intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Hán Nôm: Nghiên cứu văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam tại Viện nghiên cứu Hán Nôm

Chia sẻ: Cẩm Tú | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:257

106
lượt xem
23
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án thống kê định lượng và hệ thống hóa văn bản Kham dư Hán Nôm hiện đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, xác định thiện bản để nghiên cứu. Giới thiệu thân thế sự nghiệp văn trước tác Kham dư của một số tác giả Kham dư Hán Nôm Việt Nam có tác phẩm lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Nghiên cứu, khai thác nhằm tìm ra những nét đặc điểm có tính khoa học và thực tiễn về Kham dư trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đương đại.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Hán Nôm: Nghiên cứu văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam tại Viện nghiên cứu Hán Nôm

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN QUỐC KHÁNH NGHIÊN CỨU VĂN BẢN KHAM DƯ HÁN NÔM VIỆT NAM TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM Ngành: Hán Nôm Mã số : 9.22.01.04 LUẬN ÁN TIẾN SĨ HÁN NÔM Người hướng dẫn khoa học PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh Hà Nội - 2019
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng: - Luận án Tiến sĩ này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS.Trịnh Khắc Mạnh, chưa từng được công bố trong các công trình nghiên cứu của người khác. - Luận án đã được tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc, cầu thị. - Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác đã được tiếp thu chân thực, cẩn trọng trong luận án. Tác giả Nguyễn Quốc Khánh
  3. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án Tiến sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban Giám đốc, Khoa Hán Nôm, Học viện Khoa học xã hội và các thầy, cô giáo đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập. Trân trọng cám ơn Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Lãnh đạo Phòng Sưu tầm tư liệu Hán Nôm cùng bạn bè đồng nghiệp công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập NCS và viết luận án. Đặc biệt, NCS xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên hướng dẫn PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, thầy đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong suốt thời gian tôi nghiên cứu và hoàn thành luận án. Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã giúp đỡ, động viên NCS. Tác giả Nguyễn Quốc Khánh
  4. KÍ HIỆU VIẾT TẮT CNKBVN : Các nhà khoa bảng Việt Nam TMĐY : Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu KHXH : Khoa học xã hội NCS : Nghiên cứu sinh Nxb. : Nhà xuất bản t. : tờ TNHH : Trách nhiệm hữu hạn tr. : trang VNCHN : Viện Nghiên cứu Hán Nôm
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU……………….……………………………………………………………………..1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU .............................................7 1.1. Nguồn gốc, khái niệm Kham dư .......................................................................7 1.1.1. Nguồn gốc của Kham dư................................................................................7 1.1.2. Khái niệm Kham dư........................................................................................8 1.2. Khái lược quá trình du nhập và phát triển của Kham dư Việt Nam .............10 1.2.1. Quá trình du nhập của Kham dư vào Việt Nam .........................................10 1.2.2. Tình hình phát triển của Kham dư ở Việt Nam ..........................................11 1.3. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài ...................................14 1.3.1. Tình hình nghiên cứu Kham dư ở Trung Quốc...........................................14 1.3.2. Tình hình nghiên cứu Kham dư ở Việt Nam ...............................................15 1.3.3. Những công trình sưu tập và biên dịch từ ngôn ngữ nước ngoài..............17 1.3.4. Những công trình dịch thuật, biên soạn, nghiên cứu Kham dư Hán Nôm Việt Nam 22 1.4. Một số nhận xét về các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài.............30 1.5. Định hướng những vấn đề cần nghiên cứu tiếp theo trong luận án ..............31 Tiểu kết chương 1 ...................................................................................................31 Chương 2: KHẢO SÁT VĂN BẢN KHAM DƯ HÁN NÔM VIỆT NAM TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM ...................................................33 2.1. Mô tả văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam tại VNCHN ..........................33 2.2. Đặc điểm văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam .........................................45 2.2.1. Hình thức.......................................................................................................45 2.2.2. Niên đại .........................................................................................................46 2.2.3. Tác giả...........................................................................................................47 2.2.4. Thể loại..........................................................................................................51 2.2.5. Văn tự ............................................................................................................52 2.3. Những nội dung cơ bản của tác phẩm Kham dư Hán Nôm Việt Nam .........53 2.3.1. Nội dung về Âm Dương - Ngũ hành ............................................................53 2.3.2. Nội dung về la bàn........................................................................................56 2.3.3. Nội dung về long mạch.................................................................................59 2.3.4. Nội dung về huyệt .........................................................................................63 2.3.5. Nội dung về Dương trạch.............................................................................73 2.3.6. Nội dung về Âm trạch ...................................................................................77
  6. Tiểu kết chương 2 ...................................................................................................85 Chương 3: NGHIÊN CỨU MỘT SỐ TÁC GIA KHAM DƯ HÁN NÔM VIỆT NAM ..........................................................................................87 3.1. Tác giả Chu Văn An ........................................................................................87 3.1.1. Thân thế và sự nghiệp ..................................................................................87 3.1.2. Trước tác về Kham dư ..................................................................................90 3.2. Tác giả Nguyễn Đức Huyên ...........................................................................94 3.2.1. Hoàn cảnh xuất thân ....................................................................................95 3.2.2. Trước tác về Kham dư ..................................................................................97 3.3. Tác giả Lê Hoàng ..........................................................................................108 3.3.1. Hoàn cảnh xuất thân ..................................................................................108 3.3.2. Trước tác về Kham dư ................................................................................111 3.4. Tác giả Trịnh Tùng ........................................................................................113 3.4.1. Thân thế và sự nghiệp ................................................................................113 3.4.2. Luận bàn về Kham dư ................................................................................114 Tiểu kết chương 3 .................................................................................................115 Chương 4: NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM KHAM DƯ HÁN NÔM VIỆT NAM.......................................................................117 4.1. Giá trị nội dung của tác phẩm .......................................................................117 4.1.1. Tinh thần hòa đồng tư tưởng Nho, Phật, Đạo ..........................................117 4.1.2. Văn hóa tín ngưỡng bản địa ......................................................................121 4.1.3. Tinh thần đạo hiếu của Nho gia ................................................................125 4.1.4. Những mạch đất phát về khoa cử ..............................................................127 4.1.5. Con người hòa hợp với cảnh quan môi trường ........................................130 4.2. Ứng dụng một số nội dung Kham dư trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam ........................................................................................136 4.2.1. Quan niệm cát hung trong Dương trạch ...................................................136 4.2.2. Quan niệm cát hung trong Âm trạch .........................................................140 Tiểu kết chương 4 .................................................................................................141 KẾT LUẬN ...........................................................................................................143 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LUẬN ÁN CÓ LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI LUẬN ÁN .............................................147 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................148 PHỤ LỤC......................................................................................................... 160
  7. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Kham dư 堪輿 (còn gọi Phong thủy 風水), là một bộ môn văn hóa quan trọng về môi trường và kiến trúc xuất phát từ nền văn hóa Trung Quốc cổ đại. Nội hàm của khái niệm này là sự kết hợp với quan điểm triết học duy vật chất phác, dựa trên cơ sở lý thuyết âm dương ngũ hành để phát triển thành một hệ thống tư tưởng độc đáo về mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên. Trong luận án, chúng tôi thống nhất viết hoa danh từ Kham dư, để mang tính khu biệt và nhấn mạnh. Về nguồn gốc của Kham dư, có thể truy ngược đến thời kỳ nguyên thủy khi con người đang sống theo phương thức săn bắt và hái lượm. Người viễn cổ đã biết lựa chọn những hang động hướng về phía mặt trời tại những sườn núi khuất gió để làm nơi cư trú, giúp có thể giữ ấm, chống ẩm thấp, đề phòng thú dữ và hỏa hoạn. Sang giai đoạn văn minh nông nghiệp, con người đã bắt đầu định cư, dần dần có nhiều nhu cầu hơn đối với môi trường sống, như nhà ở phải tọa Bắc hướng Nam, dựa núi nhìn sông và có thiết kế, bố cục hợp lý. Từ xưa đến nay, mỗi khi xây nhà ở, con người đều chú trọng tìm địa điểm thuận lợi để nhà ở có được điều kiện môi trường tốt nhất, chan hòa với tự nhiên. Quan điểm chọn nơi cư trú chính là một cách biểu hiện cụ thể của Kham dư. Trong Quản Tử - Thừa mã 管子-乘馬 có viết: “Phàm là xây dựng kinh đô, không phải là dưới chân núi lớn cũng là bên bờ sông lớn, cao nhưng không quá gần chỗ khô khan khiến nước không đủ; thấp nhưng không quá gần nước thì không mất công phòng lụt” 1 [225, tr.93]. Quản Tử - Đạc địa 管子-度地 lại viết: “Thánh nhân khi tìm nơi đặt quốc đô ắt không ở nơi nghiêng dốc mà chọn nơi đất phì nhiêu” 2 [228, tr.958]. Nhân sĩ thời xưa rất chú trọng đến việc chọn đất làm nhà, coi trọng môi trường nơi ở, dần dần đưa tư tưởng “trời người hợp nhất” phát triển thành một dòng mạch quan trọng trong văn hóa truyền thống, đó chính là văn hóa Kham dư hay văn hóa phong thủy. 1 凡立國都非於大山之下必於廣川之上高毋近旱而水用足下毋近水而溝防省 2 聖人之處 國者必于不傾之地而擇地形之肥饒者 1
  8. Trong quá trình phát triển lâu dài của mình, Kham dư học đã tiếp nhận nhiều nội dung mang sắc thái thần bí siêu hình, nhưng nếu như đi sâu vào tìm hiểu một cách kỹ lưỡng trên tinh thần khoa học thì sẽ thấy những nét văn hóa tinh hoa ẩn tàng ở trong đó, có thể kể đến như: Địa lý học, Kiến trúc học, Môi trường học, Tâm lý học, v.v… Có thể nói, đó là những kết quả tinh hoa được chắt lọc qua rất nhiều thế hệ, trải mấy nghìn năm lịch sử để lại cho đến tận ngày nay. Do đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu một cách có hệ thống về Kham dư nói chung và của Việt Nam nói riêng; không chỉ giúp các nhà quản lý qui hoạch môi trường mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Việt Nam là một trong những nước từng chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn hóa Trung Hoa, trong đó có môn Kham dư. Kham dư thời xưa còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau, như: thanh ô thuật, thanh điểu thuật, âm dương, địa lý, phong thủy, v.v… Vai trò của Kham dư là phản ánh năng lực trực giác và khả năng quan sát thấu đáo của con người đối với thiên nhiên, ngoài ra nó còn phản ánh phong tục tập quán, văn hóa truyền thống sống động của dân tộc. Xuất phát từ những lý do nêu trên, vấn đề Nghiên cứu văn bản kham dư Hán Nôm Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được chọn làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Hán nôm, không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn cấp bách góp phần vào việc gìn giữ, khai thác và kế thừa mảng di sản văn hóa thành văn này. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Hệ thống hóa văn bản, tác phẩm Kham dư Hán Nôm Việt Nam lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN), khai thác, nghiên cứu và chứng minh giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn được phản ánh trong các tác phẩm Kham dư Hán Nôm Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm Kham dư Hán Nôm - nguồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong thời đại hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Thống kê định lượng và hệ thống hóa văn bản Kham dư Hán Nôm hiện đang lưu trữ tại VNCHN, xác định thiện bản để nghiên cứu. 2
  9. - Giới thiệu thân thế sự nghiệp văn trước tác Kham dư của một số tác giả Kham dư Hán Nôm Việt Nam có tác phẩm lưu giữ tại VNCHN. Nghiên cứu, khai thác nhằm tìm ra những nét đặc điểm có tính khoa học và thực tiễn về Kham dư trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đương đại. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là các văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam hiện đang lưu trữ tại VNCHN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngoài ra, có tham khảo một số tư liệu Kham dư lưu trữ ở một số địa điểm khác để tham chiếu. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu vào các vấn đề văn bản học của các văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam, giới thiệu một số tác giả Kham dư Hán Nôm Việt Nam hiện còn tác phẩm lưu trữ tại VNCHN, giới thiệu các long mạch và huyệt đạo ghi chép trong tác phẩm và tìm hiểu những giá trị khoa học đang ẩn chứa trong các tác phẩm Kham dư Hán Nôm Việt Nam. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu khai thác và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những tri thức về ngữ văn Hán Nôm, văn bản học, văn hóa học, văn hiến học, kham dư học, phiên dịch học,... được vận dụng lý thuyết nghiên cứu theo hướng liên ngành trong từng chương của luận án. Kế thừa thành quả nghiên cứu từ các công trình của giới nghiên cứu trong và ngoài nước được công bố có liên quan đến đề tài, luận án tập trung khai thác sâu về đặc điểm văn bản, tác gia Kham dư Hán Nôm Việt nam, giá trị nội dung tác phẩm Kham dư Hán Nôm Việt Nam; nhằm góp phần vào các kết quả nghiên cứu về giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam. 4.2. Phương pháp nghiên cứu 3
  10. Luận án sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu tổng hợp khác nhau, trong đó bao gồm một số phương pháp chủ yếu sau: - Phương pháp văn bản học: thống kê, so sánh các văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam hiện lưu trữ tại VNCHN để đưa ra nhận xét chung về đặc điểm văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam. Xác định thiện bản, thống kê và đối chiếu số lượng các long mạch và huyệt đạo ghi chép trong văn bản, từ đó làm cơ sở cho việc nghiên cứu các bước tiếp theo. - Phương pháp thông diễn học (hay còn gọi là thuyên thích học) cũng được sử dụng để giải thích, giải nghĩa, hay phiên dịch các văn bản Kham dư, từ các vấn đề về văn bản, văn tự, hình đồ, v.v… Đây là phương pháp giúp thấu hiểu văn bản và minh giải văn bản sâu hơn. - Phương pháp phân tích, so sánh: nghiên cứu giá trị nội dung học thuật mà tác phẩm Kham dư hàm chứa theo hướng liên văn bản, nhằm khai thác sâu hơn những vấn đề quan tâm nghiên cứu. - Nghiên cứu liên ngành: nhằm giải quyết các vấn đề cần nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án như giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, v.v… Việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu nói trên mang tính nguyên tắc, trong thực hiện luận án, các phương pháp có mối quan hệ khăng khít với nhau và hỗ trợ cho nhau được thực hiện trong từng chương của luận án. 5. Đóng góp mới của luận án - Lần đầu tiên các văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam lưu trữ tại VNCHN được thống kê, phân loại và so sánh một cách toàn diện về số lượng và về phương diện văn bản học. - Phân tích đặc điểm của văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam, xác định thiện bản để nghiên cứu, giới thiệu. - Thống kê, so sánh và cung cấp số liệu tin cậy về số lượng các huyệt mạch chính, các huyệt mạch bàng, các huyệt mạch phát quan, các huyệt mạch phát quý phi, các huyệt mạch phát giàu sang, phú quý… ghi chép trong tác phẩm Kham dư Hán Nôm Việt Nam. 4
  11. - Giới thiệu thân thế, sự nghiệp và hành trạng một số tác giả Kham dư Hán Nôm Việt Nam trên cơ sở tư liệu lịch sử và tác phẩm hiện lưu trữ tại VNCHN. - Phân tích, đánh giá làm sáng tỏ giá trị nội dung mang tính khoa học của Kham dư Hán Nôm Việt Nam góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời giúp các nhà quản lý hữu quan hoạch định những kiến trúc văn hóa truyền thống. - Giới thiệu một số long mạch của các địa phương ở Đồng bằng Bắc Bộ. - Cung cấp Bảng thuật ngữ Kham dư Hán Nôm Việt Nam. - Tuyển dịch tác phẩm An Nam phong thủy (A.693) thuộc Kham dư Hán Nôm Việt Nam. 6. Ý nghĩa khoa học của luận án Việc nghiên cứu nhóm văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam hiện lưu trữ tại VNCHN mang lại những ý nghĩa khoa học như sau: - Luận án không chỉ hệ thống hóa số lượng các văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam, mà còn hệ thống được số lượng các huyệt mạch tốt, các thế đất hay… mà tiền nhân đã ghi để lại qua các trước tác viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. - Qua việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá giá trị các tác phẩm Kham dư Hán Nôm Việt Nam, luận án nêu ra ý nghĩa khoa học của Kham dư Việt Nam trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Có thể nói địa hình sông núi Việt Nam ở vào khu vực của trời đất sao Dực, sao Chẩn, đã tạo nên hệ thống tác phẩm Kham dư Hán Nôm trong nền văn hóa trước thuật nước nhà. Kham dư Việt Nam so với Trung Hoa, tuy các thuật ngữ giống nhau, nhưng có nội dung riêng phù hợp với văn hóa Việt Nam. - Luận án sẽ là hướng mở cho các công trình nghiên cứu liên quan về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. 7. Bố cục của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục; nội dung luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài. Nội dung của chương này nhằm giải thích khái niệm Kham dư, trình bày quá trình du nhập và phát triển của Kham dư Việt Nam, giới thiệu tổng quan tình hình 5
  12. nghiên nghiên cứu và biên dịch Kham dư nói chung, từ đó đưa ra định hướng nghiên cứu của luận án. Chương 2: Khảo sát văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam tại VNCHN. Tiến hành khảo sát các văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam hiện lưu trữ tại VNCHN, từ đó nêu lên những đặc điểm văn bản và nội dung của văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam. Chương 3: Nghiên cứu một số tác gia Kham dư Hán Nôm Việt Nam. Giới thiệu thân thế và sự nghiệp 4 tác gia Hán Nôm hiện còn tác phẩm lưu trữ tại VNCHN, gồm: Chu Văn An, Nguyễn Đức Huyên, Lê Hoàng, và Trịnh Tùng. Chương 4: Nghiên cứu giá trị nội dung của Kham dư Hán Nôm Việt Nam. Nghiên cứu giá trị nội dung cơ bản của Kham dư Hán Nôm Việt Nam trên các phương diện: tư tưởng, văn hóa, khoa cử và mối quan hệ giữa con người với cảnh quan môi trường,...; từ đó nêu lên ảnh hưởng của Kham dư trong đời sống văn hóa Việt Nam. 6
  13. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU Kham dư là môn khoa học về môi trường và cuộc sống, không những chỉ áp dụng cho thời xưa, mà còn áp dụng cho cả ngày nay. Do nhận thức được điều đó, nên các nhà nghiên cứu trước đây đã sớm tìm hiểu, nghiên cứu. Vì vậy, ở chương này tập trung giới thiệu khái quát về nguồn gốc, quá trình phát triển và tình hình nghiên cứu các công trình liên quan đến đề tài của các nhà nghiên cứu đi trước, trên cơ sở đó kế thừa và tiếp thu để phát triển hệ thống cho luận án. 1.1. Nguồn gốc, khái niệm Kham dư 1.1.1. Nguồn gốc của Kham dư Kham dư khởi nguồn ở Trung Quốc từ hoạt động lựa chọn nơi cư trú của người nguyên thủy, được thai nghén qua thời Tiên Tần, phát triển vào thời Hán, lưu hành vào thời Ngụy - Tấn - Nam Bắc Triều và truyền bá rộng rãi dưới thời Tùy - Đường Ngũ đại, hưng thịnh dưới thời Minh - Thanh. Về cơ bản, Kham dư học có thể chia làm hai phái là Hình thế (phái Loan đầu) và Lý khí. Phái Hình thế: Phái này do Dương Quân Tùng 楊筠松, Tăng Văn Thuyên 曾 文遄, Lại Đại Hữu 賴大有, Tạ Tử Nghĩa 謝子義… người Giang Tây sáng lập. Phái Hình thế chú trọng long, huyệt, sa, thủy và định hướng, tìm long mạch, hình tượng hóa đặc trưng của địa hình, địa thế, dựa vào hình thế tự nhiên mà đặt tên. Ứng dụng thực tiễn của phái Hình thế rất phong phú, điều kiêng kỵ rất ít, nội dung lại dễ hiểu, vì vậy được lưu truyền rộng rãi. Lý luận của phái Hình thế chủ yếu liên quan đến môi trường tự nhiên như đất đai, mạch núi, hướng chảy, hình dáng và số lượng dòng chảy. Sau thời nhà Đường, phái Hình thế chủ yếu phát triển mạnh ở Giang Tây. Phái Hình thế chú trọng việc lựa chọn hình thế núi sông và môi trường tự nhiên bên ngoài nhà ở, phương pháp chủ yếu là “phép xem núi nếm nước 看山嘗水法” và “phép sơn hoàn thủy bão 山環水抱法”. Lý luận là Âm Dương giao hòa, núi non bao bọc, gần nguồn nước ắt sẽ có khí. Khí dựa vào thế mà vận hành, dựa vào hình mà dừng, hình là sự tổng kết về thế. Thế là chỉ hình 7
  14. dáng mấp mô nối tiếp từ điểm khởi nguồn của long mạch tới long huyệt. So với hình thì hình gần thế xa, hình nhỏ thế lớn, cho nên muốn bàn về hình thì trước tiên phải quan sát thế. Phái Lý khí: Nội dung của phái Lý khí rất linh hoạt và có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Những kiến thức của phái Lý khí rất quan trọng trong việc tìm hiểu về Kham dư, đây cũng là cơ sở để tìm hiểu về Kham dư hiện đại. Phái Lý khí coi Hà Đồ là chủ thể, sau đó phối với Lạc Thư 洛書 coi Tiên thiên Bát quái 先天八卦 là chủ thể, sau đó phối với Hậu thiên Bát quái 後天八卦; coi Bát quái, 12 Địa chi, Thiên tinh và Ngũ hành là Tứ cương, chú trọng phương vị và có rất nhiều điều cần kiêng kỵ. Phái Lý khí chú trọng việc dùng la bàn để xác định phương hướng, sơn Dương hướng Dương, sơn Âm hướng Âm, không được nhầm lẫn để định sinh khắc. Phái Lý khí là phái phức tạp, nội dung lý luận dường như bao gồm toàn bộ Dịch lý 易理, Âm dương 陰陽, Ngũ hành 五行, Hà đồ 河圖, Lạc thư 洛書, Bát quái 八卦, Tinh tú 星宿, Thần sát 神殺, Nạp âm 納音, Kỳ môn 奇門 đều là cơ sở và nguyên lý của phái Lý khí. Phái Lý khí có rất nhiều môn phái, ngoài các môn phái lớn như phái Bát trạch, phái Mệnh lý, phái Tam hợp, phái Phiên quái, phái Ngũ hành, phái Huyền không phi tinh, trong đó quan trọng nhất là ba phái Tam nguyên, Tam hợp và Thiên tinh. Tuy có nhiều môn phái, nhưng cơ sở lý luận giữa chúng tương hỗ lẫn nhau. Như vậy, dù là phái Hình thế hay phái Lý khí thì cũng đều tuân thủ theo những nguyên tắc chung, đó là nguyên tắc Thiên 天 - Địa 地- Nhân 人 hợp nhất, nguyên tắc cân bằng Âm và Dương, nguyên tắc Ngũ hành tương sinh tương khắc. Lý luận của phái Hình thế và phái Lý khí cũng ảnh hưởng lẫn nhau, dung hội trong nhau. Bởi vậy, khi nghiên cứu Kham dư cần phải tiếp thu được tinh hoa của cả hai phái này. 1.1.2. Khái niệm Kham dư Kham dư: Ban đầu là tên một vị thần, sau chỉ Phong thủy, Hán thư, Dương Hùng truyện viết: "Kham dư là tên gọi chung trời đất, còn là thần sáng tạo đồ trạch thư". Văn tuyển. Cam tuyền phú viết: "Hoài Nam Tử nói Kham dư "hành hùng (đực) để biết thư (cái). Hứa Thận nói Kham là đạo trời, dư là đạo đất vậy". 8
  15. Hán thư, Nghệ văn chí chép 14 quyển "Kham dư kim quĩ". Lũng Xuyên cho rằng sách Sử ký khảo chứng là "sách viết về phương vị Phong thủy". Sử ký, Nhật giả liệt truyện: "Thời Hiếu Võ đế, có triệu tập các nhà chiêm bốc hỏi ngày nọ có thể cưới vợ ? Các nhà ngũ hành đáp có thể; các nhà kham dư đáp không được". Tùy thư, Kinh tịch chí có chép "Kham dư lịch chú", "Địa tiết kham dư", bàn về cách chọn ngày giờ. Đủ biết Kham dư thoạt đầu không phải là chuyên bàn về Phong thủy. Theo khảo chứng của các học giả thời nay, kham dư thoạt tiên chỉ tên 12 vị thần. Các nhà Kham dư căn cứ 12 vị thần ấy mà dự đoán cát hung. Do dùng cách quan sát tượng trời để phán đoán cát hung dưới đất, nên Hứa Thận thời Đông Hán nói kham dư là đạo trời và đạo đất và có bao hàm nội dung Phong thủy. Từ thời Tùy Đường trở đi, người ta dần dần coi Tướng trạch và Tướng mộ là kham dư. Đời Thanh, Tiền Đại Hân trong sách Hằng ngôn lục viết: "Các nhà Kham dư thời cổ tức là các nhà "tướng trạch đồ mộ”thời cận đại, các nhà địa lý ngày nay"; chứng tỏ về sau người ta mới đưa nghĩa Phong thủy vào khái niệm Kham dư. Ngoài ra, các văn nhân sĩ đại phu quen dùng thuật ngữ Kham dư, còn dân gian thì gọi là Phong thủy3 [227, tr.340]. Trong luận án, chúng tôi sử dụng thuật ngữ Kham dư tương đương với thuật ngữ Phong thủy và tùy từng văn cảnh mà sử dụng cho linh hoạt. Chi tiết về thuật ngữ Kham dư (xem Phụ lục 1). 3 堪輿:一作堪余,初為神名後指風水。《漢書· 揚雄傳》注謂﹕堪輿為天地總名。又 謂為造圖宅書之神。《文選·甘泉賦注》:《淮南子》曰: 堪輿行雄以知雌。許慎曰:堪,天 道也,輿,地道也。《漢書· 藝文志》子部五行 類著錄《堪輿金匱》十四卷,瀧川資言《史 記考証》認為此書是“說風水方位之書”。《史記· 日者列傳》﹕“孝武帝時,聚會占家 問之,某日可取婦乎?五行家曰可,堪輿家曰不可” 。《隋書· 經籍志》著錄有《堪餘歷 注》,《地節堪餘》等書,論占日占辰。可知堪輿初非尃 論風水。據當代學者考証,堪輿最初 為名神,共有十二位。堪輿家即据此十二神以判斷吉凶,屬于占家。因其通過觀察天象以 判斷下方相對地域的吉凶,故東漢許慎引伸堪輿為天道,地道,堪輿中也包括有部分關于風水 的內容。隋唐以後,遂漸以相宅墓為堪輿,而堪輿的本義反而湮沒了。清前大昕《恆言錄》 ﹕“古堪輿家即今選擇家,近世乃以相宅圖墓者當之。“說明以風水為堪輿乃是後起的含 義。另外,稱風水為堪輿,以文人士大夫所習用,大致可以說是風水的書面語, 民間仍多稱風 水。 9
  16. 1.2. Khái lược quá trình du nhập và phát triển của Kham dư Việt Nam 1.2.1. Quá trình du nhập của Kham dư vào Việt Nam Cho đến nay chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác thuật Kham dư được du nhập vào nước ta từ bao giờ? Nếu nói chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là tính toán đến yếu tố Phong thuỷ thì thật chưa thoả đáng. Phải chăng khu lăng mộ Sĩ Nhiếp tại huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, cùng chuyện Mã Viện sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã dựng một cột đồng ghi “Đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt 銅柱折,交趾滅” là thuật Phong thuỷ đã manh nha xuất hiện ở nước ta? Thế nhưng có thể khẳng định, Việt Nam do có địa thế tiếp giáp trực tiếp với Trung Hoa, nên đã sớm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hoá Trung Hoa. Cũng chính vì vậy mà bộ môn Phong thuỷ được du nhập vào Việt Nam cùng với sự xâm chiếm của người Trung Hoa, nổi bật nhất là Cao Biền (đời nhà Đường) được cử sang làm Giao Châu Đô hộ sứ từ năm 865 đến năm 875 (Công nguyên). Trong vòng 10 năm ông ta đã yểm ở đất Giao Châu một số huyệt chính phát đế và một số huyệt bàng phát quan để cho nước Nam không có người làm quan, làm vua và phải chịu sự cai trị của người Trung Hoa. Thời đó, theo mật chỉ của vua Đường, Cao Biền đã đi đến hầu hết các vùng đất miền Bắc nước ta, vẽ và ghi lại tỉ mỉ những thế đất lớn, có thể phát tới Đế vương hoặc công hầu, khanh, tướng, rồi tìm cách triệt hạ, nhằm hạn chế không cho mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nảy sinh ra những “anh hùng hào kiệt” nổi lên chống lại “thiên triều”. Tác phẩm của Cao Biền còn lại ở nước ta, hiện ở VNCHN còn các cuốn: An Nam cửu long kinh 安南 九龍經 (A.1050), An Nam cửu long ca 安南九龍歌 (VHv.482), An Nam địa cảo lục 安南地稿錄 (A.1065), Cao Biền di cảo 高駢遺稿 (A.2898), Hồng vũ địa cảo 洪武地稿 (VHv.1594), Vấn đáp sơn thủy phụ An Nam cửu long ca 問答山水附安 南九龍經歌 (A.1826), Địa lý di cảo 地理遺稿 (A.536), Địa lý tiện lãm 地理便覽 (A.605). Trên thực tế, theo chúng tôi con đường du nhập của Kham dư vào nước ta không chỉ dừng lại ở một lần du nhập, mà trải suốt quá trình lịch sử của đất nước thời trung đại. Kham dư luôn luôn du nhập bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Hành 10
  17. trang của các quan lại đô hộ; người Việt Nam trực tiếp sang Trung Quốc học Kham dư; sự tao loạn trong các cuộc nội chiến ở Trung Quốc đã khiến một số dòng họ di cư chạy sang Việt Nam lánh nạn trong đó có những dòng họ chính tông môn phái về Phong thuỷ học, Khí công học, Võ công và Tử vi học, v.v… hoặc cũng có thể một phần do các nhà sư (cả Ấn Độ và Trung Quốc) khi sang thuyết giảng và truyền bá đạo Phật cũng truyền bá luôn thuật Phong thuỷ cho người bản địa. 1.2.2. Tình hình phát triển của Kham dư ở Việt Nam Về tình hình phát triển của Kham dư ở Việt Nam, sách Trùng đính thiên Nam danh địa 重訂天南名地 (ký hiệu VHv.1927), [t.35a] viết: “Nước ta từ khi trời mở ra “trời Nam” trở lại đây, thì địa dư và hình thế đã có sử sách ghi chép vào thời Đường Hiến Tông (806 - 821) vào năm Hàm Thông có sai quan Thượng thư Bộ Công là Cao Biền 高駢 làm chức An Nam Đô hộ tổng quản, Kinh lược chiêu thảo sứ viết ra sách 4 An Nam cửu long kinh 安南九龍經 và sách Vịnh cảo tập 詠稿集” . Đến thời nhà Đinh (968 - 980), tình hình Kham dư đã phát triển. Vua Đinh Tiên Hoàng (968 - 979) đã sai quan An phủ sứ Kiêm Đông Đô viện là Trần Quốc Kiệt 陳國傑 biên soạn sách Thiên Nam hình thắng ca 天南形勝歌 và giao cho ông chú giải sách cũ của Cao Biền. Sang đến thời kỳ nhà Lý (1010 - 1125): Từ năm 1010 đã lấy Thăng Long làm kinh đô, mà ngay vùng đất Thăng Long cũng đã nằm trong thuyết tầm long của Kham dư. Vì thế, môn địa lý Kham dư càng được dân chúng tin cậy, các sách vở về địa lý Kham dư được du nhập từ triều Tống sang nước ta cùng với những tác phẩm ở trong nước như Dã đàm 野談 của Mâu Du Đô, tạo ra các thầy xem địa lý Kham dư hoạt động thời kỳ này. Vua Lý Công Uẩn có bài Thiên đô chiếu 遷都 詔 thể hiện rất rõ về Kham dư như sau: “… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội 4 我國自天南開闢以來其形勝地輿於唐憲辰咸通間命工部尚書高駢為安都護總管經略招討使 作安南九龍經及詠稿集. 11
  18. quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”5 [145, tr.229]. Thời kỳ nhà Trần (1225 - 1400): Tiếp nối từ thời Lý, học thuật Đông phương vẫn không ngừng phát triển, tinh thần tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo) tạo nên tư tưởng luân hồi trong số mệnh, người chết có 3 hồn (Thai quang 胎光, Sảng linh 爽灵, U tinh 幽情), người sống có 7 vía đối với nam, 9 vía đối với nữ (Thi Cẩu 尸苟, Phục Thỉ 伏矢, Tước Âm 雀陰, Thôn Tặc 吞賊, Phi Độc 非毒, Trừ Uế 除穢, và Xú Phế 臭肺; nữ thêm bộ phận sinh đẻ và lưỡng nhũ 兩乳). Người có công trạng được hiển thánh, người lương thiện được phong thần, kẻ ác được gọi là ma quỷ. Để được hiển vinh như các danh nhân, danh tướng, người người đi tầm long trong các khu đất, để mong về sau các con cháu mình được hưởng vinh hoa phú quý. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm Mậu Thân, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 17 (1248), tháng 6, sai các nhà Kham dư đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe ở kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết” [32, tr.169]. Thời kỳ này, một trong những nhà Kham dư nổi tiếng phải kể đến Chu Văn An, với tác phẩm Thanh trì Quang Liệt Chu thị di thư (chúng tôi đã mô tả ở sau). Thời kỳ nhà Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng và Tây Sơn (thế kỷ XV - XVIII): Nho giáo ảnh hưởng hết sức rộng lớn, có phần lấn át cả Phật giáo và Lão giáo. Tinh thần Nho giáo thời phong kiến phân biệt người trong xã hội làm 2 thành phần là Quân tử và Tiểu nhân (người quân tử lấy tam cương, ngũ thường làm gốc, còn kẻ tiểu nhân thì không thể). Trong địa lý Phong thủy, xem quan niệm trên là cứu cánh, nên có lý luận trong mỗi gia đình phải có trên có dưới, có đạo đức mới trọn đạo thánh hiền, khi sống như khi chết, người gieo hạt nào sẽ nhận quả đó. Họ cho rằng khi xương cốt tổ tiên, ông bà, cha mẹ chưa thành đất thì vong hồn luôn trở về an vị trên bàn thờ và ở trong gia đình với con cháu, phù hộ độ trì cho con cháu mình; sau nữa được đất kết, con cháu nhờ ngôi đất đó mà hưng phát, trở 5 … 况高王故都大羅城宅天地區域之中得龍蟠虎踞之勢正南北東西之位便江山向背 之宜其地廣而坦平厥土高而爽塏民居蔑昏墊之困萬物極繁阜之丰遍覽越邦斯為勝地誠四方 輻輳之要會為萬世帝王之上都… 12
  19. thành người trâm anh thế phiệt. Bởi vậy, việc xem đất xây dựng hay nơi an táng là do mọi người đi tìm sự đổi đời ấy. Họ tin khoa Kham dư sẽ giúp cho họ một cuộc cải tạo gia phong, thay đổi từ hèn kém ra sang trọng, từ vô học sẽ được học rộng, tài cao. Thời kỳ này, kẻ sĩ gọi thuật Kham dư là nghề chân chính, nghề của kẻ sĩ. Sách Đại Nam thực lục (tập 1) ghi: “Tân sửu, năm thứ 44 [1601], mùa hạ, tháng 6 đặt kho thóc Thuận Hóa. Bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà) giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng, tục truyền rằng: Xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng : “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”. Nói xong bà già biến mất. Bấy giờ nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ” [126, tr.240]. Còn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chép: “Cổ Bi là một địa điểm nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc, tiếp giáp với xã Như Kinh, mà Như Kinh là quê hương Trương Thái phi, mẹ đẻ Trịnh Cương, nên Cương thường tuần du đến xã ấy. Vì mê hoặc về thuyết phong thủy, Cương muốn dời phủ đệ đến ở đất này, bầy tôi hắn lại nhiều người a dua phụ họa. Hắn bèn sai xây dựng phủ đệ mới, công việc làm một tháng đã hoàn thành, đặt tên là phủ Kim Thành” [75, tr.806]. Thời kỳ này xuất hiện nhiều nhà Kham dư, như: Chu Văn An, Nguyễn Đức Huyên, Lê Hoàng, v.v...(xin xem chi tiết ở Chương 3). Thời kỳ nhà Nguyễn (1802 - 1945): Thời kỳ này môn Kham dư tiếp tục phát triển rầm rộ. Ngay chúa Nguyễn Hoàng đã bày tỏ trong bài tựa của tập Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập 御題名勝圖繪詩集 rằng: “Cổ giả trị thiên hạ, ngước xem thiên văn, cúi xét địa lý, xem vẻ của chim muông và thổ ngơi của đất, gần lấy thí dụ ở mình, xa lấy thí dụ ở mọi vật, nét phấn rải rác làm trăm dòng sông, nét xanh tụ lại thành các ngọn núi; nguyên khí chia ra, thành ở chỗ gò bút; đó là cái nghĩa đồ họa. Lớn thay! Thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta: Chịu mệnh trời cho, gây dựng nên nước nhà, đất Thuận Hóa mở nền, kinh Phú Xuân định nghiệp. Các bậc thánh nối dõi, lo nghĩ không lúc nào ngơi, nhân sâu ơn hậu, nhuần thấm mãi mãi, 13
  20. sáng tỏ luôn luôn” [75, tr.430]. Sách Đại Nam thực lục cũng ghi: “Sai Lang trung Cao Hữu Sung đem 2 người thợ vẽ giám thành cùng với Linh đài lang Mã Trinh đến Quảng Nam hội khám đường sông tỉnh thành ấy. Trước đấy Phạm Phú Thứ nói: Hạt ấy đặt tỉnh thành, đào sông Vĩnh Điện không hợp phong thủy, dân vật kém yên. Sơn phòng sứ Quảng Nam Nguyễn Tạo dâng sớ xin dời đặt tỉnh thành ở địa phận Quế Sơn hoặc Duy Xuyên. Lại xin lấp sông Vĩnh Điện, khai sông Ái Nghĩa. Đến nay sai Hữu Sung đến cùng với quan tỉnh là Trần Văn Thiều hội khám. Rồi bọn Thiều, Sung làm tập tâu: Tỉnh thành ấy thấp ẩm, không hợp phong thủy, Mỹ Khê (thuộc Duy Xuyên) cao ráo, hình thế trung chính, đường sá đều phẳng, dời đến đấy xem ra tiện hơn. [125, tr.83]. Từ thế kỷ XX đến nay, nền văn minh Tây phương xâm nhập vào nước ta, lối sống Nho giáo giảm dần, nhưng bộ môn Kham dư vẫn rất phổ biến rộng rãi vừa có tính nghệ thuật lại vừa có tính khoa học trong lĩnh vực kiến trúc. Những nhà kiến trúc đã ứng dụng phong thủy trong các công trình xây dựng hiện đại và đã đứng bên cạnh ngành Kham dư để lý giải nhiều vấn đề hòa hợp giữa thiên nhiên vào không gian sống của con người. 1.3. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Kham dư là bộ môn khoa học về môi trường sống, có nguồn gốc từ Trung Quốc; nhưng không chỉ ở Trung Quốc, mà ở một số nước trên thế giới, như: Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, v.v... cũng đã nghiên cứu về bộ môn này. Bởi vậy, lượng ấn phẩm của các nhà nghiên cứu đi trước là rất lớn, cho nên trong khuôn khổ luận án này chỉ xin tóm tắt, giới thiệu một số ấn phẩm của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Việt Nam có tính tiêu biểu. 1.3.1. Tình hình nghiên cứu Kham dư ở Trung Quốc Trung Quốc thời nào cũng có nhiều nhà nghiên cứu để lại những tác phẩm nổi tiếng, như thời Tống có Lại Văn Tuấn 賴文俊 với tác phẩm Thôi quan thiên 催官 篇, thời Minh có Từ Bột 徐勃 với tác phẩm Kham dư biện hoặc 堪輿辨惑, thời Thanh có Ngô Nguyên Âm 吳元音 với tác phẩm Táng kinh chú 葬經注, v.v… Sau này, việc nghiên cứu Kham dư càng nở rộ, như: Năm 1923, Đàm Dưỡng Ngô 談養吾 giới thiệu với độc giả cuốn Đại tam nguyên huyền không 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2