Tính linh hoạt của vạt da cân thượng đòn trong tạo hình khuyết phần mềm vùng cổ
Vạt da cân thượng đòn lần đầu tiên được Lamberty mô tả năm 1979 và được ứng dụng lâm sàng rộng rãi nhờ có nhiều ưu điểm. Nghiên cứu nhằm mô tả tính linh hoạt của vạt da cân thượng đòn trong tạo hình các dạng khuyết phần mềm vùng cổ, được thực hiện trên 36 bệnh nhân (17 nam và 19 nữ) từ 4 đến 65 tuổi với 41 vạt da cân thượng đòn. Các bệnh nhân này được phẫu thuật từ năm 2001 đến 2012. Đặc điểm tổn thương, cách sử dụng vạt da cân thượng đòn như kích thước, góc xoay, khả năng che phủ của vạt được phân tích và đánh giá. Kết quả trong 41 vạt da cân thượng đòn của nghiên cứu này có 37 vạt sống hoàn toàn, 2 vạt bị hoại từ 1 phần và 2 vạt hoại tử hoàn toàn. Kích thước vạt lớn nhất là 21x16cm. 88% vạt sử dụng ở dạng đảo được xoay góc 180º. 90% vạt được sử dụng để che phủ trực tiếp khuyết vùng cổ. Vạt da cân thượng đòn là một chất liệu tạo hình lý tưởng, với độ an toàn cao do cuống mạch hằng định, khả năng sử dụng linh hoạt đặc biệt cho các khuyết phần mềm vùng cổ.