intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2020-2021 có đáp án

Chia sẻ: Hoamaudon | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:28

52
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tài liệu nhằm phục vụ cho các em học sinh đang ôn luyện kì thi giữa học kì 2. Hi vọng với Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2020-2021 có đáp án này các em sẽ ôn tập thật tốt và tự tin bước vào kì thi quan trọng sắp tới. Mời các em cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2020-2021 có đáp án

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2020-2021

1. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 - Trường THPT Thị Xã Quảng Trị 

I. ĐỌC- HIỂU (4.0 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
​         Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)
         Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, NXB Hội Nhà văn, 2016)

Câu 1: Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất? 
Câu 2: Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì? 
Câu 3: Tại sao tác giả lại cho rằng những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”? 
Câu 4: Viết 01 đoạn văn (khoảng 12- 15 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay. 
II. LÀM VĂN (6.0 điểm):
Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, SGK Ngữ văn 12, tập 2).

Đáp án

I. ĐỌC- HIỂU (4.0 điểm): 
Câu 1 (0.5 điểm): Đoạn trích bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần của con người. 
Câu 2 (0.75 điểm): Chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại: 
- Lợi ích: thoải mái chia sẻ cuộc sống cá nhân. 
- Tồn tại: 
+ Càng kết nối, càng online thì con người cảng cô đơn hơn. 
+ Sự tương tác hời hợt và vội vã trên mạng xã hội làm con người thấy trống vắng, không tìm được cảm giác quan tâm thật sự. 
+ Sự hạn chế trong giao tiếp vì thời gian dành cho cuộc sống ảo quá nhiều. 
+ Sự so sánh, đố kị khi nhìn ngắm cuộc sống trên mạng xã hội dẫn đến cảm giác bứt rứt, xáo trộn, ghen tị với cuộc sống của người khác. 
⟹ Cuộc sống ảo trên mạng xã hội chi phối làm cho con người dường như tê liệt trong cuộc sống thực tế. Con người chạy trốn bản thân mình, sống cuộc sống trong đám đông hỗn loạn trên mạng xã hội. 
Câu 3 (0.75 điểm): Tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”, vì: 
+ Khi đúng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, con người được tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của tự nhiên và nghệ thuật. Chính điều đó giúp cho tâm hồn con người được thanh lọc, cảm thấy thêm yêu cái đẹp và yêu cuộc sống. 
+ Những trải nghiệm trên mạng xã hội không cho ta những cảm giác trên mà chỉ đem đến cho ta sự bứt rứt, xáo trộn, ghen tị với cuộc sống của người khác, làm ta trở nên nhỏ nhen, thấy mình bất hạnh, thiếu thốn. Trong một thế giới ảo hỗn độn ấy, con người không tìm thấy sự sẻ chia, quan tâm thật sự mà chỉ là sự tương tác hời hợt giữa những người xa lạ. Chính vì vậy, càng đi sâu vào cuộc sống ảo, con người càng cảm thấy 
thiếu thốn, trống trải, cô đơn mà không bao giờ có được cảm giác “đầy đặn” như khi đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn.


2.  Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn  lớp 12 - Trường THPT Lương Ngọc Quyến 

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi (từ câu 1 đến câu 4)

“… Đáng tiếc, hiện nay rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình. Họ quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn, từ những việc nhỏ như thi vào trường đại học nào, học chuyên ngành gì, đến những chuyện lớn như đi đến đâu để phát triển sự nghiệp, lựa chọn ngành nghề nào, làm công việc gì. Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta. Không phải họ không muốn mà là không thể chịu trách nhiệm, kể cả bố mẹ chúng ta.

…Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách. Kinh nghiệm của những người thành đạt cho chúng ta thấy: bất kì một cuộc sống lí tưởng, hạnh phúc, thành đạt nào, về cơ bản cũng đều được quyết định bởi những lựa chọn và hành động của chính bản thân họ…”

(Trích Bí quyết thành công của Bill Gates, Khẩm Sài Nhân, NXB Hồng Đức)

Câu 1: Chỉ ra những biểu hiện của việc nhiều thanh niên vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình được nêu trong đoạn trích? 
Câu 2: Theo tác giả, kinh nghiệm của những người thành đạt cho chúng ta thấy điều gì? 
Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu: “Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách” 
Câu 4: Theo anh/chị, hiện tượng tác giả chỉ ra trong bài viết rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình. Họ quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn có đúng với thực tễn ngày nay không? Vì sao? 
PHẦN II: LÀM VĂN (6,0 điểm)   
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Tràng  trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. 

Đáp án

I. ĐỌC- HIỂU (4.0 điểm): 

Câu 1: (0,75 điểm)

Những biểu hiện của việc nhiều thanh niên vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình được nêu trong đoạn trích: 
Họ quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn, từ những việc nhỏ như thi vào trường đại học nào, học chuyên ngành gì, đến những chuyện lớn như đi đến đâu để phát triển sự nghiệp, lựa chọn ngành nghề nào, làm công việc gì.
Câu 2: (0,75 điểm)
Theo tác giả, kinh nghiệm của những người thành đạt cho chúng ta thấy: bất kì một cuộc sống lí tưởng, hạnh phúc, thành đạt nào, về cơ bản cũng đều được quyết định bởi những lựa chọn và hành động của chính bản thân họ.   
Câu 3: (1,0 điểm)
Nếu để người khác điều khiển, sắp xếp, quyết định thay mình, ỷ lại, trông chờ vào người khác: 
- Sẽ rơi vào thế bị động trên con đường đi đến tương lai của chính mình.  
- Để lại hậu quả nặng nề. 
Câu 4: (1,5 điểm)
- Học sinh trả lời đúng hoặc không đúng, hoặc chọn một cách trả lời phù hợp.  
- Lý giải thuyết phục.


3. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 - Trường THPT Đoàn Thượng 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
      Đọc đoạn trích:
... Tôi vội vàng nhét vào trong chiếc túi cấp dưỡng nhọ nhem của chị một chiếc phong bì niêm rất cẩn thận. Suốt buổi trưa, tôi đã mượn giấy bút biên cho Nguyệt lá thư đầu tiên. Ra đến rừng săng lẻ, tôi chưa về chỗ giấu xe vội mà men ra bờ sông ngoài cầu. Con sông miền Tây in đầy bóng núi xanh thẫm, hai bên bờ cỏ lau chen với hố bom. Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời. Tôi đứng bên bờ sông, giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa bom đạn và cảnh tàn phá những cái quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?

(Trích Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu - Truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 62)

Thực hiện các yêu cầu sau:  
Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích. 
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cây cầu? 
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu văn: “Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?”. 
Câu 4. Anh/chị hãy nêu nhận xét về tư tưởng của nhà văn thể hiện qua đoạn trích.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 
Câu 1 (2,0 điểm) 
Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của niềm tin trong cuộc sống. 
Câu 2 (5,0 điểm) 
Phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích sau:
         Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

         Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ : Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được ?

         Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.28-29)

Đáp án

I. ĐỌC- HIỂU (4.0 điểm): 

Câu 1:

Ngôi kể: ngôi thứ nhất.
Hướng dẫn chấm:
- HS trả lời như đáp án: 0,75đ
- HS trả lời ngôi kể là “tôi”: 0,75đ
- HS trả lời sai hoặc không trả lời : không cho điểm 
Câu 2:
Những chi tiết tả cây cầu: 
+ bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt  
+ Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông  
+ hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời 
+ chiếc cầu đổ  
Hướng dẫn chấm: 
- HS trả lời được 3 ý: 0,75đ 
- HS trả lời được 2 ý: 0,5đ 
- HS trả lời được 1 ý: 0,25đ 
Nếu HS trích dẫn cả câu văn “Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời.”, vẫn cho 0,75đ.
Câu 3:
- Hình ảnh ẩn dụ: sợi chỉ xanh óng ánh 
- Tác dụng: 
+ Diễn tả vẻ đẹp tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống của cô gái (nhân vật Nguyệt). 
+ Làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho câu văn.  
Hướng dẫn chấm: 
- HS trả lời như đáp án: 1,0đ 
- HS trả lời được 2 ý về tác dụng, không nêu hình ảnh ẩn dụ: 0,75đ 
- HS trả lời được 1 ý về tác dụng, không nêu hình ảnh ẩn dụ: 0,5đ 
- HS chỉ ra được hình ảnh ẩn dụ, không nêu tác dụng: 0,25đ
Câu 4:
Nhận xét về tư tưởng của nhà văn: 
+ Ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn tuổi trẻ những năm chống Mĩ cứu nước;  
+ Khẳng định sự sống bất diệt. 
Hướng dẫn chấm: 
- HS trả lời được 2 ý:  0,5đ 
- HS trả lời được 1 ý : 0,25đ


4. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 - Trường THPT Ngô Gia Tự

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và trả lời từ câu 1 đến câu 4:

         Khả năng thích nghi của con người, đó là một chủ đề thú vị, bởi vì mọi người đã liên tục muốn nói với tôi về việc vượt qua nghịch cảnh. […] Sự bất hạnh không phải là một trở ngại mà chúng ta phải tránh để trở lại với cuộc sống.Nó là một phần cuộc sống của chúng ta. Và tôi thường xem nó như cái bóng của chính mình. Có lúc tôi nhìn thấy nó rất nhiều, có lúc lại rất ít, nhưng nó luôn luôn đồng hành với tôi. Và chắc chắn tôi không cố gắng gạt đi những ảnh hưởng và tầm quan trọng của sự cố gắng trong mỗi con người. Luôn có những nghịch cảnh và những thử thách trong cuộc sống, và chúng rất thật, rất riêng với mỗi con người, nhưng câu hỏi đặt ra không phải liệu bạn có gặp những thiếu may mắn đó không, mà là bạn sẽ đối diện với nó như thế nào. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta không chỉ đơn thuần là che chắn cho những người ta yêu thương khỏi những bất hạnh, mà là chuẩn bị cho họ đối diện với nó.

         […] Không xử lý sự lành lặn cùa một con ngườithông qua việc không nhìn nhận khả năng của họ, chúng ta đang tạo ra một khó khăn khác, trên cả những chướng ngại mà tạo hóa đặt ra cho họ. Chúng ta đang đánh giá giá trị của một con người đối với cộng đồng một cách hiệu quả. Vì vậy, ta cần phải nhìn xuyên thấu những bệnh tình tới tận bên trong khả năng của con người. Và điều quan trọng nhất là có một mối liên hệ giữa những người bị xem là khiếm khuyết và khảnăng sáng tạo vô tận của chúng ta. Vì thế, không phải là vấn đề đánh giá thấp, hay chối bỏ những lần cố gắng như một điều chúng ta muốn lẩn tránh hay giấu dưới tấm thảm. Nhưng thay vào đó ta tìm thấy những cơ hội ẩn mình trong những nghịch cảnh. Vì vậy, có lẽ suy nghĩ mà tôi muốn đưa ra là chẳng có mấy cơ hội vượt qua nghịch cảnh vì nghịch cảnh gắn nó với ta.Nắm lấy nó, níu lấy nó vật lộn với nó và có lẽ thậm chí nhảy nhót với nó. Và, có lẽ, nếu chúng ta xem nghịch cảnh là tự nhiên, lâu dài và có lợi chúng ta sẽ ít cảm thấy sự tồn tại của nghịch cảnh là một gánh nặng.

(Trích Cơ hội từ nghịch cảnh - Aimee Mullins)

Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. 
Câu 2 (0,5 điểm). Em hiểu “những cơ hội ẩn mình trong những nghịch cảnh” là gì?  
Câu 3 (1,0 điểm). Tác giả đã “đối diện” với nghịch cảnh như thế nào? 
Câu 4 (1,0 điểm). Em có đồng tình với quan điểm “trách nhiệm của chúng ta không chỉ đơn thuần là che chắn cho những người ta yêu thương khỏi những bất hạnh, mà là chuẩn bị cho họ đối diện với nó” không? Vì sao?
PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm) 
Câu 1 (2,0 điểm) 
Qua đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến “nếu chúng ta xem nghịch cảnh là tự nhiên, lâu dài và có lợi chúng ta sẽ ít cảm thấy sự tồn tại của nghịch cảnh là một gánh nặng”. 
Câu 2 (5,0 điểm) 
Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân có đoạn:
      "Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng 2 vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

      Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

      Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

Tràng thở đánh phào một cái (...) Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

      - Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau".

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2013)

Cảm nhận của anh/ chị về tâm trạng bà cụ Tứ được miêu tả trong đoạn trích trên. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân.

Đáp án

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận 

Câu 2:
- Nghịch cảnh là những khó khăn thách thức chúng ta cần vượt qua, hãy biến nó thành cơ hội để thể hiện bản thân. 
- Nghịch cảnh không phải là những bất hạnh mà đôi khi nó còn có lợi đối với chúng ta nếu chúng ta biết tận dụng và vượt qua. 
Câu 3: 
- Tác giả đã đối diện với nghịch cảnh: 
+ Không trốn tránh nó 
+ Coi đó là một phần cuộc sống của chúng ta và thường xem nó như cái bóng của chính mình 
+ Nắm lấy nó, níu lấy nó vật lộn với nó và có lẽ thậm chí nhảy nhót với nó.  
+ Xem nghịch cảnh là tự nhiên, lâu dài và có lợi 
Câu 4:
- HS trả lời theo quan điểm cá nhân và lí giải thuyết phục 
Có thể tham khảo: 
- Đồng ý với ý kiến 
- Lí giải:  
+ Cuộc sống luôn có những khó khăn thử thách, chúng ta không thể mãi sống để che chắn cho người mình thương yêu 
+ Phải giúp họ tự bảo vệ bản thân, tự vượt qua khó khăn. Bản thân tự đối diện được với nghịch cảnh thì mới có thể tồn tại và thành công.

Trên đây là một phần trích nội dung Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2020-2021. Để tham khảo đầy đủ, mời các bạn đăng nhập và tải về tài liệu.

⇒ Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm Đề thi giữa học kì 2 môn GDCD lớp 12 năm 2020-2021 (Có đáp án)

ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1