intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thành tựu kinh tế Việt Nam 2015 và những thách thức trong giai đoạn 2016-2020

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

44
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này tập trung vào nhận diện những thành công và những thách thức của nền kinh tế Việt Nam hiện nay qua đó cũng có những gợi ý ở mức độ định hướng cho việc khắc phục - vượt qua những thách thức để các cơ quan của Đảng và Nhà nước có thể tham khảo trong hoạch định chính sách và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát huy thành tựu năm 2015 tiếp tục đà tăng trưởng hoàn thành mục tiêu do Đại hội XII của Đảng đặt ra.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thành tựu kinh tế Việt Nam 2015 và những thách thức trong giai đoạn 2016-2020

  1. THÀNH TỰU KINH TẾ VIỆT NAM 2015 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC TRONG GIAI ĐOẠN 2016-2020 GS.TS. Trần Minh Đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Năm 2015 đã trôi qua, bức tranh kinh tế Việt Nam, nhìn một cách khái quát, có nhiều gam màu sáng (thành công) đáng ghi nhận, nhưng chưa phải đã hết gam màu tối (thách thức) và do đó, phía trước cũng còn nhiều thách thức liên quan đến cả triển vọng ngắn và dài hạn. Bài viết này tập trung vào nhận diện những thành công và những thách thức của nền kinh tế Việt Nam hiện nay qua đó cũng có những gợi ý ở mức độ định hướng cho việc khắc phục - vượt qua những thách thức để các cơ quan của Đảng và Nhà nước có thể tham khảo trong hoạch định chính sách và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát huy thành tựu năm 2015 tiếp tục đà tăng trưởng hoàn thành mục tiêu do Đại hội XII của Đảng đặt ra. 1. Những thành công nổi bật Trước hết, phải kể đến sự tăng trưởng trên mức mong đợi của nền kinh tế. Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 đạt 6,68% (Thời báo Kinh tế Việt Nam, số 311 (4812) - thứ Ba - 29/12/2015). Mức tăng này vượt xa so với mục tiêu đề ra là 6,2%. Mức tăng trưởng này cũng là mức cao so với thế giới và khu vực. Thành công thứ hai phải kể đến là mức lạm phát thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Mức lạm phát không chỉ ở dưới ngưỡng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội kỳ vọng (dưới 5%) mà theo công bố mới nhất trong buổi họp báo của Tổng cục Thống kê (24/12/2015), con số này năm nay chắc chắn không đến 1%. Thậm chí mức lạm phát năm 2015 còn thấp hơn cả mức 0,8% của năm 2001, cao hơn mức “âm” 0,6% của năm 2000 và mức 0,1% của năm 1999. Hai con số, hai thành công trên nói lên nhiều điều. Cụ thể, tương quan giữa mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát của năm 2015, là năm thứ 2 khẳng định: Không nhất thiết phải đánh đổi lạm phát cao để có được tăng trưởng kinh tế cao. 75
  2. Năm 2014, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,28%, trong khi tỷ lệ lạm phát chỉ ở mức 1,84%. Năm nay sự tương quan của những con số này là: GDP trên 6,5%, mà lạm phát chỉ ở mức 0,63% (Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, Báo Thanh niên số 359 (7307) Thứ sáu 25.12.2015). Quan hệ của 2 con số này cho phép các cơ quan lãnh đạo và điều hành nền kinh tế đất nước cũng như các nhà khoa học Việt Nam có thêm bằng chứng thực tiễn khẳng định rằng để có tốc độ tăng trưởng cao không nhất thiết phải có lạm phát cao và càng không nhất thiết tốc độ lạm phát phải cao hơn tốc độ tăng trưởng. Từ bằng chứng thực tiễn này cộng thêm bằng chứng đối nghịch là lạm phát cao cũng không thể có tăng trưởng cao của những năm 2008 (23% và 5,6%), năm 2012-2013 (trên 6% và 5 - 6%). Bằng chứng thực tiễn cho quan hệ này là điều hết sức có ý nghĩa cho chỉ đạo điều hành nền kinh tế nước ta trong tương lai. Về mối tương quan này, cũng cần phải nói thêm rằng, theo kinh nghiệm của các nước NICS và nhiều quốc gia trên thế giới, giữ cho được lạm phát thấp là điều có ý nghĩa tiên quyết và là điều luôn phải ưu tiên. Lạm phát là một chỉ tiêu hết sức