
194
động như một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai bên dựa trên các điều khoản và
điều kiện. Hợp đồng được ký và xác minh bằng mật mã bằng cách sử dụng chuỗi blockchain,
nhưng cả người lẫn máy đều có thể đọc được. Chẳng hạn, giả sử các điều khoản của trái phiếu
được viết bằng cách dùng hợp đồng Ricardian. Hợp đồng này về cơ bản biến trái phiếu thành
cơ sở dữ liệu của riêng nó với các dữ liệu khác bao gồm tên của trái phiếu, nhà phát hành, chủ
sở hữu, mệnh giá, v.v. Cơ sở dữ liệu chứa tất cả các chi tiết của thỏa thuận ban đầu, nhưng ở
dạng kỹ thuật số với các mẫu có thể đọc được bằng máy. Hợp đồng sau đó được ký điện tử với
các khóa riêng để dễ dàng nhận dạng. Bất cứ chủ thể hoặc hệ thống nào muốn truy cập các chi
tiết của trái phiếu chỉ cần tìm kiếm các từ khóa này.11 Hợp đồng này nhằm mục đích thống nhất
giữa ngôn ngữ và mã kỹ thuật, chúng được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên nhưng có thể được xử
lý bằng phần mềm để thực thi những điều khoản của hợp đồng.12
Thứ hai, khi các bên trong quan hệ không lựa chọn pháp luật để áp dụng đối với hợp
đồng thông minh có yếu tố nước ngoài.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận lựa chọn luật rõ ràng hoặc thoả thuận chọn
luật ngầm định (tức là không có dấu hiệu nào về ngụ ý của các bên căn cứ theo điều khoản liên
quan đến hợp đồng cũng như căn cứ trên bằng chứng thực tế), toà án sẽ phải đánh giá một cách
khách quan dựa trên toàn bộ hoàn cảnh trong vụ việc để xác định pháp luật có mối liên hệ gắn
bó nhất. Trong những trường hợp như thế, pháp luật của phần lớn các nước Châu Âu đều có
một quy định ngoại lệ: “Nếu một sự kiện pháp lý có các yếu tố thể hiện sự gắn bó nhất với một
quốc gia khác, không phải quốc gia được chỉ ra bởi quy định xung đột, thì pháp luật của quốc
gia có mối quan hệ gắn bó nhất sẽ được áp dụng”13.
Khoản 1 Điều 4 Quy tắc Rome I xây dựng tám loại hợp đồng cụ thể (hợp đồng mua bán
hàng hoá, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng mua bán tài sản
qua đấu giá, hợp đồng thuê nhà gắn với bất động sản trong thời gian ngắn, hợp đồng phân phối,
hợp đồng liên quan đến bất động sản và hợp đồng được ký kết theo hình thức đa phương), tương
ứng cho mỗi loại hợp đồng là mối liên hệ gắn bó riêng trong trường hợp xác định luật cho hợp
đồng đó. Việc xác định luật có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng là việc xác định bên thực
hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng, hơn nữa còn đưa ra mục đích bảo vệ bên yếu thế của hợp
đồng, bảo đảm trật tự công cộng để xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng.
Hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để hỗ trợ hoặc thực hiện các hợp đồng trên,
hoặc để giám sát thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Việc áp dụng trực tiếp Quy tắc Rome I cho hợp
đồng thông minh sẽ có thể thực hiện được nếu bản thân hợp đồng thông minh có tính ràng buộc
về mặt pháp lý. Ngược lại, điều này có thể xảy ra nếu phần mềm và mã được sử dụng để ký kết
hợp đồng và nếu hợp đồng được thể hiện toàn diện và độc quyền trong mã phần mềm.14
2.2. Xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng thông minh theo pháp luật Trung
Quốc
Hợp đồng thông minh được sử dụng rộng rãi trong cài đặt blockchain và phi tập trung, là
hợp đồng tự thực hiện có thể theo dõi, cho phép thanh toán có điều kiện, thanh toán được bảo
đảm và các trường hợp sử dụng phức tạp khác. Trung Quốc đã kích hoạt chức năng hợp đồng
thông minh cho đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương - đồng nhân dân tệ kỹ thuật số,
11 https://learn.bybit.com/vi/defi/how-are-ricardian-contracts-different-from-smart-contracts, truy cập ngày
23/1/2023.
12 Lê Thanh Huyền (2022), Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thông minh có yếu tố nước ngoài theo tư pháp
quốc tế một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, tr.24.
13 Paul Lagarde (1993), L’européanisation du droit international privé – Conflits de lois, RDCAI, tr. 8.
14 Giesela Rühl (2019), The Law Applicable to Smart Contracts, or Much Ado About Nothing, University of
Oxford, https://blogs.law.ox.ac.uk/business-law-blog/blog/2019/01/law-applicable-smart-contracts-or-much-ado-
about-nothing, truy cập ngày 25/1/2023.