intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý học gia đình

Chia sẻ: Nhậm Ngạn Đông | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tài liệu "Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý học gia đình" nhằm giúp học viên phân tích được 7 nhiệm vụ của trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lí Y học gia đình. Trình bày được công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lí Y học gia đình. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý học gia đình

  1. TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ HỌC GIA ĐÌNH Mục tiêu: 1. Phân tích được bảy nhiệm vụ của trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lí Y học gia đình 2. Trình bày được công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lí Y học gia đình ĐẶT VẤN ĐỀ Y học gia đình là một “chuyên khoa đa khoa” đáp ứng phần lớn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân tại cộng đồng. Các bác sĩ đa khoa công tác tại các trạm y tế xã hiện nay đang cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trong địa bàn mình phụ trách, như khám chữa bệnh thường gặp cho mọi lứa tuổi, giới tính, bệnh tật. TYT xã cần lập hồ sơ quản lí sức khỏe cá nhân, tư vấn, giáo dục sức khỏe, triển khai công tác phòng bệnh... đây là những hoạt động chủ yếu của chuyên ngành Y học gia đình. Lồng ghép các nguyên lí Y học gia đình (YHGĐ) vào chăm sóc ban đầu (CSBĐ) tại TYT xã nhằm nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ một cách toàn diện và liên tục, thu hút người dân đến sử dụng dịch vụ và hướng đến sự hài lòng của người dân. 1. Một số văn bản qui định chức năng nhiệm vụ của TYT xã 1.1. Nghị định, quyết định của Chính phủ Điều 2 của Nghị định 177/2014-NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ Qui định về trạm y tế xã, phường, thị trấn: Tổ chức Y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là Trạm y tế xã) là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, được thành lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Trạm y tế xã có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã. Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, có nêu: Các trạm y tế xã phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc quản lí sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lí các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên. 1.2. Hướng dẫn của Bộ Y tế về chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22/05/2014 của Bộ Y tế “Hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình” đã hướng dẫn việc triển khai hoạt động YHGĐ trong đó có ở TYT xã. Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế: TYT xã có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ CSSKBĐ cho nhân dân trên địa bàn xã; có nhiệm vụ dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng 26
  2. bệnh và chữa bệnh, thực hiện sơ cứu, cấp cứu ban đầu; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cung ứng thuốc thiết yếu; quản lí sức khỏe cộng đồng; TT-GDSK. Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/04/2016 của Bộ Y tế: Phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21/08/2019 của Bộ Y tế Hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình, với những hướng dẫn trực tiếp cho việc triển khai hoạt động YHGĐ tại các TYT xã. 2. TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH 2.1 Nhiệm vụ của trạm y tế (TYT) Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/04/2016 của Bộ Y tế: Nhiệm vụ 1: Thực hiện nhiệm vụ của trạm y tế xã theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y theo nguyên lí toàn diện và liên tục. Nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: - Sơ cứu, cấp cứu; - Khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật, đặc biệt các bệnh dịch; - Bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm; - Chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà đối với người bệnh - Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật:  Các gói dịch vụ y tế cơ bản quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế;  Danh mục kỹ thuật của tuyến 3, tuyến 4 quy định tại Thông tư của Bộ Y tế về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục kỹ thuật;  Các kỹ thuật chuyên môn khác, ở tuyến cao hơn khi đủ điều kiện theo quy định. TYT phải thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh một cách toàn diện. Khám chữa bệnh toàn diện là cung cấp đầy đủ các dịch vụ và thủ thuật lâm sàng cho các vấn đề sức khỏe thông thường của cộng đồng cho mọi lứa tuổi và cả hai giới tại phòng khám, bệnh viện và cộng đồng theo hướng chăm sóc ban đầu, khám chữa bệnh ban đầu, khám sàng lọc, cấp cứu ban đầu…. Nhiệm vụ của cán bộ y tế (bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ…) là cung cấp chăm sóc theo chuyên môn của mình, cả về thể chất, tinh thần, các vấn đề xã hội, phục hồi chức năng, sử dụng thuốc, đảm bảo sự chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Xây dựng năng lực cho cán bộ để thực hiện được các nhiệm vụ của TYT hoạt động theo nguyên lí YHGĐ theo hướng dẫn của thông tư 21/2019 của Bộ Y tế Chăm sóc liên tục là nguyên lí quan trọng nhất, đối tượng được chǎm sóc liên tục là cả người khỏe và người bệnh. Cùng với việc liên tục chǎm sóc, mối quan hệ lâu dài và tin cậy giữa thầy thuốc và người bệnh sẽ được xây dựng. Mỗi nhân viên y tế (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ,…) đều có những vai trò nhất định công tác CSSK liên tục cho người dân. 27
  3. Công tác dự phòng: Bác sĩ gia đình không chỉ khám bệnh, chữa bệnh mà còn kết hợp các dịch vụ để tăng cường sức khỏe và dự phòng bao gồm sàng lọc bệnh và tiêm chủng, tổ chức chăm sóc sức khỏe cho bệnh mạn tính.. Tư vấn người dân phòng tránh các nguy cơ, hành vi có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, vần động thể chất,… - Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; - Giám sát, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch; - Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; dinh dưỡng cộng đồng; - Tham gia kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. Hiểu biết đầy đủ về cộng đồng và mô hình bệnh tật của cộng đồng (nơi người bệnh sống và làm việc) là rất cần thiết giúp định hướng chẩn đoán cũng như đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp, lựa chọn được các can thiệp dựa trên nguồn lực sẵn có của cộng đồng, để cung cấp được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu cho từng cá nhân. Nhiệm vụ 2: Thực hiện quản lí sức khỏe cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo nguyên lí Y học gia đình Lập hồ sơ quản lí sức khỏe cá nhân theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2017 của Bộ Y tế ban hành mẫu hồ sơ quản lí sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; Lập hồ sơ quản lí sức khỏe, nhất là ứng dụng bệnh án điện tử một cách đẩy đủ sẽ là một công cụ kết nối hiệu quả, thực hiện hóa chăm sóc liên tục cho mỗi cá nhân trên địa bàn. Nhiệm vụ 3: Thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến Y học gia đình Chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp; tiếp nhận người bệnh đã được điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục điều trị theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/04/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Để thực hiện việc chuyển tuyến được hiệu quả, các bác sĩ ở TYT cần chủ động xây dựng hệ thống phối hợp, kết nối hiệu quả với y tế tuyến trên, các chuyên gia, chuyên khoa và lĩnh vực liên quan. Việc chia sẻ và kết nối thường xuyên sẽ giúp cho người bệnh và cả bác sĩ gia đình trong việc nâng cao trình độ và quản lí, chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Bác sĩ gia đình cũng là người điều phối khi người bệnh mắc nhiều loại bệnh, đang điều trị từ nhiều chuyên khoa khác nhau. Khi người bệnh cần được khám chữa bệnh bởi các bác sĩ thuộc chuyên khoa khác nhau, bác sĩ gia đình sẽ là người điều phối giúp người bệnh có kế hoạch CSSK lồng ghép, tránh được chồng chéo, rủi ro. Nhiệm vụ của cán bộ y tế xã là phối hợp với nhau trong nhóm chăm sóc đa ngành. Nếu như trước đây, các cán bộ y tế thường độc lập thực hiện các dịch vụ chăm sóc theo lĩnh vực chuyên ngành, Y học gia đình đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, đa ngành 28
  4. cho một người bệnh cụ thể. Việc phối hợp đa ngành ngày càng trở nên cần thiết, khi nhu cầu của người bệnh không chỉ là điều trị một bệnh, mà nhiều bệnh, không chỉ dùng thuốc mà còn phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ… Nhiệm vụ 4: Thực hiện tư vấn sức khỏe, sàng lọc, tầm soát phát hiện bệnh sớm - Tư vấn về dinh dưỡng, hoạt động thể lực, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và yếu tố nguy cơ khác, tư vấn về khám bệnh, chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng; - Truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; - Hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; - Tham gia giám sát, phát hiện sớm, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng; - Tiêm chủng; - Phòng chống các bệnh không lây nhiễm: ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Bác sĩ gia đình thường sử dụng một số công cụ để đánh giá tác động của gia đình, như cây phả hệ, sơ đồ gia đình, chỉ số APGAR, đánh giá SCREEM, chuỗi sự kiện gia đình. Nhiệm vụ 5: Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời - Chẩn đoán phân biệt và lựa chọn điều trị nguyên nhân và triệu chứng. - Hỗ trợ về tâm lý và xã hội giúp cho người bệnh sống tích cực và chuẩn bị cho cái chết, giúp tiếp cận các dịch vụ lâm sàng và tuân thủ các chế độ điều trị đặc hiệu, giúp gia đình người bệnh đối phó với tình trạng bệnh tật của người thân và khi người thân qua đời. - Dự đoán và lập kế hoạch giải quyết những triệu chứng tiềm tàng và những vấn đề tâm lý xã hội có thể xảy ra, - Bảo vệ người bệnh khỏi những can thiệp y tế không thích hợp. Nhiệm vụ 6: Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh Gồm 51 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BYT, ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về y học gia đình: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thường gặp; thực hiện thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch,… khi cần thiết. Nhiệm vụ 7: Tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo về Y học gia đình và các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành Y học gia đình. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ như đã nêu và phân tích, TYT cũng đồng thời trở thành một cơ sở thực hành, góp phần đào tạo cho các lớp cán bộ y tế kế tiếp về chuyên ngành Y học gia đình. Dữ liệu thông tin y tế được lưu giữ, như bệnh án điện tử, các số liệu về tình hình bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe là nguồn thông tin quí để bác sĩ gia đình tham gia vào các nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng CSSK cho người dân. 2.2. Các bước tổ chức, chuẩn bị 29
  5. 2.2.1. Tổ chức chỉ đạo và xây dựng kế hoạch Để trạm y tế hoạt động theo nguyên lí YHGĐ thành công cần có sự vào cuộc, tham gia tích cực của chính quyền địa phương các cấp. Sự chỉ đạo, hỗ trợ và giám sát của Trung tâm y tế quận/ huyện đóng vai trò rất quan trọng. Các TYT xã phải xây dựng được kế hoạch tổ chức triển khai trong khuôn khổ kế hoạch chung của trung tâm y tế và sở y tế. Cần nhận định cụ thể: Nhu cầu CSSK của người dân trên địa bàn (số lượng và cơ cấu dân cư, mô hình bệnh tật, tình hình bao phủ BHYT, mô hình sử dụng dịch vụ y tế…); Mục tiêu, nội dung và lộ trình triển khai các hoạt động (số lượng các cá nhân và hộ gia đình được lập hồ sơ quản lí sức khoẻ, tỷ lệ người bệnh mạn tính được theo dõi, quản lí điều trị liên tục, quy trình phối hợp với tuyến trên và chuyển tuyến,…); Các biện pháp, giải pháp thực hiện: đào tạo nâng cao năng lực cán bộ; phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên y tế; sự phối hợp giữa các bộ phận; sự chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên, sự tham gia của các đơn vị liên quan, sự tham gia của cộng đồng,…. Kế hoạch về nguồn lực về tài chính, nhân lực, trang thiết bị cho các hoạt động. Các chỉ số, quy trình và phương pháp kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch triển khai hoạt động Y học gia đình tại TYT xã. 2.2.2. Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ Triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho tất cả cán bộ y tế (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược,…) với nhiều hình thức khác nhau như: đào tạo ngắn hạn 3 tháng, đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc của các đơn vị chuyên môn tuyến trên; luân chuyển cán bộ y tế giữa tuyến huyện và xã,… Chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng thực hành lâm sàng với các vấn đề sức khoẻ thường gặp tại cộng đồng, nâng cao năng lực theo nhóm đa ngành. 2.2.3. Tuyên truyền, vận động Công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức và sự ủng hộ ban ngành đoàn thể, cộng đồng đối với việc lồng ghép các nguyên lí YHGĐ vào hoạt động của TYT xã. Thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả của TYT xã hoạt động theo nguyên lí YHGĐ qua phương tiện thông tin đại chúng, áp phích, tờ rơi, qua loa truyền thanh, nói chuyện,… 2.2.4. Chuẩn bị nguồn lực Trước khi bắt tay vào triển khai thực hiện, TYT xã cần chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động chuyên môn theo quy định, các hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu, phần mềm phục vụ lồng ghép các nguyên lí YHGĐ. 2.2.5. Huy động sự tham gia của cộng đồng Huy động nguồn lực và sự tham gia chỉ đạo, hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể trên địa bàn; Huy động sự tham gia của mạng lưới y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, đặc biệt trong việc quản lí sức khoẻ cá nhân; 30
  6. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế khác trên địa bàn trong cung ứng dịch vụ theo hướng lồng ghép. 2.3. Triển khai thực hiện 2.3.1. Lập hồ sơ quản lí sức khoẻ cá nhân Hồ sơ sức khoẻ cần được lập cho các cá nhân trên địa bàn quản lí. Tuỳ theo điều kiện thực tế của từng địa phương sẽ quyết định lập hồ sơ quản lí sức khỏe cho toàn bộ người dân hay lựa chọn một số nhóm đối tượng làm trước. Thông tin ban đầu của hồ sơ có được từ việc tổ chức khám sức khoẻ sàng lọc ban đầu và tận dụng tất cả các nguồn thông tin khác sẵn có như thông tin nhân khẩu, hồ sơ bệnh án, sổ khám sức khoẻ, sổ sách hoạt động chuyên môn từ các cơ sở y tế,… (Xem chi tiết ở bài 16 của cuốn tài liệu này). Thông tin trong hồ sơ sức khoẻ cá nhân sau đó sẽ được cập nhật, bổ sung theo định kỳ từ kết quả khám sức khoẻ, khám bệnh, chữa bệnh, khi cá nhân có sử dụng dịch vụ y tế để lên kế hoạch CSSK liên tục trong suốt vòng đời. 2.3.2. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ CSSK − Tăng tỷ lệ bao phủ các dịch vụ: tăng tỷ lệ người dân được sàng lọc, quản lí sức khoẻ, quản lí người bệnh mạn tính,… − Nâng cao chất lượng các dịch vụ, chú trọng công tác khám và xử trí các bệnh, cấp cứu thường gặp; − Triển khai thêm các dịch vụ y tế mới phù hợp với quy định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và năng lực của đội ngũ cán bộ tại TYT xã, thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản, thực hiện khám chữa bệnh tại nhà (khi cần), chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời, phục hồi chức năng tại tuyến YTCS và cộng đồng,… 2.3.3. Tư vấn, dự phòng và nâng cao sức khoẻ Các cán bộ y tế của TYT xã cần chú trọng việc sàng lọc phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khoẻ; tư vấn, truyền thông giáo dục sức khoẻ; triển khai công tác dự phòng, nâng cao sức khoẻ. Các hoạt động chăm sóc dự phòng cần được triển khai lồng ghép với công tác khám chữa bệnh và có sự kết nối với các cơ sở y tế tuyến trên. 2.3.4. Kiểm tra, giám sát và đánh giá Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá cần được thực hiện được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm đánh giá tiến độ triển khai kế hoạch, rút kinh nghiệm trong từng giai đoạn. Nội dung giám sát được thực hiện dựa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của TYT xã hoạt động theo nguyên lí YHGĐ. Ba nhóm nhiệm vụ cơ bản là quản lí sức khoẻ; khám bệnh, chữa bệnh các bệnh và cấp cứu thường gặp; công tác tư vấn và chăm sóc dự phòng nâng cao sức khoẻ. Cần chú trọng việc hỗ trợ sau kiểm tra, giám sát để giúp các TYT xã cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK. Kết luận: TYT xã có chức năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cũng là phạm vi hoạt động của chuyên khoa Y học gia đình. Việc áp dụng các nguyên lí Y học gia đình trong hoạt động của trạm y tế xã sẽ làm tăng hiệu quả khám chữa bệnh, tư vấn, dự phòng, quản lí sức khỏe toàn dân, gắn kết hơn giữa 31
  7. cán bộ y tế với người dân, huy động được sự tham gia và các nguồn lực tại chỗ trong công tác chăm sóc sức khỏe. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội (2018). Thực hành Y học gia đình trong chăm sóc ban đầu. Nhà xuất bản Y học. 2. Thông tư 16/2014 ngày 22 tháng 5 năm 2014 của Bộ Y tế “Hướng dẫn thí điểm về Bác sĩ gia đình và Phòng khám bác sĩ gia đình. 3. Thông tư số 21/2019/TT-BYT, ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ Y tế Hướng dẫn thí điểm về y học gia đình. 4. Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn 5. Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27 tháng 4 năm 2016 của Bộ Y tế về Phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 6. Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về Phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới 7. Hướng dẫn số 1383/HD-BYT, ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Bộ Y tế về Triển khai mô hình điểm ở 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018-2020. 32
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2