intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hội hoạ thời tiền sử và chúng ta

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

97
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Môtíp khắc trên vách động ở Gavrinis, Bretagne (Pháp) Với những phát hiện gần đây nhất của các ngành khảo cổ học và tiền sử học ở Úc châu và nam Phi châu (Tanzanie), niên đại của những biểu hiện đầu tiên của nghệ thuật thời tiền sử đã được xác định vào khoảng 50 000 năm. Thời tiền sử chấm dứt khi con người có chữ viết, cách đây hơn 5000 năm ở Ai Cập và Lưỡng Hà. Nhờ có chữ viết mà con người truyền đạt được cho nhau những ý tưởng, và ghi lại được lịch sử...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hội hoạ thời tiền sử và chúng ta

  1. Hội hoạ thời tiền sử và chúng ta Văn Ngọc Môtíp khắc trên vách động ở Gavrinis, Bretagne (Pháp) Với những phát hiện gần đây nhất của các ngành khảo cổ học và tiền sử học ở Úc châu và nam Phi châu (Tanzanie), niên đại của những biểu hiện đầu tiên của nghệ thuật thời tiền sử đã được xác định vào khoảng 50 000 năm. Thời tiền sử chấm dứt khi con người có chữ viết, cách đây hơn 5000 năm ở Ai Cập và Lưỡng Hà. Nhờ có chữ viết mà con người truyền đạt được cho nhau những ý tưởng, và ghi lại được lịch sử của mình. Điều đáng làm cho ta phải kinh ngạc, là từ lúc con người hiện đại (homo sapiens) biết khắc vẽ lên vách đá, vỏ cây, hay xương thú, cho đến lúc tìm ra được chữ viết, nhân loại đã phải trải qua 45 000 năm ! Hiện tượng này cho ta thấy rằng, nếu khắc, vẽ, là những khả năng gần như bẩm sinh của người hiện đại cách đây 50 000 năm, thì việc sáng tạo ra chữ viết đối với họ đã không phải là một chuyện dễ dàng. Phải chăng vì ngôn ngữ viết, không như ngôn ngữ vẽ, là cả một công trình tập thể, ngay từ đầu đã đòi hỏi những quy tắc chặt chẽ, phức tạp, mà mọi người phải tuân theo, và nhất là nó cần thời gian để kiểm nghiệm và đi đến một sự đồng thuận. Mặt khác, nó cũng cho ta thấy rằng, ngay từ đầu, ngôn ngữ tạo hình đã có một cuộc sống độc lập với các khái niệm trừu tượng của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, mặc dầu khi vẽ con bò tót, chắc hẳn người tiền sử cũng đã biết gọi tên nó trong một ngôn ngữ nói sơ khai.
  2. Rõ ràng, ngôn ngữ tạo hình đã được con người sử dụng từ rất sớm. Nhưng nó không phải là một ngôn ngữ giao tiếp, vì nó thiếu tất cả những yếu tố cho phép con người có thể trao đổi tư tưởng được với nhau. Vậy thì những hình vẽ trên vách đá, hay trên xương thú, của người tiền sử đã được thực hiện với những mục đích gì ? Cho đến nay, người ta vẫn không thể nào khẳng định một cách chắc chắn được, mà chỉ có thể đưa ra những giả thuyết. Những cái nôi của nghệ thuật thời tiền sử Ở Âu châu, nghệ thuật tiền sử xuất hiện cách đây khoảng 35 000 năm, cùng một lúc với sự có mặt của người hiện đại (homo sapiens), từ Phi châu di cư sang Á châu, rồi từ Á châu đi tiếp sang Âu châu, Úc châu và Mỹ châu. Người ta đã phát hiện được khoảng 500 000 bức bích hoạ tại 70 000 di chỉ nằm rải rác ở 160 nước trên thế giới (theo Emmanuel Anati, Aux origines de l'Art, Ed. Fayard, 2003). Đấy là chỉ nói riêng về những hình khắc, vẽ, trên vách đá trong các hang động, chứ chưa kể những hình khắc, vẽ, trên xương thú, vỏ cây, hoặc trên các hòn cuội, hòn sỏi, và những tác phẩm của các bộ tộc nguyên thuỷ, mà hậu duệ là những thổ dân châu Úc và châu Phi hiện vẫn còn tồn tại. Hình bò tót trên vách động Chauvet, Ardèche (Pháp) niên đại -34 000 năm Nhận xét đầu tiên, là hầu hết những nơi mà người ta phát hiện ra những tác phẩm nghệ thuật thời tiền sử đều nằm ở những vùng sa mạc, hoặc bán sa mạc, hoang vu, hẻo lánh, ít người lui tới. Có lẽ vì đó là những vùng mà các bộ tộc săn bắn sơ khai đã từng phải đi qua vì nhu cầu sinh tồn. Những nơi ít có di chỉ nghệ thuật thời tiền sử là những vùng Bắc cực rộng lớn thuộc Xibêri, Gia Nã Đại, từ xưa vẫn ít người ở, hoặc những vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, rừng cây quá rậm
  3. rạp như vùng Amazonie ở Brasil, vùng châu thổ sông Công gô ở Phi châu, hoặc vùng Đông Nam Á, nơi mật độ dân cư và sinh thực vật cao. Ngược lại, những vùng nhiệt đới nhiều rừng, thì lại có nhiều tác phẩm nghệ thuật của các bộ tộc, những tác phẩm được khắc vẽ trên gỗ, vỏ cây, xương thú, da thú, v.v. Một hiện tượng đáng chú ý nữa, là ở Úc châu, mặc dầu phía bắc là phía con người xâm nhập trước tiên vào lục địa này, nhưng những tác phẩm nghệ thuật cổ nhất thì lại tìm thấy trong các hang động ở Koonalda, ở Tasmanie, là những nơi ở vùng cực nam. Dường như đó là những nơi mà người tiền sử, trong cuộc hành trình không mệt mỏi của mình, đã phải dừng lại, vì không còn thể đi tới được nữa. Ở Argentina người ta cũng gặp một hiện tượng tương tự: những tác phẩm hội hoạ của những bộ tộc săn bắn ở vùng sông Pinturas và vùng nam Pantagonie cũng nằm ở những nơi rất xa xôi, hẻo lánh. Ở Phi châu, những tác phẩm nghệ thuật của các bộ tộc săn bắn bằng cung nỏ, là những bộ tộc tiến bộ nhất đương thời, đều có nhiều ở vùng cực nam lục địa (ngày nay là nước Cộng hoà Nam Phi), nơi không thể đi xa hơn được nữa, trong khi các tác phẩm của những bộ tộc săn bắn bằng công cụ sơ khai thì lại thấy lẻ tẻ ở vùng Tanzanie và Namibie. Người ta còn có một nhận xét nữa, là những địa điểm có nhiều di chỉ nghệ thuật tiền sử đều nằm xa những trục giao thông, và gần những dòng sông, dòng suối. Xem như vậy, trình độ văn minh, trình độ kỹ thuật, của các bộ tộc nguyên thuỷ, cũng như môi trường, cảnh quan, ở những nơi họ đi qua, đã có một ảnh hưởng nhất định đến khả năng sáng tác và trình độ nghệ thuật của họ. Ý nghĩa và mục đích của các hình vẽ trên vách đá Nhìn ngắm những bức bích hoạ trong các hang động, đôi khi được vẽ một cách rất «nghệ thuật» và rất hiện thực, người ta thường tự hỏi không biết người nguyên thuỷ, với trình độ văn hoá sơ khai của mình, đã làm thế nào để thực hiện được những tác phẩm đó, và họ vẽ những hình thú vật đó là với mục đích gì? Có phải là vì mục đích văn hoá, giải trí, tín ngưỡng, hay chỉ vì một mục đích thực dụng, như cầu đảo cho những cuộc đi săn ? Dẫu sao, những hình vẽ và những ký hiệu trên các vách đá cũng là những tấm gương phản ánh một số khía cạnh đời sống tinh thần và vật chất của người xưa. Để tìm hiểu, và rút ra những bài học cần thiết, con người ngày nay chỉ có thể đưa ra những giả thuyết, chứ không thể nào khẳng định được điều gì. Nghệ thuật vốn đã là cả một sự bí mật, huống hồ lại là nghệ thuậtthời tiền sử !
  4. Hình báo trên vách động Chauvet, Ardèche (pháp), niên đại -34 000 năm Những người đầu tiên đã đặt nền móng cho việc tìm hiểu ý nghĩa và mục đích của nền nghệ thuật này, là các nhà tiền sử học Pháp ở cuối thế kỷ XIX, sau khi một loạt di chỉ quan trọng đã được khám phá ở Altamira (-13 000 năm), vùng bờ biển bắc Tây Ban Nha; ở Lascaux (-17 000 năm), và Chauvet (-34 000 năm), vùng Dordogne và Ardèche (miền nam nước Pháp). Ngay từ giữa thế kỷ XIX, đã có nhiều giả thuyết về vấn đề này. Giả thuyết đầu tiên thiên về quan niệm «nghệ thuật vị nghệ thuật», cho rằng nghệ thuật của người tiền sử hoàn toàn nhằm mục đích thẩm mỹ. Những người chủ trương thuyết này là: Edouard Lartet (1801- 1871), Edouard Piette (1827-1906) , Gabriel de Mortillet (1821-1898) và Edouard Cartailhac (1845-1921). Cả bốn nhà tiền sử học này đều cho rằng người hiện đại (homo sapiens) có khả năng cảm xúc, và có nhu cầu giải trí. Quan điểm này rất «hiện đại», ở chỗ nó nhìn nhận mục đích và đối tượng của nghệ thuật trước hết là chính nó, chứ không phải cái gì khác ở đằng sau. Salomon Reinach (1858-1932), một nhà tiền sử học khác, lúc đầu cũng tin vào thuyết «nghệ thuật vị nghệ thuật», sau đưa ra giả thuyết cho rằng các hình vẽ trên vách đá có thể đã có nguồn gốc từ một tín ngưỡng nguyên thuỷ, và có một phép mầu nào đó lên việc săn bắn, cũng như lên sự sinh con đẻ cái của người phụ nữ. Năm 1906, Henri Begouen (1863-1956) và linh lục Henri Breuil (1877-1961) lấy lại giả thuyết này, và nhấn mạnh vào khía cạnh yểm bùa trong các cuộc săn thú.
  5. Năm 1924, Louis Capitan (1854-1929) và Jean Bouyssonie (1877-1965) đưa ra giả thuyết cho rằng hang động là những nơi thờ cúng, và người tiền sử vẽ trên vách đá để trang trí nơi thờ cúng của mình, cũng như thể người các đời sau trang trí các ngôi nhà thờ, hay đền thờ. Năm 1926, Georges-Henri Luquet (1876-1965), một nhà tâm lý học, so sánh những bức vẽ của người tiền sử với tranh vẽ của trẻ em, và đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa những ký hiệu do trẻ em hay người tiền sử vẽ ra không có chủ đích, và những ký hiệu vẽ ra với một nội dung ý nghĩa nhất định, dựa theo những hình ảnh có ở trước mắt, hay ở trong đầu. Thuyết này đã được nhiều người ủng hộ, nhất là các học giả ở Mỹ thời ấy. Tuy nhiên, điều mà Luquet không để ý phân biệt, là sự khác nhau về mặt động cơ, cũng như về mặt trình độ văn hoá, giữa một bên là trẻ thơ và một bên là những người nguyên khai, dẫu sao cũng đã có những trải nghiệm và dụng tâm nhất định. Nhất là, những hình vẽ trên vách đá rất có thể là tác phẩm của những nghệ sĩ đích thực, chứ không phải là do bất cứ người tiền sử bình thường nào thực hiện. Chỉ cần nhìn kỹ những hình vẽ này và những hình vẽ của trẻ em, cũng có thể thấy được rằng tác giả của những bức vẽ thú vật thời tiền sử có một khả năng quan sát cao hơn nhiều so với một trẻ em, và khả năng diễn đạt bằng hình vẽ của họ đôi khi cũng đạt đến mức điêu luyện của một hoạ sĩ có tài. Không nói gì đến đức tính kiên nhẫn và cần cù đòi hỏi ở một người nghệ sĩ, để thực hiện những tác phẩm đôi khi rất đồ sộ. Luquet cho rằng sự ham mê sáng tạo của người tiền sử là do một sự thôi thúc nội tâm: đó là nhu cầu xác định sự giống nhau của vật này với vật khác, nhu cầu biến những hình ảnh ảo ở trong đầu thành hình ảnh cụ thể. Đó cũng là nhu cầu giải đáp những câu hỏi, thắc mắc, mà người tiền sử, cũng như đứa trẻ thơ đặt ra. Chính nhu cầu này đã dẫn đến ý tưởng thể hiện sự vật bằng ký hiệu và hình vẽ. Điều thú vị, đối với chúng ta ngày nay - mặc dầu đây cũng chỉ là một giả thuyết - là chính cái sự thôi thúc nội tâm cần thiết cho người nghệ sĩ đó, con người đã từng có ngay từ buổi bình minh của nghệ thuật. Ắt hẳn đó phải là một «thuộc tính» không thể nào không có được của người nghệ sĩ và độc lập với những khả năng khác của con người. Đến năm 1940, Annette Laming-Emperaire và André Leroi-Gourhan lại đưa ra một giả thuyết mới. Đó là thuyết cấu trúc, dựa theo đó, ông cho rằng chính các động đá mới là đối tượng cần chất vấn, các hình vẽ chỉ là những yếu tố phụ. Người tiền sử không vẽ ở bất cứ địa điểm nào, mà ngược lại chọn lựa rất kỹ càng nơi chốn, môi trường không gian, và vách đá để vẽ. Năm 1960, Annette Laming-Emperaire, học trò của André Leroi-Gourhan, đưa ra giả thuyết về ý nghĩa thần thoại của các hình vẽ trên vách đá. Các hình vẽ này ghi lại những truyền thống nguyên thuỷ, như những hình ảnh ngợi ca các nhân vật của bộ lạc, hay những vật tổ. Năm 1965, dựa trên những công trình nghiên cứu của Annette Laming-Emperaire, André Leroi-Gourhan đưa ra giả thuyết về ý nghĩa tượng trưng giới tính của các hình vẽ trên các vách đá, và cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng Thời tiền sử của nghệ thuật phương Tây . Bắt đầu từ giữa thế kỷ XX trở đi, việc nghiên cứu ý nghĩa của nghệ thuật thời tiền sử không còn là độc quyền của các nhà tiền sử học Tây Âu nữa. Năm 1960, Alexander Marshack, một người Mỹ gốc Trung Âu, đưa ra nhận xét về những con số xung quanh các hình vẽ trên vách đá, và cho rằng đó là một cách tính lịch, hoặc tính thời gian.
  6. Năm 1967, Andreas Lommel, một nhà dân tộc học, lần đầu tiên vừa dựa vào những hình vẽ trên vách đá, vừa dựa vào những tác phẩm nghệ thuật của các bộ tộc, và đưa ra giả thuyết về nguồn gốc thờ cúng của chúng. Theo ông, những hình vẽ này không thể hiện các con thú vật, mà linh hồn của chúng, và những linh hồn này chỉ hiện lên dưới ánh sáng của những ngọn đuốc do người thày cúng đốt lên trong hang động. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, ở California, Marija Gimbutas, một nhà khảo cổ học, đưa ra giả thuyết về tục thờ «thánh Mẫu» của những bộ tộc săn bắn nguyên khai, và cho rằng tục này đã đóng một vai trò nào đó trong những hình vẽ phụ nữ và bộ phận sinh dục trên các vách đá. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều giả thuyết, và không thể nào khẳng định được rằng nguồn gốc duy nhất của nghệ thuật thời tiền sử là tục thờ «thánh Mẫu», hay tục thờ bộ phận sinh dục của người phụ nữ, nhất là khi người ta biết rằng khái niệm «thần thánh» phải mãi đến mấy chục ngàn năm sau con người mới sáng tạo ra được. Tượng Vệ nữ ở Laussel, Dordogne (Pháp) Xem như vậy, con người hiện đại (homo sapiens), trong 45 000 năm không có chữ viết, đã chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, và đã chỉ để lại cho hậu thế những tác phẩm khắc hoạ trên vách đá và trong các hang động. Đó là những tác phẩm nghệ thuật, hiểu theo nghĩa rộng, nhưng chưa phải là một ngôn ngữ tạo hình như ta hiểu ngày nay, bởi vì nó thiếu ở đằng sau cả một cấu trúc để diễn đạt tư tưởng. Nó thiếu một yếu tố quan trọng nữa là kịch bản để có được một chức năng thông tin và giáo dục. Hành trình nghệ thuật của người tiền sử
  7. Emmanuel Anati, trong tác phẩm La Religion des Origines , NXB Bayard, 1999 (nguyên tác tiếng Y, xuất bản năm 1995), đưa ra giả thuyết cho rằng, thoạt đầu chỉ có một tín ngưỡng nguyên thuỷ, một ngôn ngữ nói duy nhất, và nghệ thuật đã ra đời trong bối cảnh đó, tuỳ thuộc vào cùng một số điều kiện kinh tế và văn hoá, trước khi người hiện đại (homo sapiens) từ cái nôi là miền nam Phi châu di cư đi khắp mọi nơi. Người hiện đại lúc này đã đạt tới một trình độ cảm xúc và nhận thức cao, đã có một khả năng phản ứng với ngoại giới và truyền đạt ý tưởng của mình với người khác bằng một ngôn ngữ nói sơ khai. Có nhiều biểu hiện cho phép nghĩ rằng người hiện đại đã có những cảm xúc thẩm mỹ. Các nhà tiền sử học cho rằng nghệ thuật đã phát triển cùng với những hoạt động tín ngưỡng, cả hai đều tuân theo cùng một quy luật lô gích. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, nghệ thuật thời tiền sử đều thuộc cùng một thể loại, có cùng một số chủ đề, và cùng một phong cách thể hiện. Ngôn ngữ tạo hình của nó tuân theo cùng một lô gích, và có cùng một cấu trúc. Nhờ ở óc tò mò bẩm sinh, người hiện đại luôn luôn muốn tìm hiểu thế giới tự nhiên và thế giới nội tâm của mình. Cuộc di dân tới những vùng đất mới có thể đã bắt nguồn từ tâm thức đó, cũng như từ sự phát triển về mặt kỹ năng (hành trình của các bộ tộc săn bắn bằng cung nỏ, từ các vùng Namibie, Tanzini, di chuyển xuống tới vùng Nam Phi ở cực nam lục địa này). Nếu nghệ thuật ở thời kỳ săn bắt sơ khai (có niên đại khoảng từ -16 000 đến -10 000 năm) còn giữ được nguyên vẹn những đặc tính chung của nghệ thuật thời tiền sử trên khắp thế giới, vốn có cùng một nguồn gốc, thì ở thời kỳ săn bắn bằng cung nỏ (có niên đại khoảng từ -14 000 đến - 10 000 năm), nó đã bắt đầu mang những nét địa phương. Ở thời kỳ hái lượm, nghệ thuật bắt đầu tuân theo những quy tắc của từng vùng văn hoá. Đến cuối thời kỳ hái lượm bước sang thời kỳ chăn nuôi và trồng trọt (khoảng -10 000 năm), thì nghệ thuật hoàn toàn mang những nét địa phương rõ rệt, mặc dầu một số mẫu số chung vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Hội hoạ thời tiền sử nhìn với con mắt người ngày nay Đối với chúng ta ngày nay, nghệ thuật thời tiền sử trước hết có một giá trị lịch sử vô cùng quý báu. Mặc dầu không giải thích được những bí ẩn của sự sáng tạo nghệ thuật, song nó cũng cho ta thấy được những hoạt động nghệ thuật đầu tiên của con người lúc sơ khai. Hãy tưởng tượng, trước đây 50 000 năm, hay hơn nữa, đã có một lúc con người chưa biết đến một nét vẽ, một hình khối, do bàn tay mình sáng tạo ra, mà chỉ biết ghi nhận những gì có trong thế giới tự nhiên. Nhà triết học Pháp, Merleau-Ponty đã có một câu nói đầy ý nghĩa: «Depuis Lascaux la main célèbre l'énigme de la visibilité » (Lascaux là một trong những động đá nổi tiếng đầu tiên mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra ở miền nam nước Pháp, trong đó có nhiều bức hoạ thú vật rất đẹp của người tiền sử). Quả là những hình khắc, vẽ của người xưa trên các vách động, là cả một sự bí ẩn, một phép mầu, khi ta nghĩ rằng trước đó, vách đá chỉ là vách đá tự nhiên, hoang dại, kịp đến khi con người có cái gì để nói, và đã tìm được cách để nói ra bằng hình tượng cụ thể. Đó là phương thức đầu tiên mà con người tìm ra được để truyền đạt một ý nghĩ, để biến một hình ảnh ảo thành hình ảnh thực. Đó còn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhân chứng, ngang hàng với bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào, thuộc bất cứ một thời kỳ nghệ thuật nào, trong một viện bảo tàng.
  8. Những hòn cuội ở Mas d'Azil, Ariège (Pháp) Điều quan trọng mà chúng tiết lộ cho chúng ta biết – mặc dầu điều này ngày nay chúng ta cũng đã biết – là : nghệ thuật không phải là một khái niệm bất di bất dịch, mà luôn luôn thay đổi tuỳ theo trình độ nhận thức của con người về thế giới xung quanh, tuỳ theo quan niệm về nghệ thuật ở từng thời kỳ. Người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết về ý nghĩa, mục đích, của những hình vẽ trên các vách đá của người tiền sử. Có thể chúng còn che dấu nhiều điều bí ẩn, mà các nhà khảo cổ học và tiền sử học chưa khám phá ra hết được, do còn thiếu yếu tố để kiểm chứng. Song, cũng có thể là chúng không che dấu gì hết cả ở đằng sau. Có thể chúng chỉ là những hình vẽ rất hồn nhiên, nhằm đáp ứng một nhu cầu giải trí , một thôi thúc bản năng, những hình vẽ không có chủ đích, không có kịch bản, không nhằm một mục đích nào khác hơn là thể hiện những hiện tượng riêng lẻ ? Trên điểm này, chúng không khác gì mấy với một số quan niệm nghệ thuật thời nay. Nhưng đây cũng chỉ là một giả thuyết, có thể đúng cho một số trường hợp. Nó không loại trừ, mà ngược lại, bổ sung cho những giả thuyết đã được nêu ở trên.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2