intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ô Nhiễm Đất Đai

Chia sẻ: Nguyen Ngoc Han | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

206
lượt xem
14
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ngày càng nhiều 'cánh đồng hoang' ở ĐBSCL Sau vài năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm, không ít nông dân ở Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... bị nợ nần vây hãm, phải bỏ nhà đi xứ khác làm thuê đắp đổi qua ngày. Nuôi tôm không được, trồng lúa chẳng xong, đã làm cho nhiều cánh đồng lúa phì nhiêu ngày nào trở nên hoang dại. Tỉnh Cà Mau có gần 7.000 ha gieo cấy lúa tôm bị “chết yểu”, nông dân hết cách khôi phục. Diện tích gieo trồng lúa tôm...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ô Nhiễm Đất Đai

  1. Ô Nhiễm Đất Đai Ngày càng nhiều 'cánh đồng hoang' ở ĐBSCL Sau vài năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm, không ít nông dân ở Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... bị nợ nần vây hãm, phải bỏ nhà đi xứ khác làm thuê đắp đổi qua ngày. Nuôi tôm không được, trồng lúa chẳng xong, đã làm cho nhiều cánh đồng lúa phì nhiêu ngày nào trở nên hoang dại. Tỉnh Cà Mau có gần 7.000 ha gieo cấy lúa tôm bị “chết yểu”, nông dân hết cách khôi phục. Diện tích gieo trồng lúa tôm của tỉnh đến nay chỉ còn 12.000 ha, trong khi kế hoạch năm 2005 trồng đến 35.000 ha lúa trên đất nuôi tôm. Vua lúa cũng lắc đầu Xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, nơi được xem là địa chỉ đỏ mà mấy năm qua Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, nông dân nơi đây cũng thể hiện tính “tiên phong” ngay từ những năm đầu chuyển dịch. Họ đã nuôi trồng được đến 500 ha diện tích lúa - tôm ở năm đầu chuyển dịch cơ cấu (2001). Thế nhưng, cả xã chỉ có một người trồng được chút lúa, đó là bác Sáu Niệm ở kênh Láng Tượng, ấp Tân Hòa. Anh Thịnh, con trai út của bác, cho biết: “Ông ấy lúc này không còn là ông Sáu Niệm nữa, mà là Sáu thời sự rồi. Tối ngày bà con vây ông để hỏi chuyện trồng lúa”. Đến chỗ ruộng lúa của bác Sáu, đúng là có trồng được lúa trên đất
  2. nuôi tôm. Một khoảnh chừng nửa hecta, nằm trong lòng ruộng tôm rộng trên 1 ha của bác, nhưng lúa không xanh mượt mà nhiều chỗ lốm đốm vàng lá, còi cọc. Lúa mọc không nổi. Ảnh: Tuổi Trẻ Phòng nông nghiệp - thủy sản huyện Cái Nước cho biết, năm nay huyện được giao trồng 5.000 ha lúa tôm. Do nhiều nguyên nhân, huyện chỉ thực hiện được 1.118 ha. Nhưng đến giờ này, số lúa chết đã lên đến 1.058 ha, nhiều vùng bây giờ đã trở thành những cánh đồng hoang. Không chỉ Thạnh Phú mà cả vùng đất Lợi An, huyện Trần Văn Thời, nơi từng được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Cà Mau, năm nay cũng chỉ là một cánh đồng toàn nước. Ông Nguyễn Văn Chiến ở ấp Rạch Lăng là “vua lúa” của vùng này. Thời còn chuyên canh lúa, ông làm 10 công đất (hơn 1 ha), mỗi năm thu hoạch 800-1.000 giạ lúa. Vậy mà giờ ông đang ngồi buồn xo bên bờ ruộng, nhìn thất thần xuống đám lúa lưa thưa như răng ông già. Ông lắc đầu, chán nản: “Tuần đầu khi mới sạ, thấy lúa phát triển bình thường, ai dè sang tuần thứ hai và thứ ba thì nó rụi hết. Vợ chồng tôi phải thay nhau mót từng bụi mạ ở sau hè nhà mình, đem ra cấy lại mới được như vầy". Cách nhà ông một đỗi là cánh đồng mênh mông nước, chỉ có vài công lúa vàng
  3. hoe của ông Mạc Hồng Phỉ. Ông Phỉ đã sạ hai lần giống, nhưng đều mất sạch nên ông cũng chấp nhận thua trắng, cùng ông Chiến tháo bỏ “vương miện” vua trồng lúa trên đất Lợi An. Bỏ đất đi làm thuê PGS-TS. Nguyễn Hữu Chiếm, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ: Do hệ thống xả mặn yếu. Lúa chết phải xem cho kỹ coi bị phèn, mặn, hay sâu bệnh. Ngày xưa người ta vẫn nuôi lúa tôm được vì không có đắp đê bao, ngăn đập gì cả. Tới mùa mưa khi nào hết mặn và thấy cỏ nước ngọt mọc lên thì mới sạ lúa. Còn bây giờ, mình bao đê để nuôi tôm. Khi đắp đê bao thì lượng nước xả ra không kịp, muối tồn đọng trong ruộng còn nhiều. Chỉ cần nắng hạn chút xíu thôi là không đủ nước ngọt, nước bốc hơi nhanh để tồn dư lại muối làm mặn đất và lúa chết. Nguyên nhân sâu xa là do cấu trúc hạ tầng của mình xả mặn không kịp (nghĩa là hệ thống của mình không còn tự nhiên nữa). Bây giờ nuôi tôm nhiều, nuôi trong nhiều năm nên mặn tích lũy cũng nhiều, vì mình chủ động đưa nước mặn vào. Nếu phát triển diện tích tôm - lúa một cách ào ạt lại không đồng bộ với hệ thống thủy lợi rửa xả mặn thì lúa sẽ bị nhiễm mặn mà chết và khó trồng lại. Khi đã chuyển môi trường tự nhiên sang nhân tạo rồi thì phải tính toán kỹ. Ông Diệp Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau: Mô hình lúa - tôm
  4. xuống dốc. Mấy năm qua, mô hình lúa - tôm ngày càng xuống dốc. Năm nay lại đại bại, lúa chết cả chục nghìn hecta. Đặc biệt là huyện Đầm Dơi, năm nay không trồng lại được cây lúa - tôm nào. Huyện Cái Nước cũng lụn luôn, trồng được 1.100 ha thì đã bị chết hết 1.000 ha. Tình hình này thì năm sau chắc bà con bỏ luôn cây lúa. Trước mắt, chúng tôi vẫn chưa có giải pháp mới, vì đó là công việc không dễ, cần sự tập trung trí tuệ của nhiều ngành mới giải quyết được. Tại Sóc Trăng, một trong những địa phương có phong trào nuôi tôm phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long, cả cánh đồng dẫn vào Xóm Mới, ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú, huyện Long Phú đang được phủ một màu xanh của... cỏ. Hơn hai năm qua, người dân Liêu Tú không còn gọi nơi đây là vùng đất “tập đoàn” mà thay bằng cái tên quen thuộc là “cánh đồng hoang”. Sở dĩ họ gọi như vậy vì trong tầm mắt vài cây số hướng về Tổng Cáng rồi chạy dài sang xã Lịch Hội Thượng, mọi người đều bắt gặp một cánh đồng rộng mênh mông chỉ có vài chục ao tôm, vài căn chòi lá rách nát, xiêu vẹo, còn lại là những thửa ruộng bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm. Đứng trên bờ đê, nhìn ba công ruộng lúa bị chết khô, anh Thạch Chữa nói: “Cả gia tài tôi chỉ có ba công đất cắm dùi. Tuy đất không nhiều, nhưng nhờ làm hai vụ lúa nên mấy năm trước trung bình một năm thu hoạch được khoảng 120 giạ lúa, trừ chi phí cũng đủ ăn đến hết những tháng nông nhàn. Từ khi ao tôm xuất hiện, một
  5. công ruộng thu hoạch không được 10 giạ lúa/vụ, do lúa bị nhiễm phèn, ngập mặn chết hết nên vừa rồi không gặt hái được hột nào”. Cạnh nhà Thạch Chữa, tranh thủ lúc nước dưới kênh Giồng Chát - Tổng Cáng còn chưa mặn, anh Lai Chinh đã tận dụng mảnh đất trống khoảng 25 m2 trên bờ đê để trồng vài liếp hành tím trước khi đùm túm vợ con đi xứ khác làm thuê. Anh Chinh thở một hơi dài, nói chua xót: “Lúa làm không được, lại không có tiền nuôi tôm, nên tôi đành phải bán đất để nuôi vợ con vì chẳng biết đào đâu ra tiền trên mảnh ruộng quanh năm vàng quánh một màu phèn và tràn ngập nước mặn. Mấy năm trước nghe nói nạo vét kênh để dẫn nước ngọt vào, nhưng công trình vừa hoàn thành thì cả tuyến kênh cũng mặn chát, chỉ trồng được một vụ hành rồi đóng cửa nhà đi làm mướn”. Quy hoạch kiểu đánh trống bỏ dùi Ông Lê Văn Sơn, Trưởng Phòng kinh tế huyện Long Phú, cho biết, năm 2002 tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt dự án nuôi tôm thuộc hai xã Liêu Tú và Lịch Hội Thượng với tổng diện tích 1.500 ha. Khi vùng này được quy hoạch thành cánh đồng nuôi tôm thì huyện Long Phú tiến hành đào kênh thủy lợi, đắp lại các đập ngăn mặn nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho cánh đồng giáp với xã Viên Bình (huyện Mỹ Xuyên) sản xuất lúa thông qua tuyến kênh Giồng Chát - Tổng Cáng. Tuy nhiên, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ cây lúa sang con tôm một cách
  6. không đồng bộ nên đến nay chỉ có 600 ha đất trong vùng dự án được nuôi tôm và tuyến kênh Giồng Chát - Tổng Cáng thường xuyên bị nhiễm mặn. Riêng khu vực thuộc tập đoàn 6, 7 (cũ) chỉ có 80 trên tổng số 180 ha đất trồng lúa chuyển sang nuôi tôm. Ông Sơn giải thích: “Lúc đầu, khi xây dựng kế hoạch chuyển vùng này sang chuyên tôm chúng tôi cứ tưởng các hộ nghèo ở đây sẽ được ngân hàng cho vay vốn, nhưng cuối cùng họ lại không được vay”. Trồng lúa thất bại, nông dân Cà Mau đã cấy năng xuống vuông tôm, giữ cho đất khỏi thoái hóa. Cả huyện và tỉnh biết rõ vùng đất này còn rất nhiều hộ nghèo không có vốn để nuôi tôm và không ít hộ chỉ có vài ba công đất nên không thể đào ao nuôi tôm công nghiệp, nhưng tỉnh Sóc Trăng vẫn tiến hành quy hoạch khu vực này vào vùng “chuyển dịch”. Chính vì “chuyển dịch” một cách nóng vội nên cái giá phải trả là hàng trăm hecta đất đang trồng lúa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và dân nghèo càng nghèo thêm vì họ không thể cứu lấy đồng lúa. Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch UBND xã Liêu Tú, thừa nhận: “Người dân bao đời đã quen tập quán làm lúa nên khi nghe chuyển sang nuôi tôm thì không dám nuôi vì mô hình này đối với họ quá mới. Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành họp dân nhưng ai cũng bảo về nhà bàn tính lại”. Trong lúc người
  7. dân đang băn khoăn về hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lúa sang tôm thì giữa cánh đồng lúa phì nhiêu từ Giồng Chát chạy dài qua gần tới Nam Chánh (xã Lịch Hội Thượng) bỗng xuất hiện vài đầm tôm của những người có vốn. Vì chạy theo lợi nhuận của con tôm nên khi nghe tỉnh công bố quy hoạch các hộ này đào ao nuôi tôm liền. Họ đâu nghĩ đến chuyện đào ao nuôi tôm lung tung sẽ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên. Lật lại quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau, người nông dân oán trách nhà chức trách đã đánh trống bỏ dùi. Theo đề án chuyển dịch, để hai vùng Nam (vùng chuyên tôm và lúa tôm) và Bắc (vùng chuyên lúa) Cà Mau sản xuất tốt giai đoạn 2000-2010 trên cơ cấu sản xuất mới, thì cần phải thực hiện hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi trị giá lên đến trên 4.000 tỷ đồng. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, tỉnh chỉ mới thực hiện được chưa tới 400 tỷ. Từ đó dẫn đến hậu quả tất yếu là hệ thống thủy lợi khập khểnh yếu kém, sản xuất bấp bênh. Để cứu lấy “cánh đồng hoang” hạn chế thảm họa suy thoái môi trường, một trong những biện pháp được lãnh đạo các tỉnh đưa ra hiện nay là khuyến khích các hộ thiếu vốn nuôi tôm theo hình thức quảng canh vì vốn đầu tư cho mô hình này chỉ cần khoảng 20 triệu đồng/ha. “Tới đây, chúng tôi sẽ cho xẻ một con kênh dẫn nước ngọt vào khu vực có nhiều đất bỏ hoang để cho dân trồng lúa”, ông Sơn, Trưởng phòng kinh tế huyện Long Phú (Sóc Trăng),
  8. khẳng định. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể chỉ là “lý thuyết” vì khi đất đã đào ao nuôi tôm thì khó có thể cào bằng để trồng lúa trở lại. Cứ thế ngày càng có nhiều nông dân phải bỏ nhà đi làm thuê suốt năm này qua tháng nọ chỉ vì cái chuyện quy hoạch tôm - lúa của chính quyền.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2