Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm thơ Yến Lan
lượt xem 9
download
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm thơ Yến Lan gồm có 3 chương bao gồm những nội dung về bước đường sáng tạo nghệ thuật của Yến Lan; hình tượng nghệ thuật trong thơ Yến Lan; các phương thức biểu hiện trong thơ Yến Lan. Mời các bạn tham khảo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm thơ Yến Lan
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ___________________ Lê Thị Thể ĐẶC ĐIỂM THƠ YẾN LAN Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. PHÙNG QUÝ NHÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
- MỞ ĐẦU 1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài 1.1. …. Mà ông lão say trăng đầu gối sách Để thuyền hồn bơi khỏi Bến My Lăng Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách Gọi đò - thôi, run rẩy cả ngành trăng… … Bến My Lăng ấy ở đâu? Câu hỏi ấy đã vang lên trong tâm trí của biết bao người khi tiếp xúc với thi phẩm ấy. Tiếng gọi đò ngày ấy, chỉ tiếng "gọi đò - thôi" mà "run rẩy cả ngành trăng" dội vào tâm trí tuổi thơ, đi suốt cả cuộc đời của thi sĩ như một nối niềm khắc khoải, đớn đau, oán trách và cũng tiếng gọi đò ấy thôi neo lòng người lại với Bến My Lăng. Những ai yêu thơ, đã một lần lướt qua khu vườn Thơ mới ngày ấy dường như đã để lòng mình lại, vương vấn Bến My Lăng, để tiếng gọi đò khắc khoải ấy dẫn mình đến với chàng thi sĩ tài hoa xứ Đồ Bàn cũ, đến với Yến Lan. Có cái gì đó như thật bất công, khi mà nếu hỏi Yến Lan là ai thì chắc câu trả lời không sẵn có, nhưng nếu bảo rằng đó là tác giả Bến My Lăng thì họ liền "À…" thích thú. Phải chăng đó là sự bất công hay nói như Chế Lan Viên "Có nhiều lí do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng" [110, tr.10] thế nên thi sĩ ấy như một kiếp tằm, rút ruột nhả cho đời những sợi tơ óng ánh để rồi mình lặng im hóa kiếp chẳng ai hay, chỉ biết rằng mình hoàn thành nhiệm vụ "trả nợ dâu" và thanh thản! Yến Lan là thế chăng? Mà suốt gần trọn một thế kỷ dâng hiến cho đời biết bao khúc nhạc lòng mà người đời dường như cố tình hờ hững. Điều đó cho thấy trong suốt một thời gian dài, tên tuổi và sự nghiệp thơ văn của Yến Lan dường như bị lãng quên. Cho đến những năm gần đây tác phẩm của ông - sau khi vượt qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian - đã được tuyển chọn, in trong hàng loạt các tuyển tập những bài thơ hay, những câu thơ tài hoa
- Việt Nam, những bài thơ tiêu biểu của thơ ca - đặc biệt là Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945. Không chỉ có vậy, sự ghi nhận về thành quả hoạt động nghệ thuật của Yến Lan còn ở giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn của hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định 1997 cho tập thơ Cầm chân hoa; giải thưởng cấp nhà nước năm 2007 cho các tập thơ từ sau 1945: Nhữmg ngọn đèn, Tôi đến tôi yêu, Lẵng hoa hồng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và xuất bản thơ Yến Lan vẫn còn quá ít ỏi chưa xứng với những đóng góp của ông cho thi ca dân tộc. Bởi vậy, nghiên cứu thơ ca Yến Lan để góp phần xác định vị trí vốn có và những đóng góp của ông trong nền thi ca nước nhà là việc làm cần thiết. 1.2. Nghiên cứu một tác gia văn học không chỉ dừng lại ở việc xác định vị trí cá nhân của tác gia ấy. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều thuộc về một giai đoạn lịch sử nhất định. Bởi vậy nghiên cứu tác gia văn học còn có ý nghĩa không nhỏ về mặt lịch sử văn học. Khám phá về đặc điểm thơ Yến Lan vì thế góp phần giúp cho việc hình dung diện mạo thơ Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc, qua những biến cố lịch sử cũng là một việc làm cần thiết và quan trọng. 1.3.Qua đề tài này, chúng tôi mong muốn sẽ tích lũy được nhiều hơn tri thức khoa học và phương pháp nghiên cứu để phục vụ cho quá trình nghiên cứu và giảng dạy thơ ca sau này. 2 . Lịch sử vấn đề Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh năm 1916, mất năm 1998, quê quán xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cuộc đời trải dài gần suốt thế kỷ XX, qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc. Đời thơ của Yến Lan bắt đầu từ rất sớm, 16, 17 tuổi Yến Lan đã nổi tiếng với bài thơ Bến My Lăng và chỉ chịu dừng lại trước khi ông về cõi vĩnh hằng độ mươi ngày. Trải qua những lúc hưng thịnh khác nhau nhưng nhắc đến Yến Lan là người ta nhắc ngay đến Bến My Lăng ngày trước cũng như những thi phẩm - tình cảm máu thịt của ông đối với quê hương Bình Định và đồng thời người đọc cũng không quên được những dòng tứ tuyệt tuyệt vời mà ông đã
- say đắm gửi trao cho tới ngày nhắm mắt. Tuy nhiên, như trên đã nói, Yến Lan là một tác giả văn học ít được nghiên cứu. Những ý kiến, nhận định về thơ Yến Lan thường rải rác tản mạn. Chúng tôi xin điểm lại những nhận định cơ bản về thơ Yến Lan qua những giai đoạn sau: 2.1. Những ý kiến nhận định trước 1945 2.1.1 Chế Lan Viên, Bến My Lăng, tập thơ đầu của Yến Lan, đăng trên tiểu thuyết thứ Năm ngày 11/ 5/1939. Nhận định về sự xuất hiện của Yến Lan trên thi đàn qua tập Bến My Lăng, Chế viết : "Hình như mặt trời sắp mọc - không, hình dung như mặt trăng thì đúng hơn".[11,tr.11] Viết về thơ Yến Lan , Chế giới thiệu "đây là sự thực thu nhỏ lại , vô cùng nhỏ lại, cho đến lúc người ta có thể lẫn nó với mơ màng …cũng ở đây, người ta thấy sự giản dị của những câu ca dao, vẻ hiền hòa của bao nhiêu khúc hát cổ , một cái gì thân mật, tuy rằng mới lạ với chúng ta , như mặt trăng có tự muôn đời, hôm nay vẫn còn gây thơ mộng"[11, tr.11].Yến Lan đã nói rằng thực sự thì tập thơ chưa xuất bản, nhiều nhà in sau khi đọc bài giới thiệu của Chế Lan Viên thì có liên lạc với Yến Lan để in tập thơ, nhưng Yến Lan chưa ưng ý lắm, muốn sửa chữa và hoàn chỉnh hơn, thế rồi chưa kịp xuất bản thì tập thơ thất lạc. Nó chỉ còn lại là những bài được đăng trên Tiểu thuyết thứ Năm mà thôi. 2.1.2 Hoài Thanh, 1942, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, thì nhận định về thơ Yến Lan Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng lâu dần cơ hồ như ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông, và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định [90, tr171] Dường như tác giả Thi nhân Việt Nam không mấy mặn mà lắm với Yến Lan, tuy nhiên trong nhận định của mình ông cũng nhận thấy một nét đặc trưng của thơ Yến
- Lan mà cho đến tận bây giờ người đọc cũng vẫn bị cuốn hút: "cái không khí lạ lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích". [90, tr171] 2.2 Những ý kiến nhận định từ 1945 cho đến trước 1975 2.2.1. Văn Cao, lời giới thiệu tập thơ “Những ngọn đèn”, NXB Hội nhà văn 1957. Thơ Yến Lan càng ngày càng muốn đi gần lại cuộc sống hiện đại: một người đi từ vùng thủ công nghiệp đến một thành phố kỹ nghệ. Từ một người hiền lành, bình dị, Yến Lan đang trở thành một người muốn thúc đẩy một sức gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta.[10,tr6] Văn Cao đã nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ của Yến Lan với sự vận động đổi thay của đời sống văn học nước nhà, trong khi những nhà thơ khác chỉ còn là "sáng ánh lân tinh". Và chính sự nhạy bén đổi thay trước thời cuộc đó mà thơ Yến Lan "còn có thể làm bạn đường với nhiều lứa tuổi khác".[10,tr.6]. Và trong cái đổi thay đó Văn Cao đã nhấn mạnh về tính chiến đấu trong thơ Yến Lan: "Thơ anh bắt đầu biết đề cao những hành động, tình cảm của con người anh yêu lên để đả phá những bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội".[10,tr8] Do hoàn cảnh lịch sử của một thời mà những lời giới thiệu đầy trang trọng của Văn Cao với tập thơ ấy cũng đã tạo thành một trong những đề tài bị phê phán, bị lên án, và rồi những con người thời ấy cũng gặp không ít lận đận với cái án văn chương. 2.3. Những ý kiến nhận định về thơ Yến Lan sau 1975 2.3.1 Chế Lan Viên, lời giới thiệu “Thơ Yến Lan”, NXB Văn học 1987 Những vần thơ, những ngôn từ mà Yến Lan đã sử dụng từ những ngày đầu được Chế giới thiệu như là một tài năng hiếm gặp trong những ngày đầu Thơ mới Hiện đại mà Việt Nam, mà dân tộc. Một nhà thơ có tài là có thể sử dụng thập bát ban võ nghệ, là như cây xương rồng có hai cực đối lập, gai rất là gai mà hoa lại hoa rất dịu dàng. Lan không phải chỉ có loại thơ điêu khắc kỳ khu vào đá ấy, mà lại có loại nước chảy đưa ru như nhạc.[110,tr.7]
- Bước đường sáng tạo của Yến Lan trong những ngày đầu gặp cách mạng, bén duyên với thơ ca cách mạng Chế viết: Có những người cách mạng đến thì viết hay ra, có người viết chỉ dài ra, âm vang ngắn lại. Có người thì tắt nghỉm…. Lan là người sau cách mạng, nhờ cách mạng đã viết không những khác đi mà lại hay hơn.[110,tr.8] Bên cạnh đó những hạn chế, lệch lạc trong thơ Yến Lan của giai đoạn chuyển đổi ấy cũng được Chế đề cập một cách khách quan: "Có điều, ai ỷ vào sở trường của mình, thì có lúc cái ấy thành sở đoản. Đôi phen, Yến Lan chạy theo con mắt, chạy theo cảnh, theo ngoại hình, mà câu thơ nặng cảnh nhẹ tình, nặng hình thức mà rung động nhẹ".[110,tr.9] Tuy nhiên cũng như bao nhiêu nhà nghiên cứu khác Chế không thể không nhận thấy một nét đặc biệt thành công của bạn mình đó chính là thơ tứ tuyệt, cho dù cả hai người cùng học thể thơ ấy từ Quách Tấn, nhưng Yến Lan vẫn có gì đó của riêng mình trong thể loại tưởng rằng đơn giản mà lại bác học này:"Yến Lan cũng là người viết tứ tuyệt thành công. Biết bao bài tứ tuyệt trên các báo hiện nay chỉ là thơ bốn câu, tứ tuyệt của Yến Lan có tình và có thế võ của tứ tuyệt". [110,tr.9] Chế nói rằng đường văn chương của bạn không may mắn như mình, nhưng Chế cũng khẳng định rằng Yến Lan cũng sẽ trở thành bất tử trên hải trình văn chương, như những tên tuổi khác cho dù họ chỉ đóng góp vào sự nghiệp ấy chỉ một vài sản phẩm mà thôi:"Có người chỉ bắt được một con cá thôi mà cũng thành bất tử".[110,tr.10] 2.3.2 Nguyễn Bao, Từ Bến My Lăng …, bài giới thiệu về Tuyển tập thơ Yến Lan , NXB Văn học 1996. Trước hết tác giả khẳng định về vị trí "khiêm nhường nhưng vững chắc" của Yến Lan trong Thơ mới và trong lòng bạn đọc đã được xác định từ những năm 1940 qua "Thi nhân Việt Nam". Tiếp đó tác giả viết về cái đã tạo nên giọng thơ rất Yến Lan
- Có lẽ sự am hiểu thơ Đường và thơ Pháp cộng với chất thơ cổ điển của cha ông từ bao thế kỷ đã góp phần cho nhà thơ trẻ ngày ấy tạo nên những khóm chữ giàu hình tượng và mới mẻ của thơ ca Việt Nam từ sáu mươi năm trước.[6,tr.11] Yến Lan mạnh trong tạo hình, bằng vài nét chấm phá nhà thơ đủ sức gợi lên cả một khung cảnh, một tình huống, một tâm trạng.[6,tr.12] 2.3.3 Thơ văn Bình Định thế kỷ XX. Nxb Văn học , 2003. Hội văn học nghệ thuật Bình Định giới thiệu về Yến Lan và những người bạn trong nhóm tứ linh bằng những lời lẽ trang trọng: Ký ức cũng nhắc nhở mọi người, nhất là những ai yêu thơ ca, rằng trên dải đất này, vào giữa thế kỷ trước, thế kỷ XX, đã là nơi hội tụ nhiều ngôi sao lớn của thơ ca dân tộc làm nên cả trường thơ Bình Định, như nhiều nhà nghiên cứu văn học đã viết, ghi lại một dấu ấn không phai mờ trong tiến trình phát triển Thơ mới , tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Đó là những tên tuổi Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn …[37,tr.5-6] 2.4. Bên trên là những ý kiến nhận định về thơ Yến Lan, về những tập thơ của riêng ông. Ngoài ra trong giai đoạn đổi mới sau này, qua một số tạp chí, một số tiểu luận, nghiên cứu của một số tác giả ta còn thấy nhiều bài viết đề cập về Yến Lan. Đó có thể là những bài viết về cuộc đời về con người ông như: Về An Nhơn với Yến Lan; Yến Lan những lời kể cuối cùng; Những chuyện tình chưa kể của nhà thơ Yến Lan; Yến Lan và bài thơ không cùng; Nhà thơ Yến Lan bây giờ sống ra sao; Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân….các tác giả đã khai thác về cuộc đời riêng, về chuyện tình, về bút danh Yến Lan, về bản tính hiền lành cần kiệm hay thậm chí về cuộc đời nghèo khổ của Yến Lan từ những ngày thơ ấu sống với dì ghẻ cho đến cuộc sống vất vả thời tem phiếu, đến tận khi tóc bạc răng long mà cuộc sống vẫn còn cơ cực. Những bài viết ấy giúp ta hiểu thêm về nghị lực của một con người, về phẩm chất tốt đẹp của nhà thơ trước những khó khăn vất vả của cuộc sống mà như một nhà thơ đã từng nói :
- Thói đời cơ cực đang giơ vuốt Cơm áo không đùa với khách thơ Tuy nhiên, bên cạnh những bài viết về cuộc đời riêng ấy, ta cũng bắt gặp không ít những ý kiến đây đó nhận xét về thơ Yến Lan: 2.4.1. Viết về đặc điểm thơ Yến Lan ta bắt gặp: Đinh Quốc Toàn, Yến Lan thi sĩ của miền quê trăng thơ, Bình Định 10/4/ 92 Nguyễn Thanh Mừng - Bóng tà dương của một đời thơ; 50 năm nhà xuất bản văn học - NXB Văn học 1998. Hoài Anh, Yến Lan, ông lái đó trên Bến My Lăng giao cảm, Văn số 97/ 1999. Ngô Văn Phú, Yến Lan, hồn thơ Việt - Văn chương và người thưởng thức. NXb Hội nhà văn H. 2000 Anh Chi, Yến Lan tiền chiến và lận đận Bến My Lăng, Thơ, phụ bản báo văn nghệ quý II/2003. Võ Văn Trực, Từ bến My Lăng, - Gương mặt những nhà thơ, NXB Thanh Hóa, 2004. Thanh Thảo, 2004, Người cuối cùng của "trường thơ Bình Định" đã ra đi, Mãi mãi là bí mật - phê bình và tiểu luận. Qua các bài viết ấy, các tác giả, các nhà nghiên cứu đã khẳng định về những nét rất riêng của Yến Lan : Ông không lao vào ca tụng tình ái, khao khát yêu đương như những nhà thơ mới cùng thời mà đi vào chính hiện thực cuộc sống, cuộc sống của chính mình và " cảnh sắc phong vị miền Trung" nhuần nhuyễn đến tự nhiên, để từ đó tạo ra những nét " gần gũi", " đồng cảm", "trầm lặng, tinh nhã", "thanh sáng, tinh túy và cao thượng" qua từng câu thơ, bài thơ.… Đặc biệt cái không khí trong thơ Yến Lan mà như Hoài Thanh đã nhận xét gần nửa thế kỷ trước, nay lại được bạn đọc một lần nữa làm sống dậy: " hư hư, thực thực", " bàng bạc, khắc khoải và ẩn chứa". Các tác giả cũng ngợi ca sự khổ luyện trong lao động nghệ thuật mà Yến Lan đã khắc được những
- "dấu ấn sâu sắc, khó phai" trong lòng người đọc. Hay thậm chí tác giả Hoài Anh đã say mê ví thơ Yến Lan như "vị thuốc ngâm rượu bổ đặc sánh và có hậu, người uống vào khiến tình cảm khỏe ra, nhưng vẫn vương chút chạnh trong tâm hồn". 2.4.2. Viết về hình tượng trong thơ Yến Lan ta thấy các bài viết sau: Mang Viên Long, 74 tuổi, nhà thơ Yến Lan - vẫn chờ xuân đến, báo Bình Định 1990. Ngô Văn Phú, Yến Lan, hồn thơ Việt - Văn chương và người thưởng thức. NXb Hội nhà văn H. 2000 Mang Viên Long, Tình hoa trong thơ Yến Lan, Bình Định nguyệt san Mang Viên Long, Bình Định qua ba bài thơ của Yến Lan, Bình Định nguyệt san. Thanh Huyền (2002), Yến Lan bến sông và phố huyện, Văn hiến số 81. Nguyễn Thanh Mừng, Năm tháng còn trên mấy đốt tay, Bình Định nguyệt san. Đặng Tấn Tới, Về lại Bến My Lăng, Bình Định nguyệt san. Trước hết về hình tượng thiên nhiên. Với Yến Lan thì thiên nhiên với ông là người bạn, nên ông đến với nó "bằng tấm lòng trân trọng, chí thành và hồn nhiên". Qua hoa, lá mà Yến Lan " vẽ được khung cảnh" chất chứa tâm sự. Còn trăng nó là "một lực hấp dẫn" không chỉ với riêng ông mà còn với các thi sĩ khác của xứ Đồ Bàn. Trăng trong thơ ông "vừa lay động, vừa an tĩnh trong từng hơi thở", ông yêu trăng đến thành "bệnh", " đờ đẫn đến quên hết mọi sự". Quê hương Bình Định cũng là một hình tượng nghệ thuật đặc biệt trong thơ ông. Ông "khắc khoải với quê hương" và viết về nó "sâu đậm và tạo ấn tượng lâu dài trong lòng người đọc". 2.4.3 Ngoài ra thơ tứ tuyệt của Yến Lan cũng gợi nhiều cảm hứng trong các bài viết 2.4.3.1. Chế Lan Viên, lời giới thiệu Thơ Yến Lan, NXB Văn học 1987 Yến Lan cũng là người viết tứ tuyệt thành công. Biết bao bài tứ tuyệt trên các báo hiện nay chỉ là thơ bốn câu, tứ tuyệt của Yến Lan có tình và có thế võ của tứ tuyệt.
- 2.4.3.2. Nguyễn Bao, từ Bến My Lăng …, báo văn nghệ 1996 Chính bởi có tài khắc họa và điêu luyện trong chọn chữ , sắp xếp câu nên Yến Lan đã nổi tiếng trong làng thơ hiện đại của chúng ta về tứ tuyệt 2.4.3.3. Từ Quốc Hoài, Yến Lan cốt cách một đời thơ, Bình Định xuân Kỷ Mão 99 Thơ tứ tuyệt Yến Lan, những tác phẩm nghệ thuật được ông tinh lọc từ bao cảnh đời, tình đời, giống như những bức tượng, những phù điêu được chạm khắc tinh xảo, đặt bên cạnh ngọn cổ tháp - Bình Định 1935 - tạo nên một " bảo tàng văn hóa" mang phong cách rất riêng của Yến Lan. Thơ tứ tuyệt Yến Lan mang đậm phong vị Đường thi, song vẫn phảng phất cái không khí mơ hồ bảng lảng hư hư thực thực của những bài kệ của các bậc thiền sư. 2.4.3.4. Mang Viên Long, Những bài thơ sau cùng của Yến Lan, Bình Định nguyệt san số 10/ 2002 Thơ tứ tuyệt là loại thơ sở trường của ông, Yến Lan đã rất thành công khi sáng tác thể thơ này. Lời, ý trong thơ tứ tuyệt của ông được chắt lọc, được dồn nén, tích lũy để bùng vỡ thành tiếng thơ - dịu dàng, mà sâu sắc, luôn thấm sâu vào hồn người đọc. 2.4.3.5. Đặng Tấn Tới, Về lại Bến My Lăng, Bình Định nguyệt san Bên cạnh tứ tuyệt sâu lắng, nghiêm cẩn, chặt chẽ thi pháp Tống Đường của Quách Tấn, tứ tuyệt có nét độc đáo bất ngờ của Chế Lan Viên, tứ tuyệt Yến Lan tinh tế, tài hoa. Như giọt sương tròn vẹn long lanh chứa cả đại ngàn và biển cả, tứ tuyệt - Yến Lan - luôn được những đợt sóng thơ bất tận dồn nén, đưa về vô hạn 2.4.4. Từ điển văn học (Bộ mới), 2004, NXB Thế giới mới. Nguyễn Văn Long giới thiệu về Yến Lan: "Thơ Yến Lan có cốt cách khỏe, hình ảnh và ngôn ngữ sắc nét, giọng điệu phóng khoáng".[32,tr. 2116]
- 2.4.5. Năm 2005, Trần Tiến Thành bảo vệ luận văn cao học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài " Thế giới nghệ thuật thơ Yến Lan". Trong luận văn này tác giả đã tìm hiểu những chi tiết về cuộc đời ảnh hưởng đến thơ Yến Lan. Về thơ Yến Lan, tác giả luận văn đã khai thác ở phương diện cảm hứng trong sáng tác, đi vào ngôn ngữ thơ và giọng điệu thơ Yến Lan. Tác giả luận văn đã lập những bảng đối chiếu, so sánh về các thể thơ mà Yến Lan đã sử dụng qua từng giai đoạn và những đặc điểm về lời thơ, câu thơ, giọng điệu riêng của Yến Lan để từ đó kết luận: "Kế thừa và dung hòa truyền thống, thơ Yến Lan vừa có sức vang vọng của thanh âm nguồn cội, vừa có hơi thở thời đại nuôi sống hồn thơ. Phong cách nghệ thuật thơ Yến Lan phát triển đa dạng, phong phú ở nhiều thể loại, ở những giai đoạn khác nhau nhưng lại thống nhất trong cội nguồn gốc rễ. Với giọng thơ hiền hòa, nhỏ nhẹ mà lay động, xoáy sâu trong dư ba vang vọng, Yến Lan đã mở ra cho đời và cho thơ một lối đi giữa lòng cuộc đời." [91,tr113]. Có thể nói rằng đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu của tác giả, đã góp phần vào nhìn nhận và đưa thơ Yến Lan đến gần người đọc hơn, là một tài liệu tham khảo đáng quý cho những ai quan tâm đến thơ ca nói chung và thơ Yến Lan nói riêng. Tuy nhiên, luận văn vẫn chưa có một sự đối sánh để đánh giá cho đúng, cho xứng tầm những đóng góp của Yến Lan cho thơ ca nước nhà trong từng giai đoạn. Do đó thơ Yến Lan dường như vẫn còn lẩn khuất. Nhận xét chung về tình hình nghiên cứu thơ ca Yến Lan: - Việc tìm hiểu về thơ ca Yến Lan, ngoài lời bạt cho ba tập thơ của Yến Lan thì còn lại hầu hết đều tản mạn ở các báo - đa phần là chuyên san của địa phương Bình Định hoặc An Nhơn - chỉ là những bài nhận xét về một hoặc vài bài thơ của ông mà người đọc tâm đắc. - Các nghiên cứu đều thống nhất ở một số điểm sau: về phương diện nội dung, thơ Yến Lan chan chứa tình cảm với con người, với quê hương đặc biệt là Bình Định -
- thị trấn Bình Định - quê hương ông; về nghệ thuật, phần thành công nhất của ông chính là sử dụng thể thơ tứ tuyệt một cách nhuần nhuyễn, ngôn ngữ thơ từ chỗ mơ hồ đã gần gũi, đời thường và nồng thắm. Vấn đề còn tồn tại: - Cuộc đời thơ của Yến Lan trải dài theo hoàn cảnh lịch sử của đất nước: Từ những ngày đầu của phong trào Thơ mới - với Bàn thành tứ hữu tại Bình Định, rồi khi ông tập kết ra Bắc, những ngày kháng chiến và sau khi đất nước thống nhất giai đoạn nào Yến Lan cũng sáng tác thơ không nhiều thì ít. Các sáng tác ấy đều có sự vận động biến đổi theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, thế nhưng các bài viết các công trình nghiên cứu hầu như còn thiếu một chút sự chuyên sâu để nghiên cứu những bước vận động biến đổi của nghệ thuật thơ Yến Lan qua từng giai đoạn. - Nghiên cứu thơ ca Yến Lan tất nhiên còn nhiều vấn đề cần được đi sâu khai thác những khía cạnh tiêu biểu, nổi bật tạo nên một vị thế đúng và xứng đáng với những đóng góp của ông cho thơ Việt Nam nói chung; việc tiếp cận cũng cần được tiến hành từ nhiều hướng phong phú hơn. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu và đóng góp mới của luận văn 3.1. Nhiệm vụ nghiên cứu Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu văn bản thơ có kết hợp với các yếu tố thời đại, hoàn cảnh cá nhân của nhà thơ, luận văn nhằm khám phá thêm về đặc điểm thơ của Yến Lan qua từng giai đoạn lịch sử. 3.1.1. Thế giới nghệ thuật thơ trữ tình là một thể thống nhất bao hàm các thành tố cấu trúc và quy luật riêng, thể hiện quá trình cái tôi của nhà thơ nội cảm hóa thế giới khách quan bằng tưởng tượng của mình. Một mặt, thế giới nghệ thuật ấy gắn liền với kinh nghiệm cá nhân, với phong cách sáng tác chủ quan của nhà thơ, mặt khác, nó phản ánh trình độ nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử, một thời đại nhất định. Bởi vậy luận văn khám phá đặc điểm thơ Yến Lan vừa như một sản phẩm sáng tạo độc đáo của
- cá nhân, vừa như là một tiêu biểu cho khuynh hướng chuyển đổi trong sáng tác của văn nghệ sĩ theo hoàn cảnh lịch sử của đất nước. 3.1.2. Tìm hiểu về đặc điểm thơ Yến Lan, luận văn đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu về thế giới hình tượng trong thơ Yến Lan qua từng giai đoạn, có sự so sánh với các thi sĩ tương ứng cùng thời. 3.1.3. Các đặc điểm thơ nói trên tất yếu phải được thể hiện ra bằng văn bản ngôn từ. Bởi thế, một nhiệm vụ quan trọng nữa được đặt ra cho luận văn đó là: Nghiên cứu những phương thức, phương tiện biểu hiện trong thơ Yến Lan qua từng giai đoạn. Trên cơ sở đó luận văn phân tích mối tương quan biện chứng giữa nội dung và hình thức trong sáng tác thơ của ông. 3.2. Đóng góp mới của luận văn Thực hiện được các nhiệm vụ trên, luận văn sẽ làm nổi bật được những đặc trưng tiêu biểu của thơ Yến Lan trong cái nhìn chỉnh thể. Kết quả của luận văn nhằm thể hiện được những đóng góp của Yến Lan cho Thơ mới nói riêng và cho thơ ca Việt Nam nói chung. Từ đó, luận văn mong góp phần nhìn nhận quá trình vận động của thơ ca dân tộc từ góc độ văn hóa nghệ thuật. Người viết cũng mong rằng kết quả của luận văn sẽ đóng góp một phần phục vụ cho công việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập thơ nói chung trong nhà trường hiện nay. 4. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu 4.1. Phạm vi nghiên cứu Trên cơ sở nguồn tư liệu có được, luận văn tập trung nghiên cứu đặc điểm thơ Yến Lan và một số phương thức biểu hiện đặc sắc của của nó dưới cái nhìn tổng thể. Còn những khía cạnh khác xin dành cho những công trình nghiên cứu khác. Luận văn tập trung khảo sát thơ được in trong 10 tập thơ của Yến Lan đã được xuất bản và một số tác phẩm thơ sưu tầm được trên các báo trước 1945 do gia đình nhà
- thơ Yến Lan và bạn bè thân hữu của ông còn lưu giữ được. Phần văn xuôi, chỉ khi thật cần thiết luận văn mới liên hệ phần nào để có cái nhìn toàn diện, bao quát hơn. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Giải quyết đề tài này, chúng tôi vận dụng các phương pháp chủ yếu sau đây: 4.2.1. Phương pháp cấu trúc - hệ thống Quan niệm thơ Yến Lan là một chỉnh thể, luận văn chú ý tìm ra những thành tựu tạo nên chỉnh thể này và quy luật cấu trúc của nó. Mọi đối tượng và vấn đề khảo sát của luận văn được đặt ra trong tương quan hệ thống và trong quy luật của cấu trúc này. 4.2.2. Phương pháp phân loại, thống kê Với từng thành tố của chỉnh thể cũng như các yếu tố thuộc phương thức, phương tiện biểu hiện nghệ thuật ấy, khi cần thiết luận văn sẽ thực hiện phân loại và thống kê qua các con số cụ thể. 4.2.3. Phương pháp so sánh đối chiếu Để khẳng định những nét tiêu biểu cũng như những nét riêng thuộc phong cách của Yến Lan (trong phạm vi giới hạn của đề tài), luận văn đặt tác giả và tác phẩm trong mối tương qua so sánh với các tác giả, tác phẩm khác qua từng giai đoạn cụ thể. 4.2.4. Theo hướng điều tra xã hội học. Để có được những tư liệu đầy đủ và chuẩn xác hơn, chúng tôi đã thực hiện việc đi thực tế để sưu tập, chụp hình, trò chuyện và ghi âm những gì có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của nhà thơ. Khi cần thiết chúng tôi sẽ có trích dẫn và phụ chú ở phần phụ lục. 5. Cấu trúc của luận văn Do đã có luận văn khai thác về cuộc đời của Yến Lan, do đó để phù hợp với logic nội tại của vấn đề đặt ra nghiên cứu, ngoài mở đầu và kết luận, luận văn được triển khai trong 3 chương và không có phần về tiểu sử, cuộc đời nói chung. Chương 1: Bước đường sáng tạo nghệ thuật của Yến Lan Chương 2: Hình tượng nghệ thuật trong thơ Yến Lan Chương 3: Các phương thức biểu hiện trong thơ Yến Lan
- Chương 1. BƯỚC ĐƯỜNG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT CỦA YẾN LAN Cuộc đời lao động nghệ thuật của mỗi nhà văn nhà thơ hầu như đều gắn liền với xã hội, với những biến động của thời cuộc mà mình trải qua. Nếu không bị động mà bị cuốn theo những biến động thì ít hay nhiều bối cảnh sống của xã hội cũng để lại những dấu ấn trong các tác phẩm của họ, Yến Lan cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc đời lao động nghệ thuật của ông trải dài gần ngót thế kỷ, đi qua những biến cố thăng trầm suốt mấy mươi năm của dân tộc, lần giở những trang thơ của ông ta như đang đọc những trang đời trước những biến thiên lịch sử của dân tộc. Những tác phẩm của ông gần như cầm tay nhau bước vào đời, nó phản ánh về cuộc sống xã hội, về cuộc đời về tâm tư tình cảm của ông, của con người nói chung, đó là thành quả lao động không mệt mỏi suốt cuộc đời ông. Đọc Yến Lan ta bắt gặp một sự vận động của cái tôi trữ tình tuy tích cực nhưng luôn ẩn chứa một sự trầm tư đến bình đạm trước cuộc sống mà nói như Nguyễn Thanh Mừng đó là sự: “trầm lặng và tinh nhã cả trong văn chương lẫn cuộc đời”. [65,tr. 442] 1.1. Trước cách mạng tháng Tám - với Bàn thành tứ hữu 1.1.1 Khi Yến Lan làm thơ, phong trào Thơ mới đã bắt đầu được vài năm. Công chúng yêu thơ đương vồ vập tiếp nhận “những bài thơ mô tả những sóng gió ái tình và khao khát yêu đương” [11,tr.11] bởi đây là đề tài phải kiêng dè, và bị cấm đoán suốt hàng ngàn năm, giờ đây Thơ Mới đang bứt tung mọi xiềng xích để mọi cung bậc của ái tình được đường hoàng lên tiếng, phơi mình ra trước nhân gian. Những vần thơ tình yêu cháy bỏng đang làm háo hức bao tâm hồn thanh niên ngày ấy, nó bộc lộ những gì mà họ không thể nói, không dám nói: Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối Đôi linh hồn chìm đắm bể u sầu. (Đêm tàn – Chế Lan Viên )
- Hay Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em… Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi! (Tương tư chiều – Xuân Diệu ) Vậy mà trong thơ Yến Lan, những vần thơ yêu đương đôi lứa lại rất ít. Phải chăng chàng không yêu? Hoàn toàn không phải vậy, bởi là con người nói chung và thi nhân nói riêng thì tình yêu đôi lứa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và đặc biệt là trong việc nuôi dưỡng nguồn cảm hứng cho thi nhân. Yến Lan cũng viết về thơ tình, nhưng ta bắt gặp một thứ tình cảm thật nhẹ nhàng Vì với tình tôi, phải nhẹ nhàng Phải là ý ngọc, phải tim vàng Phải là trọn vẹn, là trong sámg Là một bài thơ khắc chữ " chàng" (Đồng nội hồn tôi) Sự xa cách nhớ nhung ta hoàn toàn không thấy chàng rên rỉ hay gào thét cho tung hê trời đất, mà là sự lắng đọng trong tâm: Em đi, ngày tháng biệt mùi tăm Kén đã luân sinh mấy kiếp tằm Một mảnh hồn ta còn đọng mãi Trên vành nong úa sắc thời gian. (Mùa xuân này lạnh lắm em ơi) Tình yêu tan vỡ bởi sang hèn ngăn cách, ta đã bắt gặp nhiều những cung bậc về sự oán hận, căm ghét số phận, đớn đau vật vã đến đày đọa bản thân, làm hao tốn bao nhiêu giấy mực của các thi nhân, lấy bao nước mắt của đôc giả. Nhưng với Yến Lan, ta không bắt gặp những sự oán than cay nghiệt đó mà vẫn chỉ là sự lặng thầm ray rứt với
- bản thân: Giận cái ngây thơ tự lúc đầu Thấy rằng tường giậu chẳng ngăn nhau Ai hay rẽ thúy chia uyên ấy Còn bức thành cao giữa khó giàu (Gần nhà xa ngõ) 1.1.2. Không vồ vập ca ngợi ái tình, không bị cuốn theo làn sóng thơ tình ái mà thơ Yến Lan giai đoạn này, hay nói cho chính xác là khuynh hướng thơ của Yến Lan ngay từ thuở ban đầu cầm bút chính là lấy cuộc sống của mình, lấy cảnh sắc quê hương làm đề tài trong các sáng tác. 1.1.2.1. Tác phẩm đầu tiên đưa Yến Lan đến với công chúng chính là bắt nguồn từ hoàn cảnh đặc biệt của bản thân. Từ tiếng gọi đò của cậu bé mỗi ngày khi mang thức ăn cho mẹ đang bị ốm ở bên kia sông, cho đến tiếng gọi đò thê thiết trong đêm đi báo tin mẹ qua đời. Tiếng gọi đò ấy dội vào tâm trí tuổi thơ, đi suốt cả cuộc đời của thi sĩ như một nối niềm khắc khoải, đớn đau, oán trách. Để rồi tiếng gọi đò ấy đi vào thi phẩm làm run rẩy bao tâm hồn, níu lòng người lại để đi tìm Bến My Lăng Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách Gọi đò - thôi, run rẩy cả ngành trăng… (Bến My Lăng) Ngày xưa, khi Tú Xương “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” thì bỗng “giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, đó là sự tưởng nhớ về những kỉ niệm êm đẹp của cuộc sống miền thôn quê, tiếng gọi đò của khách sang sông khi dòng sông chưa bị lấp, đồng quê chưa bị đô thị hóa, tiếng gọi trong tiềm thức đó là một sự tiếc nhớ. Còn trong văn học giai đoạn 30 -45 này có hai bài thơ cùng chứa đựng những tiếng kêu não nùng trong đêm vắng. Độc giả yêu thơ có lẽ không quên những âm thanh não nùng của hàng trăm con quạ giật mình kêu hoảng loạn trong bóng đêm qua bài thơ Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn.
- Từ Ô Y Hạng rủ rê sang, Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng… Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng Bồn chồn thương kẻ nương sòng bạc. Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng. Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi Tình hoang mang gợi tứ hoang mang… Tiếng của một đàn quạ kêu rộn lên ở những bờ tre cạnh sông Côn nằm trên chặng đường từ An Vịnh về Phú Phong đã gây cho Quách Tấn một ấn tượng mạnh mẽ, suốt đời ông vẫn nhớ, nó khiến ông viết hẳn một bài thơ Đường nổi tiếng mà nhiều người phải bàn đến. Giữa đêm khuya, tiếng đàn quạ kêu thật ấn tượng, tiếng kêu ấy thật não nùng trong làng Thơ mới ngày ấy. Thế nhưng cái âm thanh trong bóng đêm ấy so với tiếng gọi đò làm “run rẩy cả ngành trăng” kia thì có lẽ tiếng gọi đò ngày ấy nó không chỉ ám ảnh suốt phần đời của tác giả mà nó cũng làm khắc khoải bao lớp người yêu thơ. Nó đưa Yến Lan bước lên thi đàn của dân tộc, đóng dấu khai sinh tên gọi cho một miền sông nước bằng Bến My Lăng. Một tuổi thơ sớm chịu mồ côi đến hoàn cảnh sống đặc biệt của bản thân mình cũng được Yến Lan bộc bạch : Đây tôi sống trong xanh nghiêm thánh thất Đèn lưu ly hao sáng mộng tràn đầy Lan can đỏ xuống dần từng bậc bậc Hồn cuộn dần bậc bậc khói hương xây Hồn tôi loảng trên bệ vàng thếp chảy, Cùng hồn trưa quấn quýt lấy giao lân. Tám phương bạn – chợp hàng mi – mộng thấy
- Xứ tâm tình, vàng rộn lá thu phân. (Bình Định 1935) Mẹ mất sớm, nhà nghèo, cha làm thủ từ ở Chùa Ông, gia đình cũng phải nương nhờ nơi mái chùa ấy. Tuổi thơ gắn liền với việc hương khói của cha nơi điện Phật, thế nên bạn bè quấn quýt trong giấc mơ nhiều khi lại chính là những linh vật trong huyền thoại và cũng bởi một phần phận nghèo nên không ai muốn cho con kết bạn cùng. Cũng chính cái cảnh nghèo khó ấy khiến những bâng khuâng xao xuyến buổi đầu rung động nhiều khi thật bẽ bàng. Chàng hăm hở “băng đồng” đi hái hoa để tặng người, thế nhưng cái dáng “thư sinh lam lũ”, nghèo nàn cộng với bó hoa đồng nội thì người ở lầu cao kia “đâu dễ động tình” dù chàng đã đợi chờ đến khi hoa héo, đến độ “chòm mây trên đỉnh núi” kia cũng héo theo. Vậy mà, chàng có trách ai đâu, chỉ âm thầm tự trách mình quá đỗi vụng về nên chỉ hiểu được hoa thôi: Trở lại cành trơ, tự hổ ngươi Giá hoa còn đấy, hẳn đang tươi Vụng về đến phải vô duyên vậy Bởi hiểu hoa thôi chẳng hiểu người. (Hoa tặng) 1.1.2.2. Tuy nhiên, hoàn cảnh riêng ấy không làm giảm đi tình cảm của chàng với mảnh đất Bình Định thân yêu. Hầu như những thi phẩm trong giai đoạn này của Yến Lan chính là thiên nhiên, cảnh sắc quê hương Bình Định với muôn hình muôn vẻ. Một mảnh đất cằn cỗi khiến người ta không thể nào gieo trồng được gì cả, người phải bỏ hoang, thành “đất góa”, “ruộng mồ côi”. Bởi cây cối nào có thể trụ được với đất sỏi, đồi trọc ấy. Sự cằn cỗi đến đỗi mà “chuối chực bồng con, thân đã cỗi”, “ngọn tre” không vượt lên nổi “lùm gai”: Ở đây đất góa, ruộng mồ côi Cao, thấp chen chân những lũng đồi: Gò Hội, gò A nung sỏi đỏ
- Gò Nghiêm, gò Mỹ trọc mưa trôi! (Én Đào) Chính cái cằn cỗi ấy mà không chỉ thực vật, động vật mà đến những sinh vật phù du cũng khó tồn tại: Lặn lội – cò, le vẫn đói mồi Bàu Đưng, bàu Gốc mảng bèo phơi Bàu Hồ cỏ vượt, bàu Sim cạn Cái tép con tôm cũng lạc loài (Én Đào) Một cái tỉnh nhỏ không có sức sống, mà chỉ qua một đoạn thơ ngắn, tác giả đã khái quát được sự mòn mỏi, đìu hiu, bế tắc của nó mà nói như tác giả Đỗ Lai Thúy đó là: “Chỉ bằng mấy chục câu thơ mà Yến Lan đã làm được cái mà một nhà văn xuất sắc như Nam Cao cũng phải dựng hẳn một thiên tiểu thuyết “sống mòn” nổi tiếng” [96, tr.376] Tỉnh nhỏ, Võ vàng Nắng thắt ngang hầu thị trấn Gập ghềnh trên đường vắng: Cuộc đời – hay cỗ xe bò- Nhắm về phía mả mồ Chậm rãi lê từng bước một. (Lại về tỉnh nhỏ) Người ta thường ví cuộc đời với muôn vàn những danh từ mĩ miều khác nhau, vậy mà ở đây ngay tại cái thị trấn này, sự ngưng đọng, bế tắc của cuộc sống đến mức tác giả ví nó như cỗ xe bò, chưa hết, cỗ xe bò ấy đang chậm rãi lê từng bước về phía mã mồ. Một cuộc sống không hề còn có ý nghĩa, không tương lai, không đợi chờ.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 257 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 302 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 213 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 114 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 153 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 143 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 100 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 170 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 143 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 122 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 157 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 146 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 122 | 13
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 81 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
91 p | 62 | 7
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn