intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Chia sẻ: Le Ngoc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

309
lượt xem
43
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong tự nhiên cây sầu riêng có thể đạt độ cao 27-40 m; thân mọc thẳng, vỏ thô ráp với đường kính lên đến 1,2m. Trong sản xuất, chiều cao cây thấp hơn (10-12 m). Tán to phía dưới và nhỏ dần lên phần ngọn. Nhánh mọc hơi ngang nhất là lúc mang quả nặng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

  1. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG Cây sầu riêng là loại cây ăn quả nhiệt đới được ưa chuộng, trồng phổ biến ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Tài liệu nước ngoài ca ngợi cây sầu riêng là vua của cây ăn quả nhiệt đới (King of tropical fruit). Tuy nhiên không phải bất cứ người nào cũng muốn nếm thử hương vị loại quả này ngay lần đầu tiếp xúc. Ở Việt nam sầu riêng được trồng chủ yếu ở phía Nam. Sầu riêng cũng được trồng thử nghiệm ở Quãng Trị, Huế nơi o có vĩ độ Bắc khá cao (16-17 B) và đã cho quả. Tuy nhiên, nhìn chung cây có sinh trưởng và năng suất không bằng so với Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL). Diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 5.000 ha. Trồng tập trung nhất là ở ĐBSCL. Miền Đông Nam bộ và Tây nguyên có diện tích trồng đang gia tăng nhanh chóng. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT Trong tự nhiên cây sầu riêng có thể đạt độ cao 27-40 m; thân mọc thẳng, vỏ thô ráp với đường kính lên đến 1,2m. Trong sản xuất, chiều cao cây thấp hơn (10-12 m). Tán to phía dưới và nhỏ dần lên phần ngọn. Nhánh mọc hơi ngang nhất là lúc mang quả nặng. Ngọn non có màu đồng với các vảy nhỏ bao phủ khi còn non. Lá thường xanh rụng lá thay phiên. Lá có phần phía cuống hơi nhọn đến gần tròn nhưng nhọn phía chót lá. Lá đơn hơi rũ; mặt trên màu xanh đậm, phẳng và bóng láng; mặt dưới màu nâu nhạt óng ánh làm cho cây có một dáng vẻ hấp dẫn, rực rỡ và sinh động. Hoa có mùi hương rất mạnh; cuống hoa đính thành từng chùm treo trên cành. Cần một giai đoạn từ 3-4 tuần thời tiết khô để kích thích ra hoa. Mất khoảng 1 tháng cho hoa phát triển từ mới nhú đến nở hoa. Khi trưởng thành nứt ra để lộ 5 đài hoa liên kết với nhau và 5 cánh hoa mà có màu trùng hợp với thịt quả. Hoa thuộc loại lưỡng tính, nhị đực và nhụy cái trong cùng một hoa. Tự thụ phấn hiếm khi xảy ra bởi khi hoa nở (thường từ 15 giờ đến nửa đêm) nhụy cái và nhị đực không nở cùng một lúc. Thông thường phải được thụ phấn chéo để đậu quả. Tuy nhiên có một vài giống có khả năng tự tương hợp cao. Mặc dù hoa hấp dẫn nhiều côn trùng; như ong, bướm, muỗi và kiến; cấu trúc hoa sầu riêng là đặc trưng cho kiểu thụ phấn nhờ dơi. Bướm đêm và dơi nhỏ (chủ yếu Eoncyteris spelea) được xem là những động vật thụ phấn quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Ong mật cũng đến hoa nhưng thường quá sớm (trước khi hạt phấn sẳn sàng). Quả có áo hạt là phần ăn được (thịt quả), bắt đầu hình thành từ 4 tuần sau khi hoa thụ phấn. Lúc bắt đầu như một lớp mỏng màu trắng sau đó mở rộng bao phủ toàn bộ hạt. Thịt quả thay đổi rất lớn giữa các giống. Chất lượng thịt quả thường tăng theo tuổi cây nhưng có thể quả sẽ nhỏ hơn.
  2. YÊU CẦU SINH THÁI -Cao độ - Cây sầu riêng không đòi hỏi khắc khe về cao độ. Tại Thái Lan trồng cây sầu riêng ở cao độ 30-300m so với mặt nước biển, tại Malaysia trồng sầu riêng ở độ cao 800m so với mặt nước biển, tại Việt nam vùng Di Linh, Đức Trọng Lâm Đồng có độ cao trên 1000m so với mặt nước biển cây sầu riêng vẫn phát triển tốt nhưng trái có chậm hơn vùng đồng bằng khoảng 2 tháng. -Vũ lượng - Một lượng mưa phân bố đều từ 1.500-2.000mm/năm là thích hợp. Cây sầu riêng cần nhiều nước nên lượng mưa phải cao và đặc biệt phải phân bố đều trong năm, mùa khô không quá 3 tháng, tuy nhiên ở tỉnh Chantaburi Thái Lan có lượng mưa 3000mm/năm chỉ phân bố trong 6 tháng nhưng vẫn có khả năng trồng được cây sầu riêng, nhưng cần có sự hỗ trợ thêm của các biện pháp canh tác như tưới nước vào mùa khô… nhìn chung lượng mưa 2000mm/năm và phân bố đều trong năm và không mưa khi trái già, chín là thích hợp nhất. Bởi khi trái bước vào giai đoạn già, chín nếu mưa nhiều sẽ làm nhão cơm. -Đất trồng - Cây sầu riêng chụi phèn và mặn kém, đất có pH từ 5-6, chứa nhiều chất hữu cơ và thoát nước tốt là thích hợp nhất. Trường hợp tại Chantaburi Thái Lan là đất cát mùn giàu hữu cơ, trái ngược với những vườn sầu riêng ở tỉnh Epoh Mã lai là loại đất nặng lầy khi ẩm ướt và khô nứt vào mùa nắng hạn vẫn phát triển được cây sầu riêng, tuy nhiên cần phải có biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa nấmphytophthora spp, đây là loại nấm gây xì mủ thân có thể làm chết cây, nấm gây bệnh trên lá làm cháy và rụng lá, bệnh sẽ làm thối trái nếu không có biện pháp kỹ thuật để phòng trị kịp thời. Tuy nhiên vẫn là đất thịt thoát nước tốt và gần nguồn nước tưới. - Tại Việt Nam, sầu riêng được trồng nhiều tại Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… trên nền đất phù sa(ĐBSCL), đất đỏ bazan, đất xám giàu hữu cơ, đất phù sa ven sông(Đông Nam bô). 4. GIỐNG VÀ KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG Trước đây một số nhà vườn trồng sầu riêng bằng hạt, so sự hiểu biết về cây sầu riêng chưa nhiều. Đến nay, việc trồng sầu riêng bằng hạt không còn nữa bởi sầu riêng là cây thụ phấn chéo bắt buộc, do đó sự phân ly ở thế hệ sau là rất lớn, nếu nói riêng về chất lượng trái thì vườn sầu riêng trồng bằng hạt có chất lượng không đồng nhất mà chất lượng kém hơn cây mẹ nhiều. Hiện nay, chỉ khuyến cáo trồng sầu riêng bằng cây được nhân giống vô tính từ những giống tốt được tuyển chọn như: Sữa hạt lép Bến Tre, Ri6, Monthong,…... Sau đây là cách nhân giống sầu riêng đang được áp dụng trong sản xuất hiện nay: -Phương pháp chiết cành: - Đây là phương pháp nhân giống vô tính tạo ra cây con không phân ly tính trạng so với cây mẹ. Mặc dù cây sầu riêng trồng từ cành chiết vẫn có rễ đâm sâu vào lòng đất thay rễ cọc nhưng vẫn không làm hết nhiệm vụ của rễ cọc đối với cây. Việc nhân giống bằng chiết cành có nhiều bất lợi: tốn hao nhiều cành giống, vận chuyển khó khăn….. -Phương pháp tháp cành - Đây là phương pháp nhân giống vô tính có ưu điểm hơn chiết cành, bởi vì bộ rễ của cây con là bộ rễ của cây trồng từ hạt, cây con phát triển tốt, hệ số nhân giống cao. -Phương pháp tháp mắt: - Đây là một phương pháp tốt nhất để nhân giống cây sầu riêng, nhưng nhược điểm của phương pháp này là hệ số nhân giống thấp.
  3. KỸ THUẬT TRỒNG -Khoảng cách trồng - Sầu riêng là cây thân gỗ cao to, ưa sáng do đó phải trồng thưa để vườn được thông thoáng, cây khoẻ mạnh, có thể trồng với khoảng cách 8 - 12m/cây, mật độ 120 cây/ha. Trong vườn nên trồng từ 3-4 giống, trong đó giống chủ lực chiếm 50%, các giống còn lại thì bố trí theo hàng( 1 hàng giống chủ lựa và 1 hàng giống khác). -Chuẩn bị đất trồng - Tùy địa hình và điều kiện riêng của từng vùng mà có cách chuẩn bị đất trồng khác nhau: đào hố hoặc đấp ụ để trồng. Tuy nhiên nếu có điều kiện nên chuẩn bị theo thể thức đấp ụ trên đất có địa hình cao cũng như địa hình thấp, làm như vậy có nhiều lợi điểm: đất không bị ngập úng cục bộ và có lợi cho việc làm cây ra hoa sớm sau này… Nếu chuẩn bị đất trồng bằng cách đấp ụ vẫn phải đào hố trên ụ đã đấp. Hố trồng có thể đào với khoảng cách 0,6 x 0,6 x 0,6m, vật liệu cho vào hố trồng phải tơi xốp giàu dinh dưỡng có thể là hổn hợp theo tỷ lệ 1 phân chuồng hoai kết hợp với 1 đất giàu dinh dưỡng và 50gr N:P:K 16:16:8 hoặc 20:20:15/hố. Nếu trồng theo kiểu đấp ụ cần chú ý bồi ụ để tránh sạt lở ảnh hưởng không tốt đến cây. Trên vùng đất có địa hình thấp, nên xẻ liếp, mương để giúp thoát nước tốt, nâng cao tầng canh tác. -Trồng cây chắn gió - Sầu riêng là cây cao to nhưng gỗ dòn dễ gãy, do đó nên chọn cây có độ cao hợp lý, khó đổ ngã và chắc gỗ để trồng xung quang vườn làm cây chắn gió cho sầu riêng. -Đặt cây con - Sau khi chuẩn bị hố trồng 7-10 ngày tiến hành đặt cây con vào hố trồng. Nếu trồng bằng cây ghép mắt nên xoay mắt ghép về hướng gió chính trong năm. Sau trồng nên lấp đất ngang mặt bầu cây con, che bóng và tưới nước ngay. -Che bóng cho cây con còn nhỏ - Sau khi trồng cần che bớt ánh sáng mặt trời trực tiếp cho cây và không nên che quá 50% ánh sáng mặt trời. -Trồng xen che phủ đất - Do cây sầu riêng trồng xa nhau, trong những năm đầu cần dùng cây ngắn ngày làm cây trồng xen trên vườn sầu riêng nhằm tăng thu nhập tránh lãng phí và bảo vệ mặt đất…… Nhưng không nên trồng các cây: đu đủ, ca cao trên vườn sầu riêng vì các cây này cùng là ký chủ của nấm phytophthora spp, đây là loại nấm gây bệnh thối gốc chảy nhựa, thối rễ, thối trái…. Trong những năm đầu mặt đất chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa nắng, do đó phải trồng cây che phủ bảo vệ đất và tạo vùng tiểu khí hậu thích hợp cho cây sầu riêng phát triển, có thể áp dụng các loại cỏ cải tạo đất để vừa che phủ mặt đất vừa tạo vùng tiểu khí hậu cho cây sầu riêng và cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất. -Tỉa cành tạo tán Phải tỉa cành cho cây sầu riêng ngay sau thu hoạch xong. Các cành cần tỉa bỏ: + cành mọc đứng, cành bên trong tán + Cành ốm yếu + Cành bị sâu bệnh + Cành mọc quá gần mặt đất
  4. Giữ lại các cành: + Cành mọc ngang + Cành khoẻ mạnh + Cành ở độ cao hợp lý Nói chung công tác tỉa cành cần tiến hành sớm để khỏi lãng phí dinh dưỡng, cây có tán cân đối và khi cây lớn cành mang trái cách mặt đất thấp nhất 1m. Khi cây lớn phải tỉa bỏ tất cả các cành bên trong tán, đảm bảo tán cây thông thoáng, sạch sâu bệnh. Ngoài ra chúng ta còn có thể tỉa ngắn lại cành bên ngoài tán cây giúp vườn thông thoáng và cây nhận nhiều ánh sáng giúp cây khoẻ mạnh, trái có chất lượng cao, chúng ta cũng có thể cắt ngọn hạ thấp chiều cao để dễ dàng trong việc chăm sóc và giảm bớt thiệt hại do gió bão…. 5.8. Tỉa hoa, tỉa bớt trái trên cây - Sầu riêng là loại cây cho nhiều hoa, số lượng hoa cao gấp nhiều lần số lượng trái cần có trên cây, do đó phải tỉa bớt hoa, chỉ giữ lại từng khóm hoa xa nhau trên cành. Khi đậu trái cần tỉa bỏ những trái: mọc dày đặc, trái méo mó, trái bị hại do sâu bệnh….. Số trái giữ lại trên cây tuỳ thuộc vào sức khoẻ của cây, đối với cây có đường kính tán từ 8- 10m và mạnh khoẻ chỉ giữ lại tối đa khoảng 80-100 trái/cây, có như vậy cây mới đầy đủ dinh dưỡng nuôi trái phát triển hoàn toàn, chất lượng cao. -Tưới nước -Tưới nước cho cây sầu riêng là điều cần thiết, bởi vì nước là môi trường bắt buộc phải có để các phản ứng sinh hoá xảy ra. - Giai đoạn cây con: tưới nước để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây mạnh khoẻ nhanh cho trái. - Giai đoạn cho trái: khi cây sầu riêng ra hoa cần tưới nước cách ngày, giúp hoa phát triển nhanh khoẻ, đậu trái tốt. -Phân bón Giai đoạn cây con và những năm đầu cho trái: Bón 10-20kg phân hữu cơ/gốc kết hợp với phân vô cơ theo công thức theo liều lượng và số lần bón như sau: Bảng 1: Liều lượng và số lần bón phân theo tuổi cây: Tuổi cây Liều lượng (kg/cây/năm) Số lần bón trong năm 1 0,3 4 2 0,6 4 3 1,0 3 4 2,0 3 5 2,5 3 6 4,0 3
  5. 7 5,0 3 8 5,0 3 9 6,0 3 Giai đoạn cây cho trái bón phân như sau: Lần 1: - Ngay sau thu hoạch xong cần tỉa cành và bón phân chuồng hoai 20-30kg/cây và phân vô cơ có hàm lượng đạm cao theo công thức M:P:K:Mg 18:11:5:3 hoặc 15:15:6:4 bằng phương pháp rãi 1m ở bìa tán và tưới nước ngay sau bón để giúp cây nhanh hấp thu phân bón, nhằm tạo bộ lá xum xuê khoẻ mạnh trong thời gian ngắn nhất. Lần 2: -Trước khi ra hoa 30-40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao theo công thức N:P:K = 10:50:17 để giúp quá trình ra hoa dễ dàng. Lần 3: -Khi trái sầu riêng to bằng trái chôm chôm cần bón phân có hàm lượng kali cao để giúp trái phát triển nhanh và chất lượng cao, theo công thức N:P:K:Mg = 12:12:17:2. Lần 4: -Vào khoảng một tháng trước khi thu hoạch cần bón kali dạng nhằm nâng cao chất lượng trái. Nhìn chung đối với cây có đường kính tán 6-8 đang phát triển bình thường có thể bón 3-4 kg/cây/lần và 1-1,5kg K2SO4 tức 10- 13,5kg/cây/năm. - Ngoài ra còn có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng kali cao để góp phần nâng cao phẩm chất trái. Có thể phun bón lá làm 5 lần mỗi lần cách nhau một tuần bắt đầu từ tuần thứ 5 sau đậu trái, vào thời gian này tránh phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao kích thích cây ra lá mới cạnh tránh dinh dưỡng với trái đang phát triển, làm giảm phẩm chất trái: cơm trái bị sượng, bị nhão…. * Lưu ý: Tuyệt đối không dùng Clo hoặc phân có Clo để bón cho sầu riêng, vì chính Clo sẽ làm giảm phẩm chất trái khi lượng Clo trong đất trong cây đạt đến ngưỡng gây hại. Phân bón lá là phụ thêm với phân bón gốc để tăng kích thước và phẩm chất trái, không nên chỉ sử dụng phân bón lá như trên để thay thế phân bón gốc. -Thụ phấn nhân tạo - Nên giúp cây thụ phấn bằng tay vào lúc 21-22 giờ để quá trình thụ phấn diễn ra đầy đủ trên bầu nhụy nhằm tạo ra trái sầu riêng đầy đặn không bị lép do thụ phấn không hoàn toàn. - Thụ phấn bằng tay có thể tiến hành như sau: thu nhị của giống cần lấy hạt phấn cho vào lọ đến lúc nhị tung phấn dùng cọ mịn phết nhẹ vào bao phấn để hạt phấn dính vào cọ và dùng cọ này phết thật nhẹ trên nuốm nhụy của giống cần thụ phấn bổ sung để truyền hạt phấn đến nuốm nhụy giúp quá trình thụ phấn diễn ra dễ dàng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy: Thụ phấn bổ sung cho giô(ng sầu riêng sữa hạt lép Bến Tre bằng phấn của sầu riêng Monthong là cho kết quả tốt nhất.
  6. -Xử lý ra hoa cho trái sớm Có thể cho cây sầu riêng ra hoa kết trái sớm hơn chính vụ bằng cách: -Vừa khi thu hoạch xong tiến hành tỉa bỏ cành bên trong tán, cành bị sâu bệnh…. Giúp tán cây thông thoáng sạch sâu bệnh, sau đó tiến hành bón phân với hàm lượng đạm cao theo công thức M:P:K:Mg = 18:11:5:3 và tưới nước đều đặn để cây đâm chồi nhanh, sớm tạo bộ lá xum xuê khoẻ mạnh. Khi đọt non chuyển sang thành thục thì tiến hành tạo khô hạn, ngăn chặn không cho nước đến vùng rễ hút nước và chất dinh dưỡng chủ yếu của cây. Cũng vào lúc này tiến hành quét dọn lá cây và cỏ khô ra khỏi tán cây, giúp đất vùng tán cây khô nhanh, các nhà vườn ở ĐBSCL dùng biện pháp phủ nylon trên mặt liếp kết hợp rút hết nước rong mương ra để tạo khô hạn và phun bổ sung KNO3 ( 150g/10 lít nước) để tăng hiệu quả ra hoa. Tại Thái Lan khi cây sầu riêng khoẻ mạnh gặp khô hạn 5-10 ngày thì ra hoa. Khi cây đã ra đủ số hoa theo ý muốn thì tiến hành tưới nước cách ngày để hoa phát triển, đậu trái tốt. SÂU BỆNH HẠI TRÊN CÂY SẦU RIÊNG -Sâu và dịch hại trên sầu riêng -Rầy phấn: Allocaridara malayensis Đây là côn trùng gây hại rất quan trọng và phổ biến trên sầu riêng. Ở giai đoạn ấu trùng và trưởng thành, rầy gây hại bằng cách chích hút lá non và đọt non, làm cho lá không phát triển, bị biến dạng, cháy mép lá dần dần khô và rụng. Đọt non có thể bị khô và chết, trơ cành mà có thể nhầm với triệu chứng do bệnh. Vết chích do rầy gây ra có thể tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây hại. Con trưởng thành dài khoảng 2,5-3,0 mm, cánh trong suốt, toàn thân màu vàng nhạt. Trứng được đẻ thành từng đám trên lá non trong mô lá. Khi mới đẻ trứng có màu vàng, dần chuyển sang màu nâu. Ấu trùng bên ngoài phủ lớp sáp mỏng và các tua sáp kéo dài ở cuối thân. Trưởng thành và ấu trùng tuổi lớn thường di chuyển nhanh khi thấy động. Rầy phấn phát triển mạnh trong mùa khô. Lây lan nhanh từ vườn này sang vườn khác. Mật độ trong mùa mưa giảm nhanh, tuy nhiên sẽ tăng mật số nhanh khi mùa khô đến. Cây bị hại nặng có lá thưa thớt, quăn queo, lá non rụng nhiều và khô ngọn. Cây không phát triển được tán dẫn đến ra hoa ít, đậu trái kém, trái bị sượng, phẩm chất kém. Rầy tiết nhiều chất mật được tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển làm đen lá, trái. Phòng trừ: - Ngoài tự nhiên có nhiều loài thiên địch của rầy phấn như nhện, bọ rùa Coccinella, Chrysopa sp., và ong ký sinh, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thiên địch phát triển để khống chế rầy. -Tưới đủ nước và bón phân thích hợp cho cây khỏe mạnh. Tăng cường bón phân hữu cơ. Ở miền Đông Nam bộ nên duy trì một lớp cỏ giữ ẩm trong mùa khô. -Phun nước mạnh trên tán lá để hạn chế sự hoạt động của rầy. -Sử dụng bẩy màu vàng để thu hút thành trùng. -Phun thuốc khi thấy mật số rầy cao, có thể dùng các loại thuốc như Applaud, Basudin, Supracide, Bassa…. -Do rầy di chuyển nhanh nên việc phòng trừ cần thực hiện trên diện rộng. -Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis) Gây hại khá phổ biến trên các vùng trồng sầu riêng ở nước ta. Ngoài gây hại trên sầu riêng, còn gây hại trên một số cây khác như nhãn, ổi, mãng cầu, chôm chôm… nên việc phòng trừ khó khăn.
  7. Trứng được đẻ trên trái non, nở ra sâu non đục vỏ trái vào bên trong trái và tiếp tục đục cho đến thịt trái. Hóa nhộng ngay trên đường đục hoặc chui ra bên ngoài trái nhả tơ kết kén hóa nhộng trên mặt vỏ trái giữa các gai trái. Giai đoạn này kéo dài khoảng 7-8 ngày. Trái mọc thành chùm thường bị gây hại ở phần tiếp giáp. Trái non bị hại dễ bị biến dạng và rụng sớm. Vết đục còn tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập gây thối trái. Do sâu có thể gây hại sớm nên phải bao trái sớm mới có hiệu quả. Nhận diện sâu hại qua vết vết đục trên trái, quan sát phân sâu thải ra bên ngoài vết đục. Phòng trừ: Do sâu có nhiều ký chủ khác nhau mà thường được trồng cùng với nhau trong một khu vực nên phải chú trọng phòng trừ cho các vườn xung quanh. Theo kinh nghiệm của Thái lan, theo dõi trái hàng tuần để phát hiện sâu (quan sát 10% cây trong vườn , 5% trái trên cây và tỷ lệ trái bị sâu đục) -Bao trái tỏ ra là một phương pháp hiệu quả nhiều mặt. Do trái sầu riêng to, số trái trên cây không nhiều nên tiến hành thuận lợi hơn. Có thể sử dụng túi bao chuyên dùng để báo trái. -Trong tự nhiên có các thiên địch của sâu đục trái cần được bảo vệ và phát huy như bọ xít ăn mồi, nhện ăn thịt và kiến vàng…. -Tỉa trái để loại bỏ trái sâu và tiêu huỷ. Tỉa trái còn giúp hạn chế các trái mọc thành chùm dễ bị sâu tấn công. -Ở Thái lan, khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc khi có trên 10% trái bị nhiễm sâu. Khi sâu xâm nhập vào bên trong trái hiệu quả phun thuốc kém. Để khắc phục nhiều nông dân phun thuốc định kỳ 15 ngày lần. Việc sử dụng thuốc như thế gây quan ngại về sức khoẻ và môi trường. -Sâu ăn bông Bướm đẻ trứng trên chùm bông nở ra sâu non tấn công trên chùm bông. Sâu non ăn phá các phần non của bông làm hư hại hay rụng sớm. Do mật số sâu cao (mỗi bướm cái có thể đẻ từ 50-60 trứng) nên việc phá hại dễ gây thiệt hại đến năng suất mặc dù hoa rất nhiều. Bướm có màu vành nhạt dài 28-32 mm, sâu non có nhiều lông (dạng sâu róm), hoạt động mạnh. Ở Thái lan, sâu ăn bông được xếp là loại gây hại quan trọng. Phòng trừ: -Theo dõi định kỳ 2-3 ngày/lần giai đoạn trổ hoa. Phát hiện bướm, tìm diệt ổ trứng và sâu non. Khi sâu mới nở mẫn cảm cao với thuốc nên rất dễ phòng trừ. Thường sâu gây hại trên diện rộng nên cần quan sát tất cả các chùm hoa trên các cây. -Phát huy vai trò của kiến vàng ngăn chặn và hạn chế sâu. -Rầy nhảy: Lawana conpersa Thuộc loài gây hại ít quan trọng tuy nhiên rầy nhảy có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau như sầu riêng, cam quýt, ca cao, trà, cà phê, cây rừng và cây kiểng … Rầy trưởng thành và ấu trùng đều gây hại bằng cách chích hút trên đọt non, lá non, hoa làm cho cây chậm phát triển hoặc tạo điều kiện cho nấm bồ hóng gây hại. Trưởng thành trông gần giống như bướm do khi đậu cánh rầy xếp dọc cơ thể như dạng mái nhà, trưởng thành có kích thước 14 mm toàn thân màu trắng, cánh màu trắng có nhiều chấm nâu đen. Trứng được đẻ trên đọt non, lá non, trứng đẻ cắm sâu vào gân lá. Ấu trùng được bao phủ 1 lớp như bông trắng. Phòng trừ:
  8. - Trong tự nhiên có một số loài nấm có thể gây hại đối với rầy được ghi nhận ở Malaysia làMetarhizium anisopliae var anisophiae đã làm giảm đáng kể mật số của rầy. -Phun thuốc trừ các côn trùng chích hút cũng hạn chế được rầy nhảy. -Rệp sáp (Pseudococcidae) Rệp sáp gây hại trên cây sầu riêng có nhiều loài, Planococcus sp. thường thấy gây hại trên lá vàPseudococcus sp. thường thấy hại trên trái. Rệp sáp gây hại trên trái phổ biến hon trên cành lá. Rệp bám trên bề mặt và chích hút chất dinh dưỡng làm cho bộ phận bị hại phát triển kém. Gây hại nghiêm trọng làm cho trái dễ bị sượng. Rệp sáp bài tiết chất mật đường tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Trái có rệp sáp và bồ hóng đều không hấp dẫn, khó tiêu thụ và giá bán giảm. Rệp sáp phát triển mạnh trong mùa khô. Mùa khô cũng là mùa ra hoa kết trái sầu riêng nên trái dễ bị tấn công hơn. Phòng trừ: -Bao trái là biện pháp giúp hạn chế một số dịch hại trong đó có rệp sáp. -Duy trì ẩm độ không quá thấp trong mùa khô bằng lớp phủ xanh trên mặt đất (cỏ phủ đất), bón nhiều phân hữu cơ, tủ đất bằng chất hữu cơ và tưới đủ nước cũng góp phần làm giảm rệp sáp trong mùa khô. -Tưới phun trên tán tạo ẩm cũng hạn chế được rệp sáp. -Nhiều thiên địch có sẳn trong thiên nhiên có thể hạn chế rệp sáp như Bọ rùa và Ong ký sinh cần duy trì và phát huy vai trò của chúng. -Chỉ phun thuốc trong trường hợp cần thiết. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng với thiên địch (dầu khoáng DC -Tron Plus, thuốc trừ rệp có nguồn gốc sinh học, thuốc ít độc….). -Tỉa bỏ những bộ phận bị hại nặng và tiêu huỷ. Tỉa bỏ trái mọc từng chùm hoặc mọc gần nhau tạo chổ ẩn trú của rệp sáp. -Bọ trĩ Bọ trĩ gây hại khá phổ biến trên một số vườn sầu riêng ở miền Đông Nam bộ trong mùa khô. Ở ĐBSCL bọ trĩ ít phổ biến hơn có thể do ẩm độ trong vườn cao hơn trong mùa khô so với miền Đông Nam bộ. Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, nhưng có thể quan sát dễ dàng dưới kính lúp. Bọ trĩ tấn công lá non cho đến khi lá gần trưởng thành. Chích hút chất dinh dưỡng trong lá làm cho phát triển kém. Lá bị tấn công có màu sáng bạc, ít thấy màu xanh. Kích thước lá có thể giảm, lá có thể bị biến dạng trong trường hợp nghiêm trọng. Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển làm đen lá, trái. Mặc dù không gây chết cây nhưng cây sinh trưởng phát triển kém làm cho ra hoa đậu quả kém, trái nhỏ, chất lượng giảm. Phòng trừ -Duy trì ẩm độ không quá thấp trong mùa khô bằng lớp phủ xanh trên mặt đất (cỏ phủ đất), bón nhiều phân hữu cơ và tủ đất bằng chất hữu cơ trong mùa khô, tưới đủ nước cho cây cũng là biện pháp giảm được rệp sáp trong mùa khô ở miền Đông Nam bộ. -Dùng vòi nước mạnh tưới lên cây hoặc áp dụng kỹ thuật tưới phun trên tán trong mùa khô kết hợp tưới nước cũng giúp hạn chế dịch hại. -Chỉ phun thuốc trong trường hợp cần thiết. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng với thiên địch (dầu khoáng DC -Tron Plus, thuốc bột lưu huỳnh….), phun Bordeaux trừ bệnh cũng góp phần làm giảm rệp.
  9. -Tỉa bỏ những bộ phận bị hại nặng và tiêu huỷ. Tỉa cành tạo tán thông thoáng hạn chế chổ trú ẩn của bọ trĩ. -Một số dịch hại khác Ngoài ra trên cây sầu riêng cũng có một số dịch hại khác như bọ cánh cứng ăn lá, sâu đục cành, sâu ăn lá, nhện, sâu ăn lá.….Việc phòng trừ các sâu hại quan trọng cũng góp phần hạn chế các dịch hại này. Một số bệnh hại chính trên cây sầu riêng -Bệnh thối vỏ chảy nhựa (bệnh Phytophthora) do nấm Phytophthora palmivora Đây là bệnh quan trọng nhất trên cây sầu riêng không chỉ ở nước ta mà còn trên khắp vùng trồng sầu riêng trên thế giới. Nấm Phytophthora palmivora ngoài tấn công trên vỏ thân gây triệu chứng thối vỏ chảy nhựa còn gây hại trên lá gây triệu chứng cháy lá, trên quả gây thối quả, trên rễ gây thối rễ, trên ngọn non gây hiện tượng chết ngọn. Trong đó, triệu chứng thối vỏ chảy nhựa là quan trọng nhất. Trên vỏ thân bệnh khó phát hiện sớm mãi đến khi thấy hiện tượng chảy nhựa (mủ) từ vết loét do nấm gây ra. Nếu phát hiện sớm vết loét còn nhỏ, việc phòng trừ nhanh và hiệu quả. Nếu phát hiện muộn, vết loét lan rộng, nhiều vết loét liên kết với nhau làm cho vỏ cây bị huỷ hoại việc phòng trừ sẽ tốn kém, vết bệnh lâu lành, cây suy yếu. Nếu không phòng trừ, cây có thể chết khi nước và chất dinh dưỡng không được chuyển lên cây. Trên thân cành, quan sát khi thân cây khô ráo, tìm các vết nứt hoặc chảy nhựa, dùng dao bén cạo bỏ phần mô mặt bị chết. Khi thấy bên trong mạch dẫn hoá nâu, thâm đen và hư hại dần là triệu chứng đặc trưng của bệnh. Trên lá, vết bệnh khởi đầu là những chấm đỏ màu nâu, sũng nước và lan rộng nhanh. Vết bệnh sau cùng thường có dạng gần tròn màu nâu đen sũng nước với rìa màu vàng nhạt nhỏ. Vết bệnh lan rộng nhanh trong điều kiện ẩm độ không khí cao. Vết bệnh cũng có thể bắt đầu từ cuống lá, cành non làm phần phía trên héo nhanh, rũ và chết dần. Trên trái vết bệnh đầu tiên là một đốm đen nhỏ sũng nước lan rộng nhanh. Vết thối có thể lan sâu làm hỏng phần trong của trái. Trên vết bệnh có thể thấy nấm tạo thành một lớp trên bề mặt màu trắng xám với rất nhiều bào tử sẳn sàng lây lan qua gió mưa. Ngoài gây hại trên sầu riêng, nấm có nhiều ký chủ khác như cây cao su, mít… … Phòng trừ: -Nguồn bệnh có thể có trong bầu đất và cây con. Do đó phải sử dụng cây giống sạch bệnh. -Cần chăm sóc cây tốt, khoẻ mạnh để tăng sức đề kháng cho cây như cung cấp nước phân bón hợp lý, phủ đất trong mùa khô ..… -Trồng cây trên mô, líp để thoát nước thuận lợi. -Mật độ cây trong vườn ươm vừa phải, tránh trồng xen quá dày. -Tỉa cành tạo tán để vườn cây thông thoáng. -Tỉa và tiêu huỷ các nguồn bệnh, ngăn ngừa lây lan. Bệnh có thể lây lan qua dụng cụ chăm sóc, thu hái, giày dép, phương tiện vận chuyển…. -Hạn chế gây thương tích cho cây khi chăm sóc, vận chuyển. Phòng trừ các côn trùng gây vết thương cho cây. Vết cắt cần quét thuốc trừ nấm. -Diệt mối và kiến làm tổ lên cây.
  10. -Bón nhiều phân hữu cơ (100 kg phân hữu cơ hoai/cây/năm). Nên sử dụng phân gà, phân rác vi sinh, phân bò... được ủ hoai. -Vết bệnh còn nhỏ có thể cạo bỏ phần mô chết, bôi thuốc Aliette 80 WP, Ridomil, Metalaxyl pha 1%. -Phun tán cây với thuốc gốc đồng, Aliette 80 WP, Ridomil, Metalaxyl… -Dùng các chế phẩm sinh học là hướng đang được nghiên cứu áp dụng như bón phân hữu cơ bổ sung vi sinh vật có ích như nấm Trichoderma. -Tiêm cây với thuốc Phosphonate là một kỹ thuật mới được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phát triển. Phương pháp này có hiệu quả và giảm được chi phí khoảng 40% so với biện pháp phun thuốc. Biện pháp tiêm cây với Phosphonate Phosphonate là muối Potassium của acid phosphorous được trung hòa đến pH 6.5-7.0 được sử dụng tiêm vào thân hoặc nhánh lớn. Phosphonate thường được bán với các hiệu như Agri-Fos and Foli-R-Fos với nồng độ hoạt chất là 400 g a.i./L, được pha loãng với nước sạch theo tỷ lệ 1:1 trước khi tiêm. Để tiêm, trên thân khoan một lỗ đường kính 5 mm, sâu 30-50 mm với một mũi khoan bén, lỗ khoan cao 50-120 cm từ mặt đất. Có thể sử dụng ống tiêm chuyên dụng hiệu ChemjetÒ 20mL. Cần khoảng 2-6 lỗ khoan quanh thân cho mỗi cây. Lỗ khoan nên dưới các nhánh lớn. Hút đầy ống tiêm, kéo cần tiêm về phía sau và xoay nhẹ tay mãi đến khi nghe tiếng “click”, tay cần được khoá. Vặn vòi ống tiêm vào lỗ khoan cho đến khi thật sát. Phóng thích cần tiêm bằng cách xoay ngược lại trong khi vẫn cố định ống tiêm trong lỗ khoan, cần tiêm được phóng thích nhờ lò xo sẽ ép dung dịch thuốc qua lỗ khoan vào bên trong. Mất khoảng 20-30 phút để thuốc đi hết vào bên trong. Sau đó xoay ngược lấy ống tiêm ra, hút đầy thuốc và tiêm cho lỗ mới. Nên tiêm vào buổi sáng sớm vì thuốc sẽ được hấp thu nhanh đáng kể so với buổi chiều. Bảng 2. Liều khuyến cáo cho tiêm Phosphonate phòng trừ bệnh Phytophthora trên sầu riêng dựa trên tuổi cây và đường kính tán. Tuổi cây (năm) Đường kính tán tương Lượng Phosphonate Liều lượng cho 1m tán cây đương (m) (g a.i.) (g a.i./cây/năm) 04 04 08-12 2,0-3,0 06 06 18-24 3,6-4,8 07 07 24-36 4,0-6,0 15 10 32-48 3,2-4,8 Ghi chú: Có thể thay đổi tuỳ theo sức khoẻ cây, tình trạng bệnh. 6.2.2 .Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides (Penz.) Penz. & Sacc. Bệnh thường gây hại trên cây bắt đầu đầu mùa khô, lúc trời mát, nhiều sương mù trong buổi sáng. Bệnh gây hại nặng trên những vườn chăm sóc kém, thiếu phân và tưới nước không đầy đủ. Bệnh cũng phổ biến trên sầu riêng trồng trên đất xấu, ít chất hữu cơ, gió mạnh và không được che mát giữ ẩm thích hợp.
  11. Bệnh thường gây hại trên lá, vết bệnh có thể thấy khi lá trưởng thành trở đi. Vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá, chót lá lan vào bên trong. Vết bệnh cũng có thể bắt đầu từ vết thương trên lá do côn trùng, rách do gió hay do chăm sóc. Vết bệnh lan rộng thành những sọc song song có màu nâu đậm trên nền mô chết có màu nâu xám. Bệnh nặng làm lá khô cháy dần và rụng sớm, trơ cành. Bệnh làm cho cây suy yếu dần. Triệu chứng bệnh thán thư thường đi kèm với triệu chứng thiếu dinh dưỡng nhất là thiếu Kali. Phòng trừ: - Chăm sóc cho cây khoẻ mạnh, bón phân tưới nước đầy đủ. -Bón nhiều phân hữu cơ hoai mục. -Giữ ẩm cho đất trong mùa khô bằng cỏ phủ đất. Phủ gốc với phân hữu cơ, rơm rạ, cỏ khô trong mùa khô. -Che mát cho cây con. -Tỉa bỏ lá bị bệnh nặng và tiêu huỹ. Vệ sinh vườn cây. -Chú ý phòng trừ một số loại côn trùng gây hại trên lá như câu cấu, bọ cánh cứng hoặc một số côn trùng chích hút vì chúng có thể gây ra những vết thương và mở đường cho nấm bệnh tấn công. -Phun thuốc phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc như Benomyl, Appencarb, Carbendazim, Mancozeb, Antracol hoặc thuốc gốc đồng. Luân phiên các loại thuốc để tránh gây ra hiện tượng kháng thuốc của nấm bệnh. -Bệnh cháy lá (do nấm Rhizoctonia solani) Bệnh thường gây hại cây sầu riêng con trong vườm ươm và cây mới trồng những năm đầu. Bệnh cũng gây hại trên cây trưởng thành nơi có bộ tán lá rậm rạp hay mọc gần mặt đất ẩm. Bệnh thuờng xuất hiện một nơi sau đó lan rộng dần ra xung quanh. Vết bệnh thường có màu xanh xám hay xám nâu. Lá non bị nhiễm bệnh giống như bị luộc trong nước sôi, màu xanh nhợt nhạt sũng nước. Các lá được kết dính với nhau do sự mọc lan của các sợi nấm. Do đó khi khô chúng dính với nhau nhưng không rụng. Hiện tượng này nông dân gọi là “tổ kiến”. Bệnh có thể tấn công lên các thân non làm khô chết phần ngọn phía trên và sau đó sẽ chuyển màu trắng xám. - Nấm gây bệnh thường phát triển trong điều kiện ẩm độ cao, thiếu ánh nắng. Sự lây lan có thể trực tiếp do sợi nấm mọc lan hoặc do hạch nấm di chuyển nhờ dòng nước. Ngoài cây sầu riêng nấm này cũng còn tấn công các loại cây non khác. - Mầm bệnh này thường phổ biến trong rơm rạ, cây cỏ…do vậy sử dụng các rơm rạ, cây cỏ khô phủ đất cần lưu ý sự lây lan nguồn bệnh. Phòng trừ - Ngăn chặn nguồn bệnh lây lan từ bên ngoài vào trong vườn (từ rơm rạ, cỏ khô, nguồn nước chảy..) - Mật độ trồng nên vừa phải để tạo độ thông thoáng và hạn chế lây lan. - Nên kiểm soát bệnh bằng chế đọ phun thuốc hoá học với các loại thuốc trừ nấm như Anvil, Moncerene, Bonanza, … -Bệnh đốm rong đỏ: do rong (algae) Cephaleuros virescens gây bệnh Đốm bệnh thường xuất hiện ở phiến lá, đôi khi cũng xuất hiện trên cành non. Đốm bệnh có màu đỏ rỉ sắt bề mặt như lớp nhung mịn, hơi nhô lên mặt lá. Bệnh làm giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng kém. Ngoài sầu riêng, còn gây hại trên nhiều cây trồng khác.
  12. Bệnh thường thấy trên lá đã trưởng thành. Bệnh phát triển trên cây già cỗi, sinh trưởng kém. Vườn trồng trên đất xấu, vườn chăm sóc kém bệnh nhiều. Cây con không che mát, chăm sóc kém, bệnh có thể gây hại trên thân cành non. Phòng ngừa: -Bón phân tưới nước đầy đủ cho cây, phòng trừ các loại sâu bệnh khác giúp cây sinh trưởng tốt giúp hạn chế được bệnh. -Che mát cho cây con trong mùa khô -Bón nhiều phân hữu cơ giúp giữ ẩm tốt trong mùa khô. -Trường hợp bệnh nặng có thể sử dụng Bordeaux để phun trừ. -Bệnh nấm hồng do nấm Erythricium salmonicolor (Corticium salmonicolor) Bệnh thường xuất hiện trên các cành nhỏ mọc ngang ở nơi phân cành. Thời tiết mưa ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển và lây lan. Đầu tiên những sợi nấm màu trắng phát triển bên trên vỏ cây. Sau đó hình thành lớp nấm dạng phấn hồng bao phủ bên ngoài vỏ cây. Bên dưới lớp phấn phủ mô vỏ cây bị thâm và thối làm cho phần trên vết bệnh không được cung cấp nước và chất dinh dưỡng, sau đó lá vàng khô dần và chết. Vỏ cây có thể bị nứt ở vị trí vết bệnh. Bệnh thường làm chết cành nếu không phòng trừ kịp thời. Ở miền Đông Nam bộ bệnh phổ biến và nguy hại hơn so với miền Tây Nam bộ. Nấm bệnh lây lan qua bào tử bay trong không khí do gió mưa, gặp điều kiện thích hợp sẽ phát triển thành vết bệnh ở nơi mới. Phòng trừ: -Không trồng quá dày, tránh trồng xen rậm rạp. -Tỉa cành tạo tán nhằm tăng độ thông thoáng trong tán cây và trong vườn cây. -Những cành bệnh nặng, cành chết do bệnh cần được cắt và tiêu huỹ ngăn ngừa lây lan. -Phun thuốc phòng trừ. Có thể sử dụng các loại thuốc như Validacin, Bonaza, thuốc gốc đồng…. để phun. -Quét thuốc lên vết bệnh mới xuất hiện và ở các vị trí bệnh có thể xuất hiện. Sử dụng các loại thuốc nói trên. -Bệnh bò hóng do nấm Capnodium sp. Bệnh bò hóng rất phổ biến trên cây sầu riêng. Tuy không gây chết cây những làm cây sinh trưởng kém và đặc biệt là làm cho trái có vẽ ngoài không hấp dẫn, giảm giá bán. Bệnh có thể xuất hiện trên các bộ phận của cây như lá, cành, hoa và trái. Các côn trùng chích hút (rầy phấn, rệp sáp…) bài tiết chất mật đường tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển và lây lan. Bệnh thường gây hại nặng trong mùa khô. Vết bệnh là lớp nấm màu đen như bò hóng bao phủ trên các bộ phận của cây và lây lan nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi như khô ráo, có chất bài tiết của côn trùng chích hút. Phòng trừ: --Diệt côn trùng chích hút bài tiết chất mật đường. -Tưới nước trong mùa khô nên kết hợp phun mạnh lên vết bệnh và tán cây.
  13. -Tỉa và tiêu hủy những bộ phận bị hại nặng tránh lây lan. -Một số bệnh khác Một số bệnh khác trên cây sầu riêng như bệnh đốm lá Phomopsis durionis , bệnh đốm đồng tiền trên thân do địa y, bệnh phấn trắng… TÓM LẠI Tóm lại các kỹ thuật canh tác cây sầu riêng đạt năng suất cao và ổn định có thể tóm tắt như sau: - Giữ cho vườn cây không bị ngập úng. Trồng từ 3-4 giống trên vườn giúp cây thụ phấn tốt đậu trái nhiều. - Tỉa cành, lá, chậm nhất là 2 tuần sau thu hoạch, để tán cây thông thoáng, ánh sáng chiếu vào cây là tốt nhất để góp phần hạn chế sâu bệnh. - Sau khi tỉa cành xong bón ngay phân N,P,K,Mg, trong đó tỷ lệ N cao giúp cây phục hồi nhanh nếu cây chậm ra lá tiến hành phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao và có cả Giberelic acid (GA3) để kích thích cây nhanh ra lá. Trước khi trổ bón thêm một lần phân NPK, sau khi đậu trái bón thêm một lần NPK. Và trước khi thu hoạch một tháng bón một lần kali. Tổng cộng 4 lần(sau khi thu trái, trước khi trổ, sau khi đậu trái, trước thu hoạch) tuỳ sức khoẻ, tuổi cây. Đối cây có đường kính tán 6-8m đang phát triển bình thường bón 3-4kg/lần và 1-1,5kg K2SO4 tức 10- 13,5kg/cây/năm.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2