
61
CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CỦA
DOANH NGHIỆP: BẰNG CHỨNG TẠI VIỆT NAM
ThS. Lương Thị Thảo
TS. Lê Thị Phương Vy
PGS.TS Trần Thị Hải Lý
Trường Đại học Kinh Tế TP. HCM
Tóm tắt
Bài nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của can thiệp chính phủ đến quyết định
đầu tư và hiệu quả phân bổ vốn đầu tư của 336 doanh nghiệp niêm yết tại các Sở giao
dịch chứng khoán tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 đến 2016. Phương pháp hồi quy
GMM hệ thống 2 bước được sử dụng để ước lượng mối quan hệ giữa các biến trong mô
hình nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy can thiệp trực tiếp chính phủ có tác động
làm gia tăng đầu tư nhưng lại làm giảm hiệu quả phân bổ vốn đầu tư của các doanh
nghiệp trong mẫu. Ngoài ra, can thiệp thông qua các mối quan hệ chính trị với chính phủ
của lãnh đạo doanh nghiệp không có ý nghĩa đối với doanh nghiệp nhà nước sở hữu chi
phối nhưng có ý nghĩa cao trong việc giải thích sự thay đổi trong đầu tư và hiệu quả
phân bổ vốn đầu tư của các doanh nghiệp khác.
Từ khóa: Can thiệp chính phủ, quyết định đầu tư, hiệu quả phân bổ vốn đầu tư.
1. Giới thiệu
Quan điểm về ảnh hưởng của can thiệp nhà nước đến doanh nghiệp và nền kinh tế
có thể khác nhau do cách tiếp cận, đặc điểm kinh tế từng giai đoạn khác nhau hoặc do
khác biệt về động cơ, lợi ích giai cấp nhưng thực tế cho thấy khó có thể phủ nhận hoàn
toàn vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Vai trò này đặc biệt được củng cố trong
những năm gần đây khi cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu bùng nổ. Thực tế
cho thấy, can thiệp của chính phủ ở các quốc gia khác nhau có mức độ tác động và tính
hiệu quả khác nhau. Ở những nền kinh tế phát triển, mức độ can thiệp của nhà nước thấp
hơn khi các hệ thống kinh tế ở đó hoạt động tương đối trơn tru, hiệu quả; còn đối với
những nền kinh tế chuyển đổi thì sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và các doanh
nghiệp mạnh mẽ hơn. Đối với các doanh nghiệp, đầu tư là quyết định tài chính quan
trọng hàng đầu nên việc xem xét quyết định này dưới tác động của can thiệp chính phủ là
một trong những vấn đề nghiên cứu mang tính thực tiễn và hấp dẫn các nhà nghiên cứu
trên thế giới. Các tranh luận lý thuyết lẫn kết quả thực nghiệm vẫn chưa cho thấy sự
thống nhất giữa các trường phái. Các nghiên cứu của Chen & Yuan (2004); Pistor & u
(2005), Wang & Yung (2011) ủng hộ sự can thiệp của chính phủ đối với doanh nghiệp và
nền kinh tế cho rằng trong môi trường pháp lý chưa hoàn thiện và/hoặc đối với nền kinh
tế chuyển đổi, sự can thiệp của chính phủ có thể đóng một vai trò thay thế trong việc
nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, Wurgler (2000), Chen và cộng sự (2011, 2013),
Pan & Tian (2017) cho thấy sự can thiệp trực tiếp của chính phủ thông qua tỷ lệ sở hữu
chi phối và thông qua các mối quan hệ chính trị của lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp làm
tăng đầu tư nhưng lại làm giảm hiệu quả trong việc phân bổ vốn đầu tư.
Việt Nam với nền kinh tế đang chuyển đổi, sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được
những thành tựu trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng quản lý nhà nước
cũng tồn tại nhiều hạn chế liên quan đến đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công,