tổng hợp về tính ổn định và là chuẩn mực của tính toán hiệu quả không chỉ của điều hành kinh tế vĩ mô mà cả của hoạt động kinh doanh. Lạm phát thấp trước hết là một động lực rất lớn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Lạm phát thấp cũng phản ánh sự ổn định của đồng tiền - ổn định thước đo giá trị của mọi tính toán và cân nhắc khi ra các quyết định kinh tế cả về phương diện sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng, đặc biệt tạo ra niềm tin đối với điều hành của Chính phủ. Việc có được mức lạm phát thấp như năm 2015, thực ra có các nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân ngắn hạn và những nguyên nhân dài hạn - từ những năm trước đó. Theo lý giải của Tổng cục Thống kê có 5 nguyên nhân chủ đạo làm cho lạm phát năm nay của Việt Nam đạt mức thấp: Nguồn cung lương thực dồi dào; giá nhiên liệu thị trường thế giới giảm sâu; mức độ điều chỉnh giá nhóm các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục thấp hơn trước; tâm lý của người tiêu dùng ngày nay có sự cân nhắc kỹ càng hơn; điều hành của Chính phủ và NHNN đã linh hoạt và chủ động hơn. Đây là những nguyên nhân xác đáng, nhưng liệu đã bao quát hết chưa? Theo chúng tôi, thành tựu của năm 2015, chắc chắn phải có những nguyên nhân của cả một quá trình liên tục có các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ- CP của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” ngày 24 tháng 02 năm 2011 và 76
  3. được duy trì liên tục trong các chương trình hành động của Chính phủ suốt từ đó cho đến nay. Thành tựu trên đây của kinh tế Việt Nam là rất đáng phấn khởi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi rất chậm chạp, ngoại trừ nền kinh tế Mỹ đang phục hồi trở lại, còn các nền kinh tế lớn của EU, Nhật Bản… vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà nền kinh tế Việt Nam bị phụ thuộc rất nặng nề, năm qua đã thực hiện sự phá giá nhiều lần của đồng Nhân dân tệ và lại đang rơi vào tình trạng giảm sút đà tăng trưởng, nhưng nền kinh tế Việt Nam, hầu như, không bị ảnh hưởng mà lại vẫn tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cao là điều rất đỗi tự hào. Nhưng thành tựu và niềm vui trên đây liệu duy trì đến bao giờ? Năm 2016 và những năm tiếp theo chúng ta sẽ gặp những thách thức nào? Để trả lời câu hỏi trên không chỉ nhìn vào thực trạng thành công của năm 2015 mà cũng phải nhìn đến cả những thách thức từ những điều chưa thành công trong suốt nhiệm kỳ 5 năm (2011-2015) trong đó có năm 2015 trong công tác điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. 2. Những thách thức và gợi ý Trong suốt thời kỳ từ 2011-2015 và năm 2015 việc điều hành kinh tế - xã hội đất nước của Chính phủ, ngoài gam màu sáng đạt được kết quả như trên, sự phát triển kinh tế Việt Nam năm 2015 còn có cả những gam màu tối. Những gam màu tối này phản ánh qua những thách thức của nền kinh tế mà năm 2016 và những năm tiếp theo phải tìm giải pháp vượt qua. Dưới đây liệt kê những thách thức điển hình đang cản trở sự phát triển của đất nước trong ngắn hạn cũng như dài hạn, đó là: Một là, vẫn chưa có sự đổi mới đáng kể nào về tư duy lựa chọn cơ sở lý thuyết của sự phát triển đất nước. Điều này được thể hiện ở chỗ Học thuyết Mác - Lê nin vẫn là nền tảng tư tưởng chiếm trọng số áp đảo trong tư duy lãnh đạo sự phát triển đất nước của đảng cầm quyền ngay trong giai đoạn nền kinh tế của đất nước chưa thực hiện thành công công nghiệp hóa, mặc dù lựa chọn cơ chế cho sự phát triển đó là cơ chế thị trường. Như ta đã biết chủ nghĩa xã hội khoa học của Học thuyết Mác - Lê nin và kinh tế thị trường vốn “như nước với lửa”. Điều này đã được K.Mác khẳng định trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Chính vì điều này nên tư duy “kế hoạch hóa tập trung” vẫn ăn sâu và phát triển “bộ rễ cọc” rất chặt chẽ từ việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo và quản lý đất nước cho đến lãnh đạo và quản lý nền kinh tế. “Nhỏ luôn luôn quyết định to”, “ít quyết định cho nhiều”, “thiểu số quyết định cho đa số”, “dân chủ hóa trong sự phát 77
