
Vũ Văn Nghị
Atlas tài nguyên nước Việt Nam
2 ATLAS TÀI NGUYÊN NƯỚC VIỆT NAM
2.1 Bản đồ địa hình
Địa hình của Việt Nam phần lớn là đồi núi, rất đa dạng và phức tạp, mặc dù lãnh thổ
không lớn lắm. Đây là kết quả của ảnh hưởng tương hỗ giữa các hoạt động kiến tạo, kết
cấu địa chất, đá mẹ và cấu tạo của trái đất. Địa hình vừa chịu ảnh hưởng quá trình ngoại
sinh của khu vực nhiệt đới gió mùa và cả bề dày lịch sử tác động của con người. Theo
nguồn gốc, có thể chia Việt Nam theo hai nhóm địa hình: một nhóm là các dãy núi và
các khối núi (được tạo ra từ các hoạt động kiến tạo) và một được hình thành từ sự xói
mòn các rãnh, các phễu đá vôi và liên hệ mật thiết với các yếu tố khí hậu.
Việt Nam, đồi núi chiếm khoảng 66% diện tích toàn quốc, trong đó những vùng núi cao
trên 500 m chiếm khoảng 30% lãnh thổ. Phía Bắc và Tây cơ bản là núi và cao nguyên,
phía Đông và Nam chuyển dần thành đồi và đồng bằng.
Hai đồng bằng lớn nhất Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu
Long (Mekong). Bề mặt của các đồng bằng khá bằng phẳng, cao từ 1 đến 9 m so với
mực nước biển. Tốc độ hình thành các vùng đồng bằng rất lớn, có nơi đạt được 50 – 100
m một năm. Ngoài đồng bằng sông Mã, một đồng bằng châu thổ nhỏ, thì các đồng bằng
khác ở miền Trung Việt Nam thường nhỏ hẹp và được nối với nhau do quá trình kết hợp
của sông, biển và gió.
2.2 Bản đồ hành chính cấp tỉnh
Việt Nam được phân chia thành 61 tỉnh thành (Nguồn Tổng cục Địa chỉnh năm 1998).
Mỗi tỉnh, thành được chia thành nhiều quận huyện và mỗi quận huyện lại bao gồm
nhiều xã phường. Ở cấp tỉnh cũng như cấp huyện và cấp xã, các Hội đồng Nhân dân các
cấp tương ứng là nơi có quyền lực cao nhất và là cơ quan chính sách, lãnh đạo ở địa
phương đó. Tại mỗi cấp, Ủy ban Nhân dân đóng vai trò cơ quan hành pháp thay mặt cho
Hội đồng Nhân dân giữa các kỳ họp hàng năm.
Đối với các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, Ủy ban Nhân dân Tỉnh chịu trách
nhiệm, về mặt hành chính, cho những hoạt động hàng ngày bao gồm những hoạt động
của các công trình trong tỉnh như hồ chứa, đập của hệ thống tưới, kênh và các công trình
tiêu nước. Ủy ban Nhân dân tỉnh phải quản lý và khai thác các công trình này phù hợp
với kế hoạch và thủ tục về ngân sách của nhà nước.
2.3 Bản đồ lưu vực sông chính
Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt và được chia thành nhiều lưu vực. Có tất cả
23.600 con sông có dòng chảy thường xuyên và độ dài lớn hơn 10 km; 7 lưu vực có
diện tích lớn hơn 10.000 km2, đó là các lưu vực: Mekong, Hồng, Cả, Đồng Nai, Ba, Bắc
Giang – Kỳ Cùng, và Thu Bồn. Các lưu vực sông này chiếm khoảng 80% diện tích đất
toàn lãnh thổ.
Hai lưu vực sông lớn nhất là lưu vực sông Cửu Long (Mekong) và lưu vực sông Hồng,
đây là những lưu vực sông quốc tế, cả hai đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Miền Trung
Việt Nam là vùng duyên hải nhỏ hẹp nên các lưu vực sông cũng nhỏ. Từ vùng núi cao
nước sông đổ xuống các vùng đồng bằng nhỏ ven biển.