1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Sự ô nhiễm dioxin tại Sân bay quân sự Biên Hòa do việc sử dụng, lưu giữ
và xử lý chất độc da cam cũng như các chất diệt cỏ khác trong Chiến tranh giữa
Việt Nam và Mỹ [1] [19]. Các sự cố gây tràn chất diệt cỏ ra ngoài môi trường lớn
nhất tại sân bay Biên Hòa đã được ghi nhận. Các khu vực bề mặt bị ô nhiễm bởi
thuốc diệt cỏ do tràn đổ được xả bằng nhiên liệu diesel hoặc nước để chuyển dòng
thoát nước vào các bể lắng hoặc hố để hòa vào đất [21].
Do đặc điểm địa hình của sân bay Biên Hòa là có nhiều ao hồ, địa hình dốc
về phía các khu dân cư lân cận và đặc biệt là sông Đồng Nai. Do vậy, khả năng lan
truyền của dioxin trong đất ra những vùng đất trũng, các ao hồ và về phía sông
Đồng Nai là có nguy cơ rất cao. Ngoài lượng lớn dioxin trong chất da cam thì chất
diệt cỏ được biết đến là một chất thuộc nhóm các chất hữu cơ khó phân hủy và có
chứa một hàm lượng kim loại đáng kể [22]. Hơn thế nữa, một số kim loại nặng đặc
biệt là Cadimi (Cd) tồn tại trong dầu Diesel [23]. Chính những nguyên nhân này
tiềm ẩn kim loại nặng tồn lưu trong môi trường đất nhiễm dioxin tại khu vực sân
bay Biên Hòa. Vì vậy, sự tồn lưu dioxin trong đất sẽ cần được ưu tiên và đánh giá,
nghiên cứu ở mức độ chi tiết, bên cạnh đó sự có mặt một số kim loại nặng trong đất
cũng cần được đánh giá và nghiên cứu tại sân bay quân sự Biên Hòa.
Loại bỏ chất ô nhiễm trong môi trường bằng thực vật là là một giải pháp
khắc phục hiệu quả để làm giảm nhẹ các chất ô nhiễm (chủ yếu là kim loại nặng và
chất hữu cơ) khỏi đất và nước bị ô nhiễm mà ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái [27-28].
Xử lý ô nhiễm bằng thực vật vừa có hiệu suất cao vừa có khả năng chống chịu với
mức độ ô nhiễm cao [30]. Theo các nghiên cứu trước đây, cỏ Vetiver có khả năng
xử lý ô nhiễm các chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) như 2,4,6 trinitrotoloune [31-
32], các phân tử hydrocarbon trong xăng dầu [33]. Ngoài ra, cỏ Vetiver có thể sinh
trưởng rất nhanh, tạo nên những tán lá rậm rạp và một hệ thống rễ lớn, phù hợp
trong việc cố định các chất hóa học độc hại [34]. Ngoài ra, mức độ phát thải dioxin
và đặc điểm phát thải dioxin từ một số ngành công nghiệp điển hình ở Biên Hòa,
Đà Nẵng và miền Bắc được nghiên cứu gần đây [3]. Vì vậy, việc ứng dụng công
nghệ thực vật xử nhằm xử lý dioxin từ các nguồn gốc phát thải là yêu cầu được đặt
ra trong tương lai.
Từ những yêu cầu cấp bách của thực tế như đã nêu trên, nghiên cứu sinh
lựa chọn đề tài “Nghiên cứu đặc điểm môi trường đất bị ô nhiễm dioxin tại sân bay
Biên Hòa, Đồng Nai và tác động của cỏ Vetiver đến các đặc điểm đó”.