
Phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Sơn La
lượt xem 1
download

. Tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và trong những năm qua đã có nhiều lượt khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Song, du lịch thông minh vẫn còn rất mới mẻ đối với Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Do vậy, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch, bài viết này sẽ làm rõ chủ đề: Phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Sơn La.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Sơn La
- Phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Sơn La Nguyễn Thị Hạnh, Đinh Thị Hoài Tóm tắt: Hiện nay, du lịch thông minh đã được nhiều nước trên thế giới triển khai với nhiều hình thức khác nhau tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không nằm ngoài xu hướng đó, du lịch Việt Nam đang từng bước tiếp cận nhanh với du lịch thông minh. Nhiều địa phương trên cả nước xem du lịch thông minh là xu hướng mới phải bắt kịp để không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Sơn La là một trong những tỉnh miền núi-nơi có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách. Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Sơn La không ngừng tăng, tuy nhiên du lịch thông minh ở Sơn La mới bước đầu khởi sắc. Do vậy, để triển khai đồng bộ và hiệu quả nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, bài viết tập trung làm rõ chủ đề: Phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Sơn La. Từ khóa: Du lịch thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0, tài nguyên du lịch, khách du lịch, sản phẩm du lịch. 1. Đặt vấn đề Cuộc các mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến, phát triển du lịch thông minh là hướng đi tất yếu trong xu thế hiện nay. Thuật ngữ “du lịch thông minh” mới xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây nhưng du lịch thông minh đã có những tác động nhất định tới các hoạt động của ngành du lịch. Các địa phương của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm tiếp cận và thích ứng với loại hình du lịch mới này. Tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và trong những năm qua đã có nhiều lượt khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Song, du lịch thông minh vẫn còn rất mới mẻ đối với Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Do vậy, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch, bài viết này sẽ làm rõ chủ đề: Phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Sơn La. 2. Một số khái niệm về du lịch thông minh, điểm đến du lịch thông minh 2.1. Khái niệm du lịch thông minh Du lịch thông minh (Smart tourism) là một thuật ngữ mới được áp dụng để mô tả sự phụ thuộc ngày càng tăng của các điểm đến du lịch và khách du lịch vào các hình thức thông tin, truyền thông và cho phép một lượng dữ liệu lớn thông tin được sử dụng để mang lại sự trải nghiệm cho khách hàng. Nhiều thành phố trên thế giới đã ứng dụng công nghệ để phục vụ khách du lịch, từ việc đặt các dịch vụ du lịch tại khách sạn, nhà hàng, xin cấp visa, mua vé máy bay, tìm đường, lựa chọn điểm đến,... Du lịch thông minh hiện đang là xu hướng phổ biến trên toàn cầu và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Du lịch thông minh có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Du lịch thông minh có thể được xem là một sự phát triển hợp lý từ du lịch truyền thống và gần đây hơn là du lịch điện tử, trong đó công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), sự đổi mới sáng tạo đang dần trở thành nền tảng của ngành công nghiệp này với sự phát triển rộng rãi CNTT&TT của du khách vào các hoạt động du lịch. Du lịch thông minh là một bước đi khác biệt trong sự phát triển của CNTT&TT trong du lịch, trong đó các khía cạnh vật lý và quản trị của du lịch đang bước vào sân chơi kỹ thuật số, các mức độ thông minh mới đã thực hiện được trong hệ thống du lịch, làm 773
- thay đổi ngành du lịch và cách thức trải nghiệm du lịch được tạo ra, trao đổi, tiêu thụ và chia sẻ về cơ bản là khác nhau [3, 108–124]. Du lịch thông minh không chỉ tập trung vào các điểm đến thông minh mà còn là một sự nỗ lực tích hợp tại điểm đến để thu thập và khai thác dữ liệu từ cơ sở hạ tầng vật lý, kết nối xã hội, nguồn lực từ chính phủ và kết hợp với việc sử dụng công nghệ tiên tiến của con người để chuyển đổi dữ liệu thành trải nghiệm tại chỗ. Các thông tin kinh doanh có ý nghĩa tập trung vào tính hiệu quả, tính bền vững và làm phong phú trải nghiệm của khách du lịch. Tóm lại, du lịch thông minh là lọai hình du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lí, doanh nghiệp và khách du lịch và mang lại sự trải nghiệm thú vị, độc đáo cho du khách. 2.2. Điểm đến du lịch thông minh Điểm đến du lịch thông minh là một thành phần của du lịch thông minh và là trường hợp đặc biệt của thành phố thông minh. Các điểm đến du lịch thông minh tận dụng lợi thế của: (1) Môi trường nhúng công nghệ; (2) Các quy trình đáp ứng ở cấp vi mô và vĩ mô (3) Thiết bị của người dùng cuối ở nhiều điểm tiếp xúc và (4) Thu hút các bên liên quan sử dụng nền tảng như một hệ thống thần kinh. Điểm đến du lịch thông minh được hiểu là “Một khu vực du lịch đổi mới sáng tạo, dễ tiếp cận với mọi người và được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, đảm bảo sự phát triển bền vững của lãnh thổ, tạo điều kiện cho sự tương tác của du khách và sự tích hợp của họ với môi trường xung quanh và nâng cao chất lượng trải nghiệm của họ tại các điểm đến và chất lượng cuộc sống của người dân” [11, tr.32]. Như vậy, theo nghĩa chung nhất, điểm đến du lịch thông minh được hiểu là điểm đến có hạ tầng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phát triển bền vững, du khách tiếp cận thuận lợi và giúp gia tăng chất lượng trải nghiệm của khách du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. 2.3. Lợi ích của phát triển du lịch thông minh Phát triển du lịch thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách du lịch. Du lịch thông minh giúp tăng khả năng tiếp cận toàn cầu, nâng cao chất lượng phục vụ và quản lý, hướng tới sự phát triển bền vững. Loại hình du lịch này được phát triển dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ hiện đại. Du lịch thông minh cũng là một thuật ngữ mới mô tả sự phụ thuộc của ngành du lịch đối với các hình thức thông tin, truyền thông. Theo các chuyên gia, du lịch thông minh đang tác động tích cực đến các sản phẩm du lịch. Từ đó, ngành du lịch ngày càng phát triển nhanh và năng động theo hướng chuyên nghiệp: Thứ nhất, du lịch thông minh tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn và tăng khả năng tiếp cận toàn cầu. Du lịch thông minh tạo ra những sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách hàng, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, tạo ra hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua tiếp thị số, thích ứng kịp thời với sự thay đổi hành vi của du khách. Đặc biệt, đối với những địa phương ở vùng sâu, vùng xa-nơi có nhiều tiềm năng du lịch, du lịch thông minh có thể giúp cộng đồng vượt qua rào cản địa lý, quảng bá hình ảnh điểm đến rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa, nhiều du khách trong và ngoài nước do khuyết tật, tuổi tác, mắc các bệnh 774
- lý... không thể tiếp cận hoặc đi du lịch trực tiếp thì du lịch thông minh sẽ giúp các du khách đó có thể trải nghiệm điểm du lịch thông qua mô hình thực tế ảo. Do đó, du lịch thông minh sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của khách du lịch trên toàn cầu. Thứ hai, du lịch thông minh giúp khách du lịch truy cập điểm đến, dịch vụ du lịch dễ dàng và linh hoạt. Du lịch thông minh ra đời đảm bảo cho tất cả mọi người (bất kể tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chủng tộc, giới tính hay người khuyết tật…) đều có thể sử dụng và truy cập. Do đó, mọi thao tác đều được khách du lịch thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Các phần mềm về dịch vụ du lịch, hướng dẫn tham quan, …. đều được các doanh nghiệp du lịch cài đặt trên hệ thống điện tử của doanh nghiệp mình và công khai thông tin tới du khách. Do đó, khách du lịch chỉ cần sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet là có thể truy cập được thông tin về dịch vụ và điểm đến du lịch tùy thuộc vào nhu cầu của từng đối tượng khách. Sau khi xác định và lựa chọn các dịch vụ du lịch, khách du lịch có thể đặt dịch vụ online và chuẩn bị cho hành