  4. triển” vẫn là điều “sa xỉ”. Chúng ta đang phấn đấu để có sự hòa nhập và tương đồng với nền kinh tế thế giới. Nhưng đồng thời vì e ngại “diến biến hòa bình” vì sợ “hòa tan”, nên chúng ta vẫn duy trì kiên định sự “dị biệt” với những điều văn minh của nhân loại. Tôi cho rằng, tránh “diễn biến hòa bình”, tránh “hòa tan” là hoàn toàn đúng đắn và chuẩn mực. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Phải chăng là chống những cái xấu, những cái tiêu cực, những cái không phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam…du nhập vào nước ta, còn những cái gì thuộc văn minh của nhân loại thì ta cần chủ động khai thác, chủ động hòa nhập. Về tư duy lựa chọn nền tảng lý thuyết cho sự phát triển đất nước, phải chăng, đã đến lúc ta phải chọn tất cả những lý thuyết kinh tế văn minh cho sự phát triển trong đó có Học thuyết Mác- Lê nin. Còn trọng số dành ưu tiên cho lý thuyết nào là tùy thuộc vào từng giai đoạn và trình độ phát triển của đất nước. Tư duy lý luận về sự phát triển nếu được hình thành và thay đổi theo hướng đó chắc chắn sẽ là “nút thắt” đầu tiên và quan trọng nhất “cởi trói” cho sự phát triển tương lai của đất nước một cách nhanh chóng và đúng quỹ đạo. Hai là, kết quả thực hiện ba khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước chưa được như kỳ vọng. Như ta đã biết, từ năm 2011 trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 Đảng ta đã đề ra ba khâu đột phá chiến lược là: “(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Cho đến nay đã được nửa chặng đường, nhưng hình hài của các mục tiêu chiến lược, ngoài một số đường bộ cao tốc và cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Nhà ga T2) đã hoàn thành, còn rất mờ nhạt. Về ba khâu trên, trước hết, phải nói đến quan niệm về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là phạm trù còn chưa đạt được sự đồng thuận giữa trường phải học thuật và trường phái lãnh đạo tối cao của đảng. Ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng cũng không phải đã có được sự nhất trí hoàn toàn, nếu cho phép bày tỏ công khai và tự do chính kiến. Có nhiều vấn đề mang tính quy luật phổ biến của kinh tế thị trường thế giới, nhưng giới học thuật Việt Nam vẫn “bất lực” trước giới lãnh đạo tinh hoa của đất nước trong việc thuyết phục để họ thừa nhận công khai về những luận giải của mình, mà chỉ nhận sự “phủ nhận công khai” 78
  5. bằng cách vẫn giữ nguyên những tư duy mang tính “bảo tồn” về mô hình chủ nghĩa xã hội xô-viết hoặc chấp nhận rất từ từ mang tính “nhỏ giọt” qua nhiều kỳ Đại hội, với lý do “chưa đủ luận cứ”. Như ta đã biết, kinh tế thị trường chỉ có thể ra đời và phát triển, phát huy được tính ưu việt vốn có trên nền tảng của sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân. Chính điều này đã được thể hiện trong tư tưởng của Học thuyết Mác - Lê nin, được chứng minh bằng lịch sử phát triển hàng trăm năm của kinh tế thị trường thế giới, bằng nhiều bằng chứng trong 30 năm đổi mới của đất nước, nhưng chưa bao giờ được thừa nhận chính thức công khai và dứt khoát trong các văn bản của đảng. Các văn kiện của đảng vẫn “kiên định bảo tồn” tư duy: Kinh tế thị trường ở Việt Nam dứt khoát phải duy trì “hồn cốt” chủ nghĩa xã hội, mà đã mang trong mình đặc trưng xã hội chủ nghĩa, thì kinh tế nhà nước (trước đây là kinh tế quốc doanh) phải giữ vai trò chủ đạo, mà thực chất là “ẩn ý” công hữu phải nền tảng, bất chấp thực tế trong 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những doanh nghiệp tư nhân mà chỉ có nó mới đem lại những sản phẩm, dịch vụ tầm cỡ quốc tế. Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, kinh tế tư nhân chỉ được coi là một trong những động lực quan trọng và được xếp ở vị trí thứ tư trong các thành phần kinh tế. Chính vì quan niệm như vậy nên một phần rất lớn các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, mặc dù là sự đóng góp chung của mọi chủ thể kinh tế, nhưng vẫn chỉ được đầu tư cho sự phát triển theo cơ chế “xin - cho” của kinh tế nhà nước - nguồn gốc của tham nhũng và lãng phí “không phanh”. Dù sớm hay muộn không phát triển kinh tế tư nhân đủ tầm cỡ, không thể có cạnh tranh lành mạnh và hệ lụy là không có kinh tế thị trường phát triển và hiện đại. Về cải cách hành chính vẫn là một “cái phanh” quá lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Báo chí gần đây viết khá nhiều về tình trạng người ta bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy cho bằng được” suất biên chế với mức lương “èo uột”. Có phải người ta mua “cái danh, cái tiếng” không? Theo tôi là không. Có thể suy đoán rằng, người ta vào biên chế rồi tìm cách thu lại bằng những con đường “ngoài lương”. Ở Việt Nam hiện nay, mọi nghề nghiệp có được bằng con đường “đầu tư” ắt phải có “con đường và cơ chế” thu để bù đắp chi phí và sinh lời. Chỉ có cơ chế hiện hành “cố tình” không phát hiện hoặc không muốn phát hiện mà thôi. Đây là gốc dễ của vấn đề trì trệ, khó dễ trong thực thi công vụ, buộc người dân và doanh nghiệp phải dùng đến sức mạnh của cơ chế “phong bì, bôi trơn”, nếu muốn được việc. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng cải cách chậm chạp và rất khó đối với thủ tục hành chính ở nước ta hiện nay. Trong thời gian gần đây, Chính phủ kiên quyết nên có đổi mới được một bước về thủ tục 79
  6. hành chính thuế và hải quan, nhưng người dân và doanh nghiệp còn phải chịu bao nhiêu “cái gông” khác của tất cả các dịch vụ thuộc về thủ tục hành chính và đến bao giờ chính phủ mới cải cách hết được được, nếu không có cơ chế công khai, dân chủ, minh bạch trong tuyển dụng, giám sát mức độ hoàn thành công việc và đào thải cán bộ hành chính yếu kém và biến chất. Đơn cử như tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở, chỉ rộ lên khi Quốc hội chuẩn bị chất vấn. Khi đó, cán bộ cấp dưới báo cáo các thông tin mang nặng “chủ nghĩa thành tích” cho cán bộ cấp trên, cấp hành chính địa phương cũng làm tương tự như vậy với cơ quan hành chính cấp trên về tỉ lệ hoàn thành, sau đó tình trạng lại nguyên như cũ. Thậm chí, người ta găm sổ đỏ của dân để vòi vĩnh. Rõ ràng nền hành chính như vậy chưa phải là nền hành chính phục vụ dịch vụ mà vẫn có những hiện tượng là nền hành chính “bảo kê”, nền hành chính “kiếm chác”, “trục lợi”, nên không thể cải cách nhanh chóng được. Chính vì tất cả thực trạng trên nên Việt Nam vẫn tiếp tục được xếp hạng là quốc gia có thứ hạng cao trong phòng chống tham nhũng, mà trong những ngày gần đây Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cũng phải thừa nhận sự yếu kém của công tác này trong những năm qua. Đây vẫn tiếp tục là một gam màu tối dài hạn của nền kinh tế và do đó nó còn tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam không chỉ năm 2016 mà còn lâu và xa hơn nữa, nếu không cải cách triệt để từ gốc rễ. Con đường và giải pháp để thoát khỏi tình trạng trên chỉ có thể là nâng cao quyền lực của nhân dân một cách thực chất, kiểm soát chặt thu nhập của quan chức, đánh thuế tài sản thừa kế. Tất nhiên, đây không hề là việc dễ, vì bọn tham nhũng hiện nay rất tinh vi và ranh mãnh, chúng biến tài sản tham nhũng dưới dạng “núp danh”. Điều này, nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc - Tập Cận Bình. Về đột phá chiến lược thứ ba: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Rõ ràng không thấy dấu hiệu nào của sự phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì giáo dục đào tạo vẫn loay hoay với đề bài đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. Trên thực tế chúng ta vẫn chưa có một triết lý rõ ràng về hướng đi cho một nền giáo dục đẳng cấp, chưa có một mô hình tham khảo đủ sức thuyết phục. Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ loay hoay với việc quản lý những hoạt động thường niên của ngành giáo dục đã tạo nên “sức nóng” bởi những cải tiến, đổi mới thiếu cân nhắc triệt để những tác động dây chuyền. Học sinh thì, hầu như, buộc phải trang bị hết kiến thức của nhân loại “càng sớm càng tốt”. Con của cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hình như, chủ yếu được đưa đi đào tạo ở nước ngoài (bậc đại học) để biến thành “nguồn nhân lực chất lượng cao”, còn con em đại đa số dân chúng thì được đào 80
  7. tạo ở các trường trong nước và sau tốt nghiệp một tỷ lệ không nhỏ, không kiếm nổi việc làm. Phải chăng, cần phải có một triết lý giáo dục phù hợp hơn cho từng cấp học. Đối với bậc tiểu học nên tập trung vào giáo dục “làm người”, đối với bậc trung học cơ sở kết hợp giữa giáo dục “làm người và trang bị kiến thức cơ bản, cấp học trung học phổ thông nặng về trang bị kiến thức cơ bản, còn ở bậc đại học thì tập trung cho kiến thức nghề. Hơn nữa, ở bậc đại học cần có cấu trúc lại, vì số trường hiện nay quá nhiều, do nhiều năm “thả phanh” trong bối cảnh điều kiện học tập và giảng dạy quá nghèo nàn. Muốn có trình độ trò đẳng cấp quốc tế thì thầy cũng phải đẳng cấp quốc tế và điều kiện học tập và giảng dạy cũng phải đạt đẳng cấp quốc tế. Rõ ràng là, nhìn vào bức tranh hiện nay thì “ba trụ cột” còn lâu mới có sức “đột phá”, nếu không có một chiến lược rõ ràng, cụ thể, kiên quyết, thực chất và nhanh chóng hơn. Ba là, kết quả tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được kết quả rõ ràng và đáng kể. Nhìn một cách trực diện, đối mặt với xu hướng hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới và khu vực, nền kinh tế Việt Nam càng tỏ ra yếu thế về năng lực cạnh tranh để đón bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Bên cạnh đó, do tác động không ngừng nghỉ của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới làm lộ diện một cách rõ hơn những khiếm khuyết trong việc lựa chọn mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn và lao động của nền kinh tế nước ta dẫn đến đòi hỏi tất yếu phải tái cấu trúc lại và kết hợp với lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Đây là quyết định sáng suốt và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này được triển khai một cách liên tục suốt từ năm 2014-2015 trên ba lĩnh vực đầu tư, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước. Do đó, thành tựu phát triển kinh tế của năm 2015 ít nhiều có đóng góp của quá trình này. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, kết quả của tái cấu trúc vẫn chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt. Chẳng hạn, tái cấu trúc đầu tư, đặc biệt là đầu tư công vẫn chưa hé lộ một một chủ thuyết rõ ràng là tái cấu trúc như thế nào để đảm bảo đầu tư đúng hướng, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm bội chi ngân sách. Đầu tư công vẫn dàn trải, sử dụng đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát lãng phí còn lớn. Không ít các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách rồi bỏ không hoặc không phát huy hiệu quả như mong đợi. Liên quan đến tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng, trước hết phải nhìn toàn hệ thống ngân hàng, thì trong suốt 4 năm (2011 - 2015) dưới sự điều hành kiên quyết của Chính phủ và giám sát chặt chẽ của NHNN thị trường tiền tệ đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận như: Chống được hiện tượng “vàng hóa” và “đô la hóa”, tỉ giá được điều hành linh 81
  8. hoạt, đảm bảo sự ổn đinh của giá trị đồng tiền trước nhiều áp lực, kéo được lãi suất tiền vay từ 18,3% (2011) có lúc vượt lên 20-25% xuốn thấp như hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng có những ngân hàng, lên tới 23-50% ở một số thời điểm nay đã trở về mức 17-18% như hiện nay. Tuy nhiên, trong điểm yếu của của tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, thì ngoài việc sát nhập mua lại với giá “0” đồng một số ngân hàng kinh doanh kém thì một trong những vấn đề “nóng” và nhiệm vụ nặng nề của hệ thống này đó là tình trạng nợ xấu. Mặc dù, theo thông báo của NHNN, nợ xấu đã được kéo từ mức 17,2% (2012) xuống dưới 3%, nhưng hình như nội tình của khoản nợ này vẫn chỉ dừng ở