Phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành
lượt xem 7
download
Tác phẩm "Rừng xà nu" là thiên truyện mang ý nghĩa và vẻ đẹp của một khúc sử thi trong văn xuôi hiện đại, tác phẩm đã tái hiện lại vẻ đẹp tráng lệ hào hùng của núi rừng, của con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên trong những năm chống Mĩ cứu nước. Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, tác giả đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa lớn lao: để sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, không còn cách khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù. Bài văn mẫu "Phân tích tác phẩm Rừng xà nu" sau đây sẽ giúp các bạn khám phá và tìm hiểu sâu hơn nội dung tác phẩm.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành
- RỪNG XÀ NU Nguyễn Trung Thành Lời mở: Trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, có khá nhiều tác giả thành công về đề tài miền núi trong đó có Nguyên Ngọc và Tô Hoài. Nếu mảnh đất miền Tây đã “để nhớ để thương” cho Tô Hoài để suốt đời người nhà văn này như còn mang duyên nợ thì với Nguyên Ngọc, “Tây Nguyên với tôi là một niềm tâm sự không bao giờ dứt”. Cái mảnh đất hoang sơ, nồng hậu mà anh hùng bất khuất đã để lại bao tình cảm thắm thiết trong trái tim nhà văn để rồi sẽ làm nên một Nguyên Ngọc với những tác phẩm viết về Tây Nguyên vào hàng xuất sắc nhất của văn đàn cách mạng Việt Nam, làm xúc động nhiều thế hệ bạn đọc. Trong đó có truyện ngắn Rừng xà nu. I. TÌM HIỂU CHUNG 1. Tác giả - Là nhà văn có những đóng góp riêng và có vị trí khá nổi bật trong nền văn học Việt Nam. - Nguyễn Trung Thành (bút danh khác là Nguyên Ngọc) tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu (5/9/1932) chàng trai quê ở một huyện Thăng Bình kề biển Quảng Nam, nhưng lại có duyên đặc biệt với núi rừng. 1950, khi đang học trung học chuyên khoa trong vùng kháng chiến, gia nhập quân đội, lăn lộn trong phong trào kháng chiến ở Liên khu 5. Sau Hiệp định Giơ ne vơ, tập kết ra Bắc, công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1962, lại trở lại chiến trường miền Nam, hoạt động ở Khu Năm. Hơn chục năm ròng sống và chiến đấu hết sức kiên cường trên những chiến trường nóng bỏng, trực tiếp chịu đựng và chứng kiến bao nhiêu gian khổ và hy sinh đã cho Nguyên Ngọc một vốn sống rất phong phú về Tây Nguyên. Từ thuở thanh xuân cho tới khi đầu bạc, chưa bao giờ Nguyên Ngọc thôi suy tư, tìm hiểu, sống sâu với văn hóa Tây Nguyên. Có thể nói, ông là người vinh dự cầm bó đuốc mở đầu cho nền văn học hiện đại viết về Tây Nguyên và cho đến nay, dường như ông vẫn là nhà văn viết hay nhất về mảnh đất này. - Một vài tác phẩm tiêu biểu: tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” (1956), truyện ngắn “Rẻo cao” (1962), truyện ngắn “Rừng xà nu” (1965), tiểu thuyết “Đất Quảng” (1971)… 2. Tác phẩm 2.1. Xuất xứ, hoàn cảnh ra đời truyện ngắn “Rừng xà nu” - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, đất nước chia làm hai miền. Kẻ thù phá hoại hiệp định, khủng bố, thảm sát, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cách mạng rơi vào thời kì đen tối. Đầu năm 1965, Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc. Rừng xà nu được viết vào đúng thời
- 2 điểm mà cả nước ta trong không khí sục sôi đánh Mĩ. Tác phẩm được hoàn thành ở khu căn cứ của chiến trường miền Trung Trung bộ, ra mắt lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ” số 2/1965, sau đó in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số các sáng tác của Nguyễn Trung Thành viết trong những năm kháng chiến chống Mĩ. 2.2. Cốt truyện - Ý chính: Sau ba năm đi lực lượng, Tnú trở về thăm làng Xô Man. Cụ Mết kể cho dân làng nghe về cuộc đời, sự trưởng thành của Tnú cùng quá trình quật khởi của làng Xô Man: Tnú mồ côi từ nhỏ, dân làng ô Man nuôi dưỡng, được giác ngộ, tham gia cách mạng, Tnú chiến đấu gan góc, thông minh, trở thành người chỉ huy cuộc đồng khởi của làng Xô Man. Sau đó, Tnú tham gia lực lượng Giải phóng quân. Như vậy, tác phẩm có sự đan cài hai chiều: hiện tại - quá khứ - hiện tại, gắn với hai câu chuyện lồng ghép: cuộc đời đau thương mà anh dũng của Tnú - tuyến chính, phần cốt lõi và sự vùng lên của dân làng Xô Man, qua đó, ta thấy sự gắn bó giữa số phận cá nhân và vận mệnh chung của cộng đồng. - Xung đột chia truyện thành hai phần rõ rệt: phần đau thương - khi dân làng và Tnú chỉ có tay không và phần chiến thắng - khi Tnú và dân làng nổi dậy cầm vũ khí làm nên cuộc đồng khởi lay trời chuyển đất. Qua đó, tư tưởng chủ đề của truyện được khắc ghi như một chân lí lịch sử: “Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Đó là điểm quy tụ cảm hứng nghệ thuật của tác giả và soi chiếu lên mọi chi tiết nghệ thuật của tác phẩm. 2. 3. Chủ đề - Là thiên truyện mang ý nghĩa và vẻ đẹp của một khúc sử thi trong văn xuôi hiện đại, tác phẩm đã tái hiện lại vẻ đẹp tráng lệ hào hùng của núi rừng, của con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên trong những năm chống Mĩ cứu nước. Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, tác giả đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa lớn lao: để sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, không còn cách khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù. II. Đọc hiểu văn bản (theo hệ thống hình tượng) 1. Hình tượng thiên nhiên: Rừng xà nu. 1.1. Vị trí của hình tượng: Đây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Hình tượng cây xà nu - rừng xà nu nổi bật, xuyên suốt tác phẩm, vừa mang ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng. 1.2. Sự xuất hiện của xà nu - Trong cấu trúc văn bản: Mở ra: đồi xà nu, khép lại: những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời. Tác dụng: câu chuyện về gươm đao bắn giết tàn khốc lại được gói trọn trong một điệp khúc xanh. Không gian mở rộng thể hiện sức sinh sôi, sự sống mạnh Thuvientoan.net
- 3 hơn cái chết và sự huỷ diệt. Tạo cấu trúc điệp vòng tròn, hình tượng xuyên suốt, mang tầm vóc sử thi. - Ở hệ thống các tình tiết: xuất hiện rải rác trong thiên truyện: Trong đời sống sinh hoạt: khói xà nu xông bảng nứa để Tnú và Mai học,… và gắn với các sự kiện quan trọng của dân làng Xô Man: sự vùng dậy, cả làng bí mật mài vũ khí, Tnú bị tra tấn… xà nu trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và cuộc kháng chiến chống Mĩ của người Tây Nguyên. 1.3. Ý nghĩa tả thực: được miêu tả cụ thể như một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên, gắn bó thân thiết với cuộc sống người dân Tây Nguyên trong sinh hoạt hàng ngày, trong đấu tranh chống giặc; trong kí ức của người Xô Man... 1.4. Ý nghĩa biểu tượng: - Rừng xà nu là biểu tượng của đau thương: đồi xà nu ở trong tầm đại bác… ngay từ những dòng đầu tiên, xà nu đã được đặt trong cảnh liên quan đến sự huỷ diệt dữ dội, tàn bạo. Đây là thử thách lớn, nghiệt ngã với rừng xà nu. Hàng vạn cây không có cây nào không bị thương như khi giặc kéo đến làng Xô Man, ngọn roi của chúng không trừ một ai... tả ba cái chết của xà nu, hình ảnh những cây non bị huỷ diệt tạo cảm giác xa xót. - Rừng xà nu là biểu tượng của vẻ đẹp nên thơ và sức sống bất diệt: Ở chỗ vết thương: nhựa ứa ra, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, tác giả đã huy động ấn tượng khứu giác (thơm ngào ngạt) và ấn tượng thị giác (long lanh) để miêu tả chất nhựa xà nu với vẻ đẹp thi vị. Trong rừng ít loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy - so sánh làm nổi bật sức sống hiếm có của xà nu. - Rừng xà nu là biểu tượng cho sự nối tiếp các thế hệ: Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời - nguồn sống bền bỉ, ngạo nghễ, ngang tàng, như cỏ dại, như suối nguồn ào ạt. - Rừng xà nu là biểu tượng cho niềm khao khát tự do, sức mạnh kiên cường bất khuất: Ham ánh sáng mặt trời, phóng lên rất nhanh để đón lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng thẳng tắp, long lanh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Câu văn có sự thăng hoa của hai vẻ đẹp: vẻ nên thơ và sức mạnh cường tráng, bất khuất, sự khao khát tự do. Ham ánh sáng mặt trời là bản năng tồn sinh dẻo dai, luôn hướng về phía ánh sáng, hướng về sự sống. Những động từ mạnh: ham, phóng, đón - tư thế chủ động chiếm lĩnh - khao khát sống, khả năng sống tiềm tàng mãnh liệt. Hương thơm của nhựa cây tiếp tục được đan chiếu ánh xạ trong hai chiều cảm nhận: thị giác, khứu giác. Hạt bụi vàng: những hạt bụi dưới ánh sáng mặt trời từ trên cao rọi xuống giống như những hạt bụi long lanh - tác giả đã thơ hoá một hình ảnh bình thường. Thơm mỡ màng: không phải “thơm ngào ngạt” (cùng sắc độ đậm đặc, mạnh), không phải “thơm dìu dịu” (sắc độ nhẹ) mà là thơm mỡ màng là mùi hương như ngậm một nguồn sống dồi dào. Có những cây: vượt lên được, cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác Thuvientoan.net
- 4 không giết nổi chúng những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… - Rừng xà nu là biểu tượng cho vẻ đẹp của tinh thần hào hiệp, khảng khái, giàu chịu đựng và biết hi sinh: Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu đã ưỡn tấm ngực lớn ra, che chở cho làng - rào chắn, điểm tựa, áo giáp che chở cho cuộc sống dân làng Tây Nguyên => thái độ trân trọng, hàm ơn (Liên hệ: “Tre Việt Nam” - Nguyễn Duy) 1.5. Nhận xét về nghệ thuật: - Kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, khi dựng lên hình ảnh cả khu rừng, khi đặc tả cận cảnh một số cây. Nhà văn xoay ống kính từ ngoài vào trong, từ nhìn ngắm tổng quát đồi xà nu hàng vạn cây đến thâm nhập vào từng tế bào xà nu, khám phá chất nhựa thơm ngào ngạt – cái mùi thơm của sự sống bất tử. - Phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan trong việc miêu tả những cây xà nu với vóc dáng đầy sức lực, tràn trề mùi nhựa thơm, ngời xanh dưới ánh nắng... - Miêu tả cây xà nu trong sự so sánh, đối chiếu thường xuyên với con người. Các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên đồng thời gợi nhiều suy tưởng sâu xa về con người, về đời sống. Xà nu không chỉ hiện lên ở phương diện sinh vật học với đặc tính dẻo dai, sức chịu đựng tốt mà còn trở thành sinh thể sống, đang chịu những đau đớn về thể xác nhưng bất khuất, kiên cường, gan dạ, bản lĩnh, ẩn tàng một sức sống bất diệt, một tâm hồn giàu chất thơ. Hai cảm hứng: đau thương và bất tử đan xen nhưng âm hưởng chủ đạo là bài ca bất tận về sự sống. - Giọng văn đầy biểu cảm với những cụm từ được lặp đi lặp lại gây cảm tưởng đoạn văn giống như một đoạn thơ trữ tình. Bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp lãng mạn, xây dựng rừng xà nu thành biểu tượng nghệ thuật độc đáo, là “linh mộc” của người Tây Nguyên, mang tinh thần, sức mạnh, vẻ đẹp Tây Nguyên. - Tả con người trong quan hệ liên tưởng so sánh với xà nu: cụ Mết ngực căng như một cây xà nu lớn (rừng xà nu uỡn tấm ngực lớn), Tnú bị chém ngang lưng, vết thương tím thẫm như nhựa xà nu (những vết thương đen, đặc quyện thành cục máu lớn). Các thế hệ xà nu nối tiếp nhau - gợi sự liên tưởng các thế hệ dân làng Xô Man chống giặc bất khuất. Sự chuyển hoá nhuần nhuyễn giữa hình tượng thiên nhiên và con người, hướng về tư tưởng nghệ thuật chủ đạo: sự vùng lên và sức sống bất diệt của con người Tây Nguyên trong đau thương. 1.6. Kết luận: Cây xà nu tượng trưng cho số phận đau thương và phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. - Được xây dựng với cảm hứng sử thi hoành tráng, bút pháp lãng mạn. Thuvientoan.net
- 5 - Kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Qua hình tượng cây xà nu, người đọc hiểu biết thêm cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên và nhất là thêm yêu quí, tự hào về những phẩm chất cao đẹp của họ. Nhan đề mang tính hình tượng, vừa hiện thực, cụ thể (sức sống bất diệt của cây); vừa biểu tượng, khái quát (tinh thần bất khuất của người), thâu tóm được chủ đề tác phẩm (sức sống của dân tộc) và làm nên sức hấp dẫn riêng (không khí Tây Nguyên) của tác phẩm. 2. Hình tượng những con người Tây Nguyên tiêu biểu: cụ Mết, Tnú, Mai, Dít... 2.1. Cụ Mết: Từ một nhân vật có thật ngoài đời, cụ Mết bước vào văn học như một nhân vật trong thần thoại mà vô cùng sống động. 2.1.1. Vị trí của nhân vật: một nhân vật rất lạ. Ông chính là linh hồn của làng Xô Man, cũng là linh hồn của truyện ngắn, nhân vật làm nên bản sắc Tây Nguyên đậm đà nhất trên trang viết, là nhân vật tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần của Tây Nguyên. 2.1.2. Ngoại hình, diện mạo: Sau ba năm “đi lực lượng”, Tnú trở về thăm làng, được gặp lại cụ Mết. Anh thấy ông cụ “vẫn quắc thước như xưa”, dù râu đã dài tới ngực nhưng vẫn đen bóng”, mắt “sáng” và “xếch ngược”. Ông ở trần, “ngực căng như một cây xà nu lớn” còn tiếng nói thì “nặng trịch”, "ồ ồ dội vang trong lồng ngực” tưởng như tiếng vọng của núi rừng. Bàn tay nặng trịch nắm chặt vai anh như cái kìm sắt. Không bao giờ khen “Tốt! Giỏi!” Lúc ông nói, mọi người đều im bặt, nói như ra lệnh… Bằng vài nét phác thảo về ngoại hình, diện mạo có phần ước lệ, cụ Mết hiện lên vững vàng, mạnh mẽ, tráng kiện tựa như một cây xà nu cổ thụ trong đại ngàn Tây Nguyên. 2.1.3. Tính cách Không chỉ khoẻ khoắn về mặt thể chất, cụ Mết còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho dân làng Xô Man những ngày chống Mĩ. - Yêu nước, yêu làng, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng. + Là người anh hùng từ thời chống Pháp, cuộc đời Cụ đã trải qua nhiều thăng trầm, chứng kiến những đổi thay của đất trời Tây Nguyên, mang hình ảnh một xà nu cổ thụ… yêu làng, luôn tự hào về làng: gạo người Strá mình làm ra ngon nhất núi rừng, bụng nó sạch như nước suối làng ta, năm nay làng không đói, không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta... + Linh hồn của cuộc chiến đấu là anh Quyết, nhưng cụ là người tổ chức, điều khiển, cổ động, truyền cho con cháu niềm tin vào Đảng, vào cách mạng: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn núi nước này còn”, tiếp thêm sức mạnh cho dân làng tin vào sức sống bất diệt của con người như tin vào sự bất diệt của rừng xà nu “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên, đố nó giết hết rừng xà nu này” Thuvientoan.net
- 6 - Cụ là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa Đảng và dân, luôn có ý thức giáo dục truyền thống cho cháu con: “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ... Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu nghe”. Cụ “là cội nguồn, là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên, trường tồn tới hôm nay”, là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng và luôn có ý thức giữ gìn truyền thống. Qua câu chuyện kể về cuộc đời Tnú và sự nổi dậy của dân làng, cụ đã nhắc nhở mọi người dân Stra “Ai có cái tai, cái bụng thương nước thương nòi hãy nghe mà nhớ...” tạo nên màu sắc Tây Nguyên đậm đà trên từng trang viết. Lối kể sử thi của cụ Mết đã mang lại cho khuynh hướng sử thi của tác phẩm một biểu hiện đặc sắc, rất riêng. Cụ Mết đã kết nối tinh thần quật cường của người Xô Man từ quá khứ đến hiện tại và cho đến mai sau. - Đại diện cho vẻ đẹp tinh thần của cha anh, một già làng sáng suốt, mưu trí, như còn in dấu siêu phàm của các ông già trong thần thoại. Mang ý chí, lòng quả cảm và kinh nghiệm của con người dày dạn trong đấu tranh, lựa thế để chiến đấu với kẻ thù. Những lời nói của cụ Mết giản dị mà giống như những lời tổng kết thể hiện đường lối cách mạng “Năm nay làng không đói nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho đủ ba năm, đánh Mỹ phải đánh lâu dài”. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, cụ đã rút ra một chân lý đúng đắn: không thể tay không đương đầu với giặc. “Tnú cũng không cứu được vợ con. Còn mày, chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng… Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không”. “Tay trắng”, “tay không” làm sao có thể đương đầu với kẻ thù! …” Cụ Mết đã dặn dò tạc vào lòng con cháu một chân lí bất di bất dịch: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Cụ đã dẫn đám thanh niên vào rừng tìm giáo mác. Trong ánh đuốc xà nu, với giáo mác trong tay, cụ Mết cùng dân làng xông lên diệt gọn tiểu đội lính địch, mở đầu cho cuộc nổi dậy vũ trang khởi nghĩa của làng. Dưới lưỡi mác của cụ, thằng Dục tàn ác đã phải đền tội. Tiếng hô của cụ vang động khắp núi rừng: “Chém! Chém hết!”. Sau hiệu lệnh ấy, bão táp đã nổi lên, xác quân thù ngổn ngang quanh đống lửa đỏ trong nhà ưng. Tiếng cụ Mết như tiếng hịch vang rền sông núi: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có chông thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!” … 2.1.4. Kết luận Nhân vật cụ Mết trầm ngâm, lừng lững như cây cổ thụ, tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần và vật chất có tính truyền thống của dân tộc Tây Nguyên, vừa mang nét chung của những người dân Tây Nguyên: yêu làng, yêu nước, tuyệt đối trung thành với cách mạng, mang trong tim dòng máu bất khuất của một dân tộc anh hùng, căm thù giặc sâu sắc, hành động quyết liệt nhưng cũng khôn khéo để trả thù, đời sống nội tâm sâu sắc, giàu tình cảm yêu thương; vừa mang nét riêng, khác nhân vật chú Năm (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi); Bok Pak, Bok Sung (Đất nước đứng lên - Nguyên Ngọc), “Ông già Mết là nhân vật có thật. Nguyên Ngọc giữ nguyên tên. Và cũng y hệt Thuvientoan.net
- 7 như trong truyện, ở ngoài đời, ông Mết là ngọn cờ tập hợp dân chúng. Ông thông minh, dũng cảm, chỉ huy đánh giặc rất tài” (Trần Đăng Khoa) Mở: Câu chuyện mang tên một rừng cây, nhưng lại nhắc ta nhớ đến những cuộc đời, những con người của đất Tây Nguyên anh hùng bất khuất. Giờ học trước, chúng ta đã tìm hiểu những nét khái quát về tác phẩm, vẻ đẹp của hình tượng Xà nu và nhân vật cụ Mết - một cây xà nu đại thụ của núi rừng. Tuy vậy, nhân vật trung tâm kết tinh vẻ đẹp, sức mạnh của con người Tây Nguyên và được nhà văn khắc họa thật công phu nhằm gửi gắm tư tưởng chủ đề của tác phẩm phải là nhân vật mà cuộc đời anh đã được kể lại bên bếp lửa nhà ưng, trong không khí thiêng liêng của một đêm sâu như nhân vật trong truyện kể Khan ngày nào - một chàng trai Tây Nguyên từ cái tên: Tnú. (Tnú theo tiếng Ba na có nghĩa là người dũng sĩ) 2.2. Nhân vật Tnú 2.2.1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, vị trí, ý nghĩa hình tượng Nếu cụ Mết tượng trưng cho truyền thống, là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, pho sử sống của làng Xô Man thì Tnú là người tiêu biểu nhất cho thế hệ nối tiếp một cách tự giác và quyết liệt. Cuộc đời Tnú gắn bó máu thịt với cuộc chiến đấu khốc liệt, anh hùng của dân làng Xô Man. Tnú là linh hồn của khúc tráng ca trong những tháng ngày đau thương nhưng rất đỗi hào hùng. Và Tnú là sự kết tinh vẻ đẹp của con người Tây Nguyên trong hiện tại. Qua lời kể của cụ Mết, quá khứ gắn với những kỉ niệm ngọt ngào nhưng cũng hết sức đau thương của Tnú và dân làng Xô Man đã sống dậy. 2.2.2. Tình huống nhân vật xuất hiện - Nhân vật xuất hiện trong bối cảnh hùng vĩ của rừng xà nu, gợi không khí sử thi hào hùng. - Sau ba năm đi lực lượng, nghỉ phép về thăm làng một ngày, một đêm. Trên đường về thăm làng, mỗi bước đi trên mảnh đất quê hương đều chạm vào kỉ niệm, này là một cái cây lớn bị đốn ngã, nơi ngày xưa Tnú đã gặp Mai, này là tiếng chày rộn rã của quê hương. “Bây giờ anh mới chợt hiểu ra rằng hình như cái mà anh nhớ nhất ở làng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm nay chính là tiếng chày đó, tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xưa, của Mai, của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe thấy tiếng chày ấy rồi. Tnú cố giữ bình tĩnh nhưng ngực anh vẫn đập liên hồi, chân cứ vấp mãi mấy cái rễ cây vả chỗ quẹo vào làng” “Tnú nhớ những kỉ niệm về Mai”. Anh được dân làng đón tiếp nồng nhiệt… Từng con suối, gốc cây, ngọn cỏ, con đường, cái máng nước đầu làng, để cho vòi nước mát lạnh của làng mình giội lên khắp người như ngày trước. - Cụ Mết kể chuyện cuộc đời Tnú trước đông đủ dân làng và có mặt cả Tnú. Không gian: Nhà ưng - thời gian: Đêm rừng, bên ngoài lấm tấm một trận mưa đêm. Giọng kể: trầm và nặng. Cách kể: trang trọng, tôn nghiêm, kể “khan” cùng lời dặn dò: Sau này Thuvientoan.net
- 8 tau chết, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe - câu chuyện về Tnú trở thành truyện thiêng của cộng đồng Strá, thành di huấn, báu vật tinh thần truyền từ đời này sang đời khác. - Tác dụng: + Vừa tạo màu sắc sử thi huyền thoại, giữa người nghe và người kể có khoảng cách không gian, thời gian vời vợi, xa xăm, với thái độ chiêm ngưỡng thiêng liêng, thành kính, vừa có chất hiện đại: nhân vật được kể hiện hữu, chứng kiến, chỉ im lặng ngồi nghe, không tham gia vào câu chuyện lên thật rõ ràng và đầy đủ qua lời kể của cụ Mết. + Kể một câu chuyện mang màu sắc huyền thoại về một nhân vật đang sống, biến câu chuyện của cá nhân anh hùng thành câu chuyện của dân tộc anh hùng, Tnú là sự tiếp nối của Đăm san, Xinh Nhã… thuở trước trong thời đại kháng chiến chống Mĩ, bao bọc nhân vật trong không khí sử thi, huyền thoại “truyện kể một đêm, một đêm dài bằng cả đời người”. 2.2.3. Cuộc đời Tnú qua dòng hồi ức của cụ Mết * Trước khi cầm vũ khí: Dù sinh ra trong thân phận mồ côi, cuộc sống khổ nghèo, nhưng Tnú có tất cả: + Có sự cưu mang, nuôi dưỡng trong tình thương yêu, sự chở che, đùm bọc của dân làng. + Được giác ngộ cách mạng từ sớm, có lí tưởng cách mạng cao đẹp, ngay từ nhỏ, Tnú đã có ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc. Tnú nhớ như in lời của cụ Mết: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Bởi thế, Tnú đến với cách mạng một cách tự nhiên, gan góc, dũng cảm lạ thường. Mặc cho bọn địch khủng bố dã man những người tham gia nuôi giấu cán bộ: bà Nhan bị chặt đầu, cột tóc treo đầu súng, anh Xút bị treo cổ trên cây vả đầu làng, Tnú và Mai vẫn hăng hái đảm nhận tiếp công việc đầy hiểm nguy ấy. Được học chữ để làm cán bộ (mục đích rất rõ ràng, cái mà cả A Phủ và Núp đều chưa có). Tnú học chậm, lại hay nổi nóng. Có lần thua Mai, Tnú giận dữ đập bể cả cái bảng nứa, rồi bỏ ra suối ngồi một mình suốt ngày. Sự hiếu thắng, tính sĩ diện khiến Tnú không dễ thừa nhận sự kém cỏi của mình trước Mai. Tưởng như việc học chữ phải bỏ giữa chừng. Nhưng khi anh Quyết và Mai ra dỗ dành, Tnú bất ngờ cầm hòn đá tự đập vào đầu “máu chảy ròng ròng” như để tự trừng phạt bản thân mình, như lời thề quyết tâm học tập. Khi anh Quyết rủ rỉ: “Sau này, nếu Mĩ - Diệm giết anh, Tnú phải làm cán bộ thay anh. Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi”, Tnú “giả ngủ” và “lén chùi nước mắt” để rồi sáng hôm sau, nó đã dẹp tự ái cá nhân để thừa nhận “cái đầu tôi ngu quá” và nhờ Mai dạy chữ. Có thể nói, ý thức cách mạng sâu sắc đã chi phối mạnh mẽ tới mọi hành động, suy nghĩ của chú bé này. + Học chậm nhưng khi đi liên lạc Tnú lại rất linh hoạt, thông minh, táo bạo. Lúc qua sông, Tnú “không lựa chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình” vì “qua chỗ nước êm Thuvientoan.net
- 9 thằng Mỹ – Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”. Suy nghĩ bình dị nhưng đã nói lên rất nhiều sự gan góc dũng cảm của người thiếu niên anh hùng. Nhưng rồi có một lần, Tnú rơi vào ổ phục kích của giặc. Tnú nhanh trí nuốt vội lá thư vào bụng. Giặc đánh bắt khai: Cộng sản ở đâu? Tnú đưa tay lên bụng nói “Ở đây này!” Lưng Tnú ngang dọc vết dao chém, nhưng bí mật cách mạng vẫn được bảo toàn. Tóm lại, ngay từ khi còn nhỏ, nổi bật ở nhân vật Tnú, đó là sự thông minh, gan góc, dũng cảm, đặc biệt là ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, tinh thần trung thành tuyệt đối với cách mạng. Tnú là một trong những điển hình của thiếu nhi Việt Nam, tuổi nhỏ mà chí lớn, đã góp phần không nhỏ viết nên bản anh hùng ca của thời đại chống Mĩ. + Có sự can trường được tôi luyện thử thách qua mấy năm trời trong tù ngục. Ba năm sau, vượt ngục về làng, cùng thanh niên lên núi Ngọc Linh mài vũ khí, chủ động cho cuộc chiến đấu mới với kẻ thù. Lãnh đạo dân làng rất dũng cảm. Nghe tin làng Xô Man mài giáo mác, bọn giặc lồng lên: lại thằng Tnu chứ không ai hết. Con cọp đó không giết sớm, nay nó làm loạn núi rừng này rồi + Có sự cường tráng bất khuất: chảy trong huyết quản anh là dòng máu anh hùng của xứ sở Tây Nguyên truyền lại từ thời Đăm San, Xinh Nhã; chứa đầy trong ngực anh là sức mạnh mênh mông hoang dại của núi rừng. Gan góc đến bướng bỉnh, kiêu hãnh đến tự ái, không biết đến sợ hãi, chưa bao giờ khuất phục cường quyền, dù sự tàn bạo của kẻ thù có hiện hình trong mũi súng chĩa vào ngực hay lưỡi dao chém ngang dọc trên lưng, có mượn sức mạnh của dây rừng hay hiện hình thành lửa xà nu rừng rực đốt cụt 10 đốt ngón tay… + Có lòng căm thù giặc sâu sắc. + Có tình bạn hồn nhiên trong sáng, tình yêu thắm thiết, tình vợ chồng sâu đậm thủy chung, có hạnh phúc gia đình viên mãn, người vợ dịu hiền, đứa con trai kháu khỉnh, giọt máu của tình yêu. Ngay từ đầu, con người ấy đã là sự kết tinh của những gì lí tưởng nhất, đẹp đẽ nhất của cộng đồng, hiện thân đẹp đẽ của xứ sở Tây Nguyên - nhân vật mang ý nghĩa sử thi. Chuyển: Nhưng dụng ý của tác giả không phải để ngợi ca dù rất đáng ngợi ca. Nếu chỉ có cảm hứng đó, nhà văn sẽ lặp lại chính mình. Câu chuyện của một đời được kể trong một đêm, nhưng là một đêm dài như một đời sẽ rọi vào một ngày đặc biệt nhất của Tnú và dân làng Xô Man, một chi tiết cực kì xúc động làm nên đoạn cao trào của tác phẩm. Ở đó, tính cách và số phận nhân vật được bộc lộ chói chang nhất: ngày giặc tràn lên đốt phá, mẹ con Mai bị giặc bắt. 2.2.4. Đoạn cao trào của tác phẩm Vậy mà với bằng ấy cái có, Tnú vẫn không cứu được vợ con. Ừ, Tnú không cứu sống được mẹ con Mai... câu nói ấy được cụ Mết nhắc đi nhắc lại 4 lần như một khúc bi ca, cứa vào lòng ta như một nhát dao nứa. Giọng kể trầm buồn bên bếp lửa, Thuvientoan.net
- 10 trong một đêm thiêng lại liên quan đến một đêm khủng khiếp nhất trong cuộc đời Tnú. - Bọn lính đã tràn vào làng giữa mùa suốt lúa, chúng kéo về một tiểu đội vừa đúng lúc con trai đầu lòng của Mai và Tnú ra đời. Vẫn thằng chỉ huy năm trước - Thằng Dục - nó đội mũ đỏ màu máu. Nó gầm lên... chúng đóng lại trong làng bốn đêm, ngọn roi của chúng không trừ một ai. Tiếng kêu khóc dậy cả làng. Nó lăm lăm khẩu súng lục: đứa nào ra khỏi làng, bắt được, bắn chết ngay tại chỗ. Chúng khủng bố dân làng, bắt Dít. Không làm gì được con bé, thằng Dục dùng đến ngón đòn cuối cùng, nó bắt mẹ con Mai - hai nguồn hạnh phúc lớn nhất, hai người thân ruột thịt nhất đời Tnú bằng hình thức man rợ nhất, không phải bằng súng mà bằng trận mưa gậy sắt... - Sự sống của đứa trẻ đã bị cướp đi, không ai có thể chở che, giữ gìn cho nó. Dù Mai đã cố hết sức, đã làm hết cách, bằng sức mạnh của tình thương và sự dẻo dai nhanh nhẹn của người phụ nữ ở núi rừng, nhưng đứa bé chết, mẹ thằng bé cũng chết theo. Tất cả sự việc tàn khốc và bi thảm ấy lại diễn ra ngay trước mặt Tnú. Căm thù đã biến hai mắt anh thành hai cục lửa lớn. Nỗi nóng lòng suốt ruột đã khiến anh bứt đứt hàng chục trái vả (nơi anh Xút đã bị kẻ thù treo cổ) mà không hay. Sự căng thẳng dữ dội khiến anh không thể làm chủ được mình. Tnú “chồm dậy”, “hai con mắt là hai cục lửa lớn”, căm hờn đã uất đọng không thể tan, chực bùng lên thành hành động trả thù. Một tiếng hét dữ dội. Anh đã nhảy xổ vào giữa bọn lính bọn lính bằng sức mạnh của con mãnh thú bị tổn thương. Anh không biết đã làm gì. Đồ ăn thịt người! Tau đây, Tnú đây! Nhịp văn ngắn, dồn dập, nhanh, gấp, giàu kịch tính (kẻ thù trắng trợn, thách thức, bạo tàn, uy hiếp; dân làng tận mắt chứng kiến người anh hùng của mình bị tra tấn dã man - kết thúc xung đột là hành động vùng lên giết kẻ thù). - Chưa hết. Tấn bi kịch mà Tnú phải chịu đựng trong cái đêm ghê gớm đó còn tiếp tục nhiều hơn thế. Với hai bàn tay không, Tnú thậm chí không bảo vệ được chính mình! Anh bị bắt, bị trói, không phải bằng dây xích, dây thừng mà bằng dây rừng, bị đốt mười đầu ngón tay bằng giẻ tầm dầu xà nu chứ không phải bằng xăng như vở kịch Nổi gió của Đào Hồng Cẩm. Phải chăng, khi chúng ta không bảo vệ được sự sống thì những cây lá hiền lành của quê hương cũng có thể trở thành phương tiện để trừng phạt chính mình. Bất chấp mọi sự cố gắng của Tnú, anh không thể dành giật sự sống cho những con người anh thương yêu nhất, những con người đáng sống và giàu sức sống nhất vẫn phải chết. - Xây dựng nhân vật Tnú, nhà văn đã chú ý khắc họa hình tượng đôi bàn tay của anh như một biểu tượng nghệ thuật. Đó là đôi tay của yêu thương, tình nghĩa, khi đi tiếp tế cho cán bộ; bàn tay trung thực khi cầm phấn viết chữ và dám cầm đá đập vào đầu mình để tự trừng phạt vì hay quên; bàn tay gan góc, trung thành khi đặt lên bụng mình khi nói: Cộng sản “Ở đây này”. Giờ đây, mười ngón tay Tnú rừng rực cháy như mười ngọn đuốc. Đó là 10 ngon đuốc biểu tượng cho sự tàn bạo dã man của kẻ thù, cho ngọn lửa hờn căm đang Thuvientoan.net
- 11 ngùn ngụt bốc lên ở những người Xô Man yêu nước. Chúng muốn anh phải chịu đau đớn đến khi chết. Chúng còn muốn dùng cái chết đau đớn ấy uy hiếp tinh thần của dân làng. Nhà văn đã đặc tả cảm giác đau đớn tột cũng của Tnú. Nỗi đau dường như vượt quá sức chịu đựng của con người. Tnú không còn nhận biết được xung quanh, chỉ còn cảm giác đau đớn rát bỏng lan ra khắp cơ thể. Tnú nghe “lửa cháy ở ngực, ở bụng”. Nhưng nhớ lời anh Quyết “người cộng sản không thèm kêu van”, Tnú vẫn quyết không kêu, mặc dù máu đã mặn chát nơi đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”. Chỉ có những tiếng kêu thống thiết, đau đớn vang lên trong đầu, trong tim anh, hướng về những người thân yêu “Cha mẹ ơi! Anh Quyết ơi!”… Chỉ có những tiếng “Không” vật vã trong đau đớn của con người đang cố gắng để không tỏ ra mềm yếu trước kẻ thù. Tnú chỉ còn sống với nội tâm đang thét gào vì đau đớn của mình, nội tâm của con người biết rằng mình sắp chết thảm khốc. Nỗi đau tột cùng về thể xác đã chuyển hoá thành nỗi đau tinh thần, ngọn lửa đời thường đã thành ngọn lửa uất hận: “Trời ơi, Cháy, cháy cả ruột đây rồi”. Đoạn văn thấm đẫm chất bi tráng khi khắc hoạ lòng quả cảm, phẩm chất anh hùng của người cộng sản trước sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Từ cái chết của mẹ con Mai và hai bàn tay bị đốt của Tnú, dân làng Xô Man đã thấm thía một chân lí bất di bất dịch “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Bởi “Tay trắng”, “tay không” làm sao có thể đương đầu với kẻ thù! Mười ngọn đuốc ngón tay Tnú đã đốt lên ngọn lửa đau thương, uất hận của làng Xô Man. Tiếng thét dữ dội của anh là giới hạn cuối cùng đối với sức chịu đựng của con người, là giọt nước tràn li khơi dậy sức mạnh quật khởi của dân làng. Trong ánh đuốc xà nu, cụ Mết cùng đám thanh niên với giáo mác trong tay xông lên diệt gọn tiểu đội lính địch, mở đầu cho cuộc nổi dậy vũ trang khởi nghĩa của làng. Khi Tnú tỉnh lại thì lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay, như là ẩn dụ cho sự chiến đấu và chiến thắng. Nhưng đống lửa xà nu lớn giữa nhà vẫn đỏ, như lòng căm thù, uất hận vẫn chưa thể nguôi ngoai. Lời hiệu triệu vang vọng của cụ Mết: “Đốt lửa lên!” như là lời hịch vang vọng, đốt lên ngọn lửa của sự quyết tâm trong cuộc sống mái với kẻ thù. Và đêm ấy, lửa cháy khắp rừng. Làng Xô Man đã trở thành làng vũ trang, với khí thế ngút trời… Vết thương đã lành nhưng mỗi ngón tay anh đã mất đi một đốt. Đôi bàn tay của anh trở thành chứng tích cho tội ác của kẻ thù. Tnú gia nhập lực lượng vũ trang, cầm súng tiêu diệt kẻ thù, chính đôi tay tàn tật ấy trở thành đôi bàn tay quả báo với kẻ thù. Lập công xuất sắc, Tnú được thưởng phép về thăm làng. Tnú đã vượt lên mọi bi kịch cá nhân để trở thành người chiến thắng, trở thành người con quang vinh của dân làng. Điều gì đã tạo nên một Tnú gan góc, can trường đến vậy? Phải chăng đó chính là lòng căm thù giặc sâu sắc, là niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào Cách mạng và là một tình yêu quê hương, gia đình tha thiết? 2.2.5. Đánh giá vai trò, ý nghĩa hình tượng với giá trị tác phẩm Thuvientoan.net
- 12 Hình ảnh Tnú làm người đọc nhớ tới hình ảnh những cây xà nu mà “đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một cơ thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”. Phải chăng thủ pháp ứng chiếu giữa thiên nhiên với con người đã tạo nên mối liên hệ hết sức chặt chẽ giữa hai hình tượng Tnú - nhân vật chính của tác phẩm và rừng xà nu. Hai hình tượng ấy gắn bó và bổ sung cho nhau để cùng bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm: cần phải cầm vũ khí đứng lên chiến đấu để bảo vệ sự sống cho quê hương, gia đình và đồng bào của họ, cho những cánh rừng xà nu bát ngát trải dài tới tận chân trời. Câu chuyện về cuộc đời và con đường chiến đấu của Tnú mang ý nghĩa tiêu biểu cho số phận và con đường đi của dân làng Xô Man, của đồng bào Tây Nguyên và nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Bi kịch của Tnú không phải bi kịch cá nhân, trong những năm tháng đau thương ấy có biết bao con người cũng phải chịu đựng những đau thương mất mát. Người anh hùng mang những phẩm chất cao đẹp của cộng đồng và con đường Tnú lựa chọn cũng là con đường của các dân tộc ở Tây Nguyên khi ấy: con đường đấu tranh vũ trang giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tnú như là hiện thân cho thế hệ trẻ Tây Nguyên kiên cường, bất khuất trong kháng chiến bảo vệ quê hương, là hình tượng góp phần mang lại không khí sử thi đậm nét cho tác phẩm. - Qua cuộc đời Tnú, tác giả cũng đặt ra vấn đề thời đại, khái quát chân lí cách mạng đồng thời là tư tưởng của tác phẩm: Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo. Đây là một trong những hình tượng thành công xuất sắc của Nguyễn Trung Thành, của văn học chống Mĩ cứu nước. 2.2.6. Đặc sắc nghệ thuật xây dựng hình tượng + Xây dựng nhân vật bằng bút pháp sử thi - nhân vật hiện lên như người anh hùng trong những trang huyền thoại của người miền núi. + Tiếp nối truyền thống có từ Đăm san, Xinh Nhã, Đinh Núp…, kéo dài và làm mới những trang sử bằng tinh thần hiện đại. + Sự luân phiên lượt kể: Tnú kể lại: giết Dục (có súng, có dao) bằng chính đôi tay mỗi ngón cụt một đốt. + Ý nghĩa biểu tượng của chi tiết bàn tay: mười ngón đuốc rực cháy như biểu trưng cho sức mạnh, sự kiên cường bất khuất của con người. Mỗi ngón cụt một đốt là chứng nhân ghi dấu tội ác dã man của kẻ thù, chứng tích đau thương để nhắc nhớ người dân Xô Man về chân lí cách mạng. Bóp cổ thằng Dục, sức mạnh tiêu diệt kẻ thù, sự trả giá tất yếu cho tội ác của bọn xâm lược, sức sống bất diệt của con người Tây Nguyên. + Thủ pháp ứng chiếu giữa thiên nhiên với con người đã tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa hai hình tượng Tnú - nhân vật chính của tác phẩm và rừng xà nu. Hai hình tượng ấy gắn bó và bổ sung cho nhau để cùng bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm: cần phải cầm vũ khí đứng lên chiến đấu để bảo vệ sự sống cho quê hương, gia đình và đồng bào Thuvientoan.net
- 13 của họ, cho những cánh rừng xà nu bát ngát trải dài tới tận chân trời. So sánh với hình tượng các anh hùng khác trong văn học chống Mĩ để thấy được đặc điểm thi pháp của văn học chống Mĩ và nét khác biệt của hình tượng). Cảm hứng chính về Rừng xà nu là cảm hứng về sự tái sinh, về sức sống không thể nào bị tàn phá. Điều đó kết đọng đẹp đẽ trong hình tượng Mai - Dít, Heng. 2.2. Mai - Dít 2.2.1. Mai: Cũng như Tnú, Mai là thế hệ được tiếp nhận lí tưởng cách mạng từ những năm tháng đau thương, đen tối của làng Xô Man và của cả nhân dân miền Nam dưới ách thống trị bạo tàn của Mĩ – Ngụy. Trong kí ức uổi thơ hồn nhiên trong sáng của Tnú và Mai, có những ngày thay nhau vào rừng tiếp tế đưa cơm cho cán bộ, có khi cả hai đứa cùng đi, chúng ở luôn lại ngoài rừng ban đêm, để cán bộ ngủ ngoài rừng một mình trong đêm, cái bụng không yên được, lỡ giặc lùng, ai đưa cán bộ chạy. Hình ảnh của Mai và Tnú trong những ngày gian nan cơ cực ấy là “một đứa bé đứng tới ngang bụng cụ Mết. Nó đeo một cái xà lét nhỏ xíu của mẹ nó để lại, trong xà lét trên bỏ rau dưới giấu hai lon gạo trắng, nó luồn như một con sóc qua các hốc đá cheo leo, nó chạy lon ton trong rừng đi tìm nuôi anh cán bộ. Một đứa con gái còn nhỏ hơn nó nữa hối hả chạy theo nó. Đứa con gái vén chiếc váy của mẹ mới dệt nhảy từ mỏm đá này qua mỏm đá khác như một con chim sáo, vừa nhảy vừa gọi lanh lảnh: - Tnú, Tnú, chờ với chớ, chờ với chớ! Tnú thì quay lại trợn mắt: - Bí mật chớ, Mai! Sao đi đâu cũng tác như con mang thế? Mai muốn cười, nhưng sợ Tnú, không dám cười...” Cô bé vô tư, hồn nhiên trong sáng, có giọng nói lanh lảnh, trong vắt, sau này đã trở thành người phụ nữ có vẻ đẹp dịu dàng, tấm lòng yêu thương, nhân hậu. Sau ba năm, thoát ngục Kon Tum về, gặp lại Tnú, lần đầu tiên sau khi ở tù về Tnú gặp lại Mai, thấy Mai đã lớn anh không ngờ, và Mai thì cầm hai bàn tay anh lúc ấy còn lành lặn, ứa nước mắt khóc, không phải như một đứa trẻ nữa mà như một người con gái đã lớn, vừa xấu hổ vừa thương yêu. Người phụ nữ nhân hậu, dịu dàng, đầy nữ tính ấy đã có những ngày tháng hạnh phúc êm đẹp bên người chồng dũng mãnh và đứa con nhỏ yêu thương. Nhưng, phút lâm nguy, khi giáp mặt với bầy lang sói hung tợn, cô như trở thành một tượng đài của lòng bất khuất. Giữa bầy lính, mười thằng, đủ súng ống và sự man rợ, cô không mảy may run sợ. Cô “ngửng đôi mắt lớn nhìn thằng Dục”. Thằng Dục xem cô là “con mọi cộng sản”, “con cọp cái”, là cơ sở để “dụ được con cọp đực trở về”. Nó cầm một cây gậy sắt dài tra tấn đánh đập mẹ con Mai. “Trận mưa cây sắt mỗi lúc dồn dập”. Bằng tất cả sự dẻo dai nhanh nhẹn của người phụ nữ sống ở núi rừng, cô đã cố bảo vệ đến cùng đứa con - giọt máu của tình yêu. Người mẹ trong tay không một vũ khí đã phải chống chọi một cách bất lực với bọn sát nhân tàn bạo. Đến khi trút hơi thở Thuvientoan.net
- 14 cuối cùng dưới bàn tay đẫm máu của bọn mặt người dạ thú cô vẫn một mực trung thành với cách mạng, không khai báo nửa lời. Nhưng cái chết của những người như mẹ con Mai mãi làm núi sông này đau đớn, ta liên tưởng đến những cây xà nu đang tràn đầy sức sống, bị đại bác chặt đứt nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão, những cây xà nu con phải chết một cách oan khuất… 2.2.2. Dít: - Nhưng tác giả đã khéo léo để người đọc thấy Mai không chết, người như Mai vẫn tiếp tục tái sinh, sống trong hình ảnh của Dít, bởi Dít giống chị như hai giọt nước. Không phải ngẫu nhiên Tnú bất chợt cảm thấy “có một luồng lạnh rân rân ở mặt và ngực. Mai! Trước mắt anh là Mai đấy!” Nếu vẻ đẹp nổi bật của Mai là sự yêu thương nhường nhịn thì ở Dít lại là sự rắn rỏi của người chiến sĩ. Lớn lên trong đau thương, mất mát của quê hương, gia đình, thù nhà, nợ nước chồng chất đã tôi luyện cho Dít thành một con người kiên gan cứng cỏi đến lạ thường. Cũng như Mai, Dít là đại diện cho thế hệ chủ lực đánh Mĩ ở Tây Nguyên, dũng cảm, gan góc không kém gì Tnú. Khi cả làng bị giặc ở đồn Bắc Hà bao vây, không ai lọt ra được, ngoại trừ lúc ấy Dít còn nhỏ, lanh lẹn, cứ sẩm tối lại bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên. Dít bị giặc bắt khi ở ngoài rừng về. Bọn giặc để Dít ở giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ. Cái váy của Dít rách tượt từng mảng. Dít khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười thì chùi nước mắt, từ đó im bặt. Dít đứng lặng giữa bọn lính. Cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ lại giật lên một cái nhưng đôi mắt vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng. Nhiều người băn khoăn rằng, những chi tiết như thế này có khốc liệt quá không? Có phi thực tế không? Câu trả lời thuộc về những người đã từng vào sinh ra tử. Rằng sự dã man tàn bạo của kẻ thù trong thực tế còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần. Và hình như, Nguyễn Trung Thành còn muốn nói với ta một điều sâu xa hơn thế, rằng trong khoảnh khắc con người ta phải tự lớn, nếu không sao có thể đương đầu với đội quân dũng mãnh vũ khí được trang bị đến tận chân răng? - Vậy là, không khủng bố được tinh thần Dít, bọn giặc đành chịu! Còn khi chị Mai và đứa con bị giặc giết chết một cách dã man, mọi người, kể cả cụ Mết đều chứa chan nước mắt nhưng mà Dít vẫn “lầm lì, không nói gì cả, mắt ráo hoảnh”. Ngày Tnú lên đường, Dít còn là “một cô bé không có áo mặc, đêm lạnh nó không ngủ, đốt lửa ngồi cho đến gà gáy rồi đi giã gạo thay chị. Nó lầm lì, không nói gì cả, đôi mắt ráo hoảnh trong khi mọi người, cả cụ già Mết đều khóc vì cái chết của Mai... Phải chăng những giọt nước mắt của Dít đã chảy vào trong kết thành những giọt thù, giọt hận thấm sâu trong tâm hồn để nuôi dưỡng khát vọng trả thù. - Bên cạnh một cô Dít gan góc còn có một cô Dít rất đằm thắm yêu thương. Tình cảm ấy được ẩn giấu bên trong vẻ ngoài tưởng như lạnh lùng. Khi biết Tnú được thưởng phép cô mới cười, thổ lộ lòng mình: “Sao anh về có một đêm thôi…. Bọn em miệng Thuvientoan.net
- 15 đứa nào cũng nhắc anh mãi”. Chỉ trong mấy năm, cùng với sự lớn mạnh của cuộc chiến đấu của dân làng, người con gái Tây Nguyên can trường từ thuở nhỏ ấy đã vượt lên trên những thử thách khốc liệt để trở thành người lãnh đạo chủ chốt của làng Xô Man. - Nhà văn đã có dụng ý khi xây dựng hai nhân vật Mai và Dít. Họ giống nhau như hai giọt nước không chỉ là hình thức mà còn ở tâm hồn, tính cách. Nhưng Mai là nạn nhân của một thời đau thương, đen tối bởi khi đó chị và dân làng chưa cầm vũ khí. Còn Dít, cô cứng cỏi, trưởng thành hơn chị, vận hội mới của cách mạng đã trao cho cô cây súng để chiến đấu trả thù cho quê hương và gia đình đồng thời để bảo vệ cho sự sống của đất nước nhân dân và cũng là của chính mình. Cũng như Tnú, hình ảnh Dít làm ta liên tưởng đến những cây xà nu vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã. Nguyễn Trung Thành còn lờ mờ để chúng ta thấy, Dít đã ngồi vào đúng chỗ của Mai, “có một luồng lạnh rân rân ở mặt và ngực. Mai! Trước mắt anh là Mai đấy!”. Tnú có một hạnh phúc qua đi và một hạnh phúc đang chờ trước mắt, để có những ngọn đồi xà nu xanh tít tắp tận tới chân trời… 2.3. Nhân vật bé Heng - Ngày Tnú ra đi lực lượng, bé Heng mới đứng ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà - lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy. - Ngày Tnú về phép, làng Xô Man giờ đây thành làng chiến đấu. Thông thạo tất cả hầm chông, bẫy đá, mọi lối đi của làng Xô Man, Heng dẫn đường cho Tnú về. Cũng ít nói như những người dân làng Xô Man, nó không sợ nguy hiểm, dẫn đường cho Tnú qua những «Con đường ấy chằng chịt hầm chông, hố chông, cứ mười phút gặp một giàn thò (một loại bẫy) chuẩn bị sẵn, cần thò căng như dây ná, đánh một phát chặt gãy đôi ống quyển, lưỡi thò từng đôi, từng đôi gác lên giàn, sắc lạnh». Khi tới chỗ « ác chiến điểm » nó nhìn Tnú « cười một cách rất liếng », « mắt lóe lên một tia sáng nhỏ » bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt về công cuộc cách mạng của dân làng. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu Heng đã có dáng dấp của một chú bé anh hùng. Heng háo hức tham gia cách mạng, ước mơ trở thành anh giải phóng quân, tự trang bị cho mình trang phục của người lính. Bằng cái nhìn rất hóm hỉnh và nhân hậu, nhà văn đã dựng lên trước mắt người đọc bức chân dung vừa ngộ nghĩnh vừa đáng yêu của cậu bé (xin được chiếc mũ tai bèo sùm sụp, chiếc áo bà ba dài thườn thượt). Dường như trong chú bé này có hình bóng của một Tnú khi còn làm liên lạc cho cán bộ khi xưa - một tiểu anh hùng, là đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ măng non núi rừng Tây Nguyên. Cùng với bước đi lên của cách mạng, thế hệ của Heng chắc chắn sẽ có bước tiến vượt xa lớp cha anh. Mai này trưởng thành, chắn chắn bé Heng sẽ tiếp tục thế hệ cha anh. - Nếu cụ Mết xứng đáng với hình ảnh cây xà nu đại thụ giữa rừng xà nu bạt ngàn xanh thẳm, thì bé Heng tượng trưng cho cây xà nu mới lớn ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời, sẽ phát triển đến đâu chưa ai lường được… “Trên đất Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng”. Qua tác phẩm Rừng xà nu hình ảnh người dân Tây Nguyên hiện lên gan góc, kiên cường, căm thù giặc sâu sắc và có tinh thần Thuvientoan.net
- 16 cách mạng rất cao. Họ đã vượt qua những đau thương mất mát, tự nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Đúng là: Lớp cha trước, lớp con sau?/Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu). 2.4. Khái quát về các nhân vật: Tóm lại, mỗi nhân vật trên đây đều có những vẻ đẹp anh hùng khác nhau nhưng họ đều là những người đại diện cho nhân dân, cộng đồng. Họ là những hình mẫu tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Các thế hệ nhân dân Xô Man tiếp nối trong cuộc chiến đấu, càng về sau càng lớn mạnh. Nhà văn đã xây dựng được hệ thống nhân vật tiêu biểu, có tác dụng làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Lịch sử làng Xô Man được cụ Mết kể suốt một đêm dài bên bếp lửa nhà ưng là một chuỗi đau thương mất mát nhưng đó cũng là những trang sử vẻ vang bất khuất không thể nào dập tắt được dân làng viết nên bằng máu và nước mắt của mình. 3. Chất sử thi: (Đọc lại khái niệm sử thi trong bài Khái quát văn học) Toát lên từ chủ đề, cốt truyện đến nhân vật, hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật và giọng điệu, ngôn ngữ của tác phẩm 3.1. Đề tài: có ý nghĩa lịch sử, đề cập đến những vấn đề trọng đại của cộng đồng. (Trình bày: Hoàn cảnh sáng tác, cốt truyện và tình huống xung đột) 3.2. Nhân vật: Nhân vật của sử thi là những con người tiêu biểu nhất của cộng đồng mang lí tưởng của cộng đồng. Họ nhân danh cộng đồng. Hệ thống nhân vật thể hiện sự tiếp nối của các thế hệ cách mạng. Tính cách, số phận, con đường đi của các nhân vật đều mang ý nghĩa đại diện cho nhân dân, cộng đồng, số phận cá nhân thống nhất với số phận cộng đồng. 3.3. Cách trần thuật và ngôn ngữ kể chuyện: Câu chuyện được kể lại như một hồi tưởng qua lời kể của cụ Mết – một già làng trong nhà ưng trước đông đảo dân làng, cách kể trang trọng như muốn truyền lại cho cháu con những trang sử bi thương và chói lọi, hào hùng của cộng đồng: Người già chưa quên, người chết đi rồi thì để lại cái nhớ cho người sống “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng tai mà nghe, mà nhớ. Sau này tao chết rồi, chũng mày phải kể lại cho con cháu nghe...”. Để tạo không khí trang trọng, nhà văn đặt lời kể trong không gian đặc biệt: ngoài rừng xa im ắng, chỉ có mưa rơi dìu dịu, trong nhà mọi người lắng nghe một cách ngưỡng mộ, giọng cụ Mết trầm trầm vang lên như tiếng phán truyền của lịch sử. Dù là câu chuyện của thời hiện tại, nhưng đã được kể như một câu chuyện lịch sử với giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng sử thi, với thái độ “chiêm ngưỡng” qua một “khoảng cách sử thi”. Cách kể như vậy gợi nhớ cách kể khan của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Bên bếp lửa chung của làng, các bài khan được kể như hát suốt đêm này qua đêm khác, những thiên Thuvientoan.net
- 17 trường ca đậm chất sử thi kể về lịch sử mang màu sắc huyền thoại của bộ tộc, về những người anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh và khát vọng của cộng đồng. 3.4. Khái quát: Rừng xà nu được viết trong cảm hứng sử thi hoành tráng. Một sự hoành tráng trong hình ảnh thiên nhiên và con người, hoành tráng trong âm hưởng, với lời văn đầy âm điệu, khi vang động, khi tha thiết trang nghiêm. Thiên truyện không chỉ hấp dẫn bởi bạn đọc bởi chất thơ hào hùng, tráng lệ về sức sống bất diệt và cuộc chiến đấu bất khuất của nhân dân giành lại tự do mà còn là một thứ hương vị quyến rũ dậy lên từ thiên nhiên và con người ở miền đất cao nguyên xa xôi của Tổ quốc. Là trải nghiệm của một đời văn, một đời chiến sĩ, Rừng xà nu là một tác phẩm nổi trội của nền văn học thời chống Mĩ. III. Tổng kết giá trị nổi bật của tác phẩm 1. Nội dung: Ca ngợi ý chí bất khuất, tinh thần chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên và con đường tất yếu để đi tới giải phóng của nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. 2. Nghệ thuật: Bút pháp nghệ thuật đậm tính sử thi và lãng mạn qua cách trần thuật, miêu tả thiên nhiên, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu. Đề 1: BÀI TẬP ĐỌC HIỂU Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng... (Trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành) 1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính? 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì? 3. Trong đoạn văn trên, Nguyễn Trung Thành sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, đối lập. Xác định biểu hiện các phép tu từ đó và nêu tác dụng của hình thức nghệ thuật này là gì? Thuvientoan.net
- 18 4. Xác định từ loại của các từ được gạch chân: mọc, lao, phóng, ham, tiếp, vượt, ưỡn trong văn bản? Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các từ đó là gì? 5. Từ văn bản trên, viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ bản thân về những cánh rừng bị tàn phá hiện nay. Trả lời: 1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức tự sự là chính. 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là: nói về đặc tính của cây xà nu. Đó là cây ham ánh sáng mặt trời, sinh sôi nảy nở nhanh và khoẻ. Khi bị đạn đại bác bắn, cây xà nu bị chặt đứt ngang thân, cây chết. Nhưng một số cây còn sống, vết thương chóng lành, vượt lên trên cao để đón ánh nắng mặt trời. Cây xà nu bảo vệ dân làng Xô Man. 3. Trong đoạn văn trên, Nguyễn Trung Thành sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, đối lập. a/ Biểu hiện các phép tu từ đó là: - So sánh: Trong rừng ít loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy; Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. - Nhân hoá: những vết thương của chúng chóng lành; Chúng vượt lên rất nhanh; rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng... - Đối lập: Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên; Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê b/ Tác dụng của hình thức nghệ thuật này là: - Biện pháp so sánh nhằm ca ngợi sức sống hiếm có của cây xà nu. - Biện pháp nhân hoá khiến xà nu không chỉ hiện lên ở phương diện sinh vật học với đặc tính dẻo dai, sức chịu đựng tốt mà còn trở thành sinh thể sống, đang chịu những đau đớn về thể xác nhưng bất khuất, kiên cường, gan dạ, bản lĩnh, ẩn tàng một sức sống bất diệt, một tâm hồn giàu chất thơ. - Biện pháp đối lập giữa cây xà nu ngã gục với mọc lên, giữa cái chết với sự sống nhằm khẳng định sự sống sinh ra từ trong cái chết, mạnh hơn cái chết của cây xà nu cũng chính là tượng trưng cho con người Tây Nguyên đau thương mà anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 4. Từ loại của các từ được gạch chân: mọc, lao, phóng, ham, tiếp, vượt, ưỡn trong văn bản là động từ, hàng loạt động từ mạnh. Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các động Thuvientoan.net
- 19 từ đó là: thể hiện tư thế chủ động của cây xà nu, ca ngợi sự khao khát sống, khả năng sống tiềm tàng, mãnh liệt. 5. Một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ bản thân về những cánh rừng bị tàn phá hiện nay, đảm bảo các ý chính: - Tóm tắt vẻ đẹp của rừng xà nu trong chiến tranh khốc liệt - Nhưng hiện nay, bên cạnh những cánh rừng bạt ngàn, xanh rờn thì không ít những cánh rừng bị tàn phá, biến thành những đồi trọc. - Hậu quả những cánh rừng bị tàn phá? - Nguyên nhân (chủ quan và khách quan) - Đề xuất biện pháp khắc phục - Bài học cho bản thân? Đề 2: Phân tích câu nói của cụ già Mết: “Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo!” a. Ý nghĩa của câu nói: Phải cầm vũ khí của mình khi kẻ thù đã cầm vũ khí Phải sử dụng bạo lực của chính nghĩa để đáp lại bạo lực phi nghĩa của quân thù. b) Sự thể hiện qua hình tượng: Sẽ ra sao nếu kẻ thù đã cầm súng mà ta chưa kịp cầm lấy giáo? Khi đó ta vẫn có thể có lí tưởng cách mạng, chí trung kiên, lòng căm thù, sức mạnh và tinh thần dũng cảm, như Tnú đã từng có. Nhưng ta sẽ không thể bảo vệ được hạnh phúc, tình yêu. Cũng như Tnú đã không thể bảo vệ được mẹ con Mai, và bàn tay anh còn bị kẻ thù dùng nhựa xà nu thiêu cháy. Và sẽ ra sao khi ta cầm vũ khí đứng lên: Cuộc khởi nghĩa hùng tráng sẽ thắng lợi. Như làng Xô Man đã chiến thắng trong tiếng chiêng vang trời và ánh lửa. Sự sống sẽ bảo tồn và phát triển. Mai và đứa con như sẽ tái sinh trong Dít và bé Heng. Kẻ thù sẽ phải đền tội ác. Tnú sẽ có thể diệt giặc - tên đồn trưởng - bằng chính bàn tay đã bị kẻ thù đốt cháy. c) Giá trị Đây là câu chuyện của một người, một làng. Nhưng đặt vào hoàn cảnh Rừng xà nu được viết ra, thì đó cũng là câu chuyện của một thời đại, một đất nước, một cuộc cách mạng. Và có thể còn lâu bền, lớn lao hơn thế nữa. Như vậy, đây là chân lí mang tầm lịch sử. Vì lẽ đó, nhà văn đã để cho nó được nói lên bằng giọng nói thiêng liêng, như để mãi mãi khắc sâu vào kí ức Thuvientoan.net
- 20 Đề 3: Phân tích ý nghĩa hình tượng cây xà nu, rừng xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu”. 1. Đây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Hình tượng cây xà nu - rừng xà nu nổi bật, xuyên suốt tác phẩm, vừa mang ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng. 2. Cây xà nu được miêu tả cụ thể, gắn bó với con người Tây Nguyên: - Cây xà nu hiện lên trong tác phẩm trước hết như một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên. Mở đầu và kết thúc tác phẩm cũng bằng hình ảnh của cây xà nu. Cây xà nu, rừng xà nu như chính dân làng Xôman, như người dân Tây Nguyên nơi núi rừng trùng điệp. - Cây xà nu gắn bó thân thiết với cuộc sống người dân Tây Nguyên trong sinh hoạt hàng ngày, trong kí ức của người Xô Man, trong đấu tranh chống giặc; là lá chắn bảo vệ làng Xô Man trước đạn pháo giặc. 3. Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. - Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đại bác của kẻ thù gợi nghĩ đến những mất mát đau thương mà đồng bào Xôman đã phải trải qua trong thời kì cách mạng miền Nam bị khủng bố khốc liệt. - Trong bom đạn chiến tranh, thương tích đầy mình cây xà nu vẫn hiên ngang vươn lên mạnh mẽ như người dân Tây Nguyên kiên cường bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù. - Cây xà nu rắn rỏi, ham ánh nắng mặt trời tựa như người Xô Man chân thật, mộc mạc, phóng khoáng yêu cuộc sống tự do. 4. Rừng xà nu bạt ngàn, rừng xà nu trùng trùng lớp lớp các thế hệ nối tiếp cũng chính là thể hiện sự gắn bó, sức mạnh đoàn kết và sự nối tiếp bất tận của các thế hệ, gợi liên tưởng đến sức sống vô tận, bền bỉ, bất diệt của con người Xô Man (Chú ý kết cấu vòng tròn: Mở đầu, kết thúc là hình ảnh của rừng xà nu, cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách) - Rừng xà nu tạo thành một bức tường vững chắc hiên ngang truớc bom đạn cũng là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của người dân Tây Nguyên khiến kẻ thù phải kiếp sợ. 5. Kết luận: Cây xà nu tượng trưng cho số phận đau thương và phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. - Được xây dựng với cảm hứng sử thi hoành tráng, bút pháp lãng mạn. - Kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Thuvientoan.net
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Ôn thi đại học môn văn – Phân tích tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành
18 p | 646 | 316
-
Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả cây xà nu của nhà văn
6 p | 1805 | 308
-
So sánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
4 p | 485 | 119
-
Tổng hợp 5 bài lập dàn ý các dạng đề trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
11 p | 605 | 43
-
Tổng hợp 6 bài phân tích hình tượng đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
12 p | 455 | 36
-
Tổng hợp 4 bài phân tích chân dung tập thể anh hùng làng Xô Man trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
12 p | 357 | 31
-
Tổng hợp 3 bài phân tích - So sánh Chủ nghĩa anh hùng trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
12 p | 161 | 23
-
Tổng hợp 10 bài phân tích hình tượng Cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
27 p | 226 | 20
-
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai tác phẩm "Rừng xà nu và những đứa con trong gia đình"
6 p | 196 | 20
-
Đọc hiểu tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
7 p | 421 | 19
-
Tổng hợp 10 bài phân tích - Cảm nhận về nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
24 p | 254 | 19
-
Tổng hợp 8 bài phân tích tính sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
22 p | 193 | 15
-
Tác phẩm Rừng Xà nu - Nguyễn Trung Thành
18 p | 149 | 15
-
Phân tích tác Phẩm Rừng Xà Nu ( Nguyễn Trung Thành)
4 p | 202 | 14
-
Tư liệu tham khảo về tác phẩm Rừng xà nu
7 p | 130 | 9
-
Tổng hợp 8 bài soạn truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
28 p | 140 | 8
-
Tổng hợp 4 bài văn phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
23 p | 153 | 7
-
Giáo án Ngữ văn lớp 12 bài: Rừng Xà Nu - Nguyễn Trung Thành
16 p | 21 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn