GIÁO ÁN MÔN HỌC NGÀNH ĐÀO TẠO: KIẾN TRÚC
lượt xem 47
download
Chương trình trình độ đại học
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: GIÁO ÁN MÔN HỌC NGÀNH ĐÀO TẠO: KIẾN TRÚC
- CHƯƠNG TRÌNH TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC NGÀNH ĐÀO TẠO: KIẾN TRÚC GIÁO ÁN MÔN HỌC 1. Tên học phần : CƠ SỞ KIẾN TRÚC 1 2. Số đơn vị học trình :4 3. Trình độ : Dành Sinh viên năm thứ 1 4. Phân bố thời gian : 60 tiết 5. Điều kiện tiên quyết: 6. Mục tiêu của học phần: - Nắm vững lý thuyết thể hiện, rèn luyện tay nghề thể hiện kiến trúc. - Nắm vững các quy cách thể hiện bản vẽ kiến trúc. - Sử dụng các phương tiện, công cụ thể hiện kiến trúc thành thạo. 7. Mô tả vắn tắt nội dung môn học: Là môn học để sinh viên bước đầu tiếp cận với nghề nghiệp. Trang bị kiến thức cơ bản về thiết lập bản vẽ kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật kiến trúc và những quy định chung về hồ sơ thiết kế, giúp cho sinh viên có được những khả năng về diễn đạt ý để thiết kế thông qua một số phương pháp thể hiện kiến trúc bằng bút chì, bút lông, bút kim, bút sắt. Các bài tập thực hành: đường nét và chữ số, tô bóng mực nho, diễn hoạ kiến trúc. 8.Nhiệm vụ của sinh viên: - Nắm vững phần lý thuyết trên lớp để ứng dụng các bài tập thực hành - Thực hiện các bài tập trên cơ sở có sáng tạo 9. Tài liệu tham khảo: Bộ môn cơ sở và lịch sử - Đại học Kiến trúc Hà Nội, Cơ sở Kiến trúc, Giáo trình nội bộ, 1984. Thiên Thanh, Kỹ thuật vẽ kiến trúc – Tài liệu dành cho kiến trúc sư, các nhà tạo mẫu và họa sĩ đồ họa, Nxb. Văn hóa, 1996. Lớp K84 – Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, Phối cảnh Kiến trúc – Tài liệu lư hành nội bộ, 1988. Philip Crowe, Diễn họa Kiến trúc, Nxb. Xây dựng, 1996. Richard F. Koplar, Architectural Studies – A Step by step Guide to Rendering and Drawing Techniques, Nxb McGraw Hill, 1993. Albert O. Hasle, Architectural Rendering, Nxb McGraw Hill, 1960
- 10. Nội dung chi tiết học phần: 10.1 Bố trí thời gian: TT TÊN CHƯƠNG LT BT TC Chương 1: Phương pháp sử dụng bút chì và cách thể 1 10 tiết 5 tiết 15 tiết hiện bút chì trong kiến trúc Chương 2: Phương pháp thể hiện bút lông và cách 2 10 tiết 5 tiết 15 tiết thể hiện mực nho, đen trắng trong kiến trúc Chương 3: Thể hiện bút sắt, bút kim trong kiến trúc -Phương pháp sử dụng bút kim, bút sắt bằng 3 25 tiết 5 tiết 30 tiết thước -Phương pháp thể hiện bút kim, bút sắt bằng tay Tổng cộng 45 15 60 tiết tiết tiết 10.2 Nội dung chi tiết: CHƯƠNG 1: PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG VÀ CÁCH THỂ HIỆN BÚT CHÌ TRONG KIẾN TRÚC 1.1 Các dụng cụ cần thiết của môn học, phương pháp lựa chọn, sử dụng. 1.1.1 Các dụng cụ cần thiết cho môn học, ưu nhược điểm của từng loại. - Giấy vẽ: . Giấy vẽ: thường dùng giấy xốp, dày, hơi cứng có một mặt lán, một mặt nhám hơn. Giấy này có khả năng thấm nước tốt. Khi dùng nét để thể hiện, thường dùng mặt lán. Khi dùng bút lông để tô, thường dùng mặt nhám. Ngoài ra, để thể hiện cũng còn dùng các loại giấy trơn, lán ít thấm nước. Loại này chủ yếu là thể hiện nét. . Giấy can: được dùng nhiều trong giai đoạn tìm ý thiết kế vì dễ nhìn qua và dễ tẩy xóa nét chì. Ngày nay có những loại giấy can bằng chất tổng hợp, pha nilon, không bị nhàu nát, thấm nước, có thể chùi nét vẽ mà không cần tẩy. . Giấy kẻ li: trên tờ giấy cỡ A0 có kẻ các ô vuông 1x1 mm, và các đường kẻ rõ ô vuông cạnh 1cm và 5cm. Loại này hay được dùng trong thiết kế sơ phác, để dưới giấy can, giúp xác định tỷ lệ nhanh chóng cho hình muốn vẽ. - Bút: . Bút chì: có các loại chì cứng (ký hiệu chữ H), chì mềm (ký hiệu chữ B). Kèm theo ký hiệu có số chì để ghi mức độ: cứng hoặc mềm. Số càng lớn thì độ cứng hoặc mềm càng lớn. Độ cứng tăng H - 2H... Độ mềm tăng từ B - 2B .... 6B. Trong bản
- vẽ kỹ thuật thường dùng bút HB - B hoặc 2B dựng hình, sau đó dùng bút 2B, 3B để lên đậm. Tùy theo yêu cầu sử dụng mà gọi bút chì đầu nhọn hay bẹt. . Các loại bút chì kim dùng để vẽ nét. - Tẩy: thường chủ yếu sử dụng để tẩy chì, nên chọn loại tẩy càng mềm càng tốt nhằm hạn chế rách hoặc sờn giấy. - Bảng vẽ: dùng phổ biến là bảng bằng gỗ, có mặt nhẵn, cứng, tránh cong vênh nhất là với mặt bằng bằng gỗ dán mỏng. Cạnh của ván bảng phải thẳng và phẳng, ít ra là cạnh trái để có thể trượt được thước T. Kích thước thông thường của bảng: 60 - 90cm, 80 - 120cm để phù hợp với kích thước A1. - Thước: . Thước T: là dụng cụ dùng để vẽ các đường nằm ngang song song và cả đường chéo song song khi xoay đầu T đi một góc. Để vẽ các đường ngang song song người ta còn dùng thước T dây. Thước T dây được làm bằng thước thẳng, bẹt, kẹp vào hai đầu thước hai ròng rọc và mắc dây vào. . Êke: là dụng cụ dùng để vẽ các đường thẳng đứng, bằng cách phối hợp với nhau giữa thước T và các loại êke có thể cho các đường song song có các góc làm với đường ngang một góc 30o, 45o, 60o, 75o, 90o...Một bộ êke có hai cái, có các góc 45o và các góc 60o - 30o. . Thước cong: là dụng cụ dùng để dựng - Tô đậm các đường cong, không thể hoặc khó qui về các đường tròn, mà phải xác định liên tiếp nhiều điểm. Thước có thể được làm bằng nhựa, kim loại hay gỗ mỏng. . Thước tròn: là loại thước có khoét các lỗ tròn có đường kính D nhỏ khó dựng bằng compa một cách chính xác, D = 1, 2, 3... mm cho tới 15, 16... mm hoặc hơn nữa. - Compa: trong một hộp compa có nhiều loại compa và các dụng cụ thay thế, tháo lắp. Bộ compa thường có: compa đầu chì, compa đầu mực, compa đo, compa quay vòng lớn với các đầu nối, đầu kim, đầu mực... 1.1.2 Các cách sử dụng bút chì, tẩy, thước và các phương tiện thể hiện khác. Các hình vẽ, trước hết được vẽ dựng cho đúng bằng bút chì cứng hơn (loại HB- B hoặc 2B). Lúc này các nét vẽ dựng còn mờ, chưa đủ độ đậm cần thiết. Chỉ sau khi đã kiểm tra không còn sai sót gì, mới tiến hành tô đậm bằng bút chì mềm hơn (loại 2B - 3B...) hoặc vẽ nét mực. Yêu cầu rất quan trọng là các nét vẽ phải có bề dày theo quy định và thống nhất cho hình vẽ, và trong toàn bộ bản vẽ. Do đó, việc tô đậm bằng chì khó hơn là việc thể hiện bằng bút mực. Thứ tự tô các nét phải sao cho thước và tay trượt lên các nét đã lên đậm ít nhất nhằm tránh làm mờ, nhòe bản vẽ. Đồng thời thứ tự này tạo cho khả năng quan sát bút vẽ, điều chỉnh bút vẽ cho đúng. Thông thường, các đường phức tạp (đường cong, tròn)
