intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Mã hóa và giải mã - Stuart Hall

Chia sẻ: Tuhuy Tuhuy | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

880
lượt xem
120
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Lí thuyết về truyền thông của Stuart Hall. Giảng viên Đỗ Anh Đức, khoa Báo Chí & Truyền Thông, ĐHKHXH&NV Hà Nội dịch. "Truyền thống nghiên cứu truyền thông đại chúng đã khái niệm hóa qúa trình truyền thông trong phạm vi chu kỳ hay vòng quay của lưu thông. Mô hình này phù hợp với một trật tự tuyến tính - nguồn/thông điệp/người tiếp nhận - với sự quan tâm chủ yếu đến cấp độ trao đổi thông điệp và với sự hiện diện của một khái niệm cấu trúc về những công đoạn khác nhau với tư cách......

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Mã hóa và giải mã - Stuart Hall

  1. 5. MÃ HÓA VÀ GIẢI MÃ * _____________________________________________________________________ Stuart Hall (Đỗ Anh Đức dịch) Truyền thống nghiên cứu truyền thông đại chúng đã khái niệm hóa qúa trình truyền thông trong phạm vi chu kỳ hay vòng quay của lưu thông. Mô hình này phù hợp với một trật tự tuyến tính - nguồn/thông điệp/người tiếp nhận - với sự quan tâm chủ yếu đến cấp độ trao đổi thông điệp và với sự hiện diện của một khái niệm cấu trúc về những công đoạn khác nhau với tư cách là một cấu trúc phức tạp của những mối quan hệ. Tuy nhiên, có thể, hoặc nên, nhìn nhận quá trình này trong phạm vi một cấu trúc được thiết lập và duy trì thông qua sự ăn khớp của những công đoạn được kết nối nhưng khác biệt - đó là sản xuất, lưu thông, phân phối/tiêu thụ, tái sản xuất. Điều đó dẫn đến một sự nhìn nhận quá trình này như là một “cấu trúc phức tạp chủ đạo”, được duy trì thông qua sự ăn khớp của các hoạt động liên kết, mà mỗi hoạt động có sự khác biệt riêng và phương thức riêng, hình thức riêng và những điều kiện tồn tại của nó. Hướng tiếp cận thứ hai này, tương đồng với sự hình thành mô hình sản xuất hàng hóa mà Marx đã nêu ra trong bộ Tư bản và bộ Bản thảo kinh tế chính trị, có ưu thế trong việc chỉ ra một cách sâu sắc hơn về sự kéo dài một chu kỳ liên tục của sản xuất-phân phối-sản xuất thông qua một “sự dịch chuyển các dạng thức”.1 Nó cũng nhấn mạnh tính riêng biệt của những dạng thức mà qua đó sản phẩm của quá trình này “xuất hiện” ở mỗi thời điểm, và do đó, nhận diện được kiểu “sản xuất” rời rạc với những kiểu sản xuất khác trong xã hội của chúng ta và trong hệ thống phương tiện truyền thông hiện đại. “Đối tượng” của những nghiên cứu này là ý nghĩa và thông điệp trong dạng thức của các phương tiện ký hiệu của một kiểu cụ thể, giống như bất kỳ dạng thức nào của truyền thông và ngôn ngữ, được tổ chức thông qua sự hoạt động của các mã trong phạm vi chuỗi ngữ cảnh của một ngôn bản. Những cơ cấu, những mối quan hệ và những hoạt động của sản xuất do đó thể hiện ra, ở một công đoạn nhất định (công đoạn của sản xuất/lưu thông), trong dạng thức của những phương tiện ký hiệu cấu thành nên quy luật của “ngôn ngữ”. Nó nằm trong dạng thức rời rạc nơi sự lưu thông của “sản phẩm”diễn ra. Quá trình này do đó đòi hỏi, ở công đoạn cuối của sản xuất, những công cụ vật chất - đó là “ý nghĩa” của nó - cũng như hàng loạt những mối quan hệ xã hội (hoặc quan hệ sản xuất) của nó - sự tổ chức và phối hợp hoạt động trong phạm vi cơ cấu của các phương tiện truyền thông. Nhưng nó cũng nằm trong dạng * Trích từ S.Hall, “Mã hóa/Giải mã”, Chương 10, trong Stuar Hall, Dorothy Hobson, Andrew Lowe và Paul Willis (biên soạn), Văn hóa, Phương tiện truyền thông, Ngôn ngữ (London: Hutchinson, 1980), tr. 128-138; một đoạn trích từ S.Hall, “Mã hóa và giải mã trong ngôn bản truyền hình”, tạp chí khoa học số 7 (Birmingham: Trung tâm Nghiên cứu văn hóa đương đại, 1973) 1
  2. thức rời rạc nơi sự lưu thông diễn ra, cũng như sự phân phối của nó đến những công chúng khác nhau. Khi đã hoàn thành, ngôn bản đó cần phải được chuyển dịch ý nghĩa - thay đổi dạng thức một lần nữa - thành những thực tiễn xã hội nếu chu kỳ này được hoàn thành và đạt hiệu quả. Trong trường hợp không có “ý nghĩa” nào được chuyển dịch, sẽ không thể có “sự tiêu thụ”. Nếu ý nghĩa không được khớp với thực tiễn, nó sẽ không đạt hiệu quả. Giá trị của hướng tiếp cận này là ở chỗ, trong khi mỗi công đoạn cần được khớp nối trong một chu kỳ như một chỉnh thể, thì không có công đoạn nào có thể đảm bảo hoàn toàn cho công đoạn kế tiếp mà nó được khớp nối. Bởi vì mỗi công đoạn có phương thức riêng biệt và điều kiện tồn tại của nó, nên chúng có thể tạo nên sự đổ vỡ hoặc đứt gãy của “sự dịch chuyển các dạng thức” mà tính liên tục của sự dịch chuyển này quyết định xuyên suốt đến dòng chảy các quá trình sản xuất (cụ thể là, công đoạn “tái sản xuất”). Do đó, dù không hề muốn giới hạn nghiên cứu đối với “việc chỉ theo đuổi những chỉ dẫn mà phát sinh từ phương pháp phân tích nội dung”2, chúng ta phải nhận ra rằng, dạng thức rời rạc của thông điệp có một vị trí đặc ân trong quá trình trao đổi truyền thông (từ quan điểm về chu kỳ), và phải thấy rằng, những công đoạn của “sự mã hóa” và “giải mã”, mặc dù chỉ có “tính tự thân tương đối” trong mối quan hệ với tổng thể quá trình truyền thông, là những công đoạn quyết định. Một sự kiện có tính lịch sử “dạng thô” không thể, trong dạng thức đó, được truyền phát bởi, chẳng hạn như, bản tin truyền hình. Các sự kiện chỉ có thể được ký hiệu hóa trong những dạng thức nghe- nhìn của ngôn bản truyền hình. Trong công đoạn mà một sự kiện lịch sử chuyển thành dạng ký hiệu của ngôn bản, nó là chủ thể của tất cả những “quy tắc” định dạng phức tạp mà qua đó ngôn ngữ được ký hiệu. Để làm cho nó có tính nghịch lý, sự kiện đó phải trở thành một “câu chuyện” trước khi nó trở thành một sự kiện được truyền thông. Trong công đoạn đó, những quy tắc phụ về định dạng ngôn bản có vai trò “nổi trội”, tất nhiên, không làm giảm mức độ quan trọng của thực trạng mà sự kiện đó được ký hiệu hóa, cũng như những mối quan hệ xã hội mà những quy tắc được thiết lập để định hướng công việc, hoặc những hệ quả chính trị, xã hội của sự kiện được ký hiệu hóa theo cách này. “Định dạng thông điệp” là sự “định dạng bên ngoài” cần thiết của sự kiện trong quá trình chuyển dịch từ nguồn đến người tiếp nhận. Do đó, sự hoán đổi trong và ngoài công đoạn “định dạng thông điệp” (hay phương thức trao đổi ký hiệu) không phải là một “công đoạn” ngẫu nhiên mà chúng ta có thể tiếp nhận hay bỏ qua một cách tùy ý. “Định dạng thông điệp” là một công đoạn quyết định; mặc dù, ở một cấp độ khác, nó bao hàm những công đoạn bề mặt của hệ thống truyền thông và đòi hỏi, ở một cấp độ khác, phải được hòa nhập vào mối quan hệ xã hội của tổng thể quá trình truyền thông, mà trong đó nó chỉ chiếm một phần định dạng. Từ quan điểm chung này, chúng ta có thể khái quát hóa đặc trưng của quá trình truyền thông truyền hình như sau đây. Những cơ cấu thiết chế của phát thanh truyền hình, trong môi trường thực tiễn và trong mạng lưới sản xuất, trong những mối quan hệ về tổ chức và hạ tầng kỹ thuật, đều được đặt nhiệm vụ sản xuất chương trình. Sử dụng phép suy luận của bộ Tư bản, đó là một “quá trình lao động” trong một phương thức rời rạc. Ở đây, sự sản xuất tức là xây dựng nên những thông điệp. Do đó, một mặt, 2
  3. chu kỳ bắt đầu từ đây. Tất nhiên, quá trình sản xuất không thể thiếu phương diện “rời rạc” của nó: nó cũng được lên khung toàn bộ bởi ý nghĩa và những ý tưởng: tri thức- được-sử dụng liên quan đến thói quen của sản xuất, những kỹ năng kỹ thuật được hình thành từ lâu, những tư tưởng chuyên môn, tri thức về thiết chế, những quan niệm và giả định, những giả định về khán thính giả, v.v…, đã xây dựng khung cho kết cấu chương trình thông qua các cơ cấu sản xuất. Hơn nữa, mặc dù các cơ cấu sản xuất của truyền hình khởi phát từ ngôn bản của loại hình này, nhưng chúng không tạo thành một hệ thống khép kín. Chúng đưa ra các đề tài, những cách giải quyết, những chương trình nghị sự, các sự kiện, nhân lực, những hình ảnh về khán giả, “những quan niệm về tình huống” từ những nguồn khác và những mô hình rời rạc của cấu trúc chính trị và văn hóa-xã hội rộng khắp mà chúng là một phần khác biệt trong đó. Philip Elliott đã trình bày quan điểm này một cách súc tích, trong một khuôn khổ mang tính truyền thống hơn, ở cuộc tranh luận của ông về cách thức mà khán giả vừa là “nguồn” vừa là “người tiếp nhận” của thông điệp truyền hình. Do đó, trong sự vay mượn thuật ngữ của Marx, có thể nói, sự lưu thông và sự tiếp nhận thực sự là những “công đoạn” trong quá trình truyền thông của truyền hình và được tái sáp nhập, thông qua một số “phản hồi” được cơ cấu và xuyên tạc, vào bản thân quá trình sản xuất. Sự tiêu thụ hay sự tiếp nhận thông điệp truyền hình do đó cũng chính là một “công đoạn” của quá trình sản xuất hiểu theo nghĩa rộng hơn của nó, mặc dù sự tiếp nhận có tính “chủ đạo” bởi nó là “điểm đến đối với quá trình hiện thực hóa” của thông điệp. Sự sản xuất và sự tiếp nhận của thông điệp truyền hình vì vậy không đồng nhất, nhưng chúng có liên quan: chúng là những công đoạn khác biệt trong tổng thể được định hình bởi những mối quan hệ xã hội của toàn bộ quá trình truyền thông. chương trình như là một ngôn bản “có ý nghĩa” mã hóa giải mã cấu trúc cấu trúc ý nghĩa 1 ý nghĩa 2 khuôn khổ khuôn khổ của tri thức của tri thức --------------------- --------------------- - quan hệ sản xuất quan hệ sản xuất --------------------- --------------------- - hạ tầng kỹ thuật hạ tầng kỹ thuật 3
  4. Tuy nhiên, ở một phương diện nhất định, cấu trúc phát thanh truyền hình cần phải sản xuất ra những thông điệp được mã hóa trong dạng thức của một ngôn bản có ý nghĩa. Mối quan hệ thiết chế-xã hội của sản xuất cần phải tuân thủ những quy tắc rời rạc của ngôn ngữ vì sản phẩm truyền hình cần được “hiện thực hóa”. Điều này dẫn đến một công đoạn khác xa hơn, trong đó những quy tắc định dạng của ngôn bản và ngôn ngữ có vai trò chủ đạo. Trước khi thông điệp này có thể có được một hiệu quả bất kỳ, thỏa mãn “nhu cầu” hoặc được đưa vào “vận dụng”, nó trước hết phải phù hợp với tư cách một ngôn bản có ý nghĩa và được giải mã một cách có ý nghĩa. Chính những ý nghĩa được giải mã này “có một hiệu quả”, một sự ảnh hưởng, giải trí, chỉ dẫn hay thuyết phục, với những kết quả về tư tưởng và hành vi, về tình cảm, nhận thức, và quan niệm một cách phức hợp. Trong một công đoạn “quyết định”, cấu trúc này sử dụng một mã hóa và tạo ra một “thông điệp”: ở một công đoạn quyết định khác, “thông điệp”, nhờ việc giải mã nó, sẽ chuyển vào trong cấu trúc của môi trường thực tiến xã hội. Hiên nay chúng ta hoàn toàn nhận thức rằng việc thông điệp đi vào môi trường thực tiễn tiếp nhận của công chúng và sự “vận dụng” không thể chỉ được hiểu đơn thuần trong thuật ngữ về hành vi. Những quá trình điển hình được nhận diện trong nghiên cứu của chủ nghĩa thực chứng về những nhân tố tách biệt - hiệu quả, sự vận dụng, “sự thỏa mãn” - được đóng khung bởi cơ cấu của sự hiểu, cũng như được sản xuất bởi những mối quan hệ kinh tế và xã hội, những mối quan hệ định hình sự “hiện thực hóa” của chúng ở điểm cuối của sự tiếp nhận trong dây chuyền sản xuất và cho phép những ý nghĩa được ký hiệu hóa trong ngôn bản có thể truyền tải vào môi trường thực tiễn hoặc sự nhận thức (để tiếp nhận những giá trị sử dụng mang tính xã hội và hiệu quả về chính trị). Rõ ràng, cái chúng ta đã đặt tên trong biểu đồ là “cấu trúc ý nghĩa 1” và “cấu trúc ý nghĩa 2” có thể không hoàn toàn giống nhau. Chúng không cấu thành nên một “sự nhận diện trung gian”. Các loại mã của quá trình mã hóa và giải mã có thể không đối xứng hoàn toàn. Mức độ đối xứng - cụ thể là mức độ của “sự hiểu” hoặc “hiểu lầm” trong việc trao đổi truyền thông - phụ thuộc vào mức độ đối xứng/không đối xứng (những mối quan hệ tương đồng) được thiết lập giữa vị trí của “tư cách cá nhân hóa”, người mã hóa-nhà sản xuất, người giải mã-người tiếp nhận. Nhưng điều này cũng phụ thuộc vào mức độ nhận diện/không-nhận diện được giữa các mã truyền đi một cách hoàn hảo hay không hoàn hảo, ngắt quãng hay xuyên tạc một cách hệ thống những gì được truyền tải. Sự thiếu cân đối giữa các mã này có liên quan đến sự khác biệt về cấu trúc của mối quan hệ và vị trí giữa nhà sản xuất phát thanh truyền hình và khán thính giả, nhưng nó cũng liên quan đến sự không đối xứng giữa các mã của “nguồn” và “người tiếp nhận” ở công đoạn biến đổi vào trong và ra ngoài dạng thức rời rạc. Cái được gọi là “sự bóp méo, xuyên tạc” hoặc “hiểu lầm” hoàn toàn nảy sinh từ sự thiếu tương đồng giữa hai mặt của sự trao đổi truyền thông. Một lần nữa, điều đó đã định nghĩa cho “tính tự thân tương đối”, ngoại trừ “tính quyết định”, của đầu vào và đầu ra của thông điệp trong những công đoạn rời rạc của nó. 4
  5. Sự áp dụng môt hình thô sơ này đã bắt đầu biến đổi cách hiểu của chúng ta về một thuật ngữ cũ hơn, “nội dung” truyền hình. Chúng ta vừa bắt đầu nhìn nhận xem liệu nó có thể thay đổi cách hiểu của chúng ta về sự tiếp nhận của khán giả như thế nào, cũng như sự “nhận hiểu thông tin” và phản hồi của họ. Điểm khởi đầu và điểm kết đã được đề cập trong nghiên cứu truyền thông trước đây, vì vậy chúng ta cần phải cẩn trọng. Nhưng dường như có một cơ sở cho việc suy nghĩ về một loại nào đó mởi mẻ, mà một cụm từ mới và thú vị trong cái gọi là nghiên cứu khán giả đã mở ra. Ở một điểm kết bất kỳ của chu kỳ truyền thông, việc áp dụng môt hình ký hiệu học cam kết xóa đi những rơi rớt của chủ nghĩa hành vi đã đeo đẳng nghiên cứu phương tiện truyền thông đại chúng trong suốt một thời gian dài, đặc biệt trong hướng tiếp cận về nội dung. Mặc dù, chúng ta biết chương trình truyền hình không phải là một nguồn của hành vi, nhưng giống cái chỏm dính liền trên đầu gối, các nhà nghiên cứu theo truyền thống dường như hoàn toàn không thể khái niệm hóa quá trình truyền thông mà không sa đà vào một vài phương diện của chủ nghĩa hành vi thiển cận. Chúng ta biết, như Gerbner đã nhận định, sự biểu đạt của bạo lực trên truyền hình “không phải là bạo lực mà là thông điệp về bạo lực”3: nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nghiên cứu vấn đề về bạo lực, cứ như là chúng ta không thể hiểu được sư phân biệt có tính nhận thức luận này. Ký hiệu truyền hình là một kiểu ký hiệu phức tạp. Bản thân nó được cấu thành bởi sự kết hợp giữa hai kiểu phương tiện biểu đạt, nghe và nhìn. Hơn nữa, nó là một ký hiệu mang tính biểu đạt, theo hệ thuật ngữ của Peirce, bởi vì “nó sở hữu một số đặc điểm của cái đươc biểu đạt”.4 Đây là quan điểm dẫn đến một sự hiểu lầm tai hại và mang đến một loạt những tranh cãi gay gắt trong nghiên cứu về ngôn ngữ hình ảnh. Bởi vì phương tiện biểu đạt hình ảnh chuyển đổi thế giới 3 chiều thành mặt phẳng hai chiều, nên nó đương nhiên không thể, là vật ám chỉ hay ý niệm cho cái được ký hiệu. Con chó trong phim có thể sủa gâu gâu nhưng không thể cắn! Hiện thực tồn tại bên ngoài ngôn ngữ, nhưng nó được chuyển tải trung gian bởi và qua ngôn ngữ: và điều chúng ta có thể biết, có thể nói phải được sản xuất trong và qua phương tiện biểu đạt. “Tri thức” rời rạc là sản phẩm không phải của sự biểu đạt rõ ràng về cái “hiện thực” trong ngôn ngữ, mà là của sự liên tưởng của ngôn ngữ trong những điều kiện và những mối quan hệ hiện thực. Do đó, không có phương tiện biểu đạt nào dễ hiểu mà không có sự tác động của một mã hóa. Những ký hiệu mang tính biểu đạt do đó cũng là những ký hiệu mã hóa - cho dù những mã ở đây hoạt động khác với những kiểu ký hiệu khác. Không có cấp độ KHÔNG trong ngôn ngữ. Tính tự nhiên và “tính hiện thực” - mức độ trung thực rõ ràng của sự biểu đạt đối với một sự vật hoặc ý niệm được biểu đạt - là kết quả, là hiệu quả của một sự liên tưởng cụ thể nhất định của ngôn ngữ về cái “hiện thực”. Đó là kết quả của những kinh nghiệm rời rạc. Tất nhiên, những mã nhất định có thể được phân bố rộng rãi trong một cộng đồng ngôn ngữ hoặc văn hóa cụ thể, và có thể được tiếp thu ở một giai đoạn rất sớm, mà ở đó chúng có vẻ như không phải được xây dựng - hiệu quả của một sự liên tưởng giữa ký hiệu và sự ngụ ý - mà là để được trao nhận một cách “tự nhiên”. Những ký hiệu 5
  6. hình ảnh đơn giản có vẻ đã đạt tới một “sự phổ quát-gần” theo nghĩa này: mặc dù chứng cứ duy trì những mã hình ảnh có tính tự nhiên đó là những mã văn hóa cụ thể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có mã nào bị can thiệp; mà ngược lại, chính những mã này được tự nhiên hóa một cách rộng rãi. Sự vận hành của các mã được tự nhiên hóa không thể hiện sự rõ ràng và “tính tự nhiên” của ngôn ngữ, mà là chiều sâu, thói quen và sự phổ quát-gần của các mã này được sử dụng. Chúng tạo ra sự thừa nhận “có tính tự nhiên” bề ngoài. Điều này có được hiệu quả (về tư tưởng) từ che giấu tính thực tiễn của việc mã hóa hiện có. Nhưng chúng ta không thể bị đánh lừa bởi cái bề ngoài. Thực sự, cái mà các mã được tự nhiên hóa biểu thị là mức độ của thói quen được tạo ra khi có một sự sắp đặt cơ bản và hoán đổi lẫn nhau - một sự tương đồng đạt được - giữa phương diện mã hóa và giải mã của một quá trình trao đổi ý nghĩa. Việc thực hiện chức năng của các mã này trên phương diện giải mã sẽ bộc lộ thường xuyên tình trạng của sự nhận thức được tự nhiên hóa. Điều này dẫn chúng ta đến suy nghĩ rằng ký hiệu hình ảnh đối với “con bò” thực sự là (đúng hơn là biểu đạt cho) một loài động vật, con bò. Nhưng nếu chúng ta nghĩ đến sự biểu đạt hình ảnh của một con bò trong một cuốn sách giáo khoa về chăn nuôi súc vật, và hơn thế nữa, nghĩ đến ký hiệu ngôn ngữ “con bò” - chúng ta có thể thấy rằng cả hai, trong những cấp độ khác nhau, đều mang tính áp đặt đối với ý niệm về loài động vật mà chúng biểu đạt. Sự liên tưởng của một ký hiệu có tính áp đặt, dù là ký hiệu hình ảnh hay ngôn từ, với ý niệm về một sự ngụ ý, không phải là sản phẩm của tự nhiên mà là của sự quy ước, và tính quy ước của phương tiện biểu đạt đòi hỏi sự can thiệp, sự hỗ trợ của các mã. Do đó, Eco đã lập luận rằng, những ký hiệu mang tính biểu đạt “giống như những đối tượng trong thế giới thực bởi vì chúng tái sản xuất những giả định (cụ thể là những mã) của sự nhận thức ở người xem”.5 Tuy nhiên, những “sự giả định của nhận thức” này là kết quả của một loạt sự vận hành của việc cắt nghĩa các mã một cách cao độ, gần như là vô thức, đó là giải mã. Điều này chân thật như một hình ảnh được chụp lại hoặc được truyền đi trên màn hình cũng như bất kỳ kí hiệu nào khác. Tuy vậy, các ký hiệu mang tính biểu đạt này đặc biệt dễ bị tổn hại trong khi nó được “nhận hiểu” một cách tự nhiên, bởi vì các mã hình ảnh của sự nhận thức được phân bố rất rộng rãi và bởi vì kiểu ký hiệu này ít áp đặt hơn so với kiểu ký hiệu ngôn ngữ: ký hiệu ngôn ngữ, “con bò” không chứa đựng đặc tính của đối tượng nó biểu đạt, trong khi ký hiệu hình ảnh lại chứa đựng một số đặc tính này. […] Cấp độ nghĩa của ký hiệu hình ảnh, về sự ám chỉ có tính ý niệm của nó và sự định vị trong những lĩnh vực rời rạc khác nhau của ý nghĩa và sự liên kết, là điểm mà các ký hiệu đã được mã hóa giao nhau với các mã ngữ nghĩa sâu sắc của một nền văn hóa và đảm nhiệm những chiều sâu tư tưởng bổ sung, chủ động hơn. Chúng ta phải lấy ví dụ từ một ngôn bản của quảng cáo. Ở đây, cũng vậy, không có một sự biểu đạt “bộc lộ hoàn toàn”, và tất nhiên cũng không có sự biểu đạt “tự nhiên” nào. Mỗi ký hiệu hình ảnh trong quảng cáo bao hàm một ý nghĩa về chất lượng, tình trạng, giá trị hay sự suy luận, chúng hiện diện với tư cách là một sự ám chỉ hay hàm ý, phụ thuộc vào sự đinh 6
  7. vị về ý nghĩa. Trong ví dụ của Barthes, áo len luôn là biểu thị của “may mặc áo ấm” (sự biểu thị ý nghĩa) và do đó, cũng biểu thị cho hành động/hoặc giá trị của việc “giữ ấm”. Nhưng nó cũng có thể, ở một cấp độ ý nghĩa cao hơn, biểu thị cho “mùa đông đang đến” hoặc “một ngày trời lạnh”. Và, trong phạm vi những mã-bổ trợ đặc biệt về thời trang, áo len cũng có thể mang ý nghĩa một kiểu thời trang cao cấp hoặc, ngược lại, một kiểu trang phục phổ cập. Nhưng vượt lên trên cái bối cảnh hình ảnh cụ thể, và được định vị bởi mã- bổ trợ lãng mạn, cái áo len còn có thể mang ý nghĩa “một cuộc dạo chơi dài trong rừng vào một ngày thu”.6 Các kiểu mã trong các cấp độ kể trên rõ ràng liên quan đến những mối quan hệ của ký hiệu đối với tính phổ quát rộng rãi hơn về tư tưởng trong một xã hội. Các mã này là phương tiện mà khả năng và tư tưởng được tạo ra để biểu thị trong những phương tiện biểu đạt cụ thể. Chúng quy các ký hiệu vào “những bản đồ của ý nghĩa” vào những ý nghĩa mà mỗi nền văn hóa có sự phân loại khác nhau; và “những bản đồ của hiện thực xã hội” chứa đựng tổng thể ý nghĩa xã hội, tập quán, sức mạnh, và những mối quan tâm “được viết lên” trên chúng. Các cấp độ ý nghĩa của sự biểu thị này, theo Barthes nhận định, “có một sự liên thông chặt chẽ với văn hóa, nhận thức, lịch sử, và thông qua những yếu tố đó, đến mức phải nói là, chính thế giới xung quanh đã xâm lấn hệ thống ngữ nghĩa và ngôn ngữ. Chúng chính là những phân đoạn của tư tưởng, nếu bạn muốn gọi như thế”.7 Cái gọi là cấp độ biểu thị của ký hiệu hình ảnh truyền hình được ấn định bởi những mã cực kỳ phức tạp nào đó (nhưng có giới hạn hoặc “đóng”). Tuy nhiên, cấp độ ý nghĩa của nó, mặc dù cũng có giới hạn, nhưng rộng mở hơn, là chủ thể của sự chuyển đổi tích cực hơn, khám phá những giá trị đa nghĩa của nó. Bất cứ ký hiệu cấu thành nào như thế đều có tiềm năng chuyển đổi thành nhiều hơn một hình thái ý nghĩa. Tuy nhiên, tính đa nghĩa không phải nhập nhằng với tính đa nguyên. Bản thân các mã ý nghĩa không ngang bằng nhau. Bất kỳ một nền văn hóa/hay xã hội nào đều có xu hướng bộc lộ sự phân loại của nó về lĩnh vực chính trị, văn hóa, và xã hội, với nhiều mức độ chặt chẽ. Chúng cấu thành nên một trật tự văn hóa chủ đạo, dù khái niệm này không phải không mập mờ hay không có gì cần tranh cãi. Vấn đề nghi vấn về “cấu trúc của những phương tiện biểu đạt chủ đạo” là một điểm mấu chốt. Những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội dường như được hoạch định trong những phạm vi rời rạc, được tổ chức một cách có thứ bậc trong những ý nghĩa nổi bật hoặc chủ đạo. Những sự kiện mới và có tính vấn đề, làm phá vỡ triển vọng của chúng ta và đi ngược lại “việc xây dựng ý nghĩa-phổ biến” của chúng ta, cũng như tri thức được cho là hiển nhiên của chúng ta về cấu trúc xã hội, cần phải được quy vào những lĩnh vực rời rạc của chúng trước khi chúng có thể được nói ra một cách “có ý nghĩa”. Cách phổ biến nhất trong việc “lập bản đồ” chúng là quy những cái mới này vào một vài lĩnh vực nào đó hoặc những lĩnh vực của “bản đồ hiện thực xã hội có tính vấn đề” đang tồn tại. Chúng ta nói tính chủ đạo, thay cho “tính quyết định”, bởi vì nó luôn có thể sắp đặt, phân loại, ấn định và giải mã một sự kiện trong phạm vi nhiều hơn một kiểu “lập bản đồ”. Nhưng chúng ta nói “tính chủ đạo” bởi vì có tồn tại một mô thức của sự “lĩnh hội ưu tiên hơn”; và cả hai khái niệm này đều có trật tự sắp đặt về tư tưởng, chính trị, thiết chế gắn liền với chúng và biến bản thân chúng trở thành thiết thế hóa.8 Những lãnh 7
  8. địa của “ý nghĩa ưu tiên hơn” chứa đựng trật tự xã hội tổng thể gắn liền với chúng như một bộ ý nghĩa, thực tiễn và niềm tin: tri thức hàng ngày về cấu trúc xã hội, về “các sự vật hoạt động như thế nào cho tất cả những mục đích thực tiễn trong nền văn hóa này”, trật tự rành rành của quyền lực, lợi ích và cơ cấu của sự chính thống, những giới hạn và sự thừa nhận. Do đó, để phân loại một “sự hiểu lầm” ở cấp độ ý nghĩa, chúng ta cần phải đề cập đến, thông qua các mã, những trật tự của đời sống xã hội, của quyền lực chính trị và kinh tế, và của hệ tư tưởng. Hơn nữa, vì những cách lập bản đồ này được “cấu trúc trong sự chủ đạo” nhưng không đóng kín, nên quá trình truyền thông không phải là sự quy kết rõ ràng mọi đơn vị hình ảnh vào những vị trí nhất định của nó trong phạm vi một bộ mã được sắp đặt trước, mà là những quy luật biểu hiện của khả năng và sự vận dụng, của những logic-trong-vận dụng, những quy luật này chủ động tìm cách củng cố hoặc ưu tiên một khu vực ngữ nghĩa nào đó hơn một khu vực khác và điều phối những đơn vị hình ảnh đó vào hoặc ra khỏi bộ ý nghĩa thích hợp của chúng. Ký hiệu học chính quy rất hay bỏ qua tính thực tiễn này của công việc cắt nghĩa, mặc dù trên thực tế, nó cấu thành nên những mối quan hệ thực của hoạt động thực tiễn trong ngành truyền hình. Trong khi nói về những ý nghĩa chủ đạo, chúng ta đã không nói về một qúa trình một- mặt kiểm soát việc tất cả các sự kiện được biểu thị như thế nào. Nó bao gồm “công việc” đòi hỏi phải củng cố, đạt được sự hợp lý và sự điều khiển cũng như hợp thức hóa một quá trình giải mã của sự kiện trong giới hạn của những định nghĩa chủ đạo mà nó được biểu thị một cách có ý nghĩa. Terni đã nhận định rằng: Với từ nhận hiểu, chúng ta không chỉ nói đến khả năng nhận diện và giải mã một số lượng ký hiệu nhất định, mà còn nói đến khả năng mang tính chủ quan đặt chúng trong mối quan hệ sáng tạo giữa bản thân ký hiệu này với những ký hiệu khác: chính khả năng này là điều kiện cho một sự nhận thức đầy đủ về môi trường tổng thể của mỗi người.9 Sự tranh cãi của chúng ta ở đây liên quan đến cụm từ “khả năng mang tính chủ quan”, như là sự ngụ ý rằng, một phương tiện biểu đạt của truyền hình là một hiện thực khách quan nhưng cấp độ chuyển nghĩa lại là vấn đề mang tính cá nhân hoặc cá thể hóa. Đúng là điều này đáng phải xem xét. Hoạt động thực tiễn của truyền hình mang nhiệm vụ “khách quan” (nghĩa là, có tính cố hữu) rõ ràng đối với những mối quan hệ mà các ký hiệu khác nhau giao kết với nhau trong bất kỳ trường hợp riêng lẻ nào, và do đó, liên tục tái sắp xếp, phân định ranh giới và quy vào cái “nhận thức về môi trường tổng thể của mỗi người” mà những đơn vị hình ảnh này được sắp xếp. Điều này đưa đến vấn đề về sự hiểu lầm. Các nhà sản xuất truyền hình, những người nhận thấy thông điệp của họ “không thể được giải thích rõ ràng”, thường quan tâm đến việc tháo gỡ các nút trong chuỗi truyền thông, do đó tạo điều kiện cho “tính hiệu quả” của truyền thông. Nhiều nghiên cứu đòi hỏi tính khách quan của những “sự phân tích theo xu hướng chính trị” đã tái sản xuất mục tiêu mang tính quản lý này bằng 8
  9. viêc nố lực khám phá xem bao nhiêu phần của thông điệp khán giả có thể ghi nhớ và nỗ lực cải thiện mức độ của sự hiểu. Không nghi ngờ gì sự hiểu lầm theo nghĩa đen thực sự tồn tại. Khán giả không biết những thuật ngữ được sử dụng, không thể theo được những logic phức tạp của sự tranh luận và giải thích, cũng cảm thấy lạ lẫm với ngôn ngữ, những khái niệm quá xa lạ và khó khăn hoặc bị đánh lừa bởi những cách kể chuyện hoa mỹ. Nhưng những người làm truyền hình cũng rất quan tâm đến việc khán giả không thể lĩnh hội được ý nghĩa mà họ muốn truyền tải. Điều mà họ thực sự muốn nói là khán giả không hoạt động trong phạm vi mã “ưu thế hơn” hoặc mã “chủ đạo”. Ý tưởng của họ là “sự truyền thông rõ ràng, minh bạch tuyệt đối”. Thay vào đó, cái mà họ phải đối mặt là “sự truyền thông bị xuyên tạc một cách có hệ thống”.10 Trong những năm gần đây, sự không nhất quán trong vấn đề này thường được giải thích bởi một khái niệm “sự tiếp nhận có chọn lọc”. Đây là cánh cửa mà qua đó một lý thuyết đa nguyên còn xót lại che giấu những sự áp đặt đối với một quá trình không tương đồng, không đối xứng, được cấu trúc cao độ. Tất nhiên, luôn có những cách nhận hiểu khác nhau, mang tính cá thể và cá nhân. Nhưng “sự tiếp nhận có chọn lọc” gần như không bao giờ có tính chọn lọc, ngẫu nhiên hay cá nhân hóa như bản thân khái niệm này chứa đựng. Những mô hình này thể hiện những tập hợp ý nghĩa, thông qua hàng loạt những tiêu chí cá nhân khác nhau. Do vậy, bất kỳ sự tiếp cận nào trong nghiên cứu khán giả cũng sẽ phải bắt đầu với một phân tích về thuyết “sự tiếp nhận có chọn lọc” . Có sự tranh luận trước đó về việc, vì không cần thiết có sự tương ứng giữa quá trình mã hóa và giải mã, nên sự giải mã có thể có vai trò “quyết định” nhưng không thể áp đặt hay đảm bảo cho sự mã hóa vỗn có những điều kiện tồn tại của bản thân nó. Trừ khi chúng quá khác biệt hẳn nhau, thông thường sự mã hóa sẽ có tác động về việc tạo dựng nên một số phạm vi và giới hạn mà trong đó sự giải mã sẽ hoạt động. Nếu không có các phạm vi này, khán giả có thể đơn thuần cắt nghĩa bất cứ cái gì họ thích thành bất cứ thông điệp nào. Không nghi ngờ gì, một số sự hiểu lầm tổng thể của hình thức này thực sự tồn tại. Nhưng sự khác biệt rộng lớn này cần phải chứa đựng một vài cấp độ chuyển hóa lẫn nhau giữa công đoạn mã hóa và giải mã, nếu không thì chúng ta không thể nói về sự trao đổi truyền thông một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, “sự tương ứng” này không sẵn có mà phải được cơ cấu nên. Nó không phải mang tính “tự nhiên” mà là sản phẩm của một sự kết nối giữa hai công đoạn khác biệt. Và việc mã hóa cũng không thể quyết định hay đảm bảo, theo một nghĩa đơn giản, cho cái mà sự giải mã sẽ được áp dụng. Mặt khác, truyền thông cần phải là một chu kỳ tương đồng hoàn hảo, và mọi thông điệp cần phải là một minh chứng cho “quá trình truyền thông rõ ràng hoàn hảo”. Chúng ta cần suy nghĩ về những sự kết nối khác nhau mà trong đó sự mã hóa/hoặc giải mã có thể bao hàm. Để xem xét kỹ lưỡng vấn đề này, chúng tôi đưa ra một phương pháp phân tích giả thuyết về một số quan điểm giải mã có thể, nhằm tái củng cố cho quan điểm về “sự tương ứng không cần thiết”.11 9
  10. Chúng tôi phân biệt ba quan điểm giả thuyết mà sự giải mã của một ngôn bản truyền hình có thể được tạo dựng. Những quan điểm này cần phải được kiểm tra và được trau chuốt bằng thực nghiệm. Nhưng luận điểm về việc sự giải mã không bắt buộc khởi phát từ sự mã hóa, và chúng cũng không đồng nhất, đã củng cố cho luận điểm về “sự tương đồng không cần thiết”. Nó cũng giúp cho việc giải cấu trúc ý nghĩa phổ biến về “sự hiểu lầm” trong phạm vi của một lý thuyết về “sự truyền thông bị xuyên tạc có hệ thống”. Quan điểm mang tính giả thuyết đầu tiên là quan điểm áp đảo-chủ đạo. Khi khán giả tiếp nhận ý nghĩa từ một, ví dụ như, bản tin truyền hình hay chương trình thời sự đầy đủ và trực tiếp, và giải mã thông điệp trong phạm vi của mã phiếm chỉ mà chương trình đó được mã hóa, chúng ta có thể nói rằng khán giả đó đang hoạt động bên trong mã chủ đạo. Đây là trường hợp điển hình về tư tưởng của “sự truyền thông rõ ràng hoàn hảo” - hoặc rất gần gũi với viêc chúng ta muốn hướng đến “những mục đích thực tiễn”. Trong phạm vi này, chúng ta có thể phân biệt những quan điểm được tạo ra bởi mã chuyên môn. Đây là quan điểm (được tạo ra bởi cái chúng ta có thể phải nhanạ diện với tư cách là sự vận hành của một siêu-mã) mà những người làm truyền hình chuyên nghiệp thừa nhận khi mã hóa một thông điệp vốn đã được biểu thị trong một thuộc tính áp đảo. Mã chuyên môn là “sự phụ thuộc tương đối” của mã chủ đạo, ở chỗ nó áp dụng những tiêu chuẩn và sự vận hành mang tính biến đổi của bản thân nó, đặc biệt là những tiêu chuẩn thuộc về bản chất kỹ thuật-thực tiễn. Tuy nhiên, mã chuyên môn vận hành trong phạm vi tính “áp đảo” của mã chủ đạo. Thật vậy, nó có vai trò tái sản xuất những định nghĩa chủ đạo một cách chính xác bằng cách gộp lại chất lượng và sự vận hành có tính áp đảo của chúng thay bằng những mã chuyên môn được thay thế vốn là nền tảng cho những vấn đề trung tâm về kỹ thuật như chất lượng hình ảnh, giá trị tin tức và sự trình bày, chất lượng đường truyền, “tính chuyên nghiệp” v.v…Những cách giải thích áp đảo về các vấn đề như tình hình chính trị ở Bắc Ailen, chế độ độc tài ở Chilê, hay Bộ luật lao động khu vực công nghiệp được khởi phát một cách có nguyên tắc từ những ưu thế chính trị và quân sự: sự lựa chọn cụ thể những thời điểm và hình thức trình bày, sự lựa chọn nhân sự, sự lựa chọn hình ảnh, sự dàn dựng các cuộc thảo luận đều được lựa chọn và kết nối thông qua sự vận hành của mã chuyên môn. Làm thế nào các chuyên gia phát thanh truyền hình có thể hoạt động với các mã “có tính tự thân tương đối” của chính họ và đóng vai trò tái sản xuất (không ngoài sự mâu thuẫn) ý nghĩa áp đảo về những sự kiện là một vấn đề phức tạp mà không thể lý giải đầy đủ ở đây. Chỉ có thể nói rằng, các chuyên gia này được kết nối với những ưu thế kể trên không chỉ bởi quan điểm về thiết chế của bản thân ngành truyền hình với tư cách một “bộ máy tư tưởng”,12 mà còn bởi cơ cấu của sự tiếp cận (tức là, sự “tiếp cận đầy đủ” có hệ thống của nhân sự có ưu thế lựa chọn và “sự định nghĩa về tình huống” của họ trong truyền hình). Thậm chí có thể nói rằng, các mã chuyên môn có vai trò đặc biệt trong việc tái sản xuất những định nghĩa áp đảo bằng cách áp đặt định kiến không quá mức trong những định hướng chủ đạo của họ: sự tái sản xuất tư tưởng diễn ra ở đây một cách không cố ý, không ý thức, “ở phía 10
  11. sau lưng”.13 Tất nhiên, xung đột, mâu thuẫn, thậm chí hiểu lầm thường nảy sinh giữa những ý nghĩa chủ đạo và chuyên môn với những cơ chế biểu thị của chúng. Quan điểm thứ hai chúng ta sẽ nhận diện là quan điểm về mã dàn xếp hay quan điểm. Các khán giả chủ yếu có thể hiểu khá vững chắc về cái được định nghĩa một cách chủ đạo và được biểu thị về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, những định nghĩa chủ đạo rõ ràng là có tính áp đảo bởi vì chúng biểu đạt cho những định nghĩa về các tình huống và sự kiện “chủ đạo” (có tính toàn cầu). Những định nghĩa chủ đạo kết nối với những sự kiện, một cách ẩn ý hay rõ ràng, thành một khối lớn, thành một thế giới quan có tính ngữ đoạn rộng lớn: chúng đưa ra “quan điểm trên diện rộng” về các vấn đề: chúng liên hệ những sự kiện với “lợi ích quốc gia” hoặc với cấp độ địa-chính trị, cho dù chúng thực hiện những mối liên hệ này trong những cách thức bí hiểm, đảo ngược và cắt xén. Sự định nghĩa về một quan điểm áp đảo là (a) nó định nghĩa theo trong phạm vi tầm nhìn trí tuệ và tính phổ quát của nó về những ý nghĩa khả thi, về một khu vực tổng thể của những mối quan hệ trong một xã hội hoặc một nền văn hóa; và (b) nó được triển khai với sự thừa nhận về tính chính thống của nó - nó có vẻ cùng một nghĩa với “tính tự nhiên”, “tính tất yếu không thể tránh”, “tính hiển nhiên” về trật tự xã hội. Quá trình giải mã bên trong kiểu mã dàn xếp này chứa đựng một sự pha trộn các yếu tố đối lập và thích ứng: nó thừa nhận tính chính thống của những định nghĩa áp đảo để nhằm tạo ra những ý nghĩa rộng lớn (trừu tượng), trong khi đó, ở một cấp độ có tính tình huống, có giới hạn hơn, nó tự tạo ra những quy tắc nền tảng của riêng mình - nó vận hành chống lại các quy tắc. Nó thừa nhận vị trí đặc ân của những định nghĩa chủ đạo về các sự kiện trong khi duy trì quyền tạo ra một sự dàn xếp nhiều hơn với “những bối cảnh cấp độ địa phương”, với những quan điểm có tính phối hợp nhiều hơn của nó. Kiểu mã dàn xếp của tư tưởng chủ đạo này do đó vấp phải nhiều mâu thuẫn, mặc dù những mâu thuẫn này chỉ hiển thị đầy đủ trong từng tình huống. Các mã dàn xếp vận hành thông qua cái mà chúng ta có thể gọi là những logic tình huống hay đặc biệt: và những logic này được duy trì bởi mối quan hệ khác biệt và không tương đồng đối với những phương tiện biểu đạt và logic của quyền lực. Ví dụ đơn giản nhất về mã dàn xếp này là cái chi phối sự phản ứng của một người công nhân về điều khoản của Bộ luật lao động khu vực công nghiệp đã giới hạn quyền đình công hay quyền đấu tranh đòi tăng lương. Ở cấp độ của những cuộc tranh luận kinh tế về “lợi ích quốc gia”, người giả mã có thể chấp nhận một định nghĩa áp đảo, thừa nhận rằng “chúng ta cần phải trả lương cho mình ít hơn để tránh lạm phát”. Tuy nhiên, điều này có thể có ít hoặc không có liên quan đến sự sẵn sàng tiếp tục đình công của anh ta/cô ta cho chế độ chi trả và điều kiện làm việc tốt hơn hoặc phản đối Bộ luật lao động khu vực công nghiệp từ góc độ những công nhân trong nhà máy hay tổ chức liên đoàn lao động. Chúng tôi nghi ngờ rằng tuyệt đại đa số cái gọi là “những sự hiểu lầm” nảy sinh từ những mâu thuẫn và phân tách giữa sự mã hóa mang tính áp đảo-vượt trội và sự giải mã mang tính dàn xếp-phối hợp. Nó chỉ là những sự ghép đôi 11
  12. không tương xứng trong những cấp độ mà phần lớn xúi giục các nhà chuyên môn nói trên nhận ra một “sự thất bại trong truyền thông”. Cuối cùng, một khán giả hoàn toàn có thể hiểu cả nghĩa đen cũng như biến thể ngữ nghĩa được cung cấp bởi một ngôn bản chỉ nhằm giải mã thông điệp trong một cách thức đối lập mang tính toàn cầu. Anh ta/cô ta tháo gỡ tổng thể thông điệp theo một mã thích hợp hơn nhằm tái hợp thông điệp trong một vài khuôn khổ khác của sự ngụ ý. Đây là trường hợp mà khán giả đó lắng nghe cuộc tranh luận về nhu cầu giới hạn mức lương nhưng “nhận hiểu” mọi lời ngụ ý về “lợi ích quốc gia” hay “lợi ích giai cấp”. Anh ta/cô ta đang suy nghĩ với cái mà chúng ta phải gọi là mã đối lập. Một trong những thời điểm chính trị có ý nghĩa nhất (chúng cũng trùng với những thời điểm khủng hoảng trong chính bản thân các tổ chức phát thanh truyền hình, vì những lí do hiển nhiên) là thời điểm khi các sự kiện, vốn thường được biểu thị hoặc được giải mã trong một cách thức dàn xếp, thương thuyết, bắt đầu quen với một cách nhận hiểu đối lập. Đến đây, “tính chính trị của sự biểu thị ý nghĩa” - cuộc đấu tranh trong ngôn bản biểu đạt - được nối kết. CHÚ THÍCH 1. Để có được sự giải thích và bình luận về những nhận định mang tính phương pháp luận về luận điểm của Marx, xin xem S. Hall, “Một sự nhận hiểu về cuốn Dẫn luận về Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán ”, trong WPCS 6 (1974) 2. J.D. Halloran, “Nhận hiểu truyền hình”, bài nghiên cứu cho Hội đồng châu Âu hội đàm về “Nhận hiểu truyền hình” (Đại học Leicester, 1973) 3. G.Gerbner viết chung, Bạo lực trong phim truyền hình: Một nghiên cứu về các xu hướng và các chức năng biểu tượng (Trường Annenberg, Đại học Pensylvania, 1970) 4. Charles Peirce, Ngữ pháp tự biện, trong Tuyển tập các bài nghiên cứu (Cambridge, Mass: Nxb Đại học Harvard, 1931-1958) 5. Umberto Eco, “Sự kết nối của mã phim ảnh”, trong tạp chí Điện ảnh, số 1 6. Roland Barthes, “Tính hùng biện của hình ảnh”, trong WPCS 1 (1971) 7. Roland Barthes, Các yếu tố của ký hiệu học (Cape, 1967) 8. Để tìm hiểu một sự phân tích rộng hơn về “sự nhận hiểu ưu tiên”, xin xem Alan O’Shea, “Sự nhận hiểu ưu tiên” (bài nghiên cứu lưu hành nội bộ, không xuất bản, Đại học Birmingham) 9. P.Terni, “Bị vong lục”, bài nghiên cứu cho Hội đồng châu Âu hội đàm về “Nhận hiểu truyền hình” (Đại học Leicester, 1973) 10. Cụm từ này là của Habermas, trong “Sự truyền thông bị xuyên tạc có hệ thống”, trong P.Dretzel (chủ biên), Xã hội học hiện đại 2 (Collier-Macmillan, 1970). Tuy nhiên, cụm từ này được dùng ở đây theo một cách khác. 11. Để tìm hiểu về các kiểu định dạng trong xã hội học gần gũi trên một vài phương diện với quan điểm được nêu ở đây nhưng không song hành với sự 12
  13. tranh luận về lý thuyết về phương tiện biểu đạt, xin xem Frank Parkin, Bất bình đẳng giai cấp và trật tự chính trị (Macgibbon và Kee, 1971) 12. Xem Louis Althusser, “Hệ tư tưởng và những công cụ truyền bá tư tưởng”, trong Lenin và triết học và các tiểu luận khác (New Left Books, 1971) 13. Để có được cái nhìn rộng hơn về luận điểm này, xin xem Stuart Hall, “Tính biện chứng trong và ngoài của phát thanh truyền hình”, Hội nghị chuyên đề lần thứ 4 về phát thanh truyền hình (Đại học Manchester, 1972), và “Phát thanh truyền hình và nhà nước: mối quan hệ vô tư/hay độc lập”, Hội thảo chuyên đề, Đại học Leicester, 1976 (bài nghiên cứu lưu hành nội bộ, không xuất bản). 13
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2