intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

MƯA RƠI ĐẦU NON

Chia sẻ: Khanhlkkk Kahnh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:23

60
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Gió dào dạt gió, chị quấn ngược mái tóc vừa bung xoã để lộ cái cổ thon dài trắng ngần thấp thoáng trong mịt mùng lau sậy. Đám đất sẫm đen lộ ra, vừa một khoảnh để dựng cái chòi. Chị vung dao phát sậy. Vẫn cần một khoảnh nữa để trồng rau; một khoảnh để nuôi con heo, con gà; môt khoảnh để thông ra lộ; một khoảnh nữa để nhìn thấy nhà hàng xóm cho đỡ cô quạnh

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: MƯA RƠI ĐẦU NON

  1. MƯA RƠI ĐẦU NON
  2. 1. Gió dào dạt gió, chị quấn ngược mái tóc vừa bung xoã để lộ cái cổ thon dài trắng ngần thấp thoáng trong mịt mùng lau sậy. Đám đất sẫm đen lộ ra, vừa một khoảnh để dựng cái chòi. Chị vung dao phát sậy. Vẫn cần một khoảnh nữa để trồng rau; một khoảnh để nuôi con heo, con gà; môt khoảnh để thông ra lộ; một khoảnh nữa để nhìn thấy nhà hàng xóm cho đỡ cô quạnh…Chị bắt đầu đếm, không phải các lớp sậy rạp, không phải các khoảnh đất hoang đang trống dần mà đếm sữa từ ngực người đàn bà đang kì cho con bú đọng trên áo, rớt xuống từng giọt dưới cái bóng của mình. Nắng chiều xiên chéo, đứa lớn bồng đứa bé nhất đang ngủ, đứa giữa thiu thiu tựa vào vai chị. Ba đứa ngồi đầu bờ, đầu đội cái nón lá che lấp thân hình nhỏ bé. Nhìn chúng giống như những chiếc đinh cũ hổng ván nhô đầu. Người trong xóm Cây Sậy không biết người phụ nữ với ba đứa trẻ từ đâu tới. Chỉ biết giữa đám sậy bên kia cây cầu sắt mé trong mấy cái đầm tự dưng có cái chòi được dựng lên. Hông trái căn chòi, mấy luống rau được trồng; hông phải có con heo thả lang, mấy con gà bới đất tìm giun. Chị làm quen với hàng xóm bằng cách
  3. xoắn sậy thành dây choại bện thành tấm đăng bắt cá đem đi cho. Những bông sậy hoang dại được chị kết thành những chiếc chổi, lớp đem cho chòm xóm, lớp đem bán lấy tiền mua gạo. Người ta bắt đầu mến người phụ nữ tóc dài quá gối, đôi mắt hun hút thăm thẳm như đêm ráo trời lấp lánh sao nói đặc sệt giọng bắc đó. Đổi lại thím Năm thỉnh thoảng mang cho chị ơ cá chốt kho khô, chú Sáu cho bọc hột giống… Có điều người ta lạ, không biết cha của sắp nhỏ đâu mà chị phải nương náu trong đám sậy? Chiều rưng rức, thấy chị ngồi bên gốc bần mé sông, cái bến người ta vẫn đậu xuồng, ghe để thăm ruộng. Bến này thông ra một dòng sông rộng. Ba đứa trẻ lúp xúp trật tự ngồi kế bên. Áng chừng cái gốc bần bự chảng lõm cong cong là cái dáng chị tựa đợi ai đó từ bến sông xa. Anh Ba Sầu Đâu hay thả câu cua đi ngang đó hò ơ bâng quơ: “ Chứ hò ....ơ......chạng vạng trời chiều ai còn nhớ bạn/ Hỏi người ngồi gốc cây bần cho rõ ngọn ngành/ Nước về tình nghĩa trôi nhanh/ Suối tóc cô dài quá....à...hò...ơ.....suối tóc cô dài quá có đành búi ....cao?”. Anh Ba goá vợ chưa kịp có con, từ ngày người đàn bà ba con về xóm Cây Sậy anh siêng cắm câu mé ruộng bển. Lần nào ngang qua nhà chỉ, anh cũng treo tòng teng con cua, biểu: “ Tui là tui cho sắp nhỏ, ai cho cô đâu mà cô chối từ…”.
  4. Một ngày, người ta thấy có người đàn ông ăn mặc bảnh bao ghé cái chòi của chị. Ba đứa nhỏ tíu tít quây quanh, rộn ràng, chị bắt con gà hấp rượu, mời chòm xóm chung vui: “ Cha của mấy đứa trẻ đi công tác về…”. Xóm Cây Sậy mừng cho chị, mừng cho cái vết lõm cong cong ở gốc cây bần trên bến sông xa cũng có người tìm về. Không ai nỡ hỏi sao người đàn ông để mấy mẹ con từ xứ bắc trôi dạt tận xóm heo hút này… Chỉ có anh Ba Sầu Đâu ngồi hò não nuột bên nhà, mấy cần câu cua héo hon chỏng trơ ngoài hàng ba, tiếng hò của anh chạy tút vô đám sậy rồi ở luôn trong đó. Rồi mấy ngày sau, người ta lại thấy tóc chị xoã bung, chân trần chạy băng qua đám sậy, băng qua đám rau mới nhú. Mưa rát bỏng như chín trời, xoá dấu trên bến sông. Ba đứa nhỏ quấn chân mẹ, đứa con trai bé nhất té chúi đầu xuống đất. Đám sậy sững sờ nghiêng ngã. Người đàn ông theo lối ra sông rộng hút bóng, tiếng còi tàu hú vọng, cái cười nửa miệng của người đàn bà tay đang nắm lấy tay chồng chị quăng lại….Mưa xé tóc chị, xé tiếng thét gió quất ngang trời. Xé cả cơn sóng xô bờ hất ngược lên tung toé.
  5. Ngày hôm sau, xóm Cây Sậy không thấy ba mẹ con nhà kia đâu. Chỉ có căn chòi giữa đám sậy, con heo thả lang chưa kịp lớn, bầy gà xao xác, đám rau gục mưa hôm qua đã kịp ngóc đầu. Người ta đồn, có lẽ người phụ nữ Bắc Kì dắt con đi tìm người đàn ông đã bỏ đi. Mà có khi chị dắt con bỏ xứ này cắm chòi xứ khác, ở đây chi khi người đàn ông của chị đã không về nữa. Như mất tích. Tịnh không có dấu vết. Anh Ba Sầu Đâu đi cắm câu ngang qua ngó vô rồi ngồi ngay thinh vết lõm cong cong gốc bần. Đám sậy gặp mưa tốt um, mọc lan ra khoảng đất trống, ăn dần đám rau, nuốt dần căn chòi. Đám sậy lại xanh mịt mùng…Rồi đây bông sậy già lại phất phơ tung gió.
  6. 2. Lên tàu. Chị ôm xiết ba con. Chồng chị mang chị đến nơi cùng trời này rồi bỏ đi. Mỗi lần về ban cho chị một đứa con. Chị có hai gái, một trai. Mái tóc dài như lụa, đôi mắt ướt rượt, cái ngấn cổ tròn trắng ngần, sắc đẹp của gái Kinh Bắc không giữ được chân người đàn ông của gió. Chị cắm chòi theo bước chân chồng nhưng cũng không thể đuổi kịp bước chân người đàn ông không thích quay vào ngưỡng cửa nhà mình. Đứa con gái lớn khư khư ôm cuốn sách: “ Con chim thần lửa, cuốn truyện cổ tích cha mua cho con. Cha nói, con đọc hết cha sẽ về… Con đọc mấy mươi lần rồi mẹ”. Vị hành khách mặc quân phục mới lên tàu, ngồi vào chỗ trống
  7. đối diện với chị có cái nhìn lạnh ngắt cầm tay đứa con gái thứ hai của chị: “ Đường chỉ tay nát tươm. Cái số của nó cũng gẫy như những đường chỉ tay này…”. Con bé ngơ ngác nhìn người vừa xem chỉ tay mình, khẽ rụt cổ nép vào lòng con bé lớn. Khác với em, con bé lớn chăm chăm nhìn vào khuôn mặt trong như nước của người đối diện nhưng bộ quân phục mới làm nó yên tâm, nó xoè tay “ Chú bộ đội ơi, còn con?”. “ Sẽ là con bạch mã kéo cỗ xe số phận…”. . Đứa con trai đang ngủ trong lòng chị giật tách mình, khóc thét: “ Mẹ ơi, con sợ lắm”. “ Sắp về đến nhà rồi con… đừng khóc nữa. Mẹ xin…” Nó vẫn ngằn ngặt khóc, co rúm rúc vào lòng mẹ. Chị vừa dỗ con vừa nói như năn nỉ. “ Thôi chú, đừng xem chỉ tay nữa. Tôi không muốn các con tôi ám ảnh…”. Người đàn ông mặc quân phục dằn mạnh tay chị, ánh mắt chao động nhưng sắc mặt không đổi: “ Đường cùng, số tận… số không tận nhưng tận…”. Tiếng lẩm bẩm của người đàn ông xoáy chặt lấy chị rồi lướt nhẹ vờn lên cơn gai ốc nổi khắp người. Chị thảng thốt hỏi: “ Nghĩa là sao chú ơi…”. Nhưng không tiếng đáp lại, không có bất cứ người đàn ông nào mặc quân phục ngồi trước chị. Chỉ có một bác già ôm chặt chiếc ba lô trước ngực. Thằng bé nín khóc, ngoan ngoãn dụi vào ngực mẹ tiếp tục ngủ. Đứa con gái lớn tay vừa ôm em vừa ôm cuốn chuyện gục lên chiếc va ly. Chị lập cập hỏi: “ Bác ơi, chú bộ đội ngồi bên bác đi đâu rồi?”. Bác già hé mắt nhìn chị lạ lẫm: “ Chị hỏi ai?” “ Chú bộ đội còn trẻ, xem chỉ tay…”. Bác già giật nẩy mình rì rầm: “ Tôi đón nó về, thằng con tôi hy sinh ở Kom Tum năm 75. Nó biết xem số qua chỉ tay. Nó nằm đây, trong
  8. chiếc ba lô này…Thôi con đừng chạy ra chơi nữa, về mà xem chỉ tay cho mẹ con đôi mắt khóc nhớ con đến loà bao giờ sáng …”. Một cơn gió ngược sớt qua khiến chị ngợp thở, thằng bé lại giật nẩy mình bám chặt lấy mẹ. Chị trân trân nhìn chiếc ba lô. Xuống tàu. Chị về quê. Chị quỳ xuống chân U: “ U cho con về ở với U…”. “ Ừ, về với u con ơi…”. U đỡ chị dậy, đưa tay đón các cháu: “ Hiền, Hoà, Trung lại đây với bà…”. Chị ở với U. Người làng lời ra tiếng vào: “ Con Thanh chồng bỏ mới về làng. Ba đứa con có cùng một bố không nhỉ?”. Chị gieo hạt, cả khu vườn mọc tạp nham cây cỏ của U xanh một màu rau đậu, cây mận miền Nam ngày chồng chị mang về thăm U được tỉa cành, bón gốc. Chị vẫn đẹp như cánh đồng ngô đương ủ bắp. Chân chị trắng ngần lội ruộng làm cỏ cánh cửu vạn gánh cát ngoài bến sông đứng ngây ra nhìn. Có kẻ lên tiếng chửi đổng: “ Cái thằng mất dậy cuỗm cô gái đẹp nhất làng dạo nọ rồi để người ta về làng tủi nhục như thế này”. Có kẻ chép miệng: “ Tiếc bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”. Có kẻ ác miệng: “ Đáng đời, ham hố lắm vào giai xứ khác. Giờ khổ cấm kêu…”. Chị có dám kêu ai đâu. Thầy U sinh ra 8 người
  9. con, chị lớn nhất nhà. Ruộng ít, người đông, thầy u làm trầy trật mãi mới đủ nuôi đàn con. Làng Dục Quang của xác xơ. Cả vùng lúc bấy giờ không nơi đâu người dân lại lầm lụi như quê chị. Làng nằm ngay đồng chiêm chũng. Năm nào cứ đến mùa mưa là cả cánh đồng lại bị ngập chìm trong biển nước mông mênh. Quanh năm cả làng chịu đói, ăn độn ngô, khoai, sắn... Mỗi khi giáp hạt sắn khoai chẳng còn, hầu như cả làng xếp hàng đi mua bã đậu ở làng bên về ăn thay cơm. Chị với các em lớn lên trong gian khổ vẫn trắng da dài tóc, khoẻ mạnh lành lặn. Trai làng ngẩn ngơ mỗi lần chị đi qua, hương bồ kết vương vít từ làn tóc toả lan. Học xong lớp 10, 18 tuổi chị xin thầy u đi bộ đội. Ngày chị đi, thầy u, các em không khóc, cánh trai làng lại khóc nhưng nhức. Từ quân của Tỉnh Đội chị chuyển về huấn luyện ở Trung Đoàn 3, Vĩnh Phú. Vài tháng sau chị được cử đi học Y Tá ở Bãi Bằng. Từ đơn vị đến trường học phải đi bộ đến 20km, có rất nhiều anh bộ đội xung phong khoác ba lô cho chị. Cuối cùng đồng chí tiểu đội trưởng tiểu đội 7, cán bộ khung, tên Bảo “ tranh phần” cõng ba lô hộ “ bông hoa rừng”. Tuần nào anh cán bộ khung cũng đến thăm chị. Ngày 2 tháng 9 năm 1975 Sư Đoàn quyết định lấy một y tá nữ phục vụ đoàn duyệt binh tại quảng trường Ba Đình là chị. Anh tiểu đội trưởng được điều động bổ sung cho đoàn duyệt binh. Giữa cờ hoa, giữa 400.000 người trong đoàn duyệt binh của các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, giữa không khí thiêng liêng của ngày Quốc Khánh, Bảo nắm lấy tay chị run run nói: “ Mình nhận lời lấy tôi đi…”. Chị đồng ý lấy Bảo. Thầy U tiễn chị ra đầu ngõ khóc
  10. ròng, bao nhiêu đám trong làng dạm hỏi chị không ưng lại chọn anh bộ đội quê ở mãi tận Nam Hà. U bảo: “ Ánh mắt chồng con thiếu sinh khí nam tính. Bờ môi mọng đỏ như son, ánh mắt nâu và buồn, ngữ ấy đa tình… Sau này nếu nó chao chát, tệ bạc, không ở được với nhau thì về với u.”. Cưới xong, chị theo anh vào vùng kinh tế mới ở Cà Mau theo lệnh điều động của cấp trên. Tóc chị vẫn dài, da chị vẫn trắng,ngấn cổ tròn cao cao, sóng mắt vẫn long lanh nhưng lòng của Bảo thì thay đổi như hai chiều mưa nắng… Chị khờ dại mãi chẳng đủ khôn ngoan với đời. Hạnh phúc như cơn sóng, chập chùng lớp này tiễn lớp khác rồi tan mất. Thầy thương chị đi tìm con gái rồi thầy về ốm nặng, mất đi khi chị vừa sinh đứa con trai út. Ngày chị về làng, chị sụp xuống mộ thầy, khóc ròng: “Thầy ơi, giờ con đã về đây. Thầy không phải đi tìm nữa, mai này dù con có đi đâu cũng sẽ về bên thầy u…”. Có con bướm đen đốm nâu thật to từ đâu bay đến đậu trên mộ thầy. Chị bảo ba con lậy ông, thầy đã nghe thấu lời chị mượn cánh bướm hiện về… Một năm.
  11. Hai năm. Ba năm. Chị vẫn sống với U. Ruộng ít, làm không đủ ăn. Ngày nông nhàn chị đi buôn sắn, cá khô. Tóc chị vẫn dài, búi một búi to nhưng ngấn cổ không còn tròn, trắng. Cô giáo của Hiền viết thư mời chị. Cô đưa bài tập làm văn của nó cho chị đọc: “ Cô hỏi hãy viết tình cảm của mình với cha ư? Thưa cô, căm hận cũng là tình cảm. Mẹ em đã chờ đợi vô vọng trong đói khát giữa rừng sậy, trên bến tàu. Mẹ đã tự đỡ đẻ hai em. Tại sao em lạikhông cần phải đắn đo phân tích cha mình là người như thế nào? Tại sao em lại phải tin cha mình vĩ đại? Mẹ quỳ xuống xin cha ở lại, em đã quỳ xuống xin cha đừng đi nữa. Nhưng cha vẫn đi cùng với người đàn bà tóc phide uốn cao kia. Cả bốn mẹ con bị mưa vùi xuống cái bến sông có gốc cây bần già tận miền Nam. Cha đã để lại cho em một lời hứa mãi mãi không thực hiện được và mẹ phải đoạn trường chừng ấy năm và hứng lấy bao nhiêu nghiệt ngã. Hình ảnh cha đã trở nên méo mó trong em. Cho dù,mẹ đã kể chuyện cổ tích hằng đêm rằng
  12. cha chúng em là người tuyệt vời, để trong tâm hồn những đứa con tồn tại hình ảnh một người cha lộng lẫy, ấm áp. Nhưng đó là chuyện cổ tích mà cổ tích thì làm sao có thật…”. Cô giáo cho 0 điểm và phê lạc đề. Chị lặng đi, cắn môi muốn bật máu. Về nhà chị nói gì với con? Nói rằng chị đã biến cái bóng của mình thành cha chúng ư? Nói rằng chị không muốn bất cứ đứa con nào của chị tổn thương hay chính chị không chấp nhận sự phản bội của chồng chị. Cơn giận bỗng chốc trào đến. Người đàn ông đó đáng trừng phạt. Chị cố không nhìn thấy cái tham lam, ích kỉ, đốn mạt của gã chồng, nay đã bị Hiền bóc trần. Anh tiểu đội trưởng thật sự đã chết trước khi anh ta được điều vào Nam làm cán bộ. Chị vút roi mây thẳng tay lên thân thể con bé Hiền. Đánh vì cái tội nó giống cha nó y hệt. Đánh vì cái tội nó để chị phải thừa nhận là chị nhẹ dạ. Đánh bởi cái tội nó bắt chị phải tin chồng chị là một thằng đểu. Hiền không khóc, đứng ngay người để mẹ đánh. Môi nó mím chặt. Nó lì lợm hơn chị tưởng. À, mày không khóc à… Được rồi… Chị nắm cái cuốn sổ tập làm văn xé vụn, tung lên, xác giấy bay ngập cả khoảnh vườn nhỏ Hiền, Hoà trồng hoa cúc đại đoá. Đến lúc này con bé mới khóc, chạy lấy ôm lấy mẹ: “ Mẹ đừng đánh con nữa. Con thương mẹ lắm… Mẹ đánh con, con không thấy đau đâu…Nhưng mẹ đã đau đến thế này”. Hoà, Trung nép sau cánh cửa khóc tấm tức. Người U già cũng vừa tan buổi chợ về đến nơi: “ Mày sao thế hở con?... Sao đánh nó như thế này?”. Chị buông rơi ngọn roi mây…Chị nghĩ chờ đợi mãi rồi người cũng về nhưng người như cái bóng thuyền không. Chị đã nghĩ đến cái chết từ dạo nọ. Trong cơn mưa tức
  13. tưởi đó chị đã muốn quăng mình xuống bến sông. Lại là con Hiền, nó bấu lấy tay. Con bé 8 tuổi lấy sức khoẻ ở đâu mà kéo chị lại được. Về đến chòi mới thấy một bên vai nó rớm máu, thì ra nó kẹp thân nó vào cái khe cây bần già chẻ ra làm hai để có sức giữ mẹ…Chị thức tỉnh, gói ghém đồ đạc xuôi tàu đò ra Thị Xã Cà Mau, lên xe đò tới nhà ga Sài Gòn chen chúc mua mãi mới được 3 tấm vé về Bắc. “ Đường cùng, số tận… số không tận nhưng tận…”, mấy lời lẩm bẩm của hồn ma kia lại văng vẳng trên đầu. Chừng nào số tận? Rồi sao không tận? Chừng nào là biết chừng nào… Đêm, chị ôm con ngủ. Chị đã chờ đến mờ mắt mới nhận ra ba đứa con quý hơn tất thẩy. Chị đang sống với u cơ mà, có ai bỏ chị đâu. Chị xoa lên những vết hằn roi trên lưng con Hiền. Hôn lên khuôn mặt giống cha y đúc, giật mình khi thấy lờ mờ trên mặt con bé có những vết xước. Vết xước? Nó ngã hay ai đánh nó? Nước mắt chị rơi đúng lên mấy vết xước trên mặt Hiền. Chị lau vội, sợ con bé thức, nằm xuống, mắt khép hờ. Ừ, ngủ đi cơn đau ngang ngực. Ngủ đi cánh cửa gỗ hằng đêm khi U và các con yên giấc chị mở khẽ đi ra ngồi dưới gốc cây mận anh trồng nghe lá khô lăn xuống… Áng chừng gốc cây mận cũng sắp lõm cong cong. Con Hiền đã
  14. ngủ đâu, nó đang hít hơi mẹ vào ngực. Tóc mẹ không thơm hương bồ kết mà đượm mùi gió khô, nắng cháy và cả mùi cá mắm. Mùi của ngày lam lũ chợ xa, chợ gần. Vết xước có khi nó đánh nhau với thằng Mởn, một thằng chuyên trấn phấn và truyện tranh cười hô hố và gào lên: “ Mày là đồ con hoang!”. Nó sựng lại, trân trân nhìn thằng Mởn. Thằng Mởn vẫn nhơn nhơn cười sằng sặc : “ Con hoang sắp khóc rồi bọn mày ơi!”. Hiền quăng sổ lao vào Mởn cào cấu. Bọn chúng có đến bốn đứa, hất nó ra mặt đường. Nó bật dậy lao vào thằng Mởn, bám lấy nó, càu cấu. Cả hai đứa từ mặt đường lăn xuống dộc. Thằng Mởn rất khoẻ, nó tung chân đạp thẳng vào ngực, bụng và mặt Hiền. Mũi nó chảy máu, ngực tức thở, bụng thốn đau. Hiền bám chặt lấy thằng Mởn cào hai đường móng tay ngang mặt nó, mặt nó chảy máu. Thằng Mởn ôm mặt khóc hu hu. Hiền đứng dậy thét lên : “Mày nhớ đấy ! Cha tao tên Bảo . Cha tao là bộ đội. Rõ chưa?” Ba đứa còn lại nhìn thấy nó cùng đôi mắt nẩy lửa đi từ dưới dộc lên bỏ chạy toán loạn. Sổ sách của nó đã bị bọn thằng Mởn xé nát rắc trắng bờ dộc. Hiền gom từng tờ, từng tờ một cách chịu đựng...Cha nó là bộ đội ư?Hay chỉ là một tiểu binh đào ngủ trong chính gia đình mình? Tấm hình người tiểu đội trưởng trong bộ quân phục, chiếc mũ có ngôi sao lấp lánh mẹ luôn để vào góc kín nhất của chiếc ví luôn mang theo người bỗng hiện lên cười man dại. Kìa mũi sung của cha nó chỉ để giết quân thù sao lại nhắm thẳng vào ngực mẹ nó…Nó hét lên: “ Ông không được bắn mẹ tôi…”, tiếng hét của nó vang xa mấy
  15. cánh đồng khiến người đi đường giật mình quay lại nhìn con bé gày còm đang đứng giữa một vùng xác giấy trắng đường. Lúc này trong vòng tay mẹ, nó muốn khóc lắm, nó hít thật khẽ hơi của mẹ. Đối với nó mùi tóc hương cá mắm của mẹ thơm nhất trần đời. Chị có người yêu. Đúng hơn là người ta yêu chị. Một chủ hiệu kem trên thị trấn mới mở. Người đàn ông này từ tỉnh xa về Việt Yên làm ăn. U và các em vun vào. Chị còn trẻ cần có chỗ tựa. Người ấy kể rằng người ấy chết vợ có vẻ thương bốn mẹ con thật lòng. Nhưng Hiền ghét lão, lão có đôi mắt ti hí gian gian rồi cũng lừa mẹ thôi. Bà giải thích cho Hiền hiểu rằng: “Đàn bà không chồng chòng chành như nón không quai. Hiền có thương thì để mẹ đi bước nữa”. Hoà, Trung thích thú với những món quà lão mắt ti hí mang đến. Còn Hiền, Hiền nhẩy lên đạp cho kì bẹp đầu sư tử chơi trung thu gã mua. Mẹ Hiền mắt ngân ngấn nước. Bà ngoại không tin Hiền, mẹ không tin Hiền, không ai tin cái đứa oắt con kia là lão mắt hí vợ không chết, lão nói dối đấy thôi, vì mẹ của Hiền còn đẹp. Bà hỏi nó có nom thấy vợ lão bao giờ không? Hiền cắm đầu không nói. Thế thì mày để mẹ mày yên đi. Rồi mẹ Hiền cũng quyết định lấy chồng. Bà bảo làm mấy mâm tròn báo cáo họ hàng. Ngày
  16. các dì, các cậu tất bật chuẩn bị, Hiền không biết phải làm sao để cản mẹ. Hiền chạy quanh, chạy quanh, rồi chờ mọi người không chú ý đem nước bẩn đổ đầy nồi cơm đã cạn nước đang ủ chín. Trò láu cá của Hiền cũng bị phát hiện, nó bị đánh sưng tay. Nhưng lão mắt hí chưa kịp cùng mẹ lậy gia tiên thì một đám người trong đó có một phụ nữ xưng là vợ lão đến đánh ghen. Mẹ của Hiền đứng đó cho người ta túm tóc, vả vào mặt chưởi bới. Hiền lao vào nhà kiễng chân nhấc cây roi mây của mẹ chạy ra vút túi bụi vào đám người đang đánh mẹ Hiền, nó thét lên: “ Cút ngay, cút ngay lũ người này… Cút đi…cút ngay đi…” Đám người tản ra, người đàn ông mắt hí cũng rời bỏ thị trấn ngay hôm ấy. Chị không thể sống được ở làng... U lại khóc lần chiếc ruột tượng quấn quanh người tìm tiền đưa con gái. Chị lậy u. Thắp hương cho thầy. Chị dắt con đi.
  17. 3. Chị đi thật xa, tận Lâm Đồng. Chị dựng nhà ven núi. Tóc chị vẫn dài nhưng ngấn cổ không còn trắng. Cả ánh mắt cũng đã khô. Chỉ cái trái tim người mẹ ủ ấm ba con. Mấy đứa trẻ được đi học đến nơi đến chốn, chúng học giỏi nức tiếng. Đôi bàn chân người đàn bà ấy băng qua những ngọn đồi bất tận để bẻ măng, chặt lồ ô, rút mây. Phải để con sống tử tế vượt lên trên cái đớn hèn, xô đẩy của cha chúng, của người đời. Mưa rơi đầu non. Những cơn mưa rừng sầm sập, dữ dội và dai dẳng Chị vén mưa, mỗi ngày chị cần chặt hai bó mung to. Buốt lạnh, chị vuốt mưa trên mặt, mắt như mờ đi, quyền năng của núi rừng đang gầm thét, muốn quật ngã người đàn bà gan lì kia. Chị ương ngạnh bất chấp những cơn mưacuối mùa dữ dằn, kiêu
  18. ngạo phủ đầu, nạt nộ, uy hiếp, dằn mặt chị. Chịlao mạnh con dao goắm vào đám mung, sượt, một cây mung sắc nhọn đã xuyên thẳng bàn tay phải của chị. Cánh tay ấy chằng chịt vết kim của những lần bán máu lấy tiền đóng học cho con. Cố lết về nhà, run rẩy chị hoà vôi với nhọ nồi tự bôi vào vết thương rồi ngất lịm. Ơ, sao thầy đứng đó, thầy vào nhà đi. Cỏ tranh vàng lất phất mọc lên từ rừng cây đen cháy, thầy đừng dắt con đi về phía nền trời xám mờ kia với thầy, con còn ba đứa nhỏ, chúng chưa kịp lớn. Thầy về thăm con thôi, đứa con đơn độc như cái cây bị phạt cố đâm đất sống trên bãi đất hoang khô. Thầy ôm con đi, như thưở còn ấu thơ. Kìa chú bộ đội, chú về nhà rồi cơ mà, chú đứng lặng ở bờ rừng đợi ai? Tìm kiếm điều gì ở nơi này? Chú đi đi…Chị cảm thấy ngày đó đang đến, sát ngay bên. Cả cơ thể chị như có cả đàn ong rừng đến đốt. Chị không còn nhớ bất kì người đàn ông nào đã đến trong đời chị ngoài gương mặt của Bảo. Bảo mặc quân phục trong đoàn duyệt binh, cờ hoa rợp trời. Nhưng kìa, gót giày anh dẫm lên cơ thể chị. Chị thét lên. Những lá thư tình vượt qua những tháng ngày gian lao ấy bốc cháy… Như ma ám, gương mặt cha ba đứa trẻ cháy bùng lên mãnh liệt. Nó hiện ra rõ ràng, lao đến bóp nghẹt lất chị Bàn tay chị đã liền sẹo nhưng cong queo nhưng nhánh cây điều khô. Rồi một ngày, chị sốt, người phù to. Hiền, Hoà nghỉ học đi làm mây. Chị biết được, gượng dậy cố nắm bàn tay tật nguyền cầm lấy cây dao bước ra hiên phạt tận gốc đám xương
  19. rồng bàn tay Hoà trồng. Chị nhìn hai con bằng ánh mắt dữ dội: “ Muốn mẹ chém nát bàn tay như thế này không? Đi học mau…”. Chị lịm đi ngay bực cửa. Đưa mẹ vào giường, Hiền bảo Hoà đi học đi, Hiền sẽ đi học sau. Còn Trung nhớ bón cháo cho mẹ, nhớ xem bài chiều đi học. Hoà lủi thủi bước đi, nó sợ cô giáo lại đòi học phí… Hiền ra chợ, ghé vào tiệm tóc xin bán mớ tóc dài rồi bắt xe hướng lên thành phố. Chị trở mình tỉnh giấc, hình như chị đã ngủ một giấc dài. Trời tối từ bao giờ hay sắp chuyển mưa? Các con đâu… À, chúng kia. Trung đang chẻ tăm tre, Hoà đan sọt. Hiền đâu? : “ Hiền ơi…” “ Mẹ, con đây… Mẹ ăn cháo trứng gà nhé. Còn nóng, con thả ít lá ngải cứu cho thơm”. “ Ừ, con để đấy, các em ăn chưa”, “ Dạ mẹ, con với cả chị Hiền, em Trung ăn rồi”. Hoà ngừng tay chạy đến bên mẹ. Chị nhìn thấy băng trắng trên đầu Hiền, chiếc băng thấm vệt máu đỏ tươi: “ Đầu con sao thế kia hả Hiền?”, “ Mẹ ơi, con đi rừng hồi chiều bất cẩn trượt chỗ thác bẩy tầng gần đồi xanh. Nhưng không sao cả, rách tí da thôi”, “ Phải cẩn thận chứ. Mẹ ốm thế này, con phải khoẻ để chăm em. Có đau không con, lại đây mẹ xem…”. Chị ứa nước mắt, vuốt nhè nhẹ cái trán dô bướng bỉnh của Hiền. Chị không ăn được, muỗng cháo Hoà bón, chị chỉ muốn nôn ra. Trời ơi, sao đến cả ăn chị cũng không cố nổi thế này. Người chị đau nhưng hàng ngàn con giòi bọ đục khoét. Hiền chạy
  20. ra bờ giếng khóc tức tưởi. Sáng nay, nó đã tìm đến căn biệt thự sang trọng trước cổng chợ Biên Hòa. Cha nhìn nó lạnh lùng: “ Mày đến đây làm gì?”. “ Mẹ ốm nặng, con tìm cha…”, “ Mày xin tiền phải không?Mẹ con mày là thứ hôi hám, bẩn thỉu. Lũ chúng mày không phải thứ người, rặt một thứ ngợm!” Cha ném một sấp tiền thẳng vào mặt nó. Những đồng tiền mà ngay lúc ấy nó cần hơn bao giờ hết, cần như máu trong huyết quản từ tay cha nó bay lả tả như những mũi dao sắc nhọn liên tiếp cắm phập vào trái tim Hiền. Cảm giác nhục nhã, tủi hổ, tổn thương dâng lên tối tăm mặt mũi: “ Vâng, mẹ con đã lấy nhầm một người bẩn thỉu, hôi hám”. Câu nói phát ra từ đau đớn tột cùng của đứa con gái bị bỏ rơi đã khiến người đàn ông nhẫn tâm kia nổi cơn thịnh nộ khủng khiếp. Người đàn ông lao tới tung chân đá văng đứa con gái 17 tuổi, đầu nó đập vào con lươn ngăn cách làn đường. Hiền đứng dậy, vết máu đỏ loang dần từ trán, choáng váng, nó rút từ ngực ra tấm ảnh ố vàng chụp người người tiểu đội trưởng năm xưa, nó tiến sát đến người đàn ông vừa đá bay nó, gằn từng tiếng : « Đây là cha tôi, nhưng ông ấy đã chết ! ». Người đàn ông tái mặt lùi lại sau cánh cửa, nó lầm lũi nhặt tiền, nó cần tiền hơn báo giờ hết, người đàn bà cười nửa miệng đi với cha dạo nọ ném cái nhếch môi khnh bỉ... Nó đứng dậy, vuốt thẳng những tờ tiền, lận sâu vào trong túi, khẽ gật đầu và nói một câu sau cuối với cha trước khi cánh cửa đóng sầm : « Cám ơn ông. Có dịp, tôi sẽ trả cho ông gấp nhiều lần".
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0