Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu
nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX” để tìm hiểu về thế giới tâm hồn người
chiến sĩ – nghệ sĩ trong hoàn cảnh bị tù đày nhưng đã làm nên những thành tựu độc đáo của
văn thơ yêu nước trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi tập trung khảo sát vấn đề: Cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ
yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX. Trong khuôn khổ của luận án, chúng tôi
hướng trọng tâm vào nghiên cứu một số đặc điểm tiêu biểu của cảm hứng sáng tác và những
biểu hiện của cảm hứng sáng tác qua các tác phẩm văn thơ tiêu biểu của các chiến sĩ yêu nước
trong nhà tù thực dân trong giai đoạn nêu trên ở cả hai loại hình tiêu biểu thơ ca và văn xuôi.
Cũng cần chú ý đến tính chất đặc thù của đối tượng nghiên cứu, đó là những chiến sĩ
yêu nước trong nhà tù – tù nhân chính trị (phân biệt với các tù nhân khác). Chiến sĩ yêu nước
trong nhà tù quân xâm lược bao gồm các chí sĩ yêu nước, những người chiến sĩ đã được giác
ngộ lý tưởng cách mạng trong quá trình hoạt động bị giặc bắt giam (tù chính trị) hay được
giác ngộ cách mạng trong nhà tù, sau đó tham gia đấu tranh trong tù và cả những người yêu
nước đấu tranh tự phát bị giặc bắt giam, lấy yếu tố yêu nước là hạt nhân tư tưởng. Đó có thể là
các nhà yêu nước, các lãnh tụ cách mạng, những chí sĩ, chiến sĩ yêu nước xuất thân từ đủ mọi
thành phần, nghề nghiệp cùng chung lý tưởng, mục đích chiến đấu là đánh đuổi giặc ngoại
xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc (chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong phần sau).
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Công trình của chúng tôi chủ yếu tập trung vào các sáng tác tiêu biểu của người chiến
sĩ yêu nước, những nhà cách mạng Việt Nam trong nhà tù thực dân giai đoạn nửa đầu thế kỉ
XX (có liên hệ với các sáng tác văn chương yêu nước giai đoạn khác khi cần thiết) bao gồm
các tác phẩm thơ, văn xuôi, ký…được tập hợp trong các cuốn sách, các công trình khác
nhau của nhiều tác giả để làm tài liệu khảo sát, nghiên cứu. Các sáng tác văn thơ yêu nước
trong nhà tù của chế độ khác (không phải là nhà tù của chế độ thực dân) không nằm trong
phạm vi nghiên cứu nhưng sẽ được liên hệ trong quá trình phân tích khi cần thiết, chẳng hạn
với tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.
Cần lưu ý rằng, các sáng tác của các chiến sĩ yêu nước có thể ra đời trong nhà tù hoặc
sau khi ra tù, người chiến sĩ mới ghi chép lại những gì mình đã trải qua, mới có cơ hội để
công bố các tác phẩm (truyện ngắn, hồi ký…) như Ngục Kom Tum của Lê Văn Hiến, Lao tù
của Thiên Giang, Đời người trong ngục của Nhượng Tống, Ngồi tù Khám Lớn của Pham
Văn Hùm, Vượt ngục của Cựu Kim Sơn, Dưới hầm Sơn La của Trần Huy Liệu... Song dù
viết trong tù hay sau khi ra tù thì những sáng tác ấy vẫn thuộc về bộ phận văn học trong nhà
tù, bởi họ viết về những hiện thực khốc liệt mà bản thân và đồng đội đã trực tiếp nếm trải.
Thêm nữa, chính những điều “mắt thấy, tai nghe”, cuộc chiến đấu kiên cường và đời sống trong
lao tù đã thôi thúc người chiến sĩ, cảm hứng sáng tác có thể đã xuất hiện ngay trong thời điểm
người chiến sĩ còn đang bị giam cầm. Sự nung nấu và khát khao sáng tạo, ý tưởng về tác phẩm
đã được nhen nhóm và “thai nghén” ngay trong tâm trí ở thời điểm người chiến sĩ còn đang
cảnh lao tù nhưng họ lại không có điều kiện để “hiện thực hóa” ngay tức thì những xúc cảm
mãnh liệt và tư tưởng của mình, nhất là với các sáng tác văn xuôi. Một điểm cũng cần lưu ý,