Canh chua mồng tơi
Những cây mồng tơi không rõ trồng từ khi nào, leo
nặng trĩu những hàng rào tre khô, hay những hàng
rào xanh có cây tu hú quả tím đỏ, ăn chát mà bùi
bùi. Lá mồng tơi xanh mỡ màng, ở nách lá mọc ra
những cành hoa bụ bẫm màu trắng phơn phớt tím.
Quả mồng tơi chín tím mọng là đồ chơi của trẻ con;
bọn con trai thì cầm cả vốc ném vào người nhau,
khiến quần áo, mặt mũi tím tèm lem, bọn con gái thì
dầm ra làm “mực mồng tơi”.
Mùa hè, sau mỗi trận mưa rào là ngọn mồng tơi lớp
lớp lên xanh mơn mởn, ngọn mảnh mai chứ không
mập mạp như những ngọn mồng tơi bán ở chợ bây
giờ, mà lá cũng chỉ nhỉnh hơn lá rau ngót một chút. Mồng tơi nấu canh chua ngon nhất phải là những ngọn mồng
tơi bánh tẻ, ngọn nhỏ, lá bé. Mồng tơi bán ở chợ non và nhiều lá quá, nấu canh chua dễ bị nát và có vị hơi nồng.
Canh chua nấu với ốc hay tôm tép giã nhỏ cũng
ngon, nhưng ngon nhất là nấu với chạch hay cá rô
đồng. Cá rô đồng, luộc sơ với chút muối, gỡ lấy phần
thịt bỏ riêng, phần đầu và xương cá giã lọc lấy nước
nấu canh. Thịt cá xào với chút nước mắm. Nước sôi
thì cho thịt cá và mẻ đã lọc. Đợi nước sôi lại thì cho
rau mồng tơi thái thật nhỏ, nếu thích có thể thêm rau
nhút hoặc rau ngổ hương (ngò ôm). Khi mồng tơi
chuyển sang màu vàng dịu là canh đã chín.
Canh mồng tơi ăn nóng, bát canh ngon có màu vàng
nhạt, điểm thêm những hạt trứng cá vàng ươm, có
mấy cọng rau ngổ xanh ăn kèm với ớt chỉ thiên cay
xé lưỡi. Canh có vị thơm ngọt của cá, vị chua dịu của
mẻ, mùi thơm hoà quyện của mẻ, mồng tơi, và cá.
(Theo Báo Sài Gòn Tiếp Thị)