intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hiểu biết tài chính và vấn đề giáo dục tài chính cho người tiêu dùng

Chia sẻ: Manoban Lisa | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

52
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết chia sẻ vấn đề này thông qua việc làm rõ khái niệm, tầm quan trọng của hiểu biết tài chính và giáo dục tài chính cho người tiêu dùng; chỉ ra mức độ hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng và những rủi ro mà người tiêu dùng gặp phải; từ đó đưa ra một vài gợi ý cho việc xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, góp nâng cao sự hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hiểu biết tài chính và vấn đề giáo dục tài chính cho người tiêu dùng

  1. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” HIỂU BIẾT TÀI CHÍNH VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC TÀI CHÍNH CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG FINANCIAL LITERACY AND FINANCIAL EDUCATION FOR CONSUMERS TS. Nguyễn Văn Lương1, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung2 Tóm tắt – Những mất mát, khó khăn khi sử dụng dịch vụ tài chính là những rủi ro mà người tiêu dùng có thể gặp phải, trong đó sự thiếu hiểu biết về tài chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vì vậy, cần phải làm gì để cải thiện kiến thức tài chính của người tiêu dùng? Tham luận chia sẻ vấn đề này thông qua việc làm rõ khái niệm, tầm quan trọng của hiểu biết tài chính và giáo dục tài chính cho người tiêu dùng; thể hiện/mức độ hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng và những rủi ro đi kèm; từ đó, đưa ra một vài gợi ý cho việc ban hành chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, góp phần nâng cao hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng Việt Nam. Từ khóa: hiểu biết tài chính, giáo dục tài chính, người tiêu dùng. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Theo Báo cáo thường niên 2019 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2019, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục đã nhận được 9.295 cuộc gọi đến, trong đó lĩnh vực tài chính – ngân hàng được người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại nhiều nhất [1]. Vấn đề được người tiêu dùng phản ánh nhiều ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng là việc thu nợ kèm đe dọa, quấy rối. Đó là một phần của câu chuyện về tài chính của người tiêu dùng – giải quyết vấn đề cân đối ngân sách gia đình, tìm nguồn nào để trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình. Tuy vậy, câu chuyện về tài chính của người tiêu dùng không chỉ là việc tìm nguồn mà việc chi tiêu, tiết kiệm, việc tài trợ giáo dục trẻ em, việc dành dụm một phần thu nhập đảm bảo cho cuộc sống khi về già… cũng không kém phần quan trọng. Những vướng mắc, mất mát, khó khăn khi sử dụng các dịch vụ tài chính là rủi ro mà người tiêu dùng phải đối mặt, trong đó, sự thiếu hiểu biết về tài chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vậy, cần phải làm gì để nâng cao sự hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng? 1 Trường Đại học Trà Vinh 2 Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP. Hồ Chí Minh; Email: nhungdhnh@yahoo.com 17
  2. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” Bài viết chia sẻ vấn đề này thông qua việc làm rõ khái niệm, tầm quan trọng của hiểu biết tài chính và giáo dục tài chính cho người tiêu dùng; chỉ ra mức độ hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng và những rủi ro mà người tiêu dùng gặp phải; từ đó đưa ra một vài gợi ý cho việc xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, góp nâng cao sự hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng Việt Nam. 2. KHÁI NIỆM, TẦM QUAN TRỌNG CỦA HIỂU BIẾT TÀI CHÍNH VÀ GIÁO DỤC TÀI CHÍNH CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG Mặc dù cho đến nay vấn đề khái niệm về “hiểu biết tài chính” vẫn chưa có sự thống nhất, vẫn được diễn giải theo nhiều cách khác nhau trong mỗi nghiên cứu, mỗi chương trình, dự án… Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng khái niệm của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), đây là đơn vị đầu tiên lập ra Dự án Giáo dục Tài chính. Theo OECD [2], “hiểu biết tài chính” được định nghĩa là tổng hợp nhận thức, kiến thức, kĩ năng, thái độ và hành vi tài chính cần thiết để có thể đưa ra các quyết định tài chính lành mạnh và cuối cùng đạt được lợi ích tài chính. Thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về tài chính thì bản thân người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lên cân đối ngân sách cho gia đình mình, cho bản thân mình. Họ không thể cân đối các khoản chi trong gia đình; không biết nên đầu tư cho con cái bao nhiêu; không biết nên mua nhà hay chỉ nên thuê nhà; không biết nếu mua nhà thì cần tiết kiệm bao nhiêu, tiết kiệm như thế nào; nên để tiền trong ngân hàng hay đầu tư; đầu tư vào đâu, khả năng rủi ro thế nào; thiếu nguồn thì tìm ở đâu… Khi thiếu những hiểu biết cần thiết về tài chính thì sẽ có những quyết định tài chính chưa chuẩn xác là điều không tránh khỏi. Thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về tài chính cũng có nghĩa là ngay cả những sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện có cũng như các yêu cầu cần thiết để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đó người tiêu dùng cũng không hiểu hết. Điều này đã khiến họ thiếu sự tự tin, ngại tiếp cận và thường có thái độ không tin tưởng đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, kể cả những sản phẩm, dịch vụ trên thị trường tài chính chính thức. Đây sẽ là rào cản lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, mở cơ hội cho sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ tài chính phi chính thức mà thường gọi là thị trường tài chính chợ đen. Thiếu hiểu biết về tài chính, không có những kiến thức tài chính tối thiểu, người tiêu dùng không những có thể rơi vào tình trạng thiếu tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt thường xuyên, mà còn không thể trang trải những chi phí phát sinh ngoài dự kiến. Trong tình huống xấu nhất, có thể rơi vào nợ nần chồng chất hoặc trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo – tình trạng nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Cũng theo OEDC, “giáo dục tài chính” được hiểu là “một quá trình trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư cải thiện sự hiểu biết về các sản phẩm tài chính, các 18
  3. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” khái niệm và rủi ro tài chính, dựa trên những thông tin, hướng dẫn và tư vấn khác mà phát triển các kĩ năng, sự tự tin để nhận biết các rủi ro cũng như cơ hội tài chính, từ đó đưa ra các quyết định trên cơ sở đầy đủ thông tin, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, và hành động một cách hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng tài chính của mình” [3]. Giáo dục tài chính không chỉ giúp người tiêu dùng nắm được thông tin về các sản phẩm tài chính hiện có và các nhà sản xuất, cung ứng chúng, cũng như các các kênh nhận thông tin từ các dịch vụ tư vấn hiện có; mà còn giúp họ nâng cao năng lực trong sử dụng các dịch vụ tài chính, sử dụng thông tin hiện có trong quá trình ra quyết định khi thực hiện các khoản thanh toán, khi đánh giá rủi ro, khi so sánh các lợi thế của dịch vụ tài chính khác nhau. Người tiêu dùng có hiểu biết tài chính, có kiến thức tài chính cơ bản thường biết lập kế hoạch tài chính thông minh, cân đối khá tốt các khoản thu nhập và chi phí của gia đình; sống bằng tài sản của bản thân mà hầu như không có các khoản nợ không cần thiết; có kế hoạch dự phòng trước những tình huống không lường trước và chuẩn bị cho vấn đề hưu trí của bản thân; biết mua các sản phẩm và dịch vụ tài chính có chọn lọc; thậm chí còn có khả năng khởi nghiệp và biết xây dựng các dự án kinh doanh. Tất cả những điều đó có thể giúp các gia đình tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiểu biết tài chính có thể coi là kết quả của giáo dục tài chính vì nhờ có giáo dục tài chính, con người mới hiểu biết tài chính một cách rõ ràng và từ đó có thể vận dụng chúng một cách hiệu quả hơn trong cuộc sống. Mức độ hiểu biết tài chính cá nhân có thể được cải thiện nhờ vào mức độ tích cực và hiệu quả của các hoạt động giáo dục tài chính. “Chúng tôi, các Bộ trưởng Tài chính của các nước APEC, công nhận rằng am hiểu tài chính là một kĩ năng thiết yếu của tất cả mọi người sống trong thế kỉ 21, và là một thành phần quan trọng trong nỗ lực của mỗi quốc gia vì sự ổn định kinh tế, tài chính, vì sự phát triển của mọi thành phần xã hội, và sự thịnh vượng của mỗi cá nhân và gia đình. Vì vậy, chúng tôi ghi nhận rằng giáo dục tài chính trong trường học là một phần vô cùng quan trọng của giáo dục thế kỉ 21”- Theo ý kiến chuyên gia về giáo dục tài chính [4]. 3. MỨC ĐỘ HIỂU BIẾT TÀI CHÍNH CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ RỦI RO KHÓ TRÁNH Một điều tra về khả năng tiếp cận tài chính của người dân do OECD thực hiện năm 2013 [5] với nhiều quốc gia đã kết luận hầu hết các cuộc điều tra về tài chính ngân hàng tiến hành trên toàn thế giới cho thấy một phần lớn dân số không có đủ kiến thức, thậm chí là kiến thức cơ bản, để hiểu về sản phẩm tài chính và rủi ro liên quan các sản phẩm tài chính. Một bộ phận lớn các cá nhân không biết lập kế hoạch ngân sách cho tương lai và không thực hiện hiệu quả quyết định quản lí tài chính của mình. Khảo sát của Standard & Poors [6] cũng chỉ ra trên thế giới chỉ có 24% số người trưởng thành được trang bị kiến thức cơ bản về quản lý tài 19
  4. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” chính cá nhân, bao gồm bốn nội dung căn bản: Lãi suất; Tính lãi kép; Lạm phát và Đa dạng hóa rủi ro. Standard & Poors [6] cũng cho biết có đến gần ¾ những người trên 18 tuổi tại Châu Á không hiểu rõ về các vấn đề tiền bạc, bao gồm cả những chuyện cơ bản như lạm phát và hạn chế rủi ro. Còn theo một báo cáo của Trung Quốc về sự thiếu hiểu biết tài chính của người trưởng thành Châu Á [7], có đến 63% người tiêu dùng thẻ tín dụng đang thiếu hiểu biết về tài chính và chỉ có 28% người dân có am hiểu thực sự. Đây là một điều khá nguy hiểm khi số người sử dụng thẻ ngày càng tăng cao. Thiếu hiểu biết tài chính của người tiêu dùng Việt Nam cũng trong tình trạng chung, thậm chí còn cao hơn một số nước ở Châu Á. Theo số liệu thống kê sau điều tra của Standard & Poor’s năm 2014 [6], chỉ có 24% người trưởng thành của Việt Nam có hiểu biết về tài chính, thấp hơn Trung Quốc (28%), Indonesia (32%), Malaysia (36%), Philippines (25%), Thái Lan (27%), chỉ cao hơn Campuchia (18%). Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 của OECD [8], Việt Nam chỉ đứng vị trí 103/144 quốc gia được khảo sát về mức độ sẵn có đối với dịch vụ tài chính và chỉ 24% người trưởng thành của Việt Nam được xếp vào nhóm có trình độ dân trí về tài chính ở mức cao. Phần lớn người dân cho rằng mình chỉ biết đại khái và thậm chí hoàn toàn không hiểu gì về hình thức mua sắm hay vay tiêu dùng. Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số người được hỏi đã nghe và hiểu về cụm từ cho vay khách hàng cá nhân chỉ chiếm 51%. Một cuộc khảo sát ở 7 trường trung học của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với đối tượng học sinh từ 13-18 tuổi thu được kết quả như sau: chỉ có 17,2% số học sinh biết tiết kiệm và chi tiêu một phần tiền có được; 8,8% chi tiêu toàn bộ số tiền có được và số còn lại không biết tiêu tiền hoặc tiết kiệm. Những con số trên đã lý giải cho việc tại sao tính đến năm 2017, mức độ phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ xếp thứ 112/176 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng ở vị trí 22/37 tại khu vực châu Á [9]. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư của người tiêu dùng cũng tăng lên. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm thế giới có gần 150 triệu người tiêu dùng mới tham gia vào thị trường tài chính [10]. Tuy nhiên, trên thị trường, những sản phẩm, dịch vụ tài chính, đặc biệt là những giao dịch tài chính online, ngày càng nhiều và đa dạng. Nhiều sản phẩm tài chính phát triển vượt trội, là những sản phẩm dựa trên những đổi mới và sáng tạo liên tục của công nghệ, do đó, nhiều trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành chưa theo kịp. Mặt khác, sản phẩm tài chính vốn đã có đặc tính khó hiểu và phức tạp với đại bộ phận dân cư, nhất là trong những vùng có nhận thức tài chính thấp, từ đó sẽ tạo những nguy cơ tranh chấp hoặc rủi ro không đáng có. Hơn nữa, sự mất cân đối thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính giữa người tiêu dùng và tổ chức cung ứng 20
  5. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” đã đặt người tiêu dùng tài chính vào thế bất lợi. Sự mất cân đối này càng lớn khi kinh nghiệm tài chính của người tiêu dùng thấp. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tài chính một mặt vẫn đảm bảo khách hàng được phục vụ tốt nhưng mặt khác đã lợi dụng lợi thế thông tin để kiếm lời bất chính, gây mất niềm tin vào thị trường tài chính chính thức. Vì vậy, nếu không hiểu được sản phẩm, cũng không có năng lực sử dụng sản phẩm thì rủi ro đến với người tiêu dùng là điều không tránh khỏi. Kinh doanh ngoại hối online, cho vay tiêu dùng online, sàn vàng ảo… chỉ cần mở điện thoại là hàng trăm lời mời gọi – đó thực sự là những cái bẫy chờ sẵn người tiêu dùng thiếu hiểu biết về tài chính. - Bẫy từ sàn vàng ảo. Theo quảng cáo trên sàn vàng ảo, nhà đầu tư tưởng rằng chỉ cần bỏ ra ít tiền để mở tài khoản, sau đó giao dịch vàng và thu về hàng đống tiền. Tuy nhiên, những người này đã không được cảnh báo một sự thật rằng chơi vàng tài khoản có tính rủi ro rất cao. Hợp đồng giữa hai bên thường lỏng lẻo theo hướng bất lợi cho người tham gia sàn vàng còn nhà đầu tư phải chịu chi phí cắt cổ khi muốn xin tư vấn. Tờ China Daily của Trung Quốc [11] cho biết, theo kết quả điều tra mới nhất, có hơn 5.000 nhà đầu tư đã bị thiệt hại nặng với số tiền tổng cộng 380 tỉ nhân dân tệ, tương đương 59,62 tỉ USD trong vụ sàn vàng chui này. Sàn vàng ở Việt Nam ra đời vào tháng 12/2007 và kéo dài đến ngày 30/3/2010. Chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng sàn vàng đã để lại những hậu quả nặng nề với nhiều vụ kiện đình đám. Một nhà đầu tư nói: “Từ chỗ được đón tiếp, mời chào, chúng tôi trở thành con nợ. Trong hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ thể hiện chúng tôi có người vay 10.000 chỉ vàng, người 8.000 chỉ vàng nhưng thực tế không ai nhận được 1 chỉ vàng nào. Vàng ảo nhưng nhà, đất thì mất thật, vợ chồng li dị, gia đình li tán. Tất cả chúng tôi đều “chết” trên sàn vàng” (Chị P.T.B.L.N trú tại quận Gò Vấp – TP.HCM) [12]. - Bẫy từ sàn giao dịch ngoại hối ảo. Một sàn giao dịch ảo khác cũng được hình thành: “Forex ảo” trên thị trường tự do thông qua Internet. Sàn này ra đời trên cơ sở các giao dịch ngoại hối – tiền là hàng hóa, là mặt hàng mua, bán hoặc hoán đổi. Rất đơn giản khi bất kỳ ai muốn “chơi Forex ảo”, chỉ cần lên Internet, có một ít tiền làm vốn ban đầu là có thể tham gia giao dịch 24/24h với những phần mềm kinh doanh Forex được các nhà môi giới cung cấp miễn phí, và điểm “hút” đó chính là người đầu tư có thể nhìn thấy ngay lợi nhuận sau giao dịch. Nhưng không phải ai cũng biết họ đang bị các nhà môi giới dẫn dụ bằng những dự đoán tưởng chừng như khách quan, có lợi cho người đầu tư rồi sa đà và “cháy vốn” lúc nào không hay. Trên những sàn giao dịch ảo, nhiều chiêu trò đã được giăng sẵn cho nhà đầu tư như tài khoản bị hacker tấn công, tài khoản bị phong tỏa để kiểm tra, mất mạng, lỗi hệ thống, lệnh bán không khớp lệnh, giao dịch bị nhầm lẫn… Người tiêu dùng thiếu hiểu biết tài chính rất dễ dàng bị sập bẫy. - Bẫy từ cho vay tiêu dùng online.Tình trạng vay tiêu dùng online ở Việt Nam hiện nay cũng khá phổ biến. Các công ty tài chính, công ty thu nợ hoặc công ty cho vay tiêu dùng bị nhiều người tiêu dùng khiếu nại. Tình trạng đòi nợ khủng 21
  6. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” bố và thậm chí người không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe doạ, ép buộc trả nợ. Ngay cả người thân, bạn bè, đối tác của người vay cũng bị nhân viên thu hồi nợ ráo riết tìm đến nhằm gây sức ép với người vay tiền. Một số trường hợp bị rủi ro có thể kể như Chị PTTM, ngụ Tiền Giang đã tải ứng dụng Vayvay để vay tiền; anh HTH ở Từ Sơn, Bắc Ninh và anh ĐTM ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội – là những nạn nhân của “cho vay ngang hàng”… [13]. Đây là hậu quả của tình trạng vay online phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Với những thủ tục đơn giản, chỉ cần ảnh chụp giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe hoặc có website hay facebook riêng... mà không cần gặp mặt, rất nhanh chóng – sau khoảng 30 phút, thậm chí chỉ vài phút là khách hàng đã vay được tiền nhưng với lãi suất cực cao và tình trạng đòi tiền như khủng bố. Nếu không trả được nợ thì khách hàng sẽ được gợi ý tải một app khác để vay rồi trả nợ – cứ như thế, cái vòng luẩn quẩn này làm “người vay rơi vào mê hồn trận không rút ra được” (anh HTH) và kết quả là số nợ phải trả của khách hàng tăng lên nhanh chóng. - Thời gian gần đây ZaloBank cũng là một cái tên được nhắc khá nhiều. Cái tên này gợi cho ta hình ảnh của một ngân hàng và trên thực tế không ít người đã nghĩ và tin rằng nó là một ngân hàng – nhưng thực tế không phải như vậy Theo giới thiệu trên trang chủ của ứng dụng này, ZaloBank là trung gian kết nối người dùng với các ngân hàng, tổ chức tài chính. Sau khi đăng kí hồ sơ điện tử khách hàng sẽ được vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm, tối đa 500 triệu đồng trong thời hạn tối đa đến 5 năm, giải ngân nhanh từ 15-30 phút, lãi suất ưu đãi... Điều kiện vay thật dễ chịu, tuy nhiên, người vay phải thật tỉnh táo, phải tìm đáp án để đưa ra quyết định sáng suốt vì mức lãi suất cho vay mà ZaloBank thông báo rất cao so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay khi lên tới 17% – 45%/năm. Bên cạnh đó, cũng cần thận trọng vì Ngân hàng Nhà nước đã công bố không cấp phép cho cái gọi là ZaloBank, nghĩa là ứng dụng này không được cấp phép hoạt động cho vay, huy động vốn cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng trực tuyến. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là minh chứng rõ nhất cho sự thiếu hiểu biết tài chính của người tiêu dùng và những hậu quả năng nề của nó. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng đã chỉ ra sự thiếu hiểu biết tài chính với tình trạng khá phổ biến của việc mua bán, kinh doanh, đầu tư… thiếu tính toán, thiếu suy xét, thậm chí còn theo cảm xúc chính là nguyên nhân có thể làm đảo lộn hệ thống tài chính thế giới. Bộ phim “The Big Short” đã lột tả phần nào sự thật này, trong đó ngay cả những cô gái “làng chơi” cũng có thể sở hữu 4-5 căn hộ từ nguồn vay nợ [14]. Tóm lại, sự thiếu hiểu biết tài chính của người tiêu dùng trên thực tế đã tác động tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống tài chính và cả các nền kinh tế cũng như đến từng cá nhân hoặc hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Chính vì thế cần có giải pháp nâng cao hiểu biết về tài chính như: giáo dục, đào tạo các kĩ năng và năng lực tài chính. Việc giáo dục tài chính sẽ giúp người tiêu 22
  7. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” dùng tiếp cận và sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ tài chính, cũng như quản lí tốt hơn tình hình tài chính của mình. Không chỉ đối với các nhà đầu tư, giáo dục tài chính ngày càng quan trọng, cần thiết hơn đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Việc giáo dục để nâng cao hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của chính phủ các nước do những tác động quan trọng của hoạt động này tới sự thịnh vượng của mỗi cá nhân cũng như tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. 4. KHUYẾN NGHỊ OECD đã bắt đầu Dự án Giáo dục Tài chính vào năm 2003 với mục tiêu thông qua việc xây dựng các nguyên tắc hiểu biết tài chính phổ biến để cung cấp và hỗ trợ cho các quốc gia trong việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục tài chính, góp phần nâng cao kiến thức tài chính cho người tiêu dùng. Cho đến nay, giáo dục tài chính không còn vấn đề mới mẻ trên thế giới, nó đã thu hút được sự quan tâm của chính phủ nhiều nước. Đặc biệt, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – khi mà vấn đề hiểu biết tài chính trong cộng đồng càng trở nên quan trọng thì nhiều quốc gia đã đưa giáo dục tài chính lên thành các chiến lược quốc gia. Giáo dục tài chính thậm chí còn trở thành nhu cầu của nhiều người tiêu dùng. Một cuộc khảo sát Credit Karma/Qualtrics gần đây với 1.049 người Mĩ trưởng thành cho thấy có rất nhiều điều mà người Mĩ sẵn sàng từ bỏ để được giáo dục tài chính tốt hơn, bao gồm 35% số người được hỏi sẵn sàng từ bỏ giờ hạnh phúc, ứng dụng hẹn hò (29%), cà phê sáng (24%), ngày nghỉ (12%) và thậm chí cả đời sống tình dục của họ (số 8%). Hơn hai phần ba (67%) trong số họ sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho một ứng cử viên nào dành ưu tiên cho hoạt động giáo dục tài chính cá nhân [15]. Theo OECD [9], tính đến năm 2015, có 59 quốc gia đã và đang xây dựng chiến lược giáo dục tài chính với tư cách là chiến lược quốc gia. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, tính đến năm 2016, có 5 quốc gia đã thiết kế và triển khai các chiến lược này, trong đó, Malaysia và Singapore là những nước tích cực nhất. Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược hay dự án về giáo dục tài chính cho người tiêu dùng. Trên thực tế, chúng ta có quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, thông qua pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và không ít các hội thảo xoay quanh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ giải quyết một góc nhỏ của giáo dục tài chính, vẫn mới chỉ là bảo vệ cho người tiêu dùng tránh bị hại, bị lừa đảo, còn giáo dục tài chính sẽ giúp cho người tiêu dùng thông minh hơn. Một khi có hiểu biết và kiến thức tài chính, họ không chỉ sử dụng sản phẩm và dịch vụ tài chính hiệu quả hơn mà còn có thể tự bảo vệ được quyền lợi của mình. Do vậy, ta không thể chỉ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng thay cho giáo dục tài chính được. Thời gian qua, hệ thống tài chính của Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh mẽ, nhiều sản phẩm tài chính mới ra đời, hầu hết những sản phẩm tài chính hiện đại với hàm lượng trí tuệ cao cũng đã có mặt ở Việt Nam. Ngày nay, không 23
  8. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” cần đến ngân hàng rút tiền, người tiêu dùng vẫn có thể đầu tư, mua bán qua điện thoại, Internet… Chúng ta rất tự hào về điều này. Tuy nhiên, hiểu biết về tài chính của người tiêu dùng Việt Nam thực sự còn rất hạn chế, sự thiếu hiểu biết này đang bị khai thác, bị lợi dụng quá nhiều, vì vậy cần nhanh chóng xây dựng chiến lược giáo dục tài chính quốc gia cho người tiêu dùng Việt Nam. Tất nhiên khi xây dựng chiến lược giáo dục tài chính cho người tiêu dùng Việt ta cần phải học hỏi những kinh nghiệm quý giá từ các quốc gia đi trước. Sau đây là một vài gợi ý cho vấn đề này: Về nhóm đối tượng ưu tiên: Xác định toàn dân là đối tượng mục tiêu, bên cạnh đó tùy thuộc vào hoàn cảnh mà chọn ra những nhóm đối tượng cần phải tập trung hơn. Một số quốc gia đã tập trung vào các nhóm đối tượng như: chương trình giáo dục tài chính hướng tới phụ nữ (ở Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Ả rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kì), dành cho người nhập cư (Canada, Malaysia, Indonesia và Mexico), dành cho các chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Ả-rập Xê-út và Tây Ba Nha), dành cho người lao động, người có thu nhập thấp và người già (Malaysia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Hàn quốc, Thổ Nhĩ Kì và Mĩ), dành cho người tàn tật (Malaysia, Indonesia, Lào, Thái Lan)… Ở Việt Nam, thiết nghĩ: (i) Thế hệ trẻ – sẽ là nhóm cần tập trung ưu tiên giáo dục tài chính đầu tiên. Thế hệ trẻ Việt Nam cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính, hơn nữa họ là tương lai của quốc gia cho nên giáo dục tài chính cho thế hệ trẻ là cho cả hiện tại và cho cả tương lai. Hơn nữa, Internet phát triển, nhiều sản phẩm tài chính mới ra đời nên giới trẻ ngày càng có nhiều cám dỗ hơn, nhiều cách để vay hơn và cũng vay nợ nhiều hơn, … Theo khảo sát của USA Today, độ tuổi vỡ nợ đang trẻ hóa dần, hầu hết những vụ vỡ nợ là kết quả của nợ tích lũy. Bởi vậy, những người trẻ hơn, dưới 15 tuổi cũng có thể đang đi trên con đường dẫn tới tương lai vỡ nợ [16]. Đó là lí do chọn lựa thế hệ trẻ là nhóm ưu tiên đầu tiên trong chiến lược giáo dục tài chính quốc gia. Trước mắt sẽ triển khai cho toàn bộ thế hệ trẻ – không chỉ trong trường học mà cả ngoài xã hội thông qua các cấp học và thông qua các tổ chức đoàn thể. Nhưng khoảng 5 năm sau thì nên tập trung cho học sinh ở các cấp học (từ cấp 1 cho đến cấp 3, cao đẳng, đại học, trường dạy nghề…). Đưa giáo dục tài chính thành một chương trình đào tạo bắt buộc, tùy thuộc vào mức độ của cấp học. Nhóm thứ hai là những người có thu nhập thấp – đây là nhóm người ít am hiểu về tài chính nhất và cũng là nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong bất kì quốc gia nào. Hơn nữa, khi phân định các nhóm khác nhau thì thu nhập là tiêu thức dễ phân định hơn cả. Về định hình nội dung chương trình giảng dạy về giáo dục tài chính. Có rất nhiều vấn đề về tài chính cần phải trang bị cho người tiêu dùng như: nhận biết các sản phẩm tài chính, chọn và quản lí thẻ tín dụng, nắm bắt các thông tin tài 24
  9. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” chính, hiểu về kĩ năng tài chính, hay vấn đề cân đối ngân sách gia đình, quản lí tiền cơ bản… Tuy nhiên, cần tập trung vào những vấn đề nào trong khối kiến thức khổng lồ ấy lại phải tùy thuộc vào các nhóm đối tượng khác nhau vì với mỗi nhóm, nhu cầu về kiến thức tài chính thường khác nhau. Thiết nghĩ để có thể tìm ra sự lựa chọn phù hợp ta nên: (i) Chia nội dung giáo dục tài chính thành các khối kiến thức khác nhau; (ii) Thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện đối với người tiêu dùng trên toàn quốc. Tất nhiên, cho dù bằng cách nào thì chiến lược giáo dục tài chính cũng cần đặt ra yêu cầu xây dựng một chương trình giảng dạy về giáo dục tài chính xuyên suốt và liên tục cho các cấp học với mục tiêu hình thành kiến thức tài chính vững mạnh, có hệ thống và định hình thói quen tài chính tốt cho người tiêu dùng. Về cách thức tổ chức các kênh truyền đạt, đào tạo kiến thức tài chính Hãy xác định mục tiêu trước mắt trong chiến lược tài chính là thực hiện phổ cập tài chính cho toàn dân – vì hiện tại, phần đông người tiêu dùng Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về tài chính và do vậy giáo dục tài chính trước mắt cũng cần phải được triển khai trên tất cả các kênh có thể – không bỏ sót bất kì kênh nào. Trong đó có kênh khuyến khích như gia đình, cha mẹ; có kênh bắt buộc như các kênh truyền thông, các trường học, các đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp,… Mỗi kênh truyền thông đều phải có giờ giới thiệu về kiến thức tài chính; các đoàn thể tổ chức câu lạc bộ tìm hiểu về kiến thức tài chính, các trò chơi về tài chính…; các trường học đưa giáo dục tài chính thành một nội dung đào tạo bắt buộc; các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức dưới hình thức hội thảo, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức tài chính cho nhân viên, đưa sự hiểu biết về tài chính vào trong tiêu chuẩn tuyển dụng… Tất nhiên mức độ vẫn là tùy cấp học, tùy loại hình doanh nghiệp. Khi kiến thức tài chính về cơ bản đã được phổ cập hóa, mức độ hiểu biết tài chính của người tiêu dùng cao hơn – lúc đó sẽ xem xét và giảm bớt một số yêu cầu bắt buộc, ngoại trừ các trường học. Thay lời kết: Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “không phải bất động sản, hay cổ phiếu, hay quỹ tín thác, làm ăn kinh doanh, hay tiền có thể làm bạn giàu lên. Mà chính là thông tin, kiến thức, sự thông thái và hiểu biết, tức am hiểu tài chính, mới làm bạn trở nên giàu có. Trong thế giới hiện tại, giáo dục tài chính là tối cần thiết để tồn tại, cho dù bạn giàu hay nghèo, bạn thông minh hay không” [4]. Do vậy, người tiêu dùng Việt Nam rất cần có một chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính. 25
  10. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương Việt Nam. Báo cáo thường niên 2019. [2] Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC). PISA – Financial literacy Framework. 2012. [3] Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC). Improving Financial Literacy: Analysis of issues and policies. 2005. [4] Ý kiến chuyên gia về giáo dục tài chính. Truy cập từ https://www.gena.vn/y- kien-chuyen-gia-ve-giao-duc-tai-chinh/ [Ngày truy cập 22/11/2020]. [5] Tuyết Nhi. Giáo dục tài chính là gì? Ngày đăng 23/3/2020. Truy cập từ https://vietnambiz.vn/giao-duc-tai-chinh-financial-education-la-gi- 2020032314170455.htm [Ngày truy cập 22/11/2020]. [6] Đặng Kim Chinh. Tình hình thiếu hiểu biết về tài chính cá nhân. Ngày đăng 19/9/2019. Truy cập từ https://moneyoi.io/blogs/tu-chu-tai-chinh/tinh-hinh- thieu-hieu-biet-ve-tai-chinh-ca-nhan [Ngày truy cập 22/11/2020]. [7] Hạnh Đinh. ¾ người trưởng thành tại Châu Á thiếu hiểu biết về tài chính. Ngày đăng 04/12/2015. Truy cập từ http://www.baoventd.org/3-4-nguoi- truong-thanh-tai-chau-a-thieu-hieu-biet-ve-tai-chinh-20613.html [Ngày truy cập 22/11/2020]. [8] Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC). Global competitiveness report 2015- 2016. [9] Thuỳ Lê. Giáo dục tài chính- nền tảng để phát triển tài chính toàn diện. Truy cập từ http://www.baokiemtoannhanuoc.vn/van-de-hom-nay/giao-duc-tai- chinh---nen-tang-de-phat-trien-tai-chinh-toan-dien-141006 [Ngày truy cập 22/11/2020]. [10] Diệu Nhi. Bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Truy cập từ https://vietnambiz.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-tai-chinh-financial-consumer- protection-la-gi-vai-tro-2019101717402036.htm [Ngày truy cập 17/11/2020] [11] Việt Linh (An ninh thủ đô). Báo động nạn lừa đảo trên sàn vàng ảo. Truy cập từ https://www.24h.com.vn/tai-chinh-bat-dong-san/bao-dong-nan-lua-dao- tren-san-vang-ao-c161a472411.html [Ngày truy cập 17/11/2020] [12] Sàn vàng ảo Việt Nam- những cú lừa triệu đô. Truy cập từ https:// baodatviet.vn/kinh-te/san-vang-ao-viet-nam-doi-dien-nhung-cu-lua-trieu-do- 2222584/. [Ngày truy cập 22/11/2020] [13] Tín dụng đen đang hoành hành sự an toàn của công nhân lao động. Truy cập từ https://cafef.vn/tin-dung-den-dang-hoanh-hanh-de-doa-su-an-toan-cua- cong-nhan-lao-dong-2019110514220961.chn [Ngày truy cập 17/11/2020]. 26
  11. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” [14] Financial inclusison là gì ? Truy cập từ https://govalue.vn/financial- inclusion-la-gi/ [Ngày truy cập 17/11/2020] [15] https://www.creditkarma.com/insights/i/personal-finance-in-schools-survey [Ngày truy cập 17/11/2020] [16] 10 lý do nên dạy người trẻ hiểu biết về tiền bạc. Truy cập từ https://congnghe.vn/muc/kham-pha/tin/10-ly-do-nen-day-nguoi-tre-hieu-biet- ve-tien-bac-2109085 [Ngày truy cập 17/11/2020] 27
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2