4
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (QLRBV&CCR) là
mục tiêu quan trọng của ngành Lâm nghiệp. Hiện nay cả nước có
4.655.993 ha rừng trồng, trong đó chủ rừng là hộ gia đình (HGĐ),
cá nhân đang quản lý 1.884.069 ha (Bộ NN&PTNT, 2023). Thu
nhập từ rừng trồng giữ vai trò quan trọng trong sinh kế của khoảng
1,5 triệu HGĐ vùng nông thôn miền núi và là nguồn cung cấp gỗ
quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ với quy mô 13,4-
15,7 tỷ USD/năm. Rừng trồng sản xuất của HGĐ là mắt xích đầu
tiên trong chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp, đây cũng là mắt xích
gặp rất nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động từ
các nhân tố bên trong và bên ngoài chuỗi giá trị, đặc biệt là các yêu
cầu về gỗ có chứng chỉ QLRBV, gỗ hợp pháp và có nguồn gốc
được kiểm soát,...
Quảng Trị có 345 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó
có 61 nghìn ha rừng trồng sản xuất với diện tích rừng trồng HGĐ là
32 nghìn ha. Đây là địa phương đi đầu trong việc xây dựng các mô
hình QLRBV & CCR. Việc phát triển mô hình QLRBV&CCR ở tỉnh
Quảng Trị là một thực tiễn sinh động và cần có nghiên cứu, đánh
giá toàn diện để đưa ra các giải pháp thúc đẩy mô hình cũng như
rút ra những bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác. Xuất
phát từ thực tiễn đó, đề tài: “Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất các
giải pháp thúc đẩy quản lý rừng trồng bền vững quy mô hộ gia đình
tại tỉnh Quảng Trị” đặt ra là hết sức cần thiết, có ý nghĩa khoa học
và thực, đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện nay.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Về khoa học
- Đánh giá được hiện trạng quản lý rừng trồng bền vững của
các HGĐ trong chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.
- Phân tích và đánh giá được các chính sách có liên quan đến
QLRBV và CCR hộ gia đình, xác định được các khoảng trống trong
chính sách hiện hành.
2.2. Về thực tiễn
- Đánh giá được tác động của các chính sách và các biện
pháp đã áp dụng đến phát triển rừng trồng HGĐ và QLRBV.