
Quản lý dự án CNTT: nên theo cách nào?
Những vấn đề của quản lý dự án CNTT
Dự án là tập hợp các hoạt động và hạng mục, được lập ra nhằm đạt một số kết quả nhất định, trong
một giới hạn về thời gian, nguồn lực tài chính, nhân sự. Khác với dự án xây dựng (XD) hay mua sắm mà
kết quả có thể được mô tả bằng sơ đồ, bảng vẽ cụ thể; mục tiêu cuối cùng của dự án ứng dụng CNTT
rất khó hình dung vì là sản phẩm, quy trình phi vật thể, sử dụng trí tuệ của con người, chỉ cho kết quả
khi được áp dụng thực tiễn.
Những năm qua, trừ một số dự án CNTT có nội dung “cứng” (như XD hạ tầng, mua sắm thiết bị phần
cứng), rất nhiều dự án CNTT có nội dung “mềm” (như XD phần mềm (PM), tạo lập website, cơ sở dữ
liệu, tin học hóa các quy trình quản lý (QL)…) sử dụng ngân sách đã bị rơi vào tình trạng bế tắc ngay từ
khi chuẩn bị, trình phê duyệt, cho tới các bước triển khai, đánh giá hiệu quả, nghiệm thu và thanh quyết
toán.
Để phá vỡ bế tắc trong triển khai dự án CNTT, các cơ quan QL nhà nước ở cấp cao nhất đang xem xét
áp dụng các quy định mới về dự án CNTT, hướng dẫn thủ tục lập và phê duyệt dự án CNTT dựa trên các
định mức và bảng dự toán chuyên ngành. Các bộ ngành và địa phương trong khi chờ đợi hướng dẫn
chung đã phải tự thân “vận dụng” một số quy định khá lỗi thời (như nghị định 52) hoặc nghị định 16 (mới
ban hành) để áp dụng cho công tác QL dự án CNTT.
Bài viết “triển khai dự án ứng dụng CNTT: Vì sao bế tắc” đăng trên TGVT-PCW B số 01/2006, đã đề
cập khá chính xác một số bất cập trong cơ chế QL dự án CNTT hiện nay, nhưng xem ra bản chất của
vấn đề này vẫn chưa được làm sáng tỏ (nếu chỉ dừng lại ở việc chọn phương thức QL dự án CNTT theo
kiểu “tiền kiểm” hoặc “hậu kiểm”).
Tại Tp.HCM, sau một thời gian XD khá nhiều dự án ứng dụng CNTT có quy mô, gây nhiều tranh cãi,
hiện nay cơ quan QL chuyên ngành đã ngưng XD dự án theo định mức, chuyển phần lớn dự án thành
các công việc và hạng mục, sử dụng ngân sách thường xuyên. Tuy nhiên khi đánh giá cách làm theo
kiểu “hậu kiểm” này, tác giả bài viết nói trên lại cho rằng “chỉ [nên] áp dụng cho các dự án nhỏ gọn…
đối với các dự án lớn được “xẻ nhỏ” đến tận cấp quận, huyện thậm chí phường, xã… thì cách làm này
xem ra không ổn về lâu dài. Việc chia các dự án manh mún ra sẽ khó QL, dẫn tới vấn đề tương thích
khi phải tích hợp các ứng dụng và nhất là sẽ lãng phí, trùng chéo vô kể”.
Nhưng có thể tác giả đã tự mâu thuẫn với chính mình khi đề nghị cần sớm “áp dụng chế độ hậu kiểm,
làm xong mới quyết toán theo thực chi, là phù hợp với những lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị vô hình, cần
mềm dẻo sáng tạo trong quá trình triển khai. Hơn nữa, khi “hậu kiểm” có thể áp dụng các tiêu chuẩn
đánh giá hiệu quả một cách sát sao với thực tế là điều mà cơ chế “tiền kiểm” đang rất yếu”.