việc “găm lại” ở đâu đó chứ không phải đã được khắc phục triệt để. Đây chắc chắn phải là công việc cần tháo gỡ nốt của năm 2016. Nhưng dù sao, cũng phải thừa nhận việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng có sự thành công nổi bật nhất trong 3 lĩnh vực được lựa chọn để thực hiện tái cấu trúc. Cuối cùng, đó là việc tái cấu trúc DNNN. Có thể nói công việc này đạt được kết quả thấp nhiều so với kỳ vọng. Đến nay chưa có đánh giá mới nhất, nhưng chắc chắn hai chủ đề trọng tâm mà Chính phủ nêu ra là thoái vốn và cổ phần hóa đều không hoàn thành mục tiêu. Đây cũng vẫn sẽ là những công việc của năm 2016 và những năm tiếp theo. Thời gian của công việc này dài hay ngắn tùy thuộc vào quyết tâm và kiên quyết của Chính phủ. Vì cho đến nay chưa thấy lãnh đạo nào bị cách chức do không hoàn thành mục tiêu thoái vốn và cổ phần hóa như “lời đe” Thủ tướng đã từng đặt ra. Trên đây ta mới điểm qua từng nội dung của tái cấu trúc. Nếu gắn các nội dung này với lựa chọn mô hình tăng trưởng thì các kết quả đạt được ở trên chắc chắn còn xa so với yêu cầu. Nhưng cũng khó đánh giá với yêu cầu “2 trong 1” này. Bởi cho đến nay kể cả định hướng, lựa chọn “đường đi, nước bước” cho việc tái cấu trúc và mô hình tăng trưởng nền kinh tế vẫn là điểm nghẽn. Câu chuyện, hầu như chỉ dừng ở việc đề xuất chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu là “chấm hết”. Cũng đã có những “hé lộ” về việc lựa chọn những ngành nghề “mũi nhọn” để thực hiện tái cấu trúc và “hàm ý” cho mô hình tăng trưởng, trong từng ngành, từng lĩnh vực cũng đã có những định hướng tái cấu trúc, nhưng những chủ trương, đề xuất, định hướng đó chưa biến thành những đề án cụ thể, hoặc nếu có đề án nhưng không có hoặc chưa chuẩn bị, chưa tạo được nguồn lực, động lực và cách thức tổ chức thực hiện theo đuổi đến cùng. Nên nhìn chung, hình hài của mô hình tăng trưởng và nền kinh tế sau tái cấu trúc còn rất mờ nhạt. Chính vì vậy, tái cấu trúc của những năm qua chỉ dừng ở việc tập trung khắc phục những “lệch lạc” trong quá khứ và đối phó với những tình huống mới phát sinh. Đây chắc 82
  9. chắn phải là những công việc của năm 2016 và những năm tiếp theo. Chỉ có tập trung nhận diện rõ nét mô hình tăng trưởng theo chiều sâu cần có các cấu trúc như thế nào, từ đó có các đề án cụ thể về mục tiêu, kế hoạch, lộ trình, nguồn lực, tổ chức thực hiện quyết liệt và theo đuổi đến cùng thì mới hy vọng thành công. Thực ra thì, chúng ta không có lựa chọn nào khác khi Việt Nam đã chính thức đặt chân vào Cộng đồng ASEAN và thời hiệu có hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do: TPP, Việt Nam - EU… không còn xa, cho nên ngay từ đầu năm 2016 phải bắt tay ngay vào những chủ đề này kết hợp với triển khai nhiệm vụ theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Bốn là, kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn những bất ổn nội sinh: Bội chi ngân sách vẫn cao, nợ công vẫn tiếp tục tăng và chưa có quy chế kiềm chế và kiểm soát hữu hiệu, nhập siêu vẫn cao (Năm 2015 là 3,2 tỷ USD), xuất khẩu của hệ thống doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo (Năm 2015 là 115,1 tỷ USD/162,4 tỷ USD = 70,78% - Thời báo Kinh tế Việt Nam, số 310 - thứ Hai - 28/12/2015), nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc mà chưa tìm được “lối thoát” (Năm 2015 nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD - Thời báo Kinh tế Việt Nam, số 311- thứ Ba - 29/12/2015)… Đây cũng là những áp lực đe dọa sự ổn định của kinh tế vĩ mô và do đó tới tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm. Chính phủ nhiệm kỳ mới cần có những giải pháp quyết liệt hơn, lộ trình cụ thể hơn để hóa giải từng hạn chế trên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. NXB Chính trị quốc gia, 2011, trang 106 2.Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ 3.Thời báo Kinh tế Việt Nam, số 307, 308 - 309, 310 và 311 4. Báo Thanh niên, số 359 (7307) 83
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0