
1
SINH LÝ BỆNH GAN MẬT
(2 tiết)
Mục tiêu
1. Trình bày được nguyên nhân gây rối loạn chức năng gan.
2. Trình bày được các rối loạn chức năng khi suy gan.
3. Trình bày được cơ chế bệnh sinh của hôn mê gan.
4. Trình bày được cơ chế bệnh sinh của xơ gan.
Nội dung
Gan là tạng đặc lớn nhất trong cơ thể. Về cấu trúc, gan chỉ gồm 2 loại tế bào:
tế bào nhu mô gan và tế bào Kupffer (thuộc hệ liên võng nội mạc); có 2 hệ thống
mạch xen kẽ: mạch máu và các ống mật. Gan đảm nhiệm nhiều chức năng quan
trọng và phức tạp. Gan đứng ở vị trí cửa ngõ, nối liền ống tiêu hoá với toàn bộ cơ
thể, nên dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Các chức năng của gan có mối liên
quan với nhau rất chặt chẽ, rối loạn chức năng này kéo theo các rối loạn chức
năng khác và làm cho hình ảnh bệnh lý trở nên phức tạp. Một đặc điểm nữa không
kém phần quan trọng là các tế bào gan có khả năng hoạt động bù và tái sinh rất
mạnh mẽ, do vậy khi cắt bỏ 70% hay 80% gan, vẫn chưa thấy biểu hiện suy gan.
Cũng do vậy, chẩn đoán sớm bệnh gan không dễ, mặc dù hiện nay có nhiều kỹ
thuật và phương tiện xét nghiệm hiện đại.
1. NGUYÊN NHÂN GÂY RỐI LOẠN CHỨC NĂNG GAN
1.1. Nguyên nhân gây rối loạn chức năng gan
1.1.1. Nguyên nhân bên ngoài
1.1.1.1. Nhiễm virus
Virus viêm gan (hepatitis virus) gồm các loại HAV, HBV, HCV, HDV,
HEV, HGV. Ở Việt Nam, HBV và HCV là virus gây viêm gan phổ biến nhất.
HAV, HBV, HCV, HEV có thể gây viêm gan cấp tính. HBV và HCV có thể tiến
triển mạn tính, liên quan chặt chẽ tới xơ gan, ung thư gan. HDV luôn đi cùng
HBV. Các loại virus khác như EBV (Epstein Barr Virus), Cytomegalo virus,
Herpes virus cũng có thể gây tổn thương gan.
1.1.1.2. Nhiễm vi khuẩn
Vi khuẩn có thể gây viêm gan mạn tính và xơ gan là E.coli, lao, giang mai…
1.1.1.3. Nhiễm ký sinh trùng
Sốt rét (gây tan huyết, do vậy sắt dễ tích đọng trong gan), sán lá gan và giun
(tạo kén, gây tắc hẹp tĩnh mạch trên gan làm mô xơ phát triển trong gan).