Xu hướng phân tầng xã hội và luận bàn về phân tầng xã hội hợp thức ở Việt Nam hiện nay
lượt xem 6
download
Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước và phát triển kinh tế thị trường, phân tầng xã hội (PTXH) nổi lên như một vấn đề thời sự cấp bách. Có thể nhận thấy rất rõ sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp dân cư tăng nhanh; khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng miền có xu hướng ngày một nới rộng.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Xu hướng phân tầng xã hội và luận bàn về phân tầng xã hội hợp thức ở Việt Nam hiện nay
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0035 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2A, pp. 87-95 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn XU HƯỚNG PHÂN TẦNG XÃ HỘI VÀ LUẬN BÀN VỀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI HỢP THỨC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Tô Phương Oanh Khoa Công tác Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước và phát triển kinh tế thị trường, phân tầng xã hội (PTXH) nổi lên như một vấn đề thời sự cấp bách. Có thể nhận thấy rất rõ sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp dân cư tăng nhanh; khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng miền có xu hướng ngày một nới rộng. Phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo đã trở thành những vấn đề nổi cộm mà ai cũng cảm nhận được. Tuy nhiên phân tầng xã hội có phải là bất công bằng xã hội hay không? Phân tầng xã hội có hoàn toàn xấu và tiêu cực hay không? PTXH có ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, sự bất ổn xã hội để phải ngăn chặn, khống chế, kiểm soát, giảm thiểu tác hại cũng như thu hẹp phạm vi tác động? Ở bài viết này, tác giả sẽ nghiên cứu góc nhìn khác từ sự phân tách khái niệm PTXH và luận bàn về phân tầng hợp thức hướng tới công bằng xã hội ở nước ta hiện nay. Từ khóa: Phân tầng xã hội (PTXH), phân tầng xã hội hợp thức, phân tầng xã hội không hợp thức, công bằng xã hội, phân hóa giàu nghèo. 1. Mở đầu Phân tầng xã hội cùng với cấu trúc xã hội là chủ đề nghiên cứu cơ bản của xã hội học. Nhiều nhà khoa học xã hội lớn trên thế giới đã đưa ra các quan niệm khác nhau về bản chất, nguyên nhân và xu hướng của sự phân tầng xã hội (PTXH). Karl Marx coi bản chất của PTXH là bất bình đẳng xã hội do cấu trúc xã hội giai cấp gây ra. Giai cấp thống trị về mặt kinh tế đồng thời là giai cấp chiếm vị thế cao và thống trị các giai cấp khác về mặt chính trị, tinh thần. Giai cấp bị trị về mặt kinh tế đồng thời nằm ở những tầng lớp dưới của cơ cấu PTXH. Học thuyết của Marx về cấu trúc xã hội giai cấp cũng chỉ rõ rằng trong xã hội có sự phân chia giai cấp, sự PTXH diễn ra dưới hình thức bất bình đẳng xã hội sâu sắc với hình dạng chóp nón, tức là đa số dân cư trong xã hội nằm ở tầng đáy của hình tháp và một bộ phận nhỏ thiểu số giai cấp thống trị nằm ở tầng đỉnh chóp của tháp. Các nhà khoa học sau Marx đã tiếp tục nghiên cứu sự PTXH và chỉ ra nhiều chiều cạnh của mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và xã hội của nó. PTXH luôn có quan hệ với phân hóa giàu Ngày nhận bài:1/2/2016. Ngày nhận đăng:1/5/2016. Liên hệ: Tô Phương Oanh, e-mail: tophuongoanh@gmail.com. 87
- Tô Phương Oanh nghèo trong xã hội: những người giàu có trong xã hội luôn có xu hướng chiếm giữ những tầng cao trong tháp PTXH. Những người lao động làm các công việc đơn giản, thô sơ hay thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thường có thu nhập thấp và do vậy thường bị rơi xuống tầng lớp đáy của xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo và PTXH ở Việt Nam cũng diễn ra theo xu hướng chung của lịch sử xã hội loài người trong đó sự phân hóa giàu nghèo luôn gắn với PTXH. Các điều kiện kinh tế luôn đóng vai trò quy định vị thế và vai trò xã hội của các cá nhân, gia đình trong cơ cấu PTXH. Những người giàu có thường chiếm lĩnh vị trí thuộc tầng lớp trên và những người nghèo đói bị rơi xuống tầng lớp dưới. Ở Việt Nam vấn đề PTXH được đề cập và nghiên cứu trong thời gian không lâu nhưng đã có nhiều nhà xã hội học quan tâm, nghiên cứu và có nhiều công trình sâu sắc về vấn đề này. Công trình nghiên cứu sớm nhất về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội là đề tài nghiên cứu đã được công bố vào đầu những năm 1990. Các nghiên cứu này đã xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin để nhấn mạnh vai trò quyết định của phương thức sản xuất và trao đổi đối với cơ cấu xã hội ở Việt Nam. Công cuộc đổi mới kinh tế đã thúc đẩy sự biến đổi mới cơ cấu xã hội và đặt ra yêu cầu nghiên cứu về thành phần và cơ cấu xã hội đang đổi mới ở Việt Nam. Tài liệu [4] đã chỉ ra tác động về KT-XH trong công cuộc đổi mới và được phản ánh trước hết trong việc nâng cao mức sống. Nghiên cứu này đã chỉ ra hệ quả của PTXH theo mức sống được đo bằng các chỉ báo về nhà ở, tiện nghi sinh hoạt, thu nhập và chi tiêu hàng tháng. Tác giả chỉ ra rằng, phát triển kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến phân hoá, phân cực giàu nghèo song phản ứng của người dân Hà Nội trước hiện tượng này là khá bình tĩnh, tuy vẫn có sự phản ứng khác nhau giữa người giàu và người nghèo, nhóm nghề nghiệp, nhóm cán bộ về hưu, nhóm người già,. . . Kết quả cũng cho thấy, chiều hướng và mức độ PTXH ngày một gia tăng. Nghiên cứu này đã xây dựng bốn chỉ báo khách quan như điều kiện nhà ở, tiện nghi sinh hoạt, chi tiêu, thu nhập và một chỉ báo chủ quan là sự tự đánh giá mức sống để đánh giá sự phân tầng xã hội và khoảng cách giàu nghèo của người dân ở Hà Nội; [5] trình bày những quan điểm tranh luận của các tác giả như: Marx, Max Weber, Celia S. heller, Wesley Sharrock, Auguste Comte, Emile Durkheim,. . . Ngoài ra tác giả còn trình bày một số khuynh hướng, trường phái lí thuyết đương đại về PTXH như của Talcott Parson, Pierre Bourdieu. Trên cơ sở vận dụng những lí thuyết hạt nhân hợp lí trong lí thuyết về PTXH của nhiều học giả cùng với vận dụng phù hợp phương pháp luận Mác xít, tư tưởng Hồ Chí Minh và nét đặc thù của xã hội Việt Nam, tác giả đã mô tả thực trạng PTXH ở nước ta và khẳng định rằng PTXH là động lực của sự phát triển xã hội, tạo ra sự đồng thuận xã hội nhằm phát huy các nhóm xã hội như: trí thức; thanh niên; các nhà doanh nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lí; những người lao động giỏi trong sản xuất công, nông, lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ khác nhằm thúc đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH đất nước; [6] đã phân tích các lí thuyết về giai cấp và phân tầng. Theo tác giả các nhà XHH phương Tây cho rằng các giai cấp khác nhau về vốn văn hóa, mạng lưới xã hội – vốn xã hội và ở mức độ nhất định giới cũng ảnh hưởng đến sự phân tầng. Trong khi phân tích vị trí giai cấp, tác giả chỉ ra rằng ngoài các yếu tố đánh giá vị trí giai cấp của cá nhân không chỉ dưới góc độ kinh tế học và công ăn, việc làm mà cả các nhân tố văn hóa như phong cách sống, mô hình tiêu dùng. Theo tác giả sự phát triển gần đây về lí luận ở phương Tây gợi ra nhiều điều đáng nắm bắt và suy ngẫm cho XHH Việt Nam khi tìm hiều sự phân tầng đang diễn ra ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Còn trong [7] đã tập trung làm rõ lí thuyết PTXH của M.Weber cho rằng chính những quan hệ kinh tế đã hình thành nên cơ sở của sự bất bình đẳng và tạo tiền đề, điều kiện cho sự phân chia 88
- Xu hướng phân tầng xã hội và luận bàn về phân tầng xã hội hợp thức ở Việt Nam hiện nay xã hội thành các giai cấp khác nhau song lại nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố thị trường như là cơ sở kinh tế cho giai cấp hơn là tài sản. Lí thuyết PTXH của Emile Durkheim quan tâm nhiều hơn đến phân công lao động xã hội và cho rằng trong xã hội hiện đại nó làm cho CCXH đa dạng hơn song lại phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân do yêu cầu của phân công lao động. Nhà XHH Pháp Pierre Bourieu quan niệm các giai tầng xã hội tồn tại 3 loại vốn là vốn kinh tế, vốn chính trị và vốn xã hội. Ba vốn này có thể chuyển hóa lẫn nhau làm đa dạng cơ cấu giai tầng xã hội; [8] là một nghiên cứu có cách tiếp cận mới về PTXH. Từ thực tiễn xã hội đã và đang diễn ra, tác giả đưa ra quan điểm tiếp cận: Phải dựa vào quyền kiểm soát với tư liệu sản xuất (và quyền kiểm soát đối với các lực lượng khác) để nghiên cứu những vấn đề thuộc về PTXH. Cũng từ thực tiễn nghiên cứu tác giả lựa chọn tiêu chuẩn phân chia các tầng lớp trong xã hội theo cách tiếp cận phổ biến đo lường trên thế giới đó là tiêu chuẩn dựa vào địa vị kinh tế xã hội để xác định các tầng lớp trong xã hội; [9] cho rằng sự chênh lệch giảu nghèo là quá trình tự nhiên, tất yếu của xã hội loài người. Từ các số liệu điều tra, tác giả phác họa bức tranh về mức thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo trong 25 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, mức sống của người dân liên tục được cải thiện qua các năm. Tỉ lệ hộ nghèo chung của cả nước đều giảm mạnh, song sự chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng lên. Trên cơ sở thực trạng sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, tác giả đã tổng kết và đưa ra một số xu hướng biến đổi của PTXH, phân hóa giàu nghèo. Người có công theo đuổi và nghiên cứu chuyên sâu về PTXH ở Việt Nam có thể kể đến [10] cho rằng PTXH là một hiện tượng xã hội tồn tại rất lâu trong lịch sử, là một cấu trúc xã hội bất bình đẳng, một cấu trúc thang bậc bao gồm những tầng lớp xã hội không ngang bằng nhau. Tác giả phân tích khái niệm PTXH và tiến hành thao tác hóa thành hai khái niệm bộ phận là PTXH hợp thức và PTXH không hợp thức và cho rằng ở nước ta PTXH là tất yếu có tích cực và tiêu cực. [11] Tác giả đã chỉ ra rằng quá trình đổi mới, phát triển KTTT và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những biến đổi to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có xu hướng biến đổi cấu trúc tầng bậc. Tác giả phân tích 4 xu hướng PTXH ở nước ta hiện nay: Một là, xu hướng PTXH về mặt kinh tế; Hai là xu hướng PTXH về đời sống văn hóa tinh thần; Ba là xu hướng hình thành PTXH hợp thức và mặt trái không tránh khỏi là PTXH không hợp thức; Bốn là xu hướng hình thành tầng lớp xã hội ưu trội và nhóm xã hội yếu thế trong quá trình phát triển KTXH. . . Trong cuốn sách [12] tác giả đưa ra cơ sở để kì vọng vào cấu trúc PTXH hợp thức sẽ chiếm ưu thế bởi con đường đổi mới của chúng ta là phát triển kinh tế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do dân, của dân, vì dân điều hành quản lí. Những đóng góp nổi bật của các công trình nghiên cứu về PTXH kể trên đã phân tích cụ thể quá trình biến đổi, phát triển về PTXH ở Việt Nam. Qua đó nghiên cứu có thể tiếp thu được cả về mặt lí luận và các phương pháp nghiên cứu, đánh giá về PTXH ở Việt Nam hiện nay từ đó đi sâu phân tích, làm rõ hơn, phong phú hơn để phát triển nghiên cứu này. Nhìn nhận vấn đề như vậy để hiểu rằng khi tiếp nhận, nghiên cứu về PTXH chúng ta cần trả lời một cách rõ ràng, trọng tâm 3 câu hỏi lớn: Thứ nhất, câu hỏi về nguồn gốc của PTXH? Vì sao lại có hiện tượng PTXH? Thứ hai, PTXH để lại hậu quả gì cho con người? Nó là tốt hay xấu, tiêu cực hay tích cực? Thứ ba, chúng ta cần có thái độ như thế nào đối với PTXH? Chúng ta thừa nhận nó, cần thiết chế nó hay tìm cách xóa bỏ, mở rộng hay thu hẹp khoảng cách cũng như phạm 89
- Tô Phương Oanh vi tác động của nó? Bình luận về điều này trước hết cần trân trọng và ghi nhận những nỗ lực to lớn của các nhà khoa học đi trước bởi họ đã tích cực tìm kiếm, lao động sáng tạo, mang lại những kiến giải quý giá để chúng ta học hỏi, nghiên cứu, phê phán, kế thừa và phát triển. Nếu không có những kiến giải đó, sẽ không có chất liệu để phân tích, lí giải cho những tri thức mới. Tuy nhiên chúng ta cần phải tiến hành bằng cách tổng tích hợp những lí giải của các lí thuyết, trả lời một cách gián tiếp câu hỏi và tách câu hỏi lớn thành các câu hỏi nhỏ và trả lời lần lượt từng câu hỏi để thỏa đáng vấn đề nghiên cứu. 2. Nội dung nghiên cứu Trước hết phải thừa nhận rằng, PTXH nảy sinh là do có sự tồn tại của hiện tượng bất bình đẳng tức là sự không ngang bằng nhau giữa các thành viên trong xã hội về mặt năng lực, thể chất, trí tuệ, điều kiện, cơ may; hai là, do có sự phân công lao động xã hội về mặt nghề nghiệp và những vị thế xã hội chiếm ưu thế. Chính sự tồn tại khách quan, tự nhiên, phổ biến của hai hiện tượng xã hội này đã luôn làm nảy sinh hiện tượng PTXH. Đến lượt nó PTXH lại tác động trở lại xã hội một cách tích cực hoặc tiêu cực. Dù muốn hay không muốn PTXH đã và đang tồn tại trên phạm vi toàn thế giới, không trừ một quốc gia nào và lẽ dĩ nhiên Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Trong thời gian qua ở Việt Nam đã hình thành một số xu hướng phân hóa giàu nghèo và PTXH như sau (dựa theo nguồn số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2012 [3]): - Tỉ lệ nghèo của Việt Nam giảm nhanh chóng trong thời gian qua và tiếp tục giảm cùng với mức sống của các giai tầng xã hội được cải thiện không ngừng. - Mức chênh lệch về thu nhập, tài sản và mức chi tiêu giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn có xu hướng tăng. - Thành tựu xóa đói giảm nghèo đạt được ở nước ta thời gian qua là khá lớn, nhưng không đồng đều giữa các nhóm dân cư và đang có xu hướng chậm lại. Bảng 1. Thu nhập bình quân đầu người một tháng chia theo khu vực, vùng Năm 2002 2004 2006 2008 2010 2012 Cả nước 356,1 484,4 636,5 995,2 1387,1 1999,8 Thành thị 622,1 815,4 1058,4 1605,2 2129,5 2989,1 Nông thôn 275,1 378,1 505,7 762,2 1070,4 1579,4 Đồng bằng sông Hồng 353,1 488,2 653,3 1048,5 1567,8 2337,1 Đông Bắc 268,8 379,9 511,2 768,0 1054,8 1482,1 Tây Bắc 197,0 265,7 372,5 549,6 740,9 998,8 Bắc Trung Bộ 235,4 371,1 418,3 641,1 902,8 1344,8 Duyên hải Nam Trung Bộ 305,8 414,9 550,7 843,3 1162,1 1698,4 Tây Nguyên 244,0 390,2 522,4 794,6 1087,9 1643,3 Đông Nam Bộ 619,7 833.0 1064.7 1649,2 2165,0 3016,4 Đồng bằng sông Cửu Long 371,3 471,1 627,6 939,9 1247,2 1796,7 (Nguồn: Tổng cục Thống kê 2012) - Sự PTXH diễn ra trên tất cả các phương diện của đời sống từ kinh tế đến giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, giải trí, chính trị. Trong đó, PTXH về mặt kinh tế (thu nhập, chi tiêu) bộc lộ khá 90
- Xu hướng phân tầng xã hội và luận bàn về phân tầng xã hội hợp thức ở Việt Nam hiện nay rõ và có xu hướng tăng lên. PTXH về mặt quyền lực, uy tín đã bộc lộ, song nghiên cứu nó vẫn là một vấn đề nhạy cảm (khó tiếp cận và đa lường). - Cơ cấu xã hội ít thành phần chuyển sang cơ cấu PTXH nhiều thành phần, nhiều tầng lớp xã hội phong phú, đa dạng về ngành nghề theo hướng dịch vụ và thị trường. Cơ cấu xã hội nghề nghiệp nặng về nông nghiệp đang chuyển sang cơ cấu xã hội công nghiệp – dịch vụ. - Cùng với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã xuất hiện nhiều nghề nghiệp gắn với khoa học công nghệ thông tin, thị trường tài chính và các loại dịch vụ xã hội. - Cùng với xu thế phát triển kinh tế thị trường đã xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm xã hội “ưu trội”, tầng lớp xã hội “ưu trội”, đặc biệt là sự lớn mạnh của các tầng lớp doanh nhân. Trái ngược với nó là sự xuất hiện của các nhóm xã hội yếu thế, tầng lớp xã hội yếu thế rất cần được xã hội quan tâm, hỗ trợ để phát triển. - Cơ chế phân phối có xu hướng tuân theo các quy luật thị trường như quy luật giá trị và định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là phân phối theo nguyên tắc: Làm nhiều hưởng nhiều, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có tính đến công bằng xã hội, bình đẳng xã hội thể hiện ở chính sách và chương trình xóa đói giảm nghèo và các chương trình, chính sách khác nhằm hỗ trợ nhóm xã hội yếu thế. - PTXH ở nước ta có xu hướng ngày càng tăng, song bất bình đẳng xã hội đang còn ở mức trung bình so với khu vực và thế giới. Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực lãnh đạo và điều hành để kết hợp thành công giữa tăng trưởng kinh tế và việc thực hiện tốt công bằng và tiến bộ xã hội. - Việt Nam là một nước còn nghèo, nhưng nhờ công cuộc đổi mới kinh tế xã hội nên vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được củng cố và tăng lên. Mặc dù khoảng cách chênh lệch về kinh tế – xã hội của Việt Nam so với các quốc gia khác đang được rút ngắn rõ rệt, nhưng biên độ vẫn còn lớn. - Sự PTXH ở Việt Nam được điều tiết bởi đường lối, chính sách lãnh đạo quản lí theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ công cuộc đổi mới kinh tế xã hội mà trực tiếp nhất là chính sách và chương trình xóa đói giảm nghèo, nên tỉ lệ nghèo chung và nhất là tỉ lệ nghèo lương thực ở VN đã giảm mạnh trong thời gian qua ở tất cả các nhóm xã hội yếu thế ở thành thị, nông thôn và nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời các chính sách phát triển kinh tế – xã hội cũng khuyến khích các cá nhân, gia đình làm giàu chính đáng. Có thể thấy rằng phân hóa giàu nghèo, PTXH đã trở thành những vấn đề xã hội bức thiết được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, giải quyết. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần phải đánh giá cho đúng thực chất bản chất của PTXH. PTXH là tốt hay xấu, là tích cực hay tiêu cực, là cái cần thiết cho trật tự xã hội hay là cái làm phương hại đến ổn định xã hội... Để làm được điều này chúng ta cần đi sâu tìm hiểu và tiến hành thao tác hóa khái niệm, bóc tách khái niệm PTXH nói chung thành hai khái niệm bộ phận là PTXH hợp thức và PTXH không hợp thức. Phân tầng xã hội hợp thức là một cấu trúc tầng bậc xã hội được hình thành trên cơ sở sự khác biệt tự nhiên của các cá nhân về tài, đức, sự đóng góp, cống hiến thực tế của họ cho xã hội. PTXH hợp thức phản ánh một cấu trúc vừa phù hợp với đạo lí, pháp lí và các chuẩn mực, giá trị của xã hội trong hiện tại, vừa phù hợp với quy luật và xu hướng phát triển đi lên của văn hóa, văn minh xã hội. PTXH hợp thức vừa phản ánh một trật tự của công bằng xã hội vừa phản ánh những khát vọng của nhân loại tiến bộ và tất cả những ai có tư duy lành mạnh, bình thường trong xã hội. 91
- Tô Phương Oanh Bên cạnh cấu trúc PTXH hợp thức – một khuynh hướng chủ đạo hiện nay ở Việt Nam thì cũng đồng thời tồn tại một cấu trúc PTXH không hợp thức đối nghịch với PTXH hợp thức. Đó là cấu trúc xã hội được hình thành không phải do sự khác biệt về tài, đức, về sự cống hiến thực tế của mỗi cá nhân, tổ chức cho xã hội mà dựa vào sự bợ đỡ, nịnh nọt, sự liên minh ma quỷ theo lợi ích nhóm; những quy tắc chuẩn mực xã hội bị bóp méo, bị thao túng; những chính sách xã hội thiếu đúng đắn, thiếu khoa học, lạc hậu, sơ hở, chậm đổi mới; những hành vi tham nhũng, làm ăn phi pháp (trốn thuế, lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái, buôn bán ma túy, ...); sự thao túng hay tha hóa quyền lực hoặc ngay cả sự lười biếng, trông chờ, ỷ lại. Cấu trúc này nảy sinh và hình thành do nhiều nguyên nhân trong đó có sự sơ hở, lạc hậu về chính sách, buông lỏng quản lí của các cấp có thẩm quyền, do sự gian tham, tiêu cực của một số người cũng như những quán tính xấu của quá khứ chưa được gột rửa, lưu truyền từ xã hội trước đó để lại. Cấu trúc xã hội này chính là sự bất công xã hội, nuôi dưỡng những bất bình, xung đột xã hội, làm phương hại đến bộ mặt nhân văn, nhân bản xã hội. Cấu trúc này tuy không lấn át cấu trúc PTXH hợp thức song sự tàn phá của nó là hết sức ghê gớm không thể chủ quan, xem nhẹ. Với phân tích như vậy, PTXH không đơn giản chỉ được quy về cái tốt, cái tích cực như lập luận của những người theo thuyết chức năng; nó cũng không chỉ được quy giản một chiếu về cái xấu, cái tiêu cực như ý kiến của những người theo thuyết xung đột. Trên thực tế PTXH có cả mặt tốt, mặt tích cực và mặt xấu, mặt tiêu cực. Theo đó, thì tùy ở từng loại phân tầng mà chúng ta sẽ có những thái độ và hành vi ứng xử một cách tương ứng. Đối với bất kì một người bình thường, lành mạnh nào thì rõ ràng với PTXH hợp thức, chúng ta cần thừa nhận nó, ủng hộ sự tồn tại của nó; hơn thế nữa, cần phải thiết chế hóa nó, cần phải làm cho nó trở nên phổ biến, cần phải xây dựng một xã hội trên cơ sở PTXH hợp thức. Còn đối với PTXH không hợp thức, tức là một trật tự xã hội bất công bằng, bất hợp lí, dựa trên những cơ sở tiêu cực xã hội, tham nhũng, trộm cắp, lãng phí, làm ăn phi pháp, chúng ta cần phủ nhận nó, đấu tranh loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội. Trả lời một cách rành mạch câu hỏi này sẽ cho phép chúng ta không đơn giản quy PTXH vào tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, từ đó đưa ra các đề xuất về các giải pháp ủng hộ, thiết chế hóa hay ngăn chặn, thu hẹp, xóa bỏ như những người theo thuyết chức năng hay xung đột, cũng như những kiến giải và đề xuất của những người theo thuyết dung hòa. Ở đây, chúng ta có thể kế thừa, tổng tích hợp một cách có phê phán những hạt nhân hợp lí ở mỗi lí thuyết và đưa ra cách kiến giải mới. Với sự phân tích trên, thì hiển nhiên rằng, không phải PTXH nói chung là tốt, là tích cực như những người theo thuyết chức năng nói đến mà chỉ có PTXH hợp thức mới là tốt, có chức năng tích cực tạo ra trật tự xã hội, công bằng xã hội, đồng thuận xã hội, đoàn kết xã hội. Chúng ta không đồng tình với những người theo thuyết xung đột khi đã quy PTXH nói chung vào cái xấu, tiêu cực từ đó phê phán gay gắt và phủ định sạch trơn những luận điểm của những người theo thuyết chức năng dẫn đến chủ trương tìm cách xóa bỏ PTXH. Như đã phân tích ở trên, chỉ những phân tầng nào là bất hợp thức mới là xấu, tiêu cực thì mới cần ngăn chặn, kiểm soát và từng bước đẩy lùi, xóa bỏ Phân tích trên khía cạnh đó, chúng ta thấy rằng PTXH hợp thức thực chất là trật tự của công bằng xã hội, là điều kiện, phương thức, nền tảng của xã hội đảm bảo cho việc thực hiện công bằng xã hội; còn công bằng xã hội lại là tiêu chuẩn “nhân lõi” cốt yếu bên trong của PTXH hợp thức. Để nhận thức cho đúng và đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng đòi hỏi chúng ta phải phát hiện và tìm ra được điểm chung của PTXH hợp thức và công bằng xã hội. 92
- Xu hướng phân tầng xã hội và luận bàn về phân tầng xã hội hợp thức ở Việt Nam hiện nay Công bằng được hiểu là sự phù hợp giữa năng lực thực tiễn của người ta với địa vị xã hội mà họ đảm nhiệm, giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ, sự hy sinh, đóng góp và sự đền đáp công lao và sự thừa nhận, giữa làm và hưởng, lao động và sự trả công, giữa tội ác và sự trừng phạt. Theo cách hiểu này thì công bằng không phải là sự cào bằng, cũng không phải bất cứ sự bằng nhau nào. PTXH hợp thức là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, là nhân tố tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội, góp phần tạo nên bộ mặt nhân văn, nhân bản, nhân ái trong xã hội. Như vậy, PTXH hợp thức là cái chúng ta đang mong muốn, cần thiết phải có và cùng nhau thừa nhận nó một cách tự giác. PTXH hợp thức chính là trật tự xã hội lí tưởng của sự công bằng xã hội. Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy xã hội nước ta hướng tới xây dựng một xã hội trên cơ sở của PTXH hợp thức: - Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, các diễn đàn thảo luận ở tất cả các cấp nhằm làm sáng rõ nội dung thực chất của PTXH hợp thức, theo đó từng bước xây dựng và thiết chế hóa nó vào trong cuộc sống - Làm rõ mặt tiêu cực của PTXH không hợp thức, đồng thời tiếp tục cải cách bộ máy hành chính, tăng cường pháp luật, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, trừng phạt kịp thời những hành vi tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác của PTXH bất hợp thức. - PTXH và phân hóa xã hội là hai hiện tượng vừa có điểm chung vừa có sự khác biệt chính vì vậy trong chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo cần có những chương trình, giải pháp đồng bộ. - Kiên quyết chỉ đạo và xây dựng mô hình xã hội PTXH hợp thức, gắn nó với chính sách xóa đói giảm nghèo, đồng thời đặt nó trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội tổng hợp của đất nước. - Đảng, Nhà nước có chính sách thu hút, phát hiện, đào tạo, sắp xếp những nhóm xã hội ưu trội, những cá nhân ưu tú góp phần thúc đẩy xã hội. - Có những giải pháp sát hợp nhằm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên sống tích cực. - Tăng cường điều tra khảo sát nắm bắt kịp thời những biến đổi trong cơ cấu các giai tầng xã hội. 3. Kết luận Khi xem xét những vấn đề phong phú của đời sống thực tiễn, chúng ta phải tính toán một cách thực sự đầy đủ các yếu tố thực tế, đa dạng và sinh động của xã hội hiện thực với các yếu tố nhân văn, nhân bản có từ trong chiều sâu của đạo lí và truyền thống tương thân, tương ái quý báu của dân tộc. PTXH ở Việt Nam cũng cần xem xét và nghiên cứu ở nhiều chiều cạnh để thấy được những mặt tích cực và hạn chế từ đó có những quan điểm và chính sách phù hợp từ cấp trung ương đến địa phương. - Đối với cấp trung ương: Nghiên cứu cho thấy rõ vai trò hàng đầu của môi trường pháp lí và chính sách đối với sự biến đổi xã hội. Cơ cấu xã hội và PTXH có thể điều chỉnh từ góc độ quản lí vĩ mô thông qua các công cụ quản lí của Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan ở cấp Trung ương cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh các chính sách kinh tế xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo 93
- Tô Phương Oanh việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội và các chính sách khác của nhà nước. Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, rà soát lại công tác tổ chức cán bộ, chấn chỉnh bộ máy... Xây dựng đồng bộ các giải pháp bao gồm cả việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực điều hành và sự phối hợp hoạt động giữa các ban, bộ, cơ quan chức năng, các ngành, các cấp. Xây dựng cán bộ một cách bài bản, đồng bộ, hệ thống “dài hơi”, tương đối ổn định và có trình tự, bước đi thích hợp trong một chỉnh thể thống nhất. Cần phải đưa ra được những tiêu chuẩn về những phẩm chất và yêu cầu cần thiết của từng loại cán bộ. Xây dựng những nguyên tắc khoa học để tạo nguồn cán bộ, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, có chế độ khen thưởng với những người làm tốt, có thành tích và xử phạt nghiêm minh đối với những người sai phạm, làm việc kém hiệu quả. Một mặt, cần có phương cách, giải pháp thích hợp để khai thác cán bộ, đãi ngộ cán bộ... Mặt khác cần kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng “mua quan bán chức”, độc đoán, chuyên quyền, cứng nhắc trong công tác cán bộ. - Đối với cộng đồng xã hội: Cần tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông để mọi người tích cực xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội và tăng cường sản xuất, kinh doanh theo hướng người nghèo bớt nghèo và người giàu thêm giàu hơn. Tạo dư luận xã hội ủng hộ tích cực đối với PTXH hợp thức, ủng hộ các cá nhân vượt trội, các nhóm vượt trội trong cơ cấu PTXH về nghề nghiệp, lao động, việc làm, lối sống văn hóa; đồng thời phê phán, đấu tranh với PTXH không hợp thức. Tăng cường nghiên cứu về PTXH để bổ sung dữ liệu và thông tin làm cơ sở thực hiện đường lối, chính sách phát triển kinh tế xã hội. Mở rộng hướng nghiên cứu sự PTXH trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như văn hóa, giáo dục, uy tín xã hội, mức độ cạnh tranh và sự tham gia quản lí xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và toàn cầu hóa. - Đối với địa phương: Địa phương bao gồm từ các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã, phường là những mắt khâu quan trọng nối liền sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến từng người dân. Địa phương, nhất là địa phương ở cấp cơ sở có một vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị, bởi họ là nơi trực tiếp triển khai mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến từng người dân; là đầu mối tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân lên các cơ quan Đảng, Nhà nước; là người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp mọi thành bại ở cơ sở. Bởi vây, cần phải tăng cường sự quản lí, chỉ đạo và việc phối hợp hoạt động một cách chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ quan địa phương cấp xã, phường với các cơ quan ngang cấp cũng như theo ngành dọc từ dưới lên trên nhằm đảm bảo mọi hoạt động kinh tế xã hội cũng như các hoạt động xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình PTXH hợp thức đạt được kết quả mong đợi. Ở đây rất cần những cam kết có trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, quản lí địa phương với Đảng, Nhà nước, với nhân dân, tiếp theo đó cần có sự giám sát, đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhân dân, của hệ thống chính trị đối với địa phương. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Đình Tấn, 2005. Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội. Nxb Lí luận Chính trị, Hà Nội. [2] Nguyễn Đình Tấn, 2010. Xu hướng phân tầng xã hội trong quá trình Phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Nxb Lao động, Hà Nội. 94
- Xu hướng phân tầng xã hội và luận bàn về phân tầng xã hội hợp thức ở Việt Nam hiện nay [3] Tổng cục Thống kê, 2012. Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam. Nxb Thống kê, Hà Nội. tr.265 [4] Trịnh Duy Luân, 1992. Sự phân tầng xã hội theo mức sống tại thủ đô Hà Nội trong những năm đầu thực hiện đổi mới. Tạp chí Xã hội học số 4 (40), tr.16-28. [5] Tương Lai, 1995. Khảo sát xã hội học về phân tầng xã hội – cơ sở lí luận và phương pháp luận. Tạp chí Xã hội học, số 3 (51), tr.9-29. [6] Mai Huy Bích, 2006. Lí thuyết phát triển xã hội và những phát triển gần đây ở Phương Tây. Tạp chí Xã hội học số 3, tr.106. [7] Phạm Xuân Nam, 2009. Một số lí thuyết và kinh nghiệm nghiên cứu về PTXH và CCXH. Tạp chí Lí luận Chính trị số 1. [8] Đỗ Thiên Kính, 2009. Một số vấn đề cơ bản về sự biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020. Đề tài cấp bộ do Viện XHH chủ trì. [9] Lê Ngọc Hùng, 2010. Chênh lệch giàu nghèo và PTXH ở HN hiện nay. Báo điện tử Đảng Cộng sản, ngày 8/10/2010. [10] Nguyễn Đình Tấn, 2008. Phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tạp chí Khoa học xã hội, số 1 (26). [11] Nguyễn Đình Tấn, 2008. Xu hướng biến đổi PTXH ở VN trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tạp chí XHH, số 2 (102). [12] Nguyễn Đình Tấn, 2010. Ông đã xuất bản cuốn sách tham khảo Xu hướng phân tầng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế thị trường ở VN hiện nay. Nxb Lao động. ABSTRACT Social stratification trends and a discussion of legitimate social stratification in Vietnam today Vietnam is in the process of implementing a national renewal policy and developing a market economy. Social stratification has resulted and is a problem which requires an urgent solution. Social stratification makes social justice very difficult and has a negative impact on human life and society. This article takes a close look at this issue. Keywords: Social Stratification, legitimate social stratification, illegitimate social stratification, social balance, the gap between the rich and the poor 95
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Chương IV: Phát triển kinh tế với phúc lợi xã hội cho con người
24 p | 1736 | 81
-
Chuyên đề: Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội - GS,TS. Nguyễn Đình Tấn
39 p | 274 | 27
-
Thuyết phân tâm học và vận dụng vào hoạt động công tác xã hội với trẻ em
8 p | 196 | 18
-
Chênh lệch giàu nghèo và phân tầng xã hội ở Hà Nội hiện nay
14 p | 290 | 15
-
Xu hướng biến đổi phân tầng xã hội ở Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế - Nguyễn Đình Tấn
0 p | 197 | 11
-
Dự báo xu hướng biến động cơ cấu giai cấp công nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - Bùi Đình Bôn
5 p | 128 | 11
-
Một số biến đổi kinh tế, xã hội nông thôn vùng châu thổ sông Hồng hiện nay - Trương Xuân Trường
0 p | 85 | 9
-
Biến đổi xã hội ở Việt Nam qua 20 năm đổi mới
7 p | 104 | 7
-
Gia tăng dân số cơ học và di cư ở thành phố Hà Nội: Xu hướng và những tác động kinh tế - xã hội
12 p | 115 | 7
-
Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2012-2017
61 p | 72 | 6
-
Xu hướng phân tầng xã hội và công bằng xã hội qua khảo sát 5 tỉnh, thành phố ở Việt Nam
10 p | 88 | 6
-
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các môn Khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội đáp ứng chuẩn đầu ra
8 p | 11 | 5
-
Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới
12 p | 59 | 3
-
Một số tác động của sự biến đổi cơ cấu xã hội trong 25 năm đổi mới đến sự phát triển đất nước
10 p | 60 | 3
-
Vấn đề phân tầng xã hội và di động xã hội qua các nghiên cứu trong và ngoài nước
12 p | 46 | 1
-
Thực trạng một số khía cạnh công bằng xã hội trong tăng trưởng kinh tế xanh tại tỉnh Trà Vinh
8 p | 5 | 1
-
Đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng nông thôn nước ta hướng tới một xã hội năng động, phân tầng hợp thức và văn minh
6 p | 27 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn