YOMEDIA
ADSENSE
Khởi nghiệp bền vững dựa trên mô hình lý thuyết Triple Bottom Line
76
lượt xem 5
download
lượt xem 5
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết này sẽ trình bày về cách thức các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng mô hình lý thuyết bộ ba cốt lõi bền vững (Triple Bottom Line); lợi ích và khó khăn khi khởi nghiệp theo mô hình này và một số kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên lý thuyết bộ ba cốt lõi bền vững, từ đó rút ra được bài học cho các nhà khởi nghiệp trong tương lai. Mời các bạn cùng tham khảo!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Khởi nghiệp bền vững dựa trên mô hình lý thuyết Triple Bottom Line
- KHỞI NGHIỆP BỀN VỮNG DỰA TRÊN MÔ HÌNH LÝ THUYẾT TRIPLE BOTTOM LINE ThS. Đào Thị Ph ng Mai Trường Đại học Thương mại TÓM TẮT Trong những năm gần đây, khởi nghiệp bền vững nổi lên như một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực khởi nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường. Một mặt, các nhà nghiên cứu luôn nỗ lực xây dựng những mô hình lý thuyết kinh doanh nhằm tìm đến sự bền vững cho doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng dần tập trung hơn vào những hoạt động đầu tiên khi bắt đầu công việc kinh doanh để mở đầu cho hành trình hướng tới “khởi nghiệp bền vững”. Bài viết này sẽ trình bày về cách thức các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng mô hình lý thuyết bộ ba cốt lõi bền vững (Triple Bottom Line); lợi ích và khó khăn khi khởi nghiệp theo mô hình này và một số kinkh nghiệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên lý thuyết bộ ba cốt lõi bền vững, từ đó rút ra được bài học cho các nhà khởi nghiệp trong tương lai. Từ khóa: khởi nghiệp, phát triển bền vững, khởi nghiệp bền vững, bộ ba cốt lõi bền vững ABSTRACT In recent years, sustainable entrepreneurship has emerged as a new area of scholarship in the field of entrepreneurship research which seeks to address social and environmental problems. On the one hand, researchers were always trying to build the business theory models to find sustainability for businesses. On the other hand, the enterprise has also gradually focused more on startup activities when starting the business to initiate the journey towards “sustainable entrepreneurship”. This paper describes how startups apply the Triple Bottom Line theory; the advantages and disadvantages of startups with this model; and the cases from startups that have applied Triple Bottom Line theory, draw lessons for entrepreneurs in the future. Keywords: entrepreneurship, sustainable development, sustainable entrepreneurship, Triple Bottom Line 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong suốt một khoảng thời gian dài khi mà hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới chỉ tập trung vào lợi nhuận chứ không quan tâm đến những vấn đề như xã hội, môi trường hay làm thế nào để duy trì sao cho sự phát triển của doanh nghiệp được bền vững, lâu dài. Chính sự thờ ơ đó đã gây ra những hệ lụy mà hiện nay con người phải gánh chịu như sự biến động thất thường của thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, dịch bệnh hoành hành, nạn đói nghèo ngày càng tăng,…. Chỉ khi phải đối mặt với những vấn đề này, nhận thức của con người mới thức tỉnh, từ đó xuất nhiện nhu cầu về phát triển các yếu tố xã hội, môi trường song song với phát triển kinh tế. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp đi tìm kiếm những mô hình kinh doanh vừa giải quyết được vấn đề xã hội, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh và nhân rộng tới nhiều vùng, quốc gia. Từ đó hình thành nên một xu hướng mới trong lĩnh vực khởi nghiệp, đó là “khởi nghiệp bền vững”. 163
- Hiện nay, các doanh nghiệp đạt chứng nhận phát triển bền vững ở các quốc gia đa phần đều là các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia có kinh nghiệm kinh doanh quốc tế lâu năm, còn các doanh nghiệp khởi nghiệp, thường là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì rất khó có thể đạt được những tiêu chuẩn này, thậm chí đây là nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ phá sản cao nhất khi chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Đơn cử như ở Việt Nam, năm 2019, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) sau khi đánh giá 500 doanh nghiệp dựa trên Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) thì chỉ có 106 doanh nghiệp đạt đủ điều kiện, trong đó không có bất cứ doanh nghiệp khởi nghiệp nào. Như vậy, có thể thấy thực trạng khởi nghiệp bền vững ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung còn rất nhiều vấn đề khó khăn. Muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải có phương thức và hành động cụ thể ngay từ giai đoạn đầu tiên. Triple Bottom Line chính là mô hình lý thuyết có thể giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được mục tiêu đó. Đây là mô hình lý thuyết kinh doanh tuân theo tiêu chí phát triển bền vững là “sự phát triển trong đó đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của thế hệ tương lai” (Elkington, 1997). Như vậy, khi doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên mô hình này thì không chỉ vì lợi ích chung của xã hội, cộng đồng mà còn vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của chính bản thân doanh nghiệp. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT 2.1. Một số khái niệm liên quan 2.1.1. Khởi nghiệp Trên các góc độ nghiên cứu khác nhau thì khởi nghiệp được gắn với các thuật ngữ rất khác nhau. Khởi nghiệp thường được gắn với hai nghĩa và hai hướng nghiên cứu chính sau: Các học giả trong lĩnh vực kinh tế lao động thì cho rằng khởi nghiệp là một sự lựa chọn nghề nghiệp của cá nhân giữa việc đi làm thuê hoặc tự tạo việc làm cho mình nên gắn khởi nghiệp với thuật ngữ “tự tạo việc làm - self employment” (Kolvereid, L., 1996) và các nghiên cứu về lựa chọn nghề nghiệp. Theo hướng nghiên cứu này khởi nghiệp là lựa chọn nghề nghiệp của những người không sợ rủi ro, tự làm chủ công việc kinh doanh của chính mình và thuê người khác làm công cho họ (Greve, A. and Salaff, J., 2003). Trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh, khởi nghiệp gắn với thuật ngữ “tinh thần doanh nhân - entrepreneurship”. Nếu theo nghĩa hẹp, tinh thần doanh nhân là việc một cá nhân bắt đầu khởi sự công việc kinh doanh của mình (Begley, T.M, Tan, W.L, 2001), hay là việc một cá nhân chấp nhận rủi ro để tạo lập một doanh nghiệp mới và tự làm chủ nhằm mục đích làm giàu hoặc là việc bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới bằng đầu tư vốn kinh doanh hay mở cửa hàng kinh doanh (Mac Millan, I.C, 1993). Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì tinh thần doanh nhân lại là một thái độ làm việc đề cao tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới và chấp nhận rủi ro, tạo ra các giá trị mới trong các doanh nghiệp hiện tại (Bird, B., 1988). Giữa khởi nghiệp theo góc độ tự tạo việc làm và theo góc độ tạo lập doanh nghiệp mới có sự khác biệt đôi chút: Tự tạo việc làm nhấn mạnh tới khía cạnh tự làm chủ chính mình, không đi làm thuê cho ai cả trong khi khởi nghiệp theo góc độ thứ hai còn bao gồm cả những người thành lập doanh nghiệp mới để tận dụng thị trường nhưng lại không quản lý mà thuê người khác quản lý nên anh ta vẫn có thể đi làm thuê cho doanh nghiệp khác (Lý Thục Hiền, 2010). 164
- Như vậy, khởi nghiệp có thể được hiểu theo các góc độ và tiếp cận khác nhau. Tựu chung lại, khởi nghiệp là cách bắt đầu một công việc, một nghề và phải tạo ra giá trị. Giá trị ở đây không hẳn là lợi nhuận mà có thể là giá trị cộng đồng, thiện nguyện. Khởi nghiệp cũng có thể được hiểu là bắt đầu công việc kinh doanh, là việc một người hoặc một nhóm người bắt tay vào việc tự mình kinh doanh dựa trên những ý tưởng kinh doanh của bản thân để tìm kiếm lợi nhuận. Từ những nghiên cứu trên, trong bài viết này, tác giả tiếp cận khởi nghiệp là việc một cá nhân hay một nhóm người/tổ chức khởi sự công việc kinh doanh và theo đuổi con đường kinh doanh như một lựa chọn nghề nghiệp. Cá nhân hay nhóm người/tổ chức đó có thể được gọi tên chung là nhà/người khởi nghiệp. 2.1.2. Phát triển bền vững Năm 1980, Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN - International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) đã lần đầu tiên đưa ra định nghĩa rõ ràng về phát triển bền vững trong cuốn “Chiến lược bảo tồn thế giới”. Trong đó, thuật ngữ phát triển bền vững được đề cập tới với một nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật, cụ thể, “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học” (IUCN, 1980). Đến năm 1987, khái niệm này đã được phát triển đầy đủ và phổ biến rộng rãi hơn qua Báo cáo Tương lai chung của chúng ta (Our Common Future) của Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED - World Commission on Environment and Development). Báo cáo này định nghĩa phát triển bền vững là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Quan niệm này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển. Nội hàm của phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002, “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên”. Tựu chung lại, có thể hiểu phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. 2.1.3. Khởi nghiệp bền vững Trong giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu thường sử dụng một số thuật ngữ như “duy trì doanh nghiệp - sustainopreneurship” ( brahamsson, 2007), “doanh nhân định hướng giá trị - values-oriented entrepreneurs” (Choi và Gray, 2008), “doanh nhân có động lực bền vững - sustainability-motivated entrepreneurs” (Cohen, Smith và Mitchell, 2008), “doanh nghiệp định hướng bền vững - sustainability- driven enterprise” (Schlange, 2009). Đến năm 2009, Gibbs đã đưa ra thuật ngữ “sustainable entrepreneurship” để chỉ khởi nghiệp bền vững với định nghĩa “khởi nghiệp bền vững là sử dụng sự khai thác một cách sáng tạo để nó trở thành động lực thiết lập một hệ thống kinh tế - môi trường - xã hội toàn diện và bền vững” (Gibbs, 2009). Có thể thấy rằng cách định nghĩa trên chưa rõ ràng, không thể hiện sự khác biệt của một doanh nghiệp khởi nghiệp so với những doanh nghiệp đã qua giai đoạn này. 165
- Tiếp nối sau đó có rất nhiều những định nghĩa về khởi nghiệp bền vững của những nhà khoa học khác như “Khởi nghiệp bền vững là việc tập trung vào bảo tồn thiên nhiên, hỗ trợ cuộc sống và cộng đồng nhằm theo đuổi các cơ hội để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ trong tương lai, từ đó đạt được lợi ích. Trong đó, lợi ích được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả lợi ích kinh tế và phi kinh tế cho các cá nhân, nền kinh tế và xã hội” (Shepherd và Patzelt, 2011) hay định nghĩa của Schaltegger và Wagner, “Khởi nghiệp bền vững có thể được mô tả là một hình thức sáng tạo, định hướng thị trường và cá nhân hóa nhằm tạo ra giá trị kinh tế và xã hội bằng cách khai thác các lĩnh vực có lợi cho môi trường hoặc xã hội, đổi mới sản phẩm hoặc cơ cấu tổ chức để vượt qua giai đoạn khởi nghiệp của một công ty” (Schaltegger và Wagner, 2011). Tóm lại, khái niệm khởi nghiệp bền vững được dùng trong bài viết là quá trình khởi nghiệp dựa trên sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa ba mặt: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Là quá trình đi từ bước thành lập doanh nghiệp và xác định rõ mục tiêu của mình khi đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh, từ đó xây dựng một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả, củng cố ngu n nhân lực với chuyên môn và trình độ kỹ thuật cao để giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, linh hoạt trong môi trường kinh tế nhiều biến đổi. 2.2. Mô hình lý thuy t bộ ba cốt lõi bền vững - Triple Bottom Line Mô hình lý thuyết bộ ba cốt lõi bền vững (Triple Bottom Line - TBL/3BL) được đề cập lần đầu trong nghiên cứu của Elkington và cộng sự vào năm 1997. Đây là một khung phân tích về kế toán để đo lường và lập báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp về cả ba phương diện là kinh tế, xã hội và môi trường để khuyến khích các tổ chức kết hợp tính bền vững vào thực tiễn kinh doanh của họ (Elkington, 1997). Với khái niệm này, TBL đòi hỏi doanh nghiệp muốn đạt được mục tiêu bền vững thì phải có trách nhiệm với tất cả các “đối tượng liên quan” chứ không chỉ với những cổ đông. Các “đối tượng liên quan” ở đây là bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các hoạt động của doanh nghiệp, đó chính là xã hội, kinh tế và môi trường. Để mô tả ngắn gọn những đối tượng trên, Elkington đã sử dụng ba yếu tố là “con người, hành tinh, lợi nhuận - People, Planet, Profit”. Mô hình được thể hiện như sau: Hình 1. Mô hình Triple Bottom Line Ngu n: Elkington J., 2006 166
