Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm chức năng của giới từ trong tiếng Việt hiện đại
lượt xem 51
download
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm chức năng của giới từ trong tiếng Việt hiện đại tìm ra những đặc điểm chức năng chung cho cả lớp từ để từ đó làm rõ điểm khác biệt của chúng so với các từ loại khác, giúp cho việc nhận diện, nắm bắt cũng như sử dụng chúng đạt được hiệu quả tốt hơn.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm chức năng của giới từ trong tiếng Việt hiện đại
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ------------------------- Lê Duy Trinh ĐẶC ĐIỂM CHỨC NĂNG CỦA GIỚI TỪ TRONG TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : TS DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2006
- Lôøi caûm ôn Ñeå hoaøn thaønh luaän vaên naøy, chuùng toâi ñaõ nhaän ñöôïc söï giuùp ñôõ cuûa quyù Thaày Coâ giaûng daïy lôùp Cao hoïc Lí luaän ngoân ngöõ khoùa 14; quyù Thaày Coâ ôû khoa Ngöõ vaên, Phoøng Khoa hoïc coâng ngheä – Sau ñaïi hoïc Tröôøng Ñaïi hoïc Sö phaïm thaønh phoá Hoà Chí Minh; Ban Giaùm hieäu, quyù Thaày Coâ giaûng daïy taïi Khoa Sö phaïm tröôøng Ñaïi hoïc Tieàn Giang. Ñaëc bieät, chuùng toâi nhaän ñöôïc söï giuùp ñôõ, höôùng daãn taän tình cuûa Coâ Dö Ngoïc Ngaân, tieán só Ngoân ngöõ hoïc, chuû nhieäm boä moân Ngoân ngöõ hoïc khoa Ngöõ vaên Tröôøng Ñaïi hoïc Sö phaïm thaønh phoá Hoà Chí Minh. Chuùng toâi traân troïng nhöõng söï giuùp ñôõ ñoù vaø xin ñöôïc noùi lôøi caûm ôn chaân thaønh. Taùc giaû
- QUY ƯỚC TRÌNH BÀY 1. Tài liệu trích dẫn được đặt trong dấu . Chữ số đầu tiên đặt trước dấu (,) biểu thị số thứ tự của tài liệu theo danh mục tài liệu tham khảo. Chữ số thứ hai đặt sau dấu phẩy biểu thị số thứ tự trang của tài liệu được trích dẫn; ví dụ 7,tr. 24 là tài liệu thứ 7 trong danh mục tài liệu tham khảo, trang 24. Nếu đoạn trích dẫn nằm ở hai ba trang liên tục thì giữa trang đầu và trang cuối có ghi thêm dấu gạch nối (-), ví dụ 27,tr. 240 - 247. Thông tin đầy đủ về tài liệu trích dẫn được ghi trong mục Tài liệu tham khảo đặt cuối luận văn. 2. Ví dụ được in nghiêng và ghi theo thứ tự a, b,c ... của từng phần. 3. Ngoài một vài chữ viết thông dụng như : x (xin xem), vd (ví dụ), luận văn còn sử dụng một số ký hiệu : - Dấu / : hay, hoặc - Dấu + : có - Dấu - : không có - Dấu : có thể phát triển, biến đổi thành 4. Những từ trong ngoặc đơn ( ) là những từ có thể lược bỏ mà không làm cho câu thay đổi về phương diện “có thể” hay “không thể” được người bản ngữ chấp nhận.
- MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Giới từ (preposition) là lớp từ được xác định từ rất sớm trong lịch sử nghiên cứu ngữ pháp nói chung và từ loại nói riêng của thế giới. Các công trình nghiên cứu về ngữ pháp của nhiều nước từ trước đến nay, khi miêu tả từ loại hoặc cấu trúc của các đơn vị ngữ pháp, ít nhiều đều có đề cập đến lớp từ này. Ở Việt Nam, kể từ cuốn “Việt Nam văn phạm” (1940) của Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ cho đến các sách ngữ pháp gần đây, các tác giả, ở những mức độ khác nhau, đều có bàn đến giới từ (có khi được thay bằng thuật ngữ khác như kết từ phụ thuộc, quan hệ từ phụ thuộc, từ nối chính phụ). Trong những công trình nghiên cứu đó, các tác giả xuất phát từ nhiều góc nhìn khác nhau đã khảo sát, miêu tả giới từ tiếng Việt ở những bình diện khác nhau và thực tế đã có những đóng góp đáng kể trong việc chỉ ra những đặc điểm chức năng của lớp từ này. Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, giới từ trong tiếng Việt có một diện mạo phong phú và phức tạp hơn những gì mà các tác giả đi trước đã miêu tả. Nói một cách cụ thể hơn, với tư cách là một yếu tố ngôn ngữ có tần số sử dụng rất cao trong giao tiếp, giới từ đảm nhận khá nhiều chức năng và đóng vai trò quan trọng khi tham gia tạo lập phát ngôn. Một số đặc trưng ngữ pháp và thuộc tính ngữ nghĩa của nó không phải chưa từng được nói đến trong các công trình nghiên cứu trước đây. Có điều, chưa có một công trình nào khảo sát, miêu tả ở mức độ đủ chi tiết để tổng kết các đặc điểm chức năng (ngữ pháp, ngữ nghĩa) của giới từ trong hệ thống từ loại tiếng Việt, nhất là gắn việc xem xét giới từ với bản chất tín hiệu học nhằm phát hiện những hoạt động có tính quy luật của nó khi tham gia hành chức. Hơn nữa, các công trình nghiên cứu đó đa phần chỉ quan tâm đến chức năng ngữ pháp của giới từ do quan niệm giới từ là “hư từ” thuần túy; vì vậy, chức năng ngữ nghĩa của lớp từ này chưa được chú ý. Mặt khác, khả năng phát triển thành ngữ đoạn trong giao tiếp của giới từ là hoàn toàn hiện thực. Nhưng kiểu ngữ đoạn như vậy (giới ngữ) hoặc không được thừa nhận hoặc thừa nhận nhưng chưa được quan tâm và khảo sát đúng mức, trong khi ở một số ngôn ngữ khác loại ngữ đoạn này đã được xác định và miêu tả tương đối đầy đủ.
- Xuất phát từ tình hình trên và từ mong muốn góp phần tường minh hóa các đặc điểm chức năng (ngữ pháp, ngữ nghĩa) của giới từ – giới ngữ trong tiếng Việt, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này. 2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Việc phân định từ loại nói chung, việc xác định từ loại giới từ nói riêng đã có lịch sử khá lâu đời. Trên cơ sở kế thừa và phát triển lí luận về từ loại của các triết gia, học giả Hy Lạp thời cổ đại (Protagoras, Platon, Aristote), học phái Alexandrie đã xác lập hệ thống từ loại tiếng Hy Lạp gồm tám từ loại trong đó có giới từ hay tiền trí từ (các từ loại khác là danh từ, động từ, tính động từ, thành phần, đại danh từ, phó từ và liên từ). Giới từ được học phái này quan niệm là loại từ có thể đứng trước các loại từ khác và cũng có thể dùng trong kết cấu nội bộ của cụm từ và câu. Đến thế kỷ IV sau công nguyên, Donatus và Priscianus, hai nhà ngữ pháp học La tinh chia tiếng La tinh thành tám loại (danh từ, động từ, đại từ, tính động từ, phó từ, liên từ, thán từ và giới từ). Trong đó, giới từ được xác định có đặc điểm là dùng như một từ riêng biệt trước các từ biến cách và kết hợp với cả các từ biến cách và các từ không biến cách. Các nhà ngữ pháp học châu Âu đã dựa vào kết quả này để xây dựng một hệ thống từ loại bao gồm chín loại sau: article (quán từ), substantif (danh từ), adjectif (tính từ) verbe (động từ), adverbe (trạng từ), pronom (đại từ), préposition (giới từ), conjonction (liên từ) và interjection (thán từ). Về sau, bảng từ loại này mang tính chất truyền thống và được dùng để miêu tả hoạt động ngữ pháp của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nhất là ở châu Âu. Ở Việt Nam, tài liệu cũ nhất bằng tiếng Việt có đề cập đến giới từ có lẽ là bài tựa “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông kinh” trong cuốn từ điển thường được gọi là từ điển Việt–Bồ–La của Alexandre de Rhôdes xuất bản năm 1651 tại Rome. Trong phần III của bài tựa này, tác giả đã xem giới từ tiếng Việt là một trong bốn loại thuộc phần không biến hình của lời nói (ba loại kia là phó từ, thán từ, liên từ). Với những tài liệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy: giới từ tiếng Việt đã được các nhà nghiên cứu ở những thời kỳ khác nhau đề cập đến trong các công trình ngữ pháp học của mình. Từ năm 1940, các tác giả (Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ) của cuốn “Việt Nam văn phạm” đã xác định và đặt tên cho giới từ tiếng Việt với định nghĩa như sau:
- “Giới từ là tiếng dùng để liên lạc một tiếng với tiếng túc từ của nó” 23, tr.131. Sau đó, trên thực tế, các tác giả đã dựa vào ngữ nghĩa để phân loại các giới từ. Trong cuốn “Văn phạm Việt Nam” (1952), Bùi Đức Tịnh không nêu rõ định nghĩa về giới từ mà xếp luôn các liên từ phụ thuộc (bởi, vì, cho nên, tuy... nhưng) vào cùng một loại với giới từ và gọi chúng là “giới từ và giới ngữ”. Theo ông, “giới từ và giới ngữ” là những tiếng dùng để chỉ sự tương quan giữa ý nghĩa của hai từ ngữ và hai mệnh đề 43, tr.230. Nguyễn Kim Thản trong công trình “Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt” (1963) tách riêng giới từ thành một từ loại như trong “Việt Nam văn phạm” (1940) và quan niệm: Giới từ là một loại hư từ (trong nhóm quan hệ từ) có tác dụng nối liền từ phụ (hoặc từ tổ phụ) với từ chính (hoặc từ tổ chính), biểu thị quan hệ ngữ pháp giữa hai đơn vị đó. Ví dụ: – Đi với tôi; viết bằng bút chì; ăn cho no – Người mà tôi gặp hôm qua là người miền Nam 39, tr.330. Trong công trình nghiên cứu này, ông mới chỉ đặt vấn đề “nghiên cứu qua về một số giới từ chính trong tiếng Việt” và xét một số giới từ như sau: ở, ở trong (Anh bếp ở trong chạy ra), từ (tự), với, đối với, cùng với, cùng, bởi, vì, để, do, tại, cho, bằng (chiếc nhẫn này bằng vàng), rằng (một lúc, ngài dạy rằng...). Có điểm cần lưu ý là Nguyễn Kim Thản cho các từ “trên”, “dưới”, “trong”, “ngoài”, “trước”, “sau” không thuộc từ loại giới từ mà thuộc phạm trù “thời vị từ”, “đứng trước danh từ, chúng và danh từ là đồng ngữ, có ý nghĩa ngữ pháp về địa điểm, thời gian hay khối lượng,...và làm thành phần của câu (hay của từ tổ)” 39, tr.330-347 Tác giả Nguyễn Tài Cẩn trong cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ)” quan niệm: quan hệ từ (bao gồm giới từ và liên từ) là những từ có khả năng đi kèm với đoản ngữ với tư cách là những cái dấu nối hai chiều, nối đoản ngữ với một đơn vị nào đấy ở trước để tạo thành một đơn vị lớn hơn. Ông viết “những từ này có thể xem như là những dấu hiệu hình thức chứng tỏ rằng đoản ngữ sau chúng đã được đặt vào một thế phân bố nhất định”. 7, tr.326 Giáo trình “Ngữ pháp tiếng Việt” (1983) của trường Đại học Sư phạm Hà Nội không nêu ra định nghĩa quan hệ từ mà chỉ giới thiệu đặc điểm và tác dụng của từ loại này. Theo đó, quan hệ từ “ là loại đơn vị được gọi là giới từ, liên từ hoặc từ định hình cú pháp hoặc từ
- nối dùng để nối các thành phần trong nhóm và trong câu hay các thành tố trong cụm từ ”8, tr.162. Các tác giả cũng cho rằng: khác với các lớp từ cơ bản và các phụ từ, lớp từ này không có ý nghĩa phạm trù, chức năng, không có khả năng kết hợp với những lớp từ khác; nó là một thứ công cụ ngữ pháp, được dùng để góp phần “hiện thực hóa” các quan hệ cú pháp trong cụm từ, trong câu... để xây dựng nên các kết cấu cú pháp. Trong công trình nghiên cứu tập thể “Ngữ pháp tiếng Việt” (UBKHXH, 1983), các tác giả đã xác định một từ loại gọi là kết từ với cách phân loại hết sức cô đọng như sau: a. Kết từ chính phụ tức là kết từ biểu thị quan hệ chính phụ. Đó là những từ như: do, của, để, bởi, bởi vì, tại, tại vì, mà, đối với, từ ... b. Kết từ liên hợp tức là kết từ biểu thị quan hệ liên hợp. Đó là những từ như: và, với, hay, hoặc, cùng, nhưng, song... và những từ có thể dùng thành cặp như: nếu... thế, tuy... nhưng, vì... cho nên, không những... mà còn, càng... càng... 46, tr.91 Như vậy, tuyệt đại đa số các từ được các tài liệu ngữ pháp trước đó cho là giới từ được các tác giả công trình nghiên cứu nói trên xếp vào loại kết từ chính phụ. Cũng dùng thuật ngữ kết từ, Diệp Quang Ban trong tài liệu “Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông” (1989) cho rằng “Kết từ (còn gọi là quan hệ từ) là những hư từ dùng để liên kết các từ với nhau hoặc các vế trong câu”. Sau đó, mặc dù viết: “Trong nhiều ngôn ngữ, kết từ được phân biệt rõ thành giới từ và liên từ. Cách phân biệt này không thuận lợi đối với tiếng Việt” nhưng tác giả vẫn thừa nhận “ở những chỗ cần thiết người ta vẫn phải nhắc đến tên gọi giới từ và liên từ”. Tiếp đến, trên thực tế, khi tiến hành phân loại, tác giả đã chia kết từ thành hai tiểu loại như sau: “10.1. Giới từ: dùng để nối định ngữ với danh từ – thành tố chính hoặc bổ ngữ gián tiếp với động từ – thành tố chính .. : của, bằng, do, vì, tại, bởi, để, từ, đến... “10.2. Liên từ: và, với, cùng, cùng với, cũng, như, còn, mà, hay, hay là, hoặc, hoặc là,...” 2, tr.143-149. Năm 1986, trong cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt (Từ loại)”, Đinh Văn Đức cũng có quan niệm tương tự như Diệp Quang Ban khi viết rằng “so với các ngôn ngữ châu Âu việc tìm ranh giới triệt để giữa liên từ và giới từ trong tiếng Việt là khó, do tính chất đa chức năng của
- các yếu tố”. Từ đó, tác giả kết luận: “tất cả các hư từ cú pháp có thể tập hợp trong một phạm trù chung là quan hệ từ”16, tr.186. Khi tiến hành phân loại quan hệ từ, tác giả chia ra các tiểu loại như sau: a. Các liên từ thuần túy. b. Các giới từ thuần túy. c. Các liên từ – giới từ. Hoàng Văn Thung trong giáo trình “Ngữ pháp tiếng Việt” – tập I (1991) không nói đến thuật ngữ giới từ, liên từ mà dùng thuật ngữ kết từ chính phụ, kết từ đẳng lập. Đây là 2 tiểu loại của từ loại kết từ. Loại từ này có đặc trưng như sau: Về ý nghĩa khái quát, kết từ biểu thị ý nghĩa về quan hệ giữa các khái niệm và đối tượng được phản ánh. Kết từ là dấu hiệu biểu thị các quan hệ cú pháp giữa các thực từ (và hư từ) một cách tường minh. Về khả năng kết hợp và chức năng cú pháp, kết từ được dùng nối kết các từ, các kết hợp từ, các câu và đoạn văn có quan hệ cú pháp. Trong công trình nghiên cứu “Cú pháp tiếng Việt” (1992), Hồ Lê sử dụng bộ thuật ngữ rất khác với các tác giả đi trước. Ông cho rằng kết từ trong tiếng Việt gồm ba tiểu loại. Mỗi tiểu loại có chức năng cụ thể như sau: a. Kết từ nối tiếp: dùng để nối những bộ phận ghép, gồm có: và, với, cùng, nhưng , song ... b. Kết từ chính phụ: dùng để nối bộ phận chính với bộ phận phụ trong các từ tổ danh từ, động từ, tính từ, gồm những từ như: của, về, với, cho, ở, tại, vào, bằng, để, đặng, vì ... c. Kết từ đề – thuyết : dùng để nối phần đề với phần thuyết, gồm những từ như: thì, là, mà, nếu ... thì ... , hễ ...thì ... , tuy ... nhưng ... 26, tr.372-403. Theo đó, kết từ chính phụ chính là giới từ trong quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu khác. Trong giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” (1997), các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến cũng sử dụng thuật ngữ kết từ và giải thích ngắn gọn “kết từ là những từ dùng để chỉ quan hệ bình đẳng, quan hệ chính phụ và làm nhiệm vụ liên kết hai từ hay hai bộ phận từ ngữ với nhau” 13, tr.273.
- Tương tự như vậy, cuốn “Cơ sở tiếng Việt” (2000) của Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Đào Thanh Lan cho biết “kết từ dùng để nối kết các từ thực hoặc các vế câu”. Và nói thêm “ngoài việc nối kết, chúng còn diễn đạt mối quan hệ giữa các thực từ, các vế câu”. Trên cơ sở chia kết từ thành hai tiểu loại là liên từ và giới từ, các tác giả quan niệm “giới từ : diễn đạt quan hệ chính phụ thường dùng để nối định ngữ với danh từ hoặc bổ ngữ gián tiếp với động từ” 15, tr.160 (trong khi liên từ: diễn đạt quan hệ bình đẳng về ngữ pháp hoặc quan hệ liên hợp qua lại về ngữ pháp và ý nghĩa khi nối các vế câu). “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học” (1997) đã giải thích giới từ là “từ loại có ý nghĩa phạm trù, đặc trưng là biểu thị quan hệ của đối tượng với đối tượng, hiện tượng, cảnh huống. Ý nghĩa này được biểu hiện không phải bằng ý nghĩa từ vựng chân thực của từ mà bằng những đặc điểm hoạt động của chúng với tư cách là các từ hư chỉ quan hệ. Ví dụ: Sách của tôi; làm việc ở nhà máy” 49, tr.105. Trong giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” (1997) do Bùi Tất Tươm chủ biên, các tác giả xem “quan hệ từ là những hư từ dùng để nối từ với từ, hoặc nối đoạn câu, câu với nhau. Quan hệ từ cũng được dùng để nối những cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu” 44, tr.180. Xét theo quan hệ ngữ pháp do quan hệ từ diễn đạt, các tác giả phân quan hệ từ ra làm hai loại: Quan hệ từ bình đẳng và quan hệ từ phụ thuộc; đồng thời nói rõ : các quan hệ từ bình đẳng có tên gọi truyền thống là liên từ; các quan hệ từ phụ thuộc có tên gọi truyền thống là giới từ. Cũng tập thể tác giả này, đến cuốn “Ngữ pháp chức năng tiếng Việt , quyển 2 –Ngữ đoạn và Từ loại” (2005), dưới sự chủ biên của Cao Xuân Hạo, đã tách giới từ và liên từ ra thành hai từ loại riêng biệt. Ở đây, giới từ được coi là “những từ được dùng để đánh dấu quan hệ chính phụ, tức là cho biết ngữ đoạn đi sau nó là phụ (phụ của câu thì gọi là trạng ngữ, phụ của ngữ danh từ thì gọi là định ngữ, phụ của ngữ vị từ thì gọi là bổ ngữ)” 21, tr.113. Trước đó, trong cuốn “Từ loại tiếng Việt hiện đại” (1999), Lê Biên đã có suy nghĩ tương tự như Đinh Văn Đức (1986) khi cho rằng “việc tách ra thành giới từ và liên từ thiếu những căn cứ khách quan, vả lại cũng không có tác dụng lớn lao gì cả về lý thuyết và thực tiễn, cho nên để chung một loại từ”. Tác giả gọi đó là quan hệ từ; đồng thời xác định quan hệ
- từ là những hư từ cú pháp, không có nghĩa sở chỉ, sở biểu, là “những từ có chức năng diễn đạt các mối quan hệ giữa các khái niệm trong tư duy” 6,tr.161. Tác giả Hữu Quỳnh, trong cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt” (2001), xác định “quan hệ từ là những từ chỉ các quan hệ ngữ pháp dùng để nối các thành phần trong câu hay các thành tố trong cụm từ” 36, tr.161.Kết thúc chương quan hệ từ, tác giả chú thích: Ngữ pháp tiếng Việt trước kia chia quan hệ từ thành giới từ (nối các thành tố trong cụm từ) và liên từ (nối các thành tố trong thành phần câu). Trái lại, Nguyễn Văn Thành với công trình nghiên cứu “Tiếng Việt hiện đại (Từ pháp học)” (2003) tách giới từ và liên từ ra thành hai từ loại độc lập. Đồng thời, tác giả đưa ra định nghĩa về giới từ như sau: “Giới từ là những từ trợ nghĩa ngữ pháp, luôn đi trước danh từ, đại từ, số từ, để giới hạn hành động hay sự kiện về địa điểm cụ thể, thời gian cụ thể hoặc biểu thị nguyên nhân, mục đích, đối tượng, phương tiện và cách thức cụ thể diễn ra hành động trong câu”41, tr.476. Qua việc điểm lại các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt tiêu biểu có đề cập đến giới từ ở các thời kỳ, chúng tôi sơ bộ nhận thấy: a. Có tác giả xem giới từ nói riêng và quan hệ từ (kết từ, từ nối) nói chung là một loại “hư từ” thuần túy, là từ công cụ, không có ý nghĩa phạm trù, chức năng và không có khả năng kết hợp với những lớp từ khác. Vai trò của giới từ trong cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt được xác định bằng các chức năng liên kết, “xúc tác”, “môi giới, trung gian” nên nó không có liên quan gì đến cấu tạo và chức năng của các kết cấu cú pháp. Có tác giả thừa nhận tư cách là phương tiện tổ hợp cú pháp của giới từ và xác định nó có khả năng đảm nhiệm “vai trò chỉ tố đánh dấu ý nghĩa ngữ pháp” cho các thành tố quan hệ. Khi đảm nhận vai trò này, giới từ (và liên từ) không phải là một yếu tố trung gian mà gắn với thành phần được đánh dấu và có tư cách một thành phần trong quan hệ với một thành phần khác. b. Trong khi khảo sát và miêu tả đặc điểm chức năng của giới từ tiếng Việt, hầu hết các công trình đều nghiêng về phương diện ngữ pháp; mà ngay ở phương diện này, các tác giả có khi lại có quan niệm rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Trong khi đó, phương diện ngữ nghĩa của giới từ tiếng Việt hầu như chưa được khảo sát và miêu tả có hệ thống mà thường dừng ở chỗ giải nghĩa và nêu cách sử dụng của từng giới từ riêng lẻ.
- c. Khi tiến hành phân định từ loại, giới từ có khi được xem là một loại từ có cương vị ngang hàng với các từ loại khác trong hệ thống từ loại tiếng Việt; có khi chỉ được coi là một tiểu loại cùng với liên từ hợp thành một loại từ được gọi là quan hệ từ hoặc kết từ, từ nối. d. Việc vạch ra biên giới của giới từ và liên từ gặp nhiều khó khăn cho nên có tác giả phải đi đến giải pháp trung gian khi cho rằng bên cạnh giới từ và liên từ còn có một tiểu loại nữa là giới từ – liên từ; hoặc gộp giới từ và liên từ thành một từ loại như đã nói ở mục (c). Những nhận xét bước đầu như trên càng chứng tỏ giới từ tiếng Việt là một lớp từ có “diện mạo” rất đa dạng và phức tạp trong hệ thống từ loại tiếng Việt. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 3.1. Theo quan sát của chúng tôi, giới từ tiếng Việt: về ngữ pháp, là phương tiện đánh dấu mối quan hệ chính phụ giữa các thành tố trong một ngữ đoạn cho biết thành tố đi sau nó là phụ; về ngữ nghĩa, là chỉ tố đánh dấu vai nghĩa của các thành phần chức năng có quan hệ trực tiếp với nó trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu. Từ đó, chúng tôi xác định lớp từ có những đặc điểm từ loại nêu trên chính là đối tượng nghiên cứu của đề tài. 3.2. Trên cơ sở xác định đối tượng nghiên cứu như vậy, trong khuôn khổ một luận văn cao học, đề tài này tập trung khảo sát và miêu tả đặc điểm ngữ pháp và ngữ nghĩa của giới từ trong tiếng Việt hiện đại. 4. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Giới từ thuộc vào số đối tượng chưa được giới Việt ngữ học nghiên cứu thật đầy đủ. Ngay cả các công trình nghiên cứu trước đây phần lớn thường mới chỉ dừng lại ở việc xem xét chức năng và miêu tả cách sử dụng của từng giới từ riêng lẻ. Việc nghiên cứu này là cần thiết. Song, theo chúng tôi, cần phải nhìn nhận lớp từ này một cách toàn diện hơn, cần tìm ra những đặc điểm chức năng chung cho cả lớp từ để từ đó làm rõ điểm khác biệt của chúng so với các từ loại khác, giúp cho việc nhận diện, nắm bắt cũng như sử dụng chúng đạt được hiệu quả tốt hơn. Đây chính là mục đích nghiên cứu của đề tài này. 5. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Để đạt được mục đích là tìm ra những đặc điểm chức năng có tính chất khái quát của giới từ tiếng Việt, đề tài tập trung giải quyết những nhiệm vụ chính sau đây:
- Thứ nhất: Xác định cương vị của giới từ trong hệ thống từ loại tiếng Việt. Thứ hai: Tìm ra những tiêu chí nhận diện giới từ tiếng Việt; trên cơ sở đó, lập danh sách và đề xuất cách phân loại giới từ tiếng Việt. Thứ ba: Phân tích những đặc điểm chức năng của giới từ tiếng Việt trên cơ sở thừa nhận sự hiện diện của giới ngữ trong cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt. Cụ thể là khảo sát và miêu tả vai trò xác lập quan hệ ngữ nghĩa – ngữ pháp, khả năng tham gia cấu tạo nghĩa cho ngữ đoạn và chức năng đánh dấu vai nghĩa của giới từ tiếng Việt (Đây là nhiệm vụ trọng tâm). Như vậy, việc nghiên cứu giới từ tiếng Việt theo nhiệm vụ đặt ra sẽ có những đóng góp nhất định cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. 6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Về phương pháp luận, chúng tôi tuân thủ quan niệm: coi ngôn ngữ là công cụ giao tiếp đồng thời là công cụ tư duy; ngôn ngữ là một hệ thống, các yếu tố tạo nên nó có quan hệ khắng khít với nhau, hai mặt của ngôn ngữ – ý nghĩa và hình thức – gắn bó với nhau. Coi trọng đặc điểm riêng của tiếng Việt và xuất phát từ thực tiễn của tiếng Việt, đồng thời coi trọng tính hệ thống của ngữ pháp tiếng Việt nhằm tránh suy luận không có căn cứ hoặc dựa vào sự kiện rời rạc. Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề ra, ngoài những phương pháp nghiên cứu khoa học chung, đề tài này sử dụng chủ yếu phương pháp phân tích ngôn ngữ để làm rõ những đặc trưng ngữ nghĩa – ngữ pháp của giới từ tiếng Việt. Từ kết quả của việc phân tích đó, chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu ngôn ngữ để thấy được đặc điểm chức năng của giới từ so với các từ loại khác trong tiếng Việt. Đồng thời, chúng tôi còn sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu, phương pháp thống kê để phục vụ cho việc phân tích và lập danh sách giới từ tiếng Việt. 7. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN Chúng tôi nghĩ rằng: ngoài những đặc điểm ngữ pháp đã được các công trình nghiên cứu trước đây miêu tả, giới từ tiếng Việt còn có những đặc trưng riêng về ngữ nghĩa. Cho
- nên, nếu chỉ dừng lại ở những nhận xét từ bình diện ngữ pháp thì rất dễ đi vào mô tả các đặc điểm phân bố và khó vượt ra khỏi việc chỉ tìm vai trò của lớp từ này đối với sự hình thành các kết cấu ngữ pháp. Vì thế, để làm rõ bản chất từ loại của giới từ, đề tài này, bên cạnh việc hệ thống hóa các đặc điểm ngữ pháp của giới từ tiếng Việt, còn đặc biệt chú ý đến việc miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa chức năng của nó. Đây chính là phần đóng góp khiêm tốn của người thực hiện luận văn. 8. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Luận văn có 157 trang (Chính văn: 125 trang, Tài liệu tham khảo: 6 trang, Phụ lục: 26 trang). Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, phần Nội dung của luận văn gồm 2 chương. Chương 1: Một số vấn đề chung về giới từ tiếng Việt Ở chương này, chúng tôi trình bày khái niệm giới từ trong Việt ngữ học; đặc điểm từ loại và tiêu chí nhận diện giới từ tiếng Việt; phân biệt giới từ với từ chỉ hướng, danh từ vị trí. Từ đó, laäp danh saùch vaø đề xuất cách phân loại giới từ tiếng Việt. Nội dung chương này là cơ sở để giải quyết những vấn đề được đặt ra ở chương 2. Chương 2 : Đặc điểm chức năng của giới từ tiếng Việt Trong chương này, trên cơ sở phân tích chức năng, cách sử dụng của một số giới từ tiêu biểu trong tiếng Việt hiện đại, chúng tôi miêu tả đặc điểm chức năng của giới từ tiếng Việt bằng việc chỉ ra những khả năng mà nó có thể thực hiện ở hai bình diện : ngữ pháp và ngữ nghĩa. Nội dung chương này là trọng tâm của luận văn.
- Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIỚI TỪ TIẾNG VIỆT 1.1. Khái niệm giới từ Thuật ngữ giới từ đã được một số tác giả sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt như đã nêu. Điều đáng chú ý là thuật ngữ này được dùng theo những nghĩa khác nhau. Để tránh nhầm lẫn nội dung khái niệm và để xác định phạm vi khái niệm trong khi sử dụng, dưới đây chúng tôi tạm thời phân ra các “nghĩa” của thuật ngữ này ở hai bình diện: ngữ pháp và ngữ nghĩa. 1.1.1. Bình diện ngữ pháp 1.1.1.1.. Nghĩa thứ nhất: Giới từ là tiếng “dùng để liên lạc một tiếng với tiếng túc từ của nó”, “làm nhiệm vụ liên kết hai từ hay hai bộ phận từ ngữ với nhau”, “có tác dụng nối liền từ phụ (hoặc từ tổ phụ) với từ chính (hoặc từ tổ chính)”, giới từ “có khả năng đi kèm với đoản ngữ... , nối đoản ngữ với một đơn vị nào đấy ở trước để tạo thành một đơn vị lớn hơn”, “cho biết ngữ đoạn đi sau nó là phụ”. Tiêu biểu cho cách hiểu này là các tác giả Trần Trọng Kim – Bùi Kỷ – Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Tài Cẩn. Theo nghĩa này, giới từ dùng để nối các thành tố trong một cụm từ (ngữ, từ tổ, ngữ đoạn) và đối lập với liên từ về mặt quan hệ ngữ pháp trong nội bộ một cụm từ (giới từ biểu thị quan hệ chính phụ, liên từ biểu thị quan hệ đẳng lập).
- 1.1.1.2.. Nghĩa thứ hai : Giới từ là những từ có nhiệm vụ “liên kết các từ với nhau hoặc các vế trong câu”, “diễn đạt mối quan hệ giữa các thực từ, các vế câu, dùng để nối các từ, các kết hợp từ, các câu và đoạn văn có quan hệ với nhau”; tức là “cũng được dùng để nối những cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu”. Tiêu biểu cho quan niệm này là Diệp Quang Ban, Bùi Tất Tươm – Hoàng Xuân Tâm – Nguyễn Văn Bằng, Hoàng Văn Thung. Theo nghĩa này, giới từ có thể dùng để nối các thành tố trong một cụm từ, các vế trong một câu, các câu trong một đoạn. Như vậy, ở trường hợp này giới từ không được phân biệt với liên từ về mặt chức năng và quan hệ ngữ pháp bởi vì giới từ cùng với lớp từ thường được ngữ pháp truyền thống gọi là “liên từ phụ thuộc” nhập thành một loại, được gọi chung là quan hệ từ chính phụ, kết từ chính phụ, từ nối chính phụ. 1.1.2. Bình diện ngữ nghĩa 1.1.2.1. Nghĩa thứ nhất : Giới từ là một loại hư từ cú pháp, “không có nghĩa sở chỉ, sở biểu” mà chỉ là những từ chức năng dùng để “diễn đạt các mối quan hệ giữa các khái niệm trong tư duy”, “chỉ sự tương quan giữa ý nghĩa của hai từ ngữ và hai mệnh đề”. Đây là quan niệm của Bùi Đức Tịnh, Đinh Văn Đức và Lê Biên. Theo nghĩa này, giới từ không có ý nghĩa từ vựng. 1.1.2.2. Nghĩa thứ hai : Giới từ là “những từ trợ nghĩa ngữ pháp... để giới hạn hành động hay sự kiện về địa điểm cụ thể, thời gian cụ thể hoặc biểu thị nguyên nhân, mục đích, đối tượng, phương tiện và cách thức cụ thể diễn ra hành động trong câu”. Đây là quan niệm của Nguyễn Văn Thành. Tác giả đã dẫn ý kiến của nhà ngôn ngữ học người Nga A.A Reformatskij để thừa nhận rằng : các từ trợ nghĩa (trong đó có giới từ) là những từ mà “ý nghĩa từ vựng của chúng trùng với ý nghĩa ngữ pháp của chúng ... chức năng ngữ pháp trong các từ trợ nghĩa ngữ pháp đã hàm chứa bản chất từ vựng của chúng” 41, tr.93. Cần nói thêm là, Nguyễn Văn Thành không chấp nhận các khái niệm thực từ, hư từ mà quan niệm hệ thống từ loại tiếng Việt bao gồm hai mảng lớn là các từ đủ nghĩa và các từ trợ nghĩa.
- Rõ ràng, quan niệm về nghĩa của thuật ngữ giới từ rất khác nhau. Có thể tạm thời rút ra một số nhận xét như sau: a. Về mặt ngữ pháp: Các tác giả một cách không tường minh đã cho rằng giới từ không có khả năng đảm nhận bất kỳ chức vụ cú pháp gì ở trong câu, không độc lập hành chức mà chỉ có vai trò “nối”, “liên kết” các kiểu cấu trúc ngữ pháp. Giới từ dùng để biểu thị quan hệ chính phụ giữa các thành tố hoặc ở bậc cụm từ hoặc ở cả bậc câu. Sự khác nhau của từng quan niệm là do các tác giả mở rộng hay thu hẹp chức năng biểu thị quan hệ chính phụ của giới từ. Điều này tất yếu đưa đến hệ quả: có tác giả xem giới từ là một loại từ loại độc lập, đối lập với liên từ về mặt quan hệ ngữ pháp: giới từ biểu thị quan hệ chính phụ, còn liên từ biểu thị quan hệ đẳng lập bất kể kết cấu ngữ pháp mà chúng tham gia là ngữ đoạn (cụm từ) hay câu. Có tác giả chỉ coi giới từ là một tiểu loại của quan hệ từ, khác biệt với liên từ về mặt chức năng (giới từ chỉ dùng để nối các thành tố trong một ngữ đoạn còn liên từ có thể dùng để nối các thành tố trong một ngữ đoạn, các vế trong câu, các câu) và một phần nào đó “đồng chất” với liên từ về mặt quan hệ ngữ pháp (trong tương quan với liên từ phụ thuộc – là liên từ nhưng biểu thị quan hệ chính phụ). b. Về mặt ngữ nghĩa: Các nghĩa nêu trên hoàn toàn đối lập nhau: nghĩa thứ nhất khẳng định giới từ không có ý nghĩa từ vựng. Nghĩa thứ hai thừa nhận sự tồn tại (một cách ngầm ẩn) ý nghĩa từ vựng của giới từ, cho ý nghĩa từ vựng của giới từ trùng với ý nghĩa ngữ pháp của nó. Trong đề tài này, thuật ngữ giới từ được hiểu theo nghĩa như sau: Giới từ là những từ không có ý nghĩa từ vựng, dùng để biểu thị quan hệ chính phụ trong một ngữ đoạn (từ tổ, cụm từ) và / hoặc dẫn nhập thành phần phụ (trạng ngữ) trong cấu trúc cú pháp của câu. Thuật ngữ giới từ (preposition) được dùng theo quan niệm là từ thường đứng trước danh ngữ, động ngữ, đại từ để báo trước một bổ ngữ. Cách hiểu này là theo đặc điểm của các ngôn ngữ dùng trật tự S-V-O như tiếng Việt. Trong khi đó, ở một số ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Thổ, vị trí của lớp từ này có chức năng tương tự nhưng thường đứng sau danh từ nên được gọi là hậu trí từ (postposition). 1.2. Cương vị của giới từ trong hệ thống từ loại tiếng Việt
- 1.2.1. Nhìn chung, trong các sách viết về ngữ pháp tiếng Việt từ trước đến nay đều có một phần dành riêng cho vấn đề từ loại tiếng Việt. Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm [23] phân định vốn từ tiếng Việt thành 13 loại: danh từ, mạo từ, loại từ, chỉ định từ, đại danh từ, tính từ, động từ, trạng từ, giới từ, liên từ, tán thán từ, trợ ngữ từ, từ đệm. Bùi Đức Tịnh 43 phân các “tự ngữ” thành 8 từ loại: danh từ, đại từ, trạng từ, động từ, phó từ, liên từ, giới từ và giới ngữ, hiệu từ. Ở giai đoạn này, tuy các tác giả không đưa ra những cơ sở để phân định từ loại nhưng có thể thấy bình diện ngữ nghĩa của từ đã được sử dụng ở một mức độ nhất định để làm cơ sở phân chia từ loại. Trong quan niệm của các tác giả này, giới từ được tách thành một từ loại riêng, phân biệt với các từ loại khác. Ở các công trình về sau, vấn đề phân định từ loại đã được xem xét một cách kỹ lưỡng và khoa học hơn. Các tác giả đã căn cứ cả vào mặt ý nghĩa lẫn mặt ngữ pháp của từ để phân chia từ loại tiếng Việt. Nhìn chung, đa số các tác giả trước hết đều phân vốn từ tiếng Việt thành hai loại lớn: thực từ và hư từ. Theo cách hiểu phổ biến, thực từ là những từ có nghĩa thực (hoặc nghĩa từ vựng) về sự vật, hiện tượng; là loại nghĩa mà nhờ nó, có thể làm được sự liên hệ giữa từ với sự vật, hiện tượng nhất định; còn hư từ là những từ có nghĩa hư, loại nghĩa mà không thể nhờ nó làm sự liên hệ với sự vật, hiện tượng; cho nên khi nói đến nghĩa hư là nói đến vai trò ngữ pháp của hư từ. Cần nói thêm rằng, bên cạnh việc phân chia như vậy, một số tác giả còn phân từ vốn từ tiếng Việt ra một lớp từ khác độc lập so với thực từ và hư từ. Đó là lớp từ biểu thị mối quan hệ của người nói với nội dung phát ngôn và quan hệ của phát ngôn với thực tại. Lớp từ đó Nguyễn Kim Thản gọi là ngữ thái từ, Đinh Văn Đức gọi là tình thái từ. Vậy, giới từ – đối tượng khảo sát của đề tài này – nằm ở vị trí nào trong các cách phân loại nói trên ? 1.2.2. Trước hết, nói về cơ sở phân định từ loại: Theo suy nghĩ của chúng tôi, trong số các quan niệm về từ loại như đã nêu ở trên, Đinh Văn Đức là người đã đề ra những tiêu chuẩn để phân định từ loại rõ ràng hơn cả. Theo tác giả này, vốn từ tiếng Việt được phân chia thành các từ loại là căn cứ vào một tập hợp các tiêu chuẩn sau : a. Tiêu chuẩn ý nghĩa: Trong cách xem xét bản chất ý nghĩa của từ loại, Đinh Văn Đức cho rằng ý nghĩa từ loại là ý nghĩa khái quát, trong đó có sự thống nhất giữa các yếu tố từ vựng và yếu tố ngữ
- pháp, nói một cách khác, đó là ý nghĩa từ vựng – ngữ pháp. Tác giả nói rõ thêm : “Yếu tố từ vựng, có mặt trong ý nghĩa từ loại là do chức năng phản ánh thực tại của các khái niệm. Ý nghĩa sự vật của danh từ, ý nghĩa vận động của động từ, ý nghĩa tính chất của tính từ ... là những ý nghĩa phạm trù vì có tính chất khái quát hóa cao, nhưng đó lại là kết quả của một quá trình trừu tượng hóa hàng loạt cái cụ thể (...), ý nghĩa khái quát trở thành nòng cốt của ý nghĩa từ loại” 15, tr.34. b. Tiêu chuẩn khả năng kết hợp: Xét đến mối quan hệ của từ với từ trong ngữ lưu, Đinh Văn Đức cho rằng : đối với tiếng Việt, bản chất của khả năng kết hợp từ là sự phân bố các vị trí trong bối cảnh. Trong khi áp dụng tiêu chuẩn này, Đinh Văn Đức đã sử dụng khái niệm đoản ngữ do Nguyễn Tài Cẩn đề xuất để mô tả, nhận xét. c. Tiêu chuẩn chức vụ cú pháp: Xét đến chức năng của từ trong câu, theo Đinh Văn Đức, đây là một tiêu chuẩn đã được nhiều tác giả sử dụng đồng thời với khả năng kết hợp của từ để tạo thành một cơ sở chung cho sự phân định từ loại dưới tên gọi “đặc trưng phân bố”. Căn cứ vào một tập hợp tiêu chuẩn nói trên, Đinh Văn Đức đã vạch ra các đối lập trong nội bộ kho từ vựng tiếng Việt, hình thành nên các tập hợp lớn, các tập hợp nhỏ (các từ loại) và các tập hợp nhỏ hơn (các tiểu loại trong nội bộ một từ loại). Theo đó, vốn từ tiếng Việt được phân thành ba tập hợp lớn: – Thực từ – Hư từ – Tình thái từ. Thực từ gồm các từ loại: danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ. Hư từ gồm các từ loại: từ phụ, từ nối. Tình thái từ gồm các từ loại: tiểu từ, trợ từ 16, tr.42 - 44. Đến phần phân chia các từ loại trong tập hợp hư từ, Đinh Văn Đức xác định hư từ tiếng Việt bao gồm hai tập hợp: Thứ nhất là các hư từ làm từ phụ diễn đạt các ý nghĩa ngữ pháp của thực từ, một số đạt tới khả năng làm công cụ ngữ pháp gần giống các hư từ của dạng thức phân tích tính trong ngôn ngữ Ấn – Âu hoặc các phụ tố. Thứ hai là các hư từ với chức năng liên kết có thể tạm gọi là hư từ cú pháp (quan hệ từ) truyền thống vẫn gọi là liên
