Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng cải tùa xại
lượt xem 3
download
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng cải tùa xại gồm các kiến thức cơ bản như: Đặc điểm hình thái; Đặc điểm sinh thái; Kỹ thuật trồng và chăm sóc. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng cải tùa xại
- SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG TỈNH VĨNH LONG TÀI LIỆU TẬP HUẤN KHUYẾN NÔNG KỸ THUẬT TRỒNG CẢI TÙA XẠI (Ban hành theo Quyết định số 611/QĐ-TTKN, ngày 09/12/2016 của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long) VĨNH LONG, THÁNG 12/2016 1
- KỸ THUẬT TRỒNG CẢI TÙA XẠI (Brassica campestris) Biên soạn: Kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Thắm Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân, TTKN I. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI Cải tùa xại có tên khoa học là Brassica campestris, thuộc họ Thập tự (Cruciferae) hay còn gọi là họ Cải (Brassicaceae) thuộc loại cây hàng năm. Cải tùa xại không phân nhánh, có thân và bẹ lá to, dày và trắng, có lá non cuốn thành cuộn chặt ở giữa, có bộ rễ ăn nông trên tầng đất màu. Có vị cay, mùi nồng, tính bình, thường dùng để muối dưa cải chua, có mùi thơm đặc trưng. II. ĐẶC ĐIỂM SINH THÁI - Nhiệt độ: Cải tùa xại ưa khí hậu ôn hoà, mát mẻ nên được trồng chủ yếu trong vụ Đông Xuân, nhiệt độ thích hợp 18 – 220C. Hạt có thể nảy mầm thuận lợi ở nhiệt độ 20 - 25oC. - Ánh sáng: Cải tùa xại ưa ánh sáng tán xạ, cường độ ánh sáng vừa phải, có khả năng chịu bóng râm hơn các cây rau ăn quả. Ánh sáng mạnh cùng với nhiệt độ không khí cao sẽ làm cho cây cằn cỗi dẫn đến năng suất và chất lượng giảm. - Nước: Cải tùa xại có hệ rễ cạn, số lá trên cây nhiều và lớn vì vậy cây yêu cầu độ ẩm đất 80-85% và độ ẩm không khí 80 - 90% để sinh trưởng. Thiếu nước cây còi cọc, năng suất và chất lượng giảm, nếu thiếu nước nghiêm trọng làm cho cây có vị đắng, cải cứng ăn không ngon. Nếu đất quá ẩm ướt trong đất thiếu ôxy, cây sinh trưởng khó khăn, cây dễ bị sâu bệnh hại xâm nhiễm. Nếu trong cây nhiều nước sẽ giảm độ giòn và khó vận chuyển. - Đất: Cải tùa xại có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất nên gieo trồng trên đất màu mỡ tơi xốp, nhẹ, pH từ 5,5 - 7. Phải thực hành luân canh với các cây khác họ, xa những nơi bị ô nhiễm. - Giá trị dinh dưỡng: Cải tùa xại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có ích cho cơ thể gồm: nhiều chất xơ, các loại vitamin như A, B, C, K, sắt, Mn, đồng, natri, magiê và canxi. 2
- - Phân bố: Cải tùa xại có nguồn gốc từ miền nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Á, có nhiều ở vùng Trung Á. Ở nước ta, cây được trồng khắp cả nước, có thể trồng quanh năm, trừ những tháng nóng và mưa nhiều. III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC 1. Thời vụ Cải tùa xại có thể trồng quanh năm, tuy nhiên trong mùa nắng cho năng suất cao hơn mùa mưa. + Vụ Đông Xuân (tháng 12 - tháng 1): Năng suất cao nhất do thời tiết mát mẽ, thuận lợi cho sự sinh trưởng, ít bị sâu bệnh hại. + Vụ Xuân Hè (tháng 2 – tháng 4): Cây phát triển tốt khi đủ nước tưới. Cần theo dõi, quản lý tốt sâu hại. + Vụ Thu Đông (tháng 9 - tháng 11): Vụ này khó trồng do mưa nhiều, cây tăng trưởng kém, dễ bị bệnh thối nhũn nên thường cho năng suất thấp. Để có cải tùa xại bán vào dịp Tết, nên bố trí trồng vào tháng 11 đến tháng 12 dương lịch. 2. Chọn giống Chọn giống cải tùa xại thích hợp với điều kiện canh tác ở địa phương, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Nên sử dụng các giống ưu thế lai (F1) nhập nội đã qua thử nghiệm cho năng suất cao, kháng được một số loại sâu bệnh chủ yếu. Một số giống được trồng phổ biến hiện nay: + Cải tùa xại MORAKOT 90 Hai mũi tên đỏ (Công ty Giống Đông Tây): Độ đồng đều cao, chịu nhiệt tốt, có thể trồng với mật độ dày. Giống này cho năng suất cao, bộ lá gọn, bắp cuộn lớn; phẩm chất ngon, không có vị đắng và nồng. + Cải tùa xại (Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam): Sinh trưởng mạnh, chống chịu tốt, thích nghi rộng. Phiến lá ngắn, bẹ và gân to, bắp cuộn đều, to và chặt nhất là khi trồng trong điều kiện khí hậu mát mẻ. Cải bắt đầu cuộn bắp từ 25 ngày sau khi trồng và thu hoạch 15 ngày sau khi cuộn bắp. + Cải tùa xại BAUSIN (Công ty Giống cây trồng Nông Hữu): Thân lá ngắn, cuộn bắp lớn, phẩm chất ngon, dùng để xào, nấu canh hay làm dưa muối. 3. Chuẩn bị cây con - Vật liệu làm bầu: Sử dụng khay ươm bằng nhựa hoặc lá chuối để làm bầu. Đất vô bầu theo tỷ lệ 1/3 đất mịn, xốp + 1/3 phân chuồng hoai + 1/3 (tro+lân), trong đó 70% tro + 30% lân. Lượng bầu cần cho 1.000 m2 khoảng 5.000 bầu. - Chuẩn bị hạt giống: Để tăng tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống nên tiến hành ngâm ủ trong thời gian 24 giờ, hạt nứt nanh đem gieo vào bầu (1 hạt/bầu). Nên 3
- xử lý hạt giống trước khi gieo bằng các loại thuốc như Rovral, Benlate C,... lượng thuốc theo hướng dẫn ở bao bì. - Chăm sóc cây con: Trong thời kỳ cây con vào mùa khô phải có giàn che nắng và tưới đủ nước, vào mùa mưa phải che mưa và thoát nước để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt. - Thời điểm đem trồng: Khi cây con được 2 – 3 lá (khoảng 18 -19 ngày sau khi gieo), sẽ đem trồng ra đồng đã chuẩn bị sẵn (nên trồng vào lúc chiều mát). Cần tưới nước thật ướt trước khi trồng. 4. Chuẩn bị đất trồng và trồng Có thể trồng cải tùa xại trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng đất phải tơi xốp, nhiều mùn, dễ thoát nước trong mùa mưa và chủ động tưới trong mùa khô. Nếu có điều kiện nên phơi đất khoảng một tuần và đảo lớp mặt xuống dưới để tạo điều kiện cho đất thoáng khí giúp cây cải sinh trưởng tốt đồng thời hạn chế sâu bệnh cư trú trong đất. - Liếp trồng: Chiều dài liếp tùy theo khu đất trồng, chiều rộng: 0,8-1 mét, cao 20-30 cm trong mùa nắng và 30-40 cm khi trồng trong mùa mưa. - Xử lý đất: Trước khi gieo trồng mỗi vụ nên bón 30-50 kg vôi/1.000 m2 đất để hạn chế sâu bệnh và giảm bớt độ phèn trong đất. - Mật độ trồng: Mỗi liếp trồng 2 hàng theo kiểu nanh sấu. Trồng với khoảng cách 35 x 50 cm, mật độ trồng từ 3.800- 4.000 cây/1.000m2. Mỗi lỗ trồng 01 cây để ruộng cải được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại. 5. Tưới nước và quản lý nước Sau khi trồng phải tưới nước ngay, 3 ngày đầu, mỗi ngày tưới 2 lần bằng thùng vòi sen, nên tưới trực tiếp vào gốc, cho đến khi cây bén rễ hồi xanh. Sau đó, mỗi ngày tưới 1 lần bằng hình thức tưới phun (những khi độ ẩm đất trên 80% thì không cần tưới). Trước khi thu hoạch 5 ngày thì ngừng tưới nước. Cải tùa xại là cây chứa lượng nước rất cao nên càng đủ nước cây càng tươi tốt, nhanh lớn, thân lá căng, mọng, chất lượng cao, do vậy cần phải giữ ẩm thường xuyên. Ẩm độ đất thích hợp để cải phát triển là 80 - 85%. Vì thế, không nên tưới quá đẫm cải sẽ dễ bị nhiễm bệnh. 6. Bón phân và quản lý dinh dưỡng Tùy theo chân đất và sự phát triển của cây mà có thể thay đổi lượng phân thích hợp. Với điều kiện thỗ nhưỡng là đất phù sa trên nền đất phèn của tỉnh Vĩnh Long có thể sử dụng tổng lượng phân bón cho 1.000 m2 như sau: - Phân hữu cơ đã ủ hoai (có sử dụng chế phẩm Tricoderma): 500 kg hoặc phân hữu cơ sinh học: 100 kg, - NPK (16-16-8): 35 kg, - Kali Clorua: 10 kg, 4
- - Urê: 30 kg, - Super lân: 30 kg. */ Vườn ươm: Không cần thiết cung cấp phân, nếu cây con phát triển hơi kém có thể tưới thúc nhẹ 1 lần khoảng 10-15 ngày sau khi gieo bằng nước phân hỗn hợp NPK (16-16-8) pha loãng (20-30gr/10 lít nước). */ Ruộng trồng: Bón phân dựa theo sự sinh trưởng của cây, do cải tùa xại ngắn ngày nên chia phân ra nhiều lần tưới sẽ có hiệu quả hơn. Công thức phân bón cho cải tùa xại như sau: Lượng phân bón (kg/1.000 m2) Ngày sau Cách khi trồng bón Supper Phân hữu Vôi 16-16-8 KCl Urê lân cơ 0 (Bón 30- Rãi - - - 30 500 lót) 50 7 Tưới - - - 5 - - 12 Tưới - 7,5 2 5 - - 20 Tưới - 7,5 2 5 - - 30 Tưới - 10 3 5 - - 40 Tưới - 10 3 10 - - 30- Tổng 35 10 30 30 500 50 */ Quản lý dinh dưỡng Mỗi nguyên tố dinh dưỡng có một vai trò nhất định, sự thiếu hụt của bất kỳ nguyên tố nào đều ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của cây. Sự thiếu hụt nguyên tố này có thể do đất trồng không thỏa mãn và việc bón bổ sung dinh dưỡng không đủ hoặc bón đủ nhưng cây trồng không sử dụng được, hoặc bón mất cân đối. - Đạm (N) Rất cần cho cải tùa xại trong thời gian sinh trưởng. Đạm thúc đẩy sự sinh trưởng thân lá, tăng diện tích lá và khối lượng cây, do đó làm tăng năng suất, chất lượng. 5
- Cây thiếu đạm, lá vàng, cây nhỏ, năng suất giảm, đồng thời có vị đắng. Tuy vậy không được bón quá nhiều phân đạm vô cơ, trong điều kiện này nitrat (NO3-) sẽ tích tụ trong thân, lá và bộ phận non, dư lượng NO3- quá lượng cho phép sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng, thậm chí gây ra bệnh nan y. - Lân (P) Thiếu lân lá và thân cây có màu đỏ tía, cây thường thấp hơn bình thường. Cải tùa xại thuộc cây rau ăn lá nên nguyên tố lân yêu cầu không nhiều, chủ yếu bổ sung giai đoạn đầu để cây phát triển tốt hệ rễ. - Kali (K) Thiếu kali năng suất có thể giảm, cây thường thấp hơn bình thường; viền lá có màu vàng đến nâu trong những trường hợp nặng. Cải tùa xại yêu cầu không nhiều như đối với đạm nhưng chúng giúp cho cây sinh trưởng cân đối và cải thiện chất lượng. 7. Quản lý cỏ dại Trước khi chuẩn bị đất trồng: nên vệ sinh, làm sạch cỏ dại, có thể sử dụng thuốc cỏ nếu cần thiết. Sau khi trồng khoảng 15-20 ngày (khi thấy cỏ xuất hiện), tiến hành nhổ cỏ bằng tay, không để cỏ mọc vượt cải. Tuyệt đối không sử dụng các hóa chất diệt cỏ trong ruộng đã trồng cải, vì cải tùa xại thuộc nhóm rau ăn lá nên rất mẫn cảm với các loại thuốc diệt cỏ. 8. Phòng trừ sâu, bệnh 8.1 Sâu hại 8.1.1 Bọ nhẩy ( Phyllotreta striolata Fabricius) a. Đặc điểm hình thái – sinh học: Thành trùng: có chiều dài thân từ 1,8 - 2,4 mm, hình bầu dục, toàn thân màu đen bóng. Trên cánh trước có 8 hàng chấm đen lõm dọc cánh và hai vân sọc cong có hình dáng tương tự vỏ đậu phộng màu vàng nhạt. Đốt đùi chân sau nở to nên có thể nhảy được. Thời gian sống của trưởng thành khá dài từ 2 đến 3 tháng thậm chí tới 1 năm, con cái đẻ trứng trong đất, mỗi con có thể đẻ từ 25 – 200 trứng. Trứng: màu trắng sữa, hình bầu dục, dài khoảng 3 mm. Trứng nở sau khi đẻ khoảng 7 – 10 ngày. Ấu trùng: lớn đủ sức dài khoảng 4 mm, hình ống tròn, mình màu vàng nhạt, 3 đôi chân ngực rất phát triển và mỗi đốt của cơ thể sâu đều có các u lồi. Ấu trùng có 3 tuổi và phát triển lâu khoảng 3-4 tuần. 6
- Nhộng: hình bầu dục, màu vàng nhạt, dài khoảng 2 mm, mầm cánh và mầm chân sau rất dài; đốt cuối cùng có 2 gai lồi. Sự hóa nhộng diễn ra trong đất, ở độ sâu 2 – 5 cm. Thời gian làm nhộng từ 7-10 ngày. Vòng đời bọ nhẩy thường biến động từ 15 đến 82 ngày tùy theo điều kiện sống. Sâu non, nhộng (Hồ Văn Tín, ĐHCT) và thành trùng bọ nhảy (Trần Văn Hai, ĐHCT) b. Tập quán sinh sống và cách gây hại Thành trùng thường ẩn vào nơi ẩm mát, mặt dưới các lá gần mặt đất khi trời nắng, có khả năng nhảy xa và bay rất nhanh, thường bò lên mặt lá ăn phá vào lúc sáng sớm và chiều tối, cắn lủng lá cải thành những lổ đều đặn trên khắp mặt lá rất dễ nhận diện, làm lá có thể bị vàng và rụng. Ấu trùng ăn rễ cây làm cây bị còi cọc, đôi khi héo hoặc thối. Thiệt hại do bọ nhảy c. Biện pháp phòng trị - Thu dọn sạch và vệ sinh ruộng trồng cải sau khi thu hoạch; - Không trồng các loại rau thuộc họ thập tự liên tục trong nhiều năm, nên luân canh với các loại cây trồng khác họ như ngò, hành, dưa leo, bầu, bí, mướp... hoặc lúa nước; - Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng (nhất là khi cây cải còn non), hoặc vào những lúc các ruộng xung quanh đang thu hoạch, để phát hiện và phun xịt thuốc diệt trừ bọ nhảy kịp thời; 7
- - Nên phun xịt thuốc hóa học vào các buổi chiều mát và luân phiên phun các loại thuốc thuộc nhóm hoạt chất: Cypermethrin (Appencyper 35EC, Cyper 25EC, Polytrin 440EC,…), Chlorantraniliprole (Virtako 40WG, 300SC), Emamectin benzoate (Angun 5WG, 5ME; Actimax 50WG....). 8.1.2. Sâu ăn tạp (Spodoptera litura Fabricius) a. Đặc điểm hình thái – sinh học Bướm: có chiều dài thân khoảng 20-25mm, sải cánh rộng từ 35-45mm. Cách trước màu nâu vàng, giữa cánh có vân trắng, cánh sau màu trắng óng ánh. Bướm có đời sống trung bình từ 1-2 tuần tuỳ điều kiện thức ăn. Trung bình một bướm cái có thể đẻ 300 trứng, nhưng nếu điều kiện thích hợp bướm có thể đẻ từ 900-2.000 trứng. Thời gian đẻ trứng trung bình của bướm kéo dài từ 5-7 ngày đôi khi đến 10 - 12 ngày. Thành trùng, trứng và ấu trùng sâu ăn tạp trong đất Trứng: có hình bán cầu, đường kính từ 0,4 - 0,5mm. Bề mặt trứng có những đường khía dọc từ đỉnh trứng xuống đến đáy và bị cắt ngang bởi những đường khía ngang tạo thành những ô nhỏ. Trứng mới nở có màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng tro, lúc sắp nở có màu tro đậm. Ổ trứng có phủ lớp lông từ bụng bướm mẹ. Thời gian ủ trứng từ 4-7 ngày. Ấu trùng: Thời gian phát triển của ấu trùng kéo dài từ 20-25 ngày, sâu có 5-6 tuổi tuỳ thuộc điều kiện môi trường. Nếu điều kiện thuận lợi sâu có thể dài từ 35-53mm, hình ống tròn. Sâu tuổi nhỏ có màu xanh lục, càng lớn sâu chuyển dần thành màu nâu đậm. Trên cơ thể có một sọc vàng sáng chạy ở hai bên hông từ đốt thứ nhất đến đốt thứ tám của bụng, mỗi đốt có một chấm đen rõ nhưng hai chấm đen ở đốt thứ nhất to nhất. Sâu càng lớn, hai chấm đen ở đốt thứ nhất càng to dần và gần như giao nhau tạo thành khoang đen trên lưng nên sâu ăn tạp còn được gọi là “sâu khoang”. Nhộng: Thời gian phát triển nhộng kéo dài 7-10 ngày, kích thước dài từ 18- 20mm. Nhộng sâu ăn tạp có màu xanh đọt chuối, rất mềm ngay khi mới được hình thành, sau đó chuyển dần sang màu vàng xanh, cuối cùng có màu nâu, thân cứng dần và có màu nâu đỏ. Khi sắp vũ hoá, nhộng có màu nâu đen, các đốt cuối của nhộng có thể cử động được. 8
- Nhìn chung, vòng đời của sâu ăn tạp tương đối ngắn trung bình 30,2 ngày, trong đó giai đoạn ấu trùng chiếm trung bình 21,7 ngày. Đây là giai đoạn gây hại quan trọng của sâu ăn tạp. Khả năng sinh sản mạnh cùng với thời gian phá hại kéo dài vì thế sâu ăn tạp là đối tượng gây hại quan trọng cho rau màu. b. Tập quán sinh sống và cách gây hại Bướm thường vũ hoá vào buổi chiều và bay ra hoạt động vào lúc vừa tối, ban ngày bướm đậu ở mặt sau lá hoặc trong các bụi cỏ. Bướm hoạt động từ tối đến nửa đêm, có thể bay xa đến vài chục mét và cao đến 6-7 mét. Sau khi vũ hoá vài giờ, bướm có thể bắt cặp và một ngày sau đó có thể đẻ trứng. Sâu ăn tạp ăn phá nhiều loại cây nên có mặt quanh năm trên đồng ruộng. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm. Sâu vừa nở ăn gặm vỏ trứng và sống tập trung, nếu bị động sâu bò phân tán hoặc nhả tơ buông mình xuống đất. Sâu tuổi 1-2 chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng, từ tuổi 3 trở đi sâu ăn phá mạnh cắn thủng lá và gân lá. Ở tuổi lớn khi thiếu thức ăn, sâu còn tập quán ăn thịt lẫn nhau và không những ăn phá lá cây mà còn ăn trụi cả thân, cành, trái non. Khi làm nhộng, sâu chui xuống đất làm thành một khoang và nằm yên trong đó hoá nhộng. Thiệt hại do sâu ăn tạp trên lá cải (Nguồn: Trần Thị Ba, ĐHCT) c. Biện pháp phòng trị - Biện pháp canh tác: Đất trước khi trồng cần phải được cày, phơi và xử lý thuốc trừ sâu hoặc cho ruộng ngập nước 2-3 ngày để diệt nhộng, sâu non có trong đất. Phải thường xuyên đi thăm ruộng để kịp thời phát hiện sâu, ngắt bỏ ổ trứng hoặc tiêu diệt sâu non mới nở khi chưa phân tán đi xa. - Biện pháp sinh học: Sâu ăn tạp thường bị 4 nhóm ký sinh sau (1) côn trùng ký sinh (Ong thuộc họ Braconidae và ruồi thuộc họ Tachinidae), (2) nấm ký sinh (Beauveria sp. và Nomurea sp.), (3) siêu vi khuẩn gây bệnh NPV, vi khuẩn và (4) Microsporidia. 9
- - Biện pháp hóa học: Sâu ăn tạp rất dễ kháng thuốc, nên luân phiên nhiều thuốc thuộc các nhóm hoạt chất như Bacillus thuringiensis var. aizawai (Xentari 35WDG), Protein Toxins (Dipel 6.4DF), Cypermethrin (Appencyper 35EC, Cyperan 30EC, Cyper 25EC,…), Abamectin (Nafat 3.6EC hoặc 5.0EC,…), Chlorfluazuron (Atabron 5EC),…đảm bảo thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. 8.1.3 Sâu tơ (Plutella xylostella Linnaeus) a. Đặc điểm hình thái – sinh học Bướm: cơ thể dài từ 6 - 10 mm, sải cánh rộng từ 10 - 15 mm. Cánh trước màu nâu, giữa lưng có một dãi gợn sóng, màu trắng trên bướm đực và màu vàng trên bướm cái, chạy dài đến cuối cánh. Hai cạnh của cánh sau có rìa lông rất dài. Khi đậu cánh xếp xuôi theo thân và dựng đứng phía trên thân mình, đuôi cánh hơi nhô lên cao. Râu đầu dài từ 3 - 3,5 mm và luôn đưa tới trước rất linh hoạt. Bướm có thể sống đến 2 tuần và đẻ khoảng 200 trứng Thành trùng, ấu trùng sâu tơ (Nguồn: Trần Văn Hai, ĐHCT) Trứng: hình bầu dục, dẹp, màu vàng nhạt, đường kính từ 0,3 - 0,5mm. Trứng đẻ rời rạc ở mặt dưới lá, gần gân chính và nở trong vòng 3 - 4 ngày. Ấu trùng: màu xanh lục, mình nở to chính giữa, 2 đầu nhọn, thân chia đốt rõ ràng và có 3 cặp chân giả từ đốt bụng thứ năm, lớn đủ sức mình sâu dài từ 8 đến 11mm. Sâu có 4 tuổi với thời gian phát triển lâu khoảng 7 - 10 ngày. Nhộng: thời gian làm nhộng 4 - 7 ngày. Khi mới hình thành nhộng có màu xanh nhạt, khoảng 2 ngày sau thành màu vàng nhạt, chiều dài nhộng từ 5 - 7mm, chung quanh nhộng có kén bằng tơ bao phủ. Vòng đời sâu tơ thay đổi theo nhiệt độ, nhiệt độ thấp có thể kéo dài 50 ngày và khoảng 15 ngày ở nhiệt độ cao, mùa mưa mật độ sâu tơ giảm rất rõ. b. Tập quán sinh sống và cách gây hại Sâu non mới nở bò lên mặt lá gặm biểu bì tạo thành những đường rảnh nhỏ ngoằn ngoèo. Từ tuổi 2, sâu ăn thịt lá 10 Hình 1. Thiệt hại do sâu tơ (Nguồn: Trần Thị Ba, ĐHCT)
- để lại lớp biểu bì tạo thành những vết trong mờ. Sâu lớn ăn toàn bộ biểu bì lá làm lá thủng lỗ chỗ, giảm năng suất và chất lượng cải. Khi mật độ sâu cao, ruộng cải bị hại xơ xác, chỉ còn trơ lại gân lá. Khi bị động đến sâu thường nhả tơ buông mình xuống đất nên còn được gọi là "sâu dù". c. Biện pháp phòng trị Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá già, làm cỏ. Bố trí mùa vụ thích hợp, vụ đông xuân ít sâu hơn vụ xuân hè, mưa già sâu tơ sẽ giảm. Luân canh với cây không cùng ký chủ. Dùng bẫy dính màu vàng theo dõi bướm sâu tơ, trồng xen với cây họ cà sẽ đuổi được bướm của sâu tơ. Do bướm sâu tơ thường không bay cao, nên có thể dùng lưới cao 2 m bao xung quanh để hạn chế bướm sâu tơ từ bên ngoài bay vào ruộng cải đẻ trứng Bao lưới xung quanh ruộng cải (Nguồn: Trần Văn Hai, ĐHCT) Rất khó trị bằng thuốc hóa học vì sâu kháng thuốc rất mạnh. Nên áp dụng quy trình IPM bao gồm cả việc trồng cải trong nhà lưới, kết hợp thuốc BT với thuốc hóa học như Lufenuron (Match 050EC, Lufenron 050EC…), Spinosad (Success 25EC, Spinki 25SC…) và tạo điều kiện cho thiên địch phát triển. 8.1.4 Sâu ăn đọt cải a. Đặc điểm hình thái – sinh học: Có 2 loài đáng chú ý: */ Loài Hellula undalis Fabricius Bướm: nhỏ, màu nâu xám đậm, trên cánh có nhiều sọc ngang gãy khúc màu xám nhạt. Rải rác trên cánh có những đốm hình dạng không đồng nhất màu đậm, cuối bìa cánh có một hàng điểm đen. Đời sống của bướm ngắn, khoảng 1 tuần và đẻ 100-200 trứng rải rác trên các lá non của đọt cải. Trứng: hình bầu dục, màu trắng ngà, nở trong vòng 4-5 ngày. Ấu trùng: màu hồng, đầu đen và có những sọc đen chạy dọc thân mình, thời gian phát triển lâu khoảng 10 ngày. Nhộng: màu đỏ nâu, phát triển 6-8 ngày. 11
- Ấu trùng (Trần Văn Hai, ĐHCT)- thành trùng sâu ăn đọt (NSW Agriculture) Ấu trùng nở ra tìm ăn ở đọt non của cây cải. Chúng nhả tơ bao phủ đọt cải và ở ăn bên trong làm cho đọt non bị chết nên gây thiệt hại đáng kể. */ Loài Crocidolomia binotalis Zeller Bướm: màu xám nâu, có đốm nhỏ màu nâu đậm trên cánh và dọc cạnh sau của cánh trước. Bướm có chiều dài thân từ 10 - 14 mm, sải cánh rộng từ 18 - 20 mm. Trứng: dẹp, hơi tròn và có đường kính từ 1 - 2 mm, được đẻ thành từng khối ở kẻ lá của đọt non. Khi mới đẻ khối trứng màu xanh, sau khoảng 2 ngày có màu xanh vàng và trước khi nở màu đen xám. Thời gian phát triển của trứng lâu khoảng 3-4 ngày. Ấu trùng: có 5 tuổi và phát triển trong vòng 12-15 ngày. Khi mới nở màu xanh vàng, đầu nâu, dần dần cơ thể chuyển thành màu đậm và đến tuổi cuối có màu nâu đậm với 3 sọc trắng trên lưng và mỗi bên hông có 3 đốm tròn nhỏ ở mỗi đốt. Toàn thân có nhiều lông dài trong suốt. Lớn đủ sức ấu trùng dài từ 14 - 17 mm. Sâu thường sống tập trung ăn đọt non. Nhộng: màu nâu đỏ, dài từ 10 - 15 mm và làm nhộng trong đất 7-8 ngày. Sâu non gây hại trên lá cải (Nguồn: Trần Văn Hai, ĐHCT) b. Biện pháp phòng trị Thường xuyên thăm ruộng cải để phát hiện sớm khi sâu vừa xuất hiện, còn ở ngoài lá chưa chui vào trong đọt cải và phun thuốc như Spinosad (Success 25EC,…), Cypermethrin (Cyperan 10EC,…). 12
- 8.1.5 Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua Hubner) a. Đặc điểm hình thái – sinh học Hình dạng rất giống sâu xanh nhưng nhỏ con hơn (dài 10-15 mm), da xanh lục với 2 sọc vàng nâu chạy dọc 2 bên thân mình, không có u gai trên lưng như sâu xanh. Bướm nhỏ hơn, màu nâu và có 1 đốm vàng ờ giữa cánh rất đặc sắc. Bướm cũng đẻ trứng ban đêm trên lá nhưng thành từng ổ từ 20-30 trứng có phủ lông trắng do chùm lông ở cuối bụng của con cái. Chu kỳ sinh trưởng của sâu khoảng 1 tháng, ngắn hơn nhiều so với sâu xanh hay các loài sâu khác cùng họ Noctuidae. Có lẽ vì vậy mà sâu phát triển và gia tăng mật số rất nhanh, lây lan rất dễ vì chúng cũng ăn cả ớt, hành, cà chua, bắp... và kháng thuốc rất mạnh. Ấu trùng và thành trùng sâu xanh da láng b. Biện pháp phòng trị Áp dụng chiến lược tương tự như đối với sâu xanh nhưng cần chú ý thêm các điểm sau đây: + Sâu gia tăng mật số nhanh hơn và kháng thuốc cũng mạnh hơn; nên chú ý kiểm tra kỹ khi cây cải còn non để có thể bắt sâu hoặc ổ trứng, hay cần lắm thì phun thuốc ngăn chặn kịp thời không cho bộc phát mật số, nhất là trong vụ Xuân - Hè là mùa có mật số sâu cao nhất. + Vào cuối vụ Xuân - Hè thì mật số của các lòai thiên địch thường tăng cao như nấm ký sinh, vi rút NPV, ong kén trắng... Do đó nên hạn chế sử dụng thuốc sâu vào lúc này để bảo vệ chúng. + Khi cần thiết, có thể phun các loại thuốc thuộc các nhóm hoạt chất như Lufenuron (Match 050EC,…), Spinosad (Success 25EC,…) để phòng trị. 8.2 Bệnh hại 8.2.1 Bệnh thối nhũn (tiêm cùi) a. Tác nhân gây bệnh Do vi khuẩn Erwinia carotovora var. carotovora gây ra. b. Triệu chứng Bệnh thường gây hại nặng giai đoạn từ cuốn bắp trở về sau. Bệnh tấn công từ rễ hoặc lá già nên rất khó phát hiện, ta có thể phát hiện bệnh được sớm 13
- nhờ một số lá có triệu chứng héo chóp lá vào buổi trưa và tươi lại vào buổi chiều. Vết bệnh thường nhỏ, nhũn nước, có màu nâu hoặc đen, sau đó vi khuẩn xâm nhập vào mạch nhựa đi vào thân cây làm thối mềm phần trong của cây, sau đó làm thối cả bắp, có mùi thối đặc trưng. Bệnh nặng làm cả cây bị thối mềm ra. c. Điều kiện phát triển bệnh - Vi khuẩn lưu tồn trong xác bã thực vật, tàn dư cây trồng và xâm nhập qua các vết thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng, vết thương cơ học, vết bệnh do các mầm bệnh khác, v.v... - Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều. Những ruộng thoát nước kém, bón thừa phân đạm thường bị bệnh nặng hơn. - Bệnh có thể lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh trong khi thu hoạch và vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn trữ. d. Biện pháp phòng trị - Không trồng dày trong mùa mưa, lên luống cao để thoát nước nhanh, không bón nhiều phân đạm, tránh gây tổn thương cho cây. - Luân canh với cây trồng khác họ. - Nhổ đem ra khỏi ruộng và tiêu huỷ cây bị bệnh để tránh lây lan. - Phun thuốc thuộc các nhóm hoạt chất Bordeaux khô (Copper Zinc 85WP,…), Kasugamycin (Kasumin 2L, Kasuran 50WP,…), Oxolinic acid (Starner 20WP,…) khi bệnh mới chớm xuất hiện. - Cắt bỏ lá già và bôi thuốc vào vết cắt. 8.2.2 Bệnh thối cổ rễ a. Tác nhân gây bệnh: do nấm Rhizoctonia solani gây ra. b. Triệu chứng Bệnh khi mới xuất hiện, nếu quan sát kỹ có thể thấy những vết bệnh có màu khác với vỏ cây, phần vỏ này bị rộp lên, sau đó lan dần bao quanh toàn bộ phần cổ rễ hoặc gốc cây. Dần dần phần vỏ này khô teo lại, khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao sẽ bị thối nhũn, bong ra, trơ lại phần lõi gỗ của cây, cây sẽ héo dần và chết. c. Điều kiện phát triển bệnh Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chủ yếu. Bệnh thối cổ rễ thường xuất hiện và gây hại nhiều nhất vào các giai đoạn: tháng 9-10 và tháng 2- 3-4 trong năm. Bệnh thường lây lan nhanh, gây hại nặng ở những vườn ươm hoặc những vùng canh tác rau màu liên tục nhiều năm, trên các vườn đầu tư 14
- chăm sóc kém, nhất là trên các vùng đất sét, đất thịt nặng, vùng đất thường xuyên ẩm ướt, trũng hoặc khó thoát nước. d. Biện pháp phòng trị Để phòng bệnh thối cổ rễ, khi làm vườn ươm cây giống, nhà nông nên chọn nơi đất tốt, cao ráo, dễ thoát nước. Không nên làm vườn ươm ở những nơi trước đây đã từng bị bệnh lở cổ rễ và các loại nấm bệnh khác. Khử trùng đất bằng vôi bột hoặc các loại thuốc như: Regent 0,3G, Basudin 5H, Basudin 10H trước khi trồng. Chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, không dùng phân tươi để bón lót hoặc làm bầu ươm. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển. Khai thông mương rãnh tránh để đọng nước gây ngập úng hoặc để đất quá ẩm. Sử dụng chế phẩm Trichoderma trộn với phân chuồng đã được ủ hoai mục để bón lót. Khi phát hiện rau màu bị mắc bệnh thối cổ rễ, nên nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện. Phun ngừa hoặc phun trừ bằng một trong các loại thuốc thuộc các nhóm hoạt chất sau: Hexaconazole (Anvil 5SC, Tecvil 5SC,…), Mancozeb (Man 80WP, Manozeb 80WP,…), khuấy đều phun kỹ thân cây gần mặt đất và phần đất xung quanh gốc cây vào buổi sáng và chiều mát. Phun nhắc lại lần 2 sau 5 ngày. Xới xáo mặt luống nhằm giảm độ ẩm, hạn chế lây lan. 8.2.3 Bệnh đốm lá a. Tác nhân gây bệnh Do nấm Alternaria spp. ( Alternaria brassicicola; A. brassicae; A. raphani) gây ra. b. Triệu chứng Vết bệnh có dạng hình tròn, có màu tím đậm sau đó chuyển thành màu nâu, có viền màu vàng hoặc nâu đen, vết bệnh già có màu đen, đôi khi thấy có lớp bột màu đen che phủ trên bề mặt vết bệnh. Bên trong vết bệnh lớn đôi khi có các vòng tròn đồng tâm hơi lõm xuống. c. Biện pháp phòng trị - Không trồng quá dày. - Tránh tưới quá đẫm khi cây đã lớn và khi trời mát. - Phun thuốc thuộc các nhóm hoạt chất: Bordeaux khô (Copper B 75WP,…), Difenoconazole (Score 250EC,…), Propamocarb (Proplant 722SL,…) nồng độ 0,2 - 0,4% khi bệnh hại gây hại ở ngưỡng có thể ảnh hưởng đến năng suất. - Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm. 15
- 9. Thu hoạch và tồn trữ - Thu hoạch khi ruộng cải được khoảng 55- 60 ngày sau khi trồng, các cây phát triển căng, mọng, bắp cuộn chặt ở giữa. Cần phải ngưng phun thuốc trừ sâu, trừ bệnh theo thời gian cách ly trên nhãn bao thuốc và ngưng sử dụng phân bón vô cơ chứa đạm 15 ngày trước khi thu hoạch, thu hoạch vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. - Sản phẩm sau khi thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất; - Nếu sử dụng nước rửa cải phải đảm bảo chất lượng theo qui định; - Cần sử dụng xe vận chuyển và dụng cụ chứa đựng sạch. Chuẩn bị cải trước khi vận chuyển như xếp cải vào giỏ, xếp các giỏ cải vào xe cần thao tác nhẹ nhàng, không đè nén, phải đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng và hình thái của cải an toàn. 16
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. PGS. Nguyễn Thị Thu Cúc (2009), Giáo trình “Côn trùng nông nghiệp, phần A: Côn trùng đại cương”, Trường ĐHCT. 2. http://caab.ctu.edu.vn/gtrinh/bvtv/rau%20sach/source/benhHai/benhdomla.htm 3. http://caab.ctu.edu.vn/gtrinh/bvtv/rau%20sach/source/sauHai/content.htm 4. http://www.khuyennongtphcm.com/?mnu=6&s=600013&id=3160 5. http://vuahatgiong.vn/hat-giong-rau/rau-cai-be-dua.html 17
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Phương pháp đào tạo khuyến nông
70 p | 243 | 70
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông 2012: Phân bón và sử dụng phân bón hợp lý
9 p | 338 | 60
-
Tài liệu Phương pháp và kỹ năng tập huấn khuyến nông
70 p | 197 | 40
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông: Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản
112 p | 193 | 38
-
marketing nông nghiệp (tài liệu tập huấn)
81 p | 107 | 18
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông: Canh tác nông lâm kết hợp bền vững cho vùng trung du, miền núi phía Bắc
124 p | 37 | 9
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông: Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản (Năm 2017)
120 p | 41 | 9
-
Một số tài liệu tập huấn kỹ thuật dùng cho khuyến nông viên cấp xã (Tập 1): Phần 1
65 p | 29 | 8
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật phòng, trị một số bệnh thường gặp ở cá nước ngọt: Phần 1
42 p | 16 | 7
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật phòng, trị một số bệnh thường gặp ở cá nước ngọt: Phần 2
71 p | 22 | 7
-
Một số tài liệu tập huấn kỹ thuật dùng cho khuyến nông viên cấp xã (Tập 1): Phần 2
47 p | 33 | 6
-
Một số tài liệu tập huấn kỹ thuật dùng cho khuyến nông viên cấp xã (Tập 2): Phần 1
118 p | 25 | 6
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng đậu bắp
17 p | 70 | 5
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng bắp nếp
14 p | 38 | 5
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng đậu nành
14 p | 51 | 4
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng mè
25 p | 26 | 3
-
Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật trồng củ sắn
13 p | 40 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn