
3
CHÍNH PHỦ QUẢN LÝ ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP Ở
VIỆT NAM: MÔ HÌNH LÝ THUYẾT, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
GS. TS. Nguyễn Đông Phong
TS. Lê Nhật Hạnh
Trường Đại học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên
toàn thế giới, vấn đề xây dựng và triển khai hiệu quả chính phủ quản lý điện tử nói chung
và đối với doanh nghiệp (government-to-business (G2B)) nói riêng đã và đang là một
trong những vấn đề được chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở khái niệm và
mô hình phát triển của chính phủ quản lý điện tử, kết hợp với nguồn số liệu phỏng vấn
sâu 9 nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở TP HCM và số liệu thứ cấp từ các nguồn báo cáo
công khai của Chính phủ cũng như từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bài viết
này đã phân tích thực tế việc sử dụng dịch vụ G2B của các các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, nhận định của doanh nghiệp về hiệu quả và những trở ngại chính khi sử dụng
các dịch vụ G2B cũng được thu thập và phân tích. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số
giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ G2B cho chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Chính phủ điện tử, dịch vụ công cho doanh nghiệp, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Chính phủ điện tử (E-Government) đã trở thành thuật ngữ bao phủ gần như tất cả
các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (viết tắt là ICT) và làn sóng chính phủ
điện tử đang gia tăng nhanh chóng thông qua các tổ chức công và hoạt động quản trị công
trên toàn thế giới (Fang, 2002). Chính phủ điện tử tạo điều kiện cho sự gia tăng tương tác
giữa các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, chính phủ điện
tử tồn tại bốn dạng dịch vụ chính, bao gồm: trao đổi giữa cơ quan nhà nước với nhau
(G2G), trao đổi giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp (G2B), trao đổi giữa cơ quan
nhà nước với người dân (G2C) và trao đổi giữa cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức,
viên chức (G2E) (Torres, Pina, & cerete, 2006; Fang, 2002; Bộ Thông tin & Truyền
thông, 2015). Ngày càng nhiều nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách tập trung vào
các vấn đề khác nhau của chính phủ điện tử, cũng như tìm kiếm sự đồng thuận về sáng
kiến và khung kiến trúc chính phủ điện tử (Martins & Veiga 2018; Rokhman, 2011;
Torres et al., 2006; Tung & Rieck, 2005; Joia, 2004; Gupta & Jana, 2003). Trong khi các
nghiên cứu trên thế giới về mối quan hệ trao đổi giữa cơ quan nhà nước với người dân
được thực hiện phổ biến, thì nghiên cứu về mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với
nhau, giữa chính phủ và công chức, viên chức, đặc biệt là giữa chính phủ với doanh
nghiệp vẫn còn ít học giả quan tâm.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng
triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt trong việc thực hiện dịch vụ công trực
tuyến giữa chính phủ và doanh nghiệp (G2B). Chính phủ đã triển khai một số dịch vụ
công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp như: đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp
thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…; một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên
môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa
vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức (Chính