
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ sau năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới,
không khí chính trị xã hội cũng trở nên cởi mở hơn; mọi khía cạnh
trong phạm trù văn hóa được tạo điều kiện để phát triển. Phong trào
phục dựng lễ hội đã diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, ở mọi tộc
người đồng chủ thể quốc gia. Lễ hội điện Trường Bà cũng nằm trong
số đó, và trở thành vốn quý tinh thần của huyện Trà Bồng.
Trong những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu phân tích sự
chuyển đổi trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về bản chất, vai
trò, vị trí của văn hóa đối với tiến trình phát triển của đất nước. Ở
phạm vi hẹp hơn, đã có những nghiên cứu về thay đổi trong tâm thức
và hành vi của cộng đồng đối với các thực hành văn hóa tâm linh
trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trường hợp
đều được thực hiện ở những địa phương thuần nhất về thành phần tộc
người. Huyện Trà Bồng là địa phương đa tộc người, đa văn hóa, bao
gồm cả văn hóa tâm linh. Quá trình phục dựng lễ hội điện Trường
Bà, ngoài người dân làng Xuân Khương, còn có sự chỉ đạo của các
cơ quan quản lý nhà nước và sự tham gia của các tộc người thiểu số.
Vậy quá trình phục dựng lễ hội ở đây đã diễn ra như thế nào? Bản
chất của quá trình này là gì? Hấp lực của lễ hội có thu hút được các
cộng đồng thiểu số tự giác tham gia hay không? Và liệu rằng, những
người tham gia lễ hội thuộc nhiều cộng đồng tộc người, nhiều nhóm
xã hội có thể thông hiểu lẫn nhau và biểu đạt một diễn ngôn chung
hay không? Để trả lời cho các câu hỏi đó, tôi quyết định chọn đề tài
“Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng, tỉnh
Quảng Ngãi”để thực hiện luận án tiến sĩ văn hóa học của mình.
2. Mục đích, nhiệm vụ của NCS và câu hỏi nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án kỳ vọng chỉ ra được những yếu tố cốt lõi: bản chất
của vấn đề phục dựng lễ hội, động cơ và vai trò của các bên tham gia,
kết quả cũng như những vấn đề cần được thảo luận qua việc so sánh
giữa lý thuyết và thực tiễn.
2.2. Nhiệm vụ của NCS
Để thực hiện luận án, NCS tự đặt cho mình các nhiệm vụ cơ
bản như sau: (i) Tổng quan tình hình nghiên cứu về phục dựng lễ hội
nói chung, lễ hội điện Trường Bà nói riêng; (ii) Xác lập cơ sở lý luận
của đề tài nghiên cứu; (iii) Nhận diện di tích và lễ hội điện Trường