intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 3: Phép dưỡng sinh

Chia sẻ: Nguyen Hoang | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

145
lượt xem
28
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 3: Phép dưỡng sinh 1 Đời người thì có hạn mà tri thức thì vô cùng. Đem cái có hạn mà đuổi cái vô cùng thì tinh thần sẽ mệt mỏi; đã mệt mỏi mà không ngừng nữa thì sẽ chết mất. Làm điều thiện thì bị luỵ vì danh tiếng, làm điều ác thì chịu khổ vì hình phạt. Chỉ người nào giữ được đạo trung[1] là bảo toàn được thân, mệnh, mà phụng dưỡng được cha mẹ, sống được trọn tuổi trời. 2 Một tên bếp[2] của vua Văn Huệ[3] mổ bò, hai tay hắn nắm...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 3: Phép dưỡng sinh

  1. TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 3: Phép dưỡng sinh 1 Đời người thì có hạn mà tri thức thì vô cùng. Đem cái có hạn mà đuổi cái vô cùng thì tinh thần sẽ mệt mỏi; đã mệt mỏi mà không ngừng nữa thì sẽ chết mất. Làm điều thiện thì bị luỵ vì danh tiếng, làm điều ác thì chịu khổ vì hình phạt. Chỉ người nào giữ được đạo trung[1] là bảo toàn được thân, mệnh, mà phụng dưỡng được cha mẹ, sống được trọn tuổi trời. 2 Một tên bếp[2] của vua Văn Huệ[3] mổ bò, hai tay hắn nắm con vật, đưa vai ra thúc nó, rồi hai chân bấm vào đất, hai đầu gối ghì chặt nó. Hắn đưa lưỡi dao cắt xoẹt xoẹt, phát những âm thanh có tiết tấu y như khúc “tang lâm” và bản nhạc “kinh thủ”[4]. Vua Văn Huệ khen: - Giỏi! Nghệ thuật của nhà ngươi sao mà cao tới mức đó được? Hắn đặt lưỡi dao xuống đáp: - Thần nhờ thích cái Đạo, nên nghệ thuật mới tiến được. Hồi mới học nghề mổ bò, thần chỉ thấy con bò thôi. Ba năm sau, thần không thấy con bò nữa. Lúc này thần
  2. dùng tinh thần hơn là dùng mắt. Cảm quan ngưng lại, chỉ còn tâm thần là hoạt động. Thần biết cơ cấu thiên nhiên của con bò, chỉ lách lưỡi dao vào những chỗ kẽ trong thân thể nó, không đụng tới kinh lạc, gân, bắp thịt[5] của nó, huống hồ là tới những xương lớn. Một người đồ tể giỏi một năm mới làm cùn một con dao, vì chỉ cắt thịt mà thôi. Một đồ tể tầm thường cứ mỗi tháng là cùn một con dao vì phải chặt vào xương. Con dao này đây, thần dùng đã mười chín năm rồi, đã mổ mấy nghìn con bò mà lưỡi còn bén như mới mài. Khớp xương nào cũng có kẽ, mà lưỡi dao thì mỏng. Biết đưa những lưỡi thật mỏng ấy vào những kẽ ấy thì thấy dễ dàng như đưa vào chỗ không. Vì vậy, dùng mười chín năm rồi mà lưỡi dao của thần vẫn bén như mới mài. Mỗi khi gặp một khớp xương, thần thấy khó khăn, thần nín thở[6], nhìn cho kĩ, chầm chậm đưa lưỡi dao thật nhẹ tay, khớp xương rời ra dễ dàng như bùn rơi xuống đất. Rồi thần cầm dao, ngửng lên, nhìn bốn bên, khoan khoái, chùi dao[7], đút nó vào vỏ. Vua Văn Huệ bảo: - Lời tên bếp đó thật hay, nghe rồi ta hiểu được phép dưỡng sinh. 3 Công Văn Hiên thấy viên hữu sư[8], ngạc nhiên hỏi (kẻ tả hữu): - Ai đó? Sao hắn chỉ có một chân? Do trời hay do người đấy? - Do trời chứ không phải do người. Trời sinh ông ấy có một chân còn những người khác thì có hai chân. Vì vậy mà biết là do trời chứ không phải do người[9]. 4
  3. Con trĩ trong chằm, cứ mười bước lại mổ [một thức ăn], trăm bước lại uống, không chịu bị nhốt để người ta nuôi, vì được nuôi, tuy không phải khó nhọc, nhưng không thích[10]. 5 Lão Đam chết, Tần Dật lại điếu khóc ba tiếng rồi ra. Một môn sinh của Lão Đam hỏi: - Ông phải là bạn của thầy tôi không? - Phải. - Điếu như vậy coi được sao? Tần Dật đáp: - Được chứ. Mới đầu ta tưởng những người khóc toàn là người thân cả, bây giờ thấy là không phải[11]. Khi tôi vô điếu, thấy có những người già khóc ông như khóc con, có những người trẻ khóc ông như khóc cha[12]. Ông ấy cư xử với người khác, chắc không cầu họ khen mà họ vẫn khen, không cầu họ khóc mà họ vẫn khóc, như vậy là họ trốn đạo trời, trái chân tình, quên cái bản chân của ông ấy; cổ nhân bảo thế là bị hình phạt của trời. Thầy anh sinh ra là ứng với thời, rồi chết đi là thuận lẽ trời. Vui với thời, thuận đạo trời, thì không bị vui buồn làm dao động trong lòng. Người xưa bảo như vậy là được Trời giải phóng cho. 6 Hết thanh củi này tới thanh củi khác, nhưng lửa vẫn lan tới vô cùng[13].
  4. NHẬN ĐỊNH Muốn được thảnh thơi (tiêu dao) sống trọn tuổi trời (chung kì thiên niên) thì phải biết phép dưỡng sinh, mà phép dưỡng sinh là thuận lẽ trời. Việc đời vô cùng phức tạp, nhưng cứ theo tự nhiên mà thích ứng với nó, điều khiển nó thì không mệt sức, không thương tổn tinh thần (bài 2). Sống chết, tai nạn là lẽ tự nhiên, là mệnh trời, đừng buồn vì những cái đó (bài 5 và có lẽ cả bài 3). Đừng trọng vật chất mà trọng tinh thần, phải giữ tinh thần tự do, thư thái như con trĩ trong bài 4. Sau cùng phải giữ đạo trung, đừng làm quá sức mình. Quả là một bài học khôn, chủ trương của Trang khác hẳn của Mạnh tử, nhất là của Mặc tử. Chú thích: [1] Nguyên văn là “duyên đốc”, theo cái mạch “đốc”. Người Trung Hoa cho rằng cơ thể người ta có bảy tĩnh mạch chạy từ trên xuống dưới. Mạch “đốc” ở giữa sáu mạch kia, chạy từ cổ, theo sống lưng xuống. Vì vậy theo mạch “đốc” có nghĩa là giữ đạo trung, không thiên lệch, không thái quá. [2] Nguyên văn: bào đinh. Chữ đinh ở đây không phải là tên người, mà là một tiếng chỉ chung hạng dân tầm thường. [3] Các sách đều chú giải rằng vua Văn Huệ ở đây là Lương Huệ vương. [4] Tang lâm và Kinh thủ là tên những bản vũ nhạc thời cổ. [5] Theo L.K.h nghĩa là lách theo những chỗ bắp thịt dính vào xương. Có sách giảng là gân và đốt xương. [6] Nguyên văn: truật nhiên nghĩa là sợ sệt, ngại ngùng, phải cẩn thận lắm. [7] Nguyên văn: thiên đao. V.P.C. giảng như vậy.
  5. [8] Một chức quan. [9] Viên hữu sư ấy bị chặt chân vì có tội, nhưng đó là do mệnh trời bắt phải vậy, cho nên bảo là do trời. [10] Nguyên văn: thần tuy vương, bất thiện dã. L.K.h. dịch là: Vì vậy nó không ham cái hạnh phúc của một ông vua (?). [11] Trọn đoạn này mỗi sách giảng một khác, mà không có cách nào xuôi cả. Riêng câu này tôi theo D.N.L. H.C.H. dịch là: mới đầu tôi tưởng ông ấy là bậc chí nhân (như thánh nhân), nay biết là không phải. L.K.h. dịch là: Lúc nãy tôi cho ông ấy còn sống, bây giờ ông ấy không còn nữa. Nguyên văn: Thuỷ dã ngô dĩ vi kì nhân dã, nhi kim phi dã. [12] (khóc) cha: bác Vvn cho rằng cụ Nguyễn Hiến Lê đã dịch thoát ý, đúng ra là (khóc) mẹ; nguyên văn cả câu: tiểu giả khốc chi, như khốc kỳ mẫu 少者哭之,如哭其母. Hay là sách in nhầm (khóc) mẹ thành (khóc) cha chăng? [13] Bài này mỗi người hiểu mỗi khác. D.N.L. cho củi trỏ hình thể, ngọn lửa trỏ tinh thần, hình thể mất mà tinh thần không. L.K.h. hiểu là: lửa [do gió] mà lan rộng ra thì không sao dập được. Tôi cho rằng lửa ở đây trỏ sự sống.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2