2
Tiếp theo, xây dựng mô hình toán mô tả hệ thống tuabin gió và mô hình toán máy
phát PMSG. Ngoài ra, đề xuất phương pháp điều khiển: nghiên cứu các mô hình, các
công cụ toán học (phương pháp điều khiển dòng điện stator trục d, các giải thuật tìm
kiếm tối ưu, phương pháp điều khiển neuron). Cuối cùng, mô phỏng và đánh giá kết
quả: mô phỏng kiểm chứng và đánh giá tính hiệu quả thông qua việc so sánh các
phương pháp điều khiển tối ưu. Giải pháp đề xuất bộ điều khiển kết hợp giữa bộ điều
khiển bám điểm công suất cực đại dùng mạng nơ-ron dựa trên các thuật toán điều
khiển thông minh và kỹ thuật điều khiển dòng stator trục d cho phía máy phát ở hệ
thống năng lượng gió dùng PMSG.
4. Bố cục của luận án
Sau nội dung giới thiệu phần mở đầu như đã trình bày, luận án được chia thành
4 chương. Chương 1 là giới thiệu tổng quan về năng lượng gió. Chương 2 trình bày
các phương pháp điều khiển dòng điện stator trục d trong hệ thống điện gió, chương
3 giới thiệu các thuật toán thông minh cho bộ điều khiển bám điểm công suất cực
đại trong hệ thống năng lượng gió dùng PMSG. Chương 4 trình bày thiết kế bộ điều
khiển bám điểm công suất cực đại dùng RBFN cho PMSG trong hệ thống năng lượng
điện gió. Cuối cùng là phần kết luận và hướng phát triển của luận án.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Nghiên cứu chỉ ra bộ điều khiển phía máy phát đạt được giá thành thấp (kinh tế),
đáp ứng tốt (kỹ thuật). Ngoài ra, là cơ sở nền tảng cho ứng dụng thực tiễn về điều
khiển hệ thống máy phát gió.
CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ NĂNG LƯỢNG GIÓ
1.1 Tổng quan về năng lượng gió
1.1.1 Tình hình phát triển năng lượng gió trên thế giới
Sản lượng điện gió trên thế giới trong gần mười năm trở lại đây đã tăng trưởng
rất nhanh với tốc độ 28%/năm, cao nhất trong tất cả các nguồn năng lượng hiện có.
Sự tiến bộ và phát triển về mặt công nghệ, công suất, hiệu quả và độ tin cậy của các
trạm điện gió đã không ngừng gia tăng, đồng thời giá thành điện gió được giảm
xuống nhiều lần.
1.1.2 Tình hình phát triển năng lượng gió ở Việt Nam
❖ Tiềm năng năng lượng điện gió
Một số nghiên cứu đánh giá chỉ ra rằng Việt Nam có tiềm năng về điện gió lớn
nhất so với các nước trong khu vực để phát triển các dự án điện gió quy mô lớn.