II. NGHIỆP VỤ KHỞI NGHIỆP<br />
Quản lý khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp hiện hành đều đòi hỏi tính hệ thống, tính<br />
tổ chức, tính hướng mục đích. Nhưng trong khi các nguyên tắc cơ bản là như nhau, thì<br />
doanh nghiệp mới lại phải vượt qua những thử thách, giải quyết những bài toán, tự bảo vệ<br />
mình trước những nguy cơ khác so với doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ công hiện hành.<br />
Cuối cùng, người khởi nghiệp phải trả lời những câu hỏi rất riêng về vai trò và sự tận tâm<br />
của chính họ.<br />
<br />
12. Quản lý khởi nghiệp<br />
Khởi nghiệp dựa trên các nguyên tắc như nhau, dù người khởi nghiệp là tổ chức hiện<br />
hành quy mô lớn hay một cá nhân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Và dù người khởi<br />
nghiệp là công ty kinh doanh hay tổ chức dịch vụ công, dù nằm trong khu vực nhà nước<br />
hay khu vực tư nhân, mọi chuyện cũng không có gì thay đổi. Tất cả đều dựa trên các<br />
nguyên tắc hoàn toàn như nhau, đều có những việc nên làm và không nên làm như nhau,<br />
đều tìm kiếm các nguồn gốc đổi mới như nhau. Trường hợp nào cũng đòi hỏi một bộ môn<br />
mà ta có thể gọi là Quản lý Khởi nghiệp.<br />
Thế nhưng doanh nghiệp hiện hành đối mặt với những bài toán, hạn chế, ràng buộc<br />
khác so với người khởi nghiệp độc lập, do đó phải học hỏi những kiến thức khác. Để đơn<br />
giản hóa vấn đề, doanh nghiệp hiện hành đã biết cách quản lý rồi nhưng còn phải học để<br />
trở thành người khởi nghiệp, học để biết cách đổi mới. Tương tự, tổ chức dịch vụ công phi<br />
lợi nhuận cũng có những vấn đề khác, đòi hỏi những kiến thức khác, có xu hướng mắc<br />
phải những sai lầm khác. Đối với doanh nghiệp triển vọng, nó vừa phải học để trở thành<br />
người khởi nghiệp, vừa phải học nghiệp vụ đổi mới, vừa phải học cách quản lý.<br />
Như vậy có ba môi trường cho quản lý khởi nghiệp:<br />
• Doanh nghiệp hiện hành<br />
• Tổ chức dịch vụ công<br />
• Doanh nghiệp triển vọng<br />
Tùy từng môi trường mà ta phải phát triển một đường lối cụ thể cho nghiệp vụ khởi<br />
nghiệp.<br />
Theo lẽ tự nhiên, ta nên bắt đầu thảo luận nghiệp vụ khởi nghiệp trong doanh nghiệp<br />
triển vọng. Nhưng bộ môn y học không bắt đầu bằng bào thai hay trẻ sơ sinh theo lẽ tự<br />
nhiên mà bằng việc mổ xẻ, nghiên cứu cơ thể người lớn. Tương tự, trước tiên chúng ta sẽ<br />
phân tích các chính sách, phương pháp, và bài toán đặt ra khi doanh nghiệp hiện hành thực<br />
thi khởi nghiệp.<br />
Kỹ năng khởi nghiệp không chỉ quan trọng mà còn là vấn đề sống còn đối với doanh<br />
nghiệp ngày nay, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, khi mà thay đổi, đổi mới cứ diễn ra nhanh<br />
như chong chóng. Xét về mặt này, giai đoạn cuối thế kỷ XX khác biệt hoàn toàn so với<br />
giai đoạn mang tính khởi nghiệp gần nhất trong lịch sử kinh tế, khoảng năm mươi hay sau<br />
mươi năm trước khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra. Trong khoảng năm mươi, sáu<br />
mươi năm đó, số doanh nghiệp cỡ vừa không nhiều, số doanh nghiệp lớn thì càng khan<br />
hiếm hơn. Ngày nay, quản lý khởi nghiệp không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ xã<br />
hội của doanh nghiệp lớn. Không giống như bối cảnh cách đây một thế kỷ, doanh nghiệp<br />
hiện hành của thời đại này có thể bị đổ vỡ bất cứ lúc nào trước sức phá hoại mang tính<br />
sáng tạo của người khởi nghiệp, qua đó đặt ra các bài toán mới về việc làm, về sự ổn định<br />
tài chính, về trật tự xã hội và cả về trách nhiệm từ phía chính phủ.<br />
Tình hình mới đòi hỏi doanh nghiệp hiện hành phải thật linh động. Chỉ trong vòng hai<br />
mươi lăm năm (xem chương 7) tất cả các nước công nghiệp phát triển không theo chủ<br />
nghĩa cộng sản đều chứng kiến số người lao động chân tay giảm đi chỉ còn một phần ba<br />
trong khi sản lượng sản xuất lại tăng lên gấp từ ba đến bốn lần. Song song với thay đổi<br />
<br />
này là sự phát triển nông nghiệp ở các nước công nghiệp không theo chủ nghĩa cộng sản<br />
suốt hai mươi lăm năm sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Để giữ vững sự ổn định và vị trí<br />
dẫn đầu trước một pha chuyển đổi kiểu này, con đường duy nhất cho doanh nghiệp hiện<br />
hành là học cách trở thành người khởi nghiệp hiệu quả. Chỉ có như vậy chúng mới sống<br />
sót và thậm chí vươn lên sau mỗi thay đổi.<br />
Trong nhiều trường hợp, tình hình mới chỉ kêu gọi khởi nghiệp từ doanh nghiệp hiện<br />
hành. Một số gã khổng lồ hiện nay có thể sẽ không sống nổi đến hai mươi lăm năm sau.<br />
Nhưng các doanh nghiệp cỡ vừa đặc biệt thích hợp với vai trò người khởi nghiệp, người<br />
đổi mới hiệu quả chỉ cần nó chịu tổ chức bản thân phù hợp với việc quản lý khởi nghiệp.<br />
Doanh nghiệp hiện hành, nhất là doanh nghiệp cỡ vừa chứ không phải doanh nghiệp nhỏ,<br />
nắm trong tay nguồn lực tốt nhất cho vị trí dẫn đầu cộng đồng khởi nghiệp. Nó sở hữu các<br />
tài nguyên cần thiết, đặc biệt là tài nguyên con người. Nó hẳn phải có trong tay năng lực<br />
quản lý và đã xây dựng một đội ngũ quản lý rồi. Nó có cả cơ hội lẫn trách nhiệm để quản<br />
lý khởi nghiệp hiệu quả.<br />
Tương tự tổ chức dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ công phi chính trị. Dù có thuộc<br />
quyền sở hữu nhà nước và sử dụng tiền thuế công dân hay không, từ bệnh viện đến trường<br />
học, từ dịch vụ công trực thuộc chính quyền địa phương đến các tổ chức tình nguyện như<br />
Hội Chữ thập đỏ, Hội Nam Hướng đạo, Hội Nữ Huớng đạo, từ nhà thờ đến các tổ chức<br />
liên quan, và ngay cả các hiệp hội chuyên gia, hiệp hội mua bán… tất cả đều kêu gọi quản<br />
lý khởi nghiệp. Một giai đoạn thay đổi quá nhanh đã khiến rất nhiều quan niệm cũ giờ đây<br />
không còn đúng, nhiều cách làm cũ giờ đây không còn hiệu quả. Tình hình mới đồng thời<br />
mở ra vô vàn cơ hội cho đổi mới xã hội.<br />
Quan trọng hơn cả là một thay đổi lớn trong nhận thức và tâm trạng ở khu vực dịch vụ<br />
công. Kỷ nguyên kinh doanh tự do bắt đầu xuất hiện năm 1776 với cuốn Wealth of<br />
Nations của Adam Smith và được đánh dấu chấm hết bởi cơn hoảng loạn 1873 cách đây<br />
100 năm. Suốt 100 năm kể từ 1873, “hiện đại”, “tiến bộ” có nghĩa là hướng vào bộ máy<br />
chính quyền và coi nó là cơ quan tốt nhất cho việc thực thi mọi thay đổi xã hội. Tuy nhiên,<br />
giai đoạn này đã kết thúc ở tất cả các nước phát triển không theo chủ nghĩa cộng sản (và<br />
có lẽ cả ở các nước phát triển theo chủ nghĩa cộng sản). Hiện chúng ta chưa biết làn sóng<br />
“tiến bộ” tiếp theo sẽ là gì, nhưng chúng ta biết chắc chắn, bất cứ ai còn đang thuyết giáo<br />
về chân lý “tự do” hay “tiến bộ” của năm 1930 – hay ngay cả của năm 1960 trong thời kỳ<br />
của Kennedy và Johnson – đều bị coi là phản động trong thời kỳ này. Hiện chúng ta chưa<br />
biết liệu tư nhân hóa – tức là sự dịch chuyển các hoạt động kinh tế xã hội từ khu vực nhà<br />
nước sang khu vực tư nhân (mặc dù không nhất thiết phải sang một doanh nghiệp tư nhân<br />
như mọi người vẫn nhầm hiểu) – có hiệu quả hay không và nếu có, liệu nó sẽ hiệu quả như<br />
vậy được trong bao lâu. Nhưng chúng ta biết chắc chắn, các nước phát triển không theo<br />
chủ nghĩa cộng sản sẽ không bao giờ tiến tới quốc hữu hóa trong niềm hy vọng, sự lạc<br />
quan, niềm tin vào truyền thống mà trong sự chán chường và nỗi thất vọng. Một lần nữa,<br />
tình hình mới không chỉ đem lại cơ hội mà còn đòi hỏi các tổ chức dịch vụ công phải có<br />
tính khởi nghiệp và phải đổi mới.<br />
Nhưng cũng chính vì chúng là tổ chức dịch vụ công, nên chúng có những trở ngại,<br />
thách thức, và có thể mắc phải những sai lầm không giống với bất kỳ nơi nào khác. Do đó,<br />
việc khởi nghiệp trong tổ chức dịch vụ công cần phải được thảo luận riêng.<br />
Cuối cùng là doanh nghiệp triển vọng. Khu vực doanh nghiệp triển vọng sẽ tiếp tục<br />
<br />
đóng vai trò làm phương tiện vận chuyển chính của đổi mới như nó đã làm trong tất cả các<br />
giai đoạn mang tính khởi nghiệp trước. Ngay tại thời điểm này, nó đang là nhân tố chính<br />
của nền kinh tế khởi nghiệp mới ở Mỹ. Mỹ không thiếu người khởi nghiệp, không thiếu<br />
doanh nghiệp triển vọng. Nhưng phần lớn trong số đó, đặc biệt là doanh nghiệp triển vọng<br />
công nghệ cao, vẫn chưa thu thập đủ kiến thức quản lý khởi nghiệp cần thiết. Họ sẽ phải<br />
học nếu muốn tồn tại.<br />
Khoảng cách năng lực giữa người khởi nghiệp, đổi mới trung bình và người khởi<br />
nghiệp, đổi mới xuất sắc là vô cùng lớn. May mắn thay, chúng ta có đủ dẫn chứng cần<br />
thiết về khởi nghiệp thành công để đưa quản lý khởi nghiệp thành một bộ môn hoàn chỉnh,<br />
có hệ thống, bao gồm cả nghiệp vụ lẫn lý thuyết.<br />
<br />
13. Khởi nghiệp trong doanh nghiệp hiện hành<br />
I<br />
Chúng ta thường quan niệm phàm đã là doanh nghiệp lớn thì không bao giờ đổi mới.<br />
Điều này thoạt nghe có vẻ hợp lý khi danh sách các đổi mới quan trọng nhất của thế kỷ<br />
XX không có tên một doanh nghiệp quy mô lớn lâu đời nào. Không một đại gia đường sắt<br />
nào tham gia cuộc chơi của ô tô và xe tải. Các tập đoàn ô tô lớn thử sức trong lĩnh vực<br />
hàng không, tiêu biểu như Ford và GM đã đi tiên phong thiết kế và chế tạo máy bay,<br />
nhưng tất cả hãng hàng không lớn chúng ta thấy ngày nay lại đều đi lên từ doanh nghiệp<br />
mới độc lập. Các tập đoàn dược đầu ngành hoặc còn ở quy mô nhỏ hoặc chưa hề tồn tại<br />
vào thời điểm thuốc hiện đại mới ra đời cách đây nửa thế kỷ. Thị trường máy vi tính thập<br />
niên 1950 không vắng bóng một doanh nghiệp điện tử có tiếng nào, từ GE, Westinghouse,<br />
RCA ở Mỹ, đến Siemens, Philips ở lục địa châu Âu, Toshiba ở Nhật, nhưng không ai trong<br />
số này thành công. Chúng đều thất bại dưới tay IBM. Và nếu gọi IBM của bốn mươi năm<br />
trước là một doanh nghiệp cỡ vừa thì còn tạm chấp nhận được chứ tuyệt nhiên không thể<br />
liệt nó vào hàng công nghệ cao.<br />
Thế nhưng nếu nói doanh nghiệp lớn không bao giờ đổi mới thì không hoàn toàn đúng.<br />
Ở đây có một sự hiểu nhầm.<br />
Trước hết, có rất nhiều doanh nghiệp lớn vẫn tiến hành đổi mới hiệu quả. Ở Mỹ, có<br />
Johnson & Johnson với vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe, 3M với loạt sản phẩm<br />
mang tính kỹ thuật cao phục vụ cả thị trường công nghiệp lẫn thị trường tiêu dùng. Dù là<br />
tổ chức tài chính phi chính phủ lớn nhất Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, dù có thâm<br />
niên hơn một thế kỷ, Citibank vẫn cho thấy khả năng đổi mới lão luyện của mình trong<br />
nhiều mảng khác nhau của ngành tài chính ngân hàng. Dù là một trong những tập đoàn<br />
hóa chất lớn nhất thế giới, dù có thâm niêm 125 năm trong nghề, Hoechst ở Đức vẫn được<br />
công nhận như một người đổi mới sành sỏi trong ngành dược. Tuy ASEA của Thụy Điển<br />
được sáng lập từ năm 1884 và đã gia nhập hàng ngũ doanh nghiệp siêu lớn sáu mươi đến<br />
bảy mươi năm rồi, nhưng nó quả là một người đổi mới thực thụ với những đóng góp quan<br />
trọng trong cả công nghệ truyền điện năng đường dài lẫn công nghệ robot cho giải pháp tự<br />
động hóa nhà máy.<br />
Mọi chuyện càng trở nên khó hiểu với việc khá nhiều doanh nghiệp lâu đời quy mô lớn<br />
chỉ khởi nghiệp và đổi mới thành công ở một số lĩnh vực nhất định trong khi thất bại thảm<br />
hại ở các lĩnh vực khác. Tuy American General Electric Company thất bại với máy vi tính<br />
nhưng lại đổi mới thành công ở ba lĩnh vực tuyệt nhiên không liên quan gì đến nhau: động<br />
cơ máy bay, nhựa vô cơ được chế tạo và điện tử y học. RCA nhạy bén trước ti vi màu bao<br />
nhiêu thì lại vô duyên với máy vi tính bấy nhiêu. Có thể thấy mọi thứ không đơn giản như<br />
ta tưởng.<br />
Hơn nữa, bản thân quy mô lớn không phải là vật cản đối với vấn đề đổi mới và khởi<br />
nghiệp như người ta vẫn nghĩ. Người ta thích xoáy vào tính quan liêu và tính bảo thủ của<br />
khối doanh nghiệp lớn khi thảo luận về khởi nghiệp. Đành rằng hai thói xấu này tồn tại và<br />
ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng khởi nghiệp nói riêng, thành tựu kinh doanh của<br />
doanh nghiệp nói chung, nhưng các con số thống kê lại chỉ ra rõ ràng rằng chính khối<br />
doanh nghiệp nhỏ mới là những người đổi mới, khởi nghiệp kém cỏi nhất trong số tổ chức<br />
hiện hành, dù doanh nghiệp hay dịch vụ công. Trong cả danh sách doanh nghiệp hiện hành<br />
<br />