Luận văn Thạc sĩ Văn học: Giá trị văn hoá thực tiễn trong truyện cười dân gian Khmer Nam bộ
lượt xem 29
download
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Giá trị văn hoá thực tiễn trong truyện cười dân gian Khmer Nam bộ giới thiệu tới các bạn những nội dung về bối cảnh văn hóa của truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ và vấn đề thể loại; tình hình nguồn tư liệu và vấn đề sưu tầm, khảo cứu tư liệu; truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ dưới góc độ văn hoá.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Giá trị văn hoá thực tiễn trong truyện cười dân gian Khmer Nam bộ
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Huỳnh Vũ Lam GIÁ TRỊ VĂN HOÁ THỰC TIỄN TRONG TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN KHMER NAM BỘ PHỤ LỤC Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. HỒ QUỐC HÙNG Thành phố Hồ Chí Minh – 2008
- LỜI CẢM ƠN Khoa học là công việc của một cá nhân nhưng nếu chỉ có sự nỗ lực của bản thân, có thể chân lí sẽ không được chạm đến một cách toàn diện. Do đó, luận văn thạc sĩ văn học với đề tài Giá trị văn hoá thực tiễn trong truyện cười Khmer Nam Bộ dù đứng tên của cá nhân tôi nhưng đằng sau những con chữ là đầy ắp những tấm lòng của những người đã âm thầm giúp đỡ, hỗ trợ và cộng tác. Trước hết, xin được cảm ơn gia đình và bà con dân tộc Khmer ở Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung đã tận tình giúp đỡ khi chúng tôi đi sưu tầm, điền dã. Công trình này không chỉ có ích cho bản thân tôi mà còn là lời tri ân đối với bà con đã hỗ trợ trong thời gian qua. Tôi xin chân thành cảm ơn quí thầy cô của Khoa Ngữ văn, cán bộ phòng Sau Đại học, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã hướng dẫn và giúp đỡ về mặt tri thức trong quá trình giảng dạy cũng như về mặt kĩ thật trong quá trình thực hiện luận văn. Và sau cùng, xin gửi lời chân thành cảm ơn sâu sắc đến tiến sĩ Hồ Quốc Hùng, người thầy đã tận tuỵ hướng dẫn tôi trong một năm sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện luận văn. Thầy không chỉ là người trực tiếp đặt bút vào sửa chữa những câu từ còn thô vụng mà quan trọng hơn là người đã định hướng và chỉ ra những vấn đế có tầm chiến lược giúp tôi vượt qua những khó khăn trong quá trình thực hiện./.
- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó có tộc người Khmer tồn tại lâu đời ở vùng Nam Bộ. Trong quá trình giao lưu với người Việt, người Hoa, người Chăm, tộc người Khmer ở nơi đây một mặt đã thể hiện và lưu giữ những nét đẹp thuộc về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mặt khác cũng tiếp thu những nét văn hóa của các dân tộc anh em cùng cộng cư trong không gian sinh tồn ở phía Nam của tổ quốc. Do đó, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa dân tộc Khmer với các dân tộc Việt, Hoa, Chăm, …bộc lộ trên nhiều lĩnh vực văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể. Trong đời sống văn hoá của người Khmer Nam Bộ, truyện cười chiếm một vị trí nhất định. Đồng bào Khmer vốn tin vào duyên nghiệp, cả cuộc đời siêng năng làm lụng nhưng mục đích cuối cùng là cầu mong sự an bình dưới chân đức Phật. Bóng dáng nhà chùa che mát tâm hồn của mỗi con người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa trần. Do vậy trong đời sống nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tinh thần của họ vẫn lạc quan, hướng về cõi cực lạc. Họ mở rộng lòng mình với mọi người, mọi dân tộc anh em. Tiếng cười dân gian một phần nào đó giúp họ giải khuây sau những vụ mùa cực nhọc, mặt khác tiếng cười trong văn hoá dân gian còn là nơi người Khmer thể hiện tư tưởng, quan niệm sống của mình. Truyện cười là thể loại tự sự dân gian có tính xã hội và ý nghĩa thực tiễn cao, nó diễn ra hằng ngày, mang hơi thở của cái thường nhật, khác với không gian thẩm mĩ của thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích vốn là những thể loại có nội dung phản ánh với độ lùi của thời gian rất xa. Do đó, truyện cười cũng đồng thời ghi nhận được cả sự biến đổi do quá trình phát triển và giao lưu văn hóa trong đời sống xã hội. Văn học dân gian tộc người Khmer vùng Nam Bộ trước đây đã được sưu tầm và nghiên cứu trong nhiều công trình. Việc phân lập hệ thống các thể loại văn học và tìm hiểu các thể loại Thần thoại, Truyền thuyết, Cổ tích đã được nhiều tác giả thực hiện. Tuy nhiên, việc đi sâu vào nghiên cứu có tính hệ thống từng thể loại vẫn còn ít được chú trọng. Trên bình diện nghiên cứu về văn hoá Nam Bộ lâu nay, theo nhận định của nhóm tác giả Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh trong đề án nghiên cứu khoa học trọng điểm Những vấn đề xã hội-nhân văn khu vực Nam Bộ giai đoạn 2005-2010, thì các vấn đề kinh tế được quan tâm nhiều hơn các vấn đề văn hóa xã hội. Nhưng nếu xét kĩ thì nhiều vấn đề kinh tế xã hội lại có nguyên nhân từ khía cạnh văn hóa. Do vậy, tiếp tục phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc ở vùng Nam Bộ, trong đó có tộc người Khmer
- là một nhiệm vụ hàng đầu và là một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng để giải quyết nhiều vấn đề khác có liên quan. Luận văn này cũng lấy nền tảng từ hướng nghiên cứu nêu trên. 2. Lịch sử vấn đề Văn học dân gian Khmer Nam Bộ được sưu tầm và nghiên cứu muộn hơn so với văn học dân gian các dân tộc thiểu số khác. Năm 1983, trong lời giới thiệu cho cuốn Truyện cổ Khơ me Nam Bộ, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng đánh giá: Trước cách mạng tháng Tám 1945, những tập sách hay bài nghiên cứu về đồng bào Khơ me Nam Bộ có đề cập đến các mặt lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, dân tộc học, … nhưng phần thực sự gọi là văn học dân gian thì chưa có gì đáng kể ngoài việc đưa ra một số truyền thuyết còn hạn hẹp… Dưới thời thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, vấn đề sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian Khơ me Nam Bộ cũng không được chú ý. Rải rác đây đó, trên các tạp chí xuất bản ở Sài Gòn, người ta thỉnh thoảng bắt gặp đôi chuyện kể Khơ me Nam Bộ được giới thiệu một cách tình cờ, tùy tiện. [69, tr.3] Nhận định nêu trên là một trong những cơ sở quan trọng để đối chiếu và tham khảo khi nghiên cứu Văn học dân gian Khmer Nam Bộ. Ở miền Bắc, từ sau 1945, chiến tranh xảy ra liên tục, việc sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi có trích dẫn ở dạng dị bản một số truyện của người Khmer để làm cơ sở so sánh cho các truyện của người Việt. Tuy nhiên phần lớn những tác phẩm đó có nguồn gốc từ truyện của người Khmer ở Campuchia nhiều hơn là người Khmer Nam Bộ. Tư liệu về truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ trước năm 1975 chủ yếu có được từ nguồn sách vở của các nhà nghiên cứu người Pháp. Theo tác giả Trường Lưu [48], những tên tuổi như Barrault, Francois Martine, Louis Malleret, Georges Máspero ... và các tạp chí France- Asia, Extrême-Asia ...đã có nhiều bài báo viết về văn hoá người Khmer. Tuy nhiên các tài liệu nêu trên thường không phân biệt giữa người Khmer ở Campuchia và ở Nam Bộ. Ông còn viết: ... trong vòng chiếm đóng của Mỹ ở Sài Gòn, một số nhà nghiên cứu - chủ yếu là Lê Hương - mới có những công trình biên soạn về người Khmer ở ĐBSCL, chủ yếu là thiên về lịch sử (Sử Liệu Phù Nam, Sử Cao Miên, Người Việt gốc Miên ...). Nhưng lịch sử hình thành người Khmer ở ĐBSCL chỉ mới ở dạng suy luận và phỏng đoán trên cơ sở tư liệu chưa được xử lí một cách nghiêm túc lắm nên các tác giả
- thường lúng túng hoặc khiên cưỡng khi lách sâu ngòi bút vào những khía cạnh cần sâu sắc mới xác định được vấn đề nêu ra [48, tr.8]. Nhận định trên cho thấy một thực tế trong việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian Khmer Nam Bộ trước năm 1975 chưa chú trọng vào việc nghiên cứu văn học dân gian mà nặng về văn hóa lịch sử. Sau khi đất nước thống nhất, công tác sưu tầm và tập hợp các nguồn truyện dân gian mới thực sự phát triển. Ở Nam Bộ, phần lớn công việc vẫn nhờ vào đội ngũ giảng viên và sinh viên các trường đại học ở Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy văn học dân gian Khmer nói chung và truyện cười nói riêng, chưa được sự chú ý của nhiều tác giả. Điều đó có nhiều nguyên nhân. Trước hết có thể thấy rõ là có một số công trình sưu tầm ở dạng tổng hợp các thể loại và khi biên soạn thì thiếu dụng công về việc phân loại. Năm 1985, nhà văn Anh Động [20] sưu tầm và giới thiệu 08 truyện dân gian Khmer, trong đó có 02 truyện cười nhưng không phân loại riêng mà sắp xếp lẫn chung với truyền thuyết, thần thoại. Trong cuốn sách vừa nêu trên của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, có 4/43 tác phẩm thuộc thể loại truyện cười cũng không được tác giả tách riêng. Bên cạnh đó, một số công trình có khuynh hướng không phân chia thể loại truyện cười mà gom chung vào bộ phận “truyện dân gian”. Dễ nhận thấy là cuốn Văn học dân gian Đồng bằng Sông Cửu Long [41] do Khoa Ngữ văn trường Đại học Cần Thơ biên soạn năm 1997. Một thực trạng khác của việc sưu tầm các truyện cười dân gian Khmer là các công trình này thường để lẫn cùng với truyện cười của dân tộc Việt. Điều này thể hiện trong nhiều công trình có quy mô lớn như: Văn học dân gian Sóc Trăng [15] và Văn học dân gian Bạc Liêu [14] do Chu Xuân Diên chủ biên. Trong hai công trình này, phần truyện cười của người Khmer không được tách riêng. Tình trạng trên không rõ do mục đích người biên soạn hay là do điều kiện sưu tầm điền dã. Vì vậy, một thực tế không thể phủ nhận là: truyện cười dân gian của người Khmer ở Nam Bộ chưa được quan tâm, nghiên cứu với tư cách là một đối tượng riêng biệt. Hiện trạng này cũng xảy ra đối với những công trình cấp nhà nước. Năm 2002, Viện Văn học cho ra mắt Tổng tập Văn học Các Dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tập 2 [91] do tác giả Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, trong đó không có phần truyện cười của người Khmer Nam Bộ dù truyện cười của của các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn – Khmer thì được chọn vào. Ngay cả những
- tuyển tập văn học dân gian khác về truyện cười, nếu có được chọn lựa thì truyện dân gian của người Khmer cũng chỉ đưa ra nhóm truyện trạng Thơ Mênh Chây (sic). Đi sâu vào các công trình chuyên về thể loại truyện cười, năm 1981, tác giả Châu Ôn trong bài viết Một vài thể loại văn học dân gian đồng bằng Sông Cửu Long đã có nhận xét: Truyện cười không chỉ hấp dẫn đối với bà con Khmer mà bao giờ nó cũng tạo niềm thích thú kéo dài và thường xuyên đối với người nông dân của mọi dân tộc trên trái đất. Truyện cười của người Khmer gây được tiếng cười hóm hỉnh, sảng khoái, khi thì châm biếm thói hư tật xấu ở đời, khi thì nhằm đả kích bọn quan lại, nhà giàu về thói đạo đức giả. Truyện cười Khmer là một trong những thể loại truyện phong phú nhất; nhưng tập trung, tiêu biểu về hàng loạt truyện móc xích nhau của một nhân vật như Thnênh Cheay (tương tự nhân vật Trạng Quỳnh của người Việt). Bằng sự thông minh, hóm hỉnh, Thnênh Cheay làm cho bọn quan lại, nhà giàu đau đầu và đem đến cho dân chúng những nụ cười thoải mái. Ngoài ra, còn có truyện về nhân vật A Lev (tương tự nhân vật Cuội của người Việt) cũng thuộc loại này. Truyện cười đã phản ánh được cuộc đấu tranh một cách mạnh mẽ và cũng biểu hiện được trí thông minh và óc tưởng tượng phong phú của nhân dân. [88, tr.180-181] Năm 2006, trong luận văn thạc sĩ Khảo sát nguồn truyện dân gian Khmer Nam Bộ [77], tác giả đã giành một phần để nói về truyện cười, nhưng chỉ dừng lại ở những khái niệm và phân loại mà chưa nêu được đặc điểm thi pháp thể loại. Gần đây nhất, năm 2007, tác giả Phạm Tiết Khánh đã bước đầu phân loại và có sự đánh giá sơ bộ về giá trị của các thể loại văn học dân gian của người Khmer ở Nam Bộ, trong đó có truyện cười. Trong một bài viết, ông cho rằng: Bộ phận đặc biệt nhất trong dòng tự sự dân gian của người Khmer Nam Bộ là mảng truyện cười. Hầu hết truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ xoay quanh bộ ba truyện À Lêu, Thơ Mênh Chây (là truyện thơ mà tên nhân vật chính cũng là tên truyện) và Chấc Sờ Mốc […]. Ngoài ba chuỗi truyện trên, trong kho tàng truyện khôi hài của người Khmer Nam Bộ còn có những câu chuyện độc lập, tản mạn nhưng cũng không kém phần dí dỏm. [39] Nhận định như vậy chưa phải đã đúng và đủ (vì tác giả cho rằng Thơ Mênh Chây là truyện thơ) nhưng dù sao đây vẫn là một trong số ít bài viết bàn về thể loại truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ. Như vậy, có thể thấy vấn đề tìm hiểu truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ cho đến nay đang dừng lại ở hai mức độ: thứ nhất, sưu tầm biên soạn; và thứ hai, nghiên cứu bước đầu ở
- mức độ khái niệm và một vài đặc điểm sơ lược. Trong phần sưu tầm, biên soạn, những người đi trước chưa dành riêng cho truyện cười một hệ thống nên thể loại này hoặc là để cùng với các thể loại khác của văn học dân gian Khmer (như công trình của Huỳnh Ngọc Trảng và Anh Động) hoặc có phân loại nhưng đặt nó chung với truyện cười người Việt (tiêu biểu là các công trình của Chu Xuân Diên). Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về văn hoá dân gian của người Khmer ở Nam Bộ, những tác giả đi trước thường tập trung vào ba phương diện: Thứ nhất là mô tả, phân tích kĩ lưỡng các bình diện thuộc văn hoá vật thể và phi vật thể để làm rõ nét bản sắc của người Khmer trong cộng đồng các dân tộc ở vùng Nam Bộ. Điều này thể hiện khá rõ trong các báo cáo ở “Hội nghị về Văn hoá, văn nghệ tuyền thống của người Khmer tại đồng bằng Sông Cửu Long” tổ chức tại Hậu Giang năm 1981. Song song đó trong nhiều công trình nghiên cứu khác của nhiều tác giả, đây đó cũng đã đề cập đến các vấn đề thuộc về nguồn gốc và bản sắc của người Khmer ở Nam Bộ. Hướng nghiên cứu thứ hai được nhiều nhà khoa học chú ý khi tiếp cận với văn hóa dân gian của người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và Nam Bộ nói chung là sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer với các tộc người khác trong quá trình cộng cư. Điều này đã tạo cho người Khmer ở Nam Bộ một nét bản sắc riêng khác với người Khmer bản địa ở Campuchia. Vì vậy công tác quản lí về mặt nhà nước đối với những thay đổi văn hoá này là cần phải làm như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng dân tộc Khmer trong thời kì mới. Điều này thể hiện rõ trong hội thảo khoa học với chủ đề xây đựng đời sống văn hoá của người Khmer trong khuôn khổ những ngày hội văn hoá dân tộc Khmer Nam Bộ tại thủ đô Hà Nội năm 2003. Hướng nghiên cứu thứ ba thường nằm trong các công trình viết về một khía cạnh nào đó của văn hoá Nam Bộ. Trong đó, các tác giả đã tiến hành phân tích vấn đề đó ở tất cả các dân tộc vùng Nam Bộ hay một địa phương. Chẳng hạn công trình Vấn đề dân tộc ở Đồng bằng Sông Cửu Long [21] in năm 1991. Hay gần đây, công trình Tín ngưỡng dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh [85] đã thực hiện theo hướng này. Ở tác phẩm này, các tác giả chỉ đi sâu vào vấn đề tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có người Khmer. Các công trình có tính chuyên sâu như vậy không trực tiếp liên qua đến đề tài nhưng là một trong những cơ sở đáng tin cậy để đồi chiếu, tham khảo khi lí giải nội dung của luận văn. Từ đó có thể nói, qua một số công trình, tác phẩm bàn về văn hóa dân gian tộc người Khmer nói chung và thể loại truyện cười dân gian nói chung, vấn đề đã được bóc tách ở hai cấp
- độ: Thứ nhất là đặc điểm riêng của tộc người Khmer và quá trình cộng cư đã tạo ra sự giao lưu trong những sản phẩm văn hóa dân gian, mà văn học dân gian là một phương diện cụ thể. Thứ hai, công việc sưu tầm và nghiên cứu về văn học dân gian của tộc người Khmer nói chung và thể loại truyện cười nói riêng bước đầu có nhiều thành tựu nhưng còn thiếu dụng công đầu tư vào chiều sâu nâng lên thành lí thuyết. Do đó, một cái nhìn thấu đáo và hệ thống đối với thể loại này là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là việc lý giải cội nguồn tạo nên những giá trị đặc trưng của tộc người Khmer biểu hiện trong thể loại truyện cười và đặc biệt là tìm hiểu những diễn hoá của nó trong đời sống hằng ngày của xã hội đương đại, sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm đặc điểm loại hình truyện cười Khmer. Để làm được việc này đòi hỏi phải có một cái nhìn hệ thống từ những gì đã được công bố kết hợp với việc khảo sát nguồn truyện dân gian hiện đang tồn tại, đặt trong bối cảnh văn hoá của dân tộc Khmer. Từ đó mới có thể đúc kết thành những quy luật vận động của một loại hình văn hoá dân gian cụ thể. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Từ cơ sở lịch sử vấn đề, đề tài Giá trị văn hóa thực tiễn trong truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ có mục đích sẽ hệ thống hoá nguồn truyện cười dân gian Khmer và xác định những giá trị văn hoá đã trở thành quy luật nội tại thúc đẩy sự vận động và phát triển của thể loại này. Qua đó góp phần làm rõ tính tất yếu của quá trình giao lưu văn hóa cũng như nét đặc trưng còn giữ lại, không thể hòa lẫn của từng tộc người. Do vậy, luận văn này phải đạt ba nhiệm vụ cơ bản: Một là, tổng hợp nguồn truyện cười dân gian Khmer hiện đã được công bố bằng văn bản. Bên cạnh đó, việc tiến hành điền dã, sưu tầm từ thực tế ở một số địa phương cũng là điều bắt buộc để có cơ sở đối chiếu, so sánh. Hai là, tiến hành phân tích, đánh giá toàn bộ tư liệu có được để tìm ra đặc điểm cơ bản nhất của truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ về mặt thể loại cũng như những nét độc đáo của nó đặt trong bối cảnh văn hóa và môi trường sống. Ba là, khảo sát diễn hóa của loại hình này trong đời sống thực tiễn để tìm hiểu tác động qua lại giữa nó với hoạt động tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Từ đó có thể hiểu thêm những tương đồng, dị biệt của loại hình này trong hệ thống thể loại truyện cười của dân tộc. Như vậy có thể nói mục tiêu của luận văn hướng tới không chỉ là các biểu hiện về hình thức của loại hình mà còn tập trung chú ý đời sống đích thực của truyện cười trong mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần của người Khmer Nam Bộ.
- 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Truyện cười là thể loại có ranh giới dễ hòa lẫn với thể loại truyện cổ tích sinh hoạt, truyện ngụ ngôn. Do đó, để tạo sự nhất quán về mặt khoa học, chúng tôi xác định đối tượng chính của luận văn này là: Những sáng tác tự sự dân gian của tộc người Khmer ở Nam Bộ mang đặc điểm của thể loại truyện cười dân gian. Do đó việc khảo sát hình thức truyền miệng trong đời sống hiện tồn lẫn những sáng tác đã được công bố sẽ giúp cho việc thẩm định khoa học hơn. Phạm vi của văn hoá được bàn đến trong đề tài này chủ yếu là môi trường văn hoá và những lĩnh vực hoạt động tin thần của người Khmer Nam Bộ có sự tác động nhất định đến thể loại truyện cười. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Người Khmer có mặt hầu hết ở 20 tỉnh thành phố Nam Bộ nhưng đông nhất là ở 05 tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu). Mỗi tỉnh này đều có trên 5 vạn dân Khmer, nhiều nhất là Sóc Trăng (hơn 400.000 người). Do đó phạm vi khảo sát thực tế khi sưu tầm, điền dã chúng tôi chỉ giới hạn ở các tỉnh thành Tây Nam Bộ nêu trên. Vì nguồn tư liệu khi nghiên cứu văn học của người Khmer ở Nam Bộ có biên độ rất rộng và đa dạng, có liên quan đến khối cộng đồng người Khmer nói chung, nên lẽ ra trong mức độ nào đó luận văn phải so sánh đối chiếu với với nguồn truyện, bối cảnh văn hóa và các lĩnh vực hoạt động tinh thần của người Khmer bản địa ở Campuchia để tìm những nét độc đáo riêng của tộc người này ở Nam Bộ. Tuy nhiên trong phạm vi luận văn thạc sĩ ngành văn học dân gian, chúng tôi xin chọn những tư liệu văn học dân gian và dân tộc học về người Khmer được viết và xuất bản bằng tiếng Việt ở Việt Nam. 5. Phương pháp nghiên cứu Xuất phát từ đặc điểm của đối tượng nghiên cứu (là một loại hình văn học dân gian nằm trong tổng thể văn hóa dân gian có gắn yếu tố tộc người trong một vùng văn hóa nhất định) và mục đích đạt đến của đề tài (làm rõ các giá trị của thể loại dưới góc độ văn hóa), chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp phân tích theo lối tiếp cận hệ thống: Bản thân văn học dân gian là một thực thể gồm nhiều thành tố phức tạp, khi đặt trong tổng thể văn hóa dân gian thì văn học dân gian là một thành tố. Do vậy lối tiếp cận nhiều hệ thống sẽ giúp cho việc nhìn nhận vị trí của thể loại
- truyện cười người Khmer trong hệ thống thể loại truyện cười Việt Nam, cũng như trong hệ thống thể loại văn học dân gian Khmer Nam Bộ; đồng thời cũng xác nhận giá trị của thể loại ấy trong văn hóa dân gian của người Khmer. Phương pháp dân tộc học: Theo tác giả Dan Ben-Amos, trong bài viết Truyện dân gian thì “đây là phương pháp có chức năng mở rộng mục đích của việc mô tả có hệ thống đối với câu chuyện sang việc kể nó, bằng cách khai thác sự tường thuật trong xã hội và trong văn hóa” [65, tr.340]. Nghĩa là những người nghiên cứu sẽ đặt truyện dân gian vào trong bối cảnh sống thực tế của nó, theo dõi và miêu tả cách nó được thể hiện như thế nào và từ đó rút ra những quy luật tồn tại và biến đổi của tác phẩm. Cũng theo tác giả trên, khi sử dụng phương pháp dân tộc học, chúng tôi sẽ chú trọng đến các yếu tố: người kể chuyện, sự diễn xướng và bối cảnh (chữ dùng của Dan Ben-Amos). Mục đích của phương pháp dân tộc học là mô tả, thiết lập được những diễn hoá của truyện cười trong một cộng đồng xã hội nhất định và đời sống cụ thể của nó. Nói cách khác, lối tiếp cận này đi sâu vào không gian thẩm mĩ của nó. Tuy vậy, phương pháp dân tộc học không phải là con đường chính để tìm hiểu và kiến giải ý nghĩa của truyện cười dân gian. Bởi vì, theo tác giả Chu Xuân Diên, hiện nay ở nước ta có tình hình người nghiên cứu văn học dân gian dễ bị hấp dẫn bởi những tài liệu dân tộc học, và nếu quá chú ý đến khía cạnh này sẽ dẫn đến khuynh hướng lãng quên bản chất nghệ thuật của văn học dân gian hoặc là tách rời sự phân tích văn học với sự phân tích dân tộc học về các sự kiện văn học dân gian. Trong bài “Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian”, ông viết: Theo chúng tôi, dù văn học dân gian có quan hệ hữu cơ như thế nào với văn hóa dân gian thì vẫn không thể đem hòa tan bản chất nghệ thuật của nó vào các yếu tố văn hóa dân gian khác được. Tìm hiểu quy luật phát triển của văn học dân gian có lẽ cần phải chú ý đến một quá trình ngược lại mới đúng. Đó là quá trình các yếu tố dân gian đã biến dạng như thế nào thành các yếu tố nghệ thuật trong văn học dân gian. [84, tr.255] Do đó, chúng tôi phải bám sát các phương pháp nghiên cứu văn học để tìm ra những quy luật tồn tại của thể loại trước rồi mới vận dụng các phương pháp khác để hỗ trợ thêm. Trong các phương pháp nghiên cứu văn học, chúng tôi có chú ý sử dụng phương pháp so sánh - loại hình, nghĩa là so sánh đặc điểm thi pháp của thể loại truyện cười dân gian Khmer với đặc điểm thể loại nói chung để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt. Từ cái dị biệt ấy mới vận dụng các phương pháp bổ trợ lí giải giá trị của thể loại.
- Phương pháp khảo sát, điều tra, xã hội học: Đây là phương pháp thường ứng dụng cho các ngành khoa học xã hội, nghĩa là chú trọng tới những yếu tố thống kê, phân tích các giá trị dựa trên những tỉ lệ điều tra thực tế. Luận văn này vận dụng phương pháp khảo sát, điều tra ở mức độ thu thập thông tin, sưu tầm những tư liệu hiện tồn trong đời sống. Phỏng vấn và trao đổi những thông tin để làm rõ bối cảnh mà một truyện cười diễn ra. Từ đó làm cơ sở cho việc đánh giá và hệ thống nguồn tư liệu. 6. Đóng góp mới của luận văn Về mặt khoa học: luận văn sẽ hệ thống hóa và phân tích đặc điểm của một thể loại văn học dân gian ở một vùng văn hóa cụ thể nhằm làm sáng tỏ được những giá trị của thể loại ấy trong tổng thể hệ thống văn học dân gian Khmer và trong đời sống văn hóa của tộc người Khmer ở Nam Bộ. Trong đó, điều quan trọng là tìm hiểu những biểu hiện và tác dụng thực tiễn của truyện cười trong môi trường văn hoá đã sản sinh ra nó. Về mặt thực tiễn: góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của mỗi dân tộc anh em tiến đến phát huy nền văn hóa Việt Nam là một mục tiêu lớn của Đảng và nhà nước ta hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và một hệ quả dễ nhận thấy là có làm rõ được những giá trị của một loại văn hóa nào đó thì mới có thể hiểu và trân trọng những giá trị mà nền văn hóa đó tạo ra. Do đó, có làm rõ được giá trị của một thể loại văn học thì mới góp phần làm phong phú và đa dạng hơn những đặc điểm văn hóa của một vùng. Ngoài ra, thực tế còn cho thấy, vấn đề tôn giáo và dân tộc ở Nam Bộ chỉ có thể giải quyết đúng dựa trên sự hiểu biết toàn diện và hệ thống về nó. Cho nên, nếu luận văn có một phần ý tưởng nào đó có khả năng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nền văn hoá dân gian của người Khmer Nam Bộ thì cũng có nghĩa là sự đóng góp của tác giả cũng có giá trị về mặt thực tiễn. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, phần phụ lục, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Bối cảnh văn hóa của truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ và vấn đề thể loại. Chương 2: Tình hình nguồn tư liệu và vấn đề sưu tầm, khảo cứu tư liệu. Chương 3: Truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ dưới góc độ văn hoá.
- Chương 1: BỐI CẢNH VĂN HÓA CỦA TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN KHMER NAM BỘ VÀ VẤN ĐỀ THỂ LOẠI 1.1. Không gian văn hóa của truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ 1.1.1. Đặc điểm văn hóa của người Khmer Nam Bộ Nói về đặc điểm văn hoá của người Khmer Nam Bộ sẽ là một vấn đề lớn và đòi hỏi sự nghiên cứu liên ngành của nhiều lĩnh vực. Trong phạm vi đề tài Giá trị văn hoá thực tiễn trong truyện cười dân gian Khmer Nam Bộ, chúng tôi chỉ khái quát một số nét văn hoá có giá trị tác động đến thể loại truyện dân gian nói chung và truyện cười dân gian nói riêng. Những yếu tố đó có thể kể đến là: tộc người, điều kiện địa lí-cư trú, kinh tế, tín ngưỡng, phong tục. Trước hết về mặt tộc người, theo nhiều tài liệu dân tộc học và khảo cổ học, đến nay có thể khẳng định: tộc người Khmer Nam Bộ thuộc dòng ngôn ngữ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn- Khmer. Thuộc cùng nhóm ngôn ngữ này còn có 24 tộc người khác, phân trên các vùng núi thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu trải dài đến dãy Trường sơn và vào tận miền Đông Nam Bộ. Tác giả Đặng Nghiêm Vạn có căn cứ vào cuộc tổng điều tra dân số năm 1999 cho biết: Tộc người Khmer, hiện nay có dân số là 1.055.174 người, chiếm 8% dân số trong vùng. Họ chủ yếu sinh sống ở miền Đông Nam Bộ, miền đồng bằng Sông Cửu Long, xen lẫn người Việt, người Hán, người Chăm… Tộc danh được các tộc người khác đặt cho là Thổ hay tự gọi là Khơme Krôm (K. ở thấp), để phân biệt với người đồng tộc ở bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia là Khơme Lơ (K. ở cao) và Khơme Kandal (K. ở giữa). [78, tr.255-256] Ngoài ra, người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long còn được gọi bằng nhiều tên khác như Miên, Việt gốc Miên, Cur, Cul, …Cũng theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số trên, người Khmer có dân số đứng hàng thứ 5 trên tổng số 54 dân tộc sống trên nước ta. Trong đó tỉ lệ phân bố dân cư cao nhất là ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long (Sóc Trăng: 338.269, Trà Vinh: 290.932, Kiên Giang:182.058, An Giang: 78.000, Bạc Liêu: 58.132, Cần Thơ: 35.284, Cà Mau: 20.822). Về địa bàn cư trú, theo nhiều tài liệu, người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long cư trú theo rải rác trên nhiều tỉnh thành và tập trung thành ba cụm chính. Tác giả Đinh Văn Liên trong bài viết Văn hoá Khmer trong quá trình giao lưu và phát triển ở đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng:
- …Người Khmer cư trú rải rác hầu khắp 9 tỉnh đồng bằng nhưng quy tụ vào 3 vùng trọng điểm, mỗi vùng có sắc thái riêng qui định bởi điều kiện thiên nhiên, truyền thống lịch sử và quá trình cộng cư hoà hợp với các dân tộc anh em Việt, Hoa, Chăm. Tuy nhiên, sự thống nhất vẫn là yếu tố chủ đạo trong văn hoá của đồng bào Khmer ở toàn vùng đồng bằng: 1.Vùng Trà Vinh-Trà Cú là một trong những vùng cư trú cổ xưa nhất của người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long (…). 2. Vùng ven biển Sóc Trăng – Bạc Liêu là vùng cư trú ven biển của người Khmer, nổi bật lên yếu tố hoà hợp văn hoá – nhân chủng giữa ba dân tộc Việt, Hoa, Khmer. 3. Vùng biên giới Châu Đốc, Tri Tôn, Hà Tiên, Rạch Giá là vùng mang tính cách trung gian giữa người Khmer đồng bằng Sông Cửu Long và người Khmer Kampuchea. [88, tr.58-59] Tác giả cũng thừa nhận rằng người Khmer ở vùng Châu Đốc - Rạch Giá có tiếp thu những yếu tố Kampuchea truyền vào cộng với điều kiện cư trú nằm giữa dãy thất sơn và vùng tứ giác Long Xuyên, nên những cách ứng xử mang sắc thái tương đối khác so với đồng bào Khmer vùng đồng bằng Trà Vinh-Cửu Long và vùng ven biển Sóc Trăng-Bạc Liêu. Tác giả Nguyễn Sĩ Tuấn viết trong bài “Một vài nét khác biệt giữa văn hoá Khmer Nam Bộ và văn hóa Khmer Campuchia” lại quan niệm có khác: …địa bàn cư trú của người Khmer Nam Bộ cũng có thể chia thành các tiểu khu vực với những hệ sinh thái đặc thù. Khu vực cao thuộc vùng Châu Đốc, Tri Tôn, Bảy Núi (thuộc An Giang). Khu vực chuyển tiếp: Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, một phần An Giang. Khu vực thấp gồm Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc liêu, Cà Mau cư trú theo ven biển … Trong đó khu vực cao có nhiều nét tương đồng với Khmer Campuchia hơn, còn khu vực thấp mang tính giao thoa đậm nét với văn hóa Việt, Hoa hơn. [57, tr.717] Như vậy có hai khuynh hướng phân chia về mặt địa bàn cư trú của tộc người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, vấn đề phân chia vùng Trà Vinh là ven biển hay thuộc đồng bằng là chưa thống nhất. Còn gọi Cần Thơ, Vĩnh long và Kiên Giang và một phần An Giang là khu vực chuyển tiếp thì cũng chưa ổn bởi tính chất giáp biên giới của Kiên Giang rất gần với Vùng Tri Tôn của An Giang. Do vậy để tạo tính thống nhất, chúng tôi chọn cách phân chia của Đinh Văn Liên nhưng gom thành hai khu vực: khu giáp biên giới ( một số huyện thuộc
- An Giang, Kiên Giang) và khu đồng bằng ven biển (các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu). Đây cũng là cơ sở trong việc đi sưu tầm, điền dã tư liệu. Theo nhiều nhà nghiên cứu, người Khmer ở Nam Bộ, đặc biệt là ở đồng bằng Sông Cửu Long có đặc điểm cư trú theo 4 hình thức: Cư trú trên đất giồng; Cư trú trên đất ruộng; Cư trú theo kênh mương và các con rạch nhỏ; và Cư trú theo trục lộ giao thông. Mỗi hình thức cư trú ít nhiều cũng có tác động đến các yếu tố kinh tế và văn hóa, làm cho các quan niệm về một số giá trị cũng khác nhau. So với người Khmer ở Campuchia, điều kiện sống của người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long có những nét khác biệt. Cũng là xã hội nông nghiệp lúa nước nhưng người Khmer thường tập hợp nhau lại thành những tập thể láng giếng nhỏ, bám sát đất trồng trọt và gọi là “phum” và cao hơn phum là “srok” (còn gọi trại ra thành Sóc). Phum srok không hoàn toàn tương đương với đơn vị hành chính, nên dù có sự thay đổi thể chế chính trị, người Khmer vẫn giữ được tổ chức xã hội theo kiểu của mình. Điều này không tìm thấy ở Campuchia. Theo giáo sư Sôm Som Un trong Lịch sử Kampuchea thì …Ở Kampuchea không có dạng phum như vậy, người ta cất nhà ở rải rác khắp nơi. Nếu nơi nào có dạng phum như trên, ấy chính là do người Khmer gốc từ đồng bằng Sông Cửu Long lên làm ăn sinh sống và lập ra và dù cho ở đến bao nhiêu đời đi nữa thì họ vẫn giữ nề nếp tổ chức phum như thế. [88, tr.22] Do đó, nền văn hoá của người Khmer sống ở hai quốc gia khác nhau đã có những bước phát triển khác và cũng từ đó tạo nên sắc thái riêng cho cư dân Khmer sống ở vùng đất mới. “Đó là một nền văn hoá ít bảo thủ hơn, trình độ dân trí, xã hội, nhân văn tiến triển ở nhiều mức khác hơn” [88, tr.55]. Người Khmer ở Nam Bộ có một tâm lý và cá tính dễ hòa đồng, dân dã, linh hoạt và gần gũi do nhiều yếu tố tự nhiên lẫn xã hội tác động. “Điều này khác với tính hướng thượng, tính chặt chẽ, tính đẳng cấp của xã hội Khmer truyền thống ở Campuchia” [57, tr.717] Nhiều người cho rằng, khi nói đến văn hoá Khmer tức là nói đến nền văn hoá chịu ảnh ảnh hưởng sâu đậm của triết lí Phật giáo tiểu thừa. Điều này không sai nhưng rất nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng: Sự phổ biến của Phật giáo Tiểu thừa trong đời sống tinh thần của người dân Khmer chính là sự thắng thế của Phật giáo đối với đạo Bà La Môn. Nói thắng thế không có nghĩa là thay thế, vì trong tâm thức của người Khmer vẫn còn một số dấu ấn của Bà la môn giáo, nhất là trong một số lễ hội, phong tục.
- Như trên đã nói, nền văn hóa Ấn cung cấp nguồn để tài cho văn hóa nghệ thuật Khmer. Những yếu tố văn hóa Ấn đặc biệt quan trọng trong các loại hình nghệ thuật Khmer là: Bà-la-môn, mà tín ngưỡng Civa là cơ sở tôn giáo; sử thi Ramayana và Mahabharata cung cấp đề tài, ca ngợi đức tính của giai cấp thống trị và thể thức múa Ấn … [88, tr.73] Vì thế khi tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến văn hóa dân tộc Khmer, phải thừa nhận Phật giáo tiểu thừa có tác động sâu sắc đến tất cả những lệ tục trong cuộc đời mỗi con người Khmer, nhưng cũng nên lưu ý cuội nguồn sâu xa của tín ngưỡng tôn giáo Bà La Môn trong tâm thức và quan niệm về cuộc sống của họ. Thế nên, cho dù Phật giáo Tiểu thừa đã trở thành một “môi trường sống” cho bất cứ người Khmer nào nhưng những triết lí về nhân sinh, những tín ngưỡng dân gian vẫn còn in đậm tư tưởng của Ấn Độ giáo. Các khái niệm thần “Neak tà”, “Mahaprum”, quỷ “Reahu”, chim “Krut”, tiên thần “Krây-no” đều có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo. Lấy một ví dụ: Cùng theo đạo Phật nhưng những người theo tu theo trường phái Đại thừa (người Kinh ở Việt Nam, người Hán ở Trung Quốc) thì quan niệm người chết là phải xuống âm phủ, đầu thai kiếp khác; chết là kết thúc một vòng đời để tiếp tục tái sinh ở một kiếp khác. Lý thuyết “luân hồi”, “nghiệp báo” là một trong những điều mà các tín đồ Phật giáo đại thừa vẫn thường nhắc nhở nhau. Ngược lại, người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa lại cho rằng: “linh hồn của người là linh hồn cá thể được sinh ra từ linh hồn vũ trụ (Brama) nên khi chết phải quay về với vũ trụ. Chính vì vậy nên thân xác cần được hỏa thiêu để tiêu trừ tội lỗi, phần thân xác trần tục tiêu tan càng nhanh thì linh hồn càng mau chóng trở về với vũ trụ” [57, tr.682-683]. Tín ngưỡng đậm chất Ấn Độ với các khái niệm Bản ngã (Brama) và Tiểu ngã (Atman) chìm sâu dưới tinh thần Phật giáo đã làm cho đời sống tâm thức của người Khmer Nam Bộ có những nét độc đáo riêng so với người Việt và người Hoa theo Phật giáo Bắc tông. Ngoài ra một trong những đặc điểm về văn hoá của người Khmer đáng lưu ý nữa là khuynh hướng biểu diễn và nghệ thuật tạo hình. Các điệu múa của người Khmer rất đa dạng và phổ biến. Hầu như người Khmer nào cũng biết múa một vài điệu. Về kiến trúc và điêu khắc, nghệ thuật tạo hình của những nghệ nhân Khmer mang một đặc điểm hoàn toàn độc đáo so với người Việt và người Hoa, đặc biệt là trong các ngôi chùa. Nói một cách khái quát, toàn bộ đặc điểm văn hoá của một tộc người không thể tóm lược trong một vài trang giấy. Nhưng qua một vài đặc điểm văn hoá cũng có thể thấy được nét đặc trưng cơ bản của tộc người Khmer Nam Bộ. Những đặc trưng này có tác dụng sâu rộng đến mọi
- lĩnh vực của đời sống, trong đó có nền văn học dân gian. Sau đây xin đi vào khảo sát sự ảnh hưởng của nền văn hoá ấy trong thể loại truyện dân gian nói chung và truyện cười nói riêng. 1.1.2. Ảnh hưởng của văn hóa Khmer trong các loại hình tự sự dân gian và truyện cười Khmer Nam Bộ. Trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây, vấn đề ảnh hưởng của văn hóa trong loại hình truyện dân gian Khmer Nam Bộ đã được một số tác giả nhắc đến. Theo tác giả Châu Ôn trong bài viết “Một vài thể loại văn học dân gian Khmer” thì các thể loại văn xuôi của văn học dân gian Khmer có sự ảnh hưởng rất lớn nét văn hóa đậm chất Phật giáo tiểu thừa và tín ngưỡng dân gian, từ thể loại “rương Prêng” (cổ tích) và “rương Bŏran” (thần thoại) cho tới rương “katêlok” (ngụ ngôn). Trong đó, rương Prêng là thể loại bao giờ cũng phong phú về số lượng và giàu về đề tài nhưng nhìn chung có hai khối lớn: truyện nói về đạo Phật, đạo Bà La Môn và truyện phản ánh thế sự gắn liền với quá trình sinh sống của tộc người. Có thể nói rằng “mỗi một biểu tượng ở chùa, mỗi lễ tiết hàng năm của người Khmer đều chứa đựng một sự tích thần kì có tác động sâu xa đến tinh thần của dân chúng” [88, tr.176]. Sự tích lễ Châul Chhnam Thmei là câu chuyện gắn liền với chiến thắng của chàng trai trẻ Thmabal đối với vị thần Maha Prum, đại diện cho lực lượng siêu nhiên vĩnh cữu theo quan niệm của Bà La Môn giáo; hay bức phù điêu Reahu nuốt mặt trăng được trang trí ở trên cổng/tường của mỗi ngôi chùa Khmer đều liên quan đến sự tích về sự có mặt của đạo Phật và giải thích các hiện tượng tự nhiên có nguồn gốc từ tín ngưỡng cổ xưa (bão tố, mưa giông). Điều mà người dân vùng đồng bằng luôn phải đối mặt khi khai khẩn một vùng đất mới. Do đó, người ta vừa căm giận nhưng cũng thờ phụng. Cũng theo tác giả Châu Ôn, đáng chú ý nhất là một khối lượng lớn loại truyện ngụ ngôn, truyện nói về thú vật và truyện cười. Bởi vì: Truyện ngụ ngôn phát triển cũng dễ hiểu vì Phật giáo có nguyên tắc truyền thống là dùng lối kể truyện cổ theo phương pháp ẩn dụ để giảng đạo, thay cho lối giảng nguyên lí khô khan, tức là dùng hình tượng văn học cụ thể thay cho khái niệm triết lí trừu tượng, vừa hấp dẫn vừa phù hợp với đồi tượng cần truyền đạt là người bình dân.[88, tr.180] Trong truyện ngụ ngôn, hình tượng con thỏ, voi và khỉ thường được xây dựng là những con vật đáng yêu, thông minh. Bởi vì người Khmer cho rằng con thỏ từng là một kiếp hóa thân của đức Phật; con voi và con khỉ từng cứu Phật. Thỏ là con vật thông minh, hào hiệp và có khả năng hòa giải nhiều mối xung đột; là biểu tượng của trí thông minh, lòng vị tha, công lý và chính nghĩa.
- Tác giả Phạm Tiết Khánh thì tìm thấy trong các truyện thần thoại Khmer Nam Bộ ít nhiều chịu ảnh hưởng của thần thoại Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á ở tư duy chất phác, hồn nhiên và lãng mạn. Trong đó có sự ảnh hưởng của quan niệm Phật giáo trong một số chi tiết, tạo nên sự “biến tướng” [39, tr30] của thần thoại Khmer Nam Bộ. Truyền thuyết đối với những vùng có lịch sử ngắn như Nam Bộ không phải là thể loại có thế mạnh, nhưng người Khmer vẫn có những truyền thuyết về các đấng “sáng tạo văn hóa và các vị tổ nghề”; trong đó các đấng sáng tạo văn hóa có cốt cách và diện mạo rất bình dị, tự nhiên như con người và thậm chí có cả “chửi thề”. Điều này có lẽ do ảnh hưởng từ đặc trưng về dân tộc ở Nam Bộ. Tiêu biểu cho các truyền thuyết của người Khmer còn có nhóm truyền thuyết về tình đoàn kết giữa ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư trên vùng đất phía Nam này. Sự ảnh hưởng của văn hóa vào trong thể loại truyện dân gian của người Khmer còn thể hiện ở chỗ: những mô típ, típ truyện quen thuộc của các truyện cổ tích thần kì ở các dân tộc khác và các nước trong khu vực cũng có mặt trong truyện cổ tích của người Khmer Nam Bộ nhưng đã được biến đổi theo tín ngưỡng. Chẳng hạn mô típ “dũng sĩ diệt đại bàng cứu người đẹp” đã trở thành mô típ “anh hùng diệt chằn cứu người lành” trong truyện Khmer, “một mô típ chiếm tỉ lệ đáng kể trong truyện dân gian Khmer Nam Bộ”[69, tr.13]. Theo tác giả Huỳnh Ngọc Trảng [48] thì nền văn hoá của người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long, vốn cư trú trên những vùng đất nổi (giồng), đã tạo nên những mô típ về giồng đất nổi, gò nổi trong truyền thuyết, thần thoại. Tóm lại, có thể nói sự ảnh hưởng của văn hoá trong các thể loại truyện dân gian Khmer Nam Bộ thể hiển ở các đặc điểm sau: 1. Nền văn hoá nông nghiệp lúa nước của vùng Nam Bộ vốn có nguồn gốc xa xưa, mang những đặc điểm văn hoá bản địa vùng Đông Nam Á. Người Khmer Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng của nét văn hoá này nên một số mô típ, kiểu truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích mang đặc điểm giống như của người Việt và một số dân tộc khác trong vùng. 2. Người Khmer vốn có tín ngưỡng dân gian riêng, cộng thêm một phần niềm tin từ Ấn Độ giáo và đời sống gắn liền với Phật giáo nên trong nhiều thần thoại và truyền thuyết có những mô típ gắn với yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. 3. Khi đến vùng Nam Bộ, hoà nhập với môi trường mới, trải qua quá trình cộng cư, quá trình giao lưu văn hoá, một số truyền thuyết của người Khmer có thêm một số chi tiết gắn liền với đặc điểm của vùng. Biểu hiện rõ nhất của việc này là các mô típ thần thoại giống nhau giữa
- truyện kể của người Việt và người Khmer. Đặc biệt hơn là sự xuất hiện loại truyền thuyết nói về sự đoàn kết giữa ba dân tộc và điều này cũng góp phần làm cho tính chất của thần thoại và truyền thuyết dân gian Khmer Nam Bộ ít có tính hệ thống như truyện của người Khmer ở Campuchia 1.2. Vấn đề phân loại truyện cười Để có cơ sở đối chiếu các tổ chức kết cấu truyện cười Khmer, chúng tôi xin nêu lên một số quan niệm tiêu biểu về thể loại truyện cười. Tác giả Đỗ Bình Trị trong bài viết “Truyện cười và việc phân tích truyện cười” quan niệm rằng: “Truyện cười là những truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống, trong hành vi của người đời, nhằm gây ra cái cười” [dẫn theo 52, tr.241]. Ông cho rằng đề tài của truyện cười dân gian có 3 loại: những thói xấu thuộc về bản chất của các nhân vật tiêu biểu của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến bộc lộ ra thành những hành vi buồn cười trong sinh hoạt, những thói xấu “thông thường” ở những người bình dân và những hiện tượng buồn cười do hiểu nhầm, lầm lẫn, hớ hênh, bị khuyết tật. Tác giả này cũng thừa nhận có hai loại truyện cười: truyện hài hước và truyện châm biếm. Qua những lí giải của mình, Đỗ Bình Trị đã định nghĩa truyện cười ở góc độ nội dung hiện thực được phản ánh, và cái cười có tính khách quan xuất phát từ nội dung được đề cập. Bên cạnh đó, tác giả không thừa nhận loại truyện kết chuỗi thuộc vào truyện cười dân gian mà ông xếp vào loại truyện cổ tích sinh hoạt, nói về những nhân vật thông minh. Từ điều này cho thấy, ranh giới giữa truyện cười và truyện cổ tích sinh hoạt còn có chỗ khó phân biệt. Một số truyện kể về nhân vật chàng ngốc có yếu tố gây cười dễ dàng được cho là truyện cười, trong khi một số quan niệm cho đó là truyện cổ tích sinh hoạt. Theo tác giả Đinh Gia Khánh, “Truyện cười nói một cách đơn giản là những chuyện làm cho người ta cười. Có thể là cười mỉm, nhưng thường là cười giòn giã. Có thể là cười một cách vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng thường là phẫn nộ và khinh ghét” [35, tr.362]. Ông chia truyện cười ra thành ba loại: truyện khôi hài, truyện trào phúng và truyện tiếu lâm. Truyện khôi hài có mục đích mua vui, tiếng cười ở cấp độ sơ đẳng. Truyện trào phúng có mục đích đấu tranh xã hội và chia thành hai tiểu loại: trào phúng bạn (phê phán trong nội bộ nhân dân, có tính giáo dục) và trào phúng thù (phê phán có tính giai cấp). Truyện tiếu lâm là truyện trào phúng và khôi hài có yếu tố tục. Ngoài ra tác giả còn lí giải cơ chế gây nên tiếng cười trong truyện cười. Theo đó, nguyên nhân gây nên tiếng cười là những mâu thuẫn xuất hiện trong đời sống nhưng không phải mâu
- thuẫn nào cũng tạo nên truyện cười. Những mâu thuẫn rõ ràng mà tư duy logic có thể nhận thấy và bác bỏ được không tạo nên tiếng cười (chẳng hạn có người nói 2 cộng 2 bằng 3 là mâu thuẫn nhưng không đáng cười). Những mâu thuẫn mà tư duy logic không giải thích được cũng không gây ra tiếng cười, mà chỉ gây sự ngạc nhiên (ví dụ có nhà ảo thuật biến con mèo thành con bồ câu trước mắt mọi người cũng không tạo nên tiếng cười). Vậy thì có một loại mâu thuẫn sẽ tạo nên tiếng cười, đó là đứng trước một hiện tượng mà tư duy logic cảm thấy phân vân không chấp nhận mà cũng chưa loại trừ được nhưng rồi sau đó phát hiện ra bản chất của hiện tượng, lúc ấy tiếng cười sẽ bật ra. Và như vậy bản chất của tiếng cười trong truyện cười mang tính lí trí, nó “bật ra do sức mạnh nội tại trong tâm trí của chúng ta, tức là sự phản kháng thắng lợi của tư duy logic đối với những hiện tượng muốn lọt ra khỏi phạm vi giải quyết của nó. Tiếng cười hài hước thể hiện sự thắng lợi của trí tuệ” [35, tr.366]. Cách lí giải và định nghĩa của Đinh Gia Khánh chú trọng vào cơ chế tâm lí của tiếng cười. Các tác giả Lê Chí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ [59] không định nghĩa thể loại truyện cười dân gian mà chỉ nêu ra những đặc điểm của truyện cười, cơ bản có hai đặc điểm chính: Thứ nhất, tiếng cười hài hước được bật ra khi khám phá được một mâu thuẫn và là biểu hiện sự thắng thế về mặt trí tuệ. Thứ hai, mâu thuẫn tạo nên tiếng cười thường là mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng, nội dung bên trong và sự biểu hiện bên ngoài. Tác giả quyển sách cho rằng có hai cấp độ hài hước: giản đơn (ironie) và phức tạp. Trong cấp độ hài hước phức tạp thường mang nội dung xã hội và có hai cấp độ nhỏ hơn là: trào phúng (umour) và đả kích (satir). Từ đó nhóm tác giả nêu trên chia truyện cười thành ba loại: khôi hài (mang nặng tính mua vui), châm biếm (có mục đích khẳng định bản chất của đối tượng), đả kích (có mục đích phủ định bản chất của đối tượng).Bên cạnh đó, các tác giả cũng thừa nhận thể loại truyện trạng và gọi là “truyện cười giai thoại”. Trong quyển Từ điển văn học (bộ mới), ở mục từ “truyện cười dân gian” [25, tr.1842- 1844], tác giả Chu Xuân Diên chia truyện cười thành bốn loại: “Truyện khôi hài” là những chuyện trái tự nhiên, gây phản ứng về mặt tư duy logic chứ chưa phải là phản ứng về mặt đạo đức xã hội; thường tập trung vào những cử chỉ, lời nói, sự hiểu lầm, những khuyết tật sinh lí. “Truyện trào phúng” là chuyện về những thói xấu của con người mà nó đi ngược lại với quan điểm đạo đức xã hội của nhân dân, tập trung vào thói lười biếng, hách dịch, xu nịnh,…. Trong truyện trào phúng lại chia thành hai nhóm truyện nữa là: nhóm truyện miêu tả những
- biểu hiện hài hước của những tính cách xấu phổ biến, nhân vật không mang tính xác định xã hội cụ thể, chỉ tượng trưng cho những tính xấu (anh chàng tham ăn, gã lười biếng, anh khờ…), nhân vật này thường có một tính cách; và nhóm truyện miêu tả những tính cách xấu gắn liền với bản chất của các tầng lớp xã hội cụ thể (quan huyện, thầy đồ, thầy cúng, nhà sư, …), những nhân vật này có nhiều tính cách. Đây là loại truyện tập trung hơn cả quan điểm xã hội của nhân dân trong đấu tranh giai cấp. “Truyện cười hệ thống” là sự tập hợp, xâu chuỗi nhiều truyện cười có nhân vật chính thông minh, sắc sảo. “Truyện tiếu lâm” là truyện cười có dung lượng ngắn, kết cấu chặt chẽ, kết thúc đột ngột có yếu tố tục nên có khả năng gây cười mạnh mẽ nhưng những truyện này thiên về bản năng. Trong quyển sách Truyện cười logic, tác giả Phan Trọng Hoà, Phan Thị Đào đã đưa ra một cách hiểu khá mới mẻ về truyện cười dân gian. Đó là khái niệm ứng xử và đặc điểm của nghệ thuật ứng xử trong truyện cười logic. Theo đó các tác giả này quan niệm: yếu tố quan trọng để tạo nên tiếng cười trong cốt truyện của truyện cười chính là vấn đề tư duy logic bị phá vỡ hay cố tình vi phạm. Giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm cũng từ chỗ logic của các sự kiện và hành động các nhân vật trong truyện cười mà ra. Từ đó nảy sinh khái niệm ứng xử trong truyện cười. Mỗi truyện cười phản ánh một (hoặc nhiều) sự phản ứng của các nhân vật trước lời nói, hành vi của các nhân vật khác trong một tình huống nào đó. Do đó, ứng xử trở thành một tính chất quan trọng: Truyện cười, như tên gọi của nó, là truyện có khả năng gây cười. Cho nên ở đây nghệ thuật ứng xử không tách rời nghệ thuật gây cười của truyện. Trong truyện, một cách ứng xử càng bất ngờ, sắc sảo bao nhiêu thì khả năng gây cười càng cao bấy nhiêu. Ngược lại, một truyện mà nghe xong không ai cười được thì không thể coi là có nghệ thuật ứng xử. [27, tr.31] Từ quan niệm trên, tác giả đã phân loại truyện cười thành truyện cười thông thường (là truyện được gây cười bằng các thủ pháp truyền thống: ngôn ngữ, hành động, hoàn cảnh và tính cách đáng cười) và truyện cười logic (là truyện được gây cười bằng thủ pháp logic: tạo ra cái hợp logic hoặc phi logic để gây cười). Có thể nói, đây là một cách tiếp cận vấn đề theo hướng khác với những gì các phương pháp trước đây đã thực hiện, nghĩa là chọn một cơ sở để tiếp cận và hình thành nên một lý thuyết khác về thể loại. Tuy nhiên, đối tượng mà các tác giả khảo sát trong quyển sách có cả truyện cười dân gian lẫn truyện cười hiện đại. Mà truyện cười dân gian tuy có yếu tố logic
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm (bản diễn nôm) đến Truyện Kiều (Nguyễn Du)
86 p | 312 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại Việt Nam
87 p | 238 | 53
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 266 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 318 | 47
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam
150 p | 193 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 121 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 116 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 215 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 154 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 171 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 168 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 104 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 175 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 146 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 125 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 163 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 149 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Trương Duy Toản
171 p | 99 | 9
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn