intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Khảo cổ học: Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên

Chia sẻ: Na Na | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

72
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án đã tập hợp, hệ thống hóa tư liệu và kết quả nghiên cứu các di tích thời đại đồ đá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ trước tới nay nhằm cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin đầy đủ, khách quan về thời đại Đá ở Thái Nguyên. Luận án đã đóng góp của các di tích thời đại Đá Thái Nguyên với văn hóa tiền sử Việt Nam; bước đầu phác thảo quá trình phát triển văn hóa tiền sử ở Thái Nguyên, góp thêm tư liệu và nhận thức vào việc biên soạn Lịch sử địa phương và nội dung trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Khảo cổ học: Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN ĐỨC THẮNG NHỮNG DI TÍCH THỜI ĐẠI ĐÁ Ở THÁI NGUYÊN Chuyên ngành: Khảo cổ học Mã số: 62 22 03 17 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHẢO CỔ HỌC Hà Nội, 2016
  2. Công trình được hoàn thành tại: HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS TRÌNH NĂNG CHUNG 2. TS. NGUYỄN GIA ĐỐI Phản biện 1: PGS. TS. Nguyễn Văn Tiến Phản biện 2: PGS. TS. Lại Văn Tới Phản biện 3: PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện, họp tại: Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam Số 477 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội Vào hồi Ngày…. tháng …. năm 2016 Có thể tìm luận án này tại: - Thư viện Quốc gia - Thư viện Học viện Khoa học xã hội
  3. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Nguyễn Đức Thắng (2011), Về bộ sưu tập rìu, bôn mới phát hiện ở Thái Nguyên, NPHM VKCH năm 2011, Hà Nội, tr.70. 2. Nguyễn Đức Thắng (2012), Phát hiện di tích hang động tiền sử ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên, NPHM VKCH năm 2012, Hà Nội, tr.70 - 71. 3. Nguyễn Đức Thắng (2012), Chiếc xẻng đá lớn ở Thái Nguyên, NPHM VKCH năm 2012, Hà Nội, tr.133 . 4. Nguyễn Đức Thắng (2013), Di tích hang Thủng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, NPHM VKCH năm 2013, Hà Nội, tr.95 - 96. 5. Nguyễn Đức Thắng (2014a), Kỹ nghệ Ngườm” trong nền khảo cổ học Thái Nguyên và những vấn đề nghiên cứu đặt ra, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Tập 118, số 04, tr.27 - 31. 6. Nguyễn Đức Thắng (2014b), Phát hiện di tích hang động thời tiền sử ở xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, NPHM VKCH năm 2014, Nxb KHXH, Hà Nội. 7. Nguyễn Đức Thắng, Trình Năng Chung (2014), Đào thám sát hang Kim Sơn, tỉnh Thái Nguyên, NPHM VKCH năm 2014, Nxb KHXH, Hà Nội. 8. Nguyễn Đức Thắng - Nguyễn Quang Miên (2014), Về các kết quả đo tuổi Carbon phòng xạ năm 2014, tại Thái Nguyên, NPHM VKCH năm 2014, Hà Nội. 9. Nguyễn Đức Thắng (2015a), Di tích thời đồ đá ở Thái Nguyên sau 34 năm phát hiện và nghiên cứu, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 01 - 2015, tr.33 - 35. 10. Nguyễn Đức Thắng (2015b), Kỹ nghệ Ngườm - văn hóa Bắc Sơn những mối quan hệ, Khảo cổ học, số 4, tr.3 - 18.
  4. MỞ ĐẦU 1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Khảo cổ học tiền sử Thái Nguyên được biết đến từ năm 1925, nhưng chỉ đến những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, đặc biệt kể từ khi di chỉ Mái đá Ngườm được phát hiện mới thực sự được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước chú ý. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện được 30 di tích khảo cổ thuộc thời đại đồ đá. Tuy vậy, khảo cổ học tiền sử Thái Nguyên vẫn chưa được nghiên cứu toàn diện và có hệ thống. 1.2. Từ năm 2011 đến nay, tác giả luận án có cơ may được trực tiếp tham gia các cuộc điều tra, phát hiện mới cũng như trực tiếp tham gia nhiều cuộc đào thám sát, khai quật mới nhiều di tích thời đại Đá trên địa bàn Thái Nguyên và bước đầu đã có nghiên cứu về chúng. Để góp phần tìm hiểu những đặc trưng cơ bản của thời đại Đá ở Thái Nguyên, xác định những đóng góp của chúng đối với văn hóa tiền sử Việt Nam, nghiên cứu sinh mạnh dạn chọn đề tài “Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên” làm đề tài luận án tiến sĩ Lịch sử,chuyên ngành Khảo cổ học. 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN 2.1. Tập hợp, hệ thống hóa tư liệu và kết quả nghiên cứu các di tích thời đại đồ đá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ trước tới nay nhằm cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin đầy đủ, khách quan về thời đại Đá ở Thái Nguyên. 2.2. Trên cơ sở hệ thống hóa tư liệu về các di tích thời đại đồ đá, luận án sẽ nghiên cứu các giai đoạn phát triển của thời đại Đá Thái Nguyênvà những đóng góp của các di tích thời đại Đá Thái Nguyên với văn hóa tiền sử Việt Nam. 2.3. Bước đầu phác thảo quá trình phát triển văn hóa tiền sử ở Thái Nguyên, góp thêm tư liệu và nhận thức vào việc biên soạn Lịch sử địa phương và nội dung trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. 1
  5. 3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ NỘI DUNG CÁC VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT 3.1. Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là các di tích, di vật khảo cổ học thuộc thời đại Đá ởThái Nguyên. - Các báo cáo điều tra,khai quật khảo cổ học, các công trình nghiên cứu đã được công bố trên các sách và tạp chí chuyên ngành về khảo cổ học và một số sách khoa học có liên quan như địa chất, cổ sinh học, dân tộc học…có liên quan đến tỉnh Thái Nguyên - Luận án cũng tham khảo tư liệu của các di tích thuộc thời đại Đá ở các tỉnh lân cận và những công trình nghiên cứu khảo cổ học quan trọng ở Việt Nam, Đông Nam Á và Nam Trung Quốc có liên quan đến đề tài luận án. 3.2. Nội dung cơ bản mà luận án đi sâu giải quyết là xác định những đặc trưng cơ bản của các di tích thuộc thời đại Đá ở Thái Nguyên. Luận án cũng bước đầu giải quyết mối quan hệ giữa các di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên cũng như với các văn hóa tiền sử khác trong khu vực. 4 . PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Luận án sử dụng các phương pháp khảo cổ học truyền thống như phân loại, miêu tả di vật, di tích; tập trung phân tích loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ. Luận án đặc biệt chú ý đến phương pháp phân tích, so sánh giữa các sưu tập để tìm hiểu mối quan hệ giữa chúng. 4.2. Sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành như: địa chất, địa lý, cổ nhân, cổ sinh v.v.. Sử dụng kết quả nghiên cứu của khoa học tự nhiên như: phân tích niên đại tuyệt đối, giám định di cốt người và động vật... vận dụng các phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong nghiên cứu xã hội tiền sử. 5. NHỮNG KẾT QUẢ VÀ ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN 5.1. Luận án là chuyên khảo đầu tiên về các di tích thời đại Đá Thái Nguyên. Đóng góp trước hết của luận án là tập hợp, hệ thống hóa, 2
  6. phân tích và phân loại đầy đủ các di tích, di vật thời đại Đá trên đất Thái Nguyên. 5.2. Bước đầu trình bày được những đặc trưng cơ bản về di tích, di vật, niên đại, các giai đoạn phát triển của thời đại Đá Thái Nguyên; góp phần làm rõ quá trình phát triển văn hóa thời tiền sử ở Thái Nguyên và mối quan hệ với các văn hóa tiền sử trong khu vực. 5.3. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp và đóng góp thêm tư liệu cho nội dung trưng bày của Bảo tàng tỉnh, biên soạn Lịch sử địa phương, quy hoạch, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa tiền sử Thái Nguyên và phục vụ cho công tác giảng dạy, nơi tác giả luận án đang công tác. 6 . BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN Ngoài phần mở đầu (4 trang) kết luận (3 trang), nội dung luận án chia thành 4 chương với 152 trang: Chương 1: Tổng quan tư liệu (32 trang) Chương 2: Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên (52 trang) Chương 3: Những đặc trưng cơ bản di tích, di vật, niên đại và các giai đoạn phát triển thời đại Đá Thái Nguyên (41 trang). Chương 4: Mối quan hệ văn hóa và vài nét về đời sống của cư dân thời đại Đá Thái Nguyên (20 trang). Ngoài ra, trong luận án còn có: danh mục phụ lục minh họa, tài liệu tham khảo (168 tài liệu tiếng Việt, 8 tài liệu tiếng Anh, Pháp, 4 tài liệu dịch từ tiếng Trung Quốc) và phụ lục minh họa. 3
  7. CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TƯ LIỆU 1.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên 1.1.1. Vị trí địa lý, sự thay đổi địa danh trong lịch sử Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, thuộc vùng trung du - miền núi Đông Bắc. Thái Nguyên có tổng diện tích là 3541,67 km2. Trong quá trình lịch sử, địa danh và địa giới Thái Nguyên đã có nhiều thay đổi. Hiện nay số dân cư ở Thái Nguyên là 1.173.238 người, có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống. 1.1.2. Điều kiện tự nhiên 1.1.2.1. Lịch sử hoạt động kiến tạo địa chất khu vực Phần lớn lãnh thổ Thái Nguyên có lịch sử hình thành suốt thời Trung sinh. Cách đây 67 triệu năm, lãnh thổ Thái Nguyên tồn tại dưới chế độ lục địa liên tục 50 triệu năm, địa hình được san bằng trở thành bình nguyên. Cách đây 25 triệu năm, do vận động nâng lên mãnh liệt, Thái Nguyên được nâng cao, tùy nơi có thể từ 200m đến 500m, những miền được nâng cao, địa hình bị cắt xẻ. 1.1.2.2. Địa hình Thái Nguyên là một tỉnh miền núi có độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 200m - 300m, địa hình chủ yếu là đồi núi thấp chạy theo hướng bắc - nam, thấp dần từ bắc xuống nam. Có 4 nhóm hình thái địa hình chính, với 15 kiểu cảnh quan. Từ cuối thời Cánh tân địa hình về cơ bản ổn định như ngày nay. 1.1.3. Khí hậu Khí hậu Thái Nguyên được hình thành từ một nền nhiệt độ cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với hoàn cảnh địa lý cụ thể đã làm nên khí hậu nóng ẩm, mưa mùa, có mùa đông lạnh và rất thất thường trong năm. 4
  8. 1.1.4. Thủy văn Thái Nguyên có mạng lưới sông ngòi khá dày. Đại bộ phận lãnh thổ thuộc hệ thống sông Cầu, cứ 1km2 có 0,39km sông; sông Công: 1,2km sông/km2; sông Nghinh Tường: 1,05km sông/km2. 1.1.5. Thực vật - động vật Phần lớn diện tích Thái Nguyên ở độ cao dưới 600m nên rừng ở Thái Nguyên là rừng chí tuyến chân núi. Theo thống kê của sách Địa chí Thái Nguyên cho biết, hiện nay Thái Nguyên về thực vật có 21 họ, 32 chi và 53 loài gồm cả hạt kín và hạt trần. Động vật ở Thái Nguyên có khoảng 422 loài, 91 họ và 28 bộ của 4 lớp động vật: chim, thú, bò sát, ếch nhái 1.2. Lịch sử phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học thời đại Đá ở Thái Nguyên Lịch sử phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học thời đại Đá ở Thái Nguyên được chia làm 3 giai đoạn: a. Giai đoạn 1924 – 1971:Giai đoạn này được xem như giai đoạn đặt nền móng cho công cuộc nghiên cứu văn hóa tiền sơ sử ở Thái Nguyên. Các nhà khảo cổ người Pháp đã phát hiện được 4 địa điểm văn hoá Bắc Sơn: Khắc Kiệm, Nghinh Tắc, Nà Cà, Ky. Những phát hiện này bước đầu báo hiệu về khả năng tiềm tàng những dấu tích của người tiền sử trên đất Thái Nguyên. b. Giai đoạn 1972 – 2000: Trong giai đoạn này, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã có nhiều đợt khảo sát, điều tra và khai quật khảo cổ tại khu vực Thần Sa. Một trong những thành tựu lớn là đã phát hiện hơn 10 di tích khảo cổ mới, trong đó có di chỉ Mái đá Ngườm.Việc phát hiện ra Mái đá Ngườm, một di chỉ thời đại Đá cũ, với đặc trưng nổi bật là kỹ nghệ mảnh tước duy nhất tìm thấy ở Việt Nam đã đóng góp vào việc thay đổi nhận thức về văn hoá tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á.Trong giai đoạn này có nhiều ấn phẩm đề cập đến các phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học Thái Nguyên, đặc biệt về kỹ nghệ Ngườm. 5
  9. c. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay: Trong năm 2011, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Thái Nguyên đã tiến hành đợt điều tra trên 2 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Đoàn đã khảo sát phát hiện mới 10 địa điểm khác ở huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Từ năm 2012 đến nay, tác giả luận án đã tiến hành nhiều đợt khảo sát và đã phát hiện được gần 10 di tích mới ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Lương. Việc phát hiện và nghiên cứu mới này đã giúp tác giả có nhiều tư liệu quý trong việc nghiên cứu các di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên. Tiểu kết chương 1 - Phần đầu chương 1 đã trình bày lịch sử kiến tạo địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thế giới động vật và thực vật ở Thái Nguyên. Từ những điều kiện tự nhiên nêu trên chúng ta có thể rút ra một kết luận cơ bản: Thái Nguyên có đầy đủ những điều kiện tự nhiên thuận lợi để người tiền sử tồn tại và phát triển. - Lịch sử phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học thời đại Đá ở Thái Nguyên được chia làm 3 giai đoạn:Giai đoạn 1924 – 1971, giai đoạn 1972 – 2000 và giai đoạn từ năm 2001 đến nay. Việc phát hiện và nghiên cứu mới nhiều các di tích thuộc thời đại Đá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra một số vấn đề cần giải quyết như sau: (1) Hệ thống hóa và nghiên cứu làm rõ các đặc trưng của các di tích thời đại Đá trên đất Thái Nguyên. (2) Tìm hiểu các giai đoạn phát triển trong thời đại Đá ở Thái Nguyên. (3) Bước đầu làm sáng tỏ diện mạo văn hóa thời đại Đá ở Thái Nguyên. 6
  10. CHƯƠNG 2 NHỮNG DI TÍCH THỜI ĐẠI ĐÁ Ở THÁI NGUYÊN Đến nay, ở Thái Nguyên đã phát hiện được 30 địa điểm thuộc thời đại Đá ở vào các giai đoạn khác nhau. Để trình bày các di tích thời đại Đá, chúng tôi chọn một số địa điểm tiêu biểu hội đủ các tài liệu địa tầng, với những bộ sưu tập đặc trưng, tiêu biểu được xác định niên đại làm đại diện cho các giai đoạn thời đại Đá như địa điểm Ngườm, Miệng Hổ, Thắm Choong, Kim Sơn, Hang Ốc, Hang Thủng, Hang Thần, hang Con Hổ v.v… 2.1. Các di tích thuộc thời đại Đá cũ: Đến nay Thái Nguyên đã có 7 di tích thuộc thời đại Đá cũ. Khi nghiên cứu về các di tích khảo cổ học thời đại Đá cũ Thái Nguyên, các nhà khảo cổ học thường chia chúng theo hai con đường phát triển kỹ nghệ: Đó là kỹ nghệ mảnh tước mà kỹ nghệ Ngườm là đại diện và kỹ nghệ cuội nghè (còn gọi là công cụ hạch cuội) lấy địa điểm Thắm Choong làm tiêu biểu. 2.1.1.Các di tích thuộc kỹ nghệ mảnh tước: Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, tại Thái Nguyên có 2 di tích thuộc kỹ nghệ mảnh tước. Đó là Mái đá Ngườm (tầng I) và hang Miệng Hổ.Trong luận án, chúng tôi trình bày khá kỹ quá trình phát hiện và nghiên cứu 2 địa diểm này. Trong tóm tắt chúng tôi xin trình bày địa điểm Mái đá Ngườm như đại diện tiêu biểu - Mái đá Ngườm Tháng 3 năm 1980, di chỉ Mái đá Ngườm chính thức được phát hiện. Trong các năm 1981 và 1982 di chỉ Mái đá Ngườm được khai quật với diện tích là 56m2. Qua các đợt khai quật tại Ngườm đã thu được 24.635 hiện vật đá cùng một số di vật xương, gốm và nhiều tài liệu cổ sinh,mộ táng. Tầng văn hóa ở Ngườm dầy 1,45m được chia làm 3 tầng văn hóa phát triển kế tiếp nhau. 7
  11. Ở tầng thứ nhất (tầng sâu và sớm nhất) có niên đại khoảng 23.000 -30.000 năm trước, công cụ mảnh tước tu chỉnh nhỏ chiếm số lượng gần như tuyệt đối, công cụ hạch cuội chỉ có một tỷ lệ nhỏ. Xương cốt động vật hoặc bán hóa thạch hoặc chớm hóa thạch, trong quần động vật có chứa loài đã tuyệt diệt như loài Pongo sp. .Giai đoạn này kỹ nghệ công cụ mảnh ở Ngườm thể hiện sắc thái đặc thù tiêu biểu nhất, chưa có sự ảnh hưởng đáng kể nào của kỹ nghệ công cụ hạch cuội. Kỹ nghệ Ngườm chân chính chỉ biểu hiện thật rõ nét ở Ngườm I. Bước sang tầng văn hóa II (tầng giữa) có niên đại khoảng 23.000 - 18.000 năm trước, trong khi công cụ mảnh tu chỉnh nhỏ giảm mạnh về số lượng, công cụ hạch cuội lại tăng lên đáng kể và mang một số yếu tố của truyền thống kỹ nghệ cuội ghè gần với Sơn Vi - Hòa Bình. Đây có thể coi là một bước suy hoái của kỹ nghệ công cụ mảnh tước Ngườm. Tầng văn hóa III (tầng muộn nhất) có niên đại khoảng sau 18.000 năm trước, những công cụ mảnh tước tu chỉnh nhỏ vẫn tồn tại nhưng chúng không còn mang đặc trưng của kỹ nghệ Ngườm nữa, thay vào đó kỹ nghệ công cụ hạch cuội thể hiện một sắc thái nổi trội hơn.Theo quan điểm của nhiều nhà khảo cổ học, sự tiến triển của kỹ nghệ Ngườm là quá trình hòa nhập với kỹ nghệ công cụ hạch cuội trong khu vực. Trong luận án có trình bày những đặc trưng văn hóa và diễn biến của chúng theo mặt cắt địa tầng ở Ngườm cho thấy có sự biến đổi về văn hóa từ tầng dưới lên tầng trên (Biểu đồ 2). 2.1.2. Các di tích thuộc kỹ nghệ công cụ cuội ghè (hạch cuội) Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 di tích thuộc kỹ nghệ công cụ cuội ghè có niên đại hậu kỳ Đá cũ, đó là hang Thắm Choong, Nà Ngùn, Nà Khù, Thầm Hấu và di tích thềm sông cổ Thần Sa. Trong luận án, chúng tôi cũng chọn trình bày những di tích tiêu biểu có các tài liệu địa tầng, với những bộ sưu tập đặc trưng, như địa điểm Thắm Choong, Nà Ngùn, Thẩm Hấu v.v… 8
  12. Đặc trưng cơ bản của các di tích này là: Tầng văn hóa được hình thành vào giai đoạn cuối hậu kỳ Cánh Tân, xương cốt động vật hoặc bán hóa thạch hoặc chớm hóa thạch. Việc xác định niên đại cho các di tích Thắm Choong, Nà Ngùn, Thẩm Hấu, Nà Khù và di tích thềm sông cổ Thần Sa hoàn toàn dựa vào những đặc trưng của bộ di vật đá và những niên đại tương đối mà các tác giả trước đây đã xác định.Trong các sưu tập trên, loại hình công cụ rất thô sơ, phần lớn là không định hình, vắng mặt những công cụ điển hình của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn. Một số công cụ gần gũi với công cụ Sơn Vi. Kỹ nghệ công cụ cuội ghè hậu kỳ Đá cũ Thái Nguyên mang phong cách đồ đá lớn, không thuộc kỹ nghệ mảnh tước kiểu Ngườm. Qua khảo sát địa tầng văn hóa Ngườm, cho thấy có thể kỹ nghệ cuội ghè hậu kỳ Đá cũ ở Thái Nguyên ra đời muộn hơn so với kỹ nghệ mảnh tước Ngườm. 2.2. Các di tích thuộc thời đại Đá mới 2.2.1. Các di tích thuộc sơ kỳ Đá mới Cho đến nay, dựa vào các kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, ở Thái Nguyên đã phát hiện được 20 di tích có chứa các di tích, di vật thuộc sơ kỳ Đá mới gồm các hang động: Hang Ốc, Kim Sơn, Khắc Kiệm, Nà Cà, hang Con Hổ, hang Thần, hang Thủng, Nghinh Tắc, Ky, Hạ Sơn I, Hạ Sơn II, Đán Mèo, hang Cá, hang Trâu, Nà Vật, Phượng Hoàng, hang Chùa, Sa Vạ, Ngườm tầng III, Khe Sui. Trong luận án, tác giả trình bày 8 địa điểm tiêu biểu đã khai quật hoặc đào thám sát. Đó là các hang: Hang Ốc, Kim Sơn, Con Hổ, Khắc Kiệm, Nà Cà, hang Thần, hang Thủng, Nghinh Tắc. Trong tóm tắt chúng tôi xin trình bày địa điểm hang Ốc như đại diện tiêu biểu -Hang Ốc Tháng 3 năm 2011,Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Thái Nguyên phát hiện hang Ốc. Tháng 3 năm 2015, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Thái Nguyên tiến hành khai quật di chỉ này. 9
  13. -Tầng văn hóa khá thuần nhất, không có lớp phân cách, dầy không đều nhau. Chỗ sâu nhất 1,3m, độ sâu này phân bố khoảng 1/3 diện tích hố. Phần còn lại, khoảng 2/3 diện tích có độ sâu dao động từ 0, 5cm - 0,5m so với bề mặt. Bề mặt đá nền lồi lõm, dốc từ trong ra ngoài cửa hang. - Di tích động vật bao gồm xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể. Tổng số có 435 mảnh xương răng, sừng động vật. Kết quả giám định cho thấy chúng thuộc các giống loài hiện còn sinh sống, bao gồm các loài như hươu, nai, hoẵng, tê giác, rùa, gấu, lợn và cá. Vỏ nhuyễn thể rất nhiều, chủ yếu là vỏ ốc suối. - Tổng số di vật thu được qua đợt khai quật có trên 2500 hiện vật đá. Cho đến nay, các nhà khai quật đã chỉnh lý, đo đạc tỉ mỉ được 1519 di vật. Các nhà khai quật chia sưu tập hang Ốc thành một số nhóm lớn, bao gồm: Nhóm công cụ kiểu Sơn Vi: gồm công cụ rìa ngang, công cụ rìa dọc, công cụ phần tư cuội, công cụ hình móng ngựa, công cụ rìa ở hai đầu và công cụ hạch không định hình. Nhóm công cụ kiểu Hòa Bình: gồm công cụ hình bầu dục, công cụ gần hình đĩa, công cụ gần hình thang và rìu ngắn. Nhóm công cụ mảnh: gồm công cụ mảnh và công cụ cuội bổ. Nhóm cuội/đá có vết ghè, chặt và bổ. Nhóm hạch, mảnh: gồm hạch đá, mảnh tước, mảnh cuội bổ và mảnh tách. Nhóm rìu mài: gồm rìu mài lưỡi, rìu mài toàn thân và phác vật rìu. Nhóm công cụ chỉ có dấu vết sử dụng: gồm các di vật thực hiện chức năng nghiền, đập, mài và dấu Bắc Sơn. Nghiên cứu tổng thể các tài liệu địa tầng, di tích, di vật khảo cổ, các nhà khai quật xếp địa điểm hang Ốc vào sơ kỳ thời Đá mới, thuộc văn hóa Bắc Sơn. Các niên đại C14 cho thấy di chỉ có niên đại khoảng 6000 - 7000 năm cách ngày nay. - Ngoài 8 địa điểm được trình bày trong luận án, còn 13 địa điểm khác có chứa di vật thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá mới. Đó là các hang: Ky, Hạ 10
  14. Sơn I, Hạ Sơn II, Đán Mèo, hang Cá, hang Trâu, Nà Vật,Phượng Hoàng, hang Chùa, Sa Vạ, Mái đá Ngườm tầng III, Khe Sui, hang Rắn. Trong số các di tích trên, chỉ có hang Ky là được người Pháp phát hiện từ thập kỷ thứ 20 của thế kỷ trước. Số còn lại do các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện. Đặc trưng chung của các di tích thuộc giai đoạn này là tầng văn hóa được hình thành vào thời kỳ Toàn Tân, các di tích động vật thuộc các giống loài hiện đại.Về các bộ sưu tập hiện vật đá, trên cơ sở kế thừa những loại hình di vật có từ thời Đá cũ, vào thời kỳ Đá mới đã xuất hiện thêm nhiều loại hình mới với sự phổ biến của kỹ thuật bổ cuội và đặc biệt là kỹ thuật mài đã đưa đến cho các bộ sưu tập Đá mới Thái Nguyên thêm sắc thái mới. Đó là những chiếc rìu mài hạn chế rìa lưỡi (rìu Bắc Sơn), là dấu “Bắc Sơn”. Tại các di chỉ hang Thần, Kim Sơn, Hạ Sơn I, Hạ Sơn II, Đán Mèo, hang Cá, hang Trâu, Nà Vật, Phượng Hoàng, hang Chùa, Sa Vạ, Khe Sui, hang Rắn mặc dù chưa tìm thấy rìu mài lưỡi và dấu “Bắc Sơn”, nhưng bộ sưu tập hiện vật đá của chúng hàm chứa những loại hình công cụ hình đĩa, công cụ hình bầu dục, công cụ rìu ngắn gần gũi với các sưu tập sơ kỳ Đá mới nói trên. Căn cứ vào các niên đại C14 của các hang Kim Sơn, hang Thần, hang Thủng, các di tích thuộc giai đoạn sơ kỳ đá Thái Nguyên có niên đại khoảng từ 11.000 năm đến 6.000 năm cách nay. 2.2.2. Các di tích thuộc hậu kỳ Đá mới Cho đến nay, những di tích thuần túy thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới phát hiện được chưa nhiều, mới chỉ có 3 di tích gồm hang Suam Sơn, hang Ông Trúc và địa điểm Liên Minh (phát hiện ngoài trời). Đặc trưng chung của các địa điểm hang Suam Sơn và hang Ông Trúc là tầng văn hóa thường mỏng, hiện vật nghèo nàn. Đáng chú ý là trong sưu tập có rìu tứ giác mài nhẵn và đồ gốm. Địa điểm Liên Minh ở Võ Nhai mới phát hiện ra rìu mài và bàn mài trên bề mặt di chỉ. 11
  15. Ngoài ra, ở lớp mặt các địa điểm hang động như Mái đá Ngườm, Nghinh Tắc, Nà Khù, Nà Cà, Nà Vật cũng tìm thấy di vật thuộc hậu kỳ Đá mới như rìu mài nhẵn và những mảnh gốm thô. Tiểu kết chương 2 Trong số 30 di tích thuộc thời đại Đá ở Thái Nguyên hiện biết, có 7 di tích thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá cũ, 20 di tích thuộc sơ kỳ Đá mới và 3 di tích có chứa di vật của giai đoạn hậu kỳ Đá mới. Những di tích hậu kỳ Đá cũ ở Thái Nguyên thuộc về hai truyền thống chế tác công cụ khác nhau: Truyền thống kỹ nghệ mảnh mà đại diện là Ngườm I, Miệng Hổ và truyền thống kỹ nghệ cuội ghè mà nhóm Thắm Choong - Nà Ngùn là tiêu biểu. Việc phân tích tài liệu khảo cổ học, đặc biệt là tài liệu Mái đá Ngườm cho thấy, đặc trưng nổi bật của loại hình và kỹ thuật đã thành tạo một kỹ nghệ đặc sắc: kỹ nghệ Ngườm. Đặc trưng của kỹ nghệ này chính là những công cụ mảnh nhỏ được tu chỉnh với các loại công cụ phổ biến như công cụ cắt, khía, nạo, dùi… Kỹ thuật tách mảnh tước trên những hạch cuội tự nhiên, ít thấy các dạng hạch đá được chuẩn bị. Kỹ thuật tu chỉnh mảnh tước bao gồm cả dạng ghè nhẹ trực tiếp và tu chỉnh ép trực tiếp. Kỹ nghệ Ngườm là đặc thù chuyên biệt rất khác với kỹ nghệ công cụ hạch cuội như kỹ nghệ Sơn Vi - Hòa Bình. Vào giai đoạn sơ kỳ Đá mới, địa bàn Thái Nguyên là nơi cư trú của cư dân văn hóa Bắc Sơn (20 di tích). Những tài liệu khảo cổ từ các hang: Hang Ốc, Kim Sơn, Khắc Kiệm, Con Hổ, Nghinh Tắc, Nà Cà, hang Thủng, hang Thần cho thấy diện mạo văn hóa Bắc Sơn khá phổ biến ở khu vực này. Về mặt đặc trưng kỹ thuật và loại hình có sự kết hợp giữa hai truyền thống mảnh tước lớn và cuội ghè đã góp phần thành tạo diện mạo văn hóa Bắc Sơn ở khu vực sơn khối đá vôi Thái Nguyên. Ở vào giai đoạn hậu kỳ Đá mới, mặc dù mới chỉ phát hiện được 3 di chỉ, nhưng trong nhiều di chỉ hang động tiền sử Thái Nguyên đã 12
  16. phát hiện nhiều trường hợp các lớp trên mặt của các di chỉ này có chứa những di vật thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí. CHƯƠNG 3 NHỮNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN DI TÍCH, DI VẬT, NIÊN ĐẠI VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỜI ĐẠI ĐÁ THÁI NGUYÊN 3.1. Đặc trưng di tích 3.1.1. Đặc trưng phân bố Tổng cộng có 23/30 di tích tập trung trên địa bàn huyện Võ Nhai thuộc đủ các thời kỳ Đá cũ và Đá mới, chứng tỏ quá trình sinh sống và phát triển liên tục của cư dân cổ tại vùng sơn khối Võ Nhai. Các di tích thuộc sơ kỳ và hậu kỳ Đá mới chủ yếu thuộc văn hóa Bắc Sơn đã phân bố rộng trên địa bàn 3 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, trong đó riêng huyện Võ Nhai đã có 16 di tích. Điều này cho thấy, con người thời Đá mới vẫn sinh sống chủ yếu trên địa bàn vùng địa bàn gốc của cư dân Ngườm cổ là Thần Sa, và từ đây lan tỏa rộng khắp vùng sơn khối đá vôi thuộc 3 huyện Võ Nhai, Phú Lương và Đồng Hỷ. 3.1. 2. Đặc trưng nơi cư trú Các di tích hang động, mái đá ở Thái Nguyên có diện tích trung bình, hoặc khá nhỏ. Theo thống kê cho thấy, các hang có diện tích lớn hơn 500m2 - 600m2 là 5 di tích chiếm 20%, số lượng các hang động mái đá có diện tích trên 150m2 là 3 di tích chiếm 12%, chỉ có 1 di tích có diện tích 100m2 chiếm 4%, số còn lại chỉ khoảng trên dưới 30m2 là 16 di tích chiếm 64% Các hang động, mái đá ở Thái Nguyên phân bố ở mọi độ cao khác nhau. Qua thống kê cho thấy, những hang có độ cao trung bình từ 50m trở xuống là 21 di tích chiếm số lượng 84%, từ 100m trở xuống là 3 di tích chiếm 12%, số hang cao hơn 100m là 1 di tích chiếm 4%. Cá 13
  17. biệt có di tích như hang Phượng Hoàng cao tới 195m so với mặt thung lũng bên dưới. Các hang động, mái đá ở Thái Nguyên phân bố ở mọi độ cao khác nhau. Qua thống kê cho thấy, những hang có độ cao trung bình từ 50m trở xuống là 21 di tích chiếm số lượng 84%, từ 100m trở xuống là 3 di tích chiếm 12%, số hang cao hơn 100m là 1 di tích chiếm 4%. Cá biệt có di tích như hang Phượng Hoàng cao tới 195m so với mặt thung lũng bên dưới. Hướng của hang mà cư dân Thái Nguyên cổ chọn làm nơi cư trú thường là theo hướng tây bắc hoặc đông nam chiếm tới hơn 80% hướng hang cư trú còn lại họ thường chọn hướng tây hoặc hướng đông làm nơi cư trú (Bảng 3.1, Biểu đồ 11). Việc lựa chọn các hướng hang này có lẽ do ảnh hưởng của địa hình các dãy núi lớn trên địa bàn tỉnh là Ngân Sơn, Bắc Sơn đều chạy theo hướng tây bắc - đông nam. 3.1.3. Đặc trưng tầng văn hóa Tầng văn hóa các di tích thời đại đồ đá ở Thái Nguyên thường không dày lắm, kết cấu bở rời và thường bị xáo trộn lớn. Theo thống kê 13 di tích đã được khai quật và đào thám sát thì tầng văn hóa dày trung bình từ 40cm - 50cm. Di tích có tầng văn hóa dầy nhất là Ngườm (1,45m), Khắc Kiệm (1,3m) còn lại chỉ dao động từ 50cm - 70cm, có di tích chỉ là lớp đất mỏng dày từ 15cm - 20cm. 3.1.4. Đặc trưng di tích bếp Dấu tích bếp trong các di tích đồ đá ở Thái Nguyên thường là các tầng tro bếp mầu nâu đen ở các tầng văn hóa.Trong khu vực bếp thường có vỏ ốc, mảnh tước, xương động vật. Trong bếp thường có những mảnh xương và các tảng đá có vết bị đốt cháy. 3.1. 5. Đặc trưng mộ và di cốt người Trong tổng số 30 di tích ở Thái Nguyên có 3 di tích đã phát hiện được mộ táng là di tích Mái đá Ngườm, hang Con Hổ và hang Khắc Kiệm. 14
  18. Những di cốt tìm thấy ở Thái Nguyên thuộc về giai đoạn sơ kỳ Đá mới với những đặc trưng nhân chủng Proto - Mélanésien hoặc Mélanésien. Kết quả nghiên cứu này khá phù hợp với những nghiên cứu về chủ nhân văn hóa Bắc Sơn do các nhà nghiên cứu trước đây công bố. 3.1.6. Đặc trưng di cốt động vật và thực vật Các di tích cổ sinh đã được nghiên cứu gồm: Mái đá Ngườm, hang Miệng Hổ, Mái đá Hạ Sơn I, Mái đá Ranh và Mái đá Nà Mạ. Những tài liệu về di tích động vật đã được nghiên cứu thể hiện quần động vật cuối Cánh tân - đầu Toàn tân. Các tài liệu về vỏ nhuyển thể tại các di tích thuộc thời đại Đồ đá ở Thái Nguyên khá phong phú và khá phổ biến trong các di chỉ. Vỏ nhuyễn thể chủ yếu là ốc suối và ốc núi. Các di tích thực vật được trình bày chủ yếu dựa trên kết quả nghiên cứu một số mẫu bào tử phấn hoa được lấy từ khu vực Thần Sa. 3.2. Đặc trưng di vật 3.2.1. Đặc trưng đồ đá - Về nguyên liệu và chất liệu Cư dân thời đại Đá Thái Nguyên thường dùng đá cuội song,suối để chế tác công cụ. Phân tích thạch học cho thấy, cư dân Thần Sa cổ chủ yếu dùng các loại đá tuf axit; tuf axit có các mạch silic cắt qua; đá phiến thạch anh; quartz, tuf bột kết; tuf Ryolit; thủy tinh núi lửa. - Kỹ thuật chế tác: Khi bàn đến đặc trưng kỹ thuật chế tác công cụ đá trong thời đại Đá Thái Nguyên, ta cần phải tách bạch làm rõ kỹ thuật - kỹ nghệ Ngườm và kỹ thuật công cụ hạch cuội (cuội ghè) ở đây. + Kỹ thuật chế tác công cụ mảnh: Tiêu biểu là các di tích Mái đá Ngườm (tầng I) và Miệng Hổ. Đặc trưng của kỹ nghệ này chính là kỹ nghệ công cụ mảnh nhỏ được tu chỉnh. Tại đây phổ biến kỹ thuật ghè đẽo, chặt bẻ, bổ cuội và tu chỉnh. Kỹ thuật tách mảnh tước trên những hạch cuội tự nhiên. Kỹ thuật tu chỉnh mảnh tước bao gồm cả dạng ghè nhẹ trực tiếp và tu chỉnh ép trực tiếp. + Kỹ thuật chế tác công cụ cuội ghè: 15
  19. Ở giai đoạn hậu kỳ Đá cũ (Thắm Choong, Nà Ngùn, Nà Khù, Thẩm Hấu, di tích thềm sông Thần Sa), kỹ thuật ghè đặc trưng nhất là ghè một mặt, ghè theo một hướng, ghè trên một rìa cạnh của hòn cuội và giữ lại tối đa vỏ cuội tự nhiên.Kỹ thuật tu chỉnh hãn hữu và vắng mặt kỹ thuật mài. Bên cạnh kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, hướng tâm còn tồn tại kỹ thuật bổ cuội và kỹ thuật chặt bẻ. Sang thời kỳ Đá mới, trên nền tảng kế thừa những kỹ thuật ghè đẽo thời đại Đá cũ, bước sang thời kỳ Đá mới đã phổ biến của kỹ thuật bổ cuội và đặc biệt là kỹ thuật mài mang tính Cách mạng. - Về loại hình công cụ + Loại hình công cụ trong kỹ nghệ Ngườm gồm: Nhóm công cụ mảnh tước với 2 phụ loại: mũi nhọn và nạo; Nhóm công cụ cuội ghè (gồm công cụ hạch cuội và cuội bổ) với điểm nổi bật là tính phi định hình, hình dáng không ổn định. + Loại hình công cụ trong kỹ nghệ cuội ghè: Giai đoạn hậu kỳ Đá cũ: tiêu biểu là nhóm Thắm Choong - Nà Ngùn Bao gồm nhóm công cụ cuội nguyên, nhóm công cụ cuội ghè đẽo và nhóm công cụ mảnh. Vào thời kỳ Đá mới:Trên nền tảng kế thừa những loại hình di vật có từ thời đá cũ, bước sang thời kỳ đá mới đã xuất hiện thêm nhiều loại hình mới như rìu mái lưỡi và dấu Bắc Sơn. 3.2.2. Đặc trưng đồ gốm: Đến nay mới phát hiện được hơn 50 mảnh gốm trong các lớp mặt của các di tích thời đại Đá Thái Nguyên. Các nhà nghiên cứu cho rằng những mảnh gốm này có niên đại hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí thường hay gặp ở các hang động miền núi phía Bắc nước ta. 3.3. Niên đại và các giai đoạn phát triển 3.3.1. Niên đại tuyệt đối 16
  20. Hiện nay, trong tổng số 30 di tích thuộc thời đại Đá ở Thái Nguyên đã có 5 di tích với 13 mẫu đã được xác định niên đại C14. Đó là Mái đá Ngườm (4 mẫu), hang Ốc (6 mẫu), hang Kim Sơn, hang Thủng và hang Thần 1 mỗi di chỉ 1 mẫu. 3.3.2. Niên đại tương đối Trong phần lớn các di tích thuộc thời đại Đá ở Thái Nguyên, các nhà khảo cổ học thường dùng phương pháp so sánh loại hình học để xác định niên đại tương đối cho từng di chỉ. 3.3.3. Các giai đoạn phát triển:Cơ sở để phân chia các giai đoạn phát triển trong thời đại Đá ở Thái Nguyên chủ yếu dựa vào mấy tiêu chí sau: Dựa vào tài liệu địa tầng văn hóa, tài liệu cổ sinh, tài liệu niên đại tuyệt đối và tương đối của các di tích và dựa vào chính những đặc trưng của bộ sưu tập hiện vật, chủ yếu là đồ đá. Có thể chia thành 3 giai đoạn sau: - Giai đoạn 1: Các di tích thuộc hậu kỳ Đá cũ có 7 di tích với hai kỹ nghệ là kỹ nghệ công cụ mảnh gồm Ngườm I, Miệng Hổ và kỹ nghệ cuội ghè gồm các di tích Thắm Choong, Nà Ngùn, Thẩm Hấu, Nà Khù và di tích thềm sông cổ Thần Sa. - Giai đoạn 2: Các di tích thuộc sơ kỳ Đá mới: Có 20 địa điểm (trừ địa điểm Ngườm), gồm các hang động sau: Hang Ốc, hang Thần, hang Thủng, Kim Sơn, Nghinh Tắc, Khắc Kiệm, Nà Cà, Ky, Hạ Sơn I, Hạ Sơn II, Đán Mèo, Con Hổ, hang Cá, hang Trâu, Nà Vật, Phượng Hoàng, hang Chùa, Sa Vạ, Khe Sui, hang Rắn. - Giai đoạn 3: Các di tích thuộc hậu kỳ Đá mới: Có 3 địa điểm, gồm hang Ông Trúc, Suam Sơn, Liên Minh. Ngoài ra, ở lớp mặt các địa điểm hang động như Mái đá Ngườm, Nghinh Tắc, Nà Khù, Nà Cà, Nà Vật cũng tìm thấy di vật thuộc hậu kỳ Đá mới như rìu mài nhẵn, gốm thô. Trong luận án cũng trình bầy đặc trưng cơ bản của từng giai đoạn trên. 17
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2