- được vẽ trước rồi mới đến các đường đơn giản, từ nét nhỏ rồi tới nét to (trong việc tô bằng chì) từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Cuối cùng tới các chữ số, chữ, khung tên. Thứ tự cụ thể như sau: . Các đường cong, đường tròn. . Các nét thấy theo phương ngang từ trên xuống. . Các nét thấy theo phương đứng từ trái qua phải. . Các đường xiên. . Các đường khuất (theo thứ tự trên). . Các nét cắt . Các đường thể hiện vật liệu hình cắt. . Các con số ghi kích thước, khung tên, khung bản vẽ. . Tẩy xóa nét thừa, làm vệ sinh bản vẽ, rìa giấy. 1.2 Giới thiệu các kiểu chữ thông dụng và các phạm vi ứng dụng của từng loại. Để bản vẽ mang được tính khoa học, rõ ràng nhằm tôn trọng nội dung chính của bản vẽ, các chữ và số ghi trên hình vẽ cần được rõ. Vì thế các chữ và số hoàn toàn không được viết tùy tiện, trang trí rườm rà, nhiều kiểu, nhiều cỡ. Tất cả đều viết theo kiểu chữ Hoa. Chú ý rằng: các chữ cần có cỡ thích hợp về chu vi chữ, chiều dày nét và khoảng cách các nét trong chữ. Khoảng cách các chữ, các từ đều đã mang lại vẽ đẹp, các chữ số cũng tham gia vào bố cục bản vẽ. Hai loại chữ thông dụng trong các bản vẽ kỹ thuật như sau: - Chữ viết tay. - Chữ kẻ bằng thước. Tính chất đều đặn của các chữ, khoảng cách các từ nhận biết được do cảm nhận thị giác. Độ lớn của chữ không thể đánh giá ở khoảng vuông chu vi của chữ. Các chữ O, S, Q, C... là những chữ tròn và A, M, N những chữ có độ vát phải có các khung nhỉnh hơn một chút mới đưa lại sự đồng đều của bộ chữ. Cũng vậy, khoảng cách giữa các chữ, giữa các từ không căn cứ vào đường giới hạn thẳng đứng ở các mép biên của chữ, của từ. Mà nó phụ thuộc tương đối ở khoảng trống giữa các chữ, các từ. Vì thế phải linh động điều chỉnh trong trường hợp của các chữ có nét cong, nét chéo (A-V) hoặc khuyết góc (L-T). Đối với các số cũng tương tự như thế. Khoảng cách giữa hai dòng kẻ đáy chữ ~ 1,5 chiều cao chữ. Cỡ của chữ và số: tùy độ lớn của bản vẽ, hình vẽ, nội dung của chữ mà có cách dùng chữ với chiều cao thích hợp. Loại chữ to thường cao từ 8 đến 18mm, chữ và số nhỏ thường từ 3 - 5mm. 1.3 Các loại nét trong kiến trúc và ứng dụng của chúng.
- 1.3.1 Các loại nét vẽ dùng trong các bản vẽ kỹ thuật kiến trúc xây dựng. Trong các bản vẽ kỹ thuật này thường dùng các loại nét vẽ sau: . Nét liền cơ bản: chiều dày b = 0,2 - 0,3 mm dùng vẽ các đường bao thấy, khuyên tròn đánh số của trục định vị. . Nét cắt: chiều dày khoảng 2b dùng vẽ các đường giao tuyến của mặt phẳng cắt với vật thể bị cắt. . Nét liền mảnh có chiều dày nhỏ nhất bằng b/3 ÷ b/2 để vẽ các đường dóng từ đường ghi kích thước, các đường gạch chân chữ, kí hiệu vật liệu. Trong một bản vẽ, bề dày nét liền cơ bản được lấy làm chuẩn, các nét khác dựa vào nó mà điều chỉnh to hoặc nhỏ hơn. Nét cắt, nét liền cơ bản, nét liền mảnh là 3 loại nét cơ bản thường dùng trong bản vẽ. Cần chú ý rằng quy định trên là tương đối ngay trong cùng một bản vẽ, thậm chí ngay trong cùng hình vẽ. Mục đích cuối cùng là để cho hình vẽ rõ, dễ đọc. Tất nhiên chỉ trong những trường hợp cá biệt, còn nói chung chỉ được sử dụng mỗi loại nét trong một bản vẽ theo cùng một bề dày chung. Ví dụ khi vẽ mặt cắt qua tường gạch, tường bê tông cốt thép, nét cắt chỉ lớp vữa trát ngoài (thường dày từ 10-15mm, trong khi chiều dày tường gạch hay bê tông cốt thép có thể từ 100mm hoặc lớn hơn). Ta không thể vẽ nét cắt qua lớp vữa có độ dày bằng nét cắt qua gạch hay qua bê tông cốt thép được. Thường nét vẽ này chỉ lớn hơn nét liền cơ bản một chút. Hoặc ở những mặt cắt qua nền, sàn cũng vậy, các lớp trát, lát láng có chiều dày rất bé 10, 15, 20mm, so với các lớp chịu lực: bê tông, gạch vỡ dày 100-150 nên nét vẽ cắt qua nó cũng phải nhỏ hơn nét vẽ cắt qua các lớp chịu lực. Ngoài ra người ta còn sử dụng các loại nét khác: . Nét đứt chỉ đường bao khuất ---------- b/2 . Chấm gạch dài chỉ đường trục, đường tâm __ . __ b/3 Khi dùng các loại nét lưu ý: . Tâm của đường tròn là hai nét gạch dài giao nhau, không dùng chấm. . Với đường tròn có D < 12mm, các đường trục dùng nét liền mảnh. . Các nét đứt phải gạch tới tận đường bao, chỗ gặp nhau của hai nét đứt cũng phải để các đoạn gạch cắt nhau. 1.3.2 Giới thiệu các loại ký hiệu vật liệu trong kiến trúc xây dựng. Các loại ký hiệu vật liệu trong kiến trúc xây dựng được quy định tùy thể hiện theo các quy ước riêng của từng quốc gia. Các lọai ký hiệu vật liệu này thường được thể hiện bằng nét liền mảnh và có mật độ phù hợp với kích thước hình vẽ nhằm tránh che mờ các nét vẽ chính. 1.4 Các tiêu chuẩn, quy định, quy ước để thành lập bản vẽ. Các bản vẽ kỹ thuật được thành lập theo những quy tắc thống nhất đã được nhà nước thông qua và ban hành gọi là tiêu chuẩn nhà nước. Các tiêu chuẩn ở mỗi nước có
- thể có những điểm khác nhau. Nhưng về cơ bản, chúng đều có tính phổ cập quốc tế. Vì thế người cán bộ kỹ thuật có thể đọc, hiểu được bản vẽ kỹ thuật của các nước khác. Dưới đây chỉ giới thiệu những tiêu chuẩn quy định, quy ước thông dụng vẫn thường được sử dụng trong các bản vẽ thiết kế kiến trúc. 1.4.1 Khổ, khung bản vẽ, khung tên. - Khổ bản vẽ: khổ giấy thường được sử dụng là các loại sau: Kí hiệu khổ giấy 1_1 1_2 2_2 2_4 4_4 Kích thước cạnh tờ giấy (mm) 297 297 594 594 1189 sau khi đã xén 210 420 420 841 841 Kí hiệu tương ứng của khổ giấy A4 A3 A2 A1 A0 dùng - Khung bản vẽ và khung tên: khung bản vẽ thường chỉ sử dụng cho các bản vẽ mang tính kỹ thuật như bản vẽ khia triển kỹ thuật thi công trong kiến trúc. Các bản vẽ này sẽ được gấp thành hồ sơ, đóng thành tập và gấp nhỏ vì thế cần tuân theo những quy định sau để khi gấp bản vẽ thành tập, dễ lật tìm bản vẽ cần thiết và không bị che lấp hình. . Khung bản vẽ cách mép tờ giấy 8 - 12mm. Riêng mép trái khoảng 20 - 25mm để đóng các bản vẽ lại với nhau. . Khung tên bao giờ cũng ở bên phải phía dưới của khung các bản vẽ thiết kế sản xuất quy định khung tên rất chặt chẽ vì ngoài nội dung chung bản vẽ, ở đó còn thể hiện trách nhiệm hành chính, pháp lí của những người liên quan. Trong phạm vi ở trường, có những quy định cho các môn học riêng. 1.4.2 Tỉ lệ hình vẽ: là tỉ số giữa kích thước đo được trên hình thể hiện trong bản vẽ và kích thước tương ứng của hình thật. Tùy theo độ lớn của hình thật và yêu cầu diễn tả mức độ chi tiết của vật mà người ta dùng tỉ lệ thu nhỏ nhiều, ít khác nhau. Các bản vẽ thường được vẽ với các tỉ lệ sau: . Mặt bằng khu vực lớn: 1/5000 - 1/10000. (thường dùng cho quy hoạch). . Mặt bằng khu vực nhỏ: 1/500 - 1/1000 - 1/2000. . Mặt bằng, mặt đứng công trình: 1/50 - 1/100 - 1/200. . Mặt cắt công trình: 1/25 - 1/50 - 1/100. .Chi tiết nhỏ: 1/5 - 1/10 - 1/20. 1.4.3 Cách ghi kích thước. Một hình vẽ có đầy đủ kích thước cho phép không chỉ hình dung được hình dáng mà còn biết cả độ lớn của vật thể nữa. Việc ghi kích thước trên bản vẽ sẽ trở nên phức tạp và rối nếu không theo theo những quy tắc nhất định nhằm tránh nhầm lẫn cho người đọc.
