22 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2013<br />
ĐẶNG VĂN BÀI(*)<br />
<br />
<br />
VAI TRÒ QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC<br />
TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN<br />
VĂN HÓA PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM<br />
<br />
Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích Phật giáo ở góc độ vừa là tôn giáo, vừa là văn hóa với những<br />
điểm tích cực như tinh thần nhập thế, tư tưởng từ bi, sự tôn vinh con người, sự tin tưởng vào<br />
khả năng sáng tạo và tự giải thoát mỗi cá nhân, tôn trọng sự bình đẳng và tự do lựa chọn<br />
của cá nhân, bài viết làm rõ vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy<br />
giá trị di sản văn hóa Phật giáo phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất<br />
nước Việt Nam, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch bền vững.<br />
Từ khóa: quản lí nhà nước, Phật giáo Việt Nam, di sản văn hóa Phật giáo.<br />
<br />
1. Phật giáo là tôn giáo, cũng là văn hóa<br />
Theo quan niệm triết học, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, một tiểu hệ thống<br />
kiến trúc thượng tầng, một hiện tượng lịch sử, và do đó, cũng là sản phẩm sáng tạo của con<br />
người, gắn với những điều kiện lịch sử tự nhiên và xã hội xác định. Với tư cách là một<br />
trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam, Phật giáo và việc thực hành các giáo lí Phật giáo đã<br />
trở thành nhu cầu thiết thực trong đời sống Phật tử. Đó là nhu cầu được an ủi, chia sẻ và an<br />
lạc tinh thần trong cuộc sống; là ước nguyện có điểm tựa tinh thần, có sự che chở, bảo trợ,<br />
dẫn dắt từ phía Đức Phật. Niềm tin, tình thương yêu/từ bi và trí tuệ trong Phật giáo có tác<br />
dụng gắn kết lòng người, đoàn kết xã hội.<br />
Về căn bản, giáo lí Phật giáo đã tạo dựng và vun đắp một nền tảng vững chắc để giải<br />
thoát con người khỏi khổ đau trên nguyên tắc “Giới - Định - Tuệ”. Với tinh thần nhập thế,<br />
đạo pháp không tách rời khỏi cuộc sống thế tục, đạo và đời là một thực thể gắn bó, con<br />
người/chúng sinh là đối tượng phụng sự của Phật giáo, con người đã trở thành trung tâm<br />
giáo dục của Phật giáo. Mục tiêu nhân văn lớn nhất trong giáo lí Phật giáo là giáo dục,<br />
hướng dẫn chúng sinh thực hành Phật pháp để tự chuyển hóa từ mê lầm đến giác ngộ, tìm<br />
được sự an lạc trong thân và tâm mình - tiêu chuẩn cao nhất của tất cả các dạng hạnh phúc<br />
trên thế gian này. Có thể nói, nền tảng giáo dục theo mô hình Phật giáo sẽ mãi không bị lạc<br />
hậu so với những yêu cầu và mục tiêu giáo dục mà nhân loại muốn hướng tới.<br />
Trong giáo lí Phật giáo, ta tìm thấy cơ sở của tư tưởng tự do tự tại, tính thương<br />
người, sự tôn vinh con người, sự tin tưởng vào khả năng sáng tạo và tự giải thoát mỗi cá<br />
<br />
*<br />
. PGS.TS., Hội Di sản Văn hóa Việt Nam<br />
Đặng Văn Bài. Vai trò quản lí Nhà nước… 23<br />
<br />
nhân. Đức Phật chưa bao giờ hứa hẹn đưa Phật tử đến “Niết Bàn” như một “thế giới hư ảo”<br />
mà chỉ dẫn cho họ con đường, cách thức đạt tới “Niết Bàn”, đặc biệt là tìm thấy “Niết Bàn”<br />
ngay trong đời sống thường nhật/ở đây và bây giờ. Các vị cao tăng uyên thâm Phật pháp có<br />
sứ mệnh cao cả là chia sẻ kinh nghiệm tu tập, kinh nghiệm sống, còn bản thân Phật tử phải<br />
tự tu tập và tin theo những điều mà mình được chứng nghiệm, thấy đúng và có ích cho<br />
mình và mọi người. Phật giáo tôn trọng sự bình đẳng và tự do lựa chọn của cá nhân, Phật<br />
tử có quyền làm theo ý mình, tự kiểm tra sự sáng suốt của mình và xác định trách nhiệm<br />
đối với bản thân và người khác. Phật giáo quan niệm đúng đắn và sáng suốt nguyên tắc cơ<br />
bản là “Phụng sự chúng sinh là cúng dường Tam Bảo”, không chỉ vì mình mà còn vì người<br />
khác theo hướng “vô ngã vị tha” của Đức Phật.<br />
Với phương châm nêu trên, đạo Phật đã sáng tạo ra những phương thức hành đạo rất<br />
linh hoạt và mềm dẻo, đó là:<br />
- Giữ ngũ giới, đi đến từ bỏ tham, sân, si là những “độc tố”/nguyên nhân gây khổ đau<br />
cho con người;<br />
- Bố thí/làm từ thiện, dâng hiến tình thương yêu một cách tự nguyện, không vì danh<br />
lợi, không chờ báo đáp, gieo nhân lành để đạt được quả ngọt trong hiện tại và tương lai;<br />
- Thiền định, giữ cho tâm tĩnh lặng, tạo lập sự cân bằng về tâm lí để đạt được sự an<br />
lạc trong con người.<br />
Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định, điểm nổi trội nhất, đầy sức thuyết<br />
phục trong giáo lí của đạo Phật là:<br />
- Không chấp nhận Đấng Sáng Thế toàn năng.<br />
- Không chấp nhận giáo điều, mà tất cả đặt trên cơ sở đức tin và trí tuệ.<br />
- Không quá đề cao giáo thuyết, mà khuyến khích việc thực hành trong cộng đồng.<br />
Ngoài những đặc thù riêng nêu trên, đạo Phật còn bao gồm các bộ phận cấu thành cơ<br />
bản của một cộng đồng xã hội/văn hóa như các tôn giáo khác là:<br />
- Hệ thống giáo lí Phật giáo/Phật pháp.<br />
- Hệ thống nghi lễ Phật giáo.<br />
- Hệ thống tổ chức/Tăng già từ trung ương đến địa phương.<br />
- Hệ thống thiết chế/cơ sở vật chất phục vụ cho việc tu tập và thực hiện Phật sự.<br />
Khi đề cập tới khía cạnh văn hóa của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng,<br />
chúng ta nhất thiết phải nhấn mạnh giá trị đạo đức văn hóa trong đời sống xã hội. Trong<br />
Phật giáo cũng bao hàm một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh hành<br />
vi của các Phật tử. Chuẩn mực đạo đức Phật giáo cũng có tính phổ biến toàn nhân loại như:<br />
khuyến khích con người hướng thiện, ngừa ác, đối xử với nhau trên tinh thần thương yêu<br />
đồng loại, sống hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ, trung thực, nhân ái,v.v... Vì thế, đạo đức Phật<br />
giáo có chức năng chuyển hóa con người và bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình.<br />
24 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2013<br />
<br />
Muốn nhận diện đúng bản chất văn hóa Phật giáo nói chung, di sản văn hóa Phật<br />
giáo nói riêng, chúng ta cần đối chiếu với các lĩnh vực hoạt động văn hóa được xác định<br />
trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (từ đây viết tắt là<br />
Chiến lược phát triển văn hóa) và định nghĩa về di sản văn hóa trong Luật Di sản Văn hóa<br />
năm 2001 (từ đây viết tắt là Luật Di sản Văn hóa), được sửa đổi, bổ sung năm 2009.<br />
Chiến lược phát triển văn hóa xác định rõ 5 lĩnh vực hoạt động cần được quan tâm<br />
là: tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa; di sản văn hóa; văn học nghệ thuật; giao<br />
lưu văn hóa thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa(1). Còn Luật Di sản Văn hóa quy định, tất<br />
cả đối tượng vật thể và phi vật thể “là sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị lịch sử, văn<br />
hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ<br />
nghĩa Việt Nam”(2) đều được coi là di sản văn hóa. Từ đó suy ra, Phật giáo cũng là sản<br />
phẩm sáng tạo của con người, mà đại diện tiêu biểu nhất là Đức Phật Thích Ca, các vị cao<br />
tăng và đông đảo cộng đồng Phật tử trong cả nước. Do đó, Phật giáo cần được nhìn nhận<br />
như một tiểu hệ thống của văn hóa, và di sản văn hóa Phật giáo là một bộ phận cấu thành<br />
kho tàng di sản văn hóa của nhân loại nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng.<br />
Như vậy, có thể tạm phân định hai bộ phận di sản văn hóa phi vật thể và vật thể trong<br />
kho tàng di sản văn hóa Phật giáo ở Việt Nam như sau:<br />
- Di sản văn hóa phi vật thể trong văn hóa Phật giáo gồm: hệ thống giáo lí của Đức<br />
Phật Thích Ca; tư tưởng, triết lí nhân sinh thấm nhuần đạo lí dân tộc của các danh tăng - trí<br />
thức đã và đang có ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội (Trúc Lâm Tam Tổ là ví dụ điển<br />
hình nhất); hệ thống nghi lễ, nghi thức Phật giáo trong đó lễ hội Phật giáo là thành tố quan<br />
trọng nhất; di sản Hán Nôm mà đại diện là các tác phẩm văn thơ gắn với Thiền học, kho<br />
mộc bản kinh Phật,v.v...<br />
- Di sản văn hóa vật thể là: hệ thống ngôi chùa thờ Phật/không gian văn hóa Phật<br />
giáo - cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động tu tập, nơi diễn tiến các lễ hội Phật giáo<br />
điển hình (Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Lễ Thượng Nguyên, Lễ Hoa Đăng,v.v...); cảnh quan<br />
thiên nhiên hùng vĩ mang giá trị thẩm mĩ cao gắn liền với các ngôi chùa nổi tiếng thành hệ<br />
thống các danh lam thắng cảnh (khu di tích Chùa Hương, khu di tích Yên Tử,v.v...).<br />
Có thể thấy, các yếu tố cấu thành của Phật giáo đều là sản phẩm tinh thần và vật chất<br />
do con người sáng tạo ra, chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả được lưu truyền hàng<br />
ngàn năm qua ở Việt Nam, xứng đáng được tôn vinh, bảo vệ và phát huy như một bộ phận<br />
trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.<br />
2. Nâng cao vai trò quản lí nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn<br />
hóa Phật giáo<br />
Cùng với quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, cả dân tộc (trong đó có<br />
tín đồ Phật giáo) phải đối mặt với những thách thức cam go đòi hỏi phải phát huy tối đa<br />
sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mới mong vượt qua được. Đó là môi trường sống của chúng<br />
Đặng Văn Bài. Vai trò quản lí Nhà nước… 25<br />
<br />
ta đang bị ô nhiễm nặng nề, nạn phá rừng tràn lan, khai thác thiếu trách nhiệm nguồn tài<br />
nguyên thiên nhiên của đất nước; phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc, mức độ chênh lệch<br />
về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền của đất nước ngày một tăng dần<br />
dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và bất an trong xã hội; bảng giá trị văn hóa truyền thống<br />
của dân tộc cũng phải chịu nhiều áp lực tiêu cực và bị biến đổi, khiến đạo đức bị xuống<br />
cấp, con người ta bị hút theo lối sống hưởng thụ mà không coi trọng các giá trị tinh thần<br />
cao đẹp do các thế hệ cha ông vun đắp hàng ngàn năm qua.<br />
Phật giáo với tư cách là bộ phận cấu thành hữu cơ trong văn hóa dân tộc, cũng đang<br />
phải đối mặt với các thách thức nêu trên, sự đối lập giữa tiến bộ và lạc hậu, tích cực và tiêu<br />
cực, nguy cơ bị phai nhạt các giá trị văn hóa đạo đức vốn có của Phật giáo. Vì vậy, trong<br />
quá trình tự thân vận động và phát triển, Phật giáo cần phát huy yếu tố tinh hoa, tiếp thu<br />
yếu tố mới, tiến bộ, từng bước khắc phục, loại bỏ yếu tố lạc hậu, tiêu cực để không ngừng<br />
hoàn thiện, cùng “đồng hành với dân tộc”, thực hiện nhiệm vụ “hộ quốc an dân” mới mong<br />
vượt qua được những thách thức do toàn cầu hóa đặt ra. Văn hóa đạo đức của Phật giáo<br />
hoàn toàn có khả năng chuyển hóa nhận thức và hành động của từng cá nhân theo hướng<br />
“từ bi và trí tuệ”. Một khi từng cá nhân trong xã hội nhận ra và thức tỉnh thứ “châu<br />
báu”/tính Phật trong tâm mình và cùng hiệp lực lại thành sức mạnh tinh thần của toàn xã<br />
hội, chúng ta hoàn toàn có khả năng ngăn chặn xu thế suy thoái đạo đức, loại bỏ dần mặt<br />
trái của nền kinh tế thị trường, tận dụng cơ hội do toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa quốc tế<br />
đưa lại cho đất nước ta. Có thể coi đây là phương thức phát huy giá trị di sản văn hóa Phật<br />
giáo trong đời sống xã hội hiện đại.<br />
Trong quá trình này, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, đưa ra<br />
các cơ chế phù hợp và hướng dẫn các hoạt động thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị văn<br />
hóa Phật giáo nói chung, di sản văn hóa phi vật thể và lễ hội Phật giáo nói riêng. Luật Di<br />
sản Văn hóa cũng có những điều khoản liên quan tới lễ hội văn hóa truyền thống (trong đó<br />
bao gồm cả lễ hội Phật giáo) được quy định riêng là: “Nhà nước tạo điều kiện duy trì và<br />
phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống thông qua các biện pháp sau đây:<br />
1. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội;<br />
2. Khuyến khích việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn<br />
với lễ hội;<br />
3. Phục dựng có chọn lọc nghi thức lễ hội truyền thống;<br />
4. Khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài về<br />
nguồn gốc, nội dung giá trị truyền thống tiêu biểu độc đáo của lễ hội”(3).<br />
Hạt nhân tâm linh làm nên đặc trưng trong lễ hội Phật giáo là Đức Phật Thích Ca<br />
được cộng đồng Phật tử tôn thờ một cách thành kính và thiêng liêng. Chính sự thành kính<br />
thiêng liêng và sự ngưỡng mộ của Phật tử đối với Đức Phật đã tạo ra biểu tượng văn hóa<br />
trong lễ hội Phật giáo, bởi vì: “Văn hóa là một tập hợp hệ thống các biểu tượng, quy định<br />
thế ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết<br />
26 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2013<br />
<br />
họ thành một cộng đồng riêng biệt”(4). Từ đây suy ra, Phật giáo cũng có những biểu tượng<br />
văn hóa mang đặc trưng cơ bản có giá trị điều chỉnh, chuyển hóa nhận thức và hành vi của<br />
Phật tử và công chúng trong xã hội. Có thể xác nhận một số đặc trưng sau đây:<br />
- Đức Phật Thích Ca và hệ thống giáo lí của Ngài là biểu tượng thiêng liêng thể hiện<br />
niềm tin, tình yêu thương đồng loại và khát vọng mà cộng đồng Phật tử lựa chọn như là<br />
điểm tựa tinh thần cũng như ý chí muốn thực hiện khát vọng đó.<br />
- Biểu tượng văn hóa Phật giáo về “từ bi hỉ xả”, “vô ngã vị tha” hay tinh thần nhập<br />
thế/“cư trần lạc đạo”, “hộ quốc an dân” do cộng đồng Phật giáo sáng tạo ra, đến lượt mình,<br />
biểu tượng văn hóa đó tác động tích cực vào từng Phật tử, được họ thừa nhận và tự giác<br />
tuân thủ các giá trị văn hóa đạo đức của Phật giáo.<br />
- Biểu tượng văn hóa Phật giáo cũng đa nghĩa, hàm chứa lượng thông tin đa chiều,<br />
cho phép các Phật tử được độc lập nhận thức và tự mình lí giải theo cách riêng. Điều đó<br />
làm cho biểu tượng văn hóa Phật giáo thấm sâu vào tâm hồn Phật tử và có sức lan tỏa rộng<br />
lớn trong xã hội.<br />
- Được nhìn nhận như một thứ “năng lượng tinh thần”, biểu tượng văn hóa Phật giáo<br />
có khả năng hướng con người tới sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Nhờ thế,<br />
biểu tượng văn hóa Phật giáo có vai trò liên kết cộng đồng Phật tử và các cộng đồng văn<br />
hóa khác trong phạm vi quốc gia dân tộc.<br />
Có thể làm sáng tỏ thêm giá trị biểu tượng văn hóa Phật giáo qua việc tìm hiểu một<br />
trong những lễ hội lớn nhất của Phật giáo là Lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng Bảy hằng<br />
năm. Thượng tọa Thích Phước Đạt quan niệm, Lễ Vu Lan “là ngày văn hóa tình người,<br />
người sống được an lạc, hạnh phúc vô biên; người chết thì tốc xả mê đồ, siêu sinh tịnh độ”.<br />
Suy cho cùng, Lễ Vu Lan cũng có nguồn gốc chung từ triết lí sống của người Việt “thương<br />
người như thể thương thân”. Nhờ triết lí sống như vậy, Việt Nam mới tạo ra được sức<br />
mạnh đại đoàn kết dân tộc để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược trong suốt chiều dài lịch<br />
sử hàng ngàn năm qua: khắc phục thiên tai, thích nghi với điều kiện tự nhiên để xây dựng<br />
và phát triển đất nước; chiến thắng ngoại xâm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quốc<br />
gia, giữ gìn độc lập tự chủ của đất nước. Với triết lí sống “thương người như thể thương<br />
thân”, người Việt Nam nói chung và Phật tử nói riêng tự giác chấp nhận quan niệm Phật<br />
giáo “Dẫu xây chín bậc phù đồ/Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Lễ Vu Lan<br />
được coi là ngày báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, từ tình thương họ hàng ruột thịt trở<br />
thành tình yêu thương đồng loại, chúng sinh với mong muốn cả cõi âm lẫn cõi dương đều<br />
được sống an lành. Thông qua việc thực hành nghi thức Lễ Vu Lan, các Phật tử hình thành<br />
ý thức tự chuyển hóa, hoàn thiện nhân cách theo đúng triết lí sống lâu đời của dân tộc cũng<br />
như giáo lí của đạo Phật.<br />
Tôi nghĩ rằng, nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng lòng dốc sức và có biện pháp<br />
tổ chức và hoàn thiện các nghi thức, nghi lễ và hoạt động Phật sự trong Lễ Vu Lan để biến<br />
Đặng Văn Bài. Vai trò quản lí Nhà nước… 27<br />
<br />
ngày rằm tháng Bảy trở thành lễ hội truyền thống của dân tộc, thì văn hóa đạo đức của Phật<br />
giáo sẽ càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên<br />
nghiên cứu xây dựng chương trình hành động hướng dẫn Phật tử thực hành các nghi thức<br />
trong Lễ Vu Lan không chỉ ở ngôi chùa mà còn ở từng gia đình Phật tử theo tinh thần của<br />
đạo Phật là “Phụng sự chúng sinh là cúng dường Tam Bảo”. Hi vọng trong tương lai, từ<br />
một nghi lễ Phật giáo cho cộng đồng Phật tử, được tôn vinh, nâng lên thành “Ngày văn hóa<br />
tình thương” của cả nước với biểu tượng cao đẹp là “Bông hồng cài áo”. Với phương thức<br />
như vậy, chắc chắn lễ hội Phật giáo sẽ có tác dụng ngăn chặn sự xuống cấp của văn hóa và<br />
suy thoái đạo đức trong xã hội, làm cho Phật tính nở rộ trong lòng người.<br />
Tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã được hiến định trong Điều 70 Hiến pháp năm 1992:<br />
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.<br />
Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo<br />
được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái<br />
pháp luật và chính sách của Nhà nước”(5).<br />
“Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” có nghĩa là,<br />
việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa Phật giáo (trong đó có lễ hội<br />
Phật giáo) nói riêng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng trước tiên cần nhấn mạnh<br />
vai trò quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Phật tử trong cả nước.<br />
Chúng ta đều biết, lễ hội Phật giáo là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của<br />
cộng đồng Phật tử. Trong lễ hội Phật giáo, các Phật tử được sinh hoạt trong một môi<br />
trường giáo dục lành mạnh theo hướng tự học, tự giáo dục, tự tìm thấy tính Phật/giác ngộ<br />
trong tâm mình. Đó là quá trình xã hội hóa mà cá nhân Phật tử liên tục chủ động học hỏi,<br />
lĩnh hội kiến thức văn hóa/giáo lí đạo Phật cũng như các bài học kinh nghiệm để làm giàu<br />
đời sống nội tâm, từng bước hoàn thiện nhân cách để hội nhập với xã hội, từ cá thể độc lập<br />
thành một thành viên gắn bó với cộng đồng Phật tử. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa/giáo<br />
hóa các Phật tử nói chung và thực hành lễ hội Phật giáo nói riêng đều được tổ chức trong<br />
khuôn viên ngôi chùa thờ Phật - không gian văn hóa tâm linh mang tính thẩm mĩ cao. Vì<br />
thế, việc duy trì, tôn vinh lễ hội Phật giáo cũng như Lễ Vu Lan không thể tách rời yêu cầu<br />
bảo vệ và phát huy giá trị của hệ thống chùa Phật trong cả nước với tư cách là bộ phận di<br />
sản văn hóa vật thể của Phật giáo - không gian văn hóa/nơi tiếp diễn các lễ hội Phật giáo.<br />
Yêu cầu nêu trên đòi hỏi phải thực hiện sáng tạo chủ trương xã hội hóa các hoạt động<br />
bảo tồn di sản văn hóa của Đảng và Nhà nước theo hướng:<br />
- Xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị trong ngôi chùa và lễ hội Phật giáo<br />
nhằm mục đích đưa di sản văn hóa Phật giáo tới cộng đồng Phật tử, giúp họ nhận diện và<br />
hưởng thụ giá trị văn hóa Phật giáo, tạo cho họ sự hứng khởi, khích lệ nguồn cảm hứng<br />
sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới, làm cho di sản văn hóa Phật giáo thực sự có ích cho<br />
cộng đồng và cuối cùng thu hút nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản<br />
văn hóa cũng như lễ hội Phật giáo.<br />
28 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2013<br />
<br />
- Trong quá trình xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo<br />
và lễ hội Phật giáo, Nhà nước không làm thay, nhất là không khoán trắng cho cộng đồng<br />
Phật tử mà chỉ đóng vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn hoạt động, đồng thời phải tăng<br />
cường đầu tư và tài trợ cho các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo.<br />
Tóm lại, Phật giáo nói chung và lễ hội Phật giáo nói riêng là bộ phận cấu thành hữu<br />
cơ của văn hóa Việt Nam và kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Vì thế, việc bảo tồn và phát<br />
huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo phải nhằm phục vụ con người cũng như các mục tiêu<br />
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đặc biệt là gắn với phát triển du lịch bền vững./.<br />
<br />
CHÚ THÍCH<br />
1<br />
. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (2012), Chiến lược phát triển văn hóa, thể dục thể thao, du lịch và gia<br />
đình đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 129.<br />
2<br />
. Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009: 32.<br />
3<br />
. Sách đã dẫn: 44.<br />
4<br />
. Mấy vấn đề về văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992: 164.<br />
5<br />
. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992, Hà Nội, 1992: 36.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (2012), Chiến lược phát triển văn hóa, thể dục thể thao, du lịch và gia<br />
đình đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.<br />
2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992, Hà Nội, 1992.<br />
3. Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.<br />
4. Mấy vấn đề về văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992.<br />
Summary:<br />
THE ROLE OF STATE MANAGEMENT IN PRESERVATION AND<br />
PROMOTION OF CULTURAL HERITAGE OF BUDDHISM IN VIETNAM<br />
<br />
Analyzing Buddhism under the angle of religion and culture with active characters<br />
such as the spirit of entry into the world, thought on freedom and humanity, the respect for<br />
human beings, confidence in creation of human beings, self- liberation, respect for equality<br />
and individual choice, the article highlights the important role of State in preservation and<br />
promotion of cultural heritage of Buddhism to develop economy and society including<br />
development of tourism in Vietnamese country.<br />
Key words: State management, preservation and promotion, Vietnamese Buddhism,<br />
cultural heritage of Buddhism, cultural symbol of Buddhism.<br />