- từ và giới từ. Ở phần trình bày cụ thể về quan hệ từ, Đinh Văn Đức cho rằng: so với các ngôn ngữ châu Âu, việc tìm một ranh giới triệt để giữa liên từ và giới từ trong tiếng Việt là khó, do tính chất đa chức năng của các yếu tố. Các chỉ tố quan hệ mang tính chất nửa liên từ nửa giới từ khó đạt được một giải pháp thỏa đáng theo hướng liên từ hoặc giới từ. Do vậy, tác giả đã xếp tất cả các hư từ cú pháp vào trong một phạm trù chung là quan hệ từ. Từ đó, phân chia quan hệ từ thành các tiểu loại: – Các liên từ thuần túy – Các giới từ thuần túy – Các liên – giới từ. 1.2.3. Đối với vấn đề phân định từ loại, chúng tôi có ý kiến như sau: Về cơ bản, chúng tôi tán thành cách phân loại từ loại của Đinh Văn Đức: chia vốn từ tiếng Việt ra thành ba tập hợp lớn (thực từ, hư từ, tình thái từ). Riêng việc phân chia các từ loại trong tập hợp hư từ và các tiểu loại trong quan hệ từ, chúng tôi có quan niệm khác Đinh Văn Đức. Việc xem giới từ và liên từ chỉ là tiểu loại của từ loại quan hệ từ là không thỏa đáng. Dù rằng việc vạch ra một đường ranh giới giữa giới từ và liên từ trong tiếng Việt không phải là đơn giản nhưng gộp chúng vào cùng một phạm trù chung “chỉ là một thủ thuật nhằm gạt bỏ vấn đề chứ không phải có tác dụng giải quyết vấn đề” 2, tr.149. Theo các nhà nghiên cứu, giới từ và liên từ có những đặc điểm giống nhau: Cả hai đều là loại từ chuyên làm phương tiện tổ hợp cú pháp. Như đã biết, khi thông báo, giao tiếp với nhau, người ta phải dùng từ đặt thành câu. Trong câu có nhiều bộ phận, nhiều thành phần khác nhau. Mối quan hệ về mặt ngữ pháp giữa các bộ phận, các thành phần được gọi là quan hệ ngữ pháp. Theo đó, chức năng của giới từ và liên từ là nối các bộ phận, các thành phần có quan hệ ngữ pháp với nhau. Ví dụ: a. Sách của tôi b. Sách với vở c. Làm việc tại nhà d. Làm việc và giải trí Tuy vậy, quan hệ ngữ pháp do giới từ và liên từ biểu thị rất khác nhau.
- Ở ví dụ (a), (c), giới từ “của”, “tại” biểu thị quan hệ chính phụ giữa hai bộ phận “sách – tôi”, “làm việc – nhà”, còn ở ví dụ (b), (d), liên từ “với”, “và” biểu thị quan hệ đẳng lập (liên hợp, song song) giữa hai bộ phận “sách – vở”, “làm việc - giải trí”. Mặt khác, xu hướng gắn kết với các thành phần, các bộ phận trong tổ hợp của giới từ và liên từ cũng rất khác nhau. Liên từ không có xu hướng gắn chặt với thành phần, bộ phận nào trong tổ hợp có sự hiện diện của nó. Còn giới từ lại có xu hướng gắn kết với thành phần, bộ phận đi liền sau nó tạo thành một đơn vị chức năng. Do vậy, trong các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, vấn đề “liên ngữ” hầu như không được đặt ra còn đơn vị chức năng thường gọi là “giới ngữ” đã được hầu hết các nhà nghiên cứu Việt ngữ đề cập đến. Liên quan đến vấn đề này, A.I.Smirnitsky đã có nhận xét khá thú vị : “Thậm chí người ta có thể nói rằng bản thân sự tồn tại một từ loại nhất định là căn cứ vào chỗ những từ trong từ loại này được dùng một cách đều đặn ở chức năng một thành phần nhất định của câu” (dẫn theo [8, tr.123]). (Diệp Quang Ban (1993) có dùng khái niệm “Liên ngữ” nhưng với một nghĩa khác. Theo ông, liên ngữ thường đứng đầu câu, tuy nhiên cũng có khi liên ngữ đứng sau chủ ngữ, được dùng để nối ý câu chứa nó với ý của câu đứng trước hoặc đứng sau câu ấy, với ý cả cụm gồm nhiều câu đứng trước hoặc đứng sau câu ấy. Đây chính là thành phần chuyển tiếp của câu). Hơn nữa, về mặt ngữ nghĩa chức năng, liên từ chỉ thuần túy là từ công cụ, không có khả năng chỉ ra vai nghĩa của các thành phần chức năng trong các kết cấu ngữ pháp. Còn khả năng này của giới từ lại rất tường minh. Về sự hiện diện của giới ngữ trong cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt và vai trò của giới từ trong việc xác định vai nghĩa các thành phần chức năng hữu quan, chúng tôi sẽ bàn kỹ trong chương 2. Từ những lý do cơ bản như trên, trong luận văn này, chúng tôi xem giới từ và liên từ là từ loại độc lập có cương vị ngang hàng với các từ loại khác trong hệ thống từ loại tiếng Việt. 1.3. Tieâu chí nhận diện và danh sách giới từ tiếng Việt 1.3.1. Con đường hình thành giới từ tiếng Việt Hiện nay, khi bàn về sự hình thành giới từ trong tiếng Việt vẫn chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các nhà nghiên cứu. Có thể chia thành hai quan điểm như sau :
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 670 | 92
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 668 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 306 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 232 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 253 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 152 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
173 p | 235 | 49
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 201 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 242 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 170 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 169 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 163 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 167 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 205 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 156 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 159 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 119 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 155 | 19
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn