
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Vấn đề môi trường được coi là một nhân tố không thể thiếu trong quá
trình phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, suy thoái môi trường đang
trở thành một trong những vấn đề bức xúc nổi cộm, không chỉ của người dân
Việt Nam mà còn liên quan đến sự phát triển bền vững và ổn định chính trị toàn
cầu. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi cần có sự chung tay hợp tác của các
nước trên thế giới, bởi đây là vấn đề toàn cầu, một quốc gia không thể tự mình
giải quyết vấn đề của chính quốc gia đó mà không có bất cứ mối liên hệ nào với
quốc gia khác. Hợp tác quốc tế là một trong những nguyên tắc căn bản của luật
pháp quốc tế. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là lựa chọn tất
yếu để nhân loại giải quyết các vấn đề môi trường có tính liên quan toàn cầu, ứng
phó với các thảm họa môi trường. Tại Việt Nam hiện nay, Quốc hội, các bộ
ngành, địa phương, trong đó góp phần quan trọng nhất là Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo vệ môi
trường, đưa chúng vào cuộc sống, tạo hành lang và cơ sở pháp lý cho các hoạt
động quản lý và thực thi về bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả hơn. Tuy
nhiên, các chính sách, quy định về hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này
chưa được xây dựng như một loại chính sách độc lập mà mới chỉ được đề cập
đến trong những chính sách về bảo vệ môi trường. Quá trình thực hiện chính
sách hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường vẫn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế.
Với tất cả những lý do đó, nghiên cứu sinh lựa chọn vấn đề “Thực
hiện chính sách hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường ở Việt Nam” làm đề
tài luận án.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
- Đánh giá tình hình thực hiện chính sách hợp tác quốc tế về bảo vệ môi
trường tại Việt Nam trong thời gian qua.
- Chỉ ra được những thành tựu và những hạn chế cũng như nguyên nhân
hạn chế của quá trình thực hiện chính sách hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường,
làm cơ sở đề xuất giải pháp tăng cường thực hiện chính sách này cho các cấp
quản lý nhà nước trong giai đoạn tới.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan
đến đề tài luận án. Từ đó chỉ ra khoảng trống nghiên cứu và xác định những
vấn đề nghiên cứu của đề tài.