1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử cách
mạng với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống tạo nên sự đa dạng, phong
phú trong bản sắc văn hoá của địa phương. Người Dao ở Tuyên Quang
có dân số đứng thứ 3 sau người Kinh, người Tày. Dao Đỏ là một trong 9
nhóm địa phương của người Dao ở Tuyên Quang, phân bố chủ yếu ở ba
huyện Na Hang, huyện Lâm Bình và huyện Chiêm Hoá. Sau dự án di dân
tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang (năm 2002) một bộ phận người Dao
Đỏ ở Na Hang di dân tái định cư ở các huyện Yên Sơn và Hàm Yên.
Trong cộng đồng các DTTS nói chung và người Dao Đỏ nói riêng,
thầy cúng là chủ thể văn hoá đóng vai trò quan trọng trong việc cấu
thành, sáng tạo, trao truyền các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Tuỳ thuộc vào mỗi giai đoạn trong lịch sử cuộc đời, điều kiện lịch sử xã
hội, họ giữ vị thế xã hội nhất định và đảm nhiệm các vai xã hội khác
nhau trong cộng đồng. Họ vừa là người hành nghề tâm linh, vừa là người
thờ tổ tông của dòng họ, là người lập làng hay là cán bộ chính quyền
đoàn thể các cấp. Do đó, họ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển, ổn
định đời sống của cộng đồng. Đặc biệt là các hoạt động bảo tồn, phát huy
các giá trị văn hoá truyền thống của người Dao Đỏ. Chính vì vậy, nghiên
cứu những người hành nghề thầy cúng từ góc độ vị thế và vai xã hội qua
các bối cảnh lịch sử, xã hội và nhận diện ảnh hưởng, nâng cao vị thế và
vai trò của họ trong việc ổn định đời sống, bảo tồn, phát huy các truyền
thống văn hoá của người Dao Đỏ hiện nay là cần thiết.
Những người hành nghề thầy cúng nói chung và thầy cúng người
Dao nói riêng đã có nhiều công trình nghiên cứu. Các công trình nghiên
cứu tập trung ở người Tày, Nùng, người Dao Họ, riêng thầy cúng người
Dao Đỏ chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập.
Với những lý do trên, NCS quyết định chọn đề tài: Thầy cúng
trong cộng đồng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang làm luận án Tiến sĩ,
chuyên ngành Văn hóa học của mình.