intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thơ Thiền đời Lý - Trần

Chia sẻ: Phạm Tiến Quý | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:8

131
lượt xem
17
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thơ Thiền trong thời kỳ văn học Lý-Trần đã thể hiện những tư tưởng hết sức độc đáo. Đó là mối quan hệ mật thiết giữa cõi Đạo và cõi Đời. Những bậc Thiền sư đã đem chất Đạo vào Đời và Đạo được nhìn dưới con mắt của Đời trần thế. Đọc thơ Thiền, người ta thấy ngời lên tư tưởng nhập thế của các vị Thiền sư. Đồng thời, qua mỗi vần thơ, người đọc còn thấy được bản lĩnh, ý chí về con đường đạt Đạo và thái độ sống lạc quan, tin tưởng của con người trong cuộc đời này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thơ Thiền đời Lý - Trần

  1. Thơ Thiền đời Lý­Trần 1. Đặt vấn đề Nói đến văn học Việt Nam trung đại từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX không thể không nói đến thơ  văn buổi đầu dựng nước. Có lẽ chưa có một giai đoạn văn học nào như giai đoạn văn học mà người  ta thường gọi là Văn học thời Lý­Trần lại đóng một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử  văn học dân tộc. Văn học Lý­Trần có những phần chịu ảnh ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy nhiên, ảnh  hưởng của Phật giáo vẫn rất lớn và có tính chất chủ đạo. Dấu ấn này không chỉ thể hiện trong các  bài thơ của các thi sĩ ­ vốn dĩ làm thơ mà điều đặc biệt là ở các nhà Thiền sư ­ những bậc chân tu lúc  bấy giờ. Đã gần 1000 năm nay, Thiền vẫn còn lưu đọng và trở thành mạch nguồn chảy xiết trong lòng những  người yêu thơ và trở thành những bài học có giá trị trong đời sống tinh thần của xã hội và xây dựng  nền văn hoá của nước Đại Việt độc lập, tự cường lúc bấy giờ. Đồng thời, những bài thơ của các  nhà thơ Thiền cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và giữ một vị trí nhất định trong đời sống tinh thần  của nhân dân nói chung và của những những người tu hành nói riêng. Người đọc tìm thấy trên những vần thơ ấy là nỗi lòng, là sự suy nghiệm của các bậc Thiền sư về  cõi Đạo và cõi Đời. Đó còn như là những lời giải đáp cho sự trăn trở, day dứt, sự loay hoay tìm kiếm  con đường đạt Đạo từ xưa đến nay của những bậc chân tu. Tìm hiểu thơ Thiền, một lần nữa chúng  tôi muốn khắc hoạ thêm sự nhận thức của mình về mối quan hệ giữa Đạo và Đời cũng như con  đường đạt Đạo và vấn đề nhân sinh quan được thể hiện qua thơ của một số nhà Thiền sư trong văn  học thời Lý­Trần, một giai đoạn văn học mở đầu cho nền Văn học viết và giữ một vị trí quan trọng  trong đời sống văn hoá, tinh thần của buổi đầu xây dựng đất nước. 2. Từ cõi Đạo đến cõi Đời Phật giáo truyền bá vào Việt Nam khá sớm, theo các nhà nghiên cứu thì vào đầu Công nguyên, Phật  giáo đã được truyền bá vào nước ta rồi. GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, từ Trung Hoa có ba tông phái  Phật giáo được truyền vào Việt Nam: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Trong Phật giáo của  nước Đại Việt, Thiền tông là tông phái chính thức. Và các nhà sư làm thơ cũng thuộc tông phái này  nên được gọi là các vị Thiền sư, còn những bài thơ làm ra chủ yếu là để khuyên dạy đệ tử, từ trước  đến nay gọi là tho Thiền. Vào thời kỳ đầu xây dựng đất nước tự chủ, Phật giáo không phải chỉ là  một tôn giáo thuần tuý (sự thờ cúng và những lễ nghi) mà chứa đựng trong lòng nó trước hết là một  thứ vũ trụ quan. Văn học Lý­Trần mang nặng ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Mặc dầu vậy nhưng văn học Lý­ Trần không phải chỉ là văn học Phật giáo. Những bài thơ của các nhà Thiền sư sáng tác không chỉ để  nói đến Đạo đơn thuần mà ẩn chứa trong đó những quan niệm về cuộc đời của kiếp nhân sinh. Đó  chính là sự ánh xạ giữa chất Đạo và chất Đời trong quan điểm của các nhà Thiền sư. Trên bước đường vạn dặm về với cõi Phật, người tu hành trong thơ của các vị Thiền sư không lánh  đời, thoát tục, không vướng chút bụi trần ai nơi thế giới Sa­bà mà ở họ là cả một tư tưởng hết sức  tiến bộ và vô cùng trân trọng là sự nhập thế. Điều này tưởng chừng như mâu thuẫn, đối nghịch với  quan điểm nhà Phật, rằng đã vào cửa chùa là phải tước bỏ tất cả những vướng luỵ của phù sinh, 
  2. không còn “nặng nợ” với đời. Nhưng vấn đề không hẳn như vậy, bởi lẽ, vào chốn cửa Phật, con  người ta vẫn phải ở trong thế giới này, trên chính mặt đất này và phải sống với cuộc đời này. Do đó,  tư tưởng nhập thế là một tư tưởng hết sức tđích cực và được đề cao ở những bậc chân tu. Nhà sư tìm thấy niềm vui trong cõi đời này không phải là những gì cao xa, viển vông, thoát lánh khỏi  mặt đất mà là một niềm vui rất trần thế. Niềm vui đó có thể chỉ là chọn được mảnh đất đẹp để có  một cuộc sống an vui, thanh nhàn. Điều đó được sư Không Lộ gửi gắm qua lời thơ rất đỗi bình dị: Trạch đắc long xà địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc vô dư. (Chọn được đất long xà có thể ở được, Tâm tình nơi đồng quê suốt ngày vui không chán.) (Không Lộ thiền sư, Ngôn hoài) Câu thơ dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì ta vẫn thấy ánh reo vui với thú quê mộc mạc, gần với  tự nhiên của Thiền sư. Nghĩa là niềm vui ấy được thêu dệt và sẵn có trên trần thế, chính trên mặt  đất này chứ không phải là một thế giới siêu nhiên, huyễn hoặc nơi không không, có có. Một nhà tu  hành theo quan niệm thông thường là “thoát tục” nhưng không chỉ gắn bó với trần thế mà còn hoà  đồng vào cuộc sống trần thế để vui với chính cuộc đời này thì đó là một sự trân trọng đến nhường  nào. Tư tưởng nhập thế, đem chủ thể hoà nhập vào khách thể còn được Không Lộ thiền sư thể hiện đậm  nét qua bài Ngư nhàn. Bài thơ này đã từng được giảng dạy trong chươnng trình phổ thông trước đây  và qua bài thơ, cảm quan của bậc chân tu đã được bộc lộ rất độc đáo: Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên, Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên. Ngư ông thuỵ tước vô nhân hoán, Quá ngọ tỉnh lại tuyết mãn thuyền. (Muôn dặm non sông muôn dặm xanh Một làng dâu lúa, một làng mây khói Ông chài mê ngủ không ai gọi cả Quá trưa tỉnh dậy thì tuyết đã phủ đầy thuyền.) (Không Lộ thiền sư, Ngư nhàn) Bài thơ như một bức tranh được vẽ lên có đủ cả cảnh và người. Cảnh ở đây thật yên bình và trải  rộng trước mắt. Đó là một làng quê nhỏ nhoi, tĩnh lặng. Tác giả đã chấm trên nền non sông gấm vóc  đất nước mình một làng quê nhỏ yên tĩnh, trong suốt. Đó có phải là cái thinh không của thế giới nhà  Phật ? Nhưng giữa cái thinh không của thôn quê ấy là hình ảnh một ông ngư nhưng ông ngư không  hoạt động mà “thuỵ tước vô nhân hoán”. Như vậy, dù có người nhưng vẫn không xua đi cái yên tĩnh,  không làm cho bức tranh rộn rã hơn mà ngược lại nó lại càng yên bình hơn, thanh suốt hơn. Hình ảnh  “ngư ông thuỵ tước vô nhân hoán” và “quá ngọ tỉnh lại tuyết mãn thuyền” đã thể hiện con người ta  đã sống một cuộc sống thanh nhàn, bình yên. Đọc bài thơ, người đọc không thể không phân vân đó là cảnh thực hay là cảnh ước vọng. Dù là thực 
  3. hay ước vọng thì Ngư nhàn đã bừng sáng một tấm lòng. Đó chính là tấm lòng của một nhà sư trong  cảnh thái bình thịnh trị luôn gắn bó với cuộc đời. Đồng thời, đó còn là một khát vọng rất đỗi cao đẹp  về cuộc sống thanh bình, yên vui cho muôn dân. Chính vẻ đẹp trần thế, khát vọng trần thế đã kéo cõi  Đạo gần lại với cõi Đời, đã thể hiện tư tưởng không đứng ngoài cuộc, lánh đời, thoát ly mà nhập  cuộc, nhập thế nơi vườn trần đầy sự yên vui của những bậc chân tu. Theo triết lý Phật giáo, vạn vật trong thế giới này cùng chung một bản thể và cho rằng chúng chỉ là  muôn vàn dạng thức khác nhau mà thôi. Chính xuất phát từ triết lý này mà thơ Thiền đã thể hiện sự  thâm nhập giữa con người và thiên nhiên. Đó là sự giao hoà, giao cảm giữa con người với thiên  nhiên. Thiên nhiên mang tính cách rất người. Điều này được biểu hiện qua một số lời kệ của Viên  Chiếu thiền sư: ­ Xuân hoa dữ hồ điệp, Cơ luyến cơ tương vi. (Hoa xuân và bươm bướm Hầu quyến luyến nhau lại hầu xa rời nhau.) ­ Giác hưởng tuỳ phong xuyên trúc đáo Sơn nham đái nguyệt quá tường lai. (Tiếng tù và theo gió luồn trúc mà đến, Ngọn núi cao cõng trăng vượt tường mà qua) Như vậy, thiên nhiên và con người “như nhất”. Sự tương giao ấy biểu hiện cách nhìn về vũ trụ  quan. Mặt khác, nó còn là cảm thức rất thi sĩ của các vị Thiền sư. Sư Huyền Quang là tổ thứ ba của Trúc Lâm, người mà Lê Quý Đôn đã từng cho là “tựa hồ chẳng  phải là lời nói của nhà tu hành” khi ông đọc một bài thơ của nhà sư. Quả vậy, đọc thơ của sư Huyền  Quang, dường như người ta không thấy “dáng mạo” của người tu hành mà thấy hiển hiện một tâm  hồn thi sĩ ­ đậm đà chất đời, chất thực. Những tình cảm của nhà sư rất dạt dào và được biểu thị một  cách thành thực. Chất đời, chất trần tục ấy được sư Huyền Quang gửi gắm qua bài thơ đề ở chùa  Bảo Khánh. Cũng chính sự nhập đời đó mà đọc bài thơ ta thấy lắng đọng một chút “sầu” rất đỗi con  người: Mây khói đồng hoang quê lắm vẻ, Lầu Nam quán Bắc xế vừng hồng. Thơ không tài liệu, xuất không chủ, Mấy khóm hoa sầu nhớ gió đông. Và cái thành thực mang nặng chất đời ấy nhiều lúc được nhà sư thể hiện rất bộc trực, không hề  giấu giếm: Muốn hướng lên trời xanh hỏi cớ tại sao, Trơ trơ đúng một mình trong núi tuyết. Bẻ cành không phải đón người mắt xanh, Chỉ muốn mượn tình xuân để an ủi ông đau.
  4. (Hoa mai) Lần theo mạch nguồn của các bài thơ Thiền ta thấy, cõi Đạo Đạo và cõi Đời không còn khoảng cách  mà rất gần nhau. Người tu hành mang trong mình một tư tưởng nhập thế, không lánh đời, thoát tục,  “cư trần lạc đạo”. Thơ Thiền thường là những bài kệ khuyên dạy đệ tử của các bậc Thiền sư  nhưng không thuần tuý là những triết lý của nhà Phật mà ẩn chứa trong đó là cái tình, cái thú “nhàn”  và cao hơn cả là sự trải lòng với chính cõi Người, cõi trần thế. Trong thơ thiền, giữa Đạo và Đời có  một sợi dây gắn kết và ánh xạ vào nhau; Đạo là sự thể hiện ở Đời, còn Đời là thước đo để đạt đến  Đạo. 3. Con đường đạt Đạo và vấn đề nhân sinh quan Bước đường đạt đến sự đốn ngộ của cõi Phật không phải dễ dàng mà đòi hỏi cả một quá trình tu  luyện nhân tâm cũng như hành động. Xưa nay, người ta thường quan niệm rằng vào chốn cửa chùa  tu tâm là chính. Nhưng tu tâm chưa đủ mà còn phải tôi luyện ý chí và hành động. Điều này đã được  các nhà Thiền sư thể hiện trong thơ rất rõ nét. Ni sư Diệu Nhân khi bàn về vấn đề “Sinh, lão, bệnh,  tử” đã chỉ ra rằng: Sinh, lão, bệnh, tử, Tự cổ thường nhiên. Dục cầu xuất ly, Giải phọc thiêm triền. Mê chi cầu Phật, Hoặc chi cầu Thiền. Thiền, Phật bất cầu, Uổng khẩu vô ngôn. (Sinh, lão, bệnh, tử, Xưa nay lẽ thường, Muốn cầu thoát ra khỏi cái vòng sinh tử, lão bệnh ấy, Tưởng là cởi dây buộc ra thì chính lại là thêm rợ chằng vào. Kẻ mê hoặc đi cầu Phật, cầu Thiền Chẳng cầu Phật, cầu Thiền làm gì Phí cả lời không nói.) (Ni sư Diệu Nhân, Sinh lão bệnh tử) Như vậy, Ni sư Diệu Nhân đã phản đối việc ỷ lại vào Phật và Thiền. Con người ta không thể đem  cái ngoài mình để giải thoát cho mình mà nhiều lúc “tưởng là cởi dây buộc ra thì chính lại là thêm rợ  chằng vào”, nghĩa là thêm phiền toái. Bài thơ đã đánh thức đệ tử nói riêng và mỗi con người chúng ta  nói chung rằng phải độc lập suy nghĩ, tự mình hãy tìm phương pháp để giải thoát cho chính bản thân  mình và hãy thể hiện bản lĩnh tự lực, tự cường. Rõ ràng ta thấy chủ trương của đạo Phật không phải là sự an nhiên, siêu cầu mà trái lại là sự “hành  động”. Chỉ có hành động mới làm con người có được cuộc sống hạnh phúc thực sự; mặc nhiên, hành  động ấy phải là hành động “có Đạo”. Đó cũng là con đường để đạt đến Đạo bởi Đạo hiện ra trong  sự vận hành của bản thể, không thể nào nói ra được.
  5. Tịch diệt là không còn vướng bận với thế giới sắc tướng mà trở về với cõi Phật, trở về chính cái  bản thể vĩnh hằng. Người tu hành tất yếu muốn đạt đến điều đó. Thế nhưng trong quan niệm của  Thiền tông, Nát Bàn không phải là một thế giới cực lạc để người đắc đạo đến đó thụ hưởng cuộc  sống hạnh phúc mà trái lại, người tu đạo Thiền phải có tinh thần “phá chấp”, phải từ bỏ và thoát ly  những ham muốn, kể cả ham muốn cao cả nhất là sự tịch diệt. Có như vậy mới đạt được Đạo.  Quảng Nghiêm thiền sư trong lời dặn dò học trò trước khi về với cõi Phật rằng: Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ, Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh Nam nhi tự hữu xung thiên chí, Hưu hướng Như Lai hành xứ hành. (Lìa được cõi tịch diệt thì mới có thể nói về việc bỏ tịch diệt Sinh ở trong cõi vô sinh thì mới có thể nói về việc không sinh Kẻ nam nhi phải tự mình có cái chí xông lên trời Thôi đừng đi vào con đường mà Phật Như Lai đã đi.) (Quảng Nghiêm thiền sư, Thị tật) Để đạt được Đạo cần có phương pháp, cách thức. Trong lời dạy trên, sư Quảng Nghiêm đã dùng  một hình tượng rất mạnh là Phật Như Lai. Nhà sư đã khích lệ học trò của mình cũng như các đấng  nam nhi rằng: phải có ý chí, phải có một con đường đi riêng cho bản thân mình để đạt được mục  đích chứ không nên theo vết chân người đi trước, dù người ấy đã thành công như Đức Phật Như Lai.  Như vậy, con đường đi đến sự giác ngộ không là mẫu số chung cho tất cả mọi người, kể cả những  người tu hành mà vấn đề quan trọng hơn là tự mỗi cá nhân hãy hành động theo cách riêng của mình.  Mặc dù đó là lời khuyên dạy về phương pháp tu hành nhưng cách nói của Quảng Nghiêm thiền sư  nhằm khích lệ, động viên tính độc lập, chủ động sáng tạo của con người. Điều đó thể hiện lòng tin  tưởng ở con người của Thiền sư và làm nên tính tích cực, hào khí của thời đại­một thời đại mà con  người vừa thoát ra khỏi thân phận nô lệ, làm chủ đất nước, làm chủ bản thân mình, tràn đầy niềm  tin vào tương lai của vận mệnh dân tộc. Và niềm tin ấy được nhân lên gấp bội trong lời của sư Pháp  Thuận khi nói đến vận nước: Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình. Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh. (Phúc nước dài dằng dặc Cõi trời nam dựng cảnh thái bình. Ở nơi điện các không phải làm gì, Mà khắp chốn hết nạn đao binh.) (Quốc tộ) Mặt khác, sống trong cuộc đời, con người không thể “dẫm chân” tại chỗ, chấp nhận thực tại mà  phải biết vươn lên, phải biết khát khao cái lớn lao, cái cao cả hơn:
  6. Trạch đắc long xà địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc vô dư. Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. (Chọn được đất long xà có thể ở được, Tâm tình nơi đồng quê suốt ngày vui không chán. Có lúc lên thẳng đỉnh núi chót vót, Kêu lên một tiếng to làm lạnh cả bầu trời.) (Không Lộ thiền sư, Ngôn hoài) Nếu hai câu đầu của bài thơ thể hiện niềm vui thú quê thanh nhàn thì hai câu thơ sau phô bày những  thôi thúc mãnh liệt của nội tâm, trở thành hành động táo bạo một sự bứt phá trong suy tưởng để  vươn lên cuộc đời bình thường. Đỉnh núi chót vót có thể là đỉnh núi được dựng lên để tưởng tượng  cho cái cao nhiên của sự ngộ đạo. Từ phương diện của đạo Phật, hai câu thơ sau biểu thị sự siêu  thoát. Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa thì ta vẫn thấy hình ảnh con người hiện lên mang một tầm vóc  cao lớn, như so đo với đất trời. Mặt khác, nó còn thể hiện sự khát vọng vươn tới chiếm lĩnh những  đỉnh cao trong cuộc đời, không ngừng khám phá và sáng tạo. Hình tượng con người kỳ vĩ ấy vừa  biểu hiện tham vọng của nhà tu hành muốn có pháp thuật cao siêu vừa thể hiện hào khí của thời đại  độc lập, tự chủ dân tộc. Lời nhận định của GS Trần Đình Sử thật xác đáng: “[…] Lần đầu tiên trong  thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập tự chủ, con người Việt Nam xuất hiện trong tư thế tư duy trí tuệ,  xác lập môn phái, mà không phải mê tín dị đoan, thật là một sự kiện lớn, xứng đáng với con người  của một quốc gia độc lập. Thiền tông Việt Nam đã đem lại cho văn học Việt Nam một gương mặt  trí tuệ ngời sáng độc đáo, có lẽ đến nay người ta chưa nhận thức hết ý nghĩa của nó” [3, tr. 175­176]. Như vậy, Con đường đạt Đạo không phải là cái gì cao siêu, màu nhiệm mà chính ở những hành động  và suy nghĩ của mỗi người. Con người thực hiện những điều cho mình và cho cộng đồng khi mình có  ý chí, nghị lực và mang trong đó những suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Đó là cách hành Đạo và con  đường đạt Đạo của người tu hành. Mỗi tôn giáo đều có những quan niệm về vấn đề nhân sinh quan khác nhau và vấn đề này là hết sức  quan trọng. Dưới góc nhìn của các Thiền sư thời Lý­Trần, quan niệm về nhân sinh quan thật sự có ý  nghĩa lớn lao. Vạn Hạnh thiền sư nhìn cuộc đời con người bằng quan điểm đậm triết lý thiền Tông: Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô, Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô. Nhậm vận, thịnh suy vô bố uý, Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. (Thân người như bóng chớp, có rồi lại không, Cây cối đến tiết xuân thì tốt tươi, đến tiết thu thì lại héo. Đã nhậm vận, thì thịnh hay suy không làm cho sợ hãi, Thịnh hay suy chẳng qua như giọt sương ở đầu ngọn cỏ.) (Vạn Hạnh thiền sư, Thị đệ tử) Ở đây, bài kệ đã thể hiện đậm nét tư tưởng triết lý của Phật giáo Thiền tông rằng, mọi sự vật, sự  việc, hiện tượng trong thế giới này luôn luôn luôn biến động, vô thường. Và con người với tư cách là 
  7. một sinh thể trong thế giới ấy cũng không nằm ngoài quy luật này. Một khi người tu hành đã đạt tới  “nhậm vận” thì có thể hoà đồng giữa ngoại giới và nội tâm, vượt lên trên sự phân định giữa cái ta và  cái không ta. Như vậy, “nhậm vận” như thế là biết trở về với sự an nhiên nằm trong sự vận động  vĩnh cửu, một sự vận động vô thuỷ, vô chung, trong đó cuộc đời con người chỉ như là ánh chớp có  rồi không, rất ngắn ngủi và sự thịnh suy như giọt sương treo đầu ngọn cỏ. Mặt khác, theo giáo lý  Đạo Phật thì thân xác con người là dạng thức tồn tại của bản thể, khi thân xác ấy không còn nữa thì  không mất hẳn đi mà chẳng qua là sự kết thúc một dạng thức tồn tại mà thôi. Nên con người ta  không cần băn khoăn, buồn đau cho sự ra đi của kiếp người bởi bản thể là vĩnh hằng. Bài thơ như  một sự nhận thức về lẽ sinh tồn, diệt vong của đời người. Con người sống và chết là lẽ thường, lẽ  tự nhiên. Quan niệm về cuộc đời con người, về kiếp phù sinh có lẽ không tôn giáo nào như Phật giáo, xem cái  chết, sự ra đi rất nhẹ nhàng, an nhiên. Trong bài Cáo tật thị chúng, Mãn Giác thiền sư viết: Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai. Sự trục nhãn tiền quá, Lão tòng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Xuân qua, trăm hoa rụng, Xuân tới, trăm hoa nở, Việc trôi qua trước mắt, Cái già đến trên đầu Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Trước sân đêm qua nở một nhành mai. (Mãn Giác thiền sư, Cáo tật thị chúng) Hai câu thơ đầu diễn tả sự vần xoay của vũ trụ. Xuân đến rồi đi, đó là quy luật của thời gian, biến  đổi không ngừng. Sự cân đối, hài hoà giữa hai câu thơ là sự thuận và nghịch, giữa sinh sôi, nảy nở và  lụi tàn, héo úa. Hai câu thơ tiếp theo thể hiện quy luật về đời sống con người. Đó là quy luật của:  “Sinh, lão, bệnh, tử”. Thế nên, sự việc cứ trôi trước mắt, tuổi của con người thì có hạn mà chưa làm  được gì. Phải chăng đó là sự băn khoăn, trăn trở của nhà sư về lẽ sống trong cuộc đời. Sống là phải  tận hiến, phải “hành đạo”, làm đẹp cho đời. Nếu những câu thơ trước thể hiện sự biến động của quy luật vũ trụ và lẽ tồn vong của cuộc đời con  người thì hai câu thơ cuối của bài thơ ngời sáng một niềm tin, một tinh thần lạc quan: “Mạc vị xuân  tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Một lần nữa, ta thấy niềm tin của con người và chỉ  có ở con người được tô đậm trong thơ Thiền. Qua sự phân tích trên ta thấy, con đường đạt Đạo của bậc chân tu cũng như con đường để đạt được  mục đích của mỗi con người không phải là sự mầu nhiệm, siêu nghiệm mà là ở tính độc lập sáng  tạo, tự chủ cá nhân. Mặt khác, theo các nhà Thiền sư, sống trong cuộc đời này cần phải có một nhân  sinh quan tiến bộ. Đó là thái độ sống lạc quan, tự tại, phải có ý chí, nghị lực. Đó một lối sống nhập  thế, một tư tưởng nhập cuộc rất đáng trân trọng.
  8. 4. Kết luận Thơ Thiền trong thời kỳ văn học Lý­Trần đã thể hiện những tư tưởng hết sức độc đáo. Đó là mối  quan hệ mật thiết giữa cõi Đạo và cõi Đời. Những bậc Thiền sư đã đem chất Đạo vào Đời và Đạo  được nhìn dưới con mắt của Đời trần thế. Đọc thơ Thiền, người ta thấy ngời lên tư tưởng nhập thế  của các vị Thiền sư. Đồng thời, qua mỗi vần thơ, người đọc còn thấy được bản lĩnh, ý chí về con  đường đạt Đạo và thái độ sống lạc quan, tin tưởng của con người trong cuộc đời này. Cùng với sự đóng góp công sức của các nhà thiền sư trong buổi đầu xây dựng quốc gia độc lập, tự  chủ về mặt chính trị, các nhà Thiền sư còn để lại một khối lượng khá lớn các tác phẩm thơ cho nền  văn học dân tộc hết sức giá trị. Những tác phẩm ấy vừa thể hiện quan điểm triết lý nhà Phật, đồng  thời vừa thể hiện quan niệm về cuộc đời trần thế. Mặt khác, thơ Thiền còn là nguồn động viên, cổ  vũ tinh thần của dân tộc nhằm xây dựng một dân tộc độc lập, tự chủ, tự cường trong buổi đầu dựng  nước và chính thơ Thiền đã mở đầu truyền thống yêu nước của nền văn học viết Việt Nam. Thật  đúng như lời đánh giá của GS Đinh Gia Khánh rằng: “Thơ của một Thiền sư mà cũng đầy niềm ưu  ái như thế thì chắc rằng thơ văn nói chung phải gắn bó nhiều với những vấn đề của đời sống dân  tộc. Số tác phẩm thơ văn đời Lý còn giữ lại được rất ít. Tuy nhiên, căn cứ vào những tư liệu rất hạn  chế ấy vẫn có thể rằng các tác giả đời Lý, nhất là các tác giả nhà chùa, đã mở đầu truyền thống yêu  nước của dòng văn học viết ở nước ta” [2, tr. 61].
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2