
160
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA CƯỜNG CẬN GIÁP THỨ PHÁT
Ở BỆNH NHÂN BỆNH THẬN MẠN TÍNH
I. ĐỊNH NGHĨA
- Cường cận giáp trạng thứ phát (Secondary hyperparathyroidism) là một rối
loạn mắc phải, xảy ra thứ phát sau những rối loạn nguyên phát khác nhau, thường
thấy ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính (chronic disease – CKD), đặc biệt là
bệnh nhân suy thận mạn (STM) giai đoạn cuối dù bệnh nhân đã được điều trị thay
thế.
- Đặc trưng của cường cận giáp thứ phát (CCGTP) do STM là tình trạng tăng
chức năng của tuyến cận giáp để đáp ứng với tình trạng mất cân bằng calci -
phospho do suy giảm chức năng thận gây ra.
II. GIẢI PHẪU VÀ SINH LÝ CHỨC NĂNG TUYẾN CẬN GIÁP
- Tuyến cận giáp (TCG) là những tuyến nội tiết có kích thước rất nhỏ nằm
phía sau tuyến giáp. Tổng số lượng là 4 tuyến, bao gồm 2 TCG trên và 2 TCG dưới.
Đôi khi có người có 5 – 6 TCG (chiếm khoảng 2,5% dân số), thậm chí 7 – 8 tuyến
(hiếm gặp). Kích thước mỗi tuyến chỉ khoảng 6 x 3 x 2 mm.
- Tuyến cận giáp được cấu tạo gồm hai loại tế bào là tế bào chính và tế bào
ưa oxy. Tế bào chính là thành phần cấu tạo chủ yếu của TCG, có chức năng bài tiết
ra hormon TCG (parathyroide hormon hay parathormon – PTH). Tế bào ưa oxy chỉ
bài tiết ra PTH trong các trường hợp bệnh lý.
- PTH được tổng hợp tại tế bào chính và được chứa trong các hạt dự trữ
trong bào tương tế bào TCG. PTH toàn phần (intact PTH) sau khi được giải phóng
vào máu có thời gian bán huỷ rất ngắn khoảng 2 - 4 phút.Thận là nơi thoái hoá chủ
yếu của PTH.
Tác dụng sinh học của PTH:
- Trên xương: PTH làm tăng hình thành huỷ cốt bào ở xương và tăng hoạt
hoá các tế bào này làm gia tăng quá trình huỷ xương, vì vậy làm tăng huy động
calci từ xương vào máu, làm tăng nồng độ calci máu.