- - Các thành phần của một kích thước: . Đường dóng: được dùng để xác định giới hạn hai đầu của khoảng cách cần ghi kích thước. Đường dóng được vẽ bằng nét mảnh và thông thường vuông góc với đường bao. Có thể không dùng đường dóng mà dùng ngay đường trục, đường bao hay ghi ngay trong hình vẽ... . Đường ghi kích thước: nằm song song với đường bao, được vẽ bằng nét mảnh, hai đầu mút của nó cần có mũi tên hoặc gạch chéo, hoặc chấm tròn. Mũi tên phải nhọn, thuôn và đầu mũi tên phải chạm vào đường gióng. Đường gióng nhô khỏi mũi tên một đoạn khoảng 3mm. . Con số ghi kích thước: nằm song với đường bao, ghi dọc theo đường ghi kích thước ở vào khoảng giữa và cách phía trên đường ghi kích thước khoảng 1,5mm. Hướng con số phụ thuộc độ nghiêng của đường ghi kích thước. Bao giờ hướng con số cũng phải theo trình tự đọc: từ phải qua trái, từ dưới lên trên. Cỡ chữ số thường lấy khoảng 3-5mm. Khi ghi kích thước cần chú ý một số nguyên tắc chung như sau: . Trên bản vẽ mỗi kích thước chỉ ghi một lần. . Số ghi kích thước là chỉ kích thước thật không phụ thuộc vào tỉ lệ hình vẽ. . Đơn vị dùng là mm và không cần ghi chữ mm ở sau con số chỉ kích thước. Nếu ghi bằng cm thì phải có ghi chú rõ và dùng thống nhất trong bản vẽ. . Với khoảng nhỏ không đủ ghi, cho phép ghi ra phía ngoài bên phải, hoặc bên trái nếu bên phải không có chỗ. . Nếu là hình đối xứng, cho phép vẽ một nữa và thêm quá sang một ít phía bên kia. Đường ghi kích thước chỉ ghi mũi tên hoặc cạnh chéo, chấm ở một đầu. Đầu kia vẽ quá một đoạn khoảng 5mm. Với đường tròn: . Dùng ký hiệu D hoặc Ø ghi trước con số chỉ độ dài đường kính hình tròn hoặc ký hiệu R trước con số chỉ độ dài bán kính hình tròn. Với các cung tròn không vượt quá 180o thì chỉ ghi kích thước của bán kính. Nếu cung có R lớn, tâm nằm ngoài phạm vi bản vẽ (hoặc quá xa hình vẽ), dùng đường kích thước có nét gãy khúc. Nếu tâm không thuộc trục đối xứng phải ghi rõ khoảng cách từ tâm đến trục. Ghi độ sâu - độ cao: . Dùng các ký hiệu cao độ để chỉ các cao độ trên mặt cắt và mặt bằng. Đơn vị ghi cao độ lấy là M (mét), thường quy định lấy độ cao của nền, sàn nào đó làm chuẩn (thường chọn sàn tầng 1) gọi là cao độ + 0,00. Từ đó tính và ghi các cao độ khác. Ghi chú các lớp vật liệu:
- . Do độ dày của các lớp vật liệu do quá bé, nên phải dẫn một đường mảnh vuông góc với các lớp vật liệu ấy rồi lần lượt ghi các lớp vật liệu, độ dày của chúng theo thứ tự từ trên xuống. Ngoài ra còn có những quy ước cụ thể hơn cho từng ngành khác. Ví dụ: kết cấu bê tông cốt thép, thép gỗ sẽ được làm quen khi nghiên cứu các môn học đó. (Bài tập 1: Bài tập đường nét-chữ số) CHƯƠNG 2: CÁC LOẠI BÚT LÔNG, PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG VÀ CÁC CÁCH THỂ HIỆN BẰNG BÚT LÔNG TRONG KIẾN TRÚC 2.1. Bút lông các loại, mực nho các loại, phương pháp lựa chọn, sử dụng. Bản vẽ kiến trúc tô đậm nhạt cần đảm bảo tính chính xác của bản vẽ kỹ thuật công trình đồng thời cả sự thể hiện sinh động của nghệ thuật hội họa. Để thể hiện điều này, người ta thường sử dụng mức độ đậm nhạt của mực nho (mực đen) để thể hiện bóng sáng tối của vật thể. Yêu cầu tô phải "trong" và "đều". Để bản vẽ tô đậm nhạt được tốt ta cần phải nắm được kỹ thuật tô đậm nhạt dưới đây: 2.1.1 Vật liệu thường dùng. - Giấy: tốt nhất dùng loại giấy vẽ màu nước, giấy cứng có độ hút nước nhất định. Không nên dùng loại giấy quá xốp, quá mỏng hoặc không dai, giấy nên được bồi trên bảng trước khi vẽ. - Bút lông: bút lông có nhiều loại: loại đầu bút tròn và thon, loại đầu bút to bản và dẹt, mỗi loại đáp ứng tốt những mục đích sử dụng khác nhau nhưng loại bút đầu tròn to nhỏ khác nhau được sử dụng nhiều hơn. Muốn thử xem bút lông có tốt không thì nhúng vào nước lã sạch rồi đưa ra ngoài, nếu lông bút theo nước nhỏ giọt xuống mà không nhọn đầu thì là loại bút xấu không nên sử dụng. - Mực: có loại mực thỏi, mực nhuyễn trong ống bóp, mực lỏng chế sẵn. Thông thường, để tô đậm nhạt ta dùng loại mực lỏng chế sẵn hoặc loại thỏi mài đặc pha nước sạch và lọc kĩ. Nên đựng mực được pha theo các độ đậm khác nhau trong các lọ. - Để bồi giấy vẽ ta phải chuẩn bị hồ dán và nước sạch để thấm vào giấy vẽ trước khi căng. 2.1.2 Phương pháp căng giấy vẽ trên bảng. Giấy vẽ trong bản vẽ kiến trúc tô đậm nhạt gặp nước sẽ trũng, sẽ ảnh hưởng đến việc khống chế đậm nhạt và kết quả bản vẽ, sau khi khô giấy lại co không đều, ảnh hưởng đến kích thước chính xác của hình vẽ. Để tránh tình trạng trên, giấy cần được thấm nước cho dãn đều ra trước khi dán lên bảng vẽ, khi khô giấy sẽ co căng phẳng, khi tô mực giấy gặp nước sẽ không trũng hoặc không co quá nữa. Phương pháp dán căng giấy vẽ: - Đặt giấy vẽ lên bảng sao cho bốn cạnh giấy song song với bốn cạnh bảng, để sau này tiện lợi khi vẽ. Xác định đường biên chung quanh giấy để quét hồ (rộng từ 1 ~ 1,5cm). Có thể dùng chì kẻ hoặc gấp nhẹ bốn mép giấy xung quanh lên.
- - Dùng khăn sạch hoặc xốp chùi bảng thấm nước để thấm nước sạch trên toàn bộ giấy. Nước thấm cho đều khắp tránh sót, tránh quá nhiều hoặc ít nước, tránh làm xây xát bề mặt giấy khi thấm nước. - Trong khi chờ đợi giấy dãn ra, quét hồ vào đường biên xung quanh giấy. - Quét hồ vào đường biên xong, căng bốn góc tờ giấy cho đều trên bảng vẽ. Dùng tay sạch miết song song các mép giấy đối diện để giấy được dãn đều khi dán xuống bảng. Miết từ trong ra ngoài để hồ thừa ép ra ngoài giấy. Để đề phòng sau này các mép giấy dán có thể bong ra do hồ quét không đều trên đường biên có thể lấy một dải giấy rộng khoảng 2 ~ 3 cm dán trên chỗ giao tiếp giữa giấy với bảng. - Sau khi dán xong, để bản vẽ được căng giấy vào chỗ râm mát, giấy ẩm sẽ dần dần khô, khi giấy khô hẳn mới bắt đầu vẽ trên giấy được. - Việc căng giấy trên bảng vẽ tuy đơn giản nhưng căng không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến việc tô đậm nhạt hay tô màu. Các hiện tượng như giấy dãn chưa hết đã dán xuống bảng làm cho sau này tô đậm nhạt giấy vẫn bị chùng tạo thành các nếp phồng gây ảnh hưởng đến chất lượng bản vẽ. Giấy dãn không đều do thấm chỗ nhiều chỗ ít nước sau này khi khô, giấy sẽ bị rách. Khi dán, nếu miết tay không đều, giấy cũng sẽ bị nếp nhăn, nhất là ở các góc giấy v.v... Để căng giấy được tốt đối với bản vẽ cỡ A0 và A1 nên có hai người vừa quét hồ đường biên xong cùng phối hợp căng dán. Phơi bảng vẽ đang căng giấy dưới nắng trực tiếp cũng là một nguyên nhân làm giấy căng không đều. 2.1.3 Cách vẽ chì và phương pháp tô bóng bằng mực nho. - Chuẩn bị mực vẽ. Mực dùng để tô đậm nhạt có thể là loại mực pha sẵn hoặc mực nho loại thỏi. Đối với loại thỏi, ta mài thỏi mực trên đĩa mài mực, mực để tô đậm nhạt không nên mài quá đặc. Mài xong lọc sạch mực dùng vải hoặc bông. Mực đã được mài cho vào lọ đậy nút giữ sạch sẽ để sử dụng. Sau khi chuẩn bị mực vẽ xong nên sử dụng ngay, không nên để quá lâu. Để lâu mực thường nổi váng dầu, có thể dùng giấy thấm để lấy bớt các váng dầu trước khi sử dụng. - Đặt bảng vẽ. Để tô đậm nhạt hay tô màu, bảng vẽ nên đặt nghiêng một góc độ với mặt bàn để khi khô mực chảy thuận theo một chiều. Góc nghiêng không nghiêng quá (nghiêng quá làm mực tô sẽ không giữ được trong phạm vi định vẽ), tốt nhất là nghiêng một khoảng 10o. Khi vẽ chú ý sắp xếp các dụng cụ đĩa, bút lông cho thứ tự, sử dụng thuận tiện tránh đổ vỡ làm hỏng bản vẽ... - Phác bút chì và lên mực nhạt trên bản vẽ. Trước khi tô đậm nhạt cần phải vẽ hình trên bản vẽ bằng bút chì mờ. Hình vẽ phải rõ ràng, các đường chì đừng quá hằn sâu xuống giấy, làm đọng nước khi tô đậm nhạt và kết quả là đường nét đó trở nên rất đậm. Đối với bản vẽ tô đậm nhạt hay tô màu, chú ý khi vẽ chì cần tránh tẩy xóa nhiều. Các vết tẩy làm xước mặt giấy, khi tô đậm nhạt, tại chỗ đó mực bị hút nhiều sẽ làm cho hình vẽ không đẹp.
- Sau khi vẽ chì mờ xong, trước khi tô đậm nhạt ta có thể kẻ lại nét bằng mực nhạt giúp cho hình vẽ bảo đảm được sự chính xác sau khi tô và trong quá trình tô cũng được dễ dàng hơn. Tránh kẻ lại nét bằng mực đậm sẽ làm cho hình vẽ trở nên khô cứng, giảm sự truyền cảm của hình vẽ. Bản vẽ cũng cần được giữ gìn sạch sẽ, tránh tỳ tay lên bản vẽ, mồ hôi thấm vào bản vẽ làm cho mực tô không đều. Tùy theo tính chất của hình khối ta có thể sử dụng kết hợp hai phương pháp tô bóng đều hoặc tô bóng chuyển hóa đậm nhạt. 2.2. Kỹ thuật tô bóng mực nho chuyển hoá đậm nhạt. 2.2.1. Sự sáng tối của vật thể. Thể hiện bản vẽ kiến trúc bằng cách tô đậm nhạt (đen trắng) diễn tả sáng tối giúp cho ta nhận rõ hình khối không gian của công trình, thể hiện được chất liệu của các bộ phận công trình là một phương pháp thường hay được sử dụng. Quy luật sáng tối khi chúng ta quan sát các vật thể được chiếu sáng tự nhiên là cơ sở chủ yếu để giúp ta vận dụng vào việc diễn tả các công trình kiến trúc. Từ thực tế quan sát, ta thấy rằng: Khi vật thể được chiếu sáng cực mạnh thì trên vật thể (ví dụ: quả cầu) xuất hiện một cách đột ngột ranh giới giữa sáng và tối. Trên phần được chiếu sáng, ta không phân biệt được các sắc thái trung gian (từ phần được chiếu sáng mạnh, chuyển dần đến phần chiếu sáng yếu v.v...). Còn khi vật thể được chiếu bởi ánh sáng yếu thì trong phần tối của vật thể ta không phân biệt được các mức độ tối khác nhau. Bởi vậy vật thể chiếu sáng quá mạnh hay quá yếu đều không có lợi trong việc diễn đạt hình khối của vật thể. Vật thể chiếu sáng trung bình là tôt nhất. Với sự chiếu sáng trung bình, ta dễ dàng nhận thấy sự chuyển biến các sắc độ sáng cũng như các sắc độ tối của vật thể thể hiện các đồ án kiến trúc ta nên diễn tả công trình được chiếu sáng trung bình để sự biểu hiện công trình được phong phú và có sức hấp dẫn. 2.2.2. Bóng đổ và bóng bản thân của vật thể. - Bóng bản thân của vật thể là phần vật thể không được ánh sáng chiếu tới. Bóng bản thân của vật thể phụ thuộc vào cấu trúc hình khối của vật thể, phụ thuộc vào hướng chiếu sáng đối với vật thể. - Bóng đổ trên vật thể: khi có hai hay nhiều vật thể gần nhau được chiếu sáng thì bóng của vật thể này in trên vật thể khác gọi là bóng đổ trên vật thể. Bởi vậy, hình dáng của bóng đổ trên vật thể phụ thuộc vào hình khối của vật thể đứng trước che chắn ánh sáng chiếu vào nó, phụ thuộc vào hướng chiếu sáng và khoảng cách giữa các vật thể. Quan sát trong thực tế, ta nhận thấy rằng trong cùng một vật thể thì độ đậm của bóng đổ mạnh hơn nhiều so với độ đậm của bóng bản thân. Trong phần bóng bản thân và bóng đổ thường có ánh sáng phản xạ, ở phần bóng phản xạ, độ đậm của bóng giảm đi. Độ đậm của bóng bản thân có ánh phản xạ (ta gọi tắt là bóng phản xạ) bao giờ cũng tối hơn so với phần sáng mờ của phần vật thể được chiếu sáng. 2.2.3. Bóng quy ước khi vẽ các bản vẽ kiến trúc.
- Khi vẽ bóng trên các mặt đứng hay mặt bằng các công trình kiến trúc ta dựa trên lý thuyết tìm đường bao quanh của bóng bản thân hay bóng đổ khi vật thể được chiếu sáng bởi các tia chiếu sáng song song đi theo hướng đường chéo của hình hộp lập phương. Vị trí của nguồn sáng thông thường được quy định chiếu từ phía sau - bên trái người quan sát đến phía trước - bên phải người quan sát. Cách vẽ bóng quy ước này vừa đơn giản vừa dễ dàng nhận biết được độ xa hay độ cao của các điểm đổ bóng. Đối với các bản vẽ phối cảnh công trình thì tùy theo hình phối cảnh và ý đồ diễn tả mà ta chọn vị trí của mặt trời chiếu sáng. Thường thường nếu muốn diễn tả các diện chính của công trình ta chọn mặt trời ở phía trước công trình (mặt trời ở sau người quan sát), hướng chiếu chính vào diện lớn nhất của khối công trình: nếu mặt chính hướng sang bên phải thì hướng chiều sáng từ phía phải lại, nếu mặt chính hướng sang bên trái thì hướng chiếu sáng phía trái sang. Đối với các công trình có đường nét bao quanh khối công trình đẹp, để nêu bật đặc điểm này của công trình ta chọn vị trí mặt trời từ phía sau công trình chiếu lại (mặt trời ở trước người quan sát). Với cách chiếu sáng này nền của công trình sẽ sáng để nổi bật công trình màu đậm theo các đường nét bao quanh nó (ngược sáng). Đối với các bản vẽ phối cảnh nội thất thì thường diễn tả hoặc theo ánh sáng tự nhiên (ánh sáng từ phía cửa sổ bên chiếu vào) hoặc theo ánh sáng nhân tạo (ánh sáng từ các đèn chiếu sáng ở trong phòng). Sau khi chọn các hướng chiếu sáng, ta xác định các phần được chiếu sáng, các phần nằm trong bóng bản thân, các bóng đổ; so sánh mối tương quan giữa các phần sáng và các phần trong bóng tối; so sánh giữa các diện ở xa, ở gần người quan sát rồi tiến hành tô đậm nhạt (cách xác định bóng trên hình vẽ phối cảnh và trên mặt đứng theo các phương pháp được học trong môn hình học họa hình). Để sự diễn đạt các hình vẽ được tốt khi sử dụng biện pháp tô đậm nhạt, ta cần lưu ý một số điểm sau: - Ở các diện hoặc các khối gần người quan sát thì phần được chiếu sáng là sáng nhất, phần nằm trong bóng đổ là đậm nhất. Diện hoặc các khối ở xa người quan sát nhất thì phần được chiếu sáng là mờ nhất và phần nằm trong bóng để độ đậm cũng kém nhất Sự tương phản sáng tối ở diện hoặc các khối gần người quan sát nhất sẽ mạnh nhất, càng ra xa càng ít tương phản. Nguyên nhân của hiện tượng trên gây ra bởi chiều dày của lớp không khí giữa người quan sát với các diện, khối được quan sát. Chiều dày lớp không khí càng tăng thì độ sáng hay độ tối của vật thể càng giảm đi. - Khi thể hiện các mặt đứng hay phối cảnh công trình kiến trúc cần chú ý tới sắc đậm của bầu trời, cây cối và nền đất công trình (ta gọi là sắc độ nền của công trình). Ta thường gặp ba loại: sắc độ nền đậm để nổi bật công trình có sắc độ sáng, sắc độ nền sáng để nổi bật công trình có sắc đậm; sắc độ nền trung bình. Tùy theo thể loại công trình, tùy theo tỉ lệ diện tích giữa nền và hình diễn tả, tùy theo tỉ lệ giữa các phần sáng tối của công trình mà ta chọn các phương pháp xác định độ đậm của nền sao cho phù hợp. 2.2.4. Kỹ thuật tô bóng.
- - Tô đậm đều: + Tô đậm đều một khoảng hay một hình nào đó có nghĩa là trong khoảng hay hình đó độ đậm của mực ở mọi vị trí phải như nhau, không có chỗ đậm hay chỗ nhạt. Tô đậm và đều gây một hiệu quả nhìn là hình đó phẳng. Độ đậm của hình hay khoảng cần tô có thể đạt ngay sau một lần tô (nếu ta lấy mực tô đậm) hoặc sau vài ba lần tô bằng nước mực nhạt. Tô nhiều lần bằng mực nhạt (lần thứ nhất tô xong để khô rồi mới tô lần thứ hai v.v...) hiệu quả nhìn hình sẽ đậm và trong. Tô một lần được ngay hình đậm nhưng không có độ trong. + Phương pháp tô đậm đều: đặt bảng vẽ nghiêng một góc 10o, lấy bút lông nhúng vào nước và tô một lượt vào hình vẽ có tác dụng rửa qua các vết bẩn trên hình và tạo một bề mặt ẩm đồng đều. Đợi hình vẽ bắt đầu khô, nhúng bút vào mực, độ ngậm mực ở đầu bút lông nên vừa phải, không tự nhỏ giọt xuống là được. Đặt bút bắt đầu từ góc trái của hình vẽ, tô từ trái qua phải theo một dải với độ rộng của dải 2 ~ 2,5cm, tô sao cho các dải đó ở phía dưới vẫn còn đọng lại mực. Tiếp tục dùng bút đã ngậm mực tô dải thứ hai, ba v.v... (cho đến hết hình) theo như cách tô dải một như vậy, mực được kéo dài từ dải một đến dải hai, ba v.v... và xuống đến đường biên phía dưới của hình vẽ. Vẩy cho bút ráo mực, dùng đầu bút hút hết mực chảy đọng ở đường biên dưới. Sau đó đặt bảng nằm phẳng ngang cho đến khi khô mới tô tiếp các đợt sau. Khi tô đậm, đều bằng mực cần chú ý các điểm sau đây: - Bút tô không nên xát quá mạnh vào giấy, lượng mực ngậm ở bút vừa phải. - Đưa bút nhịp nhàng đều tay từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Đã tô qua rồi không nên đưa bút tô lại. - Tô theo dải phải chú ý đừng để vừa tô xong cuối dải thì mực ở đầu dải đã khô, vì như vậy dễ tạo thành vết không đều. - Khi tô có thể gặp các sự cố như lông bút rơi ra, bụi rơi vào bản vẽ. Nếu chỗ vừa tô còn ướt thì lấy ngay những vật đó ra, hoặc đợi khô hẳn mới giải quyết sau. - Mực vẽ mặc dù đã lọc, song trong quá trình vẽ trong mực vẫn xuất hiện các cặn lắng ở đáy lọ, bởi vậy không nhúng bút lút quá xuống đáy lọ để lấy mực. Mực vẽ cần chuẩn bị cho nhiều hơn so với yêu cầu một chút để tránh tô chưa xong đã hết mực. - Tô nhiều lần phải đợi lần trước thật khô hẳn mới tô lần sau. Các đường biên của hình tô phải đảm bảo thẳng gọn, các lần tô phải trùng khớp nhau, nếu không trùng khớp thì đường biên sẽ không đều, xuất hiện sự lồi và lõm. Có thể sửa chữa sự lồi lõm đó khi bản vẽ đã hoàn toàn khô hẳn bằng cách tô bằng bút chì đầu nhọn cho đường biên gọn nét, hoặc dùng dao cạo để cạo cho gọn đường biên lại. - Luyện tập tô đậm đều là bài học cơ bản để tô các mảng tường trong các bản vẽ mặt đứng công trình. Khi đó ta thường gặp các mảng tường tùy theo vị trí xa gần trong không gian mà có thể là sáng đều, nhạt đều hoặc có độ đậm đều. - Tô chuyển hóa đậm nhạt:
- + Tô biến đổi từ đậm sang nhạt hay từ nhạt sang đậm thường gặp khi diễn tả các vật thể tròn, cong (như hình cầu, hình trụ), thường gặp trong các bản vẽ phối cảnh công trình. Khi đó các mảng tường, các bề mặt đất hay bầu trời đi vào chiều sâu của phối cảnh. Để diễn tả độ sâu của phối cảnh, các bề mặt cần tô biến hóa từ đậm sang nhạt hay từ nhạt sang đậm. + Phương pháp tô bóng chuyển hoá đậm nhạt: Để thực hiện sự biến đổi từ đậm sang nhạt hay từ nhạt sang đậm, ta có thể tô theo hai phương pháp sau: * Phương pháp tiếp nước: Phương pháp tiếp nước là phương pháp được sử dụng nhiều nhất để tô các bản vẽ kiến trúc. Cách tô thực hiện như sau: - Nếu tô từ đậm đến nhạt, ta bắt đầu từ mực đậm tô chừng một khoảng (theo phương pháp tô đậm đều ở trên) 3 - 4cm, sau đó lấy mực ở lọ nhạt hơn tiếp tục tô, cứ như vậy chuyển dần tới cuối cùng là tiếp bằng nước trắng. - Cần lưu ý khi thay bằng mực nhạt hơn mực trước thì phải để cho hai loại mực hòa vào nhau trên bản vẽ rồi mới kéo mực xuống. Làm như vậy sẽ tạo ra sự chuyển biến từ từ. Sau khi tô một lần bản vẽ, ta để khô lại tiếp tục tô lần thứ hai, thứ ba ... - Các lần tô sau ta rút kinh nghiệm lần tô trước, tự điều chỉnh vị trí tiếp nước (có thể trùng với vị trí tiếp nước lần trước) để hiệu quả nhìn bản vẽ có sự chuyển biến êm diệu. - Nếu tô từ nhạt đến đậm ta cũng tiến hành như trên, nhưng bắt đầu từ mực nhạt trước rồi dần dần chuyển sang đậm dần. * Phương pháp đẳng sáng: Khi diễn tả các vật thể tròn xoay như quả cầu, mặt trụ cong, các nón tròn xoay, các bộ phận phức tạp trong các đầu thức cột cổ điển v.v... để dễ tô chuyển hóa đậm nhạt, người ta có thể sử dụng theo phương pháp chia khoảng. Trong mỗi khoảng được tô đều, nhưng các khoảng khác nhau thì độ đậm của mực khác nhau. Sự chênh lệch độ đậm không đáng kể giữa các khoảng lân cận sẽ gây ra sự biến đổi êm dịu, không kém gì như phương pháp tô tiếp nước. Cách chia khoảng để tô dựa trên quy tắc đẳng sáng (các đường có cùng độ sáng trên bề mặt vật thể). Đường sáng đều của mặt vật thể là đường mọi điểm của nó được chiếu sáng bằng những tia sáng nghiêng những góc như nhau. Người ta thường nghiên cứu sự phân bố các đường sáng đều của mặt cầu và ứng dụng nó để vẽ các tỉ lệ sáng trên các mặt vật thể tròn xoay thường gặp. Người ta quy ước khoảng giữa hai đường sáng đều thì tô cùng một độ đậm. Như vậy, để hình biến hóa được êm dịu thì khoảng giữa hai đường sáng đều càng nhỏ càng tốt. Sau khi vẽ được các đường sáng đều trên hình vẽ, ta theo phương pháp tô từ nhạt đến đậm, nghĩa là tô toàn bộ hình bằng màu nhạt nhất, sau một lần tô đợi cho khô ta tô lần thứ hai vào các khoảng đậm hơn (trừ khoảng nhạt nhất), cứ như vậy trừ dần các khoảng, khoảng đậm nhất là có số lần tô nhiều nhất. Cách tô trừ dần các khoảng nhạt sẽ cho ta hiệu quả biến đổi êm dịu. 2.3. Giới thiệu một số thức cột cổ điển
- - Kiến trúc cổ điển Phương Tây có nguồn gốc từ kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ đại. Những nền kiến trúc cổ đại này tuy có nhiều thể loại công trình khác nhau như đền thờ, lăng mộ, đấu trường… nhưng tất cả đều được xây dựng dựa trên hệ cấu trúc thống nhất với thành phần cơ bản là các thức cột. Kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ đại có ba loại thức cột chính là Doric, Ionic, và Coranhthien với những đặc điểm chính như sau: + Thức Doric: xuất hiện đầu tiên tại thành bang của người Dorian (Hy Lạp), vật liệu sử dụng là đá cẩm thạch vàng, đặc điểm thẩm mỹ: thấp, nặng, vững chắc (lúc ban đầu được đặt trực tiếp lên nền, không có đế cột). Nhà lý luận kiến trúc Vitruvius (thế kỷ I - TCN) cho rằng thức Doric tượng trưng cho cái đẹp nam tính. + Thức Ionic: xuất hiện đầu tiên tại thành bang của người Ionia (Hy Lạp), vật liệu sử dụng là đá cẩm thạch trắng, đặc điểm thẩm mỹ: thanh thoát, mảnh dẻ, giàu trang trí hơn thức Doric, không đặt trực tiếp lên nền nhà mà đặt trên đế cột. Vitruvius cho rằng thức Doric tượng trưng cho cái đẹp nữ tính. + Thức Corinthien: mảnh mai như Ionic nhưng trang trí nhiều hơn, đầu cột được trang trí bời những hình cách điệu từ lá cây Acanthus (phiên thảo). - Các thức cột cổ điển trên đều có tỷ lệ tương quan theo đường kính thân cột và tòan bộ các thành phần khác của công trình cũng có tương quan tỷ lệ với đường kính cột. Những tương quan tỷ lệ này được hình thành dần dần qua một quá trình lâu dài cho đến khi đạt một tỷ lệ vừa mắt và sau đó được đúc kết lại thành những quy định chung. Điều này giải thích vì sao kiến trúc cồ điển luôn có một tỷ lệ vừa mằt và các công trình kiến trúc có thể có tỷ lệ khác nhau một ít do được xây dựng trong nhiều thời kỳ hoặc ở các vùng khác nhau. - Phương pháp vẽ một thức cột cổ điển được minh họa trong các tài liệu tham khảo kèm theo (Bài tập 2: Tô bóng mực nho trích đoạn mặt chính một đền thờ La Mã). CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG BÚT SẮT, BÚT KIM 3.1 Các dụng cụ cần thiết của môn học, phương pháp lựa chọn, sử dụng. - Giấy vẽ: thường dùng giấy dày, hơi cứng có một mặt lán. Khi dùng nét để thể hiện, thường dùng mặt lán. Ngoài ra, có thể sử dụng giấy can để thể hiện bút kim tùy theo yêu cầu cụ thể của từng bài tập. - Bút kim: các loại bút kim có cỡ nét được ghi trên thân bút từ 0.1mm đến 1mm. Các cỡ bút thường dùng được chọn theo các loại nét cơ bản là 0.2mm và 0.5mm. - Mực: các loại mực được pha sẵn và đóng trong lọ. Có hai loại mực cơ bản: mực đen và mực trắng (có thể dùng vẽ trên giấy mày sậm hoặc xóa phần bản vẽ hỏng) 3.1 Lý thuyết mặt bằng, mặt đứng trong thiết kế kiến trúc 3.1.1 Khái niệm về bản vẽ thiết kế kiến trúc.
- Bản vẽ thiết kế kiến trúc là bản vẽ biểu diễn hình dạng, cơ cấu của một khu vực, một quần thể các công trình hoặc của một công trình cụ thể. Bản vẽ thiết kế kiến trúc cho người xem một hình ảnh gần như thật sau này nếu có được xây dựng. Bản vẽ thiết kế kiến trúc là một bản vẽ kỹ thuật, cho nên nó có yêu cầu cao về sự chính xác. Có như vậy mới giúp hình dung được công trình thật sau này. Đồng thời bản vẽ kiến trúc cần phải đẹp. Bản vẽ phải thể hiện được những suy nghĩ, những quan niệm, những đề xuất, tìm tòi của người thiết kế, của ý đồ sáng tác. Phải nhấn mạnh là yêu cầu này rất cao. Để thể hiện được các bản vẽ thiết kế kiến trúc có giá trị cao về nghệ thuật và đúng chuẩn về kỹ thuật, đòi hỏi người học thiết kế phải có quá trình rèn luyện tay nghề công phu. Bản vẽ thiết kế kiến trúc sử dụng phương pháp đồ họa, dùng đường nét miêu tả là chủ yếu. Các hình vẽ trong bản vẽ mang tính ước lệ cao. Bản vẽ thiết kế kiến trúc thường sử dụng hai loại hình biểu diễn chính: hình chiếu thẳng góc và hình chiếu phối cảnh. Hình chiếu phối cảnh thường sử dụng để mô tả hình dáng chung toàn bộ hoặc một phần, một bộ phận, một góc không gian bên trong hoặc ngoài công trình. Hình chiếu phối cảnh thể hiện những hình ảnh có thể thu nhận được bằng mắt thường từ một vị trí quan sát - gọi là điểm nhìn - nào đó. Nếu được vẽ đúng, loại hình này thể hiện rõ và thật nhất không gian được miêu tả. Phương pháp hình chiếu trục đo cũng đôi khi được sử dụng để minh họa các chi tiết. Các hình vẽ theo hai loại hình phối cảnh và hình chiếu trục đo không có tỉ lệ rõ rệt như các hình chiếu thẳng góc. Trong quá trình thiết kế một công trình (sau khi đã có nhiệm vụ thiết kế) thường trải qua 3 giai đoạn thiết kế: thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công, ứng với mỗi giai đoạn thiết kế có một loại hồ sơ riêng với những yêu cầu rất khác nhau, phục vụ mục đích từng giai đoạn thiết kế. - Hồ sơ thiết kế sơ bộ gồm các bản vẽ trình bày được ý định tổ chức không gian của người kiến trúc sư. Giai đoạn thiết kế này là khâu sáng tác chủ yếu của người kiến trúc sư. Các hình chiếu đứng trình bày các mặt đứng của quần thể, của công trình không cần ghi kích thước mà chỉ ghi tỉ lệ của hình vẽ. Chúng được vẽ, tô bóng, tô màu để tả được không gian, tả được vật liệu. Các bản vẽ cũng gồm nhiều hình phối cảnh nhằm diễn tả rõ hơn giúp người xem hình dung rõ hơn khơng gian công trình tạo nên. Trong hồ sơ này còn có cả những hình ảnh, những lời chỉ dẫn trình bày, giới thiệu quá trình suy nghĩ giải quyết trong sáng tạo của người thiết kế. - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật: khi thiết kế sơ phác (sơ bộ) đã được chấp nhận. Công trình được chuyển sang thiết kế kỹ thuật. Thể hiện những giải pháp kỹ thuật của xây dựng để đưa công trình hiện thực. Hầu hết các hình vẽ dùng nét mực đơn thuần với các kích thước, các chỉ dẫn cụ thể. - Bản vẽ thi công: trình bày về các cách thức tổ chức xây dựng công trình trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của địa điểm xây dựng, của vật liệu, khả năng thi công. Bản vẽ này do người, đơn vị nhận xây dựng công trình thực hiện.
- 3.1.2 Nội dung các hình vẽ cơ bản của hồ sơ thiết kế kiến trúc. Các hình vẽ chủ yếu gồm: - Mặt bằng tổng thể. - Các hình chiếu thẳng góc của ngôi nhà: + Các mặt bằng. + Các mặt đứng của ngôi nhà nhìn từ các phía. + Các mặt cắt theo các phương ngang, dọc... - Các phối cảnh. - Các hình vẽ thể hiện các chi tiết kiến trúc, chi tiết cấu tạo... Nội dung chi tiết, yêu cầu và cách thể hiện từng loại hình vẽ như sau: 3.1.2.1 Mặt bằng tổng thể: Mặt bằng tổng thể là hình chiếu bằng của một khu vực xây dựng hoặc một công trình với đầy đủ sân vườn, đường đi trong khu vực. Ở mặt bằng tổng thể cần vẽ hoa gió, nhằm xác định hướng nhà và thời gian, hướng gió chính thổi ở khu vực hàng năm. Nếu không có hoa gió chuẩn thì có thể chỉ thể hiện hướng nhà. 3.1.2.2 Mặt bằng: Mặt bằng là hình cắt bằng của ngôi nhà, thường được vẽ theo tỉ lệ 1/200, 1/100 và 1/50. Mặt bằng thu được bằng lát cắt của một mặt phẳng ngang cắt qua ngôi nhà. Mặt cắt này thường qua các lỗ cửa sổ, cửa đi, cao hơn mặt sàn (hoặc nền) khoảng 1 - 1,5m. Mỗi tầng phải có mặt bằng riêng, nếu chúng khác nhau. Khi giống nhau, chỉ cần vẽ mặt bằng tầng điển hình. Các nét cắt thể hiện đường bao quanh các tường, cột, vách ngăn bị mặt phẳng cắt đi qua nên lấy chiều dày bằng 0,5 ÷ 0,8mm. Các nét thấy thể hiện phần chiếu còn lại sau mặt phẳng cắt nên lấy chiều dày bằng 0,2 ÷ 0,3mm. Các thiết bị và trang trí mặt nền trong nhà nên lấy chiều dày nét nên lấy bằng 0,1 ÷ 0,2mm. Các kích thước bên ngoài của công trình theo chiều ngang và dọc. Các kích thước chiều dài, rộng bên trong các phòng. Chiều dày tường, vách, cột và diện tích phòng. Cao độ của các nền sàn chính, ghi ngay tại chỗ có độ cao ấy để dễ hình dung ra không gian. Các trục tường cột được kéo dài ra ngoài đường ghi kích thước ngoài cùng khoảng 5 ÷ 6mm. Và tiếp vào đó là các vòng tròn có đường kính 6 ÷ 8mm bằng nét cơ bản. Các vòng tròn phải thẳng hàng ghi các con số 1, 2, 3... từ trái qua phải theo hàng ngang vác các chữ cái A, B, C... theo chiều đứng từ dưới lên. Chúng được gọi là trục định vị của công trình
- Trên mặt bằng còn ghi cả các kí hiệu chỉ vị trí các mặt cắt dọc, ngang bằng các nét cắt ngang ở vị trí mặt phẳng cắt. Ở phía đầu nét có mũi tên chỉ hướng nhìn và tên mặt phẳng cắt. 3.1.2.3 Mặt đứng: Các mặt đứng là các hình chiếu đứng của công trình, nhìn từ các hướng khác nhau quanh công trình. Hình vẽ mặt đứng thể hiện sự tổ hợp các bề mặt của công trình. Nó phản ánh được đặc tính kiến trúc của ngôi nhà, thể hiện được vẽ đẹp nghệ thuật của nó về hình dạng, tỉ lệ kích thước của toàn bộ tổng thể và từng chi tiết thành phần. Các công trình cần được nghiên cứu mặt đứng của tất cả các hướng. Trong đồ án sinh viên thông thường chỉ cần vẽ mặt đứng ở các hướng quan trọng (thông thường là hai hướng) tuy nhiên đối với những công trình có yêu cầu về nghệ thuật cao cần vẽ cả bốn mặt của nó. Trong giai đoạn thiết kế sơ bộ (tương đương với đồ án sinh viên kiến trúc), các mặt đứng không cần ghi kích thước, nhưng được diễn tả kĩ từ bóng đổ, bóng bản thân cho tới chất liệu bề mặt nhẵn, nhám, gồ ghề và tới cả vật liệu, màu sắc sử dụng. Với mặt đứng chính, ở hướng có nhiều người qua lại, thưởng thức, cảm thụ nó cần phải được diễn tả rất kĩ và nhiều khi vẽ với tỉ lệ lớn hơn so với mặt đứng ở các hướng khác. Các hình vẽ mặt đứng còn được vẽ thêm cây cỏ, địa hình, nhà cửa xung quanh để diễn đạt được khung cảnh thật của công trình và môi trường quanh nó. Việc vẽ thêm vào người và một số phương tiện xe cộ, vừa làm cho hình vẽ thêm sinh động và có giá trị giúp cho người đọc bản vẽ có cảm giác đúng về độ lớn của công trình. Nhưng việc vẽ thêm phải đạt mục đích tôn trọng công trình, tôn trọng các ý tưởng thiết kế của công trình, không nên vẽ làm biến dạng hay che lấp hình dáng của hình vẽ chính. 3.1.2.4 Mặt cắt: Mặt cắt là các hình cắt của công trình, là hình chiếu thu được khi dùng các mặt phẳng thẳng đứng (thường song song với các mặt phẳng hình chiếu cơ bản) cắt qua. Nó cho biết không gian bên trong nhà, chiều cao ngôi nhà, các tầng, lỗ cửa sổ. Kích thước hình dáng các cấu trúc ngôi nhà từ móng tới mái. Vị trí hình dáng các chi tiết kiến trúc. Vị trí mặt phẳng cắt được chọn sao cho hình cắt nói lên được nhiều điều nhất, những điểm chủ yếu, cốt lõi nhất của công trình. Mặt cắt thường chọn qua cầu thang, các lỗ của, các chi tiết đặc biệt, các phòng có kết cấu, cấu tạo trang trí đáng chú ý nhất. Cần chú ý là không được cắt qua cột đặc. Dọc tường, khoảng hở giữa hai cánh thang. Các trục tường và cột cũng phải kéo dài xuống và sau đường ghi kích thước ngoài cùng và đánh dấu các trục định vị của công trình tương ứng với các ký hiệu được ghi trên mặt bằng. Trên hình cắt buộc phải ghi các cột độ cao chủ yếu nền, sàn, trần, đường giọt nước, đỉnh mái, nền đất...
- Tỉ lệ các hình cắt thường bằng hoặc lớn hơn tỉ lệ các hình mặt đứng, mặt bằng 1/50 - 1/100. Ở tỉ lệ của mặt cắt là 1/50, cần thể hiện các kí hiệu về vật liệu xây dựng như gạch, gỗ, bê tông, bê tông cốt thép... Để biểu diễn các chi tiết, người ta còn dùng tới các tỉ lệ lớn hơn: 1/20, 1/10... 3.1.2.5 Phối cảnh: Ở hồ sơ thiết kế sơ bộ rất cần các hình phối cảnh từ phối cảnh tổng thể, các phối cảnh góc đến các tiểu cảnh, phối cảnh nội thất bên trong công trình. Nó giúp cho người thiết kế nghiên cứu, sửa chữa tỉ lệ trong công trình thiết kế. Nó cũng giúp cho người đọc, cả những người không hiểu về các bản vẽ kiến trúc, dễ hình dung ra công trình thiết kế. Hình chiếu phối cảnh có các loại: - Phối cảnh chim bay: nó được dùng để diễn tả toàn bộ quy hoạch xây dựng lớn, nhỏ. Điểm nhìn của hình trong phối cảnh chim bay là ở trên cao (như từ trên máy bay nhìn xuống). - Phối cảnh với tầm nhìn thực tế: để diễn tả hình khối, không gian của một công trình, hay một góc trong hay ngoài công trình ta thường dùng hình phối cảnh với tầm nhìn thực (độ cao thường là từ 1,1m đến 1,6m - ngang tầm mắt của người ngồi hoặc đứng). Việc chọn điểm nhìn có vai trò quan trọng, tạo khả năng thể hiện không gian tốt, nêu được cái đẹp của công trình. Tuy trường nhìn của mắt rộng, song chỉ trong góc nhìn khoảng 60o hình mới ít biến dạng và rõ nhất. Nếu vẽ thêm ra ngoài khoảng nhìn ấy, hình vẽ sai lạc, biến dạng nhiều, không thật. 3.2 Trình tự vẽ dựng một bản vẽ. 3.2.1 Bố cục bản vẽ. Bố cục là yêu cầu trước nhất phải đạt được để đảm bảo tính khoa học: sự mạch lạc, rõ ràng và tính thẩm mỹ của bản vẽ. Các hình vẽ cần được chuẩn bị, đã được nháp hoặc ít ra là độ lớn, mức độ phưc tạp của hình đã được hình dung cụ thể thì mới bố cục được chúng trên tờ giấy vẽ. Hồ sơ thiết kế kiến trúc, thiết kế sơ phác, cũng có những cách trình bày khác nhau tùy yêu cầu diễn đạt. Ở đây chỉ đề cập tới loại trình bày theo cách diễn giải để người đọc nắm được công trình là chủ yếu, cách trình bày này được dùng cho các hồ sơ thiết kế sơ bộ. Thông thường tâm lí người đọc bản vẽ là xem qua ngay các mặt đứng, phối cảnh vì đây là cái dễ hấp dẫn nhất, là hình ảnh sẽ thấy được sau này của công trình. Sau đó mới xem và nghiên cứu kĩ mặt bằng, mặt cắt nhằm đối chiếu, tìm hiểu lại mặt đứng công trình. Cho nên thứ tự trình bày thường là các mặt đứng quan trọng được trình bày trước, hình phối cảnh được đặt ở chỗ dễ thấy. Tùy theo tính chất, qui mô của công trình thiết kế, tùy theo yêu cầu nghiên cứu và thể hiện đồ án mà sinh viên có thể thể hiện trên một hay vài bản vẽ khổ A1. Thường các đồ án sinh viên phải thể hiện các hình vẽ sau:
- - Mặt bằng tồng thể Tỷ lệ: 1/200 - 1/500. - Mặt bằng các tầng Tỷ lệ: 1/50 - 1/100 - 1/200. - Các mặt đứng Tỷ lệ: 1/100 - 1/200. - Mặt cắt ngang và dọc Tỷ lệ: 1/50 - 1/100. - Chi tiết trang trí và cấu tạo. Tỷ lệ: 1/10 - 1/20. - Phối cảnh minh họa thường từ một đến hai hình. Cách bố cục hình vẽ trên bản vẽ rất phong phú. Các ví dụ về cách bố cục các hình trên bản vẽ có thể được tìm thấy trong phần tài liệu tham khảo. 3.2.2 Dựng hình bằng chì. Khi đã xác định vị trí của các hình vẽ và bản thân các hình này đã được nháp chuẩn rồi thì trình tự dựng hình ở bản vẽ chính có thể được thực hiện theo trình tự sau: thường mặt bằng được vẽ dựng trước, rồi dựng mặt đứng, mặt cắt... Nói chung, thứ tự bao giờ cũng là từ tổng thể rồi dần dần đi vào chi tiết. Ví dụ dựng mặt bằng theo trình tự: - Dựng các đường trục tường, cột. - Dựng chiều dày của tường, cột (lấy sang hai bên của đường trục trên). - Xác định các lỗ cửa. - Dựng nét thấy của các nền, sàn, hành lang, cầu thang, hè rãnh. - Vẽ chi tiết các thiết bị bên trong - bên ngoài. - Ghi kích thước (chỉ cần kẻ các đường dóng đường ghi kích thước, không ghi số), các kí hiệu mặt cắt, cao độ. Ví dụ dựng mặt cắt theo trình tự: - Xác định các trục tường, cột. - Xác định các mức nền, sàn, mái. - Lấy chiều dày của tường, cột, nền, sàn, mái. - Vị trí lỗ cửa. - Các kết cấu dầm, kèo. - Cầu thang. - Ghi kích thước. 3.2.3 Vẽ chính thức bằng mực. Cần dựng chì xong toàn bộ các hình vẽ, kiểm tra tất cả, điều chỉnh để sao cho các hình khớp với nhau. Chỉ khi không còn sai sót gì mới tiến hành vẽ chính thức. Với các bản vẽ kiến trúc, nội dung thể hiện bao gồm các mặt đứng, mặt bằng, các mặt cắt
- ngang, dọc... và các hình phối cảnh chung hoặc từng góc của công trình và các hình phối cảnh nội thất bên trong các phòng. Thể hiện bản vẽ kiến trúc bằng đường nét ngoài yêu cầu đòi hỏi sự rõ ràng, chính xác còn đòi hỏi bản vẽ phải có mức truyền cảm lớn, diễn đạt rõ nhất các đối tượng thiết kế, có nghĩa là bản vẽ phải sạch, gọn, đẹp. Giá trị nghệ thuật của bản vẽ phụ thuộc vào sự bố cục trình bày các hình vẽ, phụ thuộc vào sự biểu hiện các đường nét của hình diễn tả, kể cả các chữ số, các chữ ghi tiêu đề của các hình. Đối với đường nét, để cho hình đẹp khi vẽ cần chú ý các điểm sau: - Trong cùng một hình, các nét có chức năng như nhau phải thống nhất với nhau (các nét thấy hoặc các nét cắt phải đều nhau v.v...). - Các nét cắt, nét thấy, đường dóng, đường ghi kích thước v.v... phải chênh lệch nhau rõ rệt (như tỉ lệ các nét đã giới thiệu). - Xác định độ dày của các nét phải căn cứ theo tỉ lệ của các hình vẽ. Ví dụ: độ dày của nét cắt, nét hiện của hình vẽ có tỉ lệ 1/50 phải lớn hơn độ dày của nét cắt, nét hiện của chính hình vẽ đó, nhưng vẽ theo tỉ lệ 1/100. - Thể hiện các mặt đứng của công trình (trước, sau, phải, trái) theo nguyên tắc là chỉ cần một loại nét hiện. Nhưng để diễn đạt không gian của mặt đứng công trình ta có thể sử dụng các loại nét dày, nét mỏng khác nhau. Các mặt ở gần với người quan sát có thể dùng nét dày hơn các mặt ở xa. Chi tiết nhỏ của bộ phận có thể mảnh hơn đường bao quanh của chính bộ phận đó... - Thể hiện các bản vẽ phối cảnh công trình có thể chỉ dùng một loại nét hoặc hai, ba loại nét theo các mặt không gian xa gần (mặt gần nét đậm, mặt xa nét nhạt). Có thể dùng nét biến đổi từ dày sang mảnh để dễ tả các đường bao của bề mặt đi vào chiều sâu phối cảnh. - Ở các mặt đứng và phối cảnh công trình có vẽ thêm bối cảnh không gian kiến trúc (cây, người, xa cộ...), thì những vật thể đó cần được nghiên cứu cách điệu và bố cục sao cho đẹp mắt, làm nổi kiến trúc, đường nét diễn tả các vật thể này cũng cần được thể hiện sao cho phù hợp với đường nét của công trình. Các phương pháp thể hiện bóng, phối hợp các loại cây, người, ôtô, trời mây với công trình có thể được xem trong phần tài liệu tham khảo. (Bài tập 3: Diễn họa kiến trúc - Vẽ mẫu nhà) Đà Nẵng ngày 02 tháng 04 năm 2007 Khoa XDDD&CN - Bộ môn Kiến trúc
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Công nghệ chế tạo phôi - TS. Nguyễn Tiến Đào
268 p | 874 | 326
-
BÀI TẬP LỚN VỀ ĐỒ GÁ
12 p | 1655 | 219
-
Tuyển tập các bài toán giải sẵn môn sức bền vật liệu
107 p | 349 | 148
-
Cơ học đất - chương 5
35 p | 243 | 131
-
Đề cương môn học hệ thống cung cấp điện
8 p | 347 | 60
-
Chuẩn đầu ra ngành điện CN và dân dụng
3 p | 151 | 25
-
Giáo trình An toàn điện (Nghề Điện công nghiệp - Trình độ Trung cấp) - CĐ GTVT Trung ương I
46 p | 49 | 12
-
Giáo trình Máy công cụ cắt gọt: Phần 1
70 p | 37 | 5
-
Giáo trình An toàn lao động và bảo vệ môi trường (Nghề: Cơ điện nông thôn - CĐ/TC) - Trường Cao đẳng nghề Hà Nam (năm 2017)
58 p | 21 | 5
-
Giáo trình môn học: Khái quát về Kỹ thuật viên đồng - sơn và an toàn lao động - Trường CĐN Đà Lạt
45 p | 45 | 4
-
Giáo trình An toàn điện (Nghề Điện công nghiệp - Trình độ cao đẳng) - CĐ GTVT Trung ương I
46 p | 26 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn