intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Những con số không bình thường

Chia sẻ: Bùi Thảo | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

66
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam lại nóng như hiện nay. Nhiều người đã đưa những cảnh báo về độ nóng thị trường với những thuật ngữ và cách giải thích hết sức đa dạng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Những con số không bình thường

  1. Những con số không bình thường Chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam lại nóng như hiện nay. Nhiều người đã đưa những cảnh báo về độ nóng thị trường với những thuật ngữ và cách giải thích hết sức đa dạng. Nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin tham khảo, bài viết xin nêu ra hai chỉ số cơ bản nhất là P/E và M/B dùng để đo lường sức nóng này. Giá cổ phiếu và sự biến động của nó Giá của cổ phiếu hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả hoạt động kinh doanh hay sức khỏe của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hoạt động ổn định mà không gặp phải những biến cố bất ngờ dẫn đến phải thanh lý hay phá sản thì dòng tiền mà người nắm giữ cổ phiếu nhận được là cổ tức được chia hàng năm. Con số này có sự dao động và đôi khi cũng có những khoản bất thường nào đó, nhưng nhìn chung bình quân trong dài hạn nó chính là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Về bản chất, giá cổ phiếu do dòng tiền này và sự biến động của nó quyết định và sự nóng lên của thị trường là do sự tăng giá của các cổ phiếu gây ra. Giá trị sổ sách, giá trị thị trường và tỷ số M/B Giả sử một doanh nghiệp mới thành lập phát hành 1 triệu cổ phiếu lần đầu để huy động 10 tỷ đồng thực hiện một dự án đem lại suất sinh lợi 20% một năm mãi mãi, đây cũng là suất sinh lợi yêu cầu (lãi suất) đối với hoạt động kinh doanh mới và rủi ro này. Giá một cổ phiếu lúc này sẽ là 10 nghìn đồng
  2. và bằng đúng mệnh giá của nó. Doanh nghiệp nhận được 10 tỷ đồng ghi vào mục vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán của mình. Con số này được gọi là giá trị số sách ban đầu của cổ phiếu hay vốn chủ sở hữu. Thêm vào đó, sau một số năm hoạt động có lợi nhuận, doanh nghiệp không chia hết cho các cổ đông mà giữ lại một phần (giả sử là 10 tỷ) thì lúc này giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu sẽ là 20 tỷ đồng. Như vậy giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu hay cổ phiếu chính là số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu cộng với các khoản thặng dư cũng như lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp. Đây chính là số tiền thực tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp nói riêng, giá trị gia tăng cho nền kinh tế nói chung. Sau khi hoàn tất dự án nêu trên, người ta mới biết rằng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của doanh nghiệp đạt được lên đến 40% một năm mãi mãi chứ không phải chỉ 20% như ước tính ban đầu. Lúc này, giá cổ phiếu sẽ tăng lên 20 nghìn đồng, giá trị vốn hóa thị trường (số cổ phiếu nhân với giá thị trường của cổ phiếu) sẽ là 20 tỷ đồng, và tỷ số M/B giữa giá thị trường (Market value) và giá trị sổ sách (Book value) của cổ phiếu sẽ là 2 thay vì 1 như ban đầu. Sau một thời gian, hoạt động ổn định, rủi ro của doanh nghiệp giảm đi nên suất sinh lợi yêu cầu của cổ phiếu này giảm dần xuống còn 10%, thay vì 20% như trước thì giá cổ phiếu trên thị trường sẽ là 40 nghìn và tỷ số M/B sẽ bằng 4. Ý nghĩa của giá trị sổ sách chính là số tiền thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp và giá trị gia tăng cho nền kinh tế; ý nghĩa của giá thị trường là mức độ kỳ vọng của công chúng vào khả năng tạo ra tiền trong tương lai của doanh nghiệp; và tỷ số M/B thể hiện lợi nhuận mà một đồng tiền thực tạo sẽ phải gánh cho M/B đồng kỳ vọng. Hơn thế nữa, khi nhìn vào tỷ số này và số vốn hóa thị trường sẽ biết thực tế có bao nhiều tiền thực sự đang được đưa vào nền kinh tế (đương nhiên là ở nhiều thời điểm khác nhau). Nhìn chung, tỷ số M/B thường lớn hơn 1, nhưng câu hỏi đặt ra là lớn bao nhiều thì hợp lý? Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, tỷ số này thường dao động từ 2 đến 3 là hợp lý. Ở các nước đang phát triển, trong những thời điểm thị trường đang nóng, chỉ số này cũng chỉ dao động quanh 4 là cùng. Nhìn chung, việc doanh nghiệp có tỷ số M/B lớn hơn 4 phải là những
  3. doanh nghiệp hoạt động kinh doanh rất tốt có rất nhiều triển vọng và khó có thể thất bại như Google, IBM, Microsoft..., nếu không con số như vậy sẽ là rất bất thường. P/E và ý nghĩa của nó P/E là tỷ số giữa giá cổ phiếu (Price) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS- Earning Per Share) trong một niên độ kế toán. Con số này có thể hiểu rằng để có thể nhận được một đồng từ cổ tức trong tương lai, người ta sẽ phải bỏ P/E đồng hiện tại. Nói một cách đơn giản, nếu công ty đã đi vào hoạt động ổn định, lợi nhuận các năm là như nhau (thực tế là có thay đổi, nhưng bình quân các năm dao động quanh một con số nào đó) thì lật ngược tỷ số này lại có thể thấy được suất sinh lợi bình quân hàng năm là bao nhiêu. Ví dụ, nếu P/E luôn ổn định bằng 15 - 20 thì suất sinh lợi bình quân của nhà đầu tư nhận được hàng năm sẽ vào khoảng 5% - 7%. Nếu lợi nhuận của công ty có sự tăng trưởng đều đặn (giả sử bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế) thì suất sinh lợi sẽ cao hơn con số nêu trên. Với suất sinh lợi của việc đầu tư vào cổ phiếu đạt được từ 5 - 7% ở các doanh nghiệp ổn định và 10 - 15% ở các doanh nghiệp đang phát triển là mức phải chăng. Đây là chính là lý do được đưa ra để cho rằng tỷ số P/E dưới 20 là hợp lý. Đối với các nước đang phát triển, trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, người ta lạc quan về bức tranh kinh tế trong tương lai thì tỷ số P/E cũng chỉ dưới 30. Khi mà chỉ số P/E càng vượt xa những con số nêu trên thì sức nóng của thị trường càng gia tăng. Câu chuyện thị trường cổ phiếu Việt Nam Không có điều kiện phân tích toàn thị trường, bài viết chỉ xem xét 14 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường vào ngày 09/03/2007 với tổng giá trị lên đến 202 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn ½ tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường thì thấy rằng, tỷ số M/B bình quân của chúng lên đến 11,7 lần và tỷ số P/E là 58 lần (IMF tính trước đó ít ngày cho toàn thị trường lên đến 73,3 ). Nếu hai con số này là đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam thì có nghĩa là với tổng giá trị vốn hóa trên 300 nghìn tỷ đồng của toàn thị trường hiện nay, thực tế chỉ có trên dưới 30 nghìn tỷ đồng là thực sự được đưa vào
  4. nền kinh tế, một tỷ lệ hết sức khiêm tốn. Những con số còn lại chẳng qua chỉ là sự mua qua bán lại giữa các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp. Với tỷ số P/E bằng 58 lần có thể hiểu rằng người mua sẵn sàng bỏ ra 58 đồng để nhận về một đồng và suất sinh lợi lúc này chỉ là 1,72% một năm mà thôi. So sánh hai con số nêu trên với 4 và 20 thì thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất nóng và khi mà quả bong bóng đã quá căng thì nguy cơ bị vỡ sẽ không nhỏ chút nào. Khi đó, phần thiệt sẽ thuộc những người không rút kịp ra khỏi thị trường trước khi quả bong bóng này nổ. Huỳnh Thế Du Cơn cuồng chứng khoán ở Việt Nam Cơn "sốt" chứng khoán ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của khá nhiều báo nước ngoài. Chúng tôi xin giới thiệu bài đăng trên tạp chí Time ngày 22/02/2007 vừa rồi. Tối thứ Sáu, quán cà phê internet trong một ngõ hẹp của Hà Nội ầm ĩ tiếng tròVõ lâm truyền kỳ. Nhưng Trung, kỹ sư 26 tuổi, đến quán để lao vào cuộc đấu khác. Đăng nhập vào một chat room chứng khoán, Trung cùng cộng đồng khoảng 1.000 thành viên, với những biệt danh kiểu "warrnbuffet74", "wallstreethanoi"..., đang tìm kiếm những cuộc mua bán nóng trong ngày. "Tôi bán 13.000 cổ phần của Cavico E" - một massage thông báo. "31.000 đồng/cổ. Liên hệ: Mạnh". Một massage tiếp theo: "Ối tiếc quá. Tôi vừa mua 32. Giá gặp cậu từ trước". Trung (yêu cầu không nêu đầy đủ tên) cười thầm và lắc đầu: "Có thể chỉ là một người dùng 2 nickname để đẩy giá lên". Trung biết rõ "chiêu" này vì đã từng dùng nó. Là kỹ sư nhà máy nước, anh chỉ kiếm được 300USD/tháng. Song năm ngoái, sau khi thế chấp nhà của cha mẹ để làm vốn, anh đã kiếm được 20.000 USD từ buôn bán cổ phiếu trên mạng. "Nếu khôn", Trung nói, "anh có thể tăng gấp năm số tiền của mình chỉ trong vài tháng". Kế hoạch sinh lời của Trung chẳng có gì lạ - tất cả những người Việt Nam trong cơn sốt chứng khoán đều như vậy - lạ là ở nơi anh kiếm tiền. Trong khi sàn chứng khoán chính thức non trẻ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang
  5. sôi động, Trung và những "tay mơ" khác lại đầu tư ở nơi còn khó khăn hơn: anh chỉ buôn bán trên "sàn không chính thức" là các website và chat room, nơi thường xuyên có hàng nghìn nhà đầu tư khác trao đổi cổ phần của các công ty đã cổ phần hóa một phần. Những người chơi gọi đó là chợ OTC (over-the-counter). Nhưng không giống sàn OTC ở bất kỳ đâu, những tay môi giới ở đây không có giấy phép và hiển nhiên không bị giám sát. Các cuộc mua bán diễn ra trong quán cà phê, trả tiền mặt lấy giấy cổ phần. "Đó là miền Tây hoang dã", Noritaka Akamatsu, Chuyên gia Trưởng về Kinh tế Tài chính của Ngân hàng Thế giới ở Hà Nội nói. Không ai rõ quy mô của "chợ đen" này. Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Việt Nam - ước tính có ít nhất 500.000 (gấp 5 lần số tài khoản đăng ký tại hai sàn chính thức) người đang giao dịch trên hơn chục website cá nhân và diễn đàn trực tuyến như "Mua rẻ" (www.muare.vn), Sanotc.com. Website Sanotc.com mới lập tháng 7 năm ngoái, giờ đã có 18.000 thành viên và hiện mỗi ngày có thêm 300 thành viên đăng ký. "Trước đây, người ta phải đến sàn giao dịch, nhưng mọi người thấy quy trình của chúng tôi nhanh và tiện hơn", Hoàng Minh Sơn, người đồng sáng lập website này cho biết. Mấy năm trước thì website như Sanotc.com không thể tồn tại, vì lấy đâu cổ phiếu mà buôn bán. Những công ty chủ chốt ở Việt Nam đều hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Nhưng khi một phần tài sản nhà nước được đưa ra thị trường tự do, cổ phần của khoảng 3.600 công ty cổ phần hóa được chia cho nhân viên, nhà quản lý và người ngoài, họ lần lượt bán chúng qua internet, "tuồn" cho người nhà, bạn bè hay người quen. Sau khi thỏa thuận, bất kể ở trên mạng hay quán cà phê, người mua sẽ nhận trực tiếp lấy giấy tờ sở hữu cổ phần, rồi cả người mua và người bán tới trụ sở công ty để đăng ký sang tên. Cũng có khi không cần sang tên: người bán chỉ viết một giấy biên nhận là xong. Về mặt pháp lý, kiểu mua bán đó rõ ràng nguy hiểm - không chỉ bởi nó tiềm ẩn gian lận và trộm cắp. Đến giờ những công ty chưa niêm yết vẫn không buộc phải công bố báo cáo tài chính, song những người chơi cổ phiếu đã có những cách riêng để tìm hiểu công ty. Mặc dù một số website có thông tin theo dõi giá những cổ phiếu phổ thông, song không có những số liệu thị trường đáng tin cậy. Điều đó có nghĩa là hầu như không thể xác
  6. định giá cổ phiếu có thật hợp lý. Người mới chơi chứng khoán chủ yếu dựa vào thông tin "vỉa hè" và mù quáng trông đợi cổ phiếu nào đã tăng thì sẽ tiếp tục tăng. "Về cơ bản, việc nghiên cứu cổ phiếu đều theo kiểu: vợ thằng em họ của chú của ông tao bảo mua được lắm", Mike Temple, Giám đốc chi nhánh bảo hiểm của công ty đầu tư chứng khoán Dragon Capital ở TP Hồ Chí Minh nói. Bất chấp nguy hiểm, "chợ đen" chứng khoán đã náo nhiệt lại được kích động thêm nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh, bầu không khí lạc quan sau khi gia nhập WTO và cả sự tăng tốc nhanh chóng của thị trường chứng khoán chính thức. Năm ngoái, chỉ số VNIndex (theo dõi trị giá của tất cả các công ty Việt Nam đã niêm yết) tăng 144% và đầu năm đến nay lại tăng thêm 44% nữa. Tuy nhiên thị trường chính thức lại nhỏ và khó giao dịch. Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh mới chỉ có 109 công ty niêm yết, tăng thêm 30 công ty so với năm ngoái và không đủ cổ phần để thỏa mãn cơn cuồng chứng khoán đang tăng lên. Chị Nguyễn Vinh, 36 tuổi, kế toán viên, nói vì không thể mua nổi cổ phần của các công ty đã niêm yết nên quay sang "chợ đen". Được chị gái kể, bạn của chị quen một người trong đám cưới đang muốn bán cổ phần công ty PTSC - công chưa niêm yết chuyên cung bấp thiết bị và dịch vụ cho ngành dầu khí - Vinh nhờ giới thiệu và mua được 1.000 cổ phần với giá 7.600 USD. Ba tuần sau, Vinh lãi 30% sau khi bán cho một người trả lời quảng cáo của chị trên Sanotc.com. Hiện Vinh lại đang tìm mua cổ phiếu khác. "Có thể giá bong bóng, nhưng tôi không sợ", Vinh nói. Vinh có thể không sợ, song các nhà quản lý đang quan ngại. Chính phủ đã đưa ra những biện pháp an toàn nhằm tăng cường tính minh bạch và kiềm chế thị trường chứng khoán phát triển quá độ. Theo đó, những công ty có cổ phần giao dịch mà chưa niêm yết sẽ phải công bố báo cáo tài chính hằng năm với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và việc chuyển nhượng cổ phiếu phiếu sẽ phải đăng ký. Song ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thừa nhận không đủ nhân lực để giám sát. Ủy ban chỉ có 10 thanh tra mà phải phụ trách 198 công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán chính thức cùng hàng nghìn công ty chưa niêm yết. Với Trung, anh vẫn lao vào cơn sốt chứng khoán. Anh cũng mong thị trường không chính thống này cuối cùng cũng sẽ đi vào khuôn khổ để ngăn
  7. chặn sự tháo lui điên cuồng. Ví dụ, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh giới hạn biên độ giao dịch là 5% trong một ngày nhằm kìm hãm sự thay đổi đột ngột. Cổ phần ở thị trường OTC có thể tăng gấp đôi sau một phiên giao dịch. "Không có luật lệ nào trên thị trường OTC", Trung nói, "nên bạn có thể lãi kinh khủng". Dường như cơn sốt của đám đông vẫn tiếp diễn. Trần Anh Câu chuyện về thị trường chứng khoán Việt Nam Có hay không chuyện rửa tiền trên sàn chứng khoán Việt Nam? Có. Và đó không phải là ý kiến riêng của tôi mà chính ông Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phùng Khắc Kế đã cảnh báo. Đây cũng là chuyện bình thường. Khu vực kinh tế ngầm ở Việt Nam, theo một nghiên cứu của WB, có thể đạt tới giá trị 50% GDP, tức không dưới 25 tỷ USD1. Đã ngầm nghĩa là tiền không sạch, nên nhu cầu rửa là chuyện tất nhiên. Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư tài chính là phải sinh lời: tiền đẻ ra tiền. Chính vì vậy mà các nhà đầu tư tìm mọi cách, huy động mọi nguồn lực để xác định cho mình một chiến lược đầu tư hợp lý. Nhưng rửa tiền thì không theo nguyên tắc này. Người ta sẵn sàng mất một nửa để biến tiền bẩn thành sạch. Thử hỏi bạn sẽ buôn bán như thế nào với người có rất nhiều tiền, nhưng cốt yếu đi buôn là để tiêu tiền chứ không làm tiền. Thị trường sẽ biến động liên tục, thất thường không theo một qui luật nào. Và người chịu thiệt hại nhiều nhất chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ thiếu thông tin, họ mua bán theo phong trào, nhưng khổ nhất là họ phải kết bè, kết bạn với những người không cùng mục đích kinh doanh. Mới đây, khi Thủ Tướng chính thức có yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, kiểm soát nguồn vốn đầu tư, tăng tính công khai minh bạch, ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ, thị trường đã có phản ứng tích cực – chỉ số VN-Index liên tục giảm trong sáu phiên liền (từ 19-03 đến 28-03), chấm dứt mối lo ngại về độ nóng không đáng có bấy lâu nay. Nhưng chúng tôi chỉ lo, khi ta thiết lập được các thể chế, chế tài đủ mạnh, ngăn chặn được tiêu cực thì tiền cần rửa người ta đã rửa xong.
  8. Chứng khoán và ngân hàng, tuy hai mà một Ai cũng biết chứng khoán và ngân hàng là hai kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Điểm khác biệt cơ bản là khi gửi tiền vào ngân hàng – chúng ta đang trao quyền quyết định đầu tư đồng vốn của mình cho một người hoặc một nhóm người (Tổng Giám đốc hay Hội đồng quản trị của ngân hàng); còn khi tham gia thị trường chứng khoán (TTCK)– chính chúng ta sẽ là người quyết định số phận đồng vốn của mình. Vì thế qui mô huy động vốn cũng như khả năng chia sẻ rủi ro trên TTCK sẽ cao hơn nhiều. Nền kinh tế tựa lưng vào TTCK sẽ vững chãi hơn nền kinh tế chỉ có hệ thống ngân hàng. Như vậy, từ nay chúng ta có thể yên tâm vì nền kinh tế Việt Nam đã có cả ngân hàng lẫn TTCK. Không hẳn như vậy. Thay vì là đối trọng chiến lược của TTCK, hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay đang bị guồng quay lợi nhuận của chứng khoán cuốn theo. Ngân hàng đang trở thành người chơi đắc lực trên thị trường. Ngân hàng có tên tuổi thì đua nhau phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ; ngân hàng chưa có tên tuổi thì đua nhau đổi tên – đẹp hơn, kêu hơn, tung hoành ngang dọc trên thị trường OTC; ngân hàng đang thai nghén thì đua nhau tăng tốc cho sớm ra đời (chỉ tính đến cuối tháng 3-2007 đã có hơn 10 bộ hồ sợ nộp NHNN xin mở NHCPTM)2. Dường như người ta đang quên mất nhiệm vụ chính của ngân hàng là cung cấp dịch vụ tài chính phục vụ cộng đồng và điểm tựa về vốn cho nền kinh tế. Trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Theo các cam kết gia nhập WTO, kể từ ngày 01-04- 2007, các ngân hàng có 100% vốn nước ngoài bắt đầu được hoạt động tại Việt Nam, được đối xử bình đẳng và được thực hiện phần lớn các nghiệp vụ như ngân hàng trong nước. Thiết tưởng, đây là lúc các ngân hàng Việt Nam phải vắt chân lên cổ mà chạy: mở rộng chi nhánh, tăng cường dịch vụ, nâng cấp chất lượng phục vụ... Đằng này, có vẻ như lợi ích của một nhóm người (một nhóm cổ đông nào đó) đang lấn át lợi ích cộng đồng. Cứ tưởng rằng, phát triển TTCK, nền kinh tế có thêm một chân cho vững, ai dè chân cũ lại dẫm lên chân mới – nguy cơ vấp ngã quá cao, làm sao yên tâm đây. Bản sắc của thị trường Người Việt mình làm gì cũng có bản sắc riêng, chơi chứng khoán cũng vậy. Lịch sử chứng khoán thế giới chưa từng ghi nhận một trường hợp nào mà
  9. thị trường biến động kỷ lục như ở ta. Chỉ riêng năm 2007, tính đến ngày 12/03 - VN-Index đã kịp tăng 56%, và ngay hai tuần tiếp sau đó đã cũng kịp giảm 12,5%. Thế mà mọi người xem đây là hiện tượng “hết sức bình thường” – thị trường chỉ điều chỉnh chút đỉnh cho phù hợp với thực tế. “Chút đỉnh” này đã kịp làm lao đao hàng loạt các nhà đầu tư nhỏ. Rõ ràng đây là những dấu hiệu của một thị trường tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Và nguyên nhân chính là tình trạng làm giá, thông tin nội gián, móc nối trục lợi. Có lẽ chưa một nơi nào mà các đại gia chứng khoán có thể thao túng và điều khiển thị trường dễ dàng như ở ta trong thời gian qua. Chưa hết, cứ phải lên sàn bạn mới cảm nhận đủ sự khác biệt. Đầu giờ sáng, người ta chen nhau nộp tiền. Vào thời cao điểm, nhà đầu tư ùn nhau đặt lệnh mua bán, ngồi phệt cả ra nền nhà để xem các con số nhảy nhót, hay bày tiền tràn lan ra sàn mà đếm. Lúc lên giá thì đua nhau mua, lúc xuống sàn thì tìm không ra mẫu đơn để đặt lệnh bán. Nhộn nhịp và tấp nập. Tuy nhiên, quan sát cảnh này, không thể dứt bỏ được cảm giác, dòng người đang là con rối trong tay những kẻ điều khiển vô hình. Họ là ai? Là các đại gia? Là những nhà đầu tư nước ngoài? Là ai khác nữa? Hay là chính chúng ta đang tự biến mình thành con rối cho các con số giật dây? Có lẽ vì thế mà gần đây, nhiều người đã lên tiếng nhận xét về tính phong trào, tính bầy đàn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi thì không nghĩ vậy. Chợ quê dĩ nhiên không thể bằng chợ phố: hàng hóa ít hơn, nghèo nàn về chủng loại, cách buôn bán, lối tổ chức cũng không thể nào so sánh. Nhưng chợ quê cũng có những nét đẹp mà chợ thành phố không thể nào có được, đó là chưa kể nếu đem so về giá trị đối với cộng đồng thì chưa biết chợ nào “ăn” chợ nào. Đơn giản là vì cộng đồng thế nào sẽ sản sinh ra chợ thế ấy. Nền kinh tế thị trường của chúng ta mới bước sang tuổi 20. Chứng khoán Việt Nam vừa lên bảy. Người chơi chứng khoán thì qua một đêm – nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước vừa làm vừa dò dẫm. Trong khi ở các nước tiên tiến kiểu thị trường này đã có cách đây hàng trăm năm (TTCK Philadelphia ra đời năm 1754, New York - 1792, London –1801, Tokyo - 1878), nên chúng ta có ngây ngô, nhà quê trước họ cũng là chuyện bình thường. Nhưng quan trọng hơn tất cả, theo tôi, chính sự ngây thơ của chứng khoán đang thổi vào đời sống tinh thần xã hội một làn gió mới, một niềm tin mới.
  10. Tin rằng, không chỉ có chốn quan trường mới có thể làm nên phú quí. Vẫn còn nhiều con đường khác, sự giàu có và thành đạt thực sự đang ở rất gần, hoàn toàn nằm trong tầm với của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi có tri thức. Và niềm tin đã thôi thúc dòng người sáng sáng từ thứ 2 tới thứ 6 nối đuôi nhau lên sàn tìm cơ hội. Và tôi hiểu rằng niềm tin này với ai đó (không phải là với tất cả) là hoàn toàn không ngây thơ chút nào. Nguyễn Văn Minh
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2