- - Con người (People): Yếu tố này đề cập đến cộng đồng và bản thân đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhân viên, cổ đông của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần hành động để cải thiện được tình hình kinh tế của cộng đồng, của xã hội, cải thiện về nguồn lao động, tri thức và cuộc sống của cộng đồng,…. “Con người” ở đây còn liên quan đến các phương thức kinh doanh công bằng và có lợi cho người lao động và cộng đồng nơi mà doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. - Hành tinh (Planet): Yếu tố này nói đến những hành động của doanh nghiệp làm cho môi trường sống ngày càng an toàn, lành mạnh và tốt đẹp hơn. Nỗ lực của TBL là giảm sự suy thoái môi trường bằng cách quản lý chặt chẽ việc tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là những năng lượng không tái tạo; giảm chất thải sản xuất cũng như làm cho chất thải ít độc hại hơn trước khi thải bỏ chúng một cách an toàn và hợp pháp. - Lợi nhuận (Profit): Một doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận. Khi doanh nghiệp có lợi nhuận thì sẽ đóng thuế cho Nhà nước, đóng góp vào ngân sách quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động tốt thì sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho cộng đồng, từ đó cũng giúp cho việc luân chuyển hàng hóa trở nên thông suốt. Như vậy, chỉ khi doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế mới phát triển được. Ba yếu tố của mô hình TBL thường gắn liền với nhau, khi doanh nghiệp có khả năng tích hợp hài hòa cả ba yếu tố con người, hành tinh và lợi nhuận trong chiến lược kinh doanh thì có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu này được đo lường dựa trên mức độ hài lòng của tất cả các đối tượng liên quan, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp được cộng đồng công nhận. Đây chính là những lợi thế to lớn giúp cho doanh nghiệp tồn tại và vượt qua được các đối thủ của mình. Comment [WU2]: Sửa lỗi rớt chữ 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để thực hiện bài viết, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ các tài liệu sách, báo, công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Do khởi nghiệp bền vững là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới tại Việt Nam nên số lượng tài liệu liên quan tới chủ đề này bằng tiếng Việt rất hạn chế. Vì vậy, tác giả đã tìm kiếm nguồn tham khảo bằng các từ khóa tiếng nh như “sustainable entrepreneurship”, “triple bottom line”. Các tài liệu mà tác giả lựa chọn để tham khảo đều là những công trình khoa học được nghiên cứu nghiêm túc, có uy tín. Dựa trên những dữ liệu thu thập được, tác giả có cái nhìn tổng quan về khởi nghiệp bền vững, đặc điểm của mô hình lý thuyết Triple Bottom Line, có cơ sở để tổng hợp và phân tích việc ứng dụng mô hình lý thuyết này đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó rút ra được bài học cho các doanh nghiệp có thể ứng dụng hiệu quả mô hình này để khởi nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, tác giả còn tìm hiểu những quan điểm, nhận định về khởi nghiệp bền vững của một số nhà khởi nghiệp như ông Lê Thanh - Founder của ShoeX, ông Kevin Kumala - Founder của vani Eco; ông Văn Trần - Founder của Vexere; bà Phạm Kiều Oanh - Founder và CEO của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP);… để tìm hiểu xu hướng khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1. Ứng dụng mô hình Triple Bottom Line trong khởi nghiệp Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, hàng loạt những biến động từ toàn cầu hóa; các Hiệp định thương mại được ký kết giữa các quốc gia, khu vực; căng thẳng chính trị; sự phát triển của khoa học kỹ 167
- thuật; biến đổi khí hậu toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; khan hiếm thực phẩm và nguyên liệu;… tác động rất lớn đến tất cả các doanh nghiệp và những người có dự định khởi nghiệp, buộc các cá nhân/tổ chức này phải có sự thay đổi về tư duy, nhận thức và mô hình phát triển để có thể tồn tại và tăng trưởng. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, trước sức ép cạnh tranh đa phương cùng với những áp lực từ thị trường lên một doanh nghiệp mới đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định được một hướng đi lâu dài, đó chính là khởi nghiệp dựa trên những giá trị bền vững (Sustainable values) bằng cách xây dựng, phát triển và củng cố những mối liên hệ mới với những tác nhân liên quan. Tương quan đó bao gồm doanh nghiệp- người tạo ra sản phẩm và dịch vụ; cộng đ ng - người tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ; và hành tinh- nơi cung cấp nguyên vật liệu để tạo thành sản phẩm, dịch vụ. Do đó, việc ứng dụng mô hình TBL là vô cùng cần thiết đối với những doanh nghiệp muốn khởi nghiệp bền vững. - Con người: Một doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững theo mô hình TBL sẽ có cấu trúc như một xã hội tương hỗ, trong đó phúc lợi của doanh nghiệp, lao động và lợi ích của các bên liên quan đều phụ thuộc lẫn nhau. Doanh nghiệp sẽ phải tìm cách để mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả các bên mà không được gây nguy hại tới bất kỳ nhóm nào. Được thể hiện thông qua cách người khởi nghiệp (nhà quản trị) đối xử với nhân viên của họ như thế nào, có thúc đẩy sự gắn kết xã hội không? Yếu tố này được cho là thỏa mãn khi quyền con người được bảo vệ, không tồn tại gian lận và tham nhũng, không sử dụng lao động trẻ em, không có sự phân biệt đối xử về giới tích, sắc tộc,… người lao động được tham gia vào quá trình quản lý và ra quyết định của doanh nghiệp. Mỗi quốc gia đều có Bộ luật Lao động riêng, người khởi nghiệp khi thành lập doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ nghiêm túc những quy định này, ví dụ như doanh nghiệp mới thành lập phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; thành lập công đoàn cơ sở để bảo vệ quyền lợi của người lao động; xây dựng thang lương, bảng lương, nội quy lao động; đăng ký tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động;… Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng thông qua những sản phẩm, dịch vụ hoặc các khoản tài trợ về chăm sóc sức khỏe và giáo dục. - Hành tinh: Vấn đề thứ hai mà doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình TBL cần thực hiện đó là quan tâm đến môi trường tự nhiên, thể hiện qua việc doanh nghiệp cần tạo ra giá trị cho tự nhiên hoặc ít nhất là không gây hại và giảm thiểu tác động tới môi trường. Nỗ lực của người khởi nghiệp để làm giảm sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái bằng cách quản lý tốt việc tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là năng lượng không tái tạo, đồng thời giảm chất thải sản xuất cũng như làm cho chất thải ít độc hại hơn khi thải bỏ chúng một cách an toàn và hợp pháp. Ví dụ, các doanh nghiệp khi lựa chọn công nghệ và bố trí mặt bằng sản xuất kinh doanh cần chú trọng đến việc xử lý chất thải ra môi trường hoặc nghiên cứu cách để tái sử dụng những chất thải đó hoặc khi thiết kế sản phẩm, doanh nghiệp nên ưu tiên lựa chọn những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng những tài nguyên đang cạn kiệt. Ngày nay, rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thường áp dụng phương pháp “cradle to grave” (tạm dịch: từ cái nôi đến nấm mồ) để đánh giá vòng đời của sản phẩm ngay từ khi thiết kế, từ đó xác định chi phí môi trường thực sự và khả năng tái sinh (tái sử dụng) của sản phẩm. Doanh nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có khả năng tái sử dụng cao để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và vừa giảm tác động tới môi trường. - Lợi nhuận: Lợi nhuận của doanh nghiệp khởi nghiệp được hiểu đơn thuần là giá trị kinh tế do doanh nghiệp tạo ra sau khi trừ đi chi phí. Tuy nhiên, khi áp dụng theo mô hình TBL thì “lợi nhuận” được đề cập ở đây không chỉ liên quan đến kết quả tài chính thuần túy của một doanh nghiệp mà còn là 168
- đóng góp của doanh nghiệp cho nền kinh tế. Có thể kể đến những đóng góp như việc sử dụng và phân bổ giá trị gia tăng; tạo việc làm cho người lao động; đầu tư vào máy móc và cơ sở hạ tầng chung; tài trợ cho hoạt động cộng đồng;… Để thực hiện được những việc trên thì điều kiện tiên quyết là bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp phải xây dựng được kế hoạch kinh doanh tốt; lựa chọn được sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường; có kế hoạch marketing và bán hàng bài bản; sử dụng hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp;… từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tăng trưởng. Đúc rút từ bộ ba giá trị bền vững trên, Janssen (2001) đã đưa ra những quy tắc cơ bản để trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững như sau: 1. Doanh nghiệp nên bắt đầu giảm thiểu thiệt hại về môi trường, tôn trọng nhân quyền và đối xử tốt với nhân viên; 2. Khởi nghiệp bền vững phải là một quá trình tự khởi xướng chứ không chỉ đơn giản là sự phản ứng với áp lực bên ngoài; 3. Để trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, doanh nghiệp cần phải có mục tiêu rõ ràng; 4. Các mục tiêu phải liên quan chặt chẽ đến hoạt động của doanh nghiệp, phải phù hợp với những giá trị và lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp theo đuổi; 5. Mục đích hoạt động của doanh nghiệp phải liên quan chặt chẽ đến nhu cầu của người tiêu dùng; 6. Doanh nghiệp phải có khả năng giải thích được mối quan hệ tương tác giữa các khía cạnh tạo nên sự phát triển bền vững; 7. Doanh nghiệp phải tuân thủ các mục tiêu trên cơ sở dài hạn; 8. Người tiêu dùng và đối tác/nhà đầu tư cần có cái nhìn tổng quan, minh bạch về các khoản đầu tư do doanh nghiệp thực hiện liên quan đến khởi nghiệp bền vững; 9. Không nên hướng đến khởi nghiệp bền vững thông qua việc tăng giá thành sản phẩm; 10. Doanh nghiệp không nên cố gắng nhấn mạnh quá mức những nỗ lực của mình. Bos (2002) đã bổ sung thêm một quy tắc là: 11. Một doanh nghiệp phải đảm bảo rằng hoạt động của mình được chia sẻ bởi toàn thể người lao động trong doanh nghiệp chứ không chỉ là nỗ lực của nhà quản trị. Như vậy, để khởi nghiệp bền vững dựa trên TBL, nhà khởi nghiệp phải có chiến lược phát triển hài hòa cả ba khía cạnh là kinh tế, xã hội và môi trường. Sự phát triển bền vững không thể đạt được trong một sớm, một chiều mà cần cả một lộ trình dài, do đó nhà khởi nghiệp cần có sự chuẩn bị về nguồn lực và về tâm lý, kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đặt ra. 4.2. Lợi ích và khó khăn khi khởi nghiệp theo mô hình Triple Bottom Line 4.2.1. Lợi ích của khởi nghiệp theo mô hình Triple Bottom Line Có thể thấy rằng, khởi nghiệp bền vững theo mô hình TBL có thể đem lại rất nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp, cụ thể: Khi theo đuổi con đường khởi nghiệp bền vững dựa trên những giá trị cốt lõi thì doanh nghiệp có thể xây dựng được hình ảnh tốt đẹp trong mắt công chúng và khách hàng, từ đó nhận được sự tin 169
- tưởng và lựa chọn của họ. Ngược lại, nếu như doanh nghiệp vi phạm các giá trị đạo đức thì sẽ phải chịu hậu quả nặng nề như sự tẩy chay của những người tiêu dùng có ý thức hoặc một bộ phận khách hàng sẽ bỏ qua sản phẩm của doanh nghiệp một cách vô thức khiến cho doanh nghiệp mất doanh thu và lợi nhuận. Hình ảnh tốt đẹp này cũng là cơ sở để doanh nghiệp tạo được niềm tin với đối tác, nhà đầu tư. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi vì họ thường gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Ngoài ra, ngày nay kinh doanh bền vững đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới. Khi tìm kiếm hợp tác kinh doanh, các doanh nghiệp lớn thường đặt ra những yêu cầu rất cao đối với đối tác và nhà cung cấp của mình, một trong những ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn đó là doanh nghiệp phát triển bền vững. Do đó, nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn vươn ra thị trường quốc tế hoặc hợp tác với những đối tác kinh tế mạnh thì cần phải xác định khởi nghiệp bền vững ngay từ đầu. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa, họ thường gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi so với các doanh nghiệp lớn hay những doanh nghiệp đã kinh doanh lâu năm. Khi khởi nghiệp dựa trên lý thuyết TBL sẽ khiến cho các nhà khởi nghiệp thay đổi tư duy, bị kích thích và sẵn sàng lựa chọn những chính sách đầu tư táo bạo hơn về công nghệ và con người, những kết quả đạt được sẽ mang giá trị bền vững và lâu dài. Tóm lại, lợi ích của việc áp dụng mô hình TBL đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là: gia tăng giá trị và danh tiếng của nhãn hiệu; tăng cường sự cam kết của nhân viên; tạo được sự tin tưởng từ phía nhà đầu tư và cổ đông; cải thiện hiệu quả tài chính, tăng giá trị cho doanh nghiệp khi kêu gọi vốn đầu tư; đảm bảo sự bền vững cho doanh nghiệp và xã hội; quản lý rủi ro hiệu quả hơn; gia tăng năng suất làm việc; tăng khả năng thu hút nhân lực chất lượng cao; tạo được mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp phát triển bền vững khác; duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước; có lợi thế hơn khi hội nhập kinh tế toàn cầu. 4.2.2. hó khăn khi khởi nghiệp theo mô hình Triple Bottom Line Mặc dù việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững dựa trên TBL đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành công bởi vì trong quá trình triển khai mô hình, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp. Thứ nhất, để áp dụng mô hình TBL trong kinh doanh, nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải cân bằng cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này có thể làm doanh nghiệp quá quan tâm đến những giá trị cộng đồng, xã hội và môi trường mà sao lãng công việc kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại khi có doanh thu, lợi nhuận. Thứ hai, theo đuổi giá trị bền vững cần thời gian dài và tốn kém. Các doanh nghiệp này thường phải bỏ ra những khoản chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển để tìm kiếm sản phẩm thân thiện với môi trường, có giá trị cho xã hội; đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; đãi ngộ cho người lao động; đóng góp cho cộng đồng;…. Những sản phẩm đa phần là sản phẩm mới hoặc có giá thành cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. Khách hàng cần có thời gian để hiểu được giá trị và đón nhận sản phẩm, do đó doanh nghiệp khó có thể thu được lợi nhuận trong thời gian đầu. Trong khi đó, doanh nghiệp khởi nghiệp lại gặp rất nhiều bất lợi như: thiếu nguồn lực (tài chính, nhân lực), thời gian; thiếu năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật; thiếu tư duy chiến lược; thiếu mối quan hệ với khách hàng, đối tác, nhà đầu tư; chưa có chỗ 170
- đứng trên thị trường;… Điều này gây ra rất nhiều cản trở đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp khi theo đuổi sự bền vững. Thứ ba, tại một số quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp còn nhiều hạn chế. Các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp còn chung chung, chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất khó có thể tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi và không có cơ sở hạ tầng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu sản phẩm. Mặt khác, công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của cộng đồng về lối sống xanh để phát triển bền vững chưa được triển khai một cách hiệu quả khiến cho rất nhiều sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường nhưng không thể tiêu thụ được do sự thờ ơ của người tiêu dùng. Như vậy, có thể thấy rằng con đường hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp là không hề dễ dàng, cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, cộng đồng và sự chuẩn bị của bản thân nhà khởi nghiệp thì mới có thể đạt được thành công. 4.3. Kinh nghiệm khởi nghiệp theo mô hình Triple Bottom Line 4.3.1. Kinh nghiệm của ES Tooling ES Tooling được thành lập vào năm 1996 bởi Erik Schildermans và vợ của ông là Carine Melotte tại Beringen, Bỉ. ES Tooling chuyên về công nghệ chính xác, công nghệ này cho phép sản xuất các bộ phận có độ chính xác tới 0,0005mm. Công ty hiện đang sản xuất các bộ phận cơ khí chính xác, dụng cụ điều chỉnh, đo lường và khuôn mẫu cho các công ty lớn trên thế giới. Những bộ phận này được sử dụng làm thành phần cho các công cụ cắt trong ngành công nghiệp ô tô và quang học, tự động hóa trong ngành kỹ thuật đo lường và điều khiển trong nhiều ngành công nghiệp khác như y tế, giáo dục,… ES Tooling tuyên bố luôn duy trì các tiêu chuẩn và giá trị cao trong mối quan hệ với khách hàng, nhân viên, cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên. - Về “con người”: Theo quan điểm của Erik, ông luôn đặt con người ở trung tâm của các giá trị, đặc biệt là đội ngũ nhân viên của công ty. Tại ES Tooling, đội ngũ nhân viên luôn được tôn trọng, đối xử bình đẳng và tạo điều kiện để phát triển bản thân. Ông cho rằng giao tiếp với nhân viên là yếu tố cần thiết trong việc triển khai chiến lược kinh doanh bền vững. Ban lãnh đạo của Công ty luôn thông báo đầy đủ những thông tin cần thiết đến nhân viên. Hơn nữa, hàng tháng, sau bữa trưa, Erik sẽ chủ trì một buổi nói chuyện với tất cả nhân viên của công ty, trong buổi trao đổi này, mọi nhân viên đều có quyền tự do chia sẻ, bình luận. Khi cần đưa ra những quyết định quan trọng, Erik luôn thảo luận trước với các nhân viên của mình. Đội ngũ nhân viên của công ty đánh giá rất cao phong cách lãnh đạo của Erik và luôn tôn trọng ông. Mặt khác, Erik rất quan tâm tới vấn đề đào tạo nhân viên. Công ty thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về chuyên môn và kỹ năng phát triển bản thân cho từng nhóm nhân viên dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của họ. Về công tác đãi ngộ, chế độ lương thưởng của công ty rất cạnh tranh và công bằng; kết quả làm việc của nhân viên còn được ghi nhận bằng cách hiển thị tên và hình ảnh của mọi nhân viên ở phía trước của thiết bị công nghệ mà người đó chịu trách nhiệm sản xuất. Không gian làm việc của công ty rộng tới hơn 1000m2, mỗi phòng ban đều có phòng họp lớn để làm việc nhóm. Điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và lành mạnh. Tầm nhìn của ES Tooling là trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy các bộ phận cơ khí chính xác có chất lượng cao nhất bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại mới nhất trên thị trường. ES Tooling luôn là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ mới, công ty duy 171
- trì sự cập nhật công nghệ này bằng cách liên tục nghiên cứu và thay thế máy móc của mình chậm nhất là 5 năm/lần. Nhờ đó mà khách hàng luôn tin tưởng vào kinh nghiệm và sự tận tâm của công ty đối với sự hoàn hảo. Cho đến nay, công ty có mạng lưới khách hàng trên toàn thế giới và trở thành đối tác độc quyền cho các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghiệp máy bay và vũ trụ. ES Tooling sử dụng những công cụ đo lường siêu hiện đại để kiểm soát chất lượng nội bộ và hệ thống quản lý, nhờ đó mà chỉ tiêu tài chính của công ty được công khai, minh bạch đối với cổ đông và nhà đầu tư, tạo được sự tin tưởng tuyệt đối từ họ. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận của địa phương như dàn nhạc thanh niên St. Cecilia của Beringen. - Về “hành tinh”: ES Tooling cũng đã hoàn thành các nghĩa vụ môi trường của mình một cách tích cực. Đầu tiên, Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư một khoản kinh phí cao để xây dựng khu vườn rộng lớn, bao quanh khuôn viên nhà máy. Khu vườn này được những người đến tham quan tả là “đẹp đến kinh ngạc”, đây không chỉ là nơi để người lao động dùng bữa trưa mà còn là “lá phổi” của cả một khu công nghiệp. - Về “lợi nhuận”: Nhờ vào chất lượng sản phẩm và sự tiên phong trong công nghệ mà ES Tooling luôn khẳng định được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất bộ phận cơ khí chính xác. Bản thân Erik tâm niệm rằng sự tăng trưởng được coi là thách thức và thay đổi được coi là cơ hội. Do đó, Công ty luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được mục tiêu kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đem lại lợi nhuận cho cổ đông và đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng trung bình của công ty trong 5 năm đầu đạt 25% - 30%. ES Tooling là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên đi theo hướng phát triển bền vững dựa trên mô hình TBL. Những thành công mà Công ty đạt được đã trở thành bài học giá trị cho những doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn thế giới. 4.3.2. Kinh nghiệm của Avani Eco Trên thế giới, cứ mỗi phút lại có 1 triệu chiếc túi ni lông bị vứt ra ngoài môi trường, hàng năm có tới hàng triệu sinh vật thiệt mạng vì vô tình nuốt phải các mảnh nhựa. Trước thực trạng đó, Kevin Kumala, một người dân sống tại Bali, Indonesia đã phát minh ra sản phẩm túi làm từ nhựa tự nhiên và tinh bột trong củ sắn mang tên “I am not plastic”. Năm 2014, ông cùng cộng sự thành lập Công ty vani Eco để kinh doanh sản phẩm túi sinh thái này. - Về “hành tinh”: Indonesia là quốc gia đang phải đối diện với vấn đề rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng, hiện lượng rác thải nhựa của quốc gia này nhiều thứ hai trên thế giới. Vì vậy, Kevin tạo ra sản phẩm túi “I am not plastic” với mong muốn có thể giảm thiểu được rác thải nhựa, đem đến môi trường sống trong lành hơn cho con người và sinh vật tại quê hương. Chiếc túi này được đánh giá là một sản phẩm mang tính đột phá bởi sự tiện lợi và thân thiện với môi trường. 172
- H nh 2. Vòng đời sản phẩm của Avani Ngu n: ideasplus.vn Sản phẩm này được làm từ nhựa cây tự nhiên và tinh bột củ sắn- một loại cây trồng rất phổ biến tại Indonesia và giá thành rất rẻ. Trong khi một chiếc túi nhựa bình thường cần 1.000 năm để phân hủy thì túi của Avani có thể tan rã và phân hủy hoàn toàn trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng hoặc tan ngay lập tức nếu cho vào nước sôi và sau đó cho vào nước lạnh. Cơ chế phân hủy của sản phẩm là nhờ vào tác động của các vi sinh vật trong đất một cách tự nhiên và có thể đưa thẳng đến bãi rác mà không cần xử lý. Điều đặc biệt nữa là sản phẩm này hoàn toàn không gây hại cho động vật khi nuốt vào, có thể làm thức ăn cho sinh vật dưới nước hoặc côn trùng, hay có thể dùng làm phân bón cho cây. - Về “con người”: Mặc dù ưu tiên hàng đầu của Avani là giải quyết các vấn đề môi trường nhưng Công ty cũng đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm túi của vani có kích thước, độ bóng, độ dai và độ mỏng như những chiếc túi ni lông thông thường. Ngoài ra, công ty cũng không ngừng nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm khác như túi đựng rác, túi đựng đồ giặt, hộp đựng thực phẩm làm từ mía, ống hút từ tinh bột ngô, áo mưa từ ngô, đậu nành và hạt hướng dương,… Đây đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường và dễ dàng phân hủy. Hầu hết các sản phẩm của vani đều nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng và người sử dụng. Kevin luôn quan niệm rằng: “Chúng ta không nên tiếp tục lãng phí thời gian thuyết phục mọi người thay đổi thói quen sinh hoạt bởi đó dường như là điều không thể, hãy dựa vào các thói quen ấy và phát triển những cách giải quyết tối ưu hơn.” Những người sáng lập Avani luôn mong muốn phải trở thành người tạo ra sự khác biệt, sử dụng công nghệ như một giải pháp tiện lợi để được các đối tác và người tiêu dùng chấp nhận. Tôn chỉ hoạt động của công ty là “Responsible - Trách nhiệm”, đây là giá trị cốt lõi để thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi là “Reduce - Giảm thiểu; Reuse - Tái sử dụng; Recycle - Tái chế”. Công ty cũng cố gắng để trở thành cầu nối trong việc khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, giúp khơi dậy những sáng kiến có thể tạo ra tác động bền vững cho môi trường và xã hội. 173
- - Về “lợi nhuận”: Trong thời gian đầu, vani cũng gặp đôi chút khó khăn do các sản phẩm của công ty có giá cao hơn so với các sản phẩm ni lông thông thường khoảng 2 - 3 cent (khoảng 700 VNĐ). Tuy nhiên, sau thời gian trải nghiệm cũng như nhận được sự hỗ trợ rất đắc lực từ các đơn vị truyền thông, sản phẩm của Công ty đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, họ sẵn sàng chi khoản tiền lớn hơn vì giá trị mà sản phẩm đem lại cho xã hội và môi trường. Ở thời điểm hiện tại, vani đã có một vị thế vững chắc và liên tục phát triển thành công các sản phẩm thân thiện với môi trường khác. 4.3.3. Kinh nghiệm của ShoeX ShoeX được thành lập bởi Lê Thanh - Founder của Công ty Veritas Shoes Việt Nam. Năm 2015, Lê Thanh khởi nghiệp với mô hình kinh doanh dùng công nghệ scan fit để đóng giày Tây cho khách hàng. Tuy nhiên, sau khi tham gia chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ, Lê Thanh đã nhận thấy rằng đây là một hướng đi không hiệu quả. Sau đó, được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư, Veritas đã chuyển hướng kinh doanh theo mô hình kinh doanh bền vững với tên gọi mới là ShoeX. ShoeX tập trung sản xuất và kinh doanh những sản phẩm như giày và khẩu trang làm từ bã cà phê với tiêu chí “thân thiện với môi trường - kháng khuẩn - tiết kiệm - thời trang”. - Về “hành tinh”: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới, khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu với nhu cầu lớn nhưng lại thiếu nguồn cung. Mặt khác, lượng khẩu trang dùng một lần bị vứt bỏ quá lớn, tính riêng tại Trung Quốc, có tới 116 triệu tấn khẩu trang y tế được tiêu thụ mỗi ngày. Trước thực trạng đó, ShoeX đã nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm khẩu trang sản xuất từ sợi cà phê irX, đảm bảo tính kháng khuẩn và có thể sử dụng nhiều lần và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường nhờ khả năng phân hủy sinh học. Trước đó, Công ty cũng đã sản xuất thành công sản phẩm giày từ bã cà phê ShoeX. Để sản xuất một cặp đế giày thì cần sử dụng 12 cốc nhựa tái chế và 150 gram bã cà phê. Như vậy, với những sản phẩm làm từ bã cà phê có thể giúp xử lý một lượng lớn chất thải ra môi trường. Anh Lê Thanh chia sẻ lý do khiến anh lựa chọn hướng phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường là vì “Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường là một vấn đề hết sức nhức nhối và chúng ta vẫn chưa có những giải pháp rốt ráo để giải quyết nó. Là một người trẻ làm trong lĩnh vực thời trang, tôi và ShoeX có trách nhiệm phải cân bằng giữa tính thời trang và tiện dụng với môi trường, dùng công nghệ để giúp ngành thời trang không những không làm ô nhiễm môi trường mà còn bảo vệ môi trường.” - Về “con người”: Trong kinh doanh, ShoeX luôn mong muốn đem lại giá trị lớn nhất cho khách hàng. Những sản phẩm của Công ty luôn đảm bảo chất lượng, thời trang, an toàn và tiết kiệm. Sản phẩm khẩu trang AirX của Công ty sử dụng công nghệ kháng khuẩn kép 99,99% với hai lớp bảo vệ. Lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê, sử dụng công nghệ PowerKnit, có thể giặt mỗi ngày. Bên trong là lớp màng lọc tự phân hủy sinh học, được sản xuất theo công nghệ kết hợp Nano bạc và cà phê. Mỗi miếng màng lọc có thể sử dụng tối đa 30 ngày và hiệu quả được chứng nhận tiêu chuẩn AATCC100 bởi QUATEST 3. Khách hàng có thể thay màng lọc để sử dụng được lâu dài, như vậy chi phí sử dụng khẩu trang AirX thấp hơn so với việc sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần mà vẫn đảm bảo sự an toàn. Sản phẩm giày ShoeX thì có đặc tính nổi trội so với các sản phẩm khác trên thị trường là khả năng chặn tia UV, nhanh khô và không thấm nước. Ngoài ra, sản phẩm của ShoeX còn được 174
- thiết kế hợp thời trang, đa dạng màu sắc cùng với nguyên liệu tự nhiên không gây kích ứng da và mùi cà phê đặc trưng giúp tạo cảm giác thư giãn cho khách hàng khi sử dụng. Bên cạnh đó, ShoeX cũng rất quan tâm đến chất lượng dịch vụ khách hàng, công ty nhận thấy trong khoảng từ 6 giờ chiều tới 9 giờ tối là khung giờ mà hầu hết các dịch vụ phân phối, giao nhận và chăm sóc khách hàng online của ngành thời trang đều ngưng phục vụ, do đó công ty đã linh hoạt cung cấp dịch vụ online và offline từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Công ty cũng cho phép khách hàng đổi trả sản phẩm giày ShoeX trong vòng 1 năm nếu sản phẩm xảy ra vấn đề và hoàn tiền nếu khách hàng chưa sử dụng sản phẩm. Hiện tại, ShoeX đã bắt tay hợp tác với Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Trong hợp đồng này, Trung Nguyên không chỉ cung cấp bã cà phê với giá rẻ cho ShoeX mà còn hỗ trợ Công ty bày bán sản phẩm tại hệ thống hơn 70 cửa hàng của Trung Nguyên. Sở dĩ Trung Nguyên lựa chọn ShoeX làm đối tác mặc dù đây chỉ là một công ty non trẻ là vì “Trung Nguyên mong muốn sẽ cùng chung tay mang lại những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường và hành tinh, góp phần đem lại lợi ích bền vững cho người tiêu dùng và cộng đồng yêu cà phê trong và ngoài nước” - trích lời ông Trịnh Ty, Giám đốc Sáng tạo và Phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Ngoài ra, ShoeX cũng nhận được sự giúp đỡ của Công ty sản xuất đế giày Đài Loan Chin Li. Trong thời gian đầu, khi mà tất cả các doanh nghiệp trong nước không nhận sản xuất đế giày cho ShoeX vì đơn hàng quá nhỏ thì chỉ có Công ty Chin Li đồng ý giúp đỡ dù họ đã nhận đủ đơn hàng. Lý do là vì Chin Li tôn trọng lý tưởng mà Lê Thanh cùng những người đồng sáng lập ShoeX đang theo đuổi. - Về “Lợi nhuận”: Hiện tại, công ty đang bán sản phẩm ShoeX và AirX với mức giá rất thấp so với chi phí sản xuất. Lê Thanh chấp nhận trong thời gian đầu công ty chưa có lợi nhuận nhưng khi lượng hàng bán ra đủ lớn, lúc đó công ty sẽ thu lời. Phương châm của ShoeX là đánh đổi giữa việc bán đắt - hàng chậm - không lỗ nhưng công ty dậm chân tại chỗ hay bán giá tốt - hàng đi nhanh và nhiều - không lời thời điểm ban đầu những sẽ tốt dần lên sau khi có thị trường. Cho đến nay, khi mà rất nhiều doanh nghiệp phải rút lui do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì ShoeX là một trong những công ty khởi nghiệp hiếm hoi không thuộc ngành y tế hoặc nhu yếu phẩm hàng ngày vẫn duy trì tốt. Với năng lực sản xuất khoảng 10.000 khẩu trang/ngày, ShoeX đã bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ, Singapore và các nước châu Âu. Mức tăng trưởng mỗi năm của công ty hiện vào khoảng 300% và công ty vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm những sản phẩm khác như khẩu trang cho trẻ em và các ngành đặc thù (y tế, khai thác,…) để mở rộng thị trường hơn nữa. 5. KẾT LUẬN Mỗi doanh nghiệp tồn tại trên thế giới đều có sự kết nối với cơ cấu xã hội và môi trường tự nhiên xung quanh chúng. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ tác động lên môi trường và xã hội, đồng thời môi trường và xã hội cũng có ảnh hưởng ngược lại đến kết quả và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có trách nhiệm bảo vệ và tác động tích cực tới môi trường, xã hội tại nơi mà doanh nghiệp đang hoạt động. Do bản chất của khởi nghiệp bền vững là phục vụ cộng đồng, tạo ra các giá trị gia tăng và bền vững cho xã hội, đất nước nên có thể khẳng định rằng khởi nghiệp bền vững chính là xu thế tất yếu trong tương lai. 175
- Có rất nhiều con đường dẫn tới đích là sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, thông qua bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã trình bày ở trên thì có thể thấy áp dụng mô hình lý thuyết TBL là một trong những con đường an toàn và hiệu quả nhất. Mặc dù TBL là một mô hình rất hiệu quả nhưng trong quá trình ứng dụng, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn. Từ những bài học kinh nghiệm và dựa trên các vấn đề mà doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị đối với người khởi nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để doanh nghiệp có thể vận dụng thành công mô hình TBL khi khởi nghiệp tại Việt Nam. a. Đối với người khởi nghiệp Trước hết, bản thân người khởi nghiệp cần trang bị cho mình những kiến thức, sự hiểu biết về phát triển bền vững trong kinh doanh, nghiêm túc tìm hiểu những vấn đề của cộng đồng, của xã hội và kỳ vọng của bản thân đối với hoạt động kinh doanh. Từ đó xây dựng những ý tưởng kinh doanh đồng thời giải quyết được vấn đề môi trường, đóng góp cho xã hội, đem lại kinh tế cho bản thân và người lao động. Ba yếu tố này phải được phát triển một cách hài hòa, cân đối, tránh việc quá tập trung vào một vấn đề mà gây tổn hại đến những khía cạnh còn lại. Theo đuổi khởi nghiệp bền vững là chặng đường dài, không phải kinh doanh theo hình thức “ăn xổi, ở thì” nên doanh nghiệp khó có thể có lợi nhuận ngay. Nhà khởi nghiệp phải chuẩn bị tâm lý và nguồn lực để sẵn sàng đối mặt với vấn đề này, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Hiện nay, các dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội rất được quan tâm và khuyến khích nên người khởi nghiệp có thể kêu gọi vốn từ các quỹ tín dụng và các nhà đầu tư, nếu như ý tưởng khởi nghiệp thực sự khả thi, có đóng góp cho xã hội, cộng đồng thì khả năng huy động được vốn là rất cao. Hơn nữa, với kinh nghiệm và các mối quan hệ của nhà đầu tư cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. b. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước Nhà nước cần xây dựng và ban hành hệ thống chính sách pháp luật dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, tạo tác động xã hội với những ưu đãi về thuế, thủ tục đăng ký kinh doanh, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, công nghệ,… Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển bền vững, giúp cho mọi người hiểu được giá trị của sự phát triển bền vững “là hệ giá trị của thế giới hiện đại, nền tảng tương tác giữa các quốc gia, giải quyết nhu cầu kết nối con người với con người và với doanh nghiệp. Đó là giấy thông hành để doanh nghiệp hòa nhập với thế giới, để lại dấu chân xanh trên bản đồ kinh tế toàn cầu” - trích lời ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chỉ khi người tiêu dùng có hành vi tiêu dùng xanh thì các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững mới có cơ hội phát triển. Chính phủ cũng nên khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở giáo dục đào tạo xây dựng vườn ươm khởi nghiệp tại mỗi trường hoặc liên kết giữa các trường khối kinh tế và kỹ thuật, công nghệ để tạo điều kiện cho các bạn học sinh, sinh viên có cơ hội giao lưu học hỏi, kết nối với những doanh nhân thành công, hun đúc tinh thần khởi nghiệp và có môi trường để nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Trên cơ sở đó hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững một cách có hệ thống và phối kết hợp hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thành và đồng bộ các yếu tố hình thành thị trường như hàng hóa, thị trường lao động dịch vụ, thị trường vốn, chứng khoán, tiền tệ và bất động sản. Tạo thị 176
- trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cùng cạnh tranh và hợp tác để cùng nhau xây dựng một nền kinh tế bền vững. Bài viết trên được thực hiện với mục tiêu là hệ thống hóa một phần lý thuyết về phát triển bền vững, khởi nghiệp, khởi nghiệp bền vững và mô hình lý thuyết Triple Bottom Line. Trên cơ sở đó, nghiên cứu việc ứng dụng mô hình Triple Bottom Line khi khởi nghiệp và những lợi ích, khó khăn mà doanh nghiệp khởi nghiệp có thể gặp phải khi lựa chọn theo đuổi mô hình lý thuyết này. Bên cạnh đó, bài viết cũng tổng hợp kinh nghiệm về khởi nghiệp theo mô hình Triple Bottom Line của ba doanh nghiệp đại diện cho những quốc gia và lĩnh vực khác nhau là ES Tooling, Avani Eco và ShoeX để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho người khởi nghiệp của Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên con đường hướng tới phát triển bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Abrahamsson, A. (2007), Researching Sustainopreneurship - Conditions, Concepts, Approaches, Arenas and Questions,13th International Sustainable Development Research Conference, Sweden. 2. Begley, T.M., Tan, W.L. (2001), The socio cultural environment for entrepreneurship: a comparison between East asian and Anglo-saxon countries, Journal of international business studies, 32(3), pp.537-547. 3. Bird, B. (1988), Implementing entrepreneurial ideas: the case for intention, Academy of Management Review, 13(3), pp.442-453. 4. Bos, A. (2002), Sustainable Entrepreneurship in a Changing Europe: Pedagogy of Ethics for Corporate Organizations in Transformation, EuroDiversity: A Business Guide to Managing Differences (Conference report), Oxford, UK. 5. Choi, D. I. và Gray, E. R. (2008), The Venture Development Processes of Sustainable Entrepreneurs, Management Research News, 31(8), pp.558-569. 6. Cohen, B., Smith, B. và Mitchell, R (2008), Toward a Sustainable Conceptualization of Dependent Variables in Entrepreneurship Research, Business Strategy and the Environment, 17(2), pp.107-119. 7. Crals E., Vereeck L. (2004), Sustainable Entrepreneurship in SMEs: Theory and Practice, 3rd Global Conference in Environmental Justice. 8. Elkington, J. (1997), Cannibals with Forks: The Triple Bottom Line of the 21st Century Business, Oxford: UK, Capstone. 9. Elkington, J. (2006), Cannibals with Forks: The Triple Bottom Line of the 21st Century Business, Oxford: UK, Capstone. 10. Janssen Groesbeek, M. (2001), Sustainable Entrepreneurship - Theory, Practice, Instruments, Amsterdam: Business Contact. 11. Gibbs, D. (2009),Sustainability Entrepreneurs Ecopreneurs and the Development of a Sustainable Economy, Greener Management International, (55), pp.63-78. 177
- 12. Greve, A. and Salaff J. (2003), Social networks and entrepreneurship, Entrepreneurship Theory and Practice, 28(1), pp.1-22. 13. Lý Thục Hiền (2010), Mối quan hệ giữa kỹ năng chính trị với xu hướng khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên chính quy ngành quản trị kinh doanh, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. 14. IUCN, UNEF, WWF (1980), World conservative strategy: living resource conservation for sustainable development. 15. Kolvereid, L. (1996), Organizational employment versus self-employment: Reasons for career intentions, Entrepreneurship Theory and Practice, 20(3), pp.23-31. 16. Mac Millan, I.C. (1993), The emerging forum of entrepreneurship scholars, Journal of Business Venturing, 8, pp.377-381. 17. Schaltegger, S. (2002), A Framework for Ecopreneurship in SMEs: A Case Study Analysis, Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 17(3), pp.125-132. 18. Schlange, L. E. (2009), Stakeholder Identification in Sustainability Entrepreneurship, Greener Management International, (55), pp.13-32. 19. Shepherd, D. A. and Patzelt, H. (2011), The New Field of Sustainable Entrepreneurship: Studying Entrepreneurial Action Linking “What is to be Sustained” With “What is to be Developed”, Entrepreneurship Theory and Practice, 35(1), pp.137-163. 20. United Nations Conference on the Human Environment (1992), Rio Declaration on Environment and Development, Rio de Janiero, Brazil. 21. United Nations (2002), World Summit on Sustainable Development, Johannesburd. 22. World Commission on Environment and Development (1987), Our Common Future, The Oxford University Press, UK. 23. Website của các doanh nghiệp: ES Tooling: https://estooling.eu; Avani Eco: https://www.avanieco.com; ShoeX: https://shoex.net 178
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn