Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ Văn hoá và Văn học Việt Nam: Bản sắc dân tộc trong thơ Ma Trường Nguyên
lượt xem 3
download
Luận văn hướng tới việc làm nổi bật những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật, tính sáng tạo, tính mới của thơ Ma Trường Nguyên, trong đó có cả thơ song ngữ. Từ đó thấy được nét riêng mang đậm bản sắc dân tộc cũng như những đóng góp của Ma Trường Nguyên đối với thơ ca dân tộc thiểu số nói riêng, thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. Mời các bạn tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ Văn hoá và Văn học Việt Nam: Bản sắc dân tộc trong thơ Ma Trường Nguyên
- ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN THỊ HUYỀN ANH BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG THƠ MA TRƯỜNG NGUYÊN LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Thái Nguyên - 2018
- ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN THỊ HUYỀN ANH BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG THƠ MA TRƯỜNG NGUYÊN Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8.220.121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Thị Ngân Thái Nguyên - 2018
- i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu trong luận văn đều trung thực và chưa từng được công bố trong một công trình nào khác. Thái Nguyên, tháng 4 năm 2018 Tác giả luận văn Nguyễn Thị Huyền Anh
- ii LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu, Khoa Sau đại học, Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và các Thầy, Cô giáo đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên hướng dẫn TS. Lê Thị Ngân đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong suốt thời gian tác giả nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn tới gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn. Thái Nguyên, tháng 4 năm 2018 Tác giả luận văn Nguyễn Thị Huyền Anh
- iii MỤC LỤC Trang TRANG BÌA PHỤ LỜI CAM ĐOAN ......................................................................................... i LỜI CẢM ƠN .............................................................................................. ii MỤC LỤC ................................................................................................... iii MỞ ĐẦU ...................................................................................................... 1 1. Lí do chọn đề tài ........................................................................................ 1 2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................... 4 3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu ............................................................ 6 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu ..................................................... 6 5. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................... 7 6. Cấu trúc của luận văn ................................................................................ 7 7. Đóng góp của luận văn .............................................................................. 7 Chương 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THƠ CA DÂN TỘC THIỂU SỐ HIỆN ĐẠI VÀ NHÀ THƠ MA TRƯỜNG NGUYÊN............................. 8 1.1. Vài nét về thơ ca dân tộc thiểu số hiện đại ............................................ 8 1.1.1. Giai đoạn trước năm 1945:...................................................................... 8 1.1.2. Giai đoạn 1945-1975:............................................................................ 11 1.1.3. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay: ........................................................... 24 1.2. Nhà thơ Ma Trường Nguyên - cuộc đời, con người và sự nghiệp sáng tác:................................................................................................................ 32 1.2.1. Vài nét về cuộc đời, con người nhà thơ Ma Trường Nguyên ............... 32 1.2.2. Sự nghiệp sáng tác của Ma Trường Nguyên:........................................ 34 1.2.3. Quan điểm sáng tác của Ma Trường Nguyên: ...................................... 37 Chương 2. CẢM HỨNG NỔI BẬT TRONG THƠ MA TRƯỜNG NGUYÊN.................................................................................................... 41 2.1. Cảm hứng về quê hương, con người miền núi:.................................... 41
- iv 2.2. Cảm hứng về tình yêu đôi lứa .............................................................. 61 2.3. Cảm hứng viết về phong tục, tập quán đậm bản sắc Tày .................... 69 Chương 3. NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT VỀ NGHỆ THUẬTTRONG THƠ MA TRƯỜNG NGUYÊN ......................................................................... 82 3.1. Hình ảnh thơ mang đậm sắc miền núi .................................................. 82 3.2. Ngôn ngữ thơ đậm chất Tày ............................................................... 104 3.3. Thơ song ngữ Tày- Việt: .................................................................... 113 PHẦN KẾT LUẬN .................................................................................. 126 TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................... 129 PHỤ LỤC
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Văn học các dân tộc thiểu số là một bộ phận của văn học Việt Nam, có vẻ đẹp, sắc thái riêng, in đậm bản sắc văn hóa các dân tộc anh em với nhiều cá tính sáng tạo độc đáo. Đối với lĩnh vực thơ ca, những nhà thơ các dân tộc ít người đã đóng góp vào nền thơ ca hiện đại Việt Nam một thế giới nghệ thuật thực sự mới lạ, sinh động với những gương mặt mới, những giọng điệu riêng. Mỗi người trong số họ đã tạo ra một tiếng nói, một gương mặt, một phong cách thơ riêng biệt, độc đáo, tạo nên một vườn hoa thơ dân tộc đầy hương sắc. Đó là các nhà thơ Bàn Tài Đoàn, Triệu Kim Văn (dân tộc Dao); Cầm Biêu, Vương Trung, Lò Văn Cậy, Lò Cao Nhum (dân tộc Thái); Mã Thế Vinh (dân tộc Nùng); Vương Anh (dân tộc Mường); Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy); Lâm Quý (dân tộc Cao Lan), Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí), Dư Thị Hoàn (dân tộc Hoa)….. Riêng đối với Dân tộc Tày, đã đánh dấu sự trưởng thành của nhiều gương mặt như: Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Triều Ân, Mai Liễu, Lương Định, Triệu Lam Châu, Vi Thị Kim Bình, Y Phương, Dương Thuấn, Ma Trường Nguyên... Có thể thấy ở mỗi tác giả đều gắn với những hoàn cảnh và điều kiện xã hội cụ thể, trong đó không thể phủ nhận vai trò góp sức của nhiều yếu tố khác trong xã hội. Hầu hết những gương mặt trên là những trí thức sống gắn bó với quê hương dân tộc mình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước, họ sống, lao động, chiến đấu gắn bó với thực tế và nhiều người trong số đó được học tập đào tạo, bồi dưỡng trở thành văn nghệ sỹ chuyên nghiệp như Triều Ân, Mã Thế Vinh, Y Phương, Ma Trường Nguyên... Hiện nay, chúng ta đã có một đội ngũ nhà thơ dân tộc thiểu số vững vàng về tay nghề và có đóng góp đáng kể cho nền văn học dân tộc nước nhà. Trong số đó có Ma Trường Nguyên, một trong những nhà thơ dân tộc Tày có bản sắc riêng. Cùng với các
- 2 nhà thơ khác, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học tỉnh nhà nói riêng và nền văn học các dân tộc thiểu số nói chung. Miệt mài “trên cánh đồng chữ nghĩa”, tính đến nay ông đã cho ra đời 20 đầu sách (8 tiểu thuyết, 6 tập thơ, 1 trường ca, 1truyện thiếu nhi, 1 tự truyện, 1 tập ký, 2 tập tiểu luận và phê bình). Sáng tác của nhà thơ Ma Trường Nguyên mang đậm hơi thở cuộc sống và con người miền núi với những yếu tố nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc. Ông đã đạt khá nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: Tiểu thuyết "Rễ người dài" (1996). Giải thưởng Hội VHNT các DTTS Việt Nam: Cây nêu, thơ (2007) giải C; Hiện đại mà dân tộc, tiểu luận (2010) giải Khuyến khích; Trên cánh đồng chữ nghĩa, tiểu luận (2012), giải Khuyến khích. Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": Chùm thơ 6 bài (2015) giải Khuyến khích. Giải thưởng VHNT tỉnh 5 năm: Trái tim không ngủ (thơ), giải C; Mũi tên ám khói, (tiểu thuyết) giải B 1997; Mùa hoa hải đường, (tiểu thuyết), giải B 2002; Câu hát vắt qua vai, (thơ) giải B, 2006; Dưới vòm cây thiên tuế (thơ) giải C; Điệu then Pác Bó, Cây ổi mọc trước cửa hang Pác Bó (thơ), giải B, 2014. 1.2. Đọc thơ Ma Trường Nguyên ta thấy dù ở đề tài nào các sáng tác cũng mang đậm chất Tày. Nguồn cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của ông, đó là tình yêu quê hương, đất nước, về những thay đổi lớn lao của số phận dân tộc, từ kiếp đói nghèo, nô lệ được làm chủ cuộc đời; về cuộc sống và con người miền núi, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, về những nơi tác giả đã từng qua… Và ở đề tài nào Ma Trường Nguyên cũng thể hiện một cách chân thực, giản dị như chính suy nghĩ và con người tác giả. Cùng với các bài thơ viết bằng tiếng Việt, Ma Trường Nguyên còn sáng tác thơ song ngữ Việt- Tày (Phuối đuổi căn; Roọng Slao; Khay cằm lượn noọng bên slung; Pắc nỉ; Sài Gòn cầư cụng mì tói…). Nghiên cứu thơ Ma Trường Nguyên, sẽ thấy ở đó những nét khác lạ. Dấu ấn, bản sắc văn hóa Tày hiện lên
- 3 đậm nét trong tác phẩm, trong trải nghiệm cuộc đời, ở chiều sâu văn hóa. Nhưng điều đáng trân quý ở nhà thơ Tày ấy là không bó hẹp chỉ trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày mà vượt lên, vươn xa như một dấu nối với thơ ca các dân tộc khác. Tác phẩm vì thế mà mở rộng biên độ, phong phú đề tài về cuộc sống, con người. Ông viết về những nét văn hóa, về vùng đất nơi ông sinh ra và lớn lên (Cây Nêu; Tiếng lá rừng gọi đôi …), về những vùng đất ông từng đặt chân đến, từng ghé thăm (Du thuyền trên sông Hương; Trước biển Cửa Lò; Nụ cười An Giang; Sào Gòn ai cũng có đôi; Sông Bến Hải…), kể cả ở nước ngoài (Dòng người viếng Lê Nin; Dâng hoa trước tượng Đài; Tôi làm thợ ảnh; Thăm bức tranh tròn nhà danh họa Ru- Bô; Đến Nam Ninh; Bến Thượng Hải…). Và điều quan trọng, các sáng tác của ông tuy thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc mình nhưng vẫn giao hòa với vùng văn hóa rộng lớn để hợp lưu thành con sông văn chương Việt Nam và nói như chính tác giả “Hiện đại mà dân tộc”. 1.3. Là một nhà báo công tác tại Đài PT- TH Thái Nguyên, đơn vị truyền thông với 4 loại hình Báo chí là Báo nói, Báo hình, Báo điện tử và Tạp chí PT- TH. Hiện Đài có chương trình phát thanh tiếng Tày; chuyên mục truyền hình: “Văn hóa và Du lịch”, “Dân tộc và Miền núi”, “Đất và Người Thái Nguyên”, “Văn học nghệ thuật”, “Gương mặt nghệ sỹ” cùng một số chương trình khác. Chính vì vậy tôi nhận thấy việc nghiên cứu thơ của Ma Trường Nguyên - nhà thơ người Tày, người con của Thái Nguyên là rất có ý nghĩa. Qua đó, sẽ giúp tôi hiểu hơn về thơ được sáng tác bằng tư duy và sáng tạo của người Tày, về nhà thơ và những đóng góp của ông đối với thơ ca dân tộc thiểu số nói riêng, thơ ca hiện đại Việt Nam nói chung. Đặc biệt, tôi sẽ hiểu sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Tày - một trong những dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên, cũng như có ý thức gìn giữ nép đẹp truyền thống quý báu đó thông qua việc thực hiện các tác phẩm báo chí. Từ đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gìn giữ và phát
- 4 huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). 2. Lịch sử vấn đề Ma Trường Nguyên là một nghệ sĩ đa tài. Ông không chỉ làm thơ, viết văn mà còn viết tiểu luận, phê bình. Ông bắt đầu bằng sáng tác thơ, rồi sau viết văn xuôi. Tác giả tâm sự rất hồn nhiên: “Cái gì mà thơ không nói được thì tôi nói trong tiểu thuyết; và ngược lại, cái gì không nói được trong tiểu thuyết tôi nói trong thơ”. Sống thật để viết thật. Viết từ tâm hồn không có chút giả dối. Chỗ mạnh và cái hay của tác phẩm Ma Trường Nguyên phần lớn là ở chỗ đó. Là nhà thơ dân tộc thiểu số có nhiều tác phẩm được công bố, được nhận giải thưởng của Trung ương và địa phương, có nhiều bài thơ để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, như đã nói ở trên, thơ Ma Trường Nguyên đã thu hút được một số người nghiên cứu, phê bình. Ma Trường Nguyên đã được nhắc đến qua một số công trình nghiên cứu về thơ dân tộc thiểu số nhưng còn rất ít: Tập sách Văn học dân tộc Việt Nam thời kỳ hiện đại- một số đặc điểm, NXB Đại học Thái Nguyên, 2015, do PGS.TS. Trần Thị Việt Trung và PGS.TS. Cao Thi Hảo đồng chủ biên; Tập sách Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Thái Nguyên, 2015 do PGS.TS. Trần Thị Việt Trung chủ biên. Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ viết về Ma Trường Nguyên với những tâm sự chân thật. Trung Trung Đỉnh cho đó là “Người đốt lửa bằng trái tim” với “dáng vẻ chân tình đến thật thà và hiền lành”. Ngô Quang Miện sau khi đọc xong thơ Ma Trường Nguyên đã cảm nhận: “Bắt gặp cái mộc mạc, hồn nhiên của những con người sống giữa thiên nhiên. Những câu thơ không khắc họa, không xoáy sâu nhưng để lại cái gì đó như một hương cây cỏ nguyên sơ, giữa một bầu không khí ban mai trong trẻo”. Phạm Tiến Duật cho đó là “tâm hồn nhiều say đắm”. Hồ Thủy Giang gọi đó là “một trái tim thức cùng năm tháng”
- 5 và “hiền lành một cách bẩm sinh”. Nguyễn Đức Thiện cho rằng Ma Trường Nguyên “nói năng chất phác, thật thà của người Tày gốc”, và “chất rừng núi, chất dân tộc đã được thể hiện sâu sắc không chỉ ở tả cảnh, tả người mà nó còn đậm đà trong tình cảm”….Chính vì vậy, Ma Trường Nguyên đã trở thành đối tượng nghiên cứu qua một số bài viết của các tác giả Phạm Tiến Duật, Ngô Quân Miện, Vũ Nho, Hoàng Quảng Uyên, Lê Xuân, Nguyễn Đức Hạnh, Lâm Tiến, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Thiện; một số bài viết phê bình trên các báo, tạp chí của các tác giả khác về thơ Ma Trường Nguyên, đặc biệt là thơ viết về tình yêu. Ngoài ra có luận văn tốt nghiệp đại học Hình tượng nhân vật phụ nữ trong một số tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên của tác giả Trần Thị Hạnh; Luận văn Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên (2013); luận văn Thơ Ma Trường Nguyên, Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh- từ góc nhìn văn hóa (2016). Và nói như Phạm Tiến Duật “Thơ Ma Trường Nguyên thấm đẫm giọng dân ca và âm điệu đàn Tính của dân tộc Tày nơi quê hương anh…” (Tạp chí “Diễn đàn văn nghệ Việt Nam”, số 4- 2004). Điểm lại lịch sử vấn đề nghiên cứu về các tác phẩm của Ma Trường Nguyên nói chung và thơ Ma Trường Nguyên nói riêng, chúng tôi thấy những bài nghiên cứu, phê bình mới chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận, đánh giá một số tác phẩm của nhà thơ, đặc điểm ngôn ngữ thơ cũng như về thể loại tiểu thuyết. Hiện nay chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu, khảo sát một cách có hệ thống về bản sắc dân tộc Tày trong thơ của Ma Trường Nguyên, trong đó có thơ song ngữ. Qua quá trình khảo sát, cùng với những ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu đi trước sẽ là những gợi ý quý báu cho việc triển khai đường hướng nghiên cứu của chúng tôi, để từ đó chỉ ra nét duyên riêng của nhà thơ “rất Tày” trong sự phát triển của văn học Việt Nam nói chung và văn học dân tộc thiểu số nói riêng.
- 6 3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu trực tiếp của luận văn là toàn bộ những sáng tác thơ của Ma Trường Nguyên. Nội dung chính của luận văn tập trung vào phân tích bản sắc dân tộc Tày trong thơ ông. Ngoài ra, còn tham khảo một số tập thơ của các tác giả dân tộc Tày khác như Y Phương; Dương Thuấn… để có sự so sánh, làm rõ hơn đặc điểm của thơ Ma Trường Nguyên cũng như sự đồng điệu của các nhà thơ dân tộc thiểu số khác cùng miền Đông Bắc. 3.2. Mục tiêu nghiên cứu Luận văn hướng tới việc làm nổi bật những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật, tính sáng tạo, tính mới của thơ Ma Trường Nguyên, trong đó có cả thơ song ngữ. Từ đó thấy được nét riêng mang đậm bản sắc dân tộc cũng như những đóng góp của Ma Trường Nguyên đối với thơ ca dân tộc thiểu số nói riêng, thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu Làm rõ đặc điểm về nội dung và nghệ thuật trong thơ Ma Trường Nguyên. Trên cơ sở đó, khẳng định những nét riêng, mang đậm chất Tày, những đóng góp của tác giả đối với sự phát triển của thơ ca dân tộc thiểu số Việt Nam và thơ ca Việt Nam thời kỳ hiện đại. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sẽ lựa chọn những phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: - Phương pháp tiểu sử; - Phương pháp thống kê, phân loại; - Phương pháp nghiên cứu liên ngành; - Phương pháp so sánh, đối chiếu; - Vận dụng một số phương pháp nghiên cứu theo hướng Thi pháp học.
- 7 5. Phạm vi nghiên cứu - 6 tập thơ, 1 trường ca của nhà thơ Ma Trường Nguyên. + Mát xanh rừng cọ, Sở Văn hóa Bắc Thái, 1985 + Trái tim không ngủ, Hội Văn nghệ Bắc Thái,1988 + Tiếng lá rừng gọi đôi, NXB Văn hóa Dân tộc, 1996 + Câu hát vắt qua vai, Hội Văn nghệ Thái Nguyên, 2005 + Cây Nêu, NXB Nhà văn, 2006 + Bắc cầu vồng thăm nhau, NXB Hội nhà văn, 2007 + Mở núi, NXB Hội nhà văn, 2011 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung chính của Luận văn bao gồm 3 chương: Chương 1: Khái quát chung về thơ ca dân tộc thiểu số hiện đại và nhà thơ Ma Trường Nguyên. Chương 2: Cảm hứng chủ đạo trong thơ Ma Trường Nguyên. Chương 3: Những điểm nổi bật về nghệ thuật trong thơ Ma Trường Nguyên. 7. Đóng góp của luận văn - Luận văn chỉ ra một số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật mang bản sắc dân tộc trong thơ Ma Trường Nguyên. - Khẳng định những đóng góp đáng trân trọng của nhà thơ Ma Trường Nguyên trong bộ phận thơ ca dân tộc thiểu số thời kì hiện đại. - Kết quả của luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho những người quan tâm nghiên cứu thơ ca dân tộc thiểu số và thơ ca Việt Nam nói chung; là tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy thơ ca dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục ở bậc phổ thông nói riêng. Đây cũng là tài liệu giúp bổ sung thêm kiến thức, hiểu biết phục vụ cho công việc chuyên môn của một người làm báo.
- 8 Chương 1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THƠ CA DÂN TỘC THIỂU SỐ HIỆN ĐẠI VÀ NHÀ THƠ MA TRƯỜNG NGUYÊN 1.1. Vài nét về thơ ca dân tộc thiểu số hiện đại Văn học hiện đại các dân tộc thiểu số nói chung, thơ ca hiện đại các dân tộc thiểu số nói riêng, từ lâu đã được khẳng định là một bộ phận văn học có vẻ đẹp, có sắc thái riêng, in đậm dấu ấn tâm hồn và giàu bản sắc văn hóa các dân tộc anh em, với nhiều cá tính sáng tạo độc đáo. Riêng trong lĩnh vực thơ ca, những nhà thơ các dân tộc ít người đã đóng góp vào nền thơ ca hiện đại Việt Nam một thế giới nghệ thuật thơ thực sự mới lạ, sinh động với những gương mặt mới, những giọng điệu riêng. Theo Trần Đăng Xuyền thì: Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của con người. Thơ của các nhà thơ dân tộc ít người là thứ nghệ thuật hai lần kì lạ, vì đây là tiếng nói hồn nhiên nhất, thể hiện tinh tế, sâu sắc điệu tâm hồn độc đáo của từng nhà thơ, qua đó làm ngời lên gương mặt tinh thần, vẻ đẹp tâm hồn của các dân tộc anh em trên đất nước thân yêu của chúng ta [61;6]. Trong mỗi giai đoạn phát triển, bên cạnh những nét truyền thống cơ bản, thơ ca các dân tộc thiểu số lại có những nét riêng phù hợp với sự phát triển và hoàn cảnh lịch sử. 1.1.1. Giai đoạn trước năm 1945: Theo một số nhà nghiên cứu thì văn học dân tộc thiểu số nói chung, thơ ca dân tộc thiểu số nói riêng đã xuất hiện từ thế kỷ XVII với hai tác giả dân tộc Tày Bế Văn Phùng và Nông Quỳnh Vân với hai bản trường ca Tam nguyên luận và bài Lượn tứ quý được viết bằng chữ Nôm Tày và thể thơ 7 chữ. Tiếp đó, cuối thế kỷ XIX xuất hiện thêm hai nhà thơ dân tộc Thái là Ngần Văn Hoan và Lò Văn Thứ. Hai tác giả này sáng tác thơ chủ yếu để hát. Nhân dân gọi Ngần Văn Hoan là sláy khắp, với nghĩa là người chuyên sáng tác thơ hát và hát rất giỏi. Ông kế thừa và vận dụng một cách thuần thục những truyện thần thoại,
- 9 truyện cổ tích, truyện thơ và tục ngữ, ca dao, dân ca Thái vào tác phẩm thơ hát của mình. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Lời hát nền Văn Hoan, là bài thơ dài 2.300 câu được viết với hình thức đối đáp của 2 nhân vật nam và nữ. Thơ ca Ngần Văn Hoan gần gũi với văn học dân gian, gần gũi với tiếng nói hàng ngày của người dân tộc. Với cách viết đó, ông đã đưa văn học dân gian Thái lên đỉnh cao mới, làm cho thơ dân gian Thái phong phú, trong sáng và giàu hình tượng. Tuy nhiên, đây chỉ là những hiện tượng lẻ tẻ và số lượng tác phẩm họ sáng tác cũng không nhiều, vì thi pháp lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian, và được viết bằng tiếng dân tộc, nên sức lan tỏa chỉ mang tính phạm vi vùng miền. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng với sự hình thành và phát triển của nền văn học quốc ngữ, văn học viết dân tộc thiểu số miền núi cũng đã xuất hiện với sự tham góp của nhiều tác giả ở nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có khá nhiều tác giả dân tộc Tày sáng tác thơ bằng chữ Hán như Hà Vũ Bằng, Bế Ích Bồng, Nông Đình Cấp, Bế Đức Cốm, Lê Văn Dự, Nông Đình Đối…Đặc biệt, có Hoàng Đức Hậu (1890 – 1945) là một hiện tượng đáng chú ý. Nhà thơ dân tộc Tày ở Cao Bằng này đã sáng tác bằng 3 loại ngôn ngữ Tày, Hán và Quốc ngữ. Trong số 121 bài thơ Đường luật ông để lại có 115 bài viết bằng chữ Tày, 3 bài là chữ Quốc ngữ và 3 bài bằng chữ Hán. Ông được coi là một hiện tượng độc đáo của văn học dân tộc thiểu số thời kì đầu thế kỷ XX. Đó là một nhà thơ có phong cách riêng và không ngừng tìm tòi, cách tân, sáng tạo thể thơ Đường luật để tạo nên tiếng nói riêng, cách thể hiện riêng, mới mẻ, độc đáo, không dùng hình tượng thơ mang tính ước lệ, khuôn sáo, như hình ảnh Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay Nguyệt, Phong, Vân… không mang tính khuôn mẫu, phù hợp với sự tiếp nhận của độc giả. Thơ ông không chỉ ảnh hưởng tới những nhà thơ cùng thời, mà còn ảnh hưởng tới những nhà thơ Tày thế hệ sau như Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Triều Ân, Dương Thuấn, Y Phương… Chính ông đã
- 10 góp phần làm nên một hiện tượng thơ độc đáo trong đời sống thơ ca dân tộc thiểu số cũng như thơ ca Việt Nam nói chung. Vào những năm 1930 - 1940, cùng với thơ ca cách mạng của đất nước, một mảng thơ cách mạng của các dân tộc thiểu số ra đời. Tác giả của mảng thơ này là những chiến sĩ người dân tộc thiểu số hoạt động cách mạng: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, Dương Công Hoạt… Nổi bật trong mảng thơ ca này là bài thơ “Nhắn bạn” của Hoàng Văn Thụ. Đây là bài thơ viết bằng tiếng Việt theo thể thơ Đường luật. Còn phần lớn các bài thơ khác được lồng vào các điệu dân ca quen thuộc. Với những sáng tác này, hiện thực cách mạng đã ùa vào đời sống văn hóa, văn học các dân tộc thiểu số và đặt nền móng vững chắc cho thơ ca cách mạng và kháng chiến của các dân tộc thiểu số Việt Nam phát triển. Những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của thơ ca thời kỳ này và sự phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn sau là Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Nông Minh Châu… Vào cuối những năm 40 của thế XX đã xuất hiện một số bài thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số có nội dung cách mạng, có tác dụng giác ngộ cao đối với quần chúng nhân dân các dân tộc vùng cao như Lùa chó dậy (1940) của tác giả Cầm Biêu; Dặn vợ, dặn con của Bàn Tài Đoàn (1944), Nông Quốc Chấn có bài Khóc đồng chí hay Mưa gió: ….. Đồi núi bốn bề những cơn gió lốc Ngược xuôi sôi sục nước lũ ngập ruộng nương Hùm báo gọi nhau đi kiếm ăn từng lũ, Chim muông bay nhảy để gìn giữ chim muông. Mặc gió mặc mưa, chúng ta đừng hoảng hốt! Ngày mai trời nắng, sông núi sẽ huy hoàng. Mang tính ẩn dụ cao, tác giả đã mượn hình ảnh của thiên nhiên để nói về hoàn cảnh hiện tại của đất nước, quê hương ông, và ở đây có tính tư tưởng rõ rệt: dù đất nước đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, loạn lạc, nhưng một tương
- 11 lai tươi sáng sẽ đến với đồng bào dân tộc. Có thể coi đây là bài thơ trữ tình mang tính hiện thực được viết với cảm hứng lãng mạn cách mạng đầu tiên của thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Có thể nói, thơ ca các dân tộc thiểu số giai đoạn trước năm 1945 tuy mới chỉ là sự bắt đầu, chưa phải đã có nhiều sáng tác nhưng cũng đã để lại dấu ấn riêng, đã có tính sáng tạo, đổi mới, có tính hiện thực cách mạng. Chính điều này đã góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền thơ ca dân tộc, cũng như đặt nền móng vững chắc cho thơ ca cách mạng và kháng chiến của các dân tộc thiểu số Việt Nam phát triển ở những giai đoạn sau. 1.1.2. Giai đoạn 1945-1975: * Giai đoạn 1945- 1954: Đây là thời kỳ thơ ca Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ, trong đó có thơ ca các dân tộc thiểu số. Hòa cùng dòng chảy chung của văn học dân tộc với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ca ngợi cách mạng, thơ ca của các tác giả dân tộc thiểu số giai đoạn này cũng góp một tiếng nói bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm, với nội dung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ nhưng chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta. Ở thời kỳ này, những nhà thơ dân tộc thiểu số đã xuất hiện từ trước năm 1945 đến nay tiếp tục phát triển với hàng loạt các sáng tác về cuộc sống, con người miền núi trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số các nhà thơ dân tộc thiểu số khác, đã hăm hở sáng tác những bài thơ thấm đẫm tinh thần yêu nước, tinh thần hi sinh vì nền độc lập dân tộc và lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Về tác giả, chủ đạo vẫn là những tên quen thuộc như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại (dân tộc Tày), Cầm Biêu, Lương Quy Nhân, Hoàng Nó (dân tộc Thái), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao)… Về tác phẩm, Nông Quốc Chấn đã có bài thơ Việt Bắc đánh giặc (1948), Khâu áo (1948), Dọn về làng (1950):
- 12 ….. Sáng mai về làng sửa nhà phát cỏ, Cày ruộng vườn, trồng lúa ngô khoai Mấy năm qua quên tết tháng Giêng, quên rằm tháng bảy, Chạy hết núi lại khe, cay đắng đủ mùi Nhớ một hôm mù mịt mưa rơi Cơn gió bão trên rừng cây đổ Cơn sấm sét lán sụp xuống nát cửa Ðường đi lại vắt bám đầy chân… Ngoài những bài thơ trên, Nông Quốc Chấn còn có các bài Đi Béc Linh về (1951), Đời chúng em (1952), Nói với các anh (1953), Rời rừng (1954) và Thư lên Điện Biên (1954); Tác giả Nông Minh Châu có Đêm Ba Khe (1952), Đuổi nhau (1952), Thầm ca (1953), Người thanh niên giữ Đèo Giàng (1953), Gửi anh bạn Triều Tiên (1953), Gửi anh Chương (1954), Hai lời gửi mẹ (1954); Nông Viết Toại có Pây bộ đội (Đi bộ đội), Lần truyện cáu (Nói chuyện cũ- 1954), Kin khẩu mấư (Ăn cơm mới- 1954); Cầm Biêu có Vợ lính ngụy mong chồng (1949), Gái thời giặc (1950), Mường muổi yên vui (1954); Lương Quy Nhân có Cán bộ với dân Mường (1947); Hoàng Nó có Tội ác giặc Pháp ở đồn Pom Nghê (1948); Bàn Tài Đoàn có Chiến thắng Nghĩa Lộ (1952), Mừng thủ đô giải phóng (1954); Bác về thủ đô… Chúng ta nhận thấy rằng, lớp nhà thơ đầu tiên của các dân tộc thiểu số đã được ra đời và trưởng thành luôn gắn liền với phong trào cách mạng Việt Nam. Hầu hết họ đều xuất thân từ các bản làng miền núi xa xôi, từ các gia đình lao động nghèo khổ, bị áp bức bóc lột nặng nề. Với điều kiện xuất thân như vậy nên giữa họ và nhân dân lao động miền núi không có khoảng cách. Họ gắn bó với nhân dân và đến với cách mạng một cách tự nguyện, tự nhiên. Mặt khác, họ đều được đắm mình trong mạch nguồn văn hóa, văn học dân gian dân tộc miền núi, được hấp thụ những tinh hoa văn hóa dân tộc một cách tự nhiên như ăn cơm, nước uống, như khí thở hàng ngày.
- 13 Nên có thể nói, cách mạng, quê hương miền núi và nền văn hóa dân gian dân tộc là 3 nguồn mạch chính đã tạo nên cảm hứng, nuôi dưỡng và phát triển thơ ca các dân tộc thiểu số trong những năm tháng đấu tranh cách mạng và trong cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc. Cũng ở giai đoạn này, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã cất lên tiếng nói cùng những suy nghĩ, những niềm tâm sự, những tình cảm chân thành, thiết tha và cảm động của dân tộc mình đối với cách mạng, đối với Đảng, với Bác Hồ vô vàn kính yêu. Sự kết hợp giữa tư tưởng yêu nước, yêu quê hương với lòng tự hào, tự tôn dân tộc đã tạo niềm hứng khởi và sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa và phát huy vốn văn hóa, văn học dân gian phong phú, giàu bản sắc cho các nhà thơ dân tộc thiểu số thời kỳ này. Các tác phẩm của họ đều đậm đặc chất dân tộc. Thơ họ gắn liền với thiên nhiên, với con người miền núi, gắn liền với những sự kiện, những biến động lớn lao của xã hội miền núi. Họ hướng ngòi bút vào việc phản ánh cuộc sống cách mạng và kháng chiến ở vùng dân tộc mình, về những tâm tư, cảm nhận, những nỗi niềm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhà thơ Bàn Tài Đoàn có bài thơ Kể chuyện đời có thể coi như tiếng nói tâm tình của người Dao từ trong đau khổ, đói rách và tăm tối đến với cách mạng: Người dân bụng đói và áo rách Dốt đặc chẳng biết chữ nào chơi Có hai mắt mà như mù cả Có tai như điếc cả cuộc đời… Nhà thơ người Thái Cầm Biêu lại khắc họa chân thực và sinh động số phận đau khổ, nhục nhã và bế tắc của người phụ nữ dân tộc mình dưới chế độ thực dân phong kiến qua bài thơ Gái thời giặc: Gái nhỏ thời sợ quan Gái to thời sợ lính... Hay bài thơ Vợ lính ngụy mong chồng: Hỡi anh ơi! Người chồng em ngàn năm yêu dấu Nghĩ tới anh, em những héo hon lòng...
- 14 Một trong những điều làm nên sức mạnh để con người vượt qua những thử thách, khó khăn trong thời kỳ này là niềm tin vào Đảng và Bác Hồ: ....Chính phủ Cụ Hồ rất thương dân Có chính sách khoan dung với người lầm đường lạc lối.. (Vợ lính ngụy mong chồng - Cầm Biêu) Thơ ca giai đoạn này có sự vận động, phát triển khá phong phú. Nhìn chung đã phản ánh được hiện thực cuộc sống, phản ánh những tâm tư, những cảm nhận, những nỗi niềm của con người miền núi trong những ngày kháng chiến gian khổ và anh dũng cùng những ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Về nghệ thuật, một trong những đặc điểm nổi bật của thơ ca giai đoạn này là sự ảnh hưởng và kế thừa thơ ca dân gian truyền thống. Đó là thể thơ 7 chữ 8 dòng, 7 chữ 4 dòng kéo dài, thơ Đường luật, lời thơ trong các làn điệu dân ca như lượn, sli, páo dung…Bàn Tài Đoàn là người sử dụng trung thành nhất thể thơ truyền thống xưa của dân tộc Dao. Thơ ông chủ yếu là thơ 7 chữ, nặng về phương thức tự sự, kể lể: Mẹ lại được nghe anh cán bộ Báo tin mừng giải phóng thủ đô Bộ đội ta vào như nước chảy Rầm rập cờ đỏ cắm đầy khắp nơi…. Vào cuối giai đoàn này, tức vào những năm đầu của thập kỷ 50, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã có nhiều bài thơ sáng tác theo thể thơ tự do, mang màu sắc hiện đại hơn. Tiêu biểu như bài “Bộ đội ông cụ” của Nông Quốc Chấn, bài thơ “Qua cánh đồng Lanh Chanh”, “Tay súng tay bay” của Nông Minh Châu… Đây là điểm rất đáng khẳng định của thơ ca giai đoạn này. Bên cạnh đó, một đặc điểm nổi bật cần nhắc đến của thơ dân tộc thiểu số thời kỳ này, là hầu hết các nhà thơ đều sáng tác bằng tiếng dân tộc, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm, diễn đạt đúng theo cách nói, cách nghĩ của đồng bào dân
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 677 | 93
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 673 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 308 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 232 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 256 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 153 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
173 p | 236 | 49
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 203 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 248 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 171 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 170 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 165 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 169 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 206 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 158 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 159 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 120 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 159 | 19
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn