
Tuyển tập Hội nghị Khoa học thường niên năm 2024. ISBN: 978-604-82-8175-5
520
ỨNG DỤNG ẢNH VỆ TINH ĐỂ THEO DÕI BIẾN ĐỘNG
MỰC NƯỚC VÀ DUNG TÍCH CHO CÁC HỒ CHỨA
LƯU VỰC NHỎ
Triệu Ánh Ngọc1, Thái Hữu Hùng1, Nguyễn Thanh Hương1, Võ Quang Linh2
1Trường Đại học Thủy lợi, email: Ngocta@tlu.edu.vn
2Trường THPT Hà Nội - Amsterdam
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Trong những năm gần đây, công nghệ viễn
thám (Remote Sensing) đã được phát triển
mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong
giám sát và quản lý tài nguyên nước, đặc biệt
là trong theo dõi biến động mực nước và dung
tích của các hồ chứa. Nhờ vào dữ liệu từ các
vệ tinh và các cảm biến từ xa, công nghệ này
giúp theo dõi chính xác và liên tục biến động
mực nước và dung tích của các hồ chứa.
Một số nghiên cứu đã chứng minh hiệu
quả của viễn thám trong việc xác định sự
thay đổi diện tích bề mặt nước hồ. Ví dụ,
nghiên cứu của Duan và cộng sự [1] sử dụng
dữ liệu từ vệ tinh Landsat để ước tính diện
tích bề mặt nước của hồ Poyang ở Trung
Quốc, cho thấy sai số ước tính chỉ ở mức 5%
so với dữ liệu đo đạc thực tế. Nghiên cứu của
Smith và Pavelsky [2] cũng áp dụng phương
pháp viễn thám để giám sát mực nước và
diện tích bề mặt của các hồ lớn trên toàn cầu,
cung cấp các dữ liệu quan trọng cho việc
phân tích biến động nước ngọt toàn cầu.
Hiện nay, việc quản lý các hồ chứa nhỏ gặp
nhiều khó khăn do thiếu hệ thống giám sát và
quan trắc. Khác với các hồ lớn như Hồ Dầu
Tiếng, Hồ Sông Trâu,.. nơi cung cấp nước cho
các thành phố lớn và tưới tiêu hàng ngàn hecta
đất canh tác nên được trang bị thiết bị hiện đại,
các hồ nhỏ thường không được đầu tư tương
ứng vì chỉ phục vụ nhu cầu quy mô nhỏ hơn.
Điều này dẫn đến thiếu dữ liệu quan trọng, gây
khó khăn cho việc tính toán lũ, hay đánh giá
khả năng phục vụ thực tế của các hồ chứa này.
Việc áp dụng công nghệ viễn thám cho các
hồ chứa nhỏ gặp một số khó khăn, chủ yếu
do độ phân giải ảnh vệ tinh thường lớn từ 30-
250m và thời gian chụp không đồng đều làm
giảm độ chính xác phân tích. Để khắc phục
hạn chế, nhóm nghiên cứu đã mở rộng phạm
vi tìm kiếm ảnh chụp từ hai vệ tinh Landsat 8
và Sentinel 2 - L2A, có chất lượng và độ
phân giải cao hơn. Mục tiêu là đánh giá tính
khả thi của công nghệ viễn thám trong việc
theo dõi biến động mực nước và dung tích hồ
của các hồ nhỏ thông qua nghiên cứu cụ thể
tại hai hồ Ba Chi và Ma Trai ở Ninh Thuận,
với diện tích lưu vực từ 3–3,75 km². Nghiên
cứu này không chỉ minh chứng khả năng ứng
dụng của viễn thám đối với các hồ nhỏ mà
còn mở ra hướng đi mới trong quản lý nguồn
nước tại những khu vực có diện tích lưu vực
hạn chế.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nhóm nghiên cứu sử dụng ảnh vệ tinh
Landsat 8 và Sentinel 2 - L2A để tạo ranh
giới đường mặt nước hồ Ba Chi và Ma Trai
bằng chỉ số NDWI (Normalized Difference
Water Index) được biểu diễn ở công thức (1),
trong đó công thức (2) được áp dụng cho ảnh
vệ tinh Landsat 8, và công thức (3) được áp
dụng cho ảnh vệ tinh Sentinel 2 - L2A. Từ
các chỉ số NDWI này, diện tích bề mặt hồ
được xác định và kết hợp với bảng tra quan
hệ giữa Mực nước - Diện tích - Dung tích (Z
- F - W) của 2 hồ chứa để tính toán mực nước
và dung tích.