intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tác động của thương mại điện tử lên chính sách thuế của Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

19
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Tác động của thương mại điện tử lên chính sách thuế của Việt Nam tiến hành phân tích và đánh giá những tác động của thương mại điện tử (TMĐT) lên chính sách thuế tại Việt Nam trong bối cảnh TMĐT bùng nổ trên phạm vi toàn cầu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tác động của thương mại điện tử lên chính sách thuế của Việt Nam

  1. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 397 TÁC ĐỘNG CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ LÊN CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA VIỆT NAM Đặng Thị Ly Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum Email: dtly@kontum.udn.vn Tóm tắt: Trong bài viết này tác giả tiến hành phân tích và đánh giá những tác động của thương mại điện tử (TMĐT) lên chính sách thuế tại Việt Nam trong bối cảnh TMĐT bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Thông qua việc nhận định những vấn đề tồn tại và bất cập trong chính sách thuế tại việt Nam mà TMĐT mang lại, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, đồng thời tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Từ khóa: Thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, chính sách thuế IMPACT OF E-COMMERCE ON TAX POLICY OF VIETNAM Abstract: In this article, the author analyzes and evaluates the impacts of e-commerce on tax policy in Vietnam in the context of a global boom in e-commerce. By identifying the problems and shortcomings in tax policy in Vietnam that e-commerce brings, the author proposes some solutions to facilitate the development of e-commerce, at the same time, avoid loss of tax revenue for the State budget. Keywords: E-commerce, online shopping, tax policy 1. Giới thiệu Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các hoạt động thương mại và đầu tư của các nước trên thế giới. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia gây ra suy giảm giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, kèm theo đó là thu nhập giảm, tiêu dùng giảm và hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ.  Sau 3 năm chống chọi với dịch bệnh, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng đem đến những nhìn nhận mới, rõ nét hơn về cơ hội phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực TMĐT. Cho đến nay, TMĐT đã phát triển một cách bùng nổ và vẫn trên đà tiếp tục phát triển mạnh mẽ khắp toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang mới phát triển là nơi bắt nguồn của TMĐT. Thời gian qua, TMĐT ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể bởi những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại. Tăng trưởng hoạt động TMĐT hàng năm thường ở mức rất cao. Sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã đưa Việt
  2. 398 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Đây là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế của thế giới. Có thể nói rằng TMĐT đang trở thành cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Nếu như trước đây, TMĐT vẫn còn khá xa lạ và người dân chủ yếu mua sắm trực tiếp thì hiện nay mua sắm trực tuyến đã trở nên phổ biến và quen thuộc. Chính bối cảnh dịch bệnh đã khiến cho hành vi tiêu dùng và hoạt động TMĐT thay đổi một cách nhanh chóng. Điều này đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực TMĐT phát triển mạnh mẽ và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế tại Việt Nam. Song thực tiễn lại đang phát sinh một số vấn đề bất cập. Theo đó, nhiều khung khổ pháp lý và quy phạm pháp luật, đặc biệt là các chính sách về thuế liên quan tới lĩnh vực này đã không còn phù hợp, khó đáp ứng các yêu cầu về quản lý; thậm chí, gây nên không ít vướng mắc trong quá trình thực thi. Hậu quả là đã làm thất thu một khoản lớn tiền thuế cho ngân sách Nhà nước. Có thể nói đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là thực trạng chung của các nước có hoạt động TMĐT. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1 Tổng quan nghiên cứu Trên thế giới có khá nhiều các bài viết tập trung nghiên cứu tác động của TMĐT đến chính sách thuế. Các bài viết này đều có cùng quan điểm rằng TMĐT ảnh hưởng không nhỏ đến thuế. Trong đó, có thể nói đến nghiên cứu điều tra tác động của TMĐT đối với doanh thu thuế ở Caribe (Bristol, 2001). Sử dụng cách tiếp cận theo hướng kinh tế vi mô bài viết chỉ ra rằng khoản thu từ thuế tăng lên nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT. Liên quan đến chủ đề này, một nghiên cứu khác đã tiến hành phân tích tác động của TMĐT đến hệ thống thuế tại Trung Quốc. Từ đó đưa ra một số chính sách nhằm thiết lập chính sách thuế phù hợp với tình hình TMĐT (Hongchang, 2009). Ngoài ra, một số tác giả đã mở rộng đối tượng nghiên cứu sang các nước châu Âu và tiến hành so sánh tác động của TMĐT đến cơ cấu thuế ở một số quốc gia như: Anh, Pháp, Đức. Đồng thời phân tích điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống thuế đối với TMĐT tại các quốc gia này (Amir Kazemi, 2015). Bên cạnh các nghiên cứu về chủ đề tác động của TMĐT đến chính sách thuế, cũng có một số bài viết đi vào phân tích các chính sách thuế trong môi trường TMĐT và được thực hiện tại Trung quốc và Indonesia (Bofeng, 2015), (Zulma, 2020). Kết quả chỉ ra rằng chính sách thuế đối với TMĐT không tồn tại “khoảng trống”. Song song với việc phân tích và đánh giá các quy định về thuế đối với TMĐT, thì việc xây dựng chính sách thuế phù hợp với tình hình phát triển của TMĐT cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm với mục đích xây dựng chính sách thuế phù hợp trong môi trường TMĐT trên cơ sở phân tích những tác động của TMĐT đến hệ thống thuế (Yang, 2008). Công tác thu và quản lý thuế TMĐT cũng được khá nhiều tác giả quan tâm và tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu thực trạng công tác thu và quản lý thuế TMĐT. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý và thu thuế trong lĩnh vực TMĐT (Zeng, 2012) (Pang, 2017). Ngoài ra, một số bài viết đã tìm hiểu mối liên hệ giữa TMĐT và lập kế hoạch thuế. Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức do TMĐT gây ra (Carnaghan, 2004). Nhìn chung các nghiên cứu liên quan đến chủ đề về TMĐT và chính sách thuế của các tác giả trên thế giới đều tập trung vào phân tích đánh giá những khía cạnh ảnh hưởng của sự phát triển TMĐT lên chính sách thuế của nước sở tại. Trong đó, tác động lớn nhất có thể nói đến là làm cho công tác quản lý thuế trở nên phức tạp hơn và dẫn đến thất thu thuế cho
  3. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 399 chính phủ. Từ đó cho thấy rõ được rằng những chính sách thuế trước đây không còn phù hợp với thời đại TMĐT như hiện nay. Đây là thực trạng chung của tất cả các nước có nền TMĐT phát triển. Trên cơ sở phân tích, đánh giá và xem xét thực trạng ảnh hưởng, các nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp về chính sách thuế phù hợp hơn với thực trạng phát triển của TMĐT, giúp cải thiện những khó khăn trong công tác quản lý thuế tại các quốc gia. 2.2 Cơ sở lý thuyết TMĐT là một cách thức kinh doanh được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Nó phá vỡ giới hạn không gian, thời gian và là đặc trưng của tính toàn cầu, tính nhanh chóng, tính phi vật chất, tính tối nghĩa và tính ngụy trang (Yang, 2008). TMĐT bao hàm việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và thông tin thông qua mạng máy tính bao gồm cả internet (Tourban, 2006). Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT phát triển nhanh chóng cùng với sự phát triển của Internet và mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho các tập đoàn kinh doanh theo hình thức này. Đồng thời, các hình thức, phương thức và phương tiện trong TMĐT về cơ bản khác với phương thức truyền thống. Sự ra đời của TMĐT đã thay đổi các hình thức hiện có của một số mặt hàng. Trong giao dịch trực tuyến, một số hàng hóa hữu hình (sách, báo, sản phẩm nghe nhìn, v.v.) được dịch trực tiếp sang dạng kỹ thuật số để bán. Người mua muốn mua những hàng hóa kỹ thuật số này trên Internet có thể xem qua hoặc tải xuống để đạt được mục đích sử dụng của mình. Hàng hóa chuyển từ dạng “hữu hình” sang “vô hình”. Đối tượng giao dịch đang được chuyển thành “thông tin số” để rao bán trên mạng (Yang, 2008). TMĐT bác bỏ quan điểm rằng mọi hình thức kinh doanh phải có nơi thường trú và nó đã loại bỏ các hạn chế về địa lý vì các giao dịch có thể xảy ra giữa các quốc gia trên khắp thế giới (Mann, 2000). Kinh doanh điện tử là xu hướng không thể tránh khỏi đối với sự phát triển kinh doanh trong tương lai và sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách thuế như sau (Hongchang, 2009): Kinh doanh điện tử làm lung lay nền tảng của hệ thống thuế truyền thống, mà việc kiểm soát chứng từ là cơ sở. Vì vậy, nhiều dịch vụ đặt hàng và thư từ của kinh doanh điện tử được thực hiện trên Internet trong khi hồ sơ giao dịch là dữ liệu thông tin có thể sửa đổi. Do đó, quy trình giao dịch mua bán trở nên phức tạp do thông tin giao dịch không thể nắm bắt được. Các kỹ thuật mã hóa máy tính làm tăng thêm khó khăn cho cơ quan thuế để có được các thông tin liên quan. Người nộp thuế có thể sẽ cố tình che giấu thông tin điện tử liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình thông qua việc sử dụng kỹ thuật mã hóa máy tính gây tốn kém chi phí cho cơ quan thuế để thu thập thông tin cần thiết. Khó xác định được trụ sở chính của người kinh doanh. Theo hầu hết các hiệp định về thuế, một trong những điều kiện tiên quyết để một quốc gia có thể đánh thuế vào lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp là phải có trụ sở kinh doanh thường trực tại quốc gia liên quan. Rõ ràng, nội dung khái niệm truyền thống bao gồm hai khía cạnh, đó là con người và vật chất. Trong khi một số lượng lớn công dân có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh thông qua các máy chủ, nó làm dấy lên tranh luận liệu các máy chủ có thể đóng vai trò là một trong những trụ sở thường trực hay không. TMĐT là cơ sở cho các mâu thuẫn về thẩm quyền đánh thuế giữa các quốc gia. Nói chung, nó chính là trung tâm quản lý hoặc trung tâm kiểm soát, và được xem như nguyên tắc để mọi quốc gia đánh giá danh tính của người thực hiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của TMĐT và công nghệ tiên tiến được sử dụng rộng rãi, thì những trung tâm quản lý/kiểm soát này có thể đặt ở bất kỳ quốc gia nào trong môi trường thương mại quốc tế. Trước tình hình đó, ngành thuế cảm thấy khó khăn trong việc đánh thuế thu nhập
  4. 400 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 đối với doanh nghiệp theo nguyên tắc quyền hạn bởi vì địa điểm mà công dân đó thực hiện kinh doanh vốn mang tính danh nghĩa hơn là thực tế. Khó nhận biết được chất lượng sản phẩm và giá chuyển nhượng sản phẩm trong TMĐT. Do đó, không thể áp dụng thu thuế tương ứng. TMĐT ảnh hưởng lớn đến hệ thống thuế hiện hành. Hệ thống thuế của các nước được thiết lập trên cơ sở giám sát người mua và người bán. Hệ thống thuế hiện tại sẽ rất tốn kém để quản lý thành công những giao dịch có khối lượng lớn như vậy trong môi trường TMĐT. Sự ác cảm về thuế ngày càng nghiêm trọng. Do các mức thuế giữa các quốc gia khác nhau, có thể sử dụng các trang web ở các quốc gia thực hiện chính sách miễn thuế hoặc thuế suất thấp để tránh nộp thuế. Ngoài ra, TMĐT đã thay đổi quy trình đánh thuế lên hàng hóa. Trước hết, TMĐT đã triệt tiêu quá trình phân phối hàng hóa, dịch vụ dẫn đến việc loại bỏ đi các bên trung gian (McLure Jr, 2001). Nếu sản phẩm được cung cấp cho khách hàng thông qua người bán lẻ như một quy trình trong các giao dịch truyền thống, thì việc loại bỏ các bên trung gian sẽ làm tăng lợi ích cho người tiêu dùng. Mặt khác gây ra các vấn đề trong các nguyên tắc xác định đối tượng nộp thuế truyền thống dựa trên quy trình phân phối hàng hóa. Hiện tượng này đã làm giảm tần suất xác định các giao dịch kinh tế và giảm khoản thu thuế (Frecknall Hughes, 2001). Có thể thấy rằng mô hình quản lý và thu thuế truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển TMĐT. Hơn nữa, tình trạng thất thu thuế trở nên tồi tệ hơn. Trong bối cảnh đó, việc thu và quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế quan tâm trong những năm gần đây (Zeng, 2012). 2.3 Phương pháp nghiên cứu Dựa vào các bài viết về tác động của TMĐT đến chính sách thuế cũng như hoạt động quản lý thuế đã được phân tích trong các nghiên cứu tại các quốc gia như: Trung Quốc, Iran, Indonersia, Canada, Anh, Pháp... Tác giả sẽ đi vào đánh giá sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT Việt Nam. Từ đó, phân tích những ảnh hưởng cũng như những vấn đề phát sinh của TMĐT đến chính sách thuế trong bối cảnh tại Việt Nam để thấy rõ những khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. 3. Sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam Những năm gần đây, TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2020 đến nay, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, TMĐT vẫn tăng trưởng ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Cùng với việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT. Đặc biệt, trong năm 2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có hiệu lực là khung pháp lý cho hoạt động TMĐT ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước. Theo nghiên cứu thị trường TMĐT nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia. Với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone
  5. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 401 chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone nhiều, thị trường TMĐT tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh. Theo báo cáo của Bộ Công thương (2022) có đến 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2021. Người dân có xu hướng dành ngày càng nhiều thời gian cho mua sắm trực tuyến. Thời gian sử dụng internet từ 5 - 9 tiếng/ngày là 58%. Hình 1: Thời lượng truy cập internet trung bình mỗi ngày của người Việt Nam Nguồn: Bộ Công Thương (2022) Thời gian mua sắm trực tuyến tăng, đồng nghĩa với giá trị mua sắm trực tuyến cũng sẽ tăng lên. Người tiêu dùng chi ra trên 10 triệu đồng cho hoạt động mua sắm này chiếm tỷ 24%, từ 5 - 10 triệu đồng chiếm 19%, từ 2 - 5 triệu đồng chiếm 32%, dưới 2 triệu đồng chiếm 25%. Trong đó, người tiêu dùng chủ yếu mua sắm trực tuyến thông qua website TMĐT. Các mặt hàng được người tiêu dùng trực tuyến ưa thích là quần áo, giầy dép, mỹ phẩm (69%); thiết bị đồ dùng gia đình (64%); đồ công nghệ và điện tử (54%)... Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Hình 2: Giá trị hàng hóa mua sắm trực tuyến của một người Việt Nam trong năm 2021 Nguồn: Bộ Công Thương (2022)
  6. 402 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Cùng với sự phát triển nhanh chóng, TMĐT ngày càng tạo được lòng tin cho người tiêu dùng với 65% người tiêu dùng hài lòng và rất hài lòng với hoạt động mua săm trực tuyến trong năm 2021; 97% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến (Bộ Công thương, 2022). Có thể thấy rằng TMĐT không chỉ là trào lưu, mà nó đã trở thành xu hướng tất yếu của thị trường khi mức độ tiếp cận công nghệ và sử dụng thiết bị điện tử thông minh để mua sắm và thanh toán ngày một gia tăng trên phạm vi toàn cầu.  Hình 3: Mức độ hài lòng của người tiêu dùng về hoạt động mua sắm trực tuyến tại Việt Nam Nguồn: Bộ Công Thương (2022) Doanh thu từ TMĐT bán lẻ trong các năm gần đây có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2017, doanh thu từ TMĐT đạt 6,2 tỷ USD thì đến năm 2020 con số này đã tăng gần gấp đôi, đạt gần 12 tỷ USD và năm 2021 là 13,7 tỷ USD, với mức tăng trưởng 16% so với năm trước. Dự kiến trong năm 2022 sẽ chạm mốc 16,4 tỷ USD. Có thể thấy rằng thị trường TMĐT tại việt Nam đang phát triển một cách bùng nổ trước và sau đại dịch. Hình 4: Doanh thu TMĐT B2C Việt Nam năm 2017 - 2022 (tỷ USD) Nguồn: Bộ Công Thương (2022)
  7. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 403 Nhìn chung, kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh và ấn tượng trong những năm gần đây. Nếu như trong năm 2020, tổng giá trị nền kinh tế Internet của Việt Nam đạt 15,3 tỷ USD, thì sang năm 2021 đã đạt đến 20,7 tỷ USD, tăng 35%. Trong đó, doanh thu từ TMĐT là 13 tỷ USD, chiếm 62,8% giá trị nền kinh tế internet. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ chạm mốc 39 tỷ USD và chiếm 67,7% giá trị nền kinh tế internet của Việt Nam. So với các các ngành khác như: du lịch trực tuyến; vận tải và thực phẩm; nghe nhìn trực tuyến thì TMĐT có tốc độ phát triển nhanh nhất. Hình 5: Quy mô nền kinh tế Internet tại Việt Nam Nguồn: Bộ Công Thương (2022) Làn sóng covid - 19 đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Để đáp ứng nhu cầu trên, các doanh nghiệp cũng đã ứng dụng TMĐT vào trong hoạt động kinh doanh của mình. Kết quả khảo sát của bộ Công thương (2022) cho thấy trong năm 2022 có 22% doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, và 57% doanh nghiệp có họat động kinh doanh trên mạng xã hội, tăng 16% so với năm 2020. Có thể thấy rằng sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Đây là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là trong bổi cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường. 4. Tác động của thương mại điện tử lên chính sách thuế ở Việt Nam TMĐT phát triển đã mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế trong thời gian qua. Trong đó những phúc lợi kinh tế mà các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh TMĐT có được là điều rất dễ nhận thấy. Theo Số liệu báo cáo của Tổng cục Thuế, số thu từ kinh doanh TMĐT của những chủ thể này tăng nhanh qua các năm, đặc biệt là năm 2022, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng doanh thu đã đạt 356 tỷ đồng, vượt xa với tổng doanh thu năm 2021.
  8. 404 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Hình 6: Doanh thu của các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số Đơn vị tính: tỷ đồng Nguồn: Tổng Cục Thuế (2022) Số liệu từ Hải quan online của Tổng cục Hải quan Việt nam thì 1.151 tỷ đồng là số tiền thu mà cơ quan quản lý thuế đã thu được của các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số từ năm 2018 đến nay. Con số này tăng dần và ngày càng tăng nhanh qua các năm. Nếu năm 2021 thu thuế mới đạt 261 tỷ đồng, thì năm 2022 con số này đã tăng lên hơn 600 tỷ đồng. Cùng với đó là hơn 3.444 tỷ đồng của 42 nhà cung cấp nước ngoài khai và nộp qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ 21/3/2022 đến nay. Các nhà cung cấp này đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hông Kông, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Australia. Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trong công tác quản lý thuế. Hiện nay, chính sách thuế về TMĐT đã dần được hoàn thiện theo thời gian, phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT rất đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng, có tốc độ phát triển nhanh về quy mô và ứng dụng các công nghệ mới. Với định hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế cùng với tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách thuế và quản lý thuế. Tuy nhiên, hàng loạt những khoảng trống về hành lang pháp lý cũng như những quy định khó lòng đuổi kịp sự phát triển như vũ bão của hoạt động TMĐT và gây ra không ít khó khăn trong quản lý thuế. Một trong những vấn đề lớn nhất đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước là việc thất thu ngân sách Nhà nước từ thuế đối với kinh doanh TMĐT. Đây là khó khăn hiện hữu khi các cơ quan quản lý rất khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT có thể dễ trốn thuế hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ hệ thống thông tin qua lĩnh vực TMĐT được bảo mật, một số loại hàng hóa, dịch vụ được mua bán không cần trung gian phân phối sẽ là các khó khăn chính mà cơ quan quản lý thuế chưa có các giải pháp hữu hiệu hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên đáng kể nếu chính sách thuế trong lĩnh vực TMĐT được hoàn thiện phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phương thức kinh doanh đã thay đổi
  9. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 405 nhanh và mạnh từ truyền thống sang TMĐT. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy số thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 356 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với số thu 261 tỉ đồng của cả năm 2021. Thế nhưng, nếu so với doanh số thị trường TMĐT ở Việt Nam năm vừa qua đạt khoảng 13,7 tỉ USD (tương đương gần 325.000 tỉ đồng) thì số thuế đã thu này là rất nhỏ. Lũy kế đến hết tháng 8/2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp dịch vụ số khoảng 1.082 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng, gấp 2 lần so với số thu năm 2021. Ngoài ra, một số hoạt động TMĐT như: kinh doanh tiền “ảo”, tài sản kỹ thuật số, vật phẩm “ảo” trong trò chơi điện tử... chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, hơn nữa còn đang trong tình trạng tranh cãi thuộc vào loại hình kinh doanh nào, dẫn đến khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình để đánh thuế hoạt động kinh doanh, trong khi tùy theo loại hình hoạt động mà cơ quan quản lý thuế áp dụng các mức thuế khác nhau. Thực tế cho thấy, đã xuất hiện nhiều cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán tiền “ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong trò chơi điện tử hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ.  Vấn đề xác định doanh thu, thu nhập của các đối tượng kinh doanh TMĐT cũng gặp khó khăn. Hiện nay, công tác quản lý TMĐT chưa có các công cụ để kiểm soát, theo dõi lượng hàng hóa cũng như doanh thu phát sinh từ các hoạt động này. Việc xác định doanh thu chủ yếu dựa trên hóa đơn bán hàng và nội dung giao dịch thanh toán. Thực tế, nhiều đối tượng kinh doanh TMĐT khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thực tế; Thực hiện phương thức thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, hoặc nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan Thuế. Trong khi đó, pháp luật cũng chưa có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin giao dịch thanh toán TMĐT, trách nhiệm của các đơn vị cho thuê máy chủ về cung cấp thông tin các doanh nghiệp vận hành các trang mạng có hoạt động kinh doanh TMĐT..., nên cơ quan Thuế còn gặp khó khăn trong quản lý kê khai, xác định doanh thu của các đối tượng kinh doanh TMĐT.  Một khó khăn khác trong quản lý thuế TMĐT nói chung cũng như với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới và không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống. Trong khi, các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, thì các doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập tới địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước. Hơn nữa, việc xác định được căn cứ tính thuế trên môi trường số là rất khó khăn. Bởi, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website và không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể, điển hình là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội. Do đó rất khó phân biệt rõ các loại thu nhập để làm cơ sở đánh thuế như: doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... nên rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu trả cho sản phẩm số.
  10. 406 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Có thể thấy rằng các chính sách thuế của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động TMĐT nên đã gây không ít khó khăn, trở ngại trong công tác quản lý thuế của hoạt động này. Nếu tình trạng này kéo dài, số tiền thuế mà ngân sách Nhà nước thất thu là không nhỏ. Do đó, rất cần sự phối hợp giữa Ngành thuế với các Bộ, Ngành liên quan cũng như những giải pháp đột phá để tăng cường hiệu quả quản lý thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động TMĐT vẫn còn hạn chế như hiện nay. 5. Giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam Để thực hiện công tác quản lý thuế đối với TMĐT một cách có hiệu quả, đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp ở nhiều phương diện khác nhau nhằm mục đích khắc phục những khó khăn còn đang tồn tại. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế. Đặc biệt là giải đáp các thắc mắc về quy trình, thủ tục và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch TMĐT để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7 đáp ứng nhu cầu TMĐT. Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, Sàn TMĐT, ...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Theo đó, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện khai thuế, nộp thuế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ và rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử tạo điều kiện cho TMĐT phát triển. Ứng dụng trí tuệ nhận tạo trong công tác quản lý thuế. Hiện nay trí tuệ nhân tạo được xem là xu thế và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người trong các hoạt động. Do đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý thuế sẽ giúp xử lý dữ liệu nhanh chóng, chính xác, đưa ra các cảnh báo với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro. Từ đó phát hiện các trường hợp sai phạm về thuế. Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, ngân hàng Nhà nước...; các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng... trong việc trao đổi, thu thập thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT, thông tin về việc đăng ký website sàn TMĐT, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng... Đẩy mạnh công tác rà soát, thanh tra các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế. Thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, tổng hợp các hành vi trốn/tránh thuế phổ biến của người nộp thuế, phân loại người nộp thuế theo các nhóm điển hình để có các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Đối với người nộp thuế là những doanh nghiệp có rủi ro lớn về thuế, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đối với người nộp thuế là các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào các giao
  11. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 407 dịch nhỏ lẻ, số lượng lớn và giá trị giao dịch thấp, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để họ chấp hành pháp luật thuế đầy đủ. Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm trang bị cho công chức thuế các kiến thức về TMĐT và công nghệ thông tin; Đào tạo về kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ hoạt động thanh tra, giảm thời gian thanh tra tại các cơ sở kinh doanh; Tổ chức đào tạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng thanh tra, kiểm tra bằng phương pháp máy tính cho các công chức; để nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ công tác quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT. Phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan Thuế các nước và vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam. Đây là khung pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện trao đổi thông tin với các nước phục vụ công tác quản lý thuế đối với các giao dịch TMĐT qua biên giới. 6. Kết luận TMĐT tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và phù hợp với xu thế toàn cầu. Với sự hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường TMĐT sẽ càng trở nên sôi động hơn, đặc biệt là hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Cùng với đó là thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi từ truyền thống sang mua hàng trực tuyến thông qua phương tiện điện tử. Các doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn TMĐT không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, khi covid-19 vẫn đang là mối lo hàng đầu của thế giới thì TMĐT sẽ là điểm sáng của nền kinh tế. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp thì việc các cơ quan chức năng cùng chung tay hỗ trợ để giúp những người bán hàng Việt Nam đánh thức tiềm năng của chính họ và nắm bắt cơ hội vươn ra thế giới là hết sức quan trọng. Trong đó, phải nói đến vai trò của cơ quan thuế trong việc đổi mới chính sách thuế nhằm tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, đồng thời tránh tình trạng thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Trong phạm vi bài nghiên cứu, tác giả đã đi vào phân tích những tác động của TMĐT lên chính sách thuế Việt Nam. Cụ thể, với sự phá triển mạnh mẽ của TMĐT đã làm cho các chính sách thuế Việt Nam không còn phù hợp, từ đó bộc lộ những khoảng trống, khó khăn trong công tác quản lý thuế và làm thất thu cho ngân sách Nhà nước. Với thực trạng ảnh hưởng đó, bài viết đã đưa ra các giải pháp, chủ yếu là từ việc sửa đổi chính sách, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý thuế nhằm khắc phục các khó khăn hiện hữu. Tài liệu tham khảo Bộ Công Thương (2022). Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2021. Amir Kazemi, S. S. S. (2015). Comparative study of effect of E-commerce on tax structure in selected countries: suggestions to improve tax system of Iran. International Journal of Information, Security and System Management,, 4(1), 396-402. Bofeng, X. (2015). Views on the current tax policy of e-commerce in China. China Finance and Economic Review, 4(2), 60 - 71. Bristol, M. A. (2001). The impact of Electronic Commerce on Tax Revenues in the Caribbean Community. (The Graduate Internship Program).
  12. 408 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Carnaghan, C., Downer, P., Klassen, K., & Pittman, J. (2004). E,Commerce and Tax Planning: Canadian Experiences. Canadian Accounting Perspectives, 3(2), 261-287. Frecknall Hughes, J., & Glaister, K. (2001). Electronic Commerce and International Taxation: A Square Peg in a Round Hole? European Management Journal, 19(6), 651-658. Hongchang, Y. L. a. L. (2009). The Impact of E-Commerce on China’s Taxation System. Paper presented at the 2009 International Conference on Management and Service Science. Mann, C. L., Eckert, S. E., & Knight, S. C. (2000). Global electronic commerce: A policy primer: Peterson Institute. McLure Jr, C. E., & Charles, E. (2001). Taxation of Electronic Commerce in the European Union. Paper presented at the Tax Policy in the European Union, held at the Research Center for Economic Policy, Erasmus University, Rotterdam. Pang, Z. (2017). Study on Tax Collection and Management of E-commerce in China. Paper presented at the 2017 2nd International Conference on Education, Sports, Arts and Management Engineering, Atlantis Press. Tourban, K. D., Lee J. (2006). E-Commerce: concepts and applications. Yang, L.-m., Xiaoling Li, and Jian Liang. (2008). The Establishment of the Tax System under the E-commerce Environmen. Paper presented at the 2008 International Seminar on Future Information Technology and Management Engineering. Zeng, Y., Guo, X., & Huang, H. (2012). E-commerce tax collection and administration in China. Paper presented at the 2012 International Conference on Information Management Innovation Management and Industrial Engineering. Zulma, G. W. M., & Hizazi, A. (2020). The Relevance of E-Commerce Tax Application in Indonesia: Based on the Perspective of Taxation Expert. Organum: Jurnal Saintifik Manajemen dan Akuntansi, 3(2), 94-108. https://haiquanonline.com.vn/thu-thue-thuong-mai-dien-tu-nhin-tu-nhung-con-so-biet- noi-170602-170602.html https://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-tac-quan-ly-thue-tren-thuong-mai-dien-tu-da-dat-duoc-nhung- ket-qua-dang-ghi-nhan-620823.html
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2