chỉ vì, anh đang mong sớm được về đơn vị công tác cùng với anh em. 7 - Chữa cơn đau tim choáng ngất Từ mùa xuân năm 1968, đến đầu năm 1969, một khoảng thời gian khá dài, tôi ra tiền phương công tác, cùng với các đội võ trang tuyên truyền của huyện Lạc Dương. Ban ngày, chúng tôi vào mấy ấp vừa giải phóng, cách thành phố Đà Lạt không xa lắm. Chính quyền cơ sở của ngụy ở đây mới tan r•, chúng tôi làm công tác xây dựng cơ sở cách mạng trong các ấp ấy. Ban đêm, chúng tôi lại rút lên rừng thông quanh vùng để bảo đảm an toàn. Công việc căng thẳng tinh thần, làm cho sức khoẻ của tôi sút kém. Tôi đã được Tỉnh uỷ cho phép tạm nghỉ, về trạm xá huỵên Đơn Dương ở hậu cứ, giáp với tỉnh Bình Thuận, để điều trị bệnh và an dưỡng. Mới ngay mấy ngày đầu ở trạm xá, chúng tôi đã phải dời địa điểm nhiều lần, vì những trận càn quy mô lớn của quân biệt kích Mỹ, có kết hợp với biệt kích ngụy địa phương. Mỗi lần di chuyển địa điểm như thế rất vất vả, nặng nề. Tiếng là bệnh xá huyện, nhưng biên chế chỉ có một bác sỹ, một y tá trưởng. Còn có khoảng 4- 5 y tá được đào tạo cấp tốc ở căn cứ của tỉnh trở về. Cùng với họ, có hai gia đình cơ sở từ ấp Ca Đô, do bị lộ diện, nên đã ra đây, vừa để tránh bị đàn áp, đồng thời giúp trạm xá chăm nuôi, phục vụ thương, bệnh binh. Một hôm, vào buổi chiều, sau khi cùng mấy y tá đi đón thương binh từ trạm giao liên đưa về, y tá trưởng Minh bỗng nằm lăn ra đất, bất tỉnh nhân sự. Hai bàn tay anh nắm chặt, ngón tay cái nằm gọn trong bốn ngón tay còn lại đã quắp chặt lấy nó, nó chỉ thò chút đầu ngón cùng với đầu móng tay ra, ở khe hai đốt gốc của ngón giữa và ngón nhẫn. Cổ tay thì cong lại, nổi rõ gân nơi cổ tay. Hai cánh tay thì ôm chặt lấy ngực. Nét mặt anh trông thật đau khổ, mũi anh thì đã ngưng thở, như đang nín hơi gắng sức. Tôi đứng nhìn anh, nhìn thấy tất cả sự khẩn trương chuẩn bị cấp cứu của các y tá, họ làm theo lệnh của bác sỹ trưởng trạm. Sau khi được tiêm thuốc chừng vài ba phút, người bệnh có mấy lần oằn mình, thở ngắn, hơi thở rất nông. Còn tư thế gò bó, nín hơi vẫn như cũ. Trước tình thế nguy cấp, tôi liền đề nghị với bác sỹ trưởng trạm cho phép tôi giải quyết tiếp theo, ông đồng ý ngay. Tôi lấy ra một cây kim, y tá thì chuẩn bị sát trùng vào nơi tôi chỉ, lau cồn cây kim giúp tôi. Phải khéo léo lắm, cố gắng lắm, tôi cùng với y tá mới xoay được bệnh nhân nằm ngửa hẳn lên, cởi được mấy cái khuy áo trước ngực của anh. Tôi châm đứng kim vào huyệt Cự khuyết. Khi kim đã sâu chừng 2 phần 3 thốn, tôi vê kim ngược chiều đồng hồ. Sức vê kim nhanh và mạnh, vê liên tục. Vê được chừng hơn một trăm lần, bỗng thấy trong vùng bụng trên của người bệnh, nơi giáp với ngực, có tiếng kêu sôi lên ọc ọc,
- giống như tiếng xì hơi của một quả bóng bị dìm dưới nước. Kế đó, từ miệng, từ mũi người bệnh cũng phát ra một tiếng xì của hơi thở rất mạnh. Đồng thời, mắt anh từ từ mở, hai bàn tay anh xoè ra như thường, bệnh nhân xoay người, chống tay ngồi dậy. Lúc này tôi quay sang phía bác sỹ, hỏi ông một cách thân mật : “Anh Mạnh thấy thế nào?.” Ông bác sỹ cũng cười một cách thoải mái và nói : “Bây giờ thuốc của tớ mới có tác dụng.” Nếu tôi là người ít được gần gũi các nhà Tây y, hoặc sẵn lòng tự ái, chắc chắn rằng sau câu nói của bác sỹ Mạnh, sẽ là một cuộc tranh luận gay gắt giữa tôi và ông ta. Nhưng tôi đã không làm thế. Bởi vì tôi cho rằng, để tạo được lòng tin ở họ, nếu có điều kiện, phải cung cấp tài liệu để họ nắm được cơ chế chữa bệnh bằng châm cứu. Nhưng hoàn cảnh ở đây, làm việc ấy rất khó. Chỉ còn một cách là, phải để cho họ thấy hiệu quả cụ thể, và thấy rất nhiều lần. Khoảng chừng một tuần sau, trạm xá lại được lệnh di chuyển đến địa điểm mới. Qua suốt một ngày vất vả, y tá trưởng Minh lại lên cơn co thắt vùng tim, với triệu chứng giống hệt như lần trước. Tôi tới hiện trường, nhìn thấy y tá, bác sỹ đã có đầy đủ dụng cụ và thuốc cấp cứu ở đó. Tôi nói ngay với ông bác sỹ : “Anh Mạnh có dám để tôi châm kim, không dùng thuốc hay không ?.” Ông bác sỹ cũng hỏi lại tôi : “Liệu chừng có bảo đảm kết quả không?.” Tôi nói : “Cũng có thể.” Đồng thời, tôi sát trùng huyệt, kim và châm kim. Tôi vê kim đúng như lần trước. Hiệu quả cũng đúng như lần trước. Nhưng lần cấp cứu này đã không phải dùng đến thuốc. Khi bệnh nhân đã ngồi dậy được, tôi hỏi ông bác sỹ : “Lần này không dùng thuốc của ông, chỉ với một cây kim của tôi, ông thấy thế nào ?.” Ông cũng lại cười và nói : “Mới có một lần, sao đã đủ để có được nhận xét, kết luận.” Tôi bỗng nhớ lại, hồi còn đi trên đường Trường Sơn với bác sỹ Chính cùng đoàn. Ông này vốn là chủ nhiệm Khoa ngoại bệnh viện Phú Thọ. Do ông có lòng yêu mến tôi, ông thường giảng giải bệnh học Tây y cho tôi vào những lúc rảnh rỗi, nghỉ ngơi. Trong những câu chuyện ông đã nói với tôi, có lần ông nhắc tới kết quả của một phương pháp điều trị, muốn được đánh giá là cao, ngoài những tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế ra, số lần lặp lại cùng một kết quả phải có đủ N lần. N lần càng lớn, phương pháp càng được coi trọng. Thế là tôi cũng lại nhận ra rằng ông bác sỹ Mạnh vừa nói thế cũng chẳng có gì là lạ cả. Tôi bỗng thấy nhớ ông bác sỹ Chính da diết. Nếu như có ông ở bên, tôi sẽ nói chuyện thoải mái với ông về huyệt Cự khuyết, vì sao nó có tác dụng lạ lùng đó. Ngày nay, hẳn trong xã hội cũng không thiếu những người còn nghĩ như ông bác sỹ Mạnh nọ. Vì vậy, tôi xin lỗi ông Mạnh để được nói về huyệt Cự khuyết với mọi mgười. Theo du huyệt học, huyệt Cự khuyết, còn được gọi là Tâm mộ. Theo giải phẫu học hiện đại, huyệt vị này ở vùng đám rối dương, phía trên của bụng trên. Chủ trị của huyệt : Đau vùng tim ngực; tim cắn đau,,,ngực tức mà ngắn hơi; nhiều loại đau tim; tự nhiên đau tim ngất; châm Cự khuyết, hạ kim làm cho người ta tỉnh ngay, không bứt rứt. Qủa thực, nhờ có trải nghiệm, tôi mới hiểu được câu nói của nguời xưa:“ Tiên châm, thứ cứu, tam dụng dược”. Hoặc như câu : “ Biết châm, không biết thuốc, không phải là lương y. Biết thuốc, không biết châm, càng không phải là lương y.” 8 - Chữa chứng chân tay run rẩy do sốt rét kéo dài Cũng tại trạm xá huyện Đơn Dương trong rừng này, vào một buổi chiều, tôi thấy hai anh quân giải phóng đi bên nhau, họ vào khu đón tiếp của trạm. Một anh đeo hai cái ba lô, cái ở trước ngực, cái ở sau lưng.
- Trên vai anh khoác một khẩu súng A.K. Anh kia hai tay chống hai gậy, rê bước chân chậm chạp, dáng người gầy yếu, xanh xao. Đợi sau khi giao, nhận bệnh binh xong, tôi đến gần để xem cuộc khám chẩn đoán nhập viện của bác sỹ Mạnh. Khi thấy ông ngừng tay, tôi hỏi ông về kết quả khám vừa rồi. Ông nói với tôi : “Cậu Kiểm này là quân ở huyện nhà, do bị sốt rét, suy nhược mà bị yếu gân, cơ, gây ra run rẩy.” Tôi lại hỏi ông về hướng điều trị, ông cũng giảng giải cho tôi rằng : “Phải điều trị bằng thuốc chống sốt rét, đồng thời, tiêm thuốc trợ sức, bồi dưỡng bằng ăn uống.” Ông ngồi lặng đi một lát, ông lại bùi ngùi nói với tôi : “Như ông biết đấy, thuốc chống sốt rét, ta chỉ có Ki na cờ rin. Còn như trợ sức, bổ gân, cần có B1, Sít tờ rích nin. Những thứ này ở đây không có. Ăn uống thì thương binh, bệnh binh nặng, sẽ được ăn cơm gạo trắng, không độn. Thực phẩm chủ yếu bây giờ chỉ có mắm, muối, bột ngọt và rau rừng. Lâu lâu, khi có hàng hoá của ban kinh tài cấp, anh chị em y tá vào buôn đổi gà, lợn về ăn dần. Sức khoẻ của bệnh binh này có được hồi phục nhanh hay chậm, nhờ ở dứt cơn sốt nhanh hay chậm, nhờ ở khả năng tự hồi phục của chính bản thân mà thôi.” Nghe ông nói xong, tôi đề nghị với ông : “Bệnh sốt rét thì các ông cứ chữa theo Tây y, tôi xin trợ giúp phần cắt cơn run rẩy bằng châm cứu.” Được ông bác sỹ Mạnh đồng ý, mỗi ngày tôi châm cho bệnh binh Kiểm một lần, châm vào hai huyệt Hợp cốc, Thái xung. Tôi châm cả hai bên, vê kim theo phép bổ, và lưu kim. Thật là không ngờ, kết quả lại nhanh như thế. Chỉ sau 4 ngày, bệnh binh đã bỏ gậy chống, tự đi buông dè dặt từng bước. Kiểm cũng đã tự mình ăn cơm, không cần có người giúp đỡ nữa. Ngày mới nhập viện, đến bữa, phải có người xúc cơm cho Kiểm ăn, vì tay Kiểm run, không bưng được bát. Tác dụng của hai huyệt chính là cộng hưởng nhau, hai huyệt lại dùng cả hai bên, thành bốn huyệt, nên có tên là “ Tứ quan huyệt.” Trong đó huyệt Hợp cốc, tuy tác dụng chủ yếu nhằm vào các bệnh ở vùng đầu mặt,bệnh dị ứng, bệnh tăng thân nhiệt, nhưng nổi bật hẳn lên vẫn là tác động về thần kinh. Huyệt Thái xung, tuy tác dụng chủ yếu là chữa các bệnh của gan, của huyết, nhưng chúng ta cũng không thể quên được tác dụng của nó tới những quan khiếu, những thể chất do gan chủ quản, đó là gân (can chủ cân = gân). Cảm động nhất là, sau khi bác sỹ Mạnh giảng giải bệnh tình của Kiểm, ông nói qua về tiềm năng kinh tế của trạm cho tôi nghe, một số thương binh, bệnh binh khác cũng nghe thấy. Họ là những thương binh, bệnh binh nhẹ hơn, hoặc đang chờ xuất viện. Anh em đã bàn nhau, hàng ngày họ ra suối bắt cua, cá đem về. Họ cùng nhau chế biến cua, cá đó thành thức ăn ngon lành, và họ giành phần ưu tiên cho Kiểm. Tình nghĩa đồng đội ở chiến trường với nhau tự nhiên vốn thế. Tôi thoáng nghĩ tới một ý, có khi chính tình cảm đó đã quyện vào cây kim của tôi, góp phần làm tăng thêm sức kỳ diệu của Tứ quan huyệt mà tôi đã dùng để chữa thành công ca bệnh kể trên. 9- Chữa chứng viêm cơ sâu Cháu bé trai khoảng 5 - 6 tuổi, con một gia đình từ ấp Ca Đô ra, hiện gia đình này đang phục vụ ở trạm xá. Một hôm, pháo tầm xa của địch từ căn cứ Đức Trọng bắn vu vơ vào rừng, cháu bị thương ở phần mềm bắp chân. Sau khi vết thương được làm sạch và băng bó kịp thời, bác sỹ Mạnh ra y lệnh tiêm thuốc kháng sinh cho cháu. Thời ấy, người ta rất coi trọng thuốc Pê ni xi nin, cháu đã được các cô y tá tiêm thuốc đó ở bắp đùi bên trái.
- Chẳng hiểu vì lý do gì, mà ngay từ hôm đó, chân cháu ngày càng đau tăng. Vùng cơ tứ đầu đùi đỏ dần lên, sưng to hơn. Cháu sốt cao, giữ đều, không có lúc nào giảm sốt. Cháu lại được chỉ định tiêm tiếp thuốc kháng sinh ở đùi bên phải. Nào ngờ, đùi phải cháu cũng đau lên, sưng đỏ và to dần, sốt càng tăng lên bừng bừng, tinh thần không tỉnh táo. Trong tình thế gay go, bế tắc ấy, được bác sỹ Mạnh cho phép, tôi đã tham gia chữa chứng viêm cơ sâu đó bằng châm cứu. Theo sách ghi : Mụn nhọt ở thân mình, chích nặn máu hai huyệt: Thân trụ, Linh đài ; nhọt ở đầu mặt và chi trên, châm tả huyệt Hợp cốc ; nhọt ở chi dưới, chích máu huyệt Uỷ trung. Tôi đã dùng tổng hợp cả 4 huyệt đó trong mỗi lần chữa. Một ngày châm, chích hai lần. Ngay đêm hôm châm chích đầu tiên, cháu đã giảm sốt. Ngày hôm sau cháu tỉnh hơn, các chứng sưng, đỏ, nóng, đau đều giảm rất nhiều, cháu đã ăn được. Sau ba ngày châm, chích, các biểu hiện sưng, nóng, đỏ mất hẳn và dứt sốt. Cháu chỉ còn đau chỗ mũi kim tiêm và vết thương chưa lành hẳn mà thôi. Mọi người rất mừng, nhưng mừng vui hơn cả người nhà cháu, chính là bác sỹ Mạnh và các cô y tá đã trực tiếp tiêm cho cháu. Thấy mọi người bắt đầu tin ở châm cứu, mà chưa có ai hiểu nhiều về châm cứu. Nhưng vì chiến trường lúc này, tình hình căng thẳng, bận rộn, tôi không thể nào có cơ hội nói kỹ về tác dụng kỳ diệu của châm cứu, để anh chị em cùng nghe. Thế rồi, đầu năm 1972, tôi được lệnh cùng mấy anh em ở các cơ quan của tỉnh, đi ra Bắc chữa bệnh và nhận công tác. Từ đó, tôi chưa có dịp gặp lại anh chị em ở bệnh xá huyện Đơn Dương ngày ấy. Có thể trong số họ, nay đã có người được học hành thành đạt, với những học vị cao, chuyên ngành sâu cả về Đông, Tây y. Nhưng tôi vẫn ghi lại phương huyệt, cũng là bổ khuyết cho hoàn cảnh lúc bấy giờ tôi chưa làm được. Nội dung chủ trị của các huyệt trong phương như sau : Sách Du huyệt học nói rằng : Huyệt Thân trụ, phần chủ trị, có rất nhiều tác dụng, trong đó có chữa “ mụn nhọt.” Huyệt Linh đài, cũng có chủ trị “mụn nhọt”. Huyệt Hợp cốc, ngoài việc chủ trị “mụn nhọt”, còn chủ trị “sốt cao”. Huyệt ủy trung, ngoài tác dụng chủ trị “sốt cao”, lại cũng có chủ trị “mụn nhọt.” Tổng hợp tác dụng của 4 huyệt trong một phương làm cho hiệu quả là không có gì phải bàn thêm. Tôi làm việc này, cũng là tự làm cho lòng mình thanh thản, khi trả được món nợ tinh thần với qúa khứ. Nếu trong số anh chị em xưa kia, có ai tình cờ xem được đoạn văn này, hẳn là một may mắn cho tôi. 10 - Chữa chứng sót nhau Khoảng mùa hè năm 1968, tôi được lệnh về huyện Lạc Dương công tác. Từ căn cứ của Tỉnh uỷ ở rừng sâu huyện Đức Trọng (nay vùng này thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), tôi theo giao liên trèo qua đỉnh Hòn Bù, đi men gần xưởng chén Nhật Bản, vượt qua đoạn quốc lộ Đà Lạt đi Bảo Lộc, rồi sang vùng tam giác Lạc Dương. Đến cơ quan Huyện uỷ Lạc Dương, tôi được nghỉ lại vài hôm để nhận đồ cung cấp cá nhân, và chờ chuyến giao liên đưa về nơi công tác. Đêm đầu tiên, chúng tôi vượt ngang đoạn lộ Đà Lạt đi Cầu Đất, vượt sông Đạ Nhim, đi về phía tây huyện Bác ái của tỉnh Ninh Thuận. Buôn tôi đến là buôn Con ú, ở đây có cán bộ người Kinh tên là Ái, mọi người thường gọi ông là ông Ái già. Ông công tác ở đây từ ngày mới thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam. Ông
- quê ở Quảng Nam, nhưng ông nói tiếng dân tộc Kờ Ho rất giỏi. Cùng công tác ở đây với ông, có cô y sỹ Minh, người ấp Xuân Sơn, huyện Lạc Dương. Cô còn rất trẻ, là chị cả trong một gia đình đông con, cô và bẩy em nữa. Cô hăng hái công tác cách mạng, chịu đựng được mọi khó khăn, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, vận động đồng bào giữ vệ sinh, phòng bệnh. Cô không ở một nơi cố định. Cô đi lưu động qua các buôn lẻ để làm nhiệm vụ. Một hôm, có người dân tộc từ buôn Y, cách xa buôn tôi ở chừng một giờ đi đường núi, họ đem đến cho tôi lá thư cô Minh viết tay. Thư kể về một sản phụ vừa sinh con, bị sót nhau. Cô mời tôi đến giúp cô xử lý. Tôi vội vàng theo người dẫn đường đi ngay. Khi tới nơi, tôi trèo lên cầu thang, vào căn nhà sàn cất dưới gốc cây trong rừng già. Cô Minh mời tôi ngồi xong, cô lôi ở góc sàn ra một gói lá, bên cạnh cô là chiếc võng sản phụ nằm. Người sản phụ đang ôm con, đắp chiếc chăn đơn kín mít. Cô mở gói lá ra, tay cô chỉ vào bánh nhau trong gói lá, cô nói : “Anh xem này, đoạn nhau bị rách còn sót ở trong, có lẽ dài chừng 10 cm.” Nói xong cô đậy lá lại, ý chừng là để đợi phần nhau sót ra được đủ, cô mới cho đem đi chôn lấp. Tôi lập tức lấy ngải nhung trong túi ba lô ra, nặn đủ năm mồi. Tôi đặt một mồi ngải vào huyệt Độc âm ở nếp gấp đốt, dưới gầm ngón thứ hai, chân phải của sản phụ. Tôi đốt lửa lần lượt từng mồi, khi lửa cháy hết hai phần ba chiều cao mồi ngải thì bỏ đi. Đốt đủ năm mồi xong, tôi và cô y sỹ Minh ngồi nói chuyện và chờ đợi. Chẳng bao lâu, người sản phụ trở mình và nói điều gì đó, tôi nghe không rõ, nhưng thấy cô Minh đến ngay với sản phụ. Cô đưa tay vào trong tấm chăn che người sản phụ, lấy ra một vật. Sau đó cô lại kéo gói lá dưới sàn, mở ra, đặt vật đó vào, rồi cô gọi tôi lại xem. Cô nói : “ Chỗ nhau sót đó đã ra đủ rồi anh ạ, lạ quá hì.”. Sau đợt tổng tấn công thứ hai năm Mậu thân, tôi được tin cô Minh đã hy sinh trên đường đi công tác trong vùng địch chiếm. Tôi bùi ngùi thương tiếc một người y sỹ trẻ, cô mới theo cách mạng chưa lâu, nhưng đã tận tụy với đồng bào dân tộc Kờ Ho của tỉnh nhà. Cô Minh ơi! Nếu ngày thống nhất đất nước mà cô còn được đi học, cô sẽ còn được biết thêm nhiều về môn chữa bệnh bằng cách châm cứu, không chỉ biết riêng một huyệt Độc âm chữa chứng sót nhau mà thôi đâu. Cũng từ khi tôi rời buôn Con ú, trở về tỉnh công tác, và cho tới ngày nay, tôi không có được tin tức gì về ông Ái. Nhưng trong lòng tôi luôn kính nể người cán bộ già ấy. Ông đã thương dân ở đây lắm. Ông cũng thương tôi như anh cả thương em, trong những ngày gian khổ và ác liệt năm Mậu Thân không thể nào quên. Tôi cũng luôn nhớ đến mẹ Tiên, cha Pham, ông bà là dân trong buôn. Họ luôn tin tưởng Mặt trận, nghe theo lời cán bộ mặt trận, họ cắm chông, làm bẫy, chống giặc vào buôn làng, đi dân công tải vũ khí về cho bộ đội, giúp đỡ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ của mình, trong số đó, tôi là người được dân buôn làng giúp đỡ nhiều hơn cả. 11 - Chữa chứng co thắt cơ tròn gây ra bí đại, tiểu tiện Thời gian tôi công tác ở căn cứ huyện Đơn Dương, có lần tôi được mời đi cấp cứu cho bác sỹ Dân. Ông là hiệu trưởng trường đào tạo y sỹ cấp tốc. Trường này do hai tỉnh Bình Thuận và Tuyên Đức (nay là tỉnh Lâm Đồng) cùng tổ chức. Ông bị chứng bí tiểu tiện (Đông y gọi là chứng long bí, hoặc chứng niệu trữ lưu). Trường của ông được đặt ở một vùng rừng le (le là một loại tre trúc, cây nhỏ và thấp, mọc thưa), giữa hai tỉnh giáp nhau. Khí hậu nơi này rất nóng nực và hiếm nước. Sau khoảng thời gian hai giờ đồng hồ đi đường rừng, tôi tới nơi lúc ấy chừng 13 giờ.
- Phần vì vừa đi đường mệt và nóng, phần nữa, khung cảnh tại chỗ càng làm tăng cảm giác oi ả, khó chịu. Bầu trời thì xanh ngắt, không gợn chút bóng mây, dưới đất thì những khóm le lưa thưa, lá đã vàng úa. Đá nhỏ và sỏi khô lăn lạo xạo dưới mỗi bước chân đi. Rải rác đây đó, trên thân những cây le đã được buộc vào đó cành cây thân gỗ nhỏ, dài và thẳng, làm thành dàn che lán ở. Nhưng những tấm tăng bằng ni lông lợp mái đã được gấp gọn, xếp vào ba lô, đặt trên gía đỡ bằng ba cây cọc buộc chéo chân nhau. Người dẫn đường đưa tôi tới gặp ông bác sỹ hiệu trưởng, ông hiện đang là người bệnh. Ông đón tiếp tôi trong một tư thế đặc biệt của bệnh này. Ông đứng trụ bằng chân phải, co đùi và đầu gối chân trái. Bàn chân ông để gác lên một chiếc ghế dài được ghép bằng bốn thân cây nhỏ và thẳng. Bên cạnh là một cái bàn có khung bằng thân cây gỗ. Mặt bàn thì được ghép bằng những thanh tre chẻ đã vót cạnh, buộc ken bằng những sợi dây mây. Bàn khá chắc và cũng đẹp mắt. Hai cánh tay ông giơ lên, bám vào một cành cây buộc ngang (thời ấy, chúng tôi thường gọi nó là cây nóc tăng). Toàn thân ông buông thõng xuống, nhưng lưng ông thì khom lại. Ông nói với tôi bằng giọng khẩn khoản : “Anh Sửu cứu tôi với!. Tôi bị co thắt cơ tròn, bí tiểu tiện từ sáng hôm nay, bàng quang đang căng đau lắm, có nguy cơ sắp vỡ.” Ông tiếp : “Tôi bị sốt rét, cách đây hai hôm đã có cơn co thắt cơ hoành rất khó chịu. Tôi cho anh em y sỹ tiêm thuốc giãn cơ thì thấy đỡ được. Hôm nay mắc chứng này, tôi lại cho anh em tiêm nhưng không hiệu quả.” Tôi tiến hành châm cho ông ngay, châm những bài chữa chứng long bí. Cứ sau khi châm năm phút, nếu không thấy hiệu quả, tôi lại thay bài khác. Lần lượt như thế, tôi đã dùng hết các bài trong số sách tôi mang theo, nhưng vẫn chưa tiểu tiện được. Tôi có nói với ông bác sỹ về việc dùng ống cao su để thông, ông nói, hiện nay ở đây không có. Thấy tôi bắt đầu lúng túng, ông lại nói với như cầu khẩn : “Anh hãy cố gắng tìm thêm để giúp tôi.” Tôi chuyển sang mở sách Du huyệt học để tìm, hy vọng ở tác dụng tại chỗ, lân cận, và tạng phủ bên trong tương ứng của các huyệt lẻ vùng bụng dưới. Khi đọc đến đoạn sách nói về huyệt Khúc cốt, thấy sách ghi rằng : “Khúc cốt, Hội âm, chữa chứng cơ tròn co thắt gây ra bí đại, tiểu tiện.” Tôi mừng lắm, nhưng cũng chưa dám nói gì với ông. Tôi chỉ lẳng lặng châm một kim vào huyệt Khúc cốt. Sau đó tôi ngồi xuống, nhờ một y sinh của trường, căng hai quả mông ông bác sỹ, để tôi dễ châm vào huyệt Hội âm. Châm xong kim, hai tay tôi, một trên, một dưới, vê xoay cả hai kim cùng lúc. Chừng vài phút sau, bỗng nghe ông bác sỹ hô lên một tiếng : “Lui”, rất ngắn gọn. Thì ra ông xua đuổi một y sinh đứng trước ông để xem tôi châm và vê kim, kế đó là ông đã tiểu tiện ra được. Tôi chợt nhớ ra điều cần nhắc người bệnh, mặc dù ông đã là bác sỹ, nhưng chính ông là người trong cuộc, sợ ông vui mừng quá đỗi mà quên mất chăng, nên tôi nói với ông : “Ông phải giữ lại một ít nước tiểu, không được tè hết ra đâu.” Ông như người bừng tỉnh : “Ô chút xíu nữa tôi cũng quên mất đấy.” Rồi ông quay sang nói với đám y sinh : “Các cậu nên nhớ điều này, sau khi bí tiểu, bàng quang quá căng, nếu để người bệnh cho ra hết nước tiểu, sẽ gây nên cơn co bàng quang cấp. Có khi vỡ bàng quang mà đi tiểu ra máu ngay, giải quyết hậu quả ấy phiền toái lắm đấy.” Nếu ai đó đọc đến đoạn này, lại được nhìn thấy nét mặt ông bác sỹ mừng rỡ như thế nào, mới có thể thấy hết giá trị đáng quý của phép chữa bệnh bằng Châm cứu Đông y một cách thật lòng. Tôi đâu có ngờ rằng, chính chuyến đi cấp cứu gian khổ ấy đã cho tôi một vốn nghề không dễ gì có được. Nhờ nó mà sau này tôi đã chữa cho nhiều người mắc chứng tương tự. Trong đó có một cụ ông là anh họ bác sỹ Phan. Ông bác sỹ này làm việc ở khoa phổi bệnh viện Bạch Mai. Cụ già bị u xơ tuyến tiền liệt mà bí tiểu tiện. Rồi đến một sản phụ bị rách tầng sinh môn, phải khâu nhiều mũi. Do bị viêm chỗ rách, cơ tròn bị kích thích, gây co thắt mà bí tiểu tiện. Tất cả đều được thông tiểu, sau khi tôi tiến hành châm chữa như trên.
- Có một anh bác sỹ trẻ, sau khi học đến bài này, gặp bệnh nhân như thế, anh châm cũng hiệu quả ngay. Trên đường về nhà, anh đã vào quán tự thưởng cho mình được phép uống một cốc bia. Khi anh kể lại với tôi, tôi thấy nét mặt anh sung sướng như việc đó vừa mới sảy ra xong. Tôi cũng thấy vui lây. Nghĩ tới tương lai của môn châm cứu, muốn cho phép chữa bệnh bằng châm cứu phát triển trong xã hội, phải dựa vào lớp người hăng hái như anh bác sỹ trẻ nọ, tôi đã phân tích phương huyệt để anh hiểu sâu hơn. Dân gian đã nói : “ Có tích mới dịch ra tuồng.” Tôi nói : “ Hai huyệt Khúc cốt, Hội âm, đều nằm trên mạch Nhâm. Huyệt Khúc cốt, vị trí ở phía dưới của bụng dưới. Bên trong bụng, tương ứng với huyệt là phủ bàng quang. Trong tác dụng chủ trị của huyệt , có ghi :” Dái dầm, khó đái;...viêm bàng quang...” Huyệt Hội âm, vị trí ở giữa tiền âm và hậu âm, giữa hai bộ máy bài tiết phân và nước tiểu. Trong tác dụng chủ trị có ghi : “...viêm âm đạo, viêm niệu đạo; đau dương vật...; viêm tuyến tiền liệt ;...mọi thứ bệnh trong âm bộ; tiền âm, hậu âm cùng dẫn đau, không thể đại, tiểu tiện được ;... cửa mình sưng đau... “ Tôi nói tiếp với anh : “Cuốn du huyệt thường dùng do tôi soạn, dựa trên phần Cách tìm đúng huyệt ở sách Châm cứu đại thành, có bổ sung thêm nhiều tư liệu chủ trị ở nhiều sách khác, các lớp học ở đây đều đã được tôi cho sao in đầy đủ. Các anh nên tranh thủ đọc kỹ, khi cần đến, biết chỗ mà tra cứu.” Anh nói :” Vâng, em sẽ cố gắng.” 12- Chữa chứng thiên đầu thống Một lần, trên đường đi công tác, tôi qua khu rừng, nơi bộ đội huyện Đơn Dương đóng quân. Khi vừa tới bìa rừng, tôi chợt thấy chú lính trẻ từ trên sườn đồi chạy xuống, chú đón giao liên và nói để giao liên đưa tôi lên đồi. Tới chỗ, mà ngay từ khi còn cách xa tôi đã nhìn thấy, có chừng dăm bảy người đứng quanh một cái võng buộc giữa hai gốc cây, trên võng là một người nằm. Tôi đến nơi, mấy người đứng quanh võng tản ra, họ nhường chỗ cho tôi. Chú chỉ huy vẫn đứng lại đó, với vẻ rất hiểu biết, chú nói với tôi : “Đồng chí này đau một bên đầu, nhức vào mắt, nước mắt chảy ra đầm đìa, tôi nghi là bệnh thiên đầu thống. Nếu là ở ngoài Bắc (chú là sĩ quan nhưng còn rất trẻ, bổ sung về Đơn Dương ngay từ đầu xuân Mậu Thân), chúng tôi sẽ phải đưa đi bệnh viện mắt ngay, hy vọng còn cứu được con mắt. Bây giờ ở đây chẳng biết làm cách nào khác, ngoài việc đứng quanh nhau, an ủi nhau cho ấm lòng.” Tôi xem kỹ lại, cũng thấy đúng như lời chú chỉ huy vừa nói. Tôi đứng nguyên, ba lô và khẩu súng ca bin còn đeo trên vai, tay mở bao nhỏ ở dây lưng bên hông, lấy ra hộp kim. Tôi đưa hộp kim nhờ chú chỉ huy đỡ trên tay. Tiếp theo, tôi mở hộp, lấy kim ra sát trùng và châm vào các huyệt : Đầu duy, Khúc mấn, Chi câu, bên phía mắt đau. Châm xong, tôi lần lượt vê từng kim theo tả pháp, đúng thứ tự, hết vòng thì trở lại. Vê kim được chừng ba vòng lượt thì người bệnh nói rằng, mắt đã đỡ nhức. Tới đây, tôi nói với chú chỉ huy ra lệnh cho mọi người về vị trí của mình, còn tôi và chú ở lại. Thỉnh thoảng tôi lại vê kim một vòng lượt. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, người bệnh hết đau đớn. Tôi rút kim xong, người bệnh đã nhỏm dậy, nhưng vẫn là ngồi trên võng, giọng xúc động, nói lời cảm ơn tôi. Đ đến lúc giao liên nhắc tôi cần phải đi tiếp, tôi mới sực nhớ ra, từ lúc tôi đến đây tới giờ, không thấy ai là quân y cả. Tôi quay sang chú chi huy nói ý định sẽ bàn giao cho quân y, yêu cầu ngày hôm sau vẫn
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn