Bài 8 trang 108 SGK GDCD 12
Tại sao để phát triển bền vững đất nước, Nhà nước phải quan tâm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường?
Hướng dẫn giải bài 8 trang 108 SGK GDCD 12:
Để phát triển bền vững đất nước, Nhà nước phải quan tâm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường vì:
- Pháp luật là công cụ quan trọng của Nhà nước để xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lí cần thiết , tạo ra sự phối hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
- Các quy định của pháp luật có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế những tác động xấu của con người trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ có hiệu quả môi trường…
- Pháp luật xác định trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức; hướng dẫn giáo dục công dân xử sự đúng pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lí nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...
- Pháp luật còn thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức đồng thời khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường.
Bài 9 trang 109 SGK GDCD 12
Hãy phân tích vai trò của pháp luật đối với việc bảo đảm quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hướng dẫn giải bài 9 trang 108 SGK GDCD 12:
- Để tăng cường quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, Nhà nước ban hành hệ thống các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lí như: Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự,...
- Nguyên tắc họat động quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia là huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và tòan dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia; phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, quốc phòng và đối ngoại; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và họat động xâm phạm an ninh quốc gia; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
- Pháp luật quy định củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ của toàn dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
Bài 10 trang 108 SGK GDCD 12
Điều 41 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”.
Em hiểu thế nào về quy định này?
Hướng dẫn giải bài 10 trang 108 SGK GDCD 12:
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân có nghĩa là:
- Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
- Vấn đề quốc phòng trở thành hoạt động của cả nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức.
- Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa khủng bố và các thế lực phản động quốc tế vẫn đang triển khai hàng loạt hoạt động chống lại nền hòa bình khu vực và thế giới, chống độc lập dân tộc và CNXH. Đấu tranh giữ gìn hòa bình của đất nước, khu vực và thế giới là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới theo như Hiến pháp quy định là đúng thực tiễn và quy luật khách quan.
- Vì vậy, bất kỳ ai, ở cương vị nào, là công dân Việt Nam cần hiểu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là quyền lợi, nghĩa vụ, vinh dự và trách nhiệm của mình. Mỗi tổ chức, cá nhân ở cương vị nào, trong hay ngoài nước cần có những việc làm thiết thực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện hoàn cảnh, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Bài 11 trang 108 SGK GDCD 12
Điều 10 Luật Xuất bản quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản gồm: ...tuyên truyền phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, hành vi tội ác,... Theo em, pháp luật quy định như vậy nhằm mục đích gì?
Hướng dẫn giải bài 11 trang 108 SGK GDCD 12:
Pháp luật quy định như vậy nhằm ngăn chặn mọi âm mưu và các hành động phá hoại của các thế lực chống đối, nhằm làm cho xã hội ổn định về chính trị, văn hoá với mục đích cuối cùng là đảm bảo an ninh cho đất nước để phát triển nền kinh tế đất nước và đời sống nhân dân.
Bài 12 trang 108 SGK GDCD 12
Chọn câu trả lời đúng trong các câu sau đây:
Quyền tự do kinh doanh của công dân có nghĩa là:
a. Mọi công dân đều có quyền thực hiện hoạt động kinh doanh.
b. Mọi công dân được hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng kí kinh doanh.
c. Công dân có thể kinh doanh bất kì ngành, nghề nào theo sở thích của mình.
d. Công dân có quyền quyết định quy mô và hình thức kinh doanh.
e. Chỉ được kinh doanh những mặt hàng đăng kí trong giấy phép kinh doanh.
Hướng dẫn giải bài 12 trang 108 SGK GDCD 12:
Đáp án: b, d và e
Bài 13 trang 108 SGK GDCD 12
Chọn một câu trả lời đúng trong các câu sau:
Luật Nghĩa vụ quân sự quy định độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình là:
a. Từ 18 tuổi đến 27 tuổi.
b. Từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi.
c. Từ 17 tuổi đến 27 tuổi
d. Từ đủ 17 tuổi đến 25 tuổi.
Hướng dẫn giải bài 13 trang 108 SGK GDCD 12:
Đáp án: b
Để tiện tham khảo nội dung tài liệu, các em vui lòng đăng nhập tài khoản trên website tailieu.vn để download về máy. Bên cạnh đó, các em có thể xem phần giải bài tập của:
>> Bài tập trước: Hướng dẫn giải bài 1,2,3,4,5,6,7 trang 107 SGK GDCD 12
>> Bài tập sau: Hướng dẫn giải bài 14 trang 109 SGK GDCD 12