trình chuyến đi. Kết quả là du khách nhanh chóng đặt được dịch vụ theo nhu cầu và không mất nhiều thời gian như cách đặt dịch vụ truyền thống. Đồng thời, những khách du lịch không có nhiều thời gian đi du lịch trực tiếp có thể mất ít giây đồng hồ để truy cập và tìm hiểu các điểm du lịch thông qua việc mô phỏng thực tế ảo rất thuận tiện qua thiết bị thông minh. Do đó, khách du lịch có thể truy cập điểm đến mọi lúc, mọi nơi và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Thứ ba, du lịch thông minh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Khi khách du lịch tăng nhanh, nhu cầu sử dụng điện, nước, năng lượng, xử lý rác thải và sức ép lên môi trường đều tăng theo. Do đó, phát triển du lịch thông minh sẽ góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hoá, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Theo các chuyên gia, du lịch thông minh cho phép kết nối tốt, từ đó các nhà quản lý sẽ dễ dàng quản lý hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, phát triển du lịch thông minh không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ du khách mà còn để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan. Do đó, các mô hình du lịch thông minh ngày càng phát huy hiệu quả và mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn tối ưu. Vì thế, phát triển du lịch thông minh sẽ tạo nên điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển du lịch bền vững trong tương lai. 3. Tiềm năng phát triển du lịch ở tỉnh Sơn La Tỉnh Sơn La nằm cách thủ đô Hà Nội 320 km trên trục quốc lộ 6 Hà Nội - Sơn La - Điện Biên. Sơn La là tỉnh nằm sâu trong nội địa và có 3 cửa khẩu với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào: cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương, cửa khẩu Lóng Sập và cửa khẩu Nà Cài. Nơi đây có nhiều tiềm năng du lịch: Về tiềm năng du lịch tự nhiên: Địa hình ở Sơn La phong phú đa dạng bao gồm địa hình núi, cao nguyên, thung lũng. Sơn La có độ cao trung bình 600-700m so với mặt nước biển, địa hình chia cắt sâu và mạnh, 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã, có hai cao nguyên là Cao nguyên Mộc Châu và Cao nguyên Sơn La, địa hình tương đối bằng phẳng. Cùng với các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, nhiều khách du lịch ví Sơn La là mái nhà của khu vực Bắc Bộ. Địa hình phần lớn là đồi núi, trong đó các đồi núi cao tập trung ở các huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Bắc Yên,... Với địa hình núi đá vôi đã tạo ra nhiều hang động kỳ thú như hang Dơi, Ngũ động bản Ôn (Mộc Châu), hang Nhả Nhung, Chi Đảy (Yên Châu), hang Thẳm Tát Tòng (thành phố Sơn La), hang Hua Bó (Mường La)... một số thác nước tự nhiên như: Thác 775
- Dải Yếm (Mộc Châu), Thác Tạt Nàng (Chiềng Yên, Vân Hồ)... Sơn La có dòng sông Mã, sông Đà đi qua, phù sa từ hai con sông này đã bồi tạo nên những thung lũng thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Phía Đông là cao nguyên Mộc Châu rộng lớn với đồng cỏ xanh trải dài bát ngát, cảnh quan vô cùng hấp dẫn du khách. Địa hình bị chia cắt mạnh, sông suối nhiều. Vì vậy, Sơn La có tiềm năng thủy điện lớn và nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động với lòng hồ thủy điện dài 150km, diện tích khoảng 16.000ha. Đây là một tiềm năng lớn cho khai thác phát triển du lịch lòng hồ. Ngoài ra, Sơn La còn có nguồn tài nguyên suối nước nóng hết sức phong phú như: Suối nước nóng bản Mòng, Hua La, (Thành phố Sơn La; suối nước nóng Ngọc Chiến (Mường La). Phía Bắc là những dãy núi cao đã tạo ra các đèo như đèo Pha Đin, đèo Chiềng Đông,… Đặc biệt, Sơn La có cao nguyên Mộc Châu với cảnh quan vô cùng hấp dẫn: Những đồi chè bát ngát, đồi hoa mơ, hoa mận, hoa đào, những cánh đồng hoa cải đa sắc màu trên sườn núi... tạo nên cảnh quan tự nhiên vô cùng đẹp và là điểm check in lý tưởng cho khách du lịch khi đến Sơn La. Tiềm năng du lịch nhân văn: Bên cạnh tiềm năng du lịch tự nhiên, Sơn La có nhiều tiềm năng du lịch nhân văn bởi Sơn La có 12 dân tộc anh em cư trú với bản sắc văn hóa độc đáo được đồng bào gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh: Dân tộc Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Dao, La Ha,... trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Khi đến Sơn La, du khách được trải nghiệm nhiều lễ hội như: Lễ hội mừng cơm mới, lễ hội đua thuyền, lễ hội hoa Ban, lễ hội Nào Sồng, lễ hội Hết Chá, lễ hội cầu mưa, lễ cấp sắc, lễ Tu Su, … Ngoài ra, đồng bào nơi đây bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác như kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, các trò chơi dân gian, văn hóa dân gian của các dân tộc,... Bên cạnh đó, Sơn La là vùng đất giàu truyền thống yêu nước với lịch sử chống giặc ngoại xâm. Vì thế, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử - văn hoá: Nhà Tù Sơn La (di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt), Văn bia Quế lâm ngự chế - Đền thờ vua Lê Thái Tông (Thành phố Sơn La); Đồn Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu); Kỳ Đài Thuận Châu (nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Thuận Châu); Cứ điểm Nà Sản, tượng đài Thanh niên xung phong - Mai Sơn, Tháp Mường Và - Sốp Cộp,… Với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn trên đây, Sơn La rất thuận lợi để phát triển các loại hình: Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch thông minh. Những loại hình du lịch này sẽ mang đến nhiều trải nghiệm cho khách du lịch. 4. Thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Sơn La Hiện nay, khách du lịch đánh giá Sơn La là tỉnh có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và Sơn La không chỉ là điểm dừng chân cho du khách trong hành trình du lịch Hà Nội - Điện Biên Phủ mà các đoàn khách đã lưu trú tại những khách sạn lớn của Sơn La, tham quan các danh lam thắng cảnh, các bản du lịch cộng đồng, các di tích lịch sử văn hóa,... Du lịch Sơn La bắt đầu manh nha phát triển từ những năm cuối của thập kỷ 90 và đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Tỉnh Sơn La xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế dựa trên những tiềm năng sẵn có của tỉnh, trong đó có ngành du lịch. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã quyết định đưa du lịch “trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh” [12]. Do đó, trong những năm gần đây, du lịch Sơn La ngày càng đầu tư phát triển nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Năm 2022, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh: Khu du lịch Rừng thông bản Áng, Thác Dải Yếm (huyện Mộc Châu); Điểm du lịch Pha Đin top (huyện Thuận Châu); Điểm 776
- du lịch Rừng Vàng, (thành phố Sơn La). Ngoài ra, Sơn La còn có nhiều điểm du lịch với cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch như Mộc Châu Island với điểm nhấn là Cầu kính Bạch Long- cầu kính có đường đi bộ dài nhất thế giới với quần thể tham quan hang động, khu trải nghiệm mạo hiểm; cầu kính tình yêu; Happy Land; Động Sơn Mộc Hương; Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; Chùa Vặt Hồng (Chiền Viện); Di tích đồn Mộc Lỵ; Ngũ động bản Ôn; Đồi chè; Đồng cỏ-Trang trại bò sữa; Thung lũng mận Nà Ka; Trang trại dâu tây; Vườn sinh thái Hồng Công; Đỉnh Pha Luông; Hang mộ Tạng Mè; Đền Chúa Hang Miếng; Thác Chiềng Khoa; Thác Tạt Nàng, Suối nước nóng Chiềng Yên; Nhà tù Sơn La; Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm Ngự Chế; Nhà máy thủy điện Sơn La; Thiên đường mây Tà Xùa; Sống lưng khủng long, một số bản du lịch cộng đồng như bản Áng, bản Hua Tạt, bản Dọi, bản Nà Tâu, bản Tà Số,… Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã phát triển hệ thống cơ sở lưu trú (CSLT) có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách trong nước và quốc tế. Năm 2014, trên toàn tỉnh có 135 CSLT với 1,810 buồng, phòng, năm 2015 tăng lên 150 CSLT với 1900 buồng, phòng. Năm 2016, số CSLT tăng lên 152 với 2020 buồng, phòng. Đến năm 2018 tăng lên 305 CSLT quy mô lớn hơn với quy mô 5,000 buồng, phòng. Năm 2022, Sơn La đã tăng lên 540 CSLT. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng chỉ trong vòng 4 năm (2014-2018) tại Sơn La đã tăng tăng 170 CSLT, số buồng phòng tăng gần gấp 3 lần trong đó nhiều CSLT đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, như: Khách sạn Mường Thanh Luxury Mộc Châu (tiêu chuẩn 5 sao), Khách sạn Mường Thanh Luxury Sơn La (tiêu chuẩn 5 sao), Thảo Nguyên Resort Mộc Châu (tiêu chuẩn Resort), khách sạn Thảo Nguyên Mộc Châu (3 sao), khách sạn Sao Xanh Mộc Châu (3 sao), khách sạn Sao Xanh Sơn La (3 sao), khách sạn Hà Nội (3 sao), khách sạn Công đoàn (2 sao),... và hệ thống nhà nghỉ, nhà nghỉ cộng đồng. Từ 2019-2022 đã tăng 235 số CSLT. Với hệ thống CSLT tăng nhanh ở Sơn La trong thời gian vừa qua cho thấy lượng khách đến Sơn La ngày một tăng qua các năm. Cụ thể như sau: Bảng 1: Lượng khách du lịch, cơ sở lưu trú, doanh thu du lịch tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2014 - 2022 STT Năm Lượng khách du lịch Tổng số Doanh thu du lịch Ghi (ĐVT: Lượt) CSLT (ĐVT: Tỷ đồng) chú 1 2014 1,533,000 135 622,00 2 2015 1,597,000 150 645,00 3 2016 1,843,000 152 887,00 4 2017 1,945,000 162 1,135,00 5 2018 1,950,000 305 1,300,00 6 2019 2,145,000 350 1,495,00 7 2020 1,718,000 350 1,245,00 8 2021 910,000 531 850,00 9 2022 3,300,000 540 2,970,00 (Nguồn: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La) Thông qua số liệu bảng (1), chúng ta có thể thấy rằng lượng khách du lịch tăng nhanh qua các năm. Năm 2014, tỉnh Sơn La đón 1,533,000 lượt khách, đến năm 2018 lượng khách tăng lên 1,950,000 lượt. Như vậy, từ năm 2014 đến năm 2018 số lượng khách du lịch đến Sơn La tăng 417,000 lượt khách. Doanh thu du lịch tăng từ 622,00 tỷ đồng (2014) lên 1,300,00 tỷ 777
- đồng (năm 2018). Từ năm 2019-2022, lượng khách tăng từ 2,145,000 lên 3,300,000 lượt khách, doanh thu tăng từ 1,495,00 tỷ đồng (năm 2019) đến 2,970,00 tỷ đồng (năm 2022). Như vậy, kết quả kinh doanh du lịch tại Sơn La trong những năm vừa qua đã khẳng định lĩnh vực dịch vụ du lịch ngày càng phát triển và có xu hướng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Năm 2022, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỉnh Sơn La đã được bình chọn là: “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Năm 2023, Sơn La tiếp tục được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới bình chọn: “Điểm đến Thiên nhiên Khu vực Hàng đầu Châu Á 2023”, “Điểm đến Thiên nhiên Hàng đầu Việt Nam 2023”. Do vậy, lượng khách du lịch đến Sơn La và doanh thu du lịch tăng nhanh từ năm 2022. Đây là lợi thế quan trọng để Sơn La thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp du lịch trong thời gian tới. Về phát triển du lịch thông minh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bước đầu triển khai du lịch thông minh tại huyện Mộc Châu. Cụ thể là: Huyện Mộc Châu được đánh giá là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia và nằm trong chiến lược phát triển của du lịch vùng Tây Bắc. Đây là điểm đến đang thu hút sự quan tâm của các đơn vị lữ hành và nhiều nhà đầu tư. Để nâng cao hơn giá trị du lịch tại vùng đất này, tăng khả năng tiếp cận của Mộc Châu tới toàn cầu, nâng cao chất lượng phục vụ và quản lý, hướng tới phát triển bền vững, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát triển ngành dịch vụ mũi nhọn của huyện là yêu cầu cấp thiết. Do đó, Công ty Cổ phần IGB đã đưa ra giải pháp công nghệ, số hóa 5 dịch vụ bao gồm: Địa điểm du lịch, văn hóa bản địa, sản phẩm truyền thống, địa điểm ẩm thực, địa điểm nghỉ dưỡng nhằm tạo thuận lợi cho du lịch huyện phát triển. Công ty cổ phần IGB đã tài trợ phần mềm du lịch thông minh Mộc Châu Tour phiên bản 1.0. Ứng dụng du lịch thông minh Mộc Châu Tour hướng tới 3 đối tượng chính: Thứ nhất là Ban quản lý - cơ quan chính quyền, quản lý các vấn đề liên quan đến dịch vụ du lịch của huyện. Thứ hai là các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ trên địa bàn huyện. Thứ ba là khách du lịch. Ứng dụng được phát triển nhằm giúp Ban quản lý huyện dễ dàng kiểm soát các hoạt động kinh doanh trên địa bàn, vừa giúp các doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh có thể khai thác, truyền thông, quảng bá sản phẩm dịch vụ tới gần du khách và giúp du khách có thể trải nghiệm Mộc Châu an toàn, tiện lợi. Việc ứng dụng du lịch thông minh Mộc Châu Tour vào vận hành và triển khai xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống du lịch của huyện Mộc Châu sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến, là cú hích quan trọng để sản phẩm du lịch của huyện Mộc Châu có vị trí xứng đáng và ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Phần mềm ứng dụng du lịch thông minh Mộc Châu Tour là một bước tiến lớn của ngành du lịch của huyện Mộc Châu. Khách du lịch có thể cài đặt và tải ứng dụng Mộc Châu Tour trên Appstore hoặc Google Play. Các địa phương khác trong tỉnh đang trong quá trình tiếp cận du lịch thông minh. Do đó, để triển khai du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương cần có những giải pháp cụ thể và triển khai đồng bộ nhằm phát huy tối đa tiềm năng du lịch của tỉnh Sơn La và thu hút nhiều khách du lịch. 5. Giải pháp phát triển du lịch thông minh ở Sơn La đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 Để phát huy lợi thế về tiềm năng du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Sơn La, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp: 5.1. Nhóm giải pháp đối với chính quyền địa phương - Tỉnh Sơn La cần ban hành thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh, cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng 778
- dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. - Chính quyền địa phương cần đầu tư và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) phục vụ phát triển du lịch thông minh với các yếu tố cơ bản: Accessibility - khả năng tiếp cận điểm đến, Attractions - thắng cảnh, Activities - hoạt động, Amenities - cơ sở tiện nghi và Ancillary services - các dịch vụ hỗ trợ. - Tỉnh Sơn La cần triển khai xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển du lịch thông minh, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chung và tương thích với các hệ thống quản lý của các doanh nghiệp du lịch đang sử dụng. - Chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích và tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình triển khai dịch vụ du lịch thông minh; tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển du lịch thông minh; kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cùng tham gia vào quá trình “thông minh hóa” các hoạt động du lịch của địa phương. Đặc biệt, Sơn La cần thu hút những nhà đầu tư đã triển khai thành công mô hình du lịch thông minh tại các địa phương trong nước đến khảo sát, triển khai tại tỉnh Sơn La. - Bên cạnh đó, các cấp chính quyền ở Sơn La cần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những lợi ích của phát triển du lịch thông minh để người dân hiểu và sử dụng hiệu quả. 5.2. Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch thông minh - Để sử dụng các công nghệ thông minh, ngành du lịch của tỉnh cần có đội ngũ nhân lực có trình độ nghiệp vụ cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp và có những hiểu biết, kỹ năng về ICT. Tỉnh Sơn La cần có tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng các công nghệ mới cho doanh nghiệp và nhân lực ngành du lịch. - Xu hướng phát triển du lịch thông minh cho thấy du khách sẽ mua vé, đặt phòng, đặt tour, đặt dịch vụ ăn uống... thông qua hệ thống điện tử. Các robot, hệ thống công nghệ sẽ thay con người làm các nghiệp vụ. Thực tế đó đã đặt ra việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải "tinh nhuệ" hơn. Do vậy, tỉnh Sơn La cũng cần tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch thông minh trong hiện tại và tương lai. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, đào tạo những vị trí việc làm mới thay thế những vị trí truyền thống mà hệ thống công nghệ đã đảm nhiệm. Khi thế giới đang phát triển theo xu hướng công nghệ 4.0, các cơ sở đào tạo cần trang bị cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo nghề du lịch để sinh viên sau khi ra trường được trang bị những hiểu biết, kỹ năng và thích ứng với thực tế phát triển du lịch hiện nay. - Các cơ sở đào tạo nghề du lịch ở Sơn La cần xây dựng mô hình đào tạo “Doanh nghiệp trong Trường” và “Trường trong Doanh nghiệp”. Nghĩa là quá trình đào tạo có sự gắn kết giữa nhà trường với daonh nghiệp. Các cơ sở đào tạo mời các doanh nghiệp du lịch tham gia phối hợp đào tạo cho sinh viên ngành du lịch các môn học/học phần/mô đun chuyên ngành, hướng dẫn thực tế, thực tập. Quá trình đánh giá kết quả của sinh viên có sự tham gia của cả nhà trường và doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp phối hợp với nhà trường trong việc thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn. Từ đó, quá trình đào tạo sẽ đáp ứng được vị trí việc làm và nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp du lịch phát triển theo hướng du lịch thông minh. 779
- - Tại các cơ sở đào tạo nghề du lịch cần xây dựng chương trình đảm bảo tỷ lệ 70% thực hành, 30% lý thuyết. Qua đó, nội dung đào tạo chú trọng đến thực hành, rèn kỹ năng nghề. Phương pháp đánh giá năng lực của sinh viên dựa trên bài tập và tình huống thực tế. Chương trình đào tạo với phương châm "học đi đôi với hành" trong tất cả các môn học/học phần/mô đun và cần đưa vào chương trình các bài tập nhóm, đánh giá dự án với các nội dung liên quan đến phân tích dữ liệu và kinh doanh số, nhằm chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng hội nhập vào kỷ nguyên số thông minh. Các cơ sở đào tạo nghề du lịch cần làm việc với các đối tác doanh nghiệp để bổ sung những vị trí thực tập mới bên cạnh các công việc truyền thống làm trực tiếp tại khách sạn, điểm du lịch. Trong đó phải kể đến các vị trí kinh doanh trực tuyến, quản trị sự kiện trực tuyến, tư vấn liên quan đến xu hướng quản trị du lịch và khách sạn thông minh. - Đổi mới phương pháp đào tạo: Để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở đào tạo thay đổi phương pháp đào tạo nhân lực du lịch. Cụ thể là, bên cạnh quá trình đào tạo gắn lý thuyết với thực hành, Nhà trường cần lồng ghép vào các học phần để đào tạo các kỹ năng số cho sinh viên, kỹ năng làm vi deo trên Facebook, Tictok, xây dựng hình ảnh quảng bá, giới thiệu điểm đến, mô phỏng thực tế ảo. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch đến trao đổi để sinh viên cập nhật kiến thức mới về ngành nghề và tình hình phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh hiện nay. Tổ chức các chương trình ngoại khóa, cuộc thi tay nghề cho sinh viên du lịch có ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo không khí sôi nổi và giúp người học rèn luyện kỹ năng. Tạo môi trường sinh thái học đường, linh hoạt, mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, mọi chủ thể. Tổ chức đào tạo trực tuyến, trực tiếp để người học có thể tham gia đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. - Hàng năm, cơ sở đào tạo về du lịch cần cử giảng viên đi rèn nghề tại các doanh nghiệp du lịch đã kinh doanh thành công mô hình du lịch thông minh ở trong hoặc ngoài tỉnh Sơn La để giảng viên nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đang được vận hành tại doanh nghiệp. Từ đó, giảng viên sẽ áp dụng vào các bài giảng cho sinh viên nghề du lịch tại cơ sở đào tạo. Kết quả là, sinh viên sẽ cảm thấy hứng thú với bài học hơn. 5.3. Nhóm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch thông minh - Tỉnh Sơn La cần phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch thông minh. Cụ thể là, Sơn La là tỉnh miền núi, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km. Vì vậy, các bản đồ thông minh cần được thiết kế để khách du lịch dễ dàng di chuyển đến Sơn La. Từ đó, khoảng cách địa lý không còn là rào cản hạn chế kết nối giữa Sơn La với các thị trường kinh tế khác, trong đó có thị trường kinh doanh du lịch. - Hơn nữa, các sản phẩm du lịch thông minh cần được tích hợp trên cổng thông tin du lịch thông minh và tạo nên hệ thống sản phẩm hoàn chỉnh. Tài nguyên du lịch ở Sơn La phong phú, độc đáo bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Do vậy, các điểm du lịch này cần được số hóa, mô phỏng thực tế ảo với âm thanh, hình ảnh sắc nét để khách du lịch có thể dễ dàng truy cập và trải nghiệm gián tiếp qua thiết bị thông minh. Ví dụ, mô phỏng thực tế ảo Nhà tù Sơn La trong những năm kháng chiến chống Pháp hoặc mô phỏng một số phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc cư trú tại Sơn La,… - Bên cạnh đó, các thông tin về dịch vụ lưu trú, ăn uống, các dịch vụ trải nghiệm khác cũng cần được tích hợp và cung cấp đầy đủ thông tin để khách du lịch có thể nghiên cứu và đặt dịch vụ online. 780
- 6. Kết luận Tóm lại, du lịch thông minh đã trở thành một phần quan trọng trong quản lý và tiếp thị điểm đến du lịch. Loại hình du lịch này ngày càng được nhiều du khách lựa chọn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các điểm đến du lịch phải không ngừng thích ứng và phát triển một hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm mang đến sự trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Tại tỉnh Sơn La-nơi có nhiều tài nguyên du lịch nhưng các tài nguyên đó chưa phát huy hiệu quả và sản phẩm du lịch chưa phong phú. Do vậy, trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển du lịch thông minh là hướng đi tất yếu ở tỉnh Sơn La. Do vậy, bài viết đã đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh. Những giải pháp này nếu được chính quyền địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới, chắc chắn sản phẩm du lịch Sơn La ngày càng có chất lượng cao và thúc đẩy ngành du lịch ngày càng phát triển./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ammirato, S.et al. (2018), Smart Tourism Destinations: Can the Destination Management Organizations Exploit Benefits of the ICTs? Evidences from a Multiple Case Study. DOI:10.1007/978-3-319-99127-6-54. 2. Vũ Thế Bình (2018), Ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp du lịch, Tạp chí Du lịch, số 1, tr. 38. 3. Boes, K, Buhalis, D. and Inversini, A. (2016), Smart tourism destinations: Ecosystems for tourism destination competitiveness, International Journal of Tourism Cities, 2 (2).108-124. 4. Nguyễn Thị Hồng Cẩm (2022), Ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Khánh Hòa, Tạp chí công thương, ngày đăng: 28/10/2022. 5. Lan Dịu (2017), Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam, https://baomoi.com, cập nhật ngày 28/10/2017. 6. Lê Quang Đăng (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, truy cập tại: http://itdr.org.vn/nghien-cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich- thong-minh-tai-viet-nam. 7. Gretzel, U, Sigala, M, Xiang, Z and Koo, C. (2015), Smart tourism: Foundations and developments. Electronic Markets, 25(3), 179-188. 8. Huertas, A., et al., (2019), Which destination is smarter? application of the (Sa) 6 framework to establish a ranking of smart tourist destinations, International Journal of Information Systems and Tourism, 4(1), 19-28. 9. Ivars-Baidal, JA., Celdrán-Bernabeu, MA., Mazón, JN., Perles Ivars, A. (2019), Smart destinations and the evolution of ICTs: a new scenario for destination management?. Current Issues in Tourism (Online), 22(13), 1581-1600. 10. Sigalat-Signes, E., Calvo-Palomares, R., Roig-Merino, B., Garcia-Adan, I. (2019), Transition towards a tourist innovation model: The smart tourismdestination Reality or territorial marketing, Journal of Innovation and Knowledge, 1-9. 11. Segittur (2015), Informe destinos turísticos inteligentes: construyendo el futurr, Report on smart tourism destinations: building the future. 12. Quyết định số 1489/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2013 V/v Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 01/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 13. Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thúy Vân, Lê Văn Hòa (2019), Điểm đến du lịch thông minh, khái niệm và các xu hướng nghiên cứu hiện nay, Tạp chí khoa học, Đại học Huế: Kinh tế và phát triển, Tập 128, Số 5A, tr.129-146. 14. Lê Đức Thọ (2020), Đà Nẵng định hướng phát triển du lịch thông minh, Tạp chí điện tử Du lịch, ngày đăng: 19/02/2020. THÔNG TIN TÁC GIẢ TS. Nguyễn Thị Hạnh – Trường Cao đẳng Sơn La Địa chỉ: Tổ 2, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La Số điện thoại liên hệ: 0985.922.769 Email. Hanhsla2701@gmail.com ThS. Đinh Thị Hoài – Trường Cao đẳng Sơn La Địa chỉ: Tổ 2, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La Số điện thoại liên hệ: 0962.999.568 Email. hoai.cdsl@gmail.com 781

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Phát triên du lịch Bà Rịa Vũng Tàu trong cách mạng công nghiệp 4.0
6 p |
125 |
18
-
Những thắng cảnh tuyệt vời nhất Bhutan
5 p |
114 |
7
-
Du lịch khám phá xứ sở chùa tháp campuchia
6 p |
89 |
6
-
Verona – Thành phố của tình yêu
5 p |
57 |
2
-
Quần đảo Ioniennes (Hy Lạp): Thiên đường dưới hạ giới
3 p |
50 |
2
-
Những thay đổi của ngành dịch vụ du lịch trong nền kinh tế số hóa
11 p |
5 |
2
-
Các địa danh nổi tiếng không nên bỏ qua khi đến Tokyo
5 p |
63 